T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Chiếc lá trong kẹt cửa…

clip_image002

Ảnh : Đặng Hiếu Sinh

Chiếc lá lẻ loi trong kẹt cửa mang hình ảnh của một kẻ tinh khôn, mà nghĩ cho cùng chẳng khác gì tên trốn chạy mùa đông bên ngoài đang bao trùm tất cả. Nếu đem bỏ chiếc lá này ra ngoài thì nó cô lẻ lắm vì mọi chiếc lá khác đã theo dòng, gió… tan biến! Cái giá của sự sống sót nào chả bắt đầu từ sự tinh khôn, và sự tinh khôn nào không kết thúc buồn bã bởi cô độc của kẻ sống sót. Giả sử ngày tận thế ập xuống bất tử một hôm nào thì người sống sót cô đơn biết dường nào so với đồng loại chỉ còn việc khiêu vũ với bầy sói trong tiếng rít diều hâu…

Chiếc lá trong kẹt cửa làm nhát chổi phát ghét kẻ trốn chạy hay phục kẻ không cam tâm chịu chết bình thường mà chổi trân trân nhìn chiếc lá Behrman. Bởi trong truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”, tôi vẫn tin chính nhân vật Behrman là hiện thân của tác giả O’Henry – người cả đời cơ cực nhưng vẫn cố gắng sống để thực hiện hoài bão của đời mình. Behrman tự chọn cho nghề vẽ của ông một cái chết rất hoạ sĩ, ông chỉ từ giã cuộc sống sau khi vẽ được chiếc lá thường xuân để trả nợ đời, ơn thầy vẽ của ông, tình đồng nghiệp, lòng yêu nghệ thuật chân chính của người nghệ sĩ. Behrman mang hình ảnh của O’Henry cả đời cơ cực nhưng vẫn sống để viết “Chiếc lá cuối cùng” như sự trả ơn chữ nghĩa đã sinh ra ông.

“Chiếc lá cuối cùng” của O’Henry, kể về Sue và Johnsy là hai nữ họa sĩ trẻ sống trong khu nhà trọ. Cụ Behrman là một họa sĩ già cũng sống ở đó. Cả đời cụ khao khát vẽ được một kiệt tác nhưng tới già vẫn chỉ có hoài mong. Nhưng mùa đông năm ấy, Johnsy bị bệnh sưng phổi, khiến cô tuyệt vọng và nghĩ rằng khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống sẽ là lúc cô từ giã cuộc đời. Người bạn Sue hết lòng chạy chữa cho bạn Johnsy nhưng vô ích. Biết được ý nghĩ đen đủi của Johnsy, cụ Behrman âm thầm thức suốt đêm mưa gió để vẽ chiếc lá thường xuân trên bức tường ngoài cửa sổ phòng Johnsy. Nên chiếc lá cuối cùng (hình vẽ) đã không rụng trong đêm mưa bão lớn, khiến Johnsy sống lại, từ bỏ ý nghĩ đen tối về cái chết. Tuy nhiên, cụ Behrman lại chết vì bệnh sưng phổi sau một đêm giầm mưa tắm gió để vẽ chiếc lá cuối cùng lên tường nhằm cứu Johnsy. Bí mật của chiếc lá cuối cùng chỉ mình Sue biết, nhưng đã trở thành thông điệp tình người cho hậu thế.

Không biết chiếc lá trong kẹt cửa giữ bí mật gì của mùa qua trong giá rét đông đầy. Có những người ham sống thì trời không cho thọ và những người muốn chết thì trời bắt sống dai. Ngoài cái thuyết số mệnh ấy là từng thân phận có sứ mệnh, hoài bão riêng. Cụ Behrman đã sống cả đời buồn bã nhưng vì hoài bão chính đáng nên cuối cùng cụ vẽ được kiệt tác là chiếc lá thường xuân để cứu mạng một đồng nghiệp trẻ. O’Henry ấp ủ tình yêu chữ nghĩa, cuộc sống và con người ngay trong cuộc đời khắc khổ để cuối cùng hoài bão đạt thành là tác phẩm trứ danh để lại muôn đời. Và chiếc lá trong kẹt cửa là thông điệp của mùa trước để lại cho mùa sau hay chỉ là tội đồ của đồng loại, kẻ đã vui xuân, hưởng hạ, nhàn thu cùng vạn lá nhưng trốn lạnh một mình, rồi váng nhện vây quanh tới bao giờ, bụi bặm phủ mờ tới bao giờ. Sự tồn tại, ngoài giá trị hiện hữu không có giá trị gì khác thì sự tồn tại không có ý nghĩa của sự tồn tại nữa trong vũ trụ luân hồi – vạn vật không mất đi mà chỉ biến chuyển từ dạng này sang dạng khác thì dạng hiện hữu là sơ đẳng, mong manh nhất.

