T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Cuối mùa đậu bắp…

clip_image001

Hình – Hoa Đậu Bắp (Courtesy of Flickr.com)

gởi hai anh bạn cà phê viễn liên

Sáng nay cái nắng Texas lạ lùng lắm hai ông ơi! Nắng thiếu màu vàng của nắng hạ đã quen mắt từ độ nàng xuân đi lấy chồng, màu nắng nhạt theo áo mơ phai, bỏ tôi ngồi ngóng gió thu may để bâng khuâng với lá vàng mùa về. Nhưng chỉ có sương đêm còn mải chơi trốn tìm với đom đóm đêm qua chưa chịu về nhà, chúng còn lảng vảng dưới thung xa; những giọt sương khuya đã đọng trên nhành cây ngọn cỏ, thì nằm chờ nắng lên hoá kiếp thân tôi…

Tôi ngồi mân mê ly cà phê sáng, trò chuyện với hoa đậu bắp cuối mùa, những búp hoa muộn nở ra theo nắng lên. Cái búp màu vàng chanh nhạt của hoa đậu bắp vốn yêu kiều, rồi theo nắng, nở ra khung trời hội cũ. Nơi có đôi mắt biết cười của người mặc áo màu hoa đậu bắp chứ không phải đôi mắt ướt của người mặc áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang trong thơ Tuệ Sỹ.

Tôi ngồi đốt tôi, khói hoài niệm nhẹ bay như áo hay ngày nọ, màu hoa đậu bắp đã thắp sáng linh hồn tưởng đã, để yêu đời nhẹ nhàng, yêu nét ngây thơ…

Thế mà tôi chỉ lơ mắt theo con ong phiền nhiễu, nó chổng phao, vục mặt vào hoa chanh trinh trắng như con ma đói tình hành hạ mỹ nhân. Con ong say mật cất cánh bay, bỏ tôi ngồi lại cõi vô thường. Nhìn lại hoa đậu bắp đã già với nắng, người con gái mặc áo màu vàng chanh nhạt đã khuất vào huyễn mộng; dòng nhớ bâng khuâng. Không biết, áo em ngày nọ/ đã thay mấy màu…

Đó là một chặng đời của người nông dân biết đọc, mang mối tình câm vì hoàn cảnh không cho phép nói ra. Nhưng cái hoàn cảnh trớ trêu nào chả đeo đẳng, dai dẳng trong tâm khảm lâu dài. Vì thế tôi yêu sự đơn sơ, nhẹ nhàng, một chút quê mùa nhưng kiêu ngầm của hoa đậu bắp; tôi yêu màu hoa nhẹ như tóc mai bay, nên tuyết tan là tôi trồng một luống đậu bắp, chẳng để ăn trái mà chỉ chờ đợi nụ hoa đầu mùa bói trên cây; chờ nắng lên hong nỗi nhớ một thời hoa mộng. Nhưng nay thì hoa đậu bắp của tôi đang hấp hối khi tờ lịch tháng mười đã hiện ra, gió mang lạnh về, mùa hè rực rỡ lại thêm một lần chôn sâu vào tuyết giá.

Hai ông bạn già thân mến!

Giờ thì nắng đã chan canh nơi tôi ở. Tôi ở dưới thung-như cái chén ăn cơm. Nắng chan vào cái chén mơ hồ sương tan, màu hoa đậu bắp vàng tim tôi mật ngọt, để thấy ly cà phê đắng và khói thuốc cay xè. Ngọt ngào và cay đắng cứ nối gót nhau từ đời này qua đời khác để làm nên tâm tư con người không giống muôn loài trong vũ trụ…

Chắc giờ hai ông cũng đang cà phê tiếng Việt với nhau bên xứ tiếng Anh, vì người Việt có mấy người đâu mà được nghe tiếng Việt ba miền như tôi ở nơi đông người Việt. Thật ra, các ông có nghĩ là chúng ta sinh sống nơi đông đảo đồng hương, hay nơi hai ông biết nhau là người Việt đã thấy hết cô đơn, thì cũng chỉ là nỗi buồn viễn xứ, còn sự bền bỉ trong tâm tưởng là ký ức; những hoài niệm bất hoặc với thời gian.

