T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (69) – NHẠC PHÁP – Nostalgie (Niềm Thương Nhớ), Julio Iglesias

clip_image002

Một trong những ca khúc Pháp lời Việt của thời kỳ “hậu 1975” được ưa chuộng nhất tại hải ngoại phải là bản Nostalgie của Julio Iglesias, được Duy Quang đặt lời Việt với tựa Niềm thương nhớ.

Cho tới nay, Julio Iglesias vẫn được xem là nam ca sĩ kiêm nhà viết ca khúc gốc Tây-ban-nha nổi tiếng nhất, thành công nhất.

Năm 1983, ông được ghi nhận là ca sĩ hát bằng nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới (14 thứ tiếng). Tới năm 2013, ông trở thành ca sĩ la-tinh (Tây-ban-nha hoặc gốc Tây-ban-nha) có số đĩa hát bán ra nhiều nhất (trên 350 triệu), và nằm trong danh sách Top 10 ca sĩ quốc tế đạt số bán cao nhất.

Riêng với thính giả ở Hoa Kỳ, vào năm 1984, tên tuổi của Julio Iglesias đã đi liền với ca khúc To All the Girls I’ve Loved Before, hát chung với danh ca nhạc country Willie Nelson, đứng No.1 trên bảng xếp hạng nhạc Country, và hạng 5 trong danh sách Billboard Hot 100 dành cho mọi thể loại.

clip_image004

Phụ lục 1: To All the Girls I’ve Loved Before, Julio Iglesias & Willie Nelson

Julio Iglesias tên đầy đủ là Julio José Iglesias de la Cueva, ra chào đời ngày 23 tháng 9 năm 1943 tại Madrid trong một gia đình khá giả. Cha ông, Julio Iglesias Sr., được ghi nhận là một trong những bác sĩ phụ khoa trẻ tuổi nhất của Tây-ban-nha.

Từ thưở thiếu thời, Julio Iglesias đã mê bộ môn túc cầu và ôm mộng trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Trong thời gian theo học Luật tại Đại học San Pablo, Julio Iglesias là thủ môn của đội Real Madrid Castilla, tức đội dự bị của Real Madrid.

Nhưng chẳng bao lâu sau đó, một tai nạn xe hơi xảy ra đã khiến Julio Iglesias phải bỏ mộng. Chàng trẻ tuổi bị chấn thương cột sống, hậu quả là tứ chi, nhất là hai chân, bị yếu suốt đời.

Trong thời gian Julio Iglesias nằm bệnh viện, một người y tá đã trao cho chàng một cây đàn ghi-ta với mục đích phục hồi khả năng hoạt động của hai bàn tay; và Julio Iglesias… bỗng nhận ra mình có khiếu về ca nhạc!

Sau khi xuất viện, Julio Iglesias sang Cambridge, Anh quốc, trau dồi ngoại ngữ tại trường Bell Education Trust’s Language School trong ba tháng, sau đó trở về Madrid học cho xong cái bằng Cử nhân Luật để làm đẹp lòng thân phụ, rồi bắt đầu theo đuổi… nghiệp cầm ca!

Năm 1968, vào tuổi 25, Julio Iglesias tham dự cuộc thi ca khúc Benidorm International Song Festival của Tây-ban-nha (tương đương Sanremo Song Festival của Ý), và đoạt giải với ca khúc “La vida sigue igual” (dịch sang tiếng Anh là “Life Goes On The Same”).

Ngay sau đó, Julio Iglesias được hãng đĩa Colombia Records chi nhánh Tây-ban-nha ký hợp đồng, rồi tung ra album đầu tay của chàng: Yo Canto (I Sing), lên tới No.3 trên bảng xếp hạng.

Năm 1970, Julio Iglesias đại diện Tây-ban-nha tham dự cuộc thi Eurovision (Ca khúc Âu châu) và đứng hạng tư. Tiếp theo là thành công quốc tế đầu tiên của Julio Iglesias: ca khúc Un canto a Galicia, viết để tặng cha ông, một người xuất thân từ vùng Galicia (ở miền duyên hải phía tây Tây-ban-nha, nơi có nhiều di tích từ thời La-mã và thời Trung cổ).

