T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Như Hoa : Lễ Giáng Sinh Qua Dòng Lịch Sử

clip_image001

Cách đây 2014 năm, Chúa Jesus Christ đã được sinh ra vào lúc nửa đêm ngày 25 tháng 12 tại Bethlehem, cách Thánh địa Jerusalem chừng 9 cây số. Jerusalem là nơi ba tôn giáo lớn của nhân loại đã gặp nhau: Kitô giáo, Hồi giáo, và Do Thái giáo. Jerusalem là nơi thường xãy ra các cuộc tranh chấp giữa các dân tộc; trong cuộc chiến năm 1967 giữa Do Thái và Á rập, người Do Thái chiếm lại được miền đất thiêng liêng này.

Hàng năm đúng vào ngày 25 tháng 12 người theo đạo công giáo cử hành Lễ Giáng Sinh, người Pháp gọi là Noël, do chữ Emmanuel trong Kinh Thánh, người Anh-Mỹ gọi là Christmas. Không phải chỉ có người công giáo mới ăn mừng Lễ Giáng Sinh mà hầu như mọi người, mọi nơi trên thế giới đều vui vẻ tham dự. Nếu trên khắp thế giới người ta cử hành Lễ Giáng Sinh một cách tưng bừng nhộn nhịp, thì tại Hang đá Bethlehem nơi Chúa Cứu Thế ra đời, Lễ Giáng Sinh lại diễn ra một cách âm thầm trầm lặng. Không một điểm đặc biệt nào được ghi nhận nơi đây ngoài một ngôi sao vĩ đại bằng bạc có khắc một giòng chữ: “Hic De Virgine Maria Jesus Chris Tus Natus Est” (nghĩa là: Nơi đây Thánh Nữ Đồng Trinh Maria đã sinh ra Jesus, Đấng Cứu Thế). Dù chiến tranh Trung Đông triền miên tiếp diễn, nhưng nơi Thánh tích này vẫn được bảo tồn toàn vẹn.

Theo tài liệu ghi chép, thì từ thuở xa xưa, khi các dân tộc Tây Phương còn có tục thờ nhiều thần, như thần Chiến Thắng (Hercule), thần Canh Nông (Apollo), thần Mặt trời (Saturnila)…Riêng bộ lạc Druide ở vùng Bắc Âu thờ thần Vạn Vật (Woden), và mỗi năm để thờ thần này, họ dùng một người làm vật hy sinh. Vào mùa Đông năm ấy, một vị hoàng tử sắp bị giết chết để tế thần Vạn Vật thì gặp lúc Thánh Boniface đi truyền đạo Thiên Chúa ngang qua. Ngài cho bộ lạc biết về Đạo Chúa và thuyết phục họ dùng một cây thông trang hoàng cho dịp đại lễ mùa Đông mừng Thiên Chúa Giáng Sinh. Kể từ đó, tục dùng cây thông thịnh hành, và người ta gọi cây ấy là “Cây Giáng Sinh” hay “Cây Noël “.

Ở Mỹ, vào mùa Giáng Sinh cũng là mùa của Năm Mới, dân chúng có truyền thống gởi quà và thiếp để chúc mừng cho nhau. Muốn gởi quà cho thân nhân hay bạn bè ở xa họ phải gởi từ đầu tháng 12, nếu để gần cuối tháng thì không kịp. Cũng bởi lẽ đó mà tất cả các sở Bưu Điện trên toàn nước Mỹ đều trở nên rất bận rộn với số thư, thiếp, bưu kiện lên đến mức kỷ lục. Đặc biệt có một chi nhánh bưu điện ở phía Tây Nam tiểu bang Missouri lại còn có vẻ bận rộn hơn gấp bội, đó là vì thành phố này mang tên NOEL, chính là tên Pháp của ông già Santa Claus, thường xuất hiện vào mùa Giáng Sinh hàng năm. Các nhân viên của chi nhánh Bưu Điện Noel, trong những ngày này, với sự trợ giúp của nhiều thiện nguyện viên, mỗi ngày phải đóng dấu thêm hàng chục ngàn thư, thiếp, bưu kiện với hai dấu ấn tiêu biểu về ngày lễ quan trọng cuối năm của thành phố Noel, đó là vòng hoa tròn tiêu biểu của mùa Noel hay là một cây thông Noel. Truyền thống đóng dấu Noel lên các thư thiếp, bưu kiện gởi từ thành phố Noel này đã khởi đầu từ những năm của thập niên 1930, khi Giám đốc Chi Nhánh Bưu Điện Noel nhận ra rằng Noel chính là Santa Claus của mùa Giáng Sinh, nên ông đã cho đóng thêm hàng chữ “Mừng Giáng Sinh từ thành phố Noel, Missouri” lên các thư, thiếp, bưu kiện gởi từ đây như một kỷ niệm đẹp và có ý nghĩa. Sáng kiến này được mọi người yêu thích và dần dần đã trở thành truyền thống.

