T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Châu Thạch: ĐỌC “NGƯỜI LÍNH GIÀ CHỐNG GẬY ĐÓN XUÂN” (THƠ DƯ MỸ)

_MG_7259

Hoa Ngày Tết – Ảnh: Lưu Na

Đọc bài thơ “Người lính già chống gậy đón xuân”, cũng có người cho rằng bài thơ nầy không hay mấy vì nó thiếu nước mắt. Tôi thì ngược lại, vì có lẽ tôi cũng là người lính già nên nước mắt đã khô như tác giả và bao người lính già khác. Tôi cũng không dám nhận xét bài thơ hay hoặc dở, mà tôi chỉ muốn thổ lộ sự đồng cảm của mình với tác giả bài thơ. Chữ “người lính” cho ta cái đẹp. Chữ “già” cho ta nỗi buồn. Cụm từ “Người lính già” cho ta một chút ngậm ngùi về quá khứ và cụm từ “Người lính già chống gậy đón xuân”cho ta một cảm nhận buồn vui lẫn lộn.

Thật tình mà nói, đọc khổ thơ đầu tiên, hình ảnh cô đơn của người lính già đi trong đêm tuyết lạnh đã cho tôi một bức tranh buồn nhưng quá đẹp:

Người lính già chống gậy đón xuân
Khập kh
nh đôi chân tìm về quá khứ
Đêm tuyết lạnh vắng người tâm sự
Bạn bè thời chinh chiến đã dần quên

Nhà thơ chỉ phác họa hình ảnh người lính già qua hai câu thơ đầu tiên,  rồi từ đó thơ triền miên viết về nội tâm người lính già với những điều trong quá khứ. Bức tranh cho ta biết người lính già vừa đi vừa nhớ về quá khứ, lục lại ký ức mình để tìm tên “bạn bè thời chinh chiến”. Thế nhưng, người lính già không nhớ hết tên đồng đội của mình. Đó là nỗi đau đầu tiên mà bài thơ đem đến cho tôi. Tuy nỗi đau còn nhẹ nhưng không phải là không thấm vào làm se lạnh linh hồn.

Rồi thì khổ thơ thứ hai:

Có những thằng chỉ gặp lại cái tên
Trên trang báo phân ưu cáo phó
Đời vô thường có không – không có
Thì sá gì thua được – được thua

Lời thơ bi quan về cuộc đời và bất cần những điều thua thiệt nhưng thật ra, đây là nỗi đau ngấm ngầm trong lòng tác giả. Đây là sự chống trả tiêu cực với số phận nghiệt ngã của thời cuộc mà người lính già hứng chịu. Đọc thơ ta thấy người lính già gần như đã đầu hàng số phận, chỉ chống đối nó bằng cách buông xuôi theo  dòng nước trôi đi. Đọc thơ tôi thấy đây là tôi và hình như hàng triệu cái tôi khác của người chiến binh đồng đội năm xưa của tôi cũng vậy.

Rồi bước qua khổ thơ thứ ba:

Người lính già chống gậy nhớ xuân xưa
Bên chiến tuyến chung bình đông rượu đế
Quà hậu phương đón xuân vui đáo để
Súng vọng xa cứ ngỡ pháo giao thừa

 Đón xuân nầy lại nhớ xuân xưa. Đó là tâm trạng của hầu hết những người già. Dầu xuân nầy có tốt hơn xuân xưa bao nhiêu đi nữa thì người già vẫn nhớ đến xuân xưa vì xuân xưa họ còn đầy sinh lực. Đối với người già đón xuân xưa là “xuân đón xuân” còn đón xuân nầy là “đông đón xuân”, huống chi người lính già có những xuân quá khứ oai hùng biết bao. Bốn câu thơ chỉ nói đến cái buồn trong xuân quá khứ nhưng lại gián tiếp cho ta biết sự thắm thiết  biết bao trong lòng tác gỉa về những mùa xuân ấy.

Khổ thơ thứ tư chỉ để nhắc, để nhớ thêm những giờ đón xuân trong quá khứ:

 Nhạc xuân buồn theo nhịp võng đu đưa
Nghe em gái hậu phương tâm sự
Đem xương máu tô hồng trang chiến sử
Ai thương giùm người lính chiến trường xa

Có lẽ trong giờ phút nầy, dầu đôi chân khập khễnh, người lính già cũng bước đi êm ái, để tai nghe tiếng nhạc từ xa xưa vọng lại. Đây là bức tranh hiền hòa nhất, lãng mạn nhất trong bài thơ, cho tôi sự thư thái trong tâm hồn.

