T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vụ án Huỳnh Thục Vy: Tự do biểu đạt có bao gồm “Xúc phạm quốc kỳ”?

FB Phạm Lê Vương Các

Theo thông báo của Toà án nhân dân thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắc Lắc), vào ngày 22/11/2018, bị can Huỳnh Thục Vy sẽ bị đưa ra xét xử về tội “xúc phạm quốc kỳ” theo điều 276 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999.

Huỳnh Thục Vy, một nhà bất đồng chính kiến đã công khai xác nhận rằng, cô đã có hành vi xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng vào ngày 01/09/2017, với mục đích bày tỏ sự phản kháng đối với chính quyền.

Cô đã viết trên facebook cá nhân giải thích cho hành vi của mình là “thực hiện quyền tự do biểu đạt của công dân theo luật quốc tế bất chấp luật rừng của chính quyền độc tài.

Việt Nam hiện nay nằm dưới sự cai trị độc đoán của đảng cộng sản. Các biểu tượng của đảng này tất nhiên giống như một thứ bùa chú linh thiêng và bất khả xâm phạm, để hỗ trợ cho sự đàn áp người dân về tinh thần, bên cạnh sự đàn áp về chính trị và kinh tế. Bởi vậy, trong ý thức của tôi, cờ đỏ là biểu trưng cho sự đàn áp và độc tài. Chống độc tài thì tất nhiên chống lại mọi biểu tượng của nó.” [1]

Với hành vi phản kháng này, nếu bị kết tội cô ấy có thể chịu hình phạt tối đa là 3 năm tù giam trong phiên tòa sắp tới.

Để có cái nhìn toàn diện hơn, bài viết này sẽ tập trung phân tích khía cạnh pháp lý liên quan đến hành vi biểu đạt của Huỳnh Thục Vy là có phù hợp với quyền tự do biểu đạt theo luật nhân quyền quốc tế hay không, hay do luật pháp Việt Nam đặt ra các quy định trừng phạt cho hành vi xúc phạm quốc kỳ là xâm phạm đến quyền tự do biểu đạt của công dân?

GIỚI HẠN BIỂU ĐẠT?

Quyền tự do biểu đạt là một quyền tối quan trọng được ghi nhận trong nhiều văn kiện của luật nhân quyền quốc tế, mà theo đó văn kiện có trọng lượng pháp lý đầu tiên có thể kể đến là Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (viết tắt là ICCPR). Tại khoản 2, điều 19 của ICCPR quy định: “Mọi người có quyền tự do biểu đạt. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, quan điểm, không phân biệt lĩnh vực, hình thức […]”.

Tuy nhiên, khác với quyền tự do tư tưởng, quyền tự do biểu đạt không phải là một quyền tuyệt đối vì nó được thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi. Do đó, việc thực hiện quyền này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định bởi luật. Các hạn chế này cũng được quy định tại khoản 3, điều 19 của ICCPR nhằm: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội.

Vậy, hành vi xịt sơn lên quốc kỳ có được xem là đang thực hiện quyền tự do biểu đạt theo khoản 2 điều 19 của Công ước ICCPR, hay hành vi này đã vượt quá giới hạn cho phép, có dấu hiệu xâm phạm đến an ninh quốc gia hay trật tự công cộng theo như quy định tại khoản 3 điều 19 của ICCPR?

Vấn đề này, vào năm 2011, Uỷ ban Nhân quyền – là cơ quan giám sát thực thi Công ước ICCPR đã ban hành Bình luận chung số 34 để giải thích và hướng dẫn thi hành điều 19 của ICCPR về quyền tự do biểu đạt như sau: [2]

Tại Đoạn 11 nêu: “[…] Quyền tự do biểu đạt bao gồm các tranh luận chính trị và các vấn đề chung.[…] Phạm vi của quyền này bao gồm cả các biểu đạt có thể được xem là gây xúc phạm, mặc dù những biểu đạt này có thể bị hạn chế theo quy định của khoản 3, Điều 19.”

Đoạn 11 cho thấy Ủy ban Nhân quyền đã giải thích rõ rằng, phạm vi thực hiện quyền tự do biểu đạt đối với các tranh luận chính trị hay các vấn đề công sẽ bao gồm cả các biểu đạt có thể gây ra sự xúc phạm.

Đối với việc biểu đạt tác động lên quốc kỳ, Ủy ban Nhân quyền cũng nêu quan điểm hướng dẫn chi tiết tại Đoạn 38 là : “Về nội dung của các tranh luận chính trị, Ủy ban đã cho rằng trong bối cảnh tranh luận công khai về các thể chế công, Công ước đánh giá cao những biểu đạt không bị ngăn cản[…] Theo đó, Ủy ban bày tỏ quan ngại với những luật về tội không tôn trọng cờ và các biểu tượng,[…]”.

Như vậy qua Đoạn 11 và Đoạn 38 cho thấy, quan điểm của Cơ quan giám sát thực thi Công ước ICCPR là việc các quốc gia đặt ra các luật về tội “không tôn trọng cờ và các biểu tượng” là không phù hợp với điều 19 của Công ước về quyền tự do biểu đạt. Dù sự biểu đạt lên lá cờ có thể gây ra sự xúc phạm, nhưng sự biểu đạt này vẫn được Ủy ban công nhận vì lá cờ và các biểu tượng đều thuộc thể chế công nên nó là đối tượng chính đáng của sự phản kháng hay phê phán trong chính trị.

