T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Hai người đàn ông trên chuyến xe đò cuối năm

clip_image001

Tranh: Trần Thanh Châu

(chuyện viết theo hư cấu, nếu có trùng hợp trong đời thật cũng chỉ là ngẫu nhiên ngoài ý định của tác giả ).

Những ngày cuối năm theo lệ thường ở quê ta người ta đi lại mua bán sắm sửa có phần tấp nập hơn. Chuyến xe đò về Tân Trụ chẳng còn một chỗ trống. Từ thị xã Long an về đây qua con lộ quê tuy chỉ hơn ba chục cây số nhưng khách trên xe cứ kiên nhẫn trò chuyện vì thời gian có qua mau nhưng tình quê chẳng bao giờ dứt.

Thị trấn này vẫn là địa đầu của một thành phố nửa tỉnh nửa quê, người ta về miền Tây cũng nhanh lên Sài gòn cũng tiện, có đặc điểm thời nào cũng sản sinh ra những người hoạt động cho cả hai bên. Nói hai bên cho tiện chứ thật ra khó phân biệt ranh giới, chẳng qua vì lý tưởng vì hoàn cảnh chứ mỗi lần hưu chiến mấy ông quan giầy sô xe Jeep vẫn ngồi cạnh mấy bác AK chén chú chén anh, súng để ngoài hè hát hò vọng cổ. Hết hưu chiến ai về nhà nấy bắn nhau diệt nhau không thương tiếc vì nói cho cùng trong chiến tranh khi đối thủ là những kẻ thù dấu mặt thì ‘bắn chậm là chết’ chấm hết . com

Lúc này đang là đầu thập niên 1980, chiến tranh đã chấm dứt hơn 7 năm. Chuyện nhận họ nhận hàng, ân đền oán trả hình như đã có phần lắng dịu. Dân tình quay sang làm ăn lo cho thế hệ cháu con, chuyện cũ một thời coi như chớp mắt, hận thù mà chi khi dò theo gia phả con cháu trong nhà chẳng ai khác tổ lạc tông.

Người ta để ý có hai người đàn ông ngồi cạnh nhau ở băng ghế hai chỗ gần cuối thân xe, tuổi đời trên dưới năm mươi nhưng cả hai sau gáy tóc đã đổi màu từ tiêu sang muối. Một người dáng cao gầy hình như từ thành phố về, một người thấp hơn dáng quê chắc quen với đồng ruộng. Họ cứ lâm râm trao đổi, có ai ngồi bên cũng chẳng hiểu chuyện chi, chỉ biết nét mặt họ biểu lộ khá nhiều cảm xúc thay đổi cung bậc tùy lúc nhưng rõ ràng là câu chuyện chẳng phải cho ngắn quãng đường mà là một vấn đề còn nhiều vướng mắc. Ta hãy tạm gọi ông trên tỉnh là ông A, ông dưới quê là ông B.

Ông A mở lời trước,

chắc anh cùng về Tân Trụ?”

quê tôi từ hồi nào đến giờ. Tôi đoán anh từ Sài gòn về? có ai miệt này mà tôi không biết.”

tôi quê vùng này, ba tôi cũng làm ruộng, mẹ tôi bán tạp hóa ở chợ, anh có biết ông bà Cả Hương không?”

Ông B mừng rỡ ra mặt, không hẳn vì ba má ông A người cùng xã mà vì những người này cũng là người ơn của gia đình ông sau ngày mất nước.

Tưởng ai chứ ông bả Cả ai chẳng biết, người ăn ở đạo đức, anh có phước đó. Té ra anh với tôi là người cùng xã. Sao anh em mình không biết nhau cà, chắc anh lo học hành trên tỉnh”.

Kiểu đối thoại này cứ liên tục lúc trầm lúc bổng, có lúc ông nhà quê lại lau nước mắt, ông trên tỉnh phải an ủi “chuyện đâu còn đó anh không làm thì thôi, chuyện tù thì anh cũng trả rồi, chị tôi cũng chẳng thể sống lại, thời chiến tranh tai bay vạ gió biết đâu mà lường.”

