T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trịnh Bình An: Cha thật, cha giả, cha khó thương…

     

Cái Bóng – Tranh: Thanh Châu               

Đàn ông tay mềm dễ làm khổ người ta…

Con chưa đủ trưởng thành đễ ngẫm sai hay đúng

Nhưng con biết có đôi bàn tay dường như quá cứng

Bởi nhặt hết nhọc nhằn cho mềm mại bước con qua.

(Vô danh)

 

Thế nhưng, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn có được người cha để nhặt hết nhọc nhằn trên đường nó đi. Có rất nhiều trẻ em như Megumi, không có cha, cô bé buồn tủi đến mức người mẹ đã phải đi thuê người giả làm cha của em. Mẹ nói với em rằng cha muốn trở lại với hai mẹ con tuy sẽ không ở chung một nhà. Từ đó, Megumi thường được gặp cha. Và em tin người đàn ông ấy là cha em. (Lược thuậttừ bài viết “Câu Chuyện Nhật Bản – Tôi Thuê Người Giả Làm Bố Con Gái Tôi” trên trang báo BBC Việt Ngữ.)

Khi Megumi lên 10 tuổi, bà Asako nhận thấy con gái bà không còn vui tươi hồn nhiên như trước nữa. Các bạn cùng lớp thường tẩy chay Megumi chỉ vì em không có bố. Rồi cô bé nhất định không chịu đến trường. Bà Asako tâm sự: “Tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là Megumicần có một một người cha. Như thế, có lẽ con bé sẽ cảm thấy vui vẻ hơn

Bà từng nghe nói về các dịch vụ cho thuê người để đóng vai khách tham dự đám cưới, hoặc thậm chí để hẹn hò tại Nhật Bản. Cuối cùng, bà liên lạc với một công ty để hỏi xem có dịch vụ “làm cha” hay không. Sau khi phỏng vấn năm người đàn ông, bà quyết định chọn ông Takashi.”Tôi cảm thấy ông ấy dễ mến nhất.” bà Asako cho biết. “Ông ấy tỏ ra tử tế và dịu dàng“.

Ông Takashi điều hành một dịch vụ cho thuê người với khoảng 20 nhân viên cả nam và nữ ở các độ tuổi khác nhau. Họ có thể nhập vai cho hầu hết mọi tình huống, mọi vai trò dưới cái tên giả. Tuy phải thường xuyên nói dối khi nhập vai diễn, nhưng họ rất cẩn trọng để không vi phạm pháp luật. Chính Takashi cũng từng đóng vai bạn trai, người bạn, người cha, thậm chí từng là chú rể tại… năm cái đám cưới!

Bà Asako kể tiếp: “Yêu cầu của tôi rất đơn giản. Đầu tiên, tôi muốn ông ấy nói với Megumi là ông hối hận vì đã bỏ đi. Sau đó, ông ấy sẽ lắng nghe bất cứ điều gì con bé muốn nói.”Kể từ đó, ông bố giả mạo bắt đầu gặp Megumi vài lần một tháng – Cả ba người cùng nhau đi chơi ngoài trời, đi xem chiếu phim hay dự tiệc sinh nhật. Sau một thời gian, Megumi trở nên vui vẻ, cởi mở thấy rõ!

Bà Asako cũng hiểu rằng một số người có thể không đồng ý với phương cách này. Thế nhưng, với tình yêu tha thiết, người mẹ ấy chỉ muốn một điều duy nhất là cứu lấy đứa con bé bỏng của mình ra khỏi nỗi u uất vì thiếu vắng người cha.

Khi còn sinh tiền, Tổng Thống Abraham Lincoln đã từng viết một lá thư đặc biệt cho tới nay vẫn còn được truyền tụng: “A Letter from Abraham Lincoln to His Son’s Teacher” Dưới đây là một số đoạn được lược dịch từ “Bức Thư Gửi Thầy Giáo“:

Thưa thầy – Con trai tôi bắt đầu đến trường hôm nay. Cháu sẽ cảm thấy lạ lẫm và khó khăn trong một thời gian. Vì thế, tôi mong Thầy hãy nương nhẹ cho cháu. Đó sẽ là một cuộc hành trình đưa cháu đi qua những miền đất mới. Hành trình ấy có thể có chiến tranh, có khổ nạn và có đau thương. Để sống đời sống nàyc háu sẽ cần có niềm tin, tình yêu và lòng can đảm.

