T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 97)

 clip_image001_thumb.jpg

Tiếng Việt trong sáng

Thống nhất: Thống nhất là làm biến mất tình trạng chia rẻ bắng cách gom các thứ về một mối. Ngày nay người ta lại thường dùng từ thống nhất để diễn tả sự đồng ý, cùng chung quan điểm.

Thí dụ, người ta đã nói: “Để thực hiện tốt chỉ thị, tôi cần thống nhất đồng chí chủ tịch”. Nói như vậy là sai.

(Triêu Thanh tạp chí)

Chữ nghĩa làng văn

Trong một cuộc hội thảo về thời sự văn học của Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến đặt vấn đề phân biệt hai cách viết văn xuôi : “kể lại nội dung” và “viết nội dung”. Ông đưa ra một nhận xét thú vị:

90 phần trăm nhà văn “kể lại nội dung”, chỉ có 10 phần trăm “viết nội dung”. Theo ý riêng của ông, sự phân biệt hai phạm trù “ kể lại nội dung”, “viết nội dung” là một mặt quan trọng trong sự đánh giá tình trạng văn xuôi hiện nay.

– “Kể lại nội dung” chỉ quan tâm đến việc: kể cái gì.

– “Viết nội dung” còn quan tâm đến mặt : kể như thế nào.

“Kể lại nội dung” dễ  đưa văn xuôi trôi trượt theo văn đưa tin, nếu đưa tin những chuỵện lạ, sẽ được người đọc rộng rãi mến mộ.

Trong văn xuôi “viết nội dung”, sự kết hợp “viết cái gì” và “viết như thế nào” tạo ra sức căng cho câu văn, mạch văn, làm cho câu văn có giọng, có hồn, không bị “bẹt”, bị ỉu sìu.

Tiếng Việt trên net

wài = hoài*
wờ wạng = quờ quạng

(Nguồn: Gio-o.com)

 Chữ nghiêng IX

Một số trường hợp dùng chữ nghiêng:

  1. Từ vay mượn từ tiếng nước ngoài.
  2. Trích dẫn một câu nói hay nguyên văn một tác phẩm

(nếu không viết giữa hai ngoặc kép)

  1. Tên của một cuốn sách, một bản kịch, một cuộn phim, tác phẩm… (nếu không viết giữa hai ngoặc kép)

(nguồn Wikipedia)

Tục ngữ Tầu

Thái dương đả tây xuất

(Mặt trời mọc đàng…tây – Chuyện ngược đời)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Chưa…hỏi đã…ngã

Viết cho đúng dấu hỏi (?) ngã (~) không đơn giản, làm nhức đầu một số người Nam, đồng thời lại quá dễ dàng đối với người Bắc. Người Nam không biết tại sao chỉ có hai dấu mà mình không làm sao nhớ được, người Bắc lại không thể tưởng tượng được lại có loại người không nhớ nổi hai dấu này.

Một số người Nam không cần thắc mắc, chỉ dùng một dấu, tới đâu thì tới, nghĩ rằng chắc không sao đâu, ai mà để ý. Bài này viết, theo cái nhìn của phương Nam, một phần dựa theo các thắc mắc do thân hữu đề ra:
Vấn đề: Viết sai hỏi ngã vì là dân trường Tây. Nhiều người cho là tại vì học chương trình Pháp nên viết tiếng Việt sai chính tả.

Giải thích: Các nhà văn tiền chiến, như nhóm Tự lực văn đoàn, ai mà không học trường Tây, thế mà họ viết tiếng Việt đâu có sai. Vậy không phải chỉ có Tây, mà cả Ta cũng thế.

Vấn đề: Chữ thông thường dùng hằng ngày mà cũng viết sai. Nhiều từ, nghe hằng ngày cả chục lần, nói hằng trăm lần, đọc hằng chục lần, viết hằng mấy lần, bị sửa sai hằng ngàn lần mà chứng nào tật ấy, sai vẫn cứ sai hỏi ngã.