Kinh thánh là một pho sách cổ của người Do Thái gồm có hai phần: Kinh Thánh Cựu Ước và Kinh Thánh Tân Ước. Kinh Thánh Cựu Ước (lời giao ước cũ) ghi chép lại các sự kiện liên quan đến tôn giáo, luật pháp, phong tục, văn hóa, lịch sử v.v…của người Do Thái trước khi Đức Chúa Giêsu sinh ra. Kinh Thánh Tân Ước (lời giao ước mới) là sách ghi chép lại cuộc đời và những lời giảng dạy của Đức Chúa Giê Su (tức là những tư tưởng, giáo lý của người).

Khi đọc Kinh Thánh, người ta thấy có nhiều sự kiện liên quan đến lịch sử Do Thái và lịch sử nhân loại, nhất là trong phần Cựu Ước. Nhưng mục đích của người viết Kinh Thánh không phải là để ghi chép lịch sử, cũng không nhằm trình bày và chứng minh các sự kiện liên quan đến khoa học, mà chính là nhằm mục đích đạo đức, tôn giáo: loan báo sự mạc khải của Thiên Chúa cho dân tộc Do Thái nói riêng và cho nhân loại nói chung, về “ơn cứu chuộc con người” do chính Thiên Chúa thực hiện và các giới răn của Thiên Chúa buộc nhân loại phải tuân giữ (tức 10 điều răn). Danh từ “mạc khải” gồm có hai chữ “mạc” và “khải” ghép lại. Mạc theo nghĩa chữ Hán là cái màn che. Khải là mở ra. Vậy “Mạc Khải” nghĩa là mở bức màn che ra để cho mọi người được biết những gì che dấu bên trong, tỏ cho biết những điều bí mật.

Phần Kinh Thánh gọi là Tân Ước (lời giao ước mới) do các học trò của Chúa Giêsu viết về cuộc đời và những lời giảng dạy của Người, họ là những chứng nhân trực tiếp hoặc gián tiếp (được nghe Bà Maria, Mẹ của Đức Chúa Giêsu kể lại). Bốn vị đó là Mathieu, Macco, Luca, và Gioan (John). Ngoài ra còn có sách Tông Đồ Công Vụ (hoạt động của các Tông Đồ của Chúa Giêsu) do Paul (Phaolô) viết. Kể lại công cuộc truyền giáo của ông vào Thế kỷ thứ I và sách “Khải Huyền” (hay Khải Thị)) do Gioan viết.

Kinh Thánh Cựu Ước (lời giao ước cũ giữa Thiên Chúa và Tổ tiên người Do Thái ) có loan báo về một Đấng Cứu Thế, gọi là Đức Kitô, sẽ đến trong dân tộc Do Thái để thực hiện ơn cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại sau khi tổ tông loài người là Adam và Eva phản bội lại Thiên Chúa là đứng đã tạo dựng lên mình. Những lời tiên tri nói về cuộc đời của Đấng Cứu thế do các Tiên tri (Ngôn sứ) đã được ghi chép trong Kinh Thánh Cựu Ước. Thời gian của Cựu Ước là thời gian mong đợi, trông chờ Đấng Cứu Thế đến. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói với nhân loại qua các Tiên tri (Ngôn sứ).

