T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Quang Sinh: TÔI CÓ MỘT GIẤC MƠ

       martin-luther-king-jr-pop-art-portrait-25-randal-huiskens

 Martin Luther King (1929-1968)

     Hằng năm, ngày 16 tháng 1 nước Mỹ kỷ niệm nhà đấu tranh nhân quyền, Tiến sĩ Martin Luther King, Jr.  Với tài hùng biện vô song và tinh thần đấu tranh bất khuất, ông đã làm nên nên lịch sử nước Mỹ khi xóa bỏ sự kỳ thị phân biệt màu da chủng tộc, đem lại tự do, bình đẳng cho mọi sắc dân của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Nhắc lại thuở thiếu thời khi Martin còn là một học sinh Trung học, ông đã tỏ rỏ năng khiếu ăn nói trước quần chúng, nên được chọn cùng vài bạn học đại diện trường trong một cuộc thi hùng biện tại Waldosta, Georgia. Cùng đi với họ có cô giáo Sarah Grace Bradley. Martin không thắng cuộc thi, nhưng đã chiếm  được giải nhì của trường.
Trên đường về nhà, toán học sinh lên xe bus trở về Atlanta, họ ngồi vào bất cứ hàng ghế nào bỏ trống. Xe chạy được một khoảng  đường ngắn thì đón thêm nhiều hành khách, phần đông là người da trắng.
Khi hành khách da trắng không tìm được chỗ ngồi, người tài xế quay đầu lại và ra lệnh những người da đen, già cũng như trẻ đứng lên để nhường chỗ cho ngườ da trắng ngồi. Một số người da đen lớn tuổi bắt đầu đứng lên, nhưng Martin và những học sinh khác vẫn ngồi yên và không  nghe lệnh.
Điều này làm cho người tài xế nổi giận. Y bắt đầu la lối chửi mắng, nhưng nhóm học sinh này vẫn ngồi yên tại chỗ. Rồi tài xế dọa kêu cảnh sát can thiệp. Nhưng toán học sinh này vẫn tiếp tục ngồi tại chỗ. Cuối cùng, cô giáo yêu cầu học sinh đứng lên. Thoạt đầu không một ai nhúc nhích. Rồi từ từ, từng người họ đứng lên. Và họ phải đứng như vậy trong hơn 90 dặm mới về đến Atlanta.
Cô giáo Bradley dùng lời lẽ dịu dàng cố gắng giải thích cho đám học sinh của mình hiểu rằng cô cảm thấy đó là nhiệm vụ của cô để tránh khỏi rắc rối vì cô có trách nhiệm đối với các em. Chúng đã nghe theo, nhưng không mấy hài lòng.
Một thời gian sau, tháng 6 năm 1948, Martin tốt nghiệp trường Morehouse College nhưng ông thấy chưa đủ trình độ học vấn mà ông mong muốn. Do đó ông lợi dụng học bổng đoạt được và quyết định vào trường Crose Theological Seminary ở Chester, Pennsylvania. Bây giờ Martin được chủ động hơn không như  ở trường Morehouse College, ông ta phải chia thời gian ở trường học và ở nhà. Ở Croser, Martin phải sống cách xa nhà sáu trăm dặm ở miền Bắc và phải đấu tranh với học sinh da trắng.
Martin bắt đầu cảm thấy ý nghĩa của tuổi trưởng thành và trách nhiệm cá nhân mình. Ông đã trở thành một trong sáu người da đen của một nhóm sinh viên gồm khoảng một trăm sinh viên da trắng. Đối với Martin làm bạn với người khác luôn luôn là một việc dễ dàng và Croser đã trở thành người bạn thân của ông. Thế nhưng một sinh viên từ North Carolina hình như không muốn chấp nhận người da đen là bạn học. Khi đề cập đến người da đen -Negroes, y thường dùng từ darkie có ý lăng mạ mà người Negroes không muốn.
Ngày 14 tháng 10 năm1964, Martin  Luther King, Jr. trở thành nhân vật nổi tiếng thế giới đã chiến đấu cho lý tưởng hòa bình. Vào ngày nói trên người ta tuyên bố một lãnh tụ da đen trẻ tuổi đã đoạt Giải Nobel Hòa Bình. Ở tuổi ba mươi lăm, Tiến sĩ King là người trẻ nhất đoạt giải này, và là người Mỹ da đen thứ  nhì. Người thứ nhất là Tiến sĩ  J. Bunch Ralph đã đoạt Giải Hòa Bình  khi giữ chức vụ Tổng Thư Ký LHQ.
Giải thưởng gồm có $54, 000 tiền mặt mà Tiến sĩ King đã tặng cho Tổ chức Nhân quyền. Huy chương và Bằng cấp được trao cho Ts. King tại Oslo, Norway vào ngày 10 tháng 12 năm 1964, do ông Gunnar Jahn, chủ tịch Ủy Ban Giải Nobel Hòa Bình. Buổi lễ được diễn ra trong ngày giỗ kỷ niệm Ts. Nobel mất năm 1896.

