T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Đức Nhì: VẦN VÀ THẾ TRẬN CỦA BÀI THƠ

Bạn Đọc Đặt Vấn Đề

Anh Trần Nông Dân có bình luận khá dài trên Facebook về bài viết Đọc Bài Thơ Phương Xa Bằng Đôi Mắt Bình Phẩm Nghiêm Túc của tôi. Ở bài viết trước tôi đã bàn về cụm từ “họa dần vơi”. Bài viết này sẽ nói vắn tắt về vần và thế trận của bài thơ.

Anh Trần Nông Dân viết:

“… khi tác giả bài viết phê phán về cấu trúc và sự bố trí nội dung các khổ thơ thì tác giả hãy lưu ý. Vũ Hoàn Chương (sic) không phải là nhà thơ cổ điển, ông là một nhà thơ mới chịu sự ảnh hưởng của văn chương Pháp mà người tiên phong khởi xướng là Tản Đà.

 Cấu trúc và cách gieo vần không mang nặng tính đường luật khắt khe của thơ cổ điển. Đó là thời kỳ của dòng thơ tiền chiến mang tính chất tự do có phần phóng túng theo kiểu “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/Mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mây…”.

  Bối cảnh không gian và thời gian gần như vô định, thơ cứ tự do phiêu du không cần biết chốn nào… Nên vì vậy mà không nên để ý quá nhiều về cấu trúc, vần và điệu mà hãy tập trung về những xúc cảm chợt đến chợt đi cũng rất vô định của nhà thơ.” (Anh Trần Nông Dân viết sai tên thi sĩ – Hoàng chứ không phải Hoàn)

 Vần Trong Thơ

Một số nhà phê bình, cả ở trong nước lẫn hải ngoại, khi bình thơ thường “lờ tít” phần thi pháp mà chỉ giải thích, bàn tán ý tứ của bài thơ. Thi pháp – trong đó có vần điệu – không được nhắc tới nên dưới mắt những nhà phê bình ấy bài thơ chỉ như một đoạn văn, không hơn, không kém.

Câu “Nên vì vậy mà không nên để ý quá nhiều về cấu trúc, vần và điệu mà hãy tập trung về những xúc cảm chợt đến chợt đi cũng rất vô định của nhà thơ.” của anh Trần nông Dân đúng là phát biểu của một người “điếc không sợ súng”.

Trước hết, nếu không để ý đến vần điệu thì làm sao biết bài thơ thiếu ngọt, vừa độ ngọt hay bị “hội chứng nhàm chán vần” (vần quá nhiều), làm sao thưởng thức được nhạc điệu trong thơ. Chỉ riêng chi tiết này đã cho người đọc thơ hay bình thơ thông tin cần thiết để đánh giá “tay nghề” (kỹ thuật thơ) của tác giả và từ đó thẩm định giá trị của bài thơ.

Hơn nữa, nếu không để ý đến vần điệu thì làm sao biết được tứ thơ có chảy thành dòng hay không? Hay chỉ là những “vũng thơ” nằm rải rác, nước hố nào nằm im ở hố đó. Nếu tứ thơ chảy thành dòng thì dòng chảy đó có thông thoáng hay không? Nếu không thông thoáng thì chữ nào, câu thơ nào, đoạn thơ nào cản trở dòng chảy đó? Dòng chảy nhẹ nhàng, lững lờ hay mạnh bạo, cuồng xiết? Cảm xúc của tác giả có nhập vào dòng chảy của tứ thơ để biến nó thành dòng cảm xúc hay không?

Nếu may mắn, người đọc thơ có thể đi xa hơn để đặt ra và trả lời câu hỏi: Dòng cảm xúc có lên đến đỉnh điểm, bài thơ có cao trào hay không? Có thể kết luận bài thơ có hồn hay không? Bởi vì chính lúc đó cảm xúc đã phủ mờ lý trí, “cái tôi văn hóa” của thi sĩ đã mất dạng, bài thơ đã được đặt dưới quyền đạo diễn của “cái tôi đích thực”, lời thơ, do đó, sẽ là tiếng lòng chân thật của tác giả. Theo tôi, viết được bài thơ như thế, thi sĩ đã cùng bài thơ của mình bước vào Bến Bờ Thi Ca, đã ban cho độc giả, thính giả cái ân huệ được đọc, được nghe “tiếng người chân thật”.

Thử hỏi đọc thơ, bình thơ mà không chú tâm vào vần điệu thì làm sao nhận biết được những bài thơ như thế?

PHƯƠNG XA

Nhổ neo rồi thuyền ơi! Xin mặc sóng,
Xô về đông hay giạt tới phương đoài,
Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng,
Lòng cô đơn cay đắng hoạ dần vơi.

Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bẩy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa,
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh.

Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.

Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt,
Treo buồm cao cùng hát tiếng hò khoan.
Gió đã nổi nhịp trăng chiều hiu hắt,
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy cho ngoan.

Về hình thức, đây là bài thơ bát ngôn (8 chữ) trường thiên gồm 16 câu được chia làm 4 khổ, mỗi khổ 4 câu. Vần gieo gián cách (1/3, 2/4) rất chân phương, nghĩa là tác giả áp dụng cách gieo phần của thơ mới (ảnh hưởng Pháp) rất đúng nguyên tắc, rất cứng:

Khổ 1: sóng rộng, Đoài vơi.
Khổ 2: đứa nữa, khinh đênh.
Khổ 3: kỷ dị, vơ sơ.
Khổ 4: tắt hắt, khoan ngoan.

