T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Người đi, người về

clip_image008.jpg

Ảnh (HKL)

Đang lui cui lau bàn kiếng thì có người đẩy cửa xồng xộc bước vào. Tôi ngẩng lên, chưa kịp lên tiếng chào hỏi, thì bà đã hất mặt nhìn tôi bằng cái nhìn thiếu thiện cảm.

-Nè cô kia, đến bao giờ cô mới chịu buông tha thằng con của tôi hả? Cô đúng là cái đồ mặt dày. Đi soi gương xem cô có xứng với thằng Lữ không? Nó khờ nên cô mới dụ dỗ được nó. Nhưng cha nó lú thì còn chú nó khôn. Có tôi đây, cô đừng hòng giở trò.

Chuyện xảy ra thật bất ngờ khiến tôi lúng túng chưa biết phản ứng ra sao  thì  chị Minh -chủ tiệm- bước ra. Nhìn vẻ mặt hầm hầm của chị tôi càng hoảng sợ.

-Chào bà, có chuyện gì mà sáng sớm bà đã bước vào tiệm tôi la lối om sòm vậy?

“Chết rồi, kiểu này thì sớm muộn gì cũng bị đuổi việc”. Tôi thầm nghĩ rồi lách mình bước vào phía trong. Đến nước này, tôi chẳng biết phải làm gì nữa, một bên là mẹ của Lữ luôn ác cảm với tôi, một bên là chị chủ nghiêm khắc, nhất là mấy hôm nay tiệm ế khách càng làm cho chị khó khăn hơn.

-Xin lỗi tôi không có ý gây ồn ào ở tiệm của chị, nhưng rất tiếc là tôi không có cách nào để gặp cô thợ của chị.

Giọng chị Minh lạnh như băng:

-Cách nào tôi không biết, nhưng yêu cầu bà đừng làm phiền chúng tôi.

-Vâng! nhưng trước khi đi tôi cần nói cho mấy cô làm ở đây biết, nhất là bà chủ về tư cách của nhân viên của bà. Cái cô Linh kia kìa đã có con rồi mà còn dụ dỗ con trai tôi. Tôi nói cho biết, không đời nào tôi đồng ý cưới một người đàn bà đã có một đời chồng, lại còn có con nữa cho trai tôi đâu. Đừng có hòng. Cô ta bỏ bùa bỏ ngải khiến cho con tôi mê mẫn chống lại tôi. Mẹ con tôi xào xáo cũng vì nó. Nó mà không buông tha con tôi, có ngày tôi đập cho bể mặt …

-Nè! bà… bà về nhà mà dạy con trai của bà đi. Con trai bà, ngày hai buổi tới đây làm phiền cô Linh, tôi còn chưa nói. Cô Linh phải trốn nó như trốn tà bà biết không. Hứ, có con không biết dạy mà còn chửi ngược người ta. Bước ra khỏi đây, bà còn đòi đập người này, người kia tôi kêu cảnh sát còng đầu bà bây giờ.

Chị Minh xấn tới, mẹ Lữ lùi ra cửa sau khi xiả xói tôi thêm vài câu nặng nề. Châu nói nhỏ vào tai tôi:

-Tiêu mày rồi Linh ơi, bà chủ đang quạu quọ mà còn thêm chuyện.

Tôi nặng nề buông mình xuống ghế, không muốn khóc mà nước mắt cứ tuôn.  Chị Minh quay vào đứng ngay ngạch cửa, chân bắt chéo, hai tay khoanh tròn trước ngực.

-Ê Linh, bộ ngoài việc khóc ra mày không biết làm gì hả?

Tôi mím môi lắc đầu, hai bàn tay không ngừng lau nước mắt. Chị Minh vói tay, lấy miếng khăn giấy đưa cho tôi, giọng nhẹ nhàng:

-Tao hỏi thiệt, mày có thương thằng Lữ và muốn tính chuyện lâu dài với nó không?

Thấy tôi im lặng, Châu xen vào:

-Tính gì được mà tính, má thằng Lữ chằng ăn trăn quấn như vậy con Linh sợ muốn chết, thương cách mấy cũng muốn thối lui.