Giải thích: Tại sao tiếng Anh, tiếng Pháp chữ nào cũng dài thoòng, âm tiết kỳ lạ, nói giọng khịt mũi (Pháp), ưỡn ẹo như bóng (giọng Ăng lê), cà giựt như xe thổ mộ (giọng HongKong), cà xịt như xe lửa chạy (giọng Nga), rồ rồ trong cổ họng như bị hen suyễn (giọng Bắc Mỹ), líu lo dính cả lưỡi (giọng Japan trong phim Monkey magic), giọng Si Hà Nút của một số vùng VN, mà ít khi quên, trong khi chỉ có hai dấu quèn mà không nhớ. Thế nghĩa là thế nào?

(Đoàn Văn Phi Long – Hỏi ngã)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Một tờ báo “văn học” trong nước có mục hỏi đáp:

Hỏi: Nhờ nhặt dùm sạn trong câu thơ của Tản Đà

“Muốn ăn rau đắng chùa Hương

Tiền đò ngại tốn con đò ngại xa”

Đáp: Hạt sạn to đùng khi nhặt được là…

“Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa”

(Phụ chú: Còn thiếu ở câu đầu “Muốn ăn rau sắn chùa Hương”.

Rau sắn chứ không phải là…rau đắng)

 Chữ nghĩa làng văn

 Tiếng Việt khó nhai thật, có nhiều chữ ghép với “ăn mặc” dầu nó chẳng “ăn nhập” đến chuyện bỏ đồ ăn vào miệng để nhai và nuốt gì cả.  Nói ăn nhậu, ăn tiệc, ăn mừng, ăn cưới, ăn giỗ còn có nghĩa lý. Còn ăn nằm, ăn hút, ăn tiền, ăn cắp, ăn mày, ăn diện, ăn quỵt, ăn đòn, ăn năn, ăn hiếp, ăn khách, ăn ảnh…thì đúng là chẳng …“ăn nhập” đế…ăn cả

Xưa, bịa tạc ra chữ ăn, thật đúng các cụ ta…ăn không ngồi rồi.

(Lê Anh Tuấn – Báo Sài Gòn Nhỏ)

Sông Tương

Đó là dòng sông cổ tích, dòng sông huyền thoại của :

Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay

Với cảm hứng “ai về Kinh Bắc” – nhạc sỹ Văn Cao đã sáng tác bài “Trương Chi” réo rắt bổng trầm bất hủ “ai có về bên bến sông Tương, nhắn người em gái tôi thương…”.

Ấy là con sông Tiêu Tương, làng Cổ Pháp xưa nằm ngay bên bờ sông Tiêu Tương. Tương truyền xưa vua Lý Thánh Tông thường đi thuyền rồng từ quê theo sông Tiêu Tương lên chùa trên núi Phật Tích (Tiên Du) nghỉ mát và đọc kinh vào mùa hè. Những địa danh núi Tiêu, xã Vân Tương, những khúc sông ở Đình Bảng, Phù Lưu đổ vào sông Cầu là dấu vết của sông Tiêu Tương thơ mộng ngàn xưa.

Thời xưa ấy Nguyễn Du đã bao lần lội qua sông Tiêu Tương về thăm quê mẹ ở làng Hoa Thiều (Từ Sơn). Chùa Tiêu được xây dựng phía Tây bên trên sườn núi Tiêu, xã Tương Giang nhìn xuống dòng Tiêu Tương uốn lượn gắn với câu chuyện tình Trương Chi – Mị Nương đã đi vào huyền thoại. Chùa chỉ có một cổng ở chân núi phía tây, trên cổng có ba chữ đại tự “bất nhị môn” (không 2 cửa) để người đời ngẫm nghĩ: đi theo đạo Phật chỉ có một đường.

Đến Tiêu Sơn Tự, ai đó đã từng mê tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn chắc còn nhớ “Tiêu Sơn tráng sĩ” của Khái Hưng? chính là đây: Nơi chàng Phạm Thái yêu Trương Quỳnh Như (thời Lê mạt) thất tình bạc mệnh đã về “tu”, đã cho thi sỹ cất cánh hồn thơ viết những cẫu thơ tình đầu tiên của Việt Nam.

Với tôi (Nguyễn Khôi), sông Tiêu Tương ở ngoài cổng sông Vớt (xóm Bà La – Đình Bảng) vớt xác Trương Chi hay vớt hồn ai là cả tuổi thơ đầy chất quê mơ mộng, diệu huyền.