Hay chỉ là cách nghĩ áp đặt của lý trí con người lên chiếc lá vô tri. Chiếc lá có tâm hồn không, sao gợi lại bao nhiêu mùa lá là bấy nhiêu mùa biệt xứ đã thấm đẫm linh hồn. Từ đi thổi lá nhà người bản xứ ngày mới qua để kiếm sống, nhưng tới khi quét lá nhà mình cũng chưa cam phận đủ đầy, chắc cuối đời đi quét lá đa mới vừa lòng…

…Chiếc lá trong kẹt cửa không đại diện cho người ham sống, chẳng tượng trưng cho ý nghĩa sinh tồn nào cả, cũng không mang thông điệp gởi mùa sau nào hết. Chỉ là dĩ vãng chợt về qua hình ảnh chiếc lá như con cá mắc cạn lẻ loi. Bao nhiêu chiếc lá lặng trầm cô lẻ, bao nhiêu con cá mắc cạn đã chết khô một mình, bao nhiêu người… sống để bụng chết mang theo những hoài bảo cá nhân, đều có lý do riêng của mỗi một. Trường hợp Behrman là một nghệ sĩ chân chính và Thượng đế giúp ông hoàn thành tâm nguyện lúc cuối đời để lưu danh muôn thuở.

Cây chổi nhìn chiếc lá trong kẹt cửa làm cho những chiếc lá xa xưa dồn về thành đống lá trong ký ức, người quét nhà ngồi sắp lá cuối đông…

Những ngày còn bé, thấy củi mắc quá nên giúp mẹ bằng cách rủ bạn bè (đằng nào cũng tắm sông mỗi chiều) thì thôi tụi mình bơi qua cù lao, tước mớ lá dừa nước về làm củi. Thế là chiều nào mỗi đứa cũng ôm về nhà một bó lá dừa nước để phơi khô, đốt thay củi. Từ đó, chiều về ven sông, xóm nhà lá ngoằn nghèo những lọn khói lá dừa trắng xanh vươn lên không gian mờ ám của hoà bình lập lại. Nhưng lớp trẻ đi tuốt lá dừa nước bên cù lao chưa kịp tận hưởng niềm vui, lời khen ngợi của những bà mẹ nghèo thì bọn cách mạng ba mươi đã xách súng AK ra bờ sông cảnh cáo con nít, “không được tuốt lá dừa nước bên cù lao… của ông chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.”

Lũ trẻ chúng tôi chờ mùa gặt, đi hốt lá lúa ngoài đồng về cho mẹ nấu cơm, cũng bị ngăn chận vì lá lúa cắt khỏi ruộng gọi là rơm, mà rơm thì để dành cho trâu bò ăn, chứ đâu phải của bỏ. Rơm để làm nấm rơm, thui cá lóc còn không đủ. Huống chừ lại thêm bọn dùng rơm thui chó từ bắc tràn vào thì rơm làm gì đến tay trẻ nhỏ được.

Nhớ cái lá lúa cũng phải đi ăn trộm thời hoà bình ở quê tôi.

Nhưng lá đã vô tình ăn nhập vào ký ức từ tiếng kèn lá gọi nhau ra đồng thời đi bắt dế. Tờ mờ sáng, ngắt cái lá chầm giuộc vấn kèn, thổi te te vài tiếng là có tiếng kèn lá đáp lời ngay. Dại gì sang nhà kêu thằng Tý, thằng Chuột cho chó nó cắn, má nó chửi, làm xui hết ngày chả được con dế nào!