-Mẹ chồng nào cũng vậy thôi, không làm khó dễ nàng dâu thì đâu phải mẹ chồng.  Tao thấy thằng Lữ nó thật tình với mày, nếu mày cũng thương nó thì tiến tới đi đừng chần chờ nữa cho bà già sáng mắt  ra. Thời buổi này mà cứ tưởng là đang ở thế kỷ mười chín vậy, muốn đì ai thì đì.

Tôi nghẹn ngào:

-Em thấy mẹ anh Lữ nói đúng, em  dang dở … lại có con rồi. Đâu người mẹ nào muốn con trai mình cưới một người vợ như vậy để phải mất mặt.

-Trời! sao mày xưa như trái đất vậy Linh? Thằng Lữ không đặt nặng việc đó thì mày quan tâm làm gì. Cuộc sống ngắn ngủi lắm, hạnh phúc đang đến tay thì cứ nắm lấy, đừng bắt chước cao thượng lảng nhách trong phim ảnh. Thôi … khách vào kià … làm việc đi.

Châu nheo mắt với tôi:

-Hên cho mày, bà chủ bữa nay đổi tính … “thông cảm đột xuất”.

 

***

-Em không biết quyết định ra sao. Hồi sáng, mẹ anh tới tiệm quậy tùm lum. Thật tình em mệt mỏi quá chịu hết nổi.

-Em đừng để ý đến bả làm gì. Chẳng phải bả thương yêu hay lo lắng gì cho  anh đâu. Chỉ vì bả sắp mất một món lợi to.

-Lợi gì?

-Bạn của mẹ anh muốn nhờ anh bảo lãnh cho người cháu ruột của bà sang đây theo diện fiancé. Nếu anh đồng ý thì mẹ anh sẽ được một món tiền to …  bà tha hồ mà đánh bạc.

Tôi lắc đầu chán nản:

-Dù lý do nào thì em và anh cũng không nên kết hợp. Đối với em, đây là một sự khập khễnh khó san bằng. Bây giờ thì không sao, nhưng càng lâu càng dài …

Lữ cắt ngang lời tôi:

-Em đừng lẩm cẩm quá Linh ạ! quá khứ đã ở phía sau, tương lai thì chưa đến, em suy đoán làm gì cho thêm mệt óc. Mẹ anh không ngăn cản được anh đâu. Mình làm đám cưới ngay đi … chỉ có một điều   …   em có nghĩ đến việc đưa bà cụ vào “nursing home” không? … em đi suốt ngày, lại còn phải lo cho bà cụ, em cực khổ quá nhiều.

Tôi nhìn sâu vào mắt Lữ:

-Sao anh lại nghĩ vậy? Từ bao lâu, bà cụ đã ở với em … Hơn nữa, mỗi ngày đều có người đến săn sóc cho bà. Em thấy không có gì trở ngại hết.

-Nhưng em có nghĩ … khi mình lấy nhau .. vả lại, nếu bà cụ là mẹ của em thì anh dễ dàng chấp nhận. Còn đây lại là mẹ chồng của em… em có thấy như vậy là quá bất công với anh không?

-Em hiểu … cưới em đã là một sự thiệt thòi cho anh. Em chẳng đẹp đẽ gì, nghề nghiệp cũng thấp kém, lại đèo thêm một đứa con …

-Không … không phải anh muốn nói đến những điều đó. Anh yêu em thật lòng, anh thương con em như con anh, nhưng …

Tôi nắm tay kéo Lữ đứng lên:

-Em hiểu … để rồi em sẽ suy nghĩ  và sắp xếp lại.

-Dù thế nào anh cũng mong em hiểu một điều là anh luôn yêu quý và tôn trọng em.