Un canto a Galicia, được Julio Iglesias hát bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đứng No.1 tại một số quốc gia Âu Châu; riêng tại Đức đã bán ra trên một triệu đĩa.

VIDEO:

Julio Iglesias – Un canto a Galicia – YouTube

Trong thập niên 1970, Julio Iglesias đạt thêm nhiều thành công khác tại Âu châu: làm mưa gió tại Ý với ca khúc Se mi lasci non vale (If You Leave Me, It Can’t Be), chinh phục khán thính giả Pháp với Je n’ai pas changé (Anh vẫn không đổi thay)…

Năm 1976, Julio Iglesias thu âm một chương trình hát “live” tại đại hí viện Olympia ở Paris (nhưng không phát hành), trong đó chàng không chỉ hát mà còn giới thiệu các ca khúc, dàn nhạc đệm cho mình bằng tiếng Pháp rất lưu loát. Ba mươi lăm năm sau (2011), một ca khúc trong chương trình này là bản La Mer (The Sea) được sử dụng trong cuốn phim điệp báo Tinker, Tailor, Soldier, Spy của Anh (phỏng theo cốt truyện của John Le Carré); và tới cuối năm 2015, chương trình hát “live” đó đã được phát hành dưới hình thức album (39 năm sau ngày thu âm!).

Năm 1979, Julio Iglesias sang Miami, Florida, trung tâm văn hóa, ca nhạc Mỹ la-tinh ở Hoa Kỳ, ký hợp đồng với CBS International, thu đĩa, trình diễn bằng nhiều ngôn ngữ: Anh, Pháp, Đức, Bồ-đào-nha…

Năm 1981, Julio Iglesias tung ra album đầu tiên hát bằng tiếng Anh trong sự nghiệp của mình, Begin the Beguine, lên No.1 tại Anh quốc.

Năm 1983, album Julio, một tuyển tập gồm 10 ca khúc được ưa chuộng nhất do Julio Iglesias sáng tác hoặc của người xưa để lại, như Amor, Begin the Beguine, Nostalgie, Hey, La Paloma… được phát hành, và cho tới nay vẫn được ghi nhận là album “cầu chứng” của Julio Iglesias.

Phụ lục 2: La Paloma, Julio Iglesias

VIDEO:

Julio Iglesias – Amor (1982, 480p)

Qua năm 1984, Julio Iglesias tung ra 1100 Bel Air Place, album đã khẳng định vị trí của Julio Iglesias trong hàng ngũ ca sĩ chuyên hát tiếng Anh. Chỉ tính tại Hoa Kỳ, album này đã bán được ba triệu ấn bản. Ca khúc thành công nhất trong album này chính là bản To All the Girls I’ve Loved Before chúng tôi đã giới thiệu ở đoạn đầu.

Kế tiếp là bản All of You, song ca với Diana Ross, đứng No.2 trên bảng xếp hạng Adult Contemporary (Easy Listening).

VIDEO:

Julio Iglesias, Diana Ross – All Of You – YouTube

Năm 1988, album Un homber solo (A Man Alone) của Julio Iglesias đoạt giải Grammy “Best Pop Latin Album”.

Mười năm sau (1998), những tưởng Julio Iglesias sẽ đoạt giải Grammy “Best Pop Latin Album” lần thứ hai với albumTango, nhưng rốt cuộc đã phải nhường giải này cho album Romances của nam ca sĩ thời danh Luis Miguel của Mễ-tây-cơ.

Tuy nhiên, với không ít người yêu thích thể điệu Tango (không nhất thiết phải biết khiêu vũ), albumTango đã được đón nhận nồng nhiệt hơn cả album Julio trước kia, vốn được xem là album “cầu chứng” của Julio Iglesias.

Album Tango gồm 12 bản Tango Mỹ la-tinh được ưa chuộng hàng đầu, như La Cumparsita, El Día Que Me Quieras, A Media Luz, Volver, El Choclo, Adiós Pampa Mía… nay được thể hiện qua giọng hát trầm ấm của Julio Iglesias càng thêm nét trữ tình, sức lôi cuốn…

Phụ lục 3: El Choclo, Julio Iglesias

Bước sang thế kỷ 21, Julio Iglesias tiếp tục đạt nhiều thành công rực rỡ. Album Divorcio (Divorce) phát hành năm 2003 đã tạo kỷ lục với số bán 350,000 chỉ trong một ngày đầu tại Tây-ban-nha; và đứng No.1 tại Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, Pháp, Ý và Nga.