(Nguyễn Khôi – Sông Tiêu Tương)

Tiếng Việt trên net

thui = thôi
trơi= chơi, ví dụ: “đi trơi”

 Chữ nghĩa làng văn ba miền

Người Việt ở Bắc thì ưa viết văn, người Trung thì làm thơ, người Nam thì viết báo.

Người Bắc viết văn mang cái bệnh đểu, “sâu sắc”, “ẩn dụ”, bóng gió, nói cay, nói đắng, lấy cái gia vị của gừng, của ớt làm cái ngon miệng. Vì thức ăn chả có gì, như một chén cơm sống trộn tỏi với nghệ. Vậy mà người đọc cứ ào lên khen hay.

Dân Trung mang cái thi ca vớ vẩn biến thành cuộc đời với ý chí đi làm cách mạng hay đi tu. Các nhà tu, chính trị gia chỉ là các nhà thơ thất chí với cuộc đời. Xứ càng khổ càng nhiều thi sĩ hiện sinh.

Bây giờ nhìn đâu cũng thấy “văn học”, kể cả những gì rất là “vô văn học”. Trở lại để trích dẫn Nietzsche: “Con gà mà đẻ nhiều thì trứng sẽ nhỏ đi”. Cái dở của văn chương ta là nhiều chữ quá mà chẳng nói lên được điều gì!.

@

Chữ “@” trong địa chỉ điện thư từ tiếng Anh là “at” là “ở”.

Người Việt gọi nó là “con còng”

Người Đức gọi nó là “chữ A đuôi khỉ”..

Người Phần Lan gọi nó là “chữ A đuôi mèo”.

Người Ba Lan gọi nó là “chữ A con khỉ con”

Người Ý gọi nó là “con ốc”

Người Na Uy gọi nó là “chữ A đuôi heo”

Người Hung Gia Lợi gọi nó là “con sâu”

(Trà Lũ – báo Văn Nghệ Tiền Phong)

Tiếng Việt trong sáng

Quốc giỗ: Tôi có đọc được câu nầy: “Ngày giỗ tổ Hùng vương là ngày quốc giỗ”. Nói như vậy là sai. Giỗ là tiếng Nôm chứ không phải là tiếng Hán Việt nên không thể đặt sau tiếng quốc được. Hãy bỏ tiếng ngày quốc giố mà dùng tiếng thuần Việt là ngày giỗ cả nước, vừa đúng, lại vừa dễ hiểu. Ta nên dứt khoát chỉ dùng từ Nôm là ngày giỗ để cho thống nhất toàn quốc.

(Triêu Thanh tạp chí)

Bồ chữ

 

Vì Cao Bá Quát tuổi trẻ đỗ sớm nên mắc tật kiêu ngạo. Để chứng tỏ tính nết kiêu ngạo của ông, người ta thường kể ông từng nói : “Thiên hạ có bốn bồ chữ, riêng tôi giữ hai bồ, anh tôi giữ một bồ” (có chỗ chép “Anh tôi là Bá Đạt và bạn tôi là Nguyễn văn Siêu giữ một bồ) còn một bồ chia cho kẻ sĩ khắp thiên hạ”.

Song theo cụ Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho toàn tập, thì câu này phỏng theo ý của Tạ Linh Vận (Trung quốc):

“Trong thiên hạ tài có một thạch (mười đấu), Tào Tử Kiến (Tào Thực, con Tào Tháo) được tám đấu, riêng tôi giữ một đấu còn một đấu phân phát cho khắp kẻ sĩ cổ kim” (8).

Như vậy rõ ràng là chuyện bắt chước Trung quốc, liệu có phải Cao đã “cóp” người xưa thật hay vì thấy ông mang tiếng kiêu ngạo mà có người đã đem chuyện này gán ghép cho ông ? Bởi vì đã có khá nhiều chuyện người ta nói chắc như đinh đóng cột mà xét ra lại không đúng vì người đời gán ghép hai câu ấy cho ông, tưởng làm tăng giá trị của Cao Bá Quát lên nhưng lại không nghĩ rằng vì thế khiến họ Cao mang tội “đạo văn”.

(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Một số truyền thuyết…)

Khác biệt văn hóa

Phong cách sống:
Người HN ra ngoài ban ngày, đêm về với u nó
Người SG ban ngày ở với vợ, ban đêm ra ngoài nhậu với bạn

Ngộ Không

(Sưu Tầm)

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search