Lữ đi rồi, tôi trở vào phòng khách, buông mình xuống sofa. Chiếc ghế thênh thang đón lấy tôi như một vỗ về êm ái, nhưng cảm giác cô đơn lại ùa về trong phút chốc làm nước mắt tôi chực ứa ra. Lữ ơi! sao lại đặt em trước một sự lựa chọn đau lòng. Dù mẹ chỉ là mẹ chồng, nhưng em và mẹ -hai cuộc đời bất hạnh- đã nương tựa nhau trong khoảng đời nghiệt ngã, đắng cay. Làm sao em có thể bỏ mẹ vào một nơi chốn xa lạ. Xa lạ từ ngôn ngữ đến những người chung quanh. Đã biết bao lần trong cơn mê,mẹ bấu lấy tay em mếu máo, Linh ơi! con đừng bỏ mẹ, đừng bỏ mẹ nha con. Con Khánh, thằng Đỗ bỏ mẹ rồi, bây giờ mẹ chỉ còn một mình con, một mình con thôi…

 

***

 

Khi tôi và Đỗ cưới nhau thì mẹ ở với  Khánh, cô em của Đỗ. Mẹ chọn ở với con gái vì Khánh yếu đuối, thường hay bệnh hoạn. không săn sóc được hai con nhỏ. Chồng Khánh không phải là người con rể tốt, anh luôn nhậu nhẹt say sưa, mỗi lần như thế thì thường chửi mắng vợ, miệt thị cả mẹ vợ. Có lần anh ta đánh đập Khánh tàn nhẫn, mẹ cố gắng can ngăn và đỡ đòn cho con gái nhưng không được. Nhìn con gái khóc lóc đau đớn, mẹ chợt nhớ lời bạn bè chỉ  bảo nên đã nhấc máy gọi 911. Khi mọi chuyện qua rồi, anh chàng rể nhất quyết đuổi mẹ ra khỏi nhà. Khánh thương mẹ, nhưng sợ chồng một phép  nên không dám phản đối, chỉ gọi điện thoại xin Đỗ  đón mẹ về và tha thiết gửi gấm mẹ cho tôi.

Mẹ chồng là người hiền lành đạo đức, hết lòng thương yêu, chăm  sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho con, cho cháu. Mỗi tối tôi đi làm về, từ phòng tắm bước ra là đã có mâm cơm nóng hổi dọn sẵn. Ăn vừa xong, mẹ dành mang xuống dọn rửa. Tôi nài nỉ bao nhiêu lần “mẹ đừng làm vậy con mang tội chết, mẹ nấu dùm bữa cơm là con đã cám ơn  mẹ nhiều lắm, để con tự dọn ăn được rồi”. Mẹ cười hiền từ, đó là niềm vui của mẹ mà con. Vậy là mỗi tối, cứ tôi ngồi vào bàn ăn thì mẹ cũng ngồi cùng chuyện trò vui vẻ. Tôi thường kể cho mẹ nghe về công việc làm của tôi, về những người khách khó tính, về những người bạn tốt bụng và những câu chuyện vui  mà các chị em trong tiệm hay kể cho nhau nghe lúc vắng khách. Mẹ thường  vuốt ve bàn tay tôi  “con làm đẹp cho người khác mà tay con khô hốc, móng tay sần sùi hết hà, mẹ nhìn thấy mà xót cả ruột”. Tôi dúi mặt vào vai mẹ cảm động “mẹ đừng lo, tay con càng xấu thì con càng có  nhiều tiền”.

Gia đình vui vẻ êm ấm được năm năm thì bỗng một hôm Đỗ biến mất. Không biết anh đi đâu mà không nói một lời với tôi và cả mẹ nữa. Hai ngày trôi qua tôi dò hỏi mọi nơi, từ chỗ làm cho đến bạn bè thân của anh, ai cũng trả lời có nghe anh nói sẽ nghỉ “vacation” đi chơi xa. Họ khuyên tôi nên báo cảnh sát, nhưng bằng linh cảm, tôi nghĩ không có việc gì xảy ra cho Đỗ mà chỉ có Đỗ Đang làm việc gì đó không minh bạch. Những lúc gần đây, Đỗ hay to tiếng cãi vã với tôi vì những chuyện không đáng với những câu nói xa gần có ẩn ý mà tôi không hiểu ra.