Tôi hỏi hai vị vì tôi đã hoài niệm tới niêu cháo nấu với bông đậu bắp. Có lẽ tôi không quên được người dã tâm đem những bông hoa đậu bắp tôi yêu đi nấu cháo. Đó là tên học trò tôi nhớ nhất trong đoạn đời đi dạy học. Kể ra thì dài dòng, ông T thì cùng khổ như tôi ở quê nhà sau khi mất nước nên dễ hiểu hơn. Nhưng ông Đ đi Mỹ sớm quá nên có thể cho là tôi phịa chuyện cho vui. (Nhờ ông T đọc chậm, giải thích cho ông Đ hiểu rõ nỗi khổ với cộng sản của những người ở lại sau 1975).

Năm đó, tôi đi dạy học ở vùng biển. Vùng quê tối tăm về dân trí ấy không hề giàu có biển bạc chút nào như cụm từ hoa mỹ mà người Việt ưa phóng đại về quê hương mình là “rừng vàng biển bạc”. Nơi đó nghèo đến con chó không buồn sủa ma, vì nó đói nên đi liêu xiêu như con ma hoà bình.

Thì trong một lớp học do tôi dạy lại có tên học trò thấp người, nước da ngăm đen nên thấy em rắn chắc. Tôi thích gương mặt rất đàn ông của em, tôi thích phong cách lầm lì của người bạn trẻ mà tôi đoán là em khổ hơn tôi. Chắc một phần tương thích giữa tôi và em khi tôi nghĩ em là tôi của năm “giải phóng”; năm tôi bị đá ra khỏi nhà mình. Ôm cái gối ghiền đi theo cho đời bớt cô đơn nơi màn trời chiếu đất cũng bị cường quyền giật lại vì sợ mẹ tôi giấu vàng trong đó…

Tôi hỏi em học trò, “Sao em không chép bài?”

Em trả lời, “Thưa thầy, em không có tập.”

Gặp thầy cô khác thì khốn nạn cho thằng bé ngay! Bởi một đứa học trò như thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sự tiến thân của thầy cô giáo. Nhưng tôi suy nghĩ về phong cách và ngữ điệu trả lời, thì thằng bé này nói thật chứ nó không có ý giở trò ương bướng với thầy cô. Tôi nói, “Thôi được. Thầy cho em 3 cuốn tập trắng. Em về mượn tập bạn bè và chép bài đầy đủ cho thầy. Tuần sau, thầy muốn thấy em không gặp rắc rối với các thầy cô khác và cả thầy…”

Nó là thằng bé cứng cỏi qua phong cách, nét mặt. Nhưng sẽ chẳng ra gì về sau; bởi chuyện chỉ có thế mà nó đã rươm rướm nước mắt cảm động…

Rồi cái tin ông thầy tóc dài không phạt thằng Long mà còn cho nó 3 cuốn tập trắng để về chép bài lan nhanh ra cửa lớp, lan ra xóm làng vì xóm biển đâu có bao nhiêu nóc gia. Chuyện “cho không” dù chỉ là 3 cuốn tập trắng thời ấy có sức lan tỏa hơn tôi tưởng vì thời buổi nhà nước là đảng cướp, mỗi người dân là một kẻ trộm. Trộm cắp như rươi, nơi nơi, đâu đâu cũng nghe chuyện mất trộm, nên làm gì có chuyện “cho không”!

Nguyên ủy là trước khi tôi rời phòng tập thể của chục ông thầy trong khu tập thể giáo viên để lên lớp, tôi có xẹt ngang phòng nữ của các cô giáo để kiếm ly nước uống vì bên phòng nam giáo viên của chúng tôi không bao giờ có nước uống.

Tôi không gặp nước nhưng thấy ở đầu giường cô Ngân có chừng chục quyển tập trắng nên tôi mượn trước nói sau 3 quyển, (để viết những gì còn ấp ủ trong lòng nhưng chưa có giấy trắng). Chỉ cần ghi miếng giấy nhỏ để lại cho cô Ngân biết là tôi mượn, là được.

Tuần sau tôi lên lớp, gọi nó đem tập lên thầy xem… thì nó không có tập.

