T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nước Mỹ có còn là mảnh đất của những cơ hội ?

clip_image001

1.

Nước Mỹ có còn là mảnh đất của những cơ hội, nơi những giấc mơ (Mỹ) biến thành hiện thực hay không?

Người Việt Nam có câu nói rất thông dụng: Xấu đẹp tùy người đối diện. Có nghĩa là việc đánh gía vẻ ngòai của một con người tùy thuộc vào con mắt của người ngắm nhìn. Sẽ có người cho là đẹp, trong khi đó lại có kẻ cho là xấu. Cùng khái niệm ấy có thể được dùng để trả lời câu hỏi về nước Mỹ ở trên. Có người trả lời rằng nước Mỹ đã hết còn là mảnh đất để cho cả thế giới mong ước được đến để sinh sống nữa rồi. Nhưng cũng không ít người vẫn khao khát được là công dân Mỹ quốc (1).

Thực ra, cho đến hôm nay, sau cuộc khủng hỏang kinh tế kéo dài và số người thất nghiệp dài hạn không giảm bớt đi bao nhiêu, để trả lời câu hỏi ấy về nước Mỹ chẳng phải dễ dàng gì.

Kể từ cuộc khủng hỏang kinh tế dữ dội năm 1929, chưa bao giờ nước Mỹ đứng trước một viễn cảnh tồi tệ làm phá sản bao luận thuyết về kinh tế như hiện nay.

Có phải mảnh đất của những cơ hội ấy nay đã mất hết những cơ hội rồi chăng?

Khi nói đến những cơ hội, người Mỹ muốn ám chỉ đến những điều kiện để từ đó, một người siêng năng làm việc, học hành, sẽ được bình đẳng đặt chân lên bậc thang xã hội (và kinh tế) rồi từ từ bước dần lên cao hơn nữa. Ở Mỹ, để có vị trí ở nấc thang cao nhất (cả về xã hội lẫn kinh tế), trước đó, người ta phải đặt chân lên được nấc thang thấp nhất. Tiến trình đi từ thấp lên cao và cao ở mức độ nào tùy thuộc vào khả năng mỗi người. Chính ở điểm này, người ta chấp nhận sự không bình đẳng về kinh tế trong xã hội Mỹ.

Theo những nhà kinh tế xã hội học đương thời, thì hình ảnh sau đây đang rất quen thuộc với mọi người. Ở Mỹ hiện nay, sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng lên cao. Kẻ giầu thì ngày càng giầu thêm, còn người nghèo thì vẫn cứ nghèo. Những người thuộc thành phần trung lưu thì thu nhập chựng lại (stagnate). Từ sự kiện đó, dẫn đến một kết luận: Cơ hội ở Mỹ không còn có nhiều như trước đây nữa.

Khả năng vươn lên của một con người (cả về mặt xã hội lẫn kinh tế) tỉ lệ thuận với trình độ học vấn của người đó. Ở nước Mỹ, điều này hòan tòan có cơ sở xác đáng. Con số thống kê cho thấy, những người có bằng đại học luôn luôn có mức thu nhập cao hơn người chỉ tốt nghiệp trung học hoặc dropouts (bỏ học khi chưa xong bậc trung học), tỉ lệ thất nhiệp thấp hơn, và gia đình ổn định hơn (ít ly dị). Ngược lại, những người ít học có thu nhập thường chỉ vừa đủ cho nhu cầu, khi kinh tế suy thóai là lớp người đầu tiên chịu ảnh hưởng, từ đó dẫn đến những tệ nạn xã hội (hút sách, ma túy, rượu chè, cờ bạc . . .) và kết quả thường thấy là gia đình không ổn định, có con ngòai hôn nhân, phải trả tiền trợ cấp nuôi con hàng tháng v.v.. hệ quả là những đứa trẻ sinh ra từ tầng lớp nghèo này không có được cơ hội bình đẳng như những đứa trẻ sinh ra từ những gia đình khá gỉa hơn để được hưởng sự giáo dục tốt hơn, cơ hội vào đại học cao hơn và khi tốt nghiệp có khả năng trội vượt để dễ dàng kiếm được công việc có thu nhập cao, vừa ý (2). Cứ như thế, sự nghèo khó truyền từ đời cha sang đời con. Hình ảnh này chẳng xa lạ gì với người Việt Nam chúng ta. Câu ca dao: Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa, ai cũng biết.