Tôi vào phòng làm việc của Đỗ lục lọi nhưng vẫn không tìm ra dấu vết để có một câu trả lời, dù là phỏng đoán. Ngày thứ ba tôi nhận được thư của Đỗ gửi theo đường bưu điện, bên góc trái của phong bì là địa chỉ sở làm của anh, trong đó có đoạn  “Càng ngày anh càng cảm thấy mình không hợp nhau nhiều thứ. Anh không muốn tiếp tục chịu đựng nên quyết định chia tay. Anh lại càng không muốn làm lớn chuyện để mẹ và con buồn nên anh đành lặng lẽ ra đi. Em đừng tìm anh vô ích. Hãy chấp nhận thực tế dù có đau lòng. Anh nghĩ cuộc đời này chẳng còn bao lâu nữa nên anh tự cho phép anh đi tìm cái mình  đang mơ ước…”.

Cả đất trời sụp đổ chắc cũng không làm tôi bàng hoàng, kinh hãi bằng những dòng chữ thật đẹp, nhưng cũng thật tàn nhẫn của Đỗ. Mẹ ngã xuống ghế bất tỉnh … Tôi ngồi trên xe cứu thương đưa mẹ đến bệnh viện với khuôn mặt đầm đìa nước mắt mà không biết mình khóc cho ai. Cho mẹ hay cho tôi?

Một tuần sau tôi nhận được những tờ “bill” nặng chịch từ các nơi cung cấp  thẻ tín dụng -không phải Đỗ mua sắm mà anh đã rút tiền mặt. Bao nhiêu tiền dành dụm trong trương mục tiết kiệm cũng được anh “xử lý nhẹ nhàng”. Tôi cầm những tờ giấy đó với hàng loạt con số đang nhảy múa trước mắt mà tưởng chừng như mình sắp hứng chịu hàng loạt cung tên đang giương mũi nhọn mà trên người tôi không có được một tấm áo giáp để che thân. Tôi  hoàn toàn không hiểu sao Đỗ có thể nhẫn tâm đối với người vợ đầu ấp tay gối suốt mười  năm trời của mình như vậy. Suốt mười năm chung sống, Đỗ chưa bao giờ trách tôi một lỗi lầm nào ngoài những lời cảm kích về lòng hiếu thảo và sự quý trọng của tôi đối với mẹ anh.

Rồi sự thật cũng được phơi bày, Đỗ gọi điện thoại nói thật cho Khánh biết, anh  quen  một cô sinh viên đang du học tại Mỹ. Hai người  yêu nhau và hiện tại cô ta đã trở  lại quê nhà sau khi  hoàn tất chương trình đại học. Bây giờ Đỗ quyết định sẽ về Việt Nam cưới cô để sau đó làm thủ tục bảo lãnh. Đỗ nhờ Khánh đón mẹ về ở với Khánh, chờ anh sắp xếp xong mọi việc sẽ mang mẹ về chung sống với vợ chồng anh. Điều tôi vừa biết còn kinh hoàng hơn số tiền anh đã lấy đi và những món nợ mà anh để lại cho tôi. Cơn sóng lớn đã quật tôi ngã quỵ, không phải trên mặt đất mà rơi tõm xuống vực sâu. Tôi bỏ ăn, bỏ ngủ, nhốt mình trong phòng tối cả tuần lễ giữa tiếng khóc của con, tiếng tỉ tê van nài của mẹ “Bao nhiêu lỗi lầm của thằng Đỗ mẹ xin gánh hết. Con tha lỗi cho mẹ, vì mẹ không dạy bảo được con của mẹ”.

Nỗi buồn, nỗi đau quá lớn làm áp huyết của mẹ tăng lên đột ngột đưa đến một cơn “stroke” trầm trọng. Nhìn mẹ thoi thóp trên giường bệnh tôi tự nhủ mình phải đứng dậy, phải mạnh mẽ lên, không thể tiếp tục yếu đuối đầu hàng nghịch cảnh. Sau cơn đau, mẹ bị liệt nửa người. Bà không còn nước mắt để khóc nhưng quyết chí đòi về với Khánh, vì không muốn trở thành gánh nặng cho đứa con dâu bất hạnh. Khánh khóc với tôi “Em không biết xử sao. Ngày trước, mẹ còn làm được công việc nhà mà chồng em còn coi mẹ không ra gì, bây giờ mẹ bệnh hoạn nằm một chỗ thì làm sao mà chịu nổi những lời cay nghiệt của anh ấy. Hoàn cảnh bế tắc của Khánh và tình thương yêu dành cho mẹ đã giúp tôi lấy lại nghị lực nhanh chóng. Tôi quyết định giữ mẹ lại, dù mẹ một mực từ chối “Con trai mẹ tệ bạc như vậy mặt mũi nào mẹ ở lại báo hại con”. Tôi cầm tay mẹ “Từ giờ phút này con là con gái của mẹ. Mẹ  hãy quên hai chữ con dâu đi. Mẹ con mình đều khổ thì phải nương tựa nhau mà sống. Hơn bao giờ hết con cần sự an ủi của mẹ. Con mồ côi từ nhỏ…  mẹ có biết là con cần tình thương của mẹ biết chừng nào không?”. Hai mẹ con tôi ôm nhau khóc. Hình như trong những giọt nước mắt khổ  đau  có  hòa lẫn chút niềm hạnh phúc.