 Vậy nên thưa Thầy – Xin thầy hãy nắmtay và dẫn dắt đứa học trò của thầy – nếu có thể, một cách từ tốn – để chỉ bảo những điều cháu cần biết. Rằng,với mỗi kẻ đối nghịch ta gặp phải thì ta cũng sẽ gặp được một người bạn. Rằng, không phải người nào cũng đều ngay thẳng hay chính trực. Thế nhưng, cứ mỗi một kẻ vô lại thì cũng sẽ có một người anh hùng; cứ mỗi chính trị gia lươn lẹo, thì cũng sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm.

 Xin hãy chỉ bảo cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã. Xin hãy nói cho cháu biết không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt.Xin dạy cháu hiểu rằng trong thất bại vẫn có vinh quanh, và, trong thành công vẫn có thất vọng.

 Xin cố gắng truyền cho cháu sức mạnh để không hùa theo đám đông dù đám đông ấy mạnh đến nhường nào. Xin hãy dạy cháu biết lắng nghe tất cả, để rồi biết chọn lấy điều đúng sau khi đã sàng lọc bằng sự thật.

 Xin thầy dạy cho cháu biết cách bán tài năng và trí tuệ với giá cao nhất, nhưng nhất định không bao giờ ra giá cho lương tâm và linh hồn.

 Xin hãy giúp cháu đủ dũng khí khi phải lên tiếng, nhưng cũng đủ can đảm khi phải chịu đựng. Xin thầy hãy dạy cháu biết tin tưởng vào chính bản thân, bởi vì như thế cháu mới có niềm tin kiên định vào nhân loại và vào Thượng Đế.

 Trong nền văn học Việt Nam cũng có những áng văn tuyệt diệu về cách giáo dục con cái của người cha. Một trong những tác phẩm ấy chính là “Gia Huấn Ca” – mà người đời thường truyền tụng tác giả là vị khai quốc công thần Nguyễn Trãi. Những lời dạy trong “Gia Huấn Ca” tới ngày nay vẫn còn giá trị thực tiễn.

Nhân thong thả lựa vần quốc ngữ,

Làm bài ca dạy vợ nhủ con:

Lời ăn nết ở cho khôn,

Chớ nên đa quá, đa ngôn chút nào!

Người xưa thường bảo “Đa ngôn – Đa quá” tức là nói nhiều thì lỗi nhiều. Người cha trong “Gia Huấn Ca” để tâm tới cả bề trong lẫn bề ngoài của người con gái. Về vẻ bên ngoài thì không chải chuốt cầu kỳ khi giàu có; cũng không nỉ non khóc lóc, hay, cau có khó khăn lúc nghèo hèn. Đó chính là chữ Dung và chữ Ngôn trong Tứ Đức “Công Dung Ngôn Hạnh“.

Ăn mặc chớ mỹ miều chải chuốt,

Hình dung đừng ve vuốt ngắm trông,

Một vừa hai phải thì xong.

Giọt dài, giọt ngắn cũng không ra gì.

 Nói đừng chau mặt, chau mày,

Nghe ra ngậm đắng nuốt cay hay nào.

Khó khăn chớ vật nài oán hối,

Hết bĩ rồi tới buổi thái lai

Cầm cân, tạo hóa đổi dời,

Giàu ba họ, khó ba đời mấy ai.

Nếu vẻ mặt tươi vui đi đôi với lời nói dịu dàng, thì tính tình siêng năng cũng cần đi đôi với tấm lòng hiền hậu, đó là chữ Công và chữ Hạnh. “Gia Huấn Ca” dạy tiếp như sau:

Đừng học cách tham lời đặt lãi,

Lợi kẻ cho thì hại kẻ vay,

Dễ dàng nợ phải lay nhay,

Đến đầu đũa quá, e cay đắng nhiều.

Từ chốn ở, nơi ngồi thay thảy,

Rác ngập đường nhìn vậy chan chan,

Ai vào rác ngập ướt chân,

Bát mâm tơi tả chiếu chăn đầy giường.

Tuy khó rách, giữ gìn thơm sạch,

Có hay gì chiếu lệch bụi nhơ,

Đồ ăn thức nấu cho vừa,

Thường thường giữ lấy muối dưa ngon lành.

Bàn tay của Cha tuy không dịu dàng mềm mại như bàn tay của Mẹ, đó là bàn tay chai cứng, nhưng bàn tay ấy nhặt đi những sỏi sạn của cuộc đời cho con, không những thế, còn dạy cho con biết nhìn ra những chướng ngại trên đường đời.