Tôi nổi cơn thịnh nộ như mưa giông vùng biển. Thộp cổ thằng nhỏ, ném qua cửa sổ lớp. Nó rớt đùng xuống mương. Cả lớp xanh mặt, lõ mắt nhìn tôi. Tôi nhìn ra cửa sổ. Nó lóp ngóp bò lên, vòng ra cửa lớp, đứng tần ngần.

Tôi hối hận tận đáy lòng mình khi thấy thằng bé ướt như chuột lội. Càng ray rứt lương tâm khi thấy nó đã dứt khoát tư tưởng, mạnh dạn đi vào lớp. Khoanh tay trước mặt tôi và dõng dạc nói: “Thưa thầy. Em xin lỗi thầy… một ngàn lần.”

Nó nói đến đó rồi nghẹn ngào, nấc lên, “Em không đi học được nữa. Từ nay, em nghỉ học luôn…”

Tôi cũng không biết nói gì cho phải, chỉ thấy lòng mình rất hối hận. Nên tôi nói, “Em về nhà thay quần áo đi. Chiều sang khu tập thể giáo viên, gặp thầy.”

Nó “Dạ”, rồi quay đầu đi. Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa mờ dần theo thằng bé, khuất vào rặng dừa nước…

Tôi hỏi em trưởng lớp, “Em cắt cử ai là người giúp cho em Long chép bài?”

“Dạ thưa thầy, em cử Hòa An, (con bé này là học sinh giỏi). Hòa An cho Long mượn tập và chép phụ cho Long vì từ đầu năm đến nay Long không chép bài vì không có tập…”

Tôi gọi đến Hòa An đứng dậy, thì em ấy khóc!

“…con lạy nó ba lạy không được thì con lạy tới bầm đầu gối con luôn nè, (thầy coi đi)”. Nó vén ống quần, thượng chân lên bàn cho cả lớp thấy đúng là đầu gối nó bầm tím…

Hoà An nói tiếp, “Nhưng thằng Long vẫn quyết định bán 3 cuốn tập trắng để mua gạo cho mấy đứa em nó ăn. Nó đuổi con về đi. Cùng lắm thầy đánh tao thì tao chịu, nhưng em tao đói.”

Hai ông biết không!

Đó là lần đầu tiên tôi ý thức về việc nóng nảy mà suốt tuổi trẻ mình cho là ngầu. Tôi già đi từ đó khi cơn giận trào lên tới lồng ngực cũng không để nó tràn ra hai cánh tay thành hành động lỗ mãng từ đó. Nhưng sự suy xét cẩn thận của tôi qua từng sự việc đến bây giờ vẫn chưa thành tựu được gì đáng kể khi đời sống ngày càng nhiều người cứ ma ma phật phật…

Tôi kể tiếp chuyện thằng học trò cho hai ông nghe,

Chiều về hôm đó, tôi không còn tinh thần để đi đá banh và tắm sông như mọi ngày. Tôi lại sang phòng nữ, nói cô Ngân biết tôi mượn 3 cuốn tậptrắng, nhưng điều quan trọng hơn là hỏi mượn cô ít gạo.

Cô Ngân không giàu tập trắng với gạo nhưng giàu lòng chia sẻ với người cùng khổ. Nên tôi xách được chừng hai lít gạo đi thăm thằng học trò để nó khỏi ra khu tập thể gặp tôi.

Nó đang chổng khu thổi lửa trong căn chòi tồi tàn. Nó đang nấu niêu cháo lỏng bỏng nước mà chẳng thấy gạo đâu, (nồi cháo heo nhà tôi trước 1975 còn đặc hơn nhiều, thơm mùi cám và gạo lức). Niêu cháo hoà bình của tên học trò chẳng bốc lên được mùi gì ngoài mùi gạo mốc. Nhìn vào, đỏ rau thống nhất là rau dền hoang trong đó, chắc chừng mấy trái đậu bắp hái non của nhà ai, không đủ lền nên nó nhặt luôn hoa đậu bắp bỏ vô niêu. Nó nấu người trong mộng của ông thầy mà nó đâu có biết! Rồi bông mướp đực, trái cà chua xanh… cái gì ăn được thì bỏ vô niêu.