Từ ngày ấy tôi đã cố quên đi sự bất hạnh để sống vui vẻ cùng mẹ và con.

Bây giờ tôi phải quyết định như thế nào để có thể giữ được tình yêu của Lữ mà không phải rời xa người mẹ thật tội nghiệp này. Tôi xin Lữ  cho tôi thêm thời gian để suy nghĩ chính chắn, nhưng Lữ hoàn toàn không hiểu được tình cảm tôi dành cho mẹ, nên anh đề quyết tôi cố tình kéo dài thời gian để chờ Đỗ trở lại. Lữ cho rằng tôi đã lợi dụng anh để lấp đầy khoảng trống tình cảm. Mặc cho Lữ  la lối,  vung tay, đập bàn đập ghế, tôi vẫn giữ thái độ im lặng. Tôi muốn nhìn thật rõ con người của Lữ cũng như để lắng nghe tiếng nói của trái tim mình. Một sự thất vọng tràn trề khi Lữ  xô ghế đứng lên và nói rằng “Em đã quá xem thường tình yêu của chúng mình. Em trọng bà già chồng của em hơn anh thì mình chia tay đi. Anh không cần gì nữa”.  Hai chữ chia tay như một gáo nước lạnh buốt tạt vào người tôi.  Cảm xúc của tôi bỗng nhiên bị đông cứng lại. Ngay phút giây đó tôi biết tôi và Lữ sẽ thật sự mất nhau -không phải là Lữ mà là tôi- dù Lữ đã từng chứng minh tình yêu to lớn của anh dành cho tôi khi gặp sự chống đối quyết liệt của mẹ anh.

Tôi bước ra ngoài, tiếng cửa đóng thật khẽ nhưng cũng đủ chia đôi khoảng cách của tôi và Lữ. Bây giờ và mãi mãi.

 

***

4 năm sau …

Một buổi chiều mưa rơi tầm tả, Đỗ đột ngột trở về. Mẹ ôm chầm lấy Đỗ nước mắt chan hòa. Đứa con gái bỏ vào phòng. Tôi ngồi trên bệ lò sưởi, lơ đễnh nghe Đỗ kể lể chuyện anh bị người ta lường gạt tình cảm để được bảo lãnh sang đây, giờ đủ lông đủ cánh nên tình cũng ra đi. Tôi cười thầm trong ý nghĩ, thì cũng như ngày xưa anh bỏ tôi vậy, anh cứ khổ, cứ đau đi để biết ngày xưa tôi đau khổ như thế nào…

Đỗ cáo từ ra về, tôi xin lỗi không tiễn. Tựa cửa nhìn từng hạt mưa mong manh trong suốt đang rơi xuống từ bầu trời bắt đầu quang đãng, tôi cảm thấy lòng mình bình thản lạ thường. Có tiếng mẹ gọi khẽ tên tôi bằng giọng bùi ngùi:

-Ngày trước mẹ không van xin con, nhưng con đã độ lượng giữ mẹ lại…

Tôi cười nhẹ, âu yếm nắm tay mẹ, nhưng giọng nói không thiếu sự cương quyết:

-Nhưng sự độ lượng nào cũng có giới hạn nên …. con sợ … nó không đủ lớn để che lấp vết thương mà Đỗ đã gây ra cho con.

Mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt thẫn thờ:

-Phải rồi, thằng Đỗ không xứng đáng để nhận sự độ lượng của con []

Ngân Bình

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search