Năm 2006, Julio Iglesias thu album tiếng Anh tựa đề Romantic Classics (Những ca khúc lãng mạn bất hủ), gồm những tình khúc (của các ca sĩ khác) từng được yêu chuộng trong ba thập niên 1960, 70, và 80, trong đó có I Want to Know What Love Is của Foreigner, Careless Whisper của Wham!, Right Here Waiting của Richard Marx…

Romantic Classics được ghi nhận là album của Julio Iglesias có thứ hạng bắt đầu cao nhất trên Top 50 Billboard: vừa tung ra đã đứng hạng 31, đồng thời đứng hạng 21 ở Anh, hạng 10 tại Úc, và trên Top ở nhiều quốc gia ở Âu Châu và Á Châu.

Qua thành công của album Romantic Classics, Julio Iglesias được mời xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình khắp nơi trên thế giới; chỉ riêng tại Hoa Kỳ, chàng ca sĩ 63 tuổi đã hát bản I Want to Know What Love Is trên bốn show hàng đầu: Dancing With the Stars, Good Morning America, The View, Fox and Friends.

VIDEO:

Julio Iglesias – I Wanna Know What Love Is (Live )

Tháng Tư năm 2013, trong thời gian trình diễn ở Bắc Kinh, Julio Iglesias Julio Iglesias cùng một lúc đã nhận được hai vinh dự mang tính cách lịch sử:

(1) Nghệ sĩ Quốc tế được ái mộ nhất tại Trung Hoa từ trước tới nay, do hãng đĩa Sony Musics tặng và được đệ nhất danh thủ dương cầm Lang Lãng (Lang Lang) trao.

(2) Kỷ lục “Nam nghệ sĩ la-tinh có số đĩa bán cao nhất” của Guinness World Records.

Cũng trong năm 2013, với tư cách nhà soạn nhạc và đặt lời hát, Julio Iglesias đã được ghi danh bảng vàng trong Danh dự sảnh các nhà viết ca khúc của các nước la-tinh (Latin Songwriters Hall of Fame).

Trong sự nghiệp của mình, Julio Iglesias đã đoạt vô số giải thưởng âm nhạc quan trọng, như Grammy, Latin Grammy, World Music Award, Billboard Music Award, American Music Award, Lo Nuestro Award (của hệ thống truyền hình tiếng Tây-ban-nha ở Hoa Kỳ)…

Ngoài ra, Julio Iglesias còn được trao tặng huân chương Gold Medal for Merit in the Fine Arts của chính phủ Tây-ban-nha và Legion of Honour của chính phủ Pháp.

Năm 1985, tên Julio Iglesias được khắc lên ngôi sao của chàng trên Lối đi Danh vọng ở Hồ-ly-vọng (Hollywood Walk of Fame); năm 1987, Julio Iglesias được Quỹ Nhi Đồng LHQ (UNICEF) cử làm Đặc sứ trong các bộ môn Nghệ thuật trình diễn (Performing Arts)…

VIẾT THÊM:

Trong số ba người con trai của Julio Iglesias với đời vợ đầu tiên, có hai người theo nghiệp cầm ca: thứ nam Julio Iglesias Jr. và người em Enrique Iglesias, nổi tiếng hơn, hiện được mệnh danh là “King of Latin Pop”.

Nếu chỉ tính đối tượng thuộc thế hệ trẻ, Enrique Iglesias phải được xem là “con hơn cha”. Sinh năm 1975, hiện nay Enrique Iglesias được xem là ca nhạc sĩ, diễn viên, nhà sản xuất đĩa hát thành công nhất trong số nghệ sĩ gốc la-tinh, với hợp đồng kỷ lục 68 triệu Mỹ kim ký với hãng đĩa Universal Music Latino vào năm 2001, với tổng số đĩa hát bán ra trên 159 triệu, với trên 150 ca khúc đứng No.1 trên các bảng xếp hạng của Billboard, trong đó có kỷ lục 27 bản đứng No.1 trên bảng xếp hạng Hot Latin Tracks (tiếng Tây-ban-nha), và kỷ lục 14 bản No.1 trên bảng Billboard’d Dance charts…

Lẽ dĩ nhiên, nhắc tới Enrique Iglesias không thể không nhắc tới nàng girlfriend nổi tiếng của chàng là người mẫu (cựu danh thủ quần vợt) gốc Nga Anna Kournikova, đã xuất hiện trong một số video nhạc của chàng.