 

****

Tìm về cội nguồn của những tháng năm một cổ đôi tròng, quê hương tan nát, hai số phận cả A lẫn B đều bị cuốn hút trong cơn lốc của lịch sử.

Một người có may mắn hơn, gia đình khấm khá, học hành giỏi giang, quanh năm lúc trên tỉnh lúc Sài gòn, nghe nói đậu tới bác sĩ. Thời ông Dìệm bị động viên vào ngành quân y, sang thời ông Thiệu làm tới thiếu tá, chuyên đóng ở Sài gòn, có phòng mạch riêng ở bên Phú Lâm, chữa trị cho nhiều người thuộc cả hai bên, ngay dân quê mình mấy ông VC không nhờ ông chữa chạy chắc đã xuống mồ, có cái hay là ông ưa làm phước ai không có tiền ông cứ chữa nói lúc nào có tiền thì đưa, thời buổi chiến tranh gạo đong từng bữa nợ đâu mà trả. Dù vậy ông vẫn giàu vì bên Chợ Lớn nghe tiếng mát tay, mấy người Hoa lại trọng ơn nghĩa họ thưởng ông nhiều món tiền lớn.

Tới hồi 75 ông đã có hai ba căn nhà ở mấy con đường lớn, xe hơi hai chiếc rước vợ đưa con, dù là bác sĩ làm việc hai nơi nhưng bạn nhậu cũng nhiều, ông chỉ về nhà khi thành phố đã lên đèn. Vốn số đào hoa ông có tới hai bà, một bà cùng quê, một bà Bắc kỳ nho nhỏ. Chuyện tình duyên của cậu sinh viên y khoa nghe khá thú vị. Giới quân y quen gọi ông là Dr. Dzi, viết tắt của Dr. Zivago, một kich bản phim chuyển thể cùng tên, cũng trái tim chia hai, một bên thì người tình một bên là vợ thật.

Vợ là do gia đình cha mẹ đặt để, nhà khá giàu, nghe nói căn nhà của đằng gái dưới Long an xây cất theo lối cổ coi như điển hình của kiến trúc miền Tây hay được các hãng phim mượn làm không gian cho phần ngoại cảnh. Anh của cô là một kỹ sư du học Pháp sau về nước bị động viên làm tới quan năm vừa là người cha đẻ của ngành điện toán Việt nam, cái tên ‘điện toán’ chính ông ta đặt.

Có một đặc điểm là hai gia đình đều có người bên này bên kia. Chị ruột của ông kết hôn với một thày giáo sau theo kháng chiến tập kết ra Bắc, chị ông ở lại quê nhà nuôi hai đứa nhỏ sau làm tới phó bí thư huyện ủy cho cơ sở nằm vùng, bị chết do một cuộc tảo thanh của bên cộng hòa, chuyện không vui hồi sau sẽ kể.

Bên vợ, người anh kế ông kỹ sư đi theo tiếng gọi của HCM hồi kháng chiến Nam bộ tới 54 theo đảng ra Bắc, người em út giáo viên tiểu học sau mới biết là điệp vụ giao liên khi ông này tự nguyện ra dạy ở Côn đảo, chủ yếu là đưa tin tức, vật dụng tiếp tế cho các đồng chí của thành ủy bị đầy ra đảo. Bên ông thì không có gì gay gắt nhưng bên vợ do bất đồng ý thức hệ, mấy anh em gặp nhau sau ngày ba mươi tranh luận thế nào mà bà mẹ 80 ngồi sau hè nghe được lên cơn đau tim dẫn đến bi kịch chưa vui xum họp đã sầu chia ly.