Thế rồi vụt cái, bức màn sân khấu hạ xuống, bức màn khác kéo lên, bài thơ làm cho người đang lim dim khoái cảm nhổm dậy, thế cuộc đổi thay, đọa đày đã đến:

Người lính già chống gậy nhớ xuân qua
Chôn thân xác bạn tù trong đất lạnh
Không nhang khói giữa núi rừng hiu quạnh
Hồn lang thang qua những buổi đông tàn

 Hồn u sầu trong những độ xuân sang
Bao uất hận vùi sâu trong huyệt mộ
Nén hương lòng cùng câu kinh phổ độ
Cầu cho người siêu thoát cõi u minh

Nhà thơ dùng hai khổ thơ để nói về những chiến binh đồng đội đã chết trong tù. Đọc khổ thơ trên tôi nhớ đên một đoạn trong bài thơ “Tạ lòng từ  đáy mộ sâu” của chính tác giả viết cho những người bạn mình còn nằm lại trên núi rừng Bông Miêu, Quảng Nam:

“Nằm trên vùng đất lưu đày
Đã tan thù hận những ngày đao binh

Khói hương thoang thoảng lời kinh
Âm cung trần thế vọng tình thiên thu”

Ta thấy rằng lời an ủi linh hồn bạn mình thì khác mà chính mình thì nỗi đau thương, u uẩn còn canh cánh trong lòng. Người lính già mang nỗi đau của chính mình và cả nỗi đau của người đã chết. Người lính già nhắn nhủ bạn mình rằng “đã tan thù hận” và an lành trong “khói hương thoang thoảng lời kinh” nhưng chính mình thì lại nói “Hồn u sầu trong những độ xuân sang/ bao uất hận vùi sâu trong huyệt mộ”. Vì sao thế? Vì vết thương trong lòng quá đau, ông biết mình và bạn mình khó vơi đi được.

Khổ cuối của bài thơ bình dị với lời khuyên nhân ái:

Sống giữ nhau trọn chút nghĩa ân tình
Mai nhắm mắt xuôi tay không ân hận
Người lính già sau bao năm lận đận
Buổi cuối đời chống gậy nhớ cố hương

 Lại một mùa xuân nữa tha phương. . .

Khổ cuối bài thơ cho ta biết người lính già sống tha phương. À ra thế, vậy là người lính già còn thêm nỗi buồn xa xứ, đón xuân nơi đất khách quê người với bước đi khập khễnh và cõi lòng nặng ưu tư. Tôi là người đang ở trong xứ mà sao tôi thấy tâm trạng nầy cũng giống tôi. Tôi cũng có cảm tưởng như mình xa xứ từ lâu.

Có những bài thơ hay ý tứ sâu xa, chữ nghĩa cầu kỳ, tiếng thơ trầm bổng nhưng cũng có những bài thơ hay viết như nói, ý tứ phơi bày rõ nét, tiếng thơ nhẹ như chiếc lông hồng bay là là trong gió. Với tôi, có lẽ bài thơ “Người lính già chống gậy đón xuân” của nhà thơ Dư Mỹ thuộc loại là là bay trong gió./.

Châu Thạch

 

Người Lính Già
Chống gậy Đón Xuân

Người lính già chống gậy đón xuân
Khập khễnh đôi chân tìm về quá khứ
Đêm tuyết lạnh vắng người tâm sự
Bạn bè thời chinh chiến đã dần quên

Có những thằng chỉ gặp lại cái tên
Trên trang báo phân ưu cáo phó
Đời vô thường có không – không có
Thì sá gì thua được – được thua

Người lính già chống gậy nhớ xuân xưa
Bên chiến tuyến chung bình đông rượu đế
Quà hậu phương đón xuân vui đáo để
Súng vọng xa cứ ngỡ pháo giao thừa

Nhạc xuân buồn theo nhịp võng đu đưa
Nghe em gái hậu phương tâm sự
Đem xương máu tô hồng trang chiến sử
Ai thương giùm người lính chiến trường xa

Người lính già chống gậy nhớ xuân qua
Chôn thân xác bạn tù trong đất lạnh
Không nhang khói giữa núi rừng hiu quạnh
Hồn lang thang qua những buổi đông tàn

Hồn u sầu trong những độ xuân sang
Bao uất hận vùi sâu trong huyệt mộ
Nén hương lòng cùng câu kinh phổ độ
Cầu cho người siêu thoát cõi u minh

Sống giữ nhau trọn chút nghĩa ân tình
Mai nhắm mắt xuôi tay không ân hận
Người lính già sau bao năm lận đận
Buổi cuối đời chống gậy nhớ cố hương

Lại một mùa xuân nữa tha phương
                       

Dư Mỹ

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search