VIDEO:

Enrique Iglesias – Escape

* * *

Tới đây viết về ca khúc Nostalgie (Hoài niệm) của Julio Iglesias.

Nostalgie được Julio Iglesias sáng tác và hát trong album Et l’amour créa la femme gồm 10 ca khúc bằng tiếng Pháp, phát hành năm 1982, trong đó có bản Et l’amour créa la femme.

Đọc cái tựa “Et l’amour créa la femme” (Và tình yêu đã tạo dựng người nữ), người yêu phim ảnh hẳn phải biết Julio Iglesias đã lấy cảm hứng từ tựa đề cuốn phim Et Dieu… créa la femme (And God… Created Woman – Và Thiên Chúa tạo dựng người nữ).

Câu này trích từ sách Sáng Thế Ký (Genesis) trong bộ Cựu Ước của Kinh Thánh kể về việc Thiên Chúa tạo dựng bà Eva, nhưng đã được đạo diễn Pháp gốc Nga Roger Vadim lấy để đặt tựa cho cuốn phim nặng về tình dục thực hiện năm 1956, cuốn phim đã biến nàng tiểu minh tinh Pháp Brigitte Bardot thành thần tượng nhục thể (sex kitten) đầu tiên của điện ảnh thế giới.

Thế nhưng ca khúc được yêu chuộng nhất trong album này lại không phải ca khúc chủ đề Et l’amour créa la femme (bản số 6) mà là bản số 7: Nostalgie (Hoài niệm).

Một số người có chút kiến thức về nhạc đã cho rằng bản Nostalgie của Julio Iglesias sở dĩ được yêu chuộng tới mức ấy là vì ông đã sử dụng giai điệu của ca khúc dân gian Ukraine Đôi mắt huyền (Ochi Chernye) làm điệp khúc.

Đồng ý hay không đồng ý với nhận xét trên là tùy mỗi người, ở đây chúng tôi chỉ xin giới thiệu ca khúc Ukraine nổi tiếng này tới độc giả.

clip_image006

Đôi mắt huyền – viết theo mẫu tự Nga là Очи чёрные, phát âm thành Ochi Chernye, cũng có khi Ochi Chyornye, dịch sang tiếng Anh là Dark Eyes hoặc Black Eyes tùy theo tác giả. Đôi mắt huyền đã được các nhạc sử gia quốc tế ghi nhận là “ca khúc lãng mạn nhất của xứ Ukraine”.

[Ukraine là quốc gia trù phú nhất Đông Âu, được mệnh danh “vựa lúa mì của thế giới”. Năm 1919, Ukraine bị Hồng quân Nga xâm lược, và tới năm 1939, dưới thời Stalin, bị sát nhập vào Liên bang Xô-viết, trở thành cộng hòa có diện tích và dân số đứng hàng thứ nhì (chỉ sau Nga) trong Liên bang; khoảng 17% dân số là người gốc Nga. Năm 1991, cùng với sự sụp đổ của khối cộng sản Đông Âu, Ukraine tuyên bố độc lập]

Chúng tôi viết mấy chữ “ca khúc lãng mạn nhất của xứ Ukraine” trong ngoặc kép bởi vì cho tới nay đa số vẫn gọi đây là một ca khúc dân gian Nga, trong khi những người bác bỏ thì lại không thể khẳng định ai, hoặc những ai là tác giả của dòng nhạc.

Hiện nay, nói tới ca khúc Đôi mắt huyền (Ochi Chernye), người ta chỉ biết một điều chắc chắn:

Lời hát là một bài thơ của thi sĩ kiêm văn sĩ thuộc trường phái lãng mạn Yevhen Hrebinka của Ukraine. Ông sinh năm 1812 tại Ukraine và mất năm 1848 ở Nga khi mới 36 tuổi. Ông có khả năng sáng tác bằng cả tiếng Ukraine lẫn tiếng Nga (dưới cái tên đã được Nga hóa: Evgeny Grebyonka).