Nhưng, có vẻ như nước Mỹ chỉ mới biết đến điều này khi phải đối đầu với cuộc suy thóai kinh tế kéo dài. Thất nghiệp nhiều, ngân sách không thu được tiền thuế lợi tức, lại còn phải chi thêm ra để trợ cấp cho người bị mất việc, dẫn đến thâm thủng. Ngân sách thâm thủng, phải cắt giảm chi phí. Thường thì chi phí giáo dục luôn là nạn nhân đầu tiên. Chính ở điểm này, người ta kêu lên rằng nước Mỹ đã không còn những cơ hội như trước đây nữa. Và cũng chỉ ở những thời kỳ kinh tế suy thóai, người Mỹ mới nhìn thấy những hệ lụy của sự nghèo khó.

2.

Người Việt Nam chúng ta định cư ở Mỹ đã nhiều năm kể từ đợt đầu tiên tháng 4 năm 1975 khi cuộc chiến tranh 30 năm chấm dứt. Từ đó, nhiều lớp người nối đuôi nhau chọn mảnh đất này làm quê hương thứ hai. Thành phần đi khai phá để đặt nền tảng cho người đi sau vốn mang theo mình một quyết tâm làm lại cuộc đời nên không nề hà cực khổ, thiếu thốn, hy sinh (3). Đối với lớp người này, nước Mỹ quả là mảnh đất của những cơ hội. Sự siêng năng, cần cù đã đem lại những kết quả rực rỡ mà nếu còn ở quê nhà, cùng một mức độ siêng năng cần cù ấy chưa chắc đã đem lại được dù chỉ một phần nhỏ những gì họ đạt được trên xứ người. Quan trọng hơn nữa, từ những thành quả vật chất này, đã tạo cơ hội cho thế hệ nối tiếp đặt bước chân thứ nhất lên nấc thang xã hội. Đó là việc bước chân vào ngưỡng cửa những trường đại học lừng danh của nước Mỹ, nơi mà trước đó chỉ năm mười năm họ thậm chí không dám mơ ước đến. Con đường đi từ những người cha người mẹ lam lũ trong bộ quần áo thợ, làm việc sáu bẩy ngày một tuần, mười đến mười hai tiếng một ngày trong những xưởng may, xưởng máy bụi bậm đến những người con ung dung nhàn nhã đến sở làm, ngồi vào bàn làm việc sạch sẽ tinh tươm, bàn tay lúc nào cũng khoan thai với chiếc máy điện thọai, con chuột điều khiển máy tính, chỉ năm ngày một tuần 8 tiếng một ngày mà thu nhập vẫn cao hơn đồng lương nhiều giờ của bố mẹ, con đường ấy không dài hơn khỏang cách một thế hệ, quá ngắn so với những gì chúng ta đạt được (4).

Trong số hàng triệu người Việt sinh sống trên đất Mỹ, ai là người có thể phủ nhận rằng nước Mỹ không còn là mảnh đất của những cơ hội, kể cả những người nhập cư muộn màng với hàng chục những lý do khác nhau?

3.