Tân Ước là lời giao ước, lời hứa của Thiên Chúa đối với Tổ tiên người Do Thái đã được thực hiện: đó là sự giáng sinh của Đức Kitô. Trong Tân Ước Thiên Chúa trực tiếp nói với nhân loại qua Đức Kitô, con của Ngài.

Cuộc đời của Đức Kitô trong Tân Ước đã diễn ra đúng như lời tiên tri trong Cựu Ước nói về Người. Do đó, Cựu Ước và Tân Ước có liên quan mật thiết với nhau. Cựu Ước là đi tìm và Tân Ước là gặp được.

Thiên Chúa đã chọn những vị Tiên tri hay Ngôn sứ và qua những vị ấy, để truyền dạy cho dân riêng của Ngài (tức là dân Do Thái). Thiên Chúa đã ban cho các vị ấy được quyền làm những việc lạ lùng để dân chúng tin. Người Tiên tri đầu tiên là Mai Sen. Những người kế vị được chọn theo ý của Thiên Chúa và do vị Tiên tri tiền nhiệm truyền đạt lại. Tiên tri chọn một vị Tướng để chỉ huy quân đội, bảo vệ dân khi có chiến tranh. Về sau, người Do Thái đòi hỏi phải có một vị Vua như các dân tộc khác nên Tiên tri thay mặt Thiên Chúa để chọn Vua cho dân, như trường hợp Tiên tri Samuel chọn Saule làm Vua Do Thái, sau đó lại chọn David thay Saule. Từ David trở về sau thì cha truyền con nối, như David truyền ngôi cho con là Salomon. Vua lo việc chính trị, Tiên tri lo việc Tôn giáo.

Theo các sách tiên tri được ghi lại trong Kinh Thánh Cựu Ước thì Đức Kitô sẽ sinh ra bởi một trinh nữ thuộc dòng Vua David. Người sẽ ra đời trong cảnh nghèo hèn. Người sẽ sinh ra ở Bêlem là một tỉnh nhỏ của nước Do Thái. Người sẽ đi rao giảng Tin Mừng về “ơn cứu độ”. Để chứng minh Người là con Thiên Chúa uy quyền, Người sẽ làm nhiều phép lạ cho kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, kẻ câm được nói, người tàn tật, người đau ốm được lành, kẻ chết được sống lại, v.v…Người sẽ bị bắt, bị nhục hình, chết và sống lại…Đó là tóm tắt những điều Kinh Thánh đã nói về Người. Cách nay khoảng 3000 năm, Do Thái đã trở nên cường thịnh dưới triều đại của David. Ông là một anh hùng dân tộc, giải phóng xâm lăng. Ông cũng là một thi sĩ, nhạc sĩ, một nhà đạo đức, và là một tiên tri. Ông đã để lại nhiều lời tiên đoán về cuộc đời của Đấng Cứu Thế, nhất là về cuộc khổ nạn của Người. Ông được sử sách gọi là “Tiên tri”, “Thánh vương”.

Đức Chúa Giêsu giáng sinh trong hoàn cảnh dân tộc Do Thái đang sống dưới chế độ nô lệ của đế quốc La Mã. Theo Kinh Thánh thì Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra tại một tỉnh nhỏ là Bêlem. Nhưng đã đến ngày sinh rồi mà bà Maria, mẹ Đức Chúa Giêsu vẫn còn ở tại Nazaret cách Bêlem chừng vài trăm cây số. Một biến cố đã xãy ra để ứng nghiệm lời tiên tri: Hoàng Đế La Mã là Augustus Ceasare ra lệnh kiểm tra dân số. Mọi người phải trở về nguyên quán để khai tên vào sổ hộ tịch. Thế là ông Giuse phải đem Bà Maria đang mang thai, lên đường trở về Bêlem, là nơi sinh quán của mình. Đức Chúa Giêsu đã sinh ra tại Bêlem đúng như các tiên tri đã ghi chép. Những di tích về thời đại Đức Chúa Giêsu hiện nay vẫn còn được bảo vệ.