Ba đứa em của nó gầy trơ xương, mỗi đứa cầm sẵn một cái tô sứt mẻ, chờ anh Hai nấu cháo chín là múc chia cho các em ăn.

Niêu cháo, chia ra ba cái tô nhỏ cho ba đứa em còn không đầy nên nó ăn chay.

Thầy trò tôi lang thang xuống cái ghe mục nát, tồi tàn của nó đang cột chèo vào gốc cây mắn bên hông chòi. Chuyện gia đình nó được kể ra hờ hững như con nước ươn lững lờ dưới rạch.

Cha nó là lính Nghĩa quân ngày trước. Sau 1975, để tránh mặt chính quyền địa phương là những người cũng không xa lạ gì trong xóm, thậm chí có bà con, nhưng họ là Việt cộng nằm vùng. Cái quan hệ dòng họ ngăn cản họ bắn bùm vào đầu kẻ đã theo phe quốc gia ngay hôm “giải phóng” thì vô tội vạ. Nhưng cả hai bên đều hối hận là không xử nhau ngay lúc tranh tối tranh sáng để về sau khó nhìn mặt nhau. Vì thế, ba nó đi chăn vịt thuê cho người ta để lang thang trên những cánh đồng bất tận một mình với đàn vịt, cả tuần, cả tháng mới về nhà một hôm để khỏi khó nhìn mặt bà con là những người cán bộ địa phương.

Về nhà cũng là dịp ông đem tiền công chăn vịt về cho vợ nuôi con, nhà hai đứa con đã khổ nhưng hai đứa nữa ra đời theo những lần ông về thăm nhà cũng khó tránh vì tuổi đời ông còn trẻ mà má nó lại trẻ hơn ba nó nhiều.

Mỗi lần ba nó về một hai hôm, rồi lại đi. Để lại trong nó những suy nghĩ không hay lắm về cha đẻ, nhưng nó hiểu được khi đã lớn khôn hơn. Tới má nó chết đuối vì mò cua bắt ốc nuôi con, lòng nó chai đi những vui-buồn… làm tôi hiểu được nét khác thường trên gương mặt và tuổi đời của nó.

Nhưng tới hôm nửa đêm, nó nghe rục rịch sau chòi, nó mò ra xem ai còn nỡ đi trộm căn chòi nghèo nhất xứ sở này. Không ngờ gặp ba nó đang nấu cháo vịt, trộn gỏi vịt với bắp cải. Tưởng ông ấy làm đồ nhậu. Không ngờ ông có mua cả trái cây, bó bông vạn thọ, ít giấy vàng bạc… Ông dặn nó sáng ra, con cúng giỗ má con. Ngày mai là ngày giỗ má con, nhưng ba không về nhà được vì cậu của con không muốn thấy mặt ba, thấy là bắt liền. Cậu con không nể mặt má con nữa vì má con chết rồi!

Ba nó để lại hết tiền trong túi cho nó để mua gạo nấu cơm cho em ăn. Ba nó dặn là “cho em ăn” chứ không cho nó ăn vì không có nói nên nó chỉ mua gạo nấu cơm cho em nó ăn. Còn nó, ai thuê gì làm đó sau giờ học, ai cho gì ăn nấy – sống qua ngày.

Tôi chợt hiểu ra nhiều người địa phương mắng vốn ông thầy là nó ưa cướp cá, tôm của người ta cắm đăng. Tôi nghĩ là tuổi nhỏ thích làm thế cho vui như tôi thuở nhỏ, hơi đâu rầy la nó làm gì. Không ngờ thằng nhỏ này cướp cạn vì độc lập, tự do…

Nhưng tiền ba để lại đã hết trước nửa đêm ba về đưa tiền cho nó lần sau. Lần nào cũng hết tiền mua gạo chừng một tuần, mười bữa thì ba mới về tới nhà nửa đêm để đưa nó ít tiền. Đó là những ngày nó bỏ học để đi tìm việc làm mà mua gạo nấu cháo cho mấy đứa em ăn. Vì thế, nó đã học lớp 9 năm thứ tư vẫn chưa lên được lớp 10. Dù nó biết hơn nhiều bạn học là sự học sẽ giúp nó thoát khỏi hoàn cảnh. Nhưng nó bán 3 cuốn tập trắng của ông thầy thấy dữ mà hiền đã cho làm nó hối hận. Nó quyết định nghỉ học luôn nên mới bán 3 cuốn tập trắng đó. Với tôi, thằng nhỏ này chịu chơi là chịu thầy trừng phạt để đền bù rồi mới nói nghỉ học luôn. Có nghĩa khí.

