T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hòang Quân: Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau: Địa Lý Vườn Uyên (3)

Tranh: Thanh Châu

Kỳ 1 & 2    Kỳ 4

Ngày trước, sát dàn bông giấy, bên vách nhà Mỹ Đông An là chuồng gà. Ba nuôi gà Mỹ, hay trao đổi giống gà với bạn bè khác. Có lần, ông tỉnh trưởng Lê Bá Khiếu đến chơi, dắt theo con gái, chị Dung, ẵm con gà Mỹ thiệt to, tới biếu. Thỉnh thoảng Ngọc Thúy, Ngọc Hiền rủ con Nguyệt, con Ba nhà Phạm Ngọc Anh vô chuồng gà làm văn nghệ. Mấy đứa múa hát nhiều màn rất nghệ thuật. Vậy mà, bầy gà không biết thưởng thức. Rõ là đàn gảy tai… gà. Thế gian biến cải vũng nên đồi. Chuồng gà bị dẹp đi. Góc sân vườn đủ để mấy bàn, từ số một đến số bốn, mỗi bàn để được bốn ghế. Nếu bạn bè thích ngồi chung, có thể kèm thêm hai ghế. Bàn số bốn dưới cây ổi. Có lần, anh Đức đang uống cà phê, bị ổi rụng trúng đầu (biết đâu, chẳng hên như sung rụng, mà có người phải nằm há mỏ chờ). Anh ôm đầu với mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ có dáng dấp của tổ… phượng hoàng, chạy vào bếp “kêu cứu” với Mạ. Tiếp theo đó là bậc thềm cao, để bàn số năm, sáu, bảy. Cây lựu, hoa tử kinh, mai tứ quý để xen kẽ giữa các bàn này. Bàn số năm được xem như bàn “tổ ấm”, băng ghế đá (loại giống ghế đá công viên) nằm thụt sâu vào vách. Bàn này hưởng ké sự ấm cúng của tàn lá cây ổi, cũng như thoang thoảng hương ngọc lan của bàn số mười. Những đôi uyên ương nào đến sớm, thích “xí” ngay bàn này. Dưới tàn lá cây mận là bàn số sáu với xích đu màu xanh lá cây sậm. Bàn này thường do các chàng trai trẻ người (và chắc cũng non dạ) chiếm đóng. Vị trí của bàn này thuộc loại chiến lược. Xích đu nằm bên phải xeo xéo của két cà phê. Thi sĩ ĐVT (thuở ấy hẵng còn là Trần Quang Đoàn), sau mấy chục năm vẫn còn nhớ khoảnh không gian này “…Mình nhớ, từng ngồi đong đưa trên đó, thơ mộng nhâm nhi cà phê và… quan sát Thúy… ”. Một lần, có chàng trai trẻ, đang thả hồn bay bổng theo nhịp xích đu, bất thần vội phóng xuống… tàng hình dưới bàn. Té ra, thân mẫu đi tìm anh. Thế là, anh phải từ từ chui lên khỏi… mặt đất và líu ríu theo hiền mẫu về nhà. Giữa bàn số sáu và số bảy có cây lựu nho nhỏ, chưa đậu trái bao giờ, mặc dầu thỉnh thoảng có điểm vài bông đỏ trên cành. Có lẽ Café Uyên là đất lành, nên có nhiều “nông dân” nhắm nhé để canh tác vườn… si. Lần khác, thân phụ của anh Lê Tuấn đến tận vườn, “kè” nông dân về, đặng còn đi học chữ. Có lẽ vì vậy mà chàng trai xứ Quảng đã chiêm nghiệm thêm phương châm sống, “Trai khôn tìm vợ ở chốn chợ Đông… Ba. Gái khôn tìm chồng ở…  quán cà phê…”

Bên tay trái, sát vách văn phòng Baha’i, ngoài cùng là bàn số tám. Bàn này chỉ có hai ghế. Góc này anh DQH mua đứt rồi. Bởi, cứ hể chiều xuống, tới giờ mở cửa quán, y như rằng thấy bóng anh DQH lững thững bước vào. Nhà anh ở đối diện, mấy bước băng qua đường. Giờ sớm chưa có khách, tha hồ chọn lựa. Vậy mà, hiếm khi thấy anh ngồi góc khác. Anh có dáng vẻ như Chân Dung Chàng Nghệ Sĩ Trẻ trên hình bìa của cuốn sách dịch A Portrait of the Artist as a Young Man của James Joyce. Ngoài anh DQH, khách chỉ ngồi bàn này, khi quán không còn chỗ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, còn nhiều bàn, nhưng khách vẫn chọn bàn số tám. Khách gọi trà Lipton, ly soda sữa hột gà và thêm gói thuốc con mèo. Thì y như là sau đó, sẽ có màn chạy làng rất ngoạn mục. Lần nọ, thấy khách có những dấu hiệu tiêu biểu của bàn số tám, Ngọc Thúy kể với Ba. Ba đem radio ra ngồi nghe tin tức ở bàn số chín bên cạnh. Vậy mà, uống xong, khách tuôn chạy, Ba đứng dậy đành ngó theo. Khách đã khuất dạng vào đường chỗ tiệm thuốc bắc Trần Quang. Trên đường còn chơ vơ đôi guốc đàn ông của khách.