Và, cuộc đời thật đúng như lời của Tổng Thống Lincoln đã nhận xét, con người không phải ai ai cũng ngay thẳng chính trực, cũng thế, không phải người cha nào cũng tinh tế hiểu biết. Và đây là trường hợp người cha không dễ thương. Dưới đây là một trích đoạn một bài viết trên trang Vietcetera. Bài viết có tựa “Hai Thập Kỷ Cãi Nhau Với Bố Đã Dạy Tôi Điều Gì?

Bố tôi dễ mất bình tĩnh, hay lớn giọng và muốn áp đặt quan điểm lên người khác ngay lập tức. Cả tuổi thơ tôi khiếp sợ khuynh hướng bạo lực của ông. Đến khi lớn hơn, tôi nhận ra lý do làmông trở nên như vậy có lẽ vì ông phải chịu ảnh hưởng về tư tưởng nam quyền và áp lực của cả đời lam lũ tại những công trường xây dựng. Ông không hoàn toàn có lỗi. Sau khi nhận ra những điều này, tôi bình tâm hơn khi giao tiếp với ông.

Những trận cãi vã của tôi và bố không hẳn là cuộc chiến giữa thế hệ cũ và thế hệ mới. Đây là cuộc chiến giữa một xã hội và những thay đổi chóng mặt ngoài tầm kiểm soát của chính những người trong đó. Làm thế nào để gia đình hòa thuận khi tư tưởng, lối sống ngày càng chia rẽ? Làm thế nào để đón chào cái mới mà không phán xét, kết tội cái cũ?

Lúc nhỏ, có một lần tôi cãi nhau với bố rồi đi học với cặp mắt sưng húp. Sau khi lắng nghe câu chuyện, cô giáo khuyên tôi “nên chủ động tâm sự với bố nhiều hơn để bố hiểu con.”Tôi chưa thấy lời khuyên nào phản tác dụng một cách ‘nhiệm màu’ như vậy. Càng “tâm sự” với bố chúng tôi càng cãi nhau nhiều hơn. Bao nhiêu lần tôi bắt chuyện với bố thì bấy nhiêu lần bố con lại tranh cãi với nhau.

Thế nhưng có khi đó là lỗi tại tôi. Ví dụ khi hỏi bố tại sao ông cho rằng ăn thịt chó là đúng, thật ra tôi chỉ muốn tìm cách để phản đối hành vi mà tôi cho là thiếu văn minh ấy, chứ tôi không muốn tìm hiểu lý do nào đã khiến bố tôi có thói quen ăn thịt chó. Cuộc cãi vã thường bắt đầu bằng một câu hỏi của tôi, để rối kết thúc bằng lời quát tháo của bố, và cuối cùng cả hai đều thấy bực bội thay vì thông hiểu nhau hơn.

Nhưng thật khó để một gã con trai 18 tuổi tạm hạ những lý tưởng sống của hắn xuống và thực sự thấu cảm cho cha mẹ. Có lẽ một phần cũng vì tôi không dám nhìn vào những gì trong quá khứ đã khiến bố mẹ khổ sở — chiến tranh, đói nghèo, và một xã hội khan hiếm thực phẩm tới mức con chó trong nhà chết đi mà không mổ thịt thì thật là một điều phí phạm.

 Nếu được trở lại quá khứ, tôi sẽ chỉ ngồi nghe câu chuyện đằng sau món thịt chó của bố, chấp nhận rằng mình không thể thay đổi ông, và tránh hẳn cuộc tranh luận. Tôi cũng không trách tôi năm 18 tuổi. Tôi không thể đòi hỏi con người non nớt của mình phải hiểu biết và cao thượng.

Xã hội Việt Nam ngày nay là một xã hội chia rẽ sâu sắc, do đó, các quan hệ giữa người và người cũng trở nên rất gai góc dù đó là tình cha con. Chính vì thế, Việt Nam cần thay đổi tận gốc là xóa bỏ chế độ cộng sản để người dân có thể xây dựng mọi mối quan hệ được lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn.

Và, những người cha Việt Nam của ngày hôm nay nên suy ngẫm lời nhắn nhủ của Tổng Thống Lincoln, đó là nếu họ từngcan đảm chịu đựng cường quyền để gia đình có cuộc sống ổn định, thì đã đến lúc họ phải dũng cảm lên tiếng để con cháu có được tương lai tươi sáng.

 

TBA 6.2019

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search