Trên thực tế quy định này đã được áp dụng tại nhiều quốc gia, như chúng ta thấy, ở nhiều nước, người dân có thể mặc đồ lót in hình quốc kỳ, hay đốt quốc kỳ của họ, dù nó có thể gây ra sự phản cảm hay xúc phạm nhưng hành vi này vẫn không bị xem là một hành vi phạm tội. Rộng hơn, Ủy ban Nhân quyền còn yêu cầu là các quốc gia thành viên cần phải phi hình sự hóa đối với các hành vi bôi nhọ hay xúc phạm.

Qua đây cho thấy, giữa điều 276 Bộ luật Hình sự Việt Nam về tội “xúc phạm quốc kỳ” và điều 19 của Công ước ICCPR về quyền tự do biểu đạt đã có sự xung đột với nhau. Luật Việt Nam xem đó là hành vi phạm tội, nhưng Luật nhân quyền quốc tế thì không.

ÁP DỤNG LUẬT

Khi hai điều luật có sự xung đột và không tương thích với nhau trong cùng một vấn đề thì áp dụng luật nào để giải quyết vụ việc của Huỳnh Thục Vy?

Cách giải quyết xung đột pháp luật, căn cứ vào khoản 1, điều 6, Luật Điều ước Quốc tế hiện hành của Việt Nam quy định: “Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.”

Việt Nam đã gia nhập trở thành thành viên của Công ước ICCPR vào năm 1982, và Việt Nam không bảo lưu bất kỳ điều khoản nào của Công ước này [3]. Như vậy, cơ sở áp dụng luật trong vụ việc của Huỳnh Thục Vy là theo Công ước ICCPR.

Từ đây có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định rằng, hành vi của Huỳnh Thục Vy là không có tội. Điều 276 Bộ luật Hình sự Việt Nam về tội “xúc phạm quốc kỳ” là không phù hợp với khoản 2, điều 19 của ICCPR về quyền tự do biểu đạt. Việc hình sự hoá hành vi xúc phạm quốc kỳ của Việt Nam đã vượt quá phạm vi cho phép của khoản 3, điều 19, ICCPR.

Tương tự, rõ ràng các tội hiện hành như “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích nhà nước”, hay tội “tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam” đều đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền tự do biểu đạt mà ICCPR đã ghi nhận.

“TỰ DO QUÁ TRỚN?”

Có thể vấn đề này làm người chưa quen với việc thực hành về nhân quyền sẽ nói rằng tự do như vậy quá trớn, được tự do thoải mái xúc phạm người khác, hay xúc phạm tất cả những gì mà ta không thích sao?

Đừng nhầm lẫn! Vấn đề này Ủy ban Nhân quyền đã có sự phân định rạch ròi giữa vấn đề thuộc về lĩnh vực thể chế công và các vấn đề thuộc về lĩnh vực cá nhân. Theo đó Ủy ban Nhân quyền đã đưa ra hạn chế cần thiết trong việc thực hiện quyền tự do biểu đạt nhắm vào cá nhân người nhằm mục đích tôn trọng quyền và uy tín của họ. Nhưng đối với các vấn đề thuộc về thể chế công, Ủy ban Nhân quyền ủng hộ cả những biểu đạt có thể gây ra sự xúc phạm nhắm vào các đối tượng như chính quyền, các biểu tượng chính trị, hay những người nắm giữ quyền lực chính trị.

Sỡ dĩ Ủy ban Nhân quyền cổ vũ mạnh mẽ quyền tự do biểu đạt vì nó là một quyền nền tảng trong việc thúc đẩy và hiện thực hóa nhiều quyền con người khác. Khi quyền tự do biểu đạt không được tôn trọng và thực thi thì các cuộc biểu tình ôn hoà sẽ bị ngăn cản và quy kết vào tội “gây rối trật tự cộng”, các buổi hội họp tự do đều có nguy cơ bị quấy rối và cáo buộc “tụ tập trái phép”…

Hơn hết, các quy định của luật nhân quyền quốc tế bảo vệ mạnh mẽ quyền tự do biểu đạt trong lĩnh vực chính trị như vậy là để bảo vệ người dân trước sự tấn công đến từ giới cầm quyền. Ủy ban Nhân quyền đã khẳng định quan điểm này tại Đoạn 23 trong Bình luận chung số 34 rằng: việc đặt ra các giới hạn về quyền tự do biểu đạt theo khoản 3, điều 19 ICCPR không bao giờ được đưa ra làm căn cứ để bịt miệng bất kỳ việc vận động cho nền dân chủ đa đảng, các nguyên tắc dân chủ và quyền con người.

Luận tội và kết án Huỳnh Thục Vy trong trường hợp này chỉ cho thấy chính quyền đang cố gắng bịt miệng tiếng nói của cô ấy trong suốt 10 năm qua trong việc vận động bền bỉ cho nền dân chủ đa đảng và bảo vệ quyền con người tại Việt Nam.

_____

[1] Xem Facebook của Huỳnh Thục Vy.

[2] Xem bản dịch toàn văn Bình luận chung số 34 của Ủy Ban Nhân quyền về Điều 19 ICCPR: Tự do quan điểm và biểu đạt. Đối chiếu văn bản gốc Bình luận chung số 34 của Ủy ban Nhân quyền.

[3] Xem các Công ước về nhân quyền mà Việt Nam tham gia.

Bài Mới Nhất
Search