Có thể nói món chè Phương Xa được nêm hơi nhiều đường; bài thơ có vần khá đậm.

Ở đây tôi chỉ tóm tắt vài điểm chính. Muốn hiểu rõ hơn xin đọc bài Một Cách Nhìn Khác Về vai Trò Của Vần Trong Thơ  .

Cấu Trúc, Thế Trận Của Bài Thơ

Cũng giống như bóng đá, đấu pháp toàn đội hay thế trận của bài thơ là cực kỳ quan trọng. Với thơ, độc giả sẽ có xúc động, cảm khoái khó tả khi gặp một chữ lạ, một hình ảnh đẹp, một “cụm từ” đắc địa, một câu thơ hay; tôi gọi đó là cảm xúc tầng 1. Nhưng chính thế trận của bài thơ mới cho những độc giả sành điệu hơn sự cảm khoái ở mức độ cao hơn nhiều.

Best words (chữ hay nhất) cũng cần để có thơ hay, nhưng “best order”(thế trận tối ưu) sẽ nâng cái hay của “best words” lên một tầng cao mới; tôi gọi đó là cảm xúc tầng 2.

Với bài thơ Phương Xa, tứ thơ được gói ghém, cô đọng ở khổ 2 và khổ 3. Khổ đầu và khổ cuối chỉ làm nhiệm vụ mở đề và kết luận. Như vậy mở đề và kết luận hơi dài, không cân xứng so với phần chính của bài thơ. Và vì hơi dài nên đã sinh ra môt số khuyết điểm khác:

Khổ thơ đầu tiên có đoạn:

“Nhổ neo rồi thuyền ơi! Xin mặc sóng
Xô về Đông hay dạt tới phương Đoài”

ý trùng lặp với khổ thơ thứ 2:

“Bể vô tận sá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh.”

Khổ cuối chỉ có câu “Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy cho ngoan” là cần thiết (ý nói thuyền vẫn tiếp tục trôi, dòng đời vẫn tiếp diễn); ba câu trước được đưa vào, theo tôi, chỉ để cho đủ số câu, số chữ, cho đủ một khổ thơ của thể thơ bát ngôn trường thiên, không giúp ích gì nhiều cho bài thơ.

Về thế trận của Phương Xa tôi có viết trong bài bình thơ của mình:

“Phương Xa ở khổ đầu tiên có đến 11 chữ trùng lặp ý với khổ 2, ở khổ cuối thì 3 câu (24 chữ) được đưa vào chỉ để ‘đứng chơi’  chứ không có đóng góp gì đáng kể cho tứ thơ. Bởi vậy khi nhà văn Mai Tú Ân phán một câu xanh rờn: ‘Những câu thơ không gọt dũa, bình thường nhưng lại đắc địa đến từng chữ một’  thì tôi chỉ còn biết cúi đầu thán phục, bởi đó là một lời bình ‘quá ư liều mạng.’”

 Hơn nữa, về cấu trúc, Phương Xa là thể thơ trường thìên, mỗi đoạn chỉ là một vũng thơ riêng biệt, không có dòng chảy liên tục của tứ thơ nên không có dòng cảm xúc. Chỉ liếc qua là có thể biết bài thơ như thế không thể có cảm xúc tầng 3, thứ cảm xúc cao cấp nhất để tạo hồn thơ. Lý do: Cảm xúc ở vũng nào nằm ở vũng đó nên không có sóng sau dồn sóng trước để tạo cao trào.

Tóm lại, Phương Xa có vần quá ngọt, thế trận yếu kém. Có lẽ không để ý đến hai điểm quan trọng này nên nhà văn Mai Tú Ân (Nguyễn Minh Tuấn) đã nâng nó lên thành bài thơ Tổ. Theo tôi, như thế là tán dương bài thơ quá lố.

 Ba Tiêu Chí Bình Thơ

 Ba tiêu chí (thước đo) để tẩm định giá trị một bài thơ là tứ thơ, kỹ thuật thơ và cảm xúc. Trong mỗi tiêu chí (lớn) ấy lại có nhiều tiêu chí nhỏ. Muốn bình thơ bài bản người bình thơ phải thủ sẵn trong túi mình trên dưới 20 thước đo lớn nhỏ và phải nhạy bén để biết bài thơ mình bình cần những cây thước nào.

Người đọc thơ cũng nên tìm hiểu về những tiêu chí (thước đo) này để nâng tầm thưởng thức thơ. Sờ túi mình nếu không thấy cây thước nào hoặc chỉ thấy một hai cây thước ngắn ngủn thì cũng đừng buồn. Cứ tiếp tục tìm hiểu, học hỏi. Không ai có thể một ngày một buổi là có thể hiểu thơ, thưởng thức thơ một cách sành điệu được.

Kết Luận

Những bình luận như anh Trần Nông Dân thỉnh thoảng tôi cũng gặp trên FB. Với tôi, điều ấy lại càng hay. Tôi hiểu độc giả của mình đang cần gì để chọn đề tài viết cho thích hợp. Những bài viết của tôi sẽ không chỉ có mục đích tự thân mà còn có một phần lớn cho tha nhân. Nếu may mắn được “tỏa sáng” thì tất cả đều “tỏa sáng”.

Phạm Đức Nhì

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search