Mấy tháng sau ông anh cả lại lên đường ra Bắc thay chỗ ông em tập kết, nhà nuớc nhốt ông 7 năm khi về thì ông kia đã ra ngườì thiên cổ. Nghe nói ông anh tới Mỹ theo diện H.O. cũng mất cách đây mấy năm ở tuổi bát tuần, thề không bao giờ quay lại quê hương trừ chế độ bên thắng cuộc đi vào giải thể. Lời thề độc đã vận vào ông, cộng sản chưa chết nhưng ông đi trong thanh thản. Trong hàng sĩ quan nhiều người phục ông già này, du học tự túc nhưng về nước chịu đi lính, phục vụ hết mình cho quân đội, cho nghề nghiệp, vừa trong sạch vừa thẳng thắn, có tình với thuộc cấp, Mỹ cũng phải nể, luôn biệt phái cho người đối tác chiếc Ford Falcon cho đến ngày tàn cuộc.

Quay lại bác sĩ Dzi, bổ túc chuyện tình cho thêm phần tươi mát. Ông vốn lo học vì biết cha mẹ chẳng khá giả gì, lo cho ông học để sau này thành thầy thuốc chữa bệnh cứu người, ông không vào quân y có thể vì ám ảnh từ cái chết của người chị, sau này vào lính cũng chỉ vì luật động viên, không ngờ số phận lại đeo đuổi ông như một quân ysĩ chuyên nghiệp. Ông rất vâng lời cha mẹ, chưa hết y khoa ông đã về quê cưới vợ, một phần muốn giữ chân ông sợ phải lòng các cô gái nơi Sài gòn hoa lệ, phần khác sớm có cháu để nối dõi tông đường.

Trong một ca đỡ đẻ tại bệnh viện Bình Dân, chàng sinh viên năm thứ sáu được giao chăm sóc cho một cô sinh viên đang chuyển dạ. Cô gái đi với bà mẹ, chồng cô đâu không thấy, thời buổi chiến tranh có bóng dáng người đàn ông bên cạnh lúc qua biển cạn là chuyện không dễ. Dù hơi xanh sao nhưng làn da vẫn trắng, ẩn dưới đôi mắt thật buồn như có gì vừa u uẩn vừa lo âu. Về sau hỏi ra cô bị người yêu bỏ, lỡ mang thai phải sanh, sanh rồi tương lai chưa biết về đâu. Đó là chuyện của cô, chàng sinh viên chỉ làm chuyện của mình, một bé gái ra đời mẹ tròn con vuông, mẹ nó như qua cơn cận bờ sinh tử nét mặt trở nên rạng rỡ làm lộ nguyên hình của một thân thể trời cho.

Chàng sinh viên bị sét đánh, quên mình đang có vợ, hỏi điạ chỉ ngày ra bệnh viện, họ yêu nhau từ đấy, ăn ở với nhau có thêm hai mặt con ngoài con bé vừa sanh nhận làm con chung mà sau này chẳng hề tin ông là cha giả. Chàng sinh viên chết tên với nickname Dr. Dzi. Chuyện nội bộ gia đình bên chính bên tà chẳng ai săm soi tọc mạch khi một ông hai bà là chuyện thường tình ở huyện của một xã hội đi vào công nghiệp hóa và đất nước điêu tàn bởi nội chiến từng cơn.

Tháng tư chợt đến, ông dư điều kiện để xuống tàu vì ông vốn gốc Hải quân làm ở một bệnh viện trên đất, nhưng hai gánh trên vai biết chọn bên nào, lại thương mẹ già vừa là trai trưởng, ông quyết định ở lại nhường xuất của mình cho một bạn nhậu đồng môn. Ông đi tù cải tạo, giới bác sĩ thiếu người nên có giá 3 năm cho cấp úy, ông cấp tá lẽ ra 5 năm, nhưng nhờ ‘có công với cách mạng’ hơn hai năm sau ông về, buồn cười là có công không do bà chị mà là ông đã bí mật chữa cho người dưới quê ông hồi ông còn phòng mạch ở Phú Lâm, nay các ‘đồng chí’ lại là người tiếp quản thị xã!