Yevhen Hrebinka

Yevhen Hrebinka (1812-1848)

Bài thơ Đôi mắt huyền của Yevhen Hrebinka được chính ông dịch sang tiếng Nga với tựa đề Ochi Chernye và cho phổ biến trên tuần báo văn học Literaturnaya Gazeta ngày 17 tháng 1 năm 1843. Sau đó được phổ thành một ca khúc mang âm hưởng dân gian, được nguời Nga hãnh diện gọi là một “Russian Traditional song” (ca khúc truyền thống Nga) nhưng không một ai biết tên tác giả của các dòng nhạc!

Mãi tới gần đây mới có một tên tuổi được được nhắc tới nhưng lại không phải người Nga mà là… người Đức!

Nguyên trong cuốn “The Book of World-famous Music: Classical, Popular, and Folk” xuất bản năm 2000, tác giả Mỹ J.Fuld kể lại ông đã được một nhà nghiên cứu âm nhạc người Nga cho biết như sau:

Trong một tuyển tập ca khúc (songs book) do nhà xuất bản A. Gutheil ở Mạc-tư-khoa ấn hành 1897, ở trang 131 viết: Đôi mắt huyền không phải là một ca khúc truyền thống Nga mà là một khúc hát lãng mạn của dân du mục với lời thơ của Evgeny Grebyonka đặt nền tảng trên một giai điệu của nhà soạn nhạc người Đức Florian Hermann.

Thế nhưng cho tới nay không một ai tìm được nguyên bản, dù chỉ là một mẩu giấy, ghi lại những nốt nhạc của Florian Hermann!

Thành thử cho dù hiện nay đa số người hát cũng như người nghe đều gọi Đôi mắt huyền là tình khúc (ballad), ca khúc truyền thống (traditional), dân gian (folk), hoặc bài hát du mục (Gypsy song) Nga, các trang mạng âm nhạc uy tín vẫn ghi đây là “một ca khúc lãng mạn của Ukraine”.

Phiên bản Đôi mắt huyền phổ biến nhất hiện nay là của nhạc sĩ dương cầm kiêm nhà soạn nhạc Anh gốc Ý Adalgiso Ferraris (1890-1968). Vào đầu thế kỷ 20, Adalgiso Ferraris sang Nga học hỏi và nghiên cứu về thể loại ca khúc du mục, truyền thống của Nga và Hung-gia-lợi, cho tới khi xảy ra cuộc cách mạng lật đổ Sa hoàng (1915) mới trở về Tây Âu.

clip_image008

Adalgiso Ferraris (1890-1968)

Năm 1910, khi đang ở Nga, ông hợp tác với nhà báo Đức Otto Kuhl hoàn thành và xuất bản Đôi mắt huyền với lời hát bằng tiếng Đức, tựa đề Schwarze Augen (Black Eyes). Năm 1931 tại Paris, với sự cộng tác của Jacques Liber, ông cho xuất bản phiên bản lời Pháp Tes yeux noirs (Đôi mắt huyền của em).

Từ giữa thế kỷ 20 tới nay, đã có hàng trăm ca sĩ, nhạc sĩ, ban nhạc quốc tế thu âm phiên bản Đôi mắt huyền của Adalgiso Ferraris, trong số đó có danh cầm Chet Atkins (ghi-ta điện), Louis Amstrong (chơi kèn trumpet & hát) của Hoa Kỳ, đệ nhất nam danh ca opera Ivan Rebroff của Đức, The Three Tenors (Placido Domingo, Jose Carreras, Luciano Pavarotti)…, và gần đây nhất có Sophie Milman (Gia-nã-đại gốc Nga, sinh năm 1983), một bông hoa hiếm quý trong làng nhạc jazz quốc tế…

Lẽ dĩ nhiên, không thể không nhắc tới ban hợp xướng Red Army Choir nổi tiếng của Nga.

