T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tôi có một giấc mơ

clip_image001

Mục sư Martin Luther King Jr. trong cuộc tuần hành bất bạo động ngày 28 tháng 8 năm 1963 với bài diễn văn bất hủ “I have a Dream”

1.

” Tôi mơ đến một ngày đất nước chúng ta sẽ vươn lên để sống trọn vẹn cho ý nghĩa đích thực của sự xác tín rằng, tự thân những chân lý mà chúng ta ấp ủ phải là  sự bình đẳng của tất cả mọi  con người” .

Đó là giấc mơ của nhà họat động dân quyền Mục sư Martin Luther King Jr., phát biểu trong bài diễn văn nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ” (I have a dream) trước hàng trăm ngàn cử tọa trong cuộc tuần hành cho Tự do và Việc làm ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn ngày 28 tháng 8 năm 1963.

Bài diễn văn đã đi vào lịch sử của các phong trào đòi hỏi tự do và bình đẳng ở nước Mỹ cũng như tòan thế giới. Nó đã giúp mọi người hiểu rõ hơn chính mình, dù họ là người da màu hay da trắng, dù họ là người đương thời hay là các thế hệ chưa được sinh ra. Bài diễn văn đã thay đổi tận gốc rễ nước Mỹ. 45 năm sau ngày diễn văn lịch sử của Mục sư King ra đời, điều ông và rất nhiều người khác mơ ước, đã thành sự thật. 45 năm, thời gian đủ dài để một thế hệ mới trưởng thành và thực hiện điều cha anh họ chỉ dám ước mơ. Chúng ta đã may mắn chứng kiến điều ấy xẩy ra. Sự kiện mà nhiều thế hệ tương lai sẽ còn nói đến, bàn luận. Vì sự kiện ấy, thực sự có tác động đến tất cả mọi ngõ ngách của đời sống nhân lọai thế kỷ 21.

Ông Barack Obama, vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, nhà lãnh đạo trẻ nhất của thế giới, là một người da đen. Cha ông có gốc gác từ một vùng đất Phi châu nghèo nàn tên gọi Kenya, cho đến nay vẫn nghèo và suy yếu vì những tranh chấp chính trị (của lớp người già . . . hơn Obama). Mẹ ông là nguời da trắng, sinh trưởng ở một thành phố tỉnh lẻ của tiểu bang nông nghiệp Kansas. Ông là kết quả của một cuộc hôn nhân pha trộn, cả màu da (đen trắng) lẫn xứ sở  (nước giàu nhất thế giới và nước ở trong danh sách những quốc gia nghèo nhất thế giới).

2.

clip_image002

Tổng thống Barack Obama tuyên thệ nhậm chức ngày 20 tháng 1 năm 2009 tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn

” Đây là cơ hội cho chúng ta đáp lời kêu gọi ấy. Giờ của chúng ta đã điểm. Kỷ nguyên của chúng ta đã đến. . . chúng ta tái thiết lập giấc mơ của nước Mỹ, đồng thời, tái khẳng định chân lý nền tảng, rằng dân tộc chúng ta phải là Một.”

Ngày chủ nhật 18-01-2008, 1 ngày trước quốc lễ tưởng niệm nhà họat động dân quyền da đen Martin Luther King Jr., 2 ngày trước lễ đăng quang nhậm chức Tổng thống gốc Phi Châu đầu tiên của nước Mỹ, ông Barack Obama đã đứng trên bực thềm trước bức tượng  Lincoln khổng lồ, nhìn xuống một biển người cuồng nhiệt trước mặt, như cách đây 45 năm Martin Luther King cũng đã đứng ở cùng một vị trí, cùng với một đám đông  dày đặc người để nghe ông đọc bài diễn văn lịch sử đặt nền tảng cho giây phút lịch sử còn trọng đại hơn của đất nước Hoa Kỳ.

Bất cứ điều gì cũng có thể xẩy ra trên đất nước chúng ta” Ông Obama hãnh diện tuyên bố.

Công lý và bình đẳng giữa những con người. Đó là ước vọng của Martin Luther King, mà Obama là biểu tượng sống cho sự bình đẳng ấy. Ngày lễ nhậm chức của Tổng Thống Obama, gần 2 triệu người có mặt tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn để chứng kiến lễ đăng quang của ông. Đó là con số kỷ lục chưa từng có trong 56 lần tổ chức lể đăng quang cho vị tổng thống của nước Mỹ. Hàng tỉ người trên thế giới ngừng công việc để theo dõi buổi lễ qua các màn ảnh truyền hình. Đó cũng là con số  kỷ lục cho một sự kiện chính trị.