Tôi biết,

Nó đi đến quyết định đau lòng nó nhất là phải nghỉ học vì đêm trước, ba nó lại về nhà nhưng không có tiền để đưa cho nó mua gạo nữa. Ba nó chỉ có bệnh trong người, về để nhìn mặt con cái lần cuối, để trăn trối, “nếu ba có chết (trên đồng chăn vịt) cũng đừng tìm ba làm chi. Nhờ con, ráng lo cho mấy đứa em con…”

Chiếc xuồng ba lá ngập nước vì không có tiền mua chai để trét lỗ mọi. Tôi cứ cúi gầm mặt xuống lườn ghe với cái gáo dừa mà tát nước, tát hết lòng tôi cũng chỉ có hai lít gạo. Nghĩ đến chiều buông, sẽ thấy cô Ngân tà tà ra rạch Cá sấu mua mấy củ khoai mì về luộc ăn trừ bữa. Thôi thì nợ cô, tôi còn cả đời để trả. Nhưng hết hai lít gạo thì đám trẻ này chết đói.

Lần đầu tiên tôi trái lệ “gia đình tôi không liên hệ với cộng sản” là tôi tự đến nhà bà Hội trưởng Hội phụ nữ xã, với yêu cầu giúp đỡ gia đình thằng Long. Nhưng nghĩ lại ba nó là lính cũ, cậu nó là phó bí thư xã, người cấm anh rể về nhà thăm con là những đứa cháu ruột mồ côi mẹ. Tôi còn cầu cạnh gì ngài phó bí thư, với bà Hội trưởng… họ một giuộc với nhau mà.

Tôi rẽ vô nhà Út Tre, là người thanh niên nho nhã nhất xóm. Người trí thức trẻ duy nhất trong vùng. Tôi với anh ta biết nhau vì tiếng tăm mỗi người, nhưng chưa có dịp trò chuyện bao giờ. Lần đầu tới nhà thăm anh ta để nhờ vả cũng ngại, nhưng dù gì cũng hơn…

Út Tre đúng là một công tử miệt vườn. Anh ta hứa với tôi và giữ lời bảo bọc cho anh em thằng Long. Điều sau này cả chục năm tôi còn được biết qua bạn bè là Út Tre vẫn nuôi nấng ba đứa em thằng Long như người nhà, cho ăn học tử tế…

Chỉ thằng Long, yên tâm được ba đứa em của nó không bị chết đói dưới sự bảo bọc của gia đình Út Tre, là một nhà giàu ở vùng quê. Nó biệt tích giang hồ…

Làm những đêm trăn trở trong đời tôi còn lại, tôi còn nợ Út Tre một tình bạn – chỉ nghe tiếng nhau đã là bạn bè; tôi còn nợ cô Ngân 3 cuốn tập trắng với hai lít gạo. Nhưng tôi đã quỵt những ân tình.

Hai ông bạn già thân mến!

Còn một chuyện tôi không thể nào quên, dù không muốn kể. Nhưng không kể cho ông Đ nghe thì ông ấy không biết thương người ở lại địa ngục trần gian là miền nam sau 30 tháng 4 năm 1975. Biết đâu sau khi nghe chuyện này, ông Đ cho tiền nhà thờ nhiều hơn vì nghĩ lại những thức ăn nhà thờ giúp gia đình ông năm 1975, ông cảm thấy ngon hơn là ngán tới trong mơ. Bây giờ ông trả ơn nhà thờ cũng còn kịp…