[Red Army Choir nguyên là ban hợp xướng chính thức của Hồng Quân Liên Xô, vì đã quá nổi tiếng cho nên sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, vẫn giữ danh xưng “Red Army Choir”]

Đôi mắt huyền cũng là một trong những nhạc khúc được nhiều nữ động viên (hoặc cặp nam nữ) vũ trên băng, múa thể dục (floor exercise) ưa chuộng, sử dụng làm nhạc nền trong các cuộc thi diễn, như Sasha Cohen của Hoa Kỳ, Nastia Liukin của Nga, cặp Tessa Virtue & Scott Moir của Gia-nã-đại, v.v…

VIDEO:

Chet Atkins Dark eyes – YouTube

Red Army Choir – Dark Eyes (Очи чёрные) – SUBTITLES

Sophie Milman – Ochi Chernye 

Trở lại với ca khúc Nostalgie của Julio Iglesias, cứ tạm thời cho rằng sở dĩ nó được yêu chuộng hơn 9 ca khúc còn lại trong album Et l’amour créa la femme là nhờ ông đã sử dụng giai điệu của Đôi mắt huyền làm phần nhạc cho điệp khúc, thì ít ra ông cũng có công soạn nhạc cho phiên khúc.

Viết một cách chi tiết, trong việc soạn nhạc cho phiên khúc, Julio Iglesias được sự cộng tác của đồng hương Ramon Arcusa (sinh năm 1936), một nhà soạn nhạc Tây-ban-nha đã hợp tác với Julio Iglesias từ năm 1977 tới năm 1995.

Còn lời hát (tiếng Pháp) thì do Claude Lemesle đặt. Sinh năm 1945, Claude Lemesle là một trong những nhà đặt lời hát nổi tiếng cho thế hệ ca sĩ “baby boomers” thứ nhì của Pháp, tức là từ Michel Sardou trở về sau.

Vì thế những trang mạng âm nhạc uy tín, khi đề cập tới bản Nostalgie do Julio Iglesias thu đĩa, đã ghi đầy đủ tên ba tác giả: Claude Lemesle, Julio Iglesias, Ramon Arcusa.

Nostalgie

Nostalgie
On se ressemble
Tu es tendre
Moi aussi
Nostalgie
Je pense à elle
Je l’appelle
Dans la nuit
Elle vivait là-bas
Au pays du froid
Où le vent, souvent
M’emporte en rêvant
Il neigeait du feu
Il pleuvait du bleu
Elle était jolie
Nostalgie!
Nostalgie
On se ressemble
C’est décembre
Ton pays
Nostalgie
Tu joues tzigane

Sur la gamme
De l’oubli
Elle avait envie
De brûler sa vie
Sous un vrai printemps
Elle avait vingt ans
Elle a pris la mer
Vers un

Sur la gamme
De l’oubli
Elle avait envie
De brûler sa vie
Sous un vrai printemps
Elle avait vingt ans
Elle a pris la mer
Vers un ciel plus clair
Mais laissant le gris
Nostalgie
Un amour d’hiver
Le ciel à l’envers
C’était la folie
Nostalgie
Parfois, sur la mer
Quand la nuit est claire
Son prénom revit
Nostalgie
Nostalgie

Nostalgie!

Phụ lục 4: Nostalgie, Julio Iglesias

Trước thành công ngoài dự liệu của bản Nostalgie, ngay trong năm 1982, Julio Iglesias đã đặt lời hát tiếng Tây-ban-nha cho ca khúc này với tựa đề Nathalie, nội dung không còn là sự hoài niệm chốn cũ người xưa một cách chung chung, mà để hồi tưởng mối tình với Nathalie, một người con gái Pháp đã đi qua đời ông…

Nathalie đã được Julio Iglesias cho đứng vị trí số 1 trong album Momentos.

Cũng xin viết thêm: với người yêu nhạc Pháp trước năm 1975, đã có một bản Nathalie nổi tiếng hơn do Gilbert Bécaud thu đĩa năm 1964. Ca khúc “dễ thương” này do chính Gilbert Bécaud soạn nhạc và Pierere Delanoe đặt lời hát, nội dung nói về một nữ hướng dẫn viên du lịch xinh đẹp, đáng yêu ở… Liên Xô – một cách chính xác là ở Quảng Trường Đỏ, Mạc-tư-khoa!