Các nhà sử học và khảo cổ học đã minh xác Đức Chúa Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử nhân loại. Các chứng tích như: hang đá Bêlem nơi Người sinh ra, ngôi nhà Người ở tại Nazaret, dinh quan Tổng trấn Ponce Pilastre nơi Người bị xét xử, những giọt máu ở cầu thang (hiện nay người ta dùng những tấm kính úp lên trên để bảo vệ), ngôi mộ, thập giá khổ hình, khăn liệm có in mặt của Người (hiện để ở thành Turin), đồi Calvario nơi Người chịu chết, núi Olivette nơi Người lên trời trước mặt các môn đệ và dân chúng (hiện còn dấu chân in sâu vào đá), cũng như lời Người giảng dạy, tư tưởng và giáo lý của Người. Những bản Kinh Thánh cổ được viết tay bằng tiếng Aram (Do Thái), tiếng Hy Lạp và La Tinh (La Mã) v.v…hiện còn lưu giữ cho đến ngày nay. Ông Daniel Rops thuộc Hàn Lâm Viện Pháp đã nghiên cứu và công bố nhiều điều xác minh về cuộc đời Đức Chúa Giêsu. Ngoài ra còn có hàng ngàn nhà nghiên cứu khác thuộc các giáo hội: Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống, v.v…hoặc thuộc các khuynh hướng tự do khác ngoài giáo hội, cũng đã xác nhận những điều được nhắc đến trong Kinh Thánh về Đức Chúa Giêsu.

Vài giai thoại lịch sử liên quan đến Lễ Giáng Sinh

Năm 496 sau Tây Lịch, giữa lúc Pháp đang giao chiến với dân Lamans (Đức) tại Tolbiac thì Vua Clovis của xứ Gaulois đã cầu nguyện Chúa Kitô xin cho Pháp thắng trận. Lúc ấy đúng vào ngày 24-12, và hôm sau 25-12, ngày Chúa Hàii Đồng ra đời, Pháp thắng trận. Lập tức Vua Clovis và ba ngàn quân Pháp xin rửa tội theo đúng lời hứa và họ đã được Đức Giáo Hoàng Rémy rửa tội tại giáo đường Reims ngày 25-12-496.

Tại Âu Châu ngày nay, dân Đức vẫn còn cử hành Thánh Lễ của Đại đế Charles vào ngày 28 tháng 1 mỗi năm cùng với nước Bỉ. Đại Đế Charlemagne thời Trung cổ đã cai trị một lãnh thổ rộng lớn của Tây Âu ngày nay, gồm có Tây Ban Nha, Ý, Đức, và Bỉ. Nhờ tài trí và đức độ so với các vua khác đồng thời, nên ngày Lễ Giáng Sinh năm 800, vua Charlemagne được Giáo Hoàng Léo III phong tước “Hoàng Đế Tây Âu” và được làm lễ rửa tội tại Thánh Đường Saint Pierre) La Mã).

Trước nạn ngoại xâm và nội loạn, Lập pháp Nghị hội biểu quyết nhiều đạo luật để cứu nguy tổ quốc nhưng bị vua Pháp bấy giờ là Louis XVI phủ quyết do đó nhà vua và hoàng gia đã bị dân Pháp truất phế và bắt giam tại Tháp Temple ngày 20-09-1792. Đúng vào nửa đêm Lễ Giáng Sinh và trọn ngày 25-12 năm ấy, vua Louis XVI đã viết di chúc để tạ tội cùng nước Pháp, dân chúng, và cả vợ con. Cuối cùng vua đã lên đoạn đầu đài ngày 21-01-1793 sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc Ước Nghị Hội với 361/360 trong tổng số 721 dân biểu.

Ngày sinh và năm sinh của Đức Chúa Giêsu đã được thế giới chọn làm niên lịch là Lịch Công Nguyên (ère chrétienne) hay là Dương lịch, lấy năm Người sinh ra làm năm thứ nhất, đến nay đã 2014 năm. Đêm Giáng Sinh còn được gọi là “Đêm Hòa Bình”, đêm mà Thiên thần ca hát:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời;

Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Như Hoa Lê Quang Sinh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search