Bàn số chín là bàn đầu tiên khi vào cổng, hai bên bàn có hai chậu kiểng lớn để tạo cho bàn một chút không khí riêng tư. Tiếp theo là bàn số 10, 11, 12, dẫn đến két, chỗ ngồi của cô hàng cà phê. Nơi đây ngày xưa có cây trứng cá xanh um. Sau, Ba quyết định đốn cây, đổ xi măng để làm chỗ đậu xe hơi. Bàn 12 đặc biệt có dùng cái ghế da hai chỗ ngồi của xe hơi. Ghế này có lẽ ngồi cũng thoải mái, cho nên dù quay lưng lại quày, tức là không “nghía” được cô hàng. Nhưng khi ngồi đồng, ghế xe hơi xem ra rất được chuộng. Các bàn này chỗ rộng, có thể để nhiều ghế, thường là gia đình anh chị em đi ăn chè, chứ không ngâm nga ngồi lâu nhâm nhi cà phê. Bên trái của bàn số 10 là bàn 11, chỉ hai chỗ, sát vách tường bên Baha’i vẫn còn hai tổ ong. Hai bàn này có cây che, “ít trăng nhiều gió”, nên cũng được đắt khách. Bên cạnh két là bàn 13, bàn này thường là những khách quen, đôi khi gần như con cháu trong nhà.

Két là cái “táp đờ nuy” nhỏ bằng gỗ. Ngày trước để cạnh giường Ba Mạ. Két thấp chủn. Trên cùng là hộc rất cạn, có tay nắm tròn, để đựng tiền. Ngăn giữa cao hơn, trống, để đựng những bảng thức uống. Dưới cùng là hộc cao hơn, có cánh cửa, đựng giấy viết, vài món lặt vặt khác.

Bên phía phải của két là tủ cao. Phía trên bằng kiếng, giống các xe sinh tố để chưng trái cây. Phía dưới bằng lưới. Trong tủ chứa các loại chai nước ngọt.

Hồi đó, ở tòa hành chánh, Ba và các ông tỉnh trưởng, ngồi cách nhau bức tường, nên nói chuyện qua đường dây giống như vi âm. Khi văn phòng có thiết bị khác, không dùng đường dây vi âm này nữa, thì bác Xuyến, đồng nghiệp của Ba có sáng kiến, đem “hệ thống liên lạc” này về xài ở quán cà phê. Bác Xuyến đảm trách việc lắp ráp. Ở ngoài chỗ gần két có microphone, có thể nói vào đó đặt cà phê, chè… Đường dây dẫn sẽ đưa tiếng đặt hàng xuống bếp. Tuy hệ thống chưa hoạt động trơn tru, đường dây dẫn không tốt, nói nghe không rõ. Nhưng thời ấy, thiết bị kỹ thuật như vậy thật tân tiến hiện đại, làm nhiều thanh niên thích thú, đứng gần két tò mò quan sát.

Quán hơi tối, nhiều cây, màn “xô xát” với muỗi chắc chắn xảy ra hằng đêm, mặc dù chiều tối có đốt nhang vòng chống muỗi. Nhưng may, chưa có vụ đụng độ nào với tổ ong. Ba nghiên cứu bắt những bóng đèn nhỏ màu xanh lá cây, núp sau những chậu kiểng, tạo một không khí ấm cúng và lãng mạn. Ba có sáng kiến độc đáo làm “công- tắc” của đèn: đó là ống tiêm chích thuốc loại lớn. Muốn bật đèn sẽ làm thao tác như y tá đang bơm thuốc.

Bấy giờ, tình hình an ninh ở Quảng Ngãi bất ổn. Đã có những vụ đặt chất nổ ở rạp hát, quán cà phê… Ba bắt một đèn neon dài dọc theo cổng, rọi sáng sân đậu xe cho khách. Như vậy, ngồi trong quán, mờ tối, nhìn ra chỗ đậu xe, khách vẫn có thể thấy được xe mình. Khách có thể kịp thời phát giác, nếu có dấu hiệu khả nghi. Lần kia, một chú đang nhâm nhi cà phê trong quán, chợt nhìn ra sân để xe. Chú hốt hoảng, vì thấy trên yên xe Honda của mình một túi xách lạ, nguy hiểm quá. Chú chạy vội tới quày, tính nói với chủ tiệm, thông báo cho mọi người lo chạy trốn. Đang lúc chộn rộn, chú thấy một thanh niên đang từ trong quán ra, xăm xăm đến thẳng chỗ túi xách khả nghi, tỉnh bơ ôm túi trở vô lại chỗ ngồi trong quán. Thì ra, anh này đạp xe đi mua hàng. Trên đường về, ghé lại Café Uyên. Lúc lúi húi khóa xe, anh để tạm túi hàng trên yên xe Honda bên cạnh. Khóa xe xong, nghe tiếng bạn bè kêu ơi ới, anh vui quá, lật đật chạy vô quán, quên bẵng túi hàng. Uống xong ly chanh rum mát cổ họng, anh mới sực nhớ túi hàng còn để bơ hơ ngoài chỗ đậu xe. Chà, để mất hàng, thể nào cũng bị mẹ la, không chừng cấm không cho đi chơi nữa. May quá! Túi hàng vẫn còn đó. Anh mừng rỡ, mà chẳng biết là ông chủ xe Honda một phen sợ thất kinh hồn vía.

Hoàng Quân

(Còn Tiếp)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search