Nhiều người tin rằng ca khúc này có mục đích chính trị, bởi vào khoảng thời gian này, Pháp và Liên-Xô đang tìm cách xích lại gần nhau để giảm bớt tình trạng căng thẳng do cuộc Chiến Tranh Lạnh gây ra.

Nathalie (Gilbert Bécaud)

La place Rouge était vide
Devant moi marchait Nathalie
Il avait un joli nom, mon guide
Nathalie

La place Rouge était blanche
La neige faisait un tapis
Et je suivais par ce froid dimanche
Nathalie

Elle parlait en phrases sobres
De la révolution d’octobre
Je pensais déjà
Qu’après le tombeau de Lénine
On irait au café Pouchkine
Boire un chocolat

La place Rouge était vide
J’ai pris son bras, elle a souri
Il avait des cheveux blonds, mon guide
Nathalie, Nathalie

Dans sa chambre à l’université
Une bande d’étudiants
L’attendait impatiemment
On a ri, on a beaucoup parlé
Ils voulaient tout savoir
Nathalie traduisait

Moscou, les plaines d’Ukraine
Et les Champs-Élysées
On a tout mélangé
Et l’on a chanté

Et puis ils ont débouché
En riant a l’avance
Du champagne de France
Et l’on a dansé

Et quand la chambre fut vide
Tous les amis étaient partis
Je suis resté seul avec mon guide
Nathalie

Plus question de phrases sobres
Ni de révolution d’octobre
On n’en était plus là
Fini le tombeau de Lénine
Le chocolat de chez Pouchkine
C’est, c’était loin déjà

Que ma vie me semble vide
Mais je sais qu’un jour à Paris
C’est moi qui lui servirai de guide
Nathalie, Nathalie

VIDEO:

Gilbert Bécaud – Nathalie – YouTube 

Trở lại với bản Nostalgie do Julio Iglesias thu đĩa, ca khúc này được Duy Quang đặt lời Việt với tựa Niềm thương nhớ vào khoảng cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990 (có tài liệu ghi là năm 1991).

Thế nhưng, như đã xảy ra với không ít ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt khác, Niềm thương nhớ cũng được một số trang mạng ghi tác giả là Phạm Duy (thân phụ của Duy Quang), cho dù trong danh sách 255 bản nhạc ngoại quốc lời Việt do chính ông ghi lại không hề có ca khúc này.

Niềm thương nhớ (Duy Quang)

Niềm thương nhớ em với anh còn đó
em khóc u tình cũng như anh
Niềm thương nhớ ta trói nhau vào đó
xơ xác như đời giữa đêm thanh

Ở đây chốn xa xôi
một xứ tuyết đơn côi
vùi thân trong lạnh lùng
nghe gió than không ngưng
em mắt xưa yêu kiều
nay tóc mây tiêu điều
thời gian giết cuộc đời
nhớ thương ơi

Còn đâu nắng soi bóng trên thềm vắng
chim hót trên cành lúc xuân xanh

Còn đâu nữa thơm ngát hương mùi tóc
môi má đa tình nép vai anh

Thời gian đã trôi mau
tình len lén đi sau
chưa ấm êm cuộc đời
nay đã như mây trôi
em có nghe mưa về
cho gió thêm ê chề
thời gian đã tàn rồi
nhớ thương ơi

Em có mong hay chờ
son phấn sẽ phai mờ
thời gian sẽ nhạt nhòa
nhớ thương ơi

em khát khao yêu đời
em bỗng dưng xa người
rồi xa vắng cuộc đời
nhớ thương ơi…

Niềm thương nhớ được Duy Quang thu âm trong băng cassette “Dạ Vũ Xanh” của Trung Tâm ASIA; tiếp theo là tiếng hát Ngọc Lan trong băng Ngọc Lan 4 “Tình Xanh”. Cả hai phiên bản đều rất được ưa chuộng tại hải ngoại.

Phụ lục 5: Niềm thương nhớ, Duy Quang

Phụ lục 6: Niềm thương nhớ, Ngọc Lan

Về sau, Niềm thương nhớ cũng rất được yêu chuộng ở trong nước, thường được thu âm với các giọng nam.

Phụ lục 7: Niềm thương nhớ, Xuân Phú

 

HOÀI NAM

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search