Ông được tiếp tục hành nghề, người ta cho ông làm ở bệnh viện Triều châu giờ đổi tên gì không biết. Dr. Dzi những ngày cuối đời giống hệt Trịnh Công Sơn, ông chơi đàn guitar cũng hay, nhiều người lầm hay xin chữ ký. Không biết nhau nhưng ít nhất hạp nhau ở hai điểm thuốc lá và rượu tây. Mấy năm sau sang thời mở cửa ông lại có phòng mạch, chủ căn nhà cũ đã di tản ông cán bộ già đồng ý cho ông thuê với giá cao. Ông thích nơi này vừa tiện cho người dưới quê vừa hạp với khách người Hoa ông từng quen biết.

Lúc này cho danh chánh ngôn thuận, ông chia thời gian nhiều với bà lớn, lấy hộ khẩu của bà và lo đều cho con cái, nghe nói cũng mấy đứa ra bác sĩ, có một cái hay là các con hai dòng rất thân nhau, trong khi hai bà mẹ thì nhìn chung giống như dân tộc mình bốn mươi năm vẫn chưa đi vào hòa giải, đã vậy bà lớn còn kỳ thị quyết không gả con dù trai dù gái cho mấy người gốc…Bắc.

*****

Chuyện đến đây xin chuyển qua ông B. Vẫn giọng trầm trầm mang âm sắc người dân Vàm Cỏ, ông nông dân cả đời chỉ biết lo làm ruộng ngày giáp hạt, chăn vịt mùa nước nổi được dịp bộc bạch với người cùng thôn những điều ẩn ức từ ngày đi lính Dân vệ thời ông Diệm mà nhạc sĩ Lam Phương cứ dụ ‘đi quân dịch là thương nòi giống!’. Chỉ hai năm thôi mà đời ông khốn khổ, hết bên này hành bên kia dọa. Sao hôm nay trời xui đất khiến lại cho ông được gặp con trai của ông bà Cả. Oan khiên bao năm dịp này mới được tỏ lộ chứ phân bua hoài trong xã trong làng cũng chẳng ai tin.

thì anh cứ kể chứ năm ấy tôi trên Sài gòn, lại chuyện đã rồi tôi biết một ngày nào đó cũng chẳng dấu được. Bà chị tôi thì đã quyết một lòng không trước thì sau cũng để lại mấy cháu cho mẹ tôi nuôi.” Ông A trấn an ông B cứ mạnh dạn mà kể, ông B như cởi được lòng tiếp nối chuyện xưa,

“tội nghiệp cô Hai, xóm làng có che chở biết cô Hai theo phía bên kia, chẳng ai nỡ đi khai đi báo, nhưng rồi một hôm, cũng vào ngày giáp Tết, tôi nhớ năm ấy tôi đi quân dịch trong đợt đầu tiên, được phục vụ tại xã vì nhà con một. Anh biết đấy gốc nông dân chỉ làm dân vệ giờ họ kêu là nghĩa quân, tôi được biệt phái làm tà lọt cho một ông an ninh xã.

Không thấy tận mắt nhưng nghe tận ngọn do thằng bạn tham gia bữa đi tuần tra vì có mật tin VC nằm vùng về hội họp, mà lại họp ngay căn nhà kế khu nhà ông bà Cả mình. Toán dân vệ do chính viên an ninh xã chỉ huy xuống thẳng ngôi nhà bị tố. Lục soát một hồi thấy có một hầm bí mật, sâu rộng bao nhiêu không rõ, nhưng chắc chắn có người trong hầm. Viên an ninh cầm loa chõ xuống kêu ai đó cứ ra khỏi hầm, ngoan cố tung lựu đạn ráng chịu. Vừa kêu gọi vừa chờ trong tư thế cũng cảnh giác không kém sợ dưới hầm bắn lên. Mấy phút trôi qua. Viên an ninh hạ lệnh quăng lựu đạn vào cửa hầm. Vẫn không thấy ai ra khỏi hầm. Lôi từ trong hầm ra có tất cả 13 xác, nhận diện có xác cô Hai người chủ trì cuộc họp. Thôi cho tôi kể tới đây thôi, kể thêm tôi chóng mặt…”

Ông A cũng đã biết sơ câu chuyện do nhà học lại, nhưng nghe tới đây cũng muốn nhức tim, quay ra hỏi ông B.