Tôi kể ngày ấy,

… hôm đó trời còn sớm lắm, nhưng ngày chủ nhật nên khu tập thể giáo viên còn chìm trong giấc ngủ muộn của quý thầy cô giáo. Tôi thì ngang ngược chiếm dụng cái giường sát cửa sổ của thầy P (dạy Vật lý) vì giường sát cửa sổ được mát gió trời. Thằng P nó không thương gì tôi nhưng sợ tôi có tài lẻo mép với ba nó – là sư phụ tôi. Nó không nhường cho tôi cái giường sát cửa sổ (là giường của người thâm niên nhất phòng) thì tôi chỉ về Sài gòn, dắt sư phụ đi uống cà phê, ăn sáng, thỏ thẻ chuyện có hai anh em ở xa nhà với nhau mà cái giường có gió nó cũng giành con… Nhiêu đó thôi là nó tiêu đời với võ sư thương đệ tử hơn con trai.

Hôm đó, thằng Long đến khu tập thể giáo viên từ sớm, khều chân tôi đang gác trên thành cửa sổ để khỏi thầy nào biết!

Nó chèo xuồng chở tôi đi chơi. Tôi ngồi tát nước mệt xỉu vẫn nghĩ không ra thằng quỷ con hôm nay giở trò gì mà chèo thầy đi chơi với mặt trời lên chứ không phải mặt trời lặn… Đến lúc ngang qua xóm nhà, có đông người đang ồn như đám mổ bò. Tôi nghĩ tục ngữ có câu: ồn như ong vỡ tổ, ồn như đám mổ bò. Nhưng ở đây không có bò nên người ta mổ trâu.

Tôi hỏi, “chuyện gì, đông người vậy Long?”

Nó trả lời, “Dạ thầy, đó là nhà con Hạnh lé. Con trâu nhà nó mấy hôm trước bị gãy cẳng, rồi bỏ ăn. Ba nó sợ để nữa mất thịt nên hôm nay mổ trâu. Thầy ghé nhà con Hạnh lé chơi chút nha!?”

Tôi hiểu hết rồi! Mọi khi rảnh rỗi, chiều tàn, tôi thích được nó chèo cho tôi đi về phía rạch cá sấu để xem mặt trời lặn trên sông Soài. Sao hôm nay nó chèo ngược dòng sông định mệnh? Chẳng qua nó muốn tôi xuất hiện ở đám mổ trâu thì thể nào cha mẹ em Hạnh chẳng mời ông thầy vô nhậu một bữa thịt trâu, (nó được ăn theo với vai trò người cầm chèo). Quan trọng là ra về, phụ huynh học sinh dưới quê rất trọng thầy cô giáo và thông cảm hoàn cảnh nên sẽ cột cho tôi một miếng thịt trâu đem về…

Tôi nghĩ tới cái khó ló cái khôn của thằng nhóc cũng tội nghiệp nên không rầy la nó. Nhưng tôi không cho ghé, và nói nó chèo về. Tôi dẫn nó vô quán hủ tíu của bà Sáu Nguội, ăn hai tô ký sổ. Rồi nói nó về đi, thầy đi bộ sang bên Ban thủy lợi, chơi bóng chuyền…

Trưa. Tôi chơi bóng chuyền đã đời rồi mà chẳng ai mời ăn cơm nên dẫn xác về khu tập thể, ngang chòi nó nên ghé qua thăm mấy đứa nhỏ mồ côi. Nó thấy tôi đột ngột xuất hiện nên vội úp úp, che che cái thau nhôm móp méo bằng lá chuối.

Tôi hỏi, “Em đang làm gì vậy?”

Nó càng ấp úng nên tôi ngang ngược, tới giằng cái thau trên tay nó, giở lá chuối ra xem… Thì ra thằng nhỏ huốc bữa thịt trâu và huốc cả miếng thịt trâu đem về do ông thầy tự ái, sĩ diện. Làm nó công cốc hết một buổi sáng thay vì đi mò cua bắt ốc, hay chôm chỉa của mấy người cắm đăng cũng có cái đổi gạo cho mấy đứa em ăn.