Chúng ta đến đây định cư, mặc nhiên thừa hưởng mọi di sản – tốt cũng như xấu – của nước Mỹ. Và, cũng như mọi công dân Mỹ, chúng ta cùng chia sẻ mọi niềm vui và nỗi buồn của xứ người. Nước Mỹ đang trải qua một giai đọan “rất khó ở”. Nhưng những ngày đầu năm cho thấy một dấu hiệu tương đối làm vui lòng người. Số người thất nghiệp đã giảm sụt, tuy không nhiều nhưng đó là dấu hiệu của hồi sinh. Những xí nghiệp lớn đang chuẩn bị gọi công nhân tạm nghỉ việc quay lại. Con nhà nghèo còn không chê cha mẹ khó, huống hồ đây chỉ là hòan cảnh tạm thời chung cho mọi người. Chúng ta đã từng nghèo khổ, đã từng đói rách. Ngày nay, tuy ở trong tình trạng kinh tế khó khăn chung, nhưng cũng chưa đến nỗi phải chịu đói, chịu lạnh. Cùng lắm là một số người phải giảm đi những tiện nghi không cần thiết hàng ngày vì đồng tiền trợ cấp thất nghiệp không đủ cho những thứ ấy (thí dụ như điện thọai di động, Internet, Cables v…v ).

Sau cơn mưa trời lại sáng. Người Việt mình lúc nào cũng mang trong lòng sự lạc quan cần thiết để vượt qua những chặng khó khăn trên đường đời. Thiết tưởng, cũng nên coi thái độ lạc quan ấy là sự may mắn đầu năm khi chúng ta đang chuẩn bị hành trang cho cả một năm dài trước mặt.

T.Vấn

T.Vấn © 2011

Chú thích:

(1)Hàng ngày, người ta vẫn nghe câu chuyện về những du sinh từ Việt Nam, tuy gia đình khá gỉa (có khá gỉa mới có thể gởi con đi du học ở Mỹ), vẫn tìm mọi cách ở lại Mỹ sau khi học xong (thí dụ như kết hôn với người có quốc tịch Mỹ), hoặc triển hạn thời gian ở Mỹ bằng cách xin đi làm hay học cao hơn nữa.

(2)Kẻ viết bài này đã có nhiều năm làm việc bán thời gian cho một công ty khai thuế lớn nhất nước Mỹ – H&R Block, và đã có nhiều cơ hội đối mặt với từng lớp “nghèo” này của xã hội Mỹ khi làm hồ sơ khai thuế cho họ. Đa số những người thuộc thành phần này có mức thu nhập rất thấp, hòan cảnh gia đình ly dị, có nhiều con nhưng chúng mang những cái họ khác nhau (vì có những người cha khác nhau). Vì thu nhập thấp, họ phải trông vào sự trợ cấp của chính quyền hoặc các cơ quan từ thiện. Trong hòan cảnh đó, những đứa con thường sống trong môi trường không lành mạnh, cả về vật chất (nhà cửa dơ bẩn, bừa bộn vì trẻ con đông lại thiếu người chăm sóc – chỉ có người mẹ và . . . boyfriend) lẫn tinh thần (người lớn trong nhà hút sách, uống rượu), nên bị ảnh hưởng rất lớn đến việc học hành (dù miễn phí mọi thứ: sách vở, trang bị máy tính, ăn trưa v…v). Khi trưởng thành, hầu như chúng cũng dễ dàng đi theo con đường mà cha mẹ chúng đã đi. Và cứ thế mà cái nợ đồng lần nối tiếp nhau, tạo nên một tầng lớp rất đặc thù của xã hội Mỹ. Khi kinh tế suy thóai, những phúc lợi xã hội bị cắt giảm, ngừơi ta mới có dịp nhận ra rằng bên lề xã hội (Mỹ) vẫn có một tầng lớp cần sự chú ý hơn của mọi người để kéo họ ra khỏi cái vòng lẩn quẩn “con sãi ở chùa lại quét lá đa” ấy.