“ rồi trong chuyện này liên hệ thế nào mà sau 75 họ lại nhốt anh?”

“Sau chuyện này dân tình họ thù viên an ninh, tôi là người gần gũi ông ta nên họ cho là chỉ điểm, dù tôi không có tham gia bữa đi tuần. Phân bua hoài chẳng ai tin. Mấy tháng sau mấy ổng về ám sát ông an ninh tại nhà, có lời đồn hăm he hù dọa tôi. Nhưng bên ta bố ráp quá, các ổng rút qua Hậu Nghĩa, tôi cũng mãn quân dịch về lo làm ruộng. Thoát chết.

Có một lần vào lúc khuya tôi gặp ba má anh khi ông bà đã nguôi ngoai, tôi xin hai cụ thương tôi đừng tin những lời bịa đặt. Hai cụ hiểu nhưng mấy cô em anh vẫn còn thù tôi cho đến bây giờ.

Chuyện tưởng êm, đất nước đổi đời có người khui chuyện, họ tố tôi hại cô Hai. Họ nhớ vụ này là một vụ lớn, nhà bảo tàng huyện còn ghi trong lịch sử Đảng. Công an xã rồi huyện gọi lên tra vấn, tôi khai thiệt họ không tin, họ có đánh tôi, sau cho đi tập trung cải tạo mất 6 năm. Về nhà giờ này lúc giao mùa tôi vẫn còn bị đau nhức vì mấy ngón đòn thù, tiện đây biết anh là bác sĩ có thuốc nào trị cho tôi ít viên.”

Giọng ông B trở nên tự tin, biết ông A là người hiểu chuyện nên cũng chẳng cần rào đón xin thông cảm cho qua. Ông B có nhắc chuyện ông bà Cả ngầm giúp đỡ chút gạo mắm trong lúc ông xa nhà mấy năm đi tù trong tình cùng thôn.

Xe cập bến. Hai ông xuống chót. Ông A ngỏ lời mời ông B tết qua nhà chơi. Ông B ngại không dám nhận lời, ông A bảo mồng hai cứ qua có tôi chờ.

Bữa chiều mồng 2, nhà ông bà Cả khá đông con cháu. Có cả mấy ông bên ủy ban ghé nhậu, ông B cũng có mặt trong tư thế hơi lép vế. Dưới bếp, vừa sửa sọan đồ ăn vừa có giọng cô Tư hỏi mẹ, ai mời thằng Sáu (tức ông B) qua nhà mình vậy, anh Ba mày bảo tao kêu nó, tao nói mấy em với bà con chắc họ không chịu, anh mày nói mấy chục năm rồi sao thù dai vậy, chắc gì người ta đã làm mà có làm thì đi tù trả nợ xong rồi, má không mời con mời. Cô Tư không dám nói gì thêm. Ông A là người vẫn có uy trong nhà sau ông bà Cả.

Bữa nhậu vậy mà vui, có thể vì sự hiện diện của Dr. Dzi. Ông cũng là dân nhậu và có lối nói chuyện dí dỏm cao thấp già trẻ ai cũng thích. Ông B cũng chẳng còn mặc cảm vì bao nhiêu năm mới có niềm vui. Rượu nếp Gò Đen và vịt cổ tròn Bến Lức dẫn thực khách sáp lại gần nhau, họ chỉ biết chỗ bà con thương nhau là chính, có bàn là năm mới này nước sông có ngập cao hơn, lúa bán ra rồi có được giá cao, nhưng quan trọng là cái cổ vịt cứ xoay tua trên dĩa, cái mỏ hướng về chỗ nào, nơi ấy phải cạn ly…

Đỗ Xuân Tê

Trích tập Quê tôi một thời u ám sắp in

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search