Nước Mỹ không chỉ vừa đăng quang cho một vị nguyên thủ quốc gia trẻ tuổi, mà còn đăng quang cho một biểu tượng mà loài người khắp nơi nhìn vào đó để thêm niềm hy vọng cho vận mệnh của riêng cá nhân mình, của riêng đất nước mình. Có lẽ, đã đến lúc, khái niệm bình đẵng giữa những con người sống trên mặt đất này đã mang một ý nghĩa đích thực nhất mà từ xưa tới nay người ta chỉ dám mơ ước tới. Con người sẽ chỉ được phán xét bởi những gì tạo nên tính cách con người của họ, khả năng của họ và sự đóng góp của họ cho thế giới.

Thế giới không có những chủng tộc thượng đẳng, vì thế, cũng không có những chủng tộc hạ đẳng. Để đạt được nhận thức này, nhân lọai đã phải trả gía rất đắt, bằng máu, nước mắt và mồ hôi và những năm tháng phí hòai vì chiến tranh, vì bạo lực.

3.

Nếu đã có một người da đen đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, thì không có lý do gì để người ta không tin rằng một ngày nào đó sẽ có một vị tổng thống da vàng. Vị tổng thống da vàng ấy có thể là một người Mỹ có gốc gác từ Trung hoa, Đại hàn, Nhật Bản, Việt Nam v..v..

Bất cứ điều gì cũng có thể xẩy ra trên đất nước Hoa Kỳ. Xứ sở vừa được thế giới thèm khát trở thành công dân, vừa  bị thế giới (thù địch) mong cho chóng bị tiêu diệt. Xứ sở vừa được thế giới ngưỡng mộ, vừa bị thế giới ghét bỏ. Xứ sở vừa được thế giới mặc nhiên công nhận là quốc gia lãnh đạo tòan cầu, vừa bị thế giới không từ bỏ bất cứ một cơ hội nào để hạ nhục. Xứ sở vừa có lòng quảng đại của một nhà tu, vừa có tâm địa bủn xỉn của một con buôn.

Hãy thử tưởng tượng một thế giới không có nước Mỹ. Đó là một tưởng tượng kinh khủng .

Hãy tưởng tượng một người Mỹ gốc Việt được bầu làm tổng thống nước Mỹ. Đó là một tưởng tượng cũng kinh khủng không kém nhưng tính khả thể rất cao.

Tại sao không? Khi đã có một người Việt giữ chức vụ Thứ trưởng Tư Pháp chính phủ Liên bang (Đinh Việt). Khi đã có một người Việt được bầu là Dân biểu Liên bang (Cao Quang Ánh). Khi đã có rất nhiều người trẻ gốc gác đến từ Việt Nam, đã được đề cử vào những chức vụ cố vấn quan trọng của các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp của liên bang Hoa Kỳ.

Chúng ta may mắn sống trên đất Mỹ, thừa hưởng những di sản chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa của một đất nước tuy chỉ mới chưa tới 300 năm lập quốc nhưng đã đứng ở vị trí hàng đầu thế giới về mọi phương diện. Và chúng ta mơ tới một ngày đạt tới cực điểm của sự bình đẳng. Chính đất nước Hoa Kỳ đã khơi mở trong chúng ta trí tưởng tượng chắp cánh cho những ước mơ, tạo tiền đề cho những hiện thực lịch sử sẽ xẩy ra trong tương lai, không gần nhưng cũng không phải là xa mút mắt

I have a dream. Tôi mơ giấc mơ một ngày nhìn thấy một đồng bào của mình làm chủ ngôi nhà màu trắng vĩ đại quen thuộc với tòan thể thế giới. Một ngày cả thế giới phải nhìn lại lịch sử đẫm nước mắt của cuộc di dân quan trọng nhất của dân tộc Việt nam, vì từ cuộc di dân đó đã mở màn cho sự tồn tại của hơn 1 triệu người Việt nam trên đất Mỹ, hình thành nên một cộng đồng non trẻ nhưng dày dạn ý chí chịu đựng. Kết quả của ý chí chịu đựng đó là thế hệ thứ hai, thứ ba trưởng thành trong mọi lĩnh vực của đời sống nước Mỹ. Kể cả lĩnh vực sinh họat chính trị, lĩnh vực quyết định thế đứng của một cộng đồng di dân trong xã hội Mỹ đa chủng.

Nếu ngày hôm nay, cái tên Obama đã đi vào lịch sử¸ đã trở thành huyền thọai của thế kỷ, thì cái ngày mà tôi mơ ước ấy một cái họ Trần, Nguyễn, Lê, Phạm nào đó cũng sẽ đi vào lịch sử.

Chỉ có một điều. Chắc là tôi không còn sống để nhìn thấy ngày ấy. Nhưng sự kiện lịch sử nào cũng có gốc rễ từ quá khứ. Vì thế, tôi tin rằng¸ mầm mống cho giấc mơ đẹp đẽ ấy của tôi đang nhen nhúm định hình từ ngày hôm nay.

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search