(3)Gần 20 năm trước, vợ chồng tôi đến Mỹ với hai bàn tay rất trắng và số tuổi không còn trẻ lắm. Những năm khởi nghiệp, tôi vừa đi học vừa đi làm nhà hàng buổi tối. Khi tốt nghiệp rồi, không tìm được việc làm (đúng lúc kinh tế Mỹ ở vào giai đọan suy thóai định kỳ), công việc làm ở nhà hàng vẫn là thu nhập chính cho một gia đình với đứa con mới đẻ. Trong hòan cảnh ấy, chúng tôi vẫn vui với sự “thiếu thốn”. Nói thiếu thốn là so với tiêu chuẩn một gia đình trung lưu Mỹ, nhưng lại là “đầy đủ, khá gỉa” so với cuộc sống ở Việt Nam mới chỉ vài năm trước đó của chúng tôi. Chỉ khi đi định cư xứ người, chúng tôi mới được ở chung một mái nhà dù hôn thú đã làm từ mấy năm trước. Đó là lý do lớn nhất làm chúng tôi thỏa mãn với hiện tại. Nhờ nước Mỹ, chúng tôi mới có cơ hội lập một mái gia đình, sinh con đẻ cái và nuôi dưỡng chúng nên người.

(4) Hãy nghe câu chuyện của một người vượt biên đến Mỹ từ năm 19 tuổi với 4 đứa em còn nhỏ dại Tôi chỉ 19 tuổi khi tới Mỹ, cùng với 4 đứa em nhỏ. Lúc đó tôi thấy bơ vơ, lo lắng lắm, không biết làm sao sống. Cũng may, chúng tôi nhờ tằn tiện nên phần trợ cấp tối thiểu của chính phủ cho chị em tôi cũng tạm đủ sống.
Không người thân, nhưng có một nhà thờ tình nguyện giúp đỡ, hướng dẫn, giới thiệu việc làm thêm… Tóm lại họ rất tận tình, dù chúng tôi không có đạo, nhưng không hề gì. Họ không có một chút gì thúc ép, việc này tuy nhỏ nhưng làm tôi rất nể phục. Họ giúp chúng tôi một cách vô tư dù tôi biết trong lòng họ cũng mong có một ngày chúng tôi đổi ý, cảm ơn Chúa, mà theo đạo.
Tôi đi học sơ qua về kiến thức điện tử trong một năm rồi ra đi làm. Ba đứa em tôi thì học trung học. Một mình tôi đi làm lương tối thiểu, nhờ làm thêm giờ, tiền kiếm được vẫn đủ nuôi ba đứa em. Cứ sau ba tháng tôi còn dành dụm được ít tiền gửi về giúp ba mẹ cùng 4 đứa em nhỏ khác (tôi có tất cả 8 chị em).
Nhiều khi cô đơn với cuộc sống tha hương trên xứ lạ, nhưng nghĩ tới trách nhiệm nặng nề của mình với gia đình, tôi – đứa con gái ở lứa tuổi 20, thấy mình mạnh mẽ đứng thẳng người, nhìn về tương lai phía trước.
Thấm thoát các em tôi đều lên đại học. Vì là con bà phước, nghĩa là mồ côi không cha mẹ bên cạnh, nên các em tôi đều được học bổng toàn phần của chính phủ, từ tiền trường, sách vở đến mỗi tháng dôi ra vài trăm cho chi phí ăn ở. Nhờ vậy sau bốn năm học tập, các em tôi đều có bằng kỹ sư ra đi làm, lương cao, nghề nghiệp ổn định.
Riêng bản thân tôi dù không như các em tốt nghiệp đại học, nhưng với bản chất thông minh, lanh lợi thêm tính siêng năng, chịu khó, nên đi làm được chủ rất thương mến, xếp cho tôi lên chức leader một nhóm 6 người. Ba năm sau tôi được thăng chức supervisor cả nhóm 15 người. Đương nhiên lương cũng theo đó tăng cao, số tiền tôi gửi về giúp gia đình, bà con ở Việt Nam ngày càng nhiều. . . ” ( Trích từ báo VNEXpress ở trong nước ).

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search