Tới khi có trí nhớ mẹ ngồi lau lá, sắp lá dong, cha chẻ lạt để gói bánh chưng là Tết về. Bên nhà hàng xóm sắp lá chuối từng xếp như những xếp vải ngoài chợ, hứa hẹn Tết sang hàng xóm ăn chực bánh tét cho đã đời vì thể nào thằng Tý cũng sang nhà mình ních cứng bụng bánh chưng mà nó khoái. Chẳng ai giải phóng ai, không ai cần thống nhất, khỏi kêu gọi hoà hợp hoà giải con khỉ khô gì hết mà mấy nhà người Bắc di cư sống trong xóm nhà nam bộ hoàn toàn tự trị khẩu vị của mình, ai muốn gói bánh chưng cứ gói bánh chưng, ai muốn gói bánh tét cứ gói bánh tét. Không có khúc ruột ngàn dặm nào hết mà chỉ có thằng con nhà người bắc khoái bánh tét, mà thằng con nhà người nam khoái bánh chưng thì vác bụng sang nhà nhau mà ăn, để thành ký ức xóm làng muôn đời. Đâu có cái nghị quyết hoà hợp hoà giải nào phải ra đời cho kẻ chống người khinh.

Nhưng những cái tết chiến tranh mà có ăn đã bị hoà bình bịt miệng. Rồi lá nuôi tôi lớn từ hôm biết cầm cây mác đi chặt lá dừa nước tính thiên đưa về lợp mái nhà giam chính mình. Nhớ lá làm bỡ ngỡ khi nhìn cái nón lá ở bến đò sao đẹp vấy! Chưa dám nhận dù là tự nhận mình thấy người đội nón lá đẹp hơn. Rồi tới lá biết nói từ đêm trừ tịch chở mẹ đi chùa, là hái dùm người thấp hơn ta một cái đầu nhưng cao hơn ta “tầm nhìn chiến lược” một nhánh lá! Bởi không đẹp trai thì ai mà nhờ hái hộ em nhánh lộc đầu đời để nhớ nhau suốt kiếp.

Rồi lá bùa hộ mệnh cho con đi vượt biên, mẹ lấm lét mang về từ ông thầy chùa, thầy bùa, thầy ngải nào đó… đeo lá bùa vào cổ tay làm đồ trang sức vì đeo lên cổ thì quê với bạn bè chọc. Nhưng thần linh đâu chịu đeo bùa ở tay vì vì tay phải làm gì đâu cho tay trái biết! Thần linh không phù hộ còn nổi giận tống vô tù sau chuyến vượt biên bị bắt. Đi chặt lá dừa nước mờ mắt về lợp trại giam chính mình mới nhớ đời.

Chiếc lá trong kẹt cửa làm dày lên lớp lá trong ký ức với bâng khuâng khi lá bên hàng xóm lá bay sang mà chẳng có ký tự nào trên lá để dệt mơ suốt đời không thành mộng. Tới lá vàng từng cánh rơi từng cánh ngoài khung cửa giảng đường mà mơ hồ theo lá bi tráng trên trang sách nói về người vệ quốc năm xưa, “người ra đi đầu không ngoảnh lại/ sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” Hình ảnh quá buồn mà lại quá đẹp về chiếc lá. Từ đó… hút thuốc lá! Đêm về chong đèn với năm mươi hai lá tiến lên, chặt hẻo kiếm được mấy điếu thuốc lá với ly cà phê sáng thì trời đã sáng.