Trong bài diễn văn giới thiệu, Ts. Jahn mô tả Ts. King  như là một nhà vô địch hòa bình dũng cảm, người đầu tiên trong Thế Giới Tây Phương đã cho chúng ta thấy rằng một cuộc đấu tranh có thể tiến hành không cần bạo động. Ông nói: “Ts. King là một người “đã đau khổ cho sự thật, bị tù đày trong nhiều trương hợp, nhà cửa bị đánh bom, đời sống của ông ta và gia đình bị hăm dọa, và ông ta không bao giờ sợ hãi”.
Khi nhận giải thưởng, bằng một giọng nói hùng hồn, Ts. King nói: “Tôi nhận Giải Nobel Hòa Bình trong  lúc mà hai mươi hai triệu người Da Đen của Hiệp Chủng  Quốc Hoa Kỳ dấn thân vào một cuộc chiến đầy sáng tạo để chấm dứt cái đêm dài của sự bất công chủng tộc. Tôi nhận giải thưởng này nhân danh phong trào nhân quyền dẫn đến sự quyết tâm và khinh thường sự rủi ro nguy hiểm để thiết lập một thể chế tự do và luật công bằng”.
Khi Ts. Martin Luther King, Jr. đến Memphis, Tennessee vào ngày 3 tháng Tư năm 1968, ông được tiếp đón bởi một đám đông trên hai nghìn người ủng hộ. Ts. King  được mời đến Memphis để lãnh đạo cuộc diễn hành nhân danh những người lao công dọn rác của thành phố đang đình công đòi tăng lương. Nguyên nhân cuộc đình công là để đòi quyền công dân vì hơn chín mươi phần trăm lao công là người da đen.
Trong chuyến trở về Memphis sớm hơn, Ts. King đã lãnh đạo cuộc diễn hành nhân danh những người biểu tình đã kết thúc bằng bạo động. Một người bị giết chết và nhiều người bị thương và trên hai trăm người bị bắt. Ông trở về Atlanta quy tụ những người thân tín và soạn thảo kế hoạch lãnh đạo cuộc diễn hành bất bạo động qua những con phố của Memphis để yểm trợ cuộc đình công của lao công dọn rác. Và rồi ông trở về Memphis vào ngày Thứ Tư, 3 Tháng Tư để đối mặt với sự thử thách lớn nhất về thuyết bất bạo động của ông.
Suốt ngày Thứ Năm, 4 Tháng Tư, Ts. King gặp những người trong ban tham mưu của ông, tại phòng 306 của người da đen tại khách sạn Lorraine ở Memphis. Vào cuối ngày đó, Ts King bận đồ đi dùng cơm tối và bước khỏi hành lang khách sạn vào khoảng 6 giờ chiều để gặp ban tham mưu, nhiều người trong họ đã bắt đầu đến nhà Mục sư Kyles, người chủ tọa bữa cơm hôm đó. Ts. King mong đến dự bữa cơm tối và dự trù dành một thời gian nghỉ ngơi trước thánh lễ buổi chiều.
Mặc bộ âu phục màu đen, sơ mi và cà vạt trắng như thường lệ khi xuất hiện trước công chúng, Ts. King đứng tựa vào bao lơn và chuyện trò thân mật với ban tham mưu phụ tá đang đứng chờ ông dưới sân của khách sạn.
Bất thình lình một tiếng súng nổ vang. Có người nói đó là âm thanh của tiếng pháo nổ, người khác thì bảo đó là sự va chạm của một tai nạn xe hơi, còn những người khác thì bảo đó là tiếng bom nổ. Âm thanh chát chúa nghe khác thường và thật bất ngờ.
Mục sư Ralph Abernathy, là bạn thân xưa nay của Ts. King vội vàng chạy ra khỏi phòng số 306 để điều tra xem tiếng nổ do đâu, thì nhìn thấy Ts. King nằm sóng soài trên sàn nhà bê tông. Abernathy quỳ xuống bên cạnh Ts. King và cố gắng nói chuyện với ông, nhưng nhà diễn giả hùng biện nổi tiếng giờ đây không  còn nói được nữa.
Một chiếc xe cứu thương được cảnh sát gọi tới khoảng mười lăm phút sau đó. Lúc 7:05 tối, tại St. Joseph’s Hospital, một phụ tá quản lý nhà thương gọi tất cả những người trong ban tham mưu của Ts. King đến trong lúc tinh thần họ đang bị căng thẳng và xúc động, đã đọc cho họ nghe một bản thông cáo ngắn với vài chi tiết chính xác. Bản thông cáo viết: “Lúc 7 giờ tối Ts. Martin Luther King đã ra đi tại phòng cấp cứu do vết thương gây ra bởi viên đạn bắn vào sau gáy”.