Tôi không hỏi nhưng biết hết rồi, sau khi chia tay ở quán hủ tíu của bà Sáu Nguội, tôi đi chơi bóng chuyền, còn nó thì không về nhà mà trở lại chỗ mổ trâu với hy vọng chút lòng thương hại của tha nhân. Nhưng nhân tha trâu về nhà ăn phải có tiền trả cho chủ mổ, còn nó thì không. Nên thằng bé lượm cái bỉm trâu là cái người mổ thẻo vứt xuống bờ rạch.

Trong cái thau nhôm móp méo của nó là mớ thịt không phải thịt mà da không ra da, gân cũng không phải gân. Cái bỉm động vật được tạo hoá chế tác kỳ ngộ nên để khác giới tò mò, phải không hai ông?

Tôi chỉ thấy một mớ tanh tưởi được trộn chung với muối hột và cuống tàu lá chuối cắt cục. Thằng nhỏ bóp bỉm đỏ tay cũng không xả hết được nhớt. Tôi định bụng bảo nó bỏ đi. Nhưng nhìn ba đứa nhỏ háo hức chờ ăn thịt trâu. Tôi phải bóp phụ nó cái bỉm trâu già tới hết đời không quên…

Hai ông biết không,

…hai mươi năm sau. Tôi nhớ về xóm biển, nhớ bỉm trâu xào giấm, nhớ thằng học trò mà tôi thương nhất. Tôi nói mấy ông bạn quậy ở Dallas. Chúng tôi hẹn nhau ăn phở vào sáng thứ bảy với đủ đồ chơi trên xe mà mỗi anh em đã được chia phần trang bị.

Sau chầu phở, chúng tôi lái thẳng xuống FortWorth, vô nông trại mua con bò nhỏ là con bê bự. Mướn mấy người Mễ làm thịt. Mấy ông bạn tôi nhậu bê thui tại nông trại. Tôi cứ nài anh bạn Mễ phải bỏ túi ny-lon cho tôi cái bỉm bò. Anh ta khuyên tôi đừng ăn cái này, dơ bẩn! Tôi phải nói dối là dùng để câu cá lớn ở lake Texoma…

Tôi đem về nhà, phải giấu trong tủ đá tới hôm vợ vắng nhà mới dám đem ra quậy! Bây giờ thì tôi đủ phương tiện để làm món bỉm trâu (bò) xào giấm, theo đúng món nhậu miền nam mà những dân chơi lục tỉnh đã từng ghi chép lại cho hậu thế!

Tôi làm xong. Thơm phức. Bỉm bò tơ thấm giấm lên màu hồng ngọc bắt phê. Bưng dĩa ân tình ra sân sau nhà với chai cognac. Tôi gọi hồn thằng đệ tử sống khôn thác thiêng về nhậu với thầy. Nhưng bốn bề cô quạnh, nỗi khổ ngày ấy không mất đi mà nó chỉ chuyển thành nỗi cô đơn cùng trời cuối đất của người biệt xứ.

Hai ông biết không, tôi có người bạn dạy học rồi lấy vợ là người địa phương, vợ anh ta làm y tá ngoài trạm xá, cô y tá khám tim cho ông thầy đa tình thế nào mà mình mang bầu. Họ thành vợ chồng trí thức nhất xứ mù chữ. Nhờ họ, tôi biết được thằng đệ tử gởi được ba đứa em cho Út Tre. Nó dong xuồng đi tìm xác ba nó vì ông ấy đã ói ra máu hôm về làm giỗ cho má nó lúc nửa đêm. Có người nói nó chết với sông to gió lớn; người nói nó vượt biên… tôi thì tin là nó không còn trên đời nữa vì thằng ấy hồi nhỏ đã không bỏ mấy đứa em của nó. Nếu nó ra được nước ngoài thì đã về bảo lãnh cho mấy đứa em của nó.

Hai ông ạ!

Rừng thơm nhang hay khói thơm rừng? Hôm đó, tôi chơi tay đôi với thằng đệ tử hết chai cognac, ly thầy thầy cạn – ly em thấm đất về quê nhà xa lơ. Dĩa bỉm bò thơm phức, màu hồng ngọc, sao ăn không nổi. Tôi trút vô rừng để trả nợ tình xa cho Út Tre, cho cô Ngân và cả tôi với thằng học trò một thời chó ốm…

Phan

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search