Lá ấp lẫm trong hồn tới đời thực. Nhưng lá còn xanh như anh còn trẻ, bỗng mùa thu lá bay thấy ngậm ngùi! Giờ nhìn chiếc lá trong kẹt cửa, chiếc lá mùa đông riêng một góc trời như người tha phương với năm tàn tháng tận. Những mùa lá vui hay gió vui tuổi trẻ chỉ còn khoảng lặng của ký ức trong những mùa quét lá xứ người. Mới thoát cảnh mặc mấy lớp áo để đi làm sớm, chưa kịp vui với chồi non, lá biếc thì hạ đã về, nương bóng lá che thân với cái máy cắt cỏ khi hụt hơi trưa hè chưa kịp thở thì mùa thu rầm rập tới cuốn lá đi. Cây cào lá trong garage còn chưa nghỉ ngơi thoả đáng đã ra sân uể oải nói gì sức người đi làm quanh năm ở Mỹ. Thấy lá trên cây chớm vàng đã ngao ngán. Ai nói mùa thu đẹp, lãng mạn, mơ mộng… xin mời quét lá mấy cây sồi một hôm sẽ chết (hết) hồn thi sĩ ngay tức khắc. Càng cào, quét, gom… lá càng rơi. Những buổi chiều hồn trôi bềnh bồng trong lá là bấy mùa xa quê. Chiều tha phương quét lá biết bao giờ cho xong, người xa quê nhớ nhà biết bao giờ cho nguôi. Chiếc lá trong kẹt cửa là tinh khôn của lá; hay tắc trách của người quét lá; độc ác của gió cũng không chừng! Mà cũng có có thể là ngẫu nhiên của số phận của lá. Là bạn già của ngài Culapanthaka. Tiền kiếp ngài là một quân vương anh minh, nhưng cũng mắc sai lần đã trêu ghẹo một người bạn si khờ. Kiếp sau của ngài có người anh là Panthaka, cực kỳ thông minh, theo Đức Phật tu học, đắc quả A La Hán. Nhưng nghiệp báo người em Culapanthaka bị chứng si khờ để trả nợ tiền kiếp. Ngài không thể học thuộc được một bài kệ, buồn bã bỏ tu. Nhưng Đức Phật khuyên ngài hãy làm việc có thể. Ngài chỉ có thể quét lá sân chùa. Sự tự biết mình là cách tham thiền qua việc quét lá, ngài quét đi được hết lục dục trong tâm, đắc quả A La Hán như người anh Panthaka. Cả hai cùng là đại đệ tử của Đức Phật.

Chiếc lá trong khe cửa gợi lại bao điều, nghĩ tới bao nhiêu… đời lá như đời ta, thời lộc chồi mau qua để khoe sắc lá muôn màu trong trời đất bao la này. Và cũng vì trời đất quá bao la nên chiếc lá (đời người) sắc-không luân hoán. Lá vui hay gió vui, lá bay hay gió bay; người vui hay đời vui… rồi càn khôn như nhau. Ngày xưa yêu biết mấy lời nhạc, “xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…” Nhưg phải quét lá vài chục mùa trên nước Mỹ thì biết yêu em nào phụ anh hốt lá là chính xác! Những hằn học được gì khi lượt chổi đi qua giáp drive way thì lá lại rơi đầy; cào lá toát mồ hôi chưa kịp nhìn thảm có thì lá lại rơi đầy. Ngài Culapanthaka đã chứng nghiệm lá rơi là tự tại của lá, người quét là tự tại của người quét. Sinh-diệt trong trời đất tự nhiên, không có thắng thua mà chỉ có tự tại của muôn loài cộng hưởng thành vũ trụ. Mới cào nhát đầu đã nghĩ tới thảm cỏ nâu mùa này sạch không chiếc lá là tham (sự toàn bích); mới quét nhát chổi đã thấy cái nhà sạch là… lười (!) Thấy chiếc lá trong kẹt cửa mà nghĩ tới thu tàn, đông lập, những sinh linh, tới vũ trụ… là ta bà.

Nhưng quét sao cho hết lá, lòng sao cho hết nhớ nhà khi năm tàn tháng tận, khi lá đã ghim vào phế phủ từ tiếng kèn lá xa xưa tới chiếc lá cuốn cùng…, Gởi gió cho mây ngàn bay nghe sao hay lạ khi trên tay cầm chiếc lá khô vào một ngày cuối năm… “Với bao tà áo xanh đây mùa thu/ Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ/ Lá vàng từng cánh rơi từng cánh/ Rơi xuống âm thầm trên đất xưa… Thấy hối tiếc nhiều/ Thuyền đã sang bờ/ Đường về không lối/ Giòng đời trôi đã về chiều/ Mà lòng mến còn nhiều/ Đập gương xưa tìm bóng…/ Nhưng thôi tiếc mà chi/ Chim rồi bay, anh rồi đi/ Đường trần quên lối cũ/ Người đời xa cách mãi/ Tình trần khôn hàn gắn thương lòng…”

Nghe Tuấn Ngọc hát “đường về không lối/ giòng đời trôi đã về chiều…” Sao u uẩn quá! Liệu “đập gương xưa tìm bóng” có ích gì?

Chiếc lá trơ trơ trong tay…

Phan

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search