Ngày Thứ Năm, 4 Tháng Tư chẳng mấy chốc đã trở thành một ngày đen tối được ghi trong lịch sử như là ngày mà tiếng nói bất bạo động bị buộc phải im bặt bởi một hành động bạo động. Ts. King, người công dân Hoa Kỳ nổi tiếng đã thắng giải Nobel Hòa Bình 1964, vì nhất quán khẳng định nguyên tắc bất bạo động lại bị bắn hạ bởi một tên sát nhân bằng một viên đạn độc nhất đã khẳng định nguyên tắc bạo động của y.
Cuộc ám sát đã kích động nhiều cảm xúc khác nhau làm nảy sinh sự đối lập trong cuộc đời của ông, đó là bạo động và sự chết. Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, Lyndon B. Jonhson, nói với dân chúng Mỹ trên đài phát thanh và truyền hình rằng: “Chúng ta đau buồn bởi vụ ám sát Ts. King. Tôi yêu cầu mọi công dân hãy gạt bỏ sự bạo động mù quáng đã đánh vàoTs. King, người đã sống một đời bất bạo động”. Sau đó ông công bố ngày 7 Tháng Tư là ngày quốc tang của nước Mỹ, và treo cờ rũ trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.
Đám tang Ts. King được cử hành sáng ngày Thứ Ba, 9 Tháng  Tư. Hơn 50 ngàn người thầm lặng đi ngang qua quan tài, nhiều người đã than khóc, vật vã. Mục sư Ralph Albernathy đã nói cuối buổi tang lễ: “Nghĩa trang quá nhỏ hẹp so với tinh thần  của Ts. King, nhưng chúng ta phải chôn xác Người ở nơi này”.
Trong bài diễn văn “Tôi Có Một Giấc Mơ”, Martin Luther King đã nói lên ước mơ cháy bỏng của mình cho tương lai của nước Mỹ, tương lai mà ở đó người da đen và người da trắng  được đối xử bình đẳng, chung sống hòa thuận.
Trong bài diễn văn đó, có đoạn ông nói: “Ngày hôm  nay tôi có một giấc mơ. Tôi mơ một ngày kia bang Alabama, nơi có vị thống đốc hiện thời đang luôn mồm nói về quyền can thiệp và vô hiệu hóa sẽ trở thành nơi các trẻ trai và gái da đen cùng nắm tay các bạn da trắng như anh em một nhà”. Martin Luther King cũng đã từng nói: “Tôi đã chọn tình yêu; hận thù là một gánh nặng quá lớn”.
Qua thời gian, sự kỳ thị chủng tộc, màu da đã lắng dần. Một người da đen đã được dân chúng Mỹ bầu làm Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ trong hai nhiệm kỳ (2008-2016). Đó là Tổng Thống  Barrack Obama. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sự kỳ thị màu da vẫn còn xảy ra ở vài địa phương. Trong bài diễn văn chia tay, vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ cũng đã đề cập đến những vấn đề khó khăn của đất nước, đặc biệt là vấn đề phân biệt chủng tộc đe dọa nền dân chủ Mỹ. Ông cảnh báo về nguy cơ phân biệt chủng tộc đang trở thành một thế lực gây chia rẽ trong thời điểm hiện tại.
Vài ngày sau khi bài diễn văn “Tôi Có Một Giấc Mơ” được đọc, tờ Los Angeles Times đã ca ngợi tài hùng biện vô song, siêu đẳng của King đã khiến những kẻ chủ trương phân biệt phải hổ thẹn.
Bài diễn  văn “Tôi Có Một Giấc Mơ”  do Mục sư Martin Luther King đọc trước hàng  nghìn người dân tại Đài tưởng niệm Lincoln năm 1963 đứng đầu danh sách 100 bài diễn văn xuất sắc nhất nước Mỹ trong thế kỷ 20. “Tôi Có Một Giấc Mơ” sẽ sống mãi với Ts. Martin Luther King trong lòng người dân Mỹ.

Lê Quang Sinh
16 tháng 1 năm 2016

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search