T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trịnh Bình An: Đoàn Kết trong (truyện) Tam Quốc

Tráng Sĩ – Tranh: Thanh Châu

 

Lời ngỏ: Khi được hỏi “Đoàn Kết là gì?” thì hầu như ai cũng biết Đoàn Kết 團結 là sự hợp lại với nhau của một nhóm người nhằm đạt được một mục tiêu nào đó. Do vậy một nhóm bạn họp nhau để cùng đi chơi thì không được gọi là đoàn kết, chỉ khi nào họ hợp với nhau để cùng làm một việc khá khó khăn thì mới là đoàn kết.

Trong tác phẩm”Tam Quốc Diễn Nghĩa“, so với hai nước Ngụy và Ngô, Thục là nước nhỏ nhất và yếu nhất. Tới khi Tào Tháo và Tôn Quyền vững vàng với đất rộng sông dài thì Lưu Bị cùng nhóm người của ông vẫn còn lang thang không chốn dung thân. Thế nhưng cuối cùng, nhóm người nhỏ bé ấy vẫn hùng cứ một phương, cũng làm nên kỳ tích. Nhờ đâu họ được như thế? Tiểu luận này xét đến khía cạnh đoàn kết của nhóm Lưu Bị, ở đó có những cá nhân chấp nhận dẹp bỏ “cái tôi” để thực hiện mục đích chung. (TBA)

***

Lưu Bị cảm thấy đầu nhức như búa bổ…

Dạo này ông thấy tinh thần sa sút. Kể từ ngày khởi quân, chưa lúc nào ông thấy bất an đến thế. Tình hình thật nguy nan, Tân Dã chỉ là một vùng hẻo lánh nghèo nàn, không thể là nơi trú ẩn lâu dài. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều làm Lưu Bị lo lắng. Cái làm ông lo nhất là tình hình quân cơ, tình hình nhân sự trong nhóm người của ông.

Kể từ khi Lưu Quan Trương kết nghĩa vườn đào, lúc này là lúc có nguy cơ rạn vỡ nhất. Dĩ nhiên trong bọn họ vẫn có xảy ra những lúc không đồng ý với nhau, thậm chí cãi vã to tiếng. Trương Phi tánh nóng như lửa, đụng chút là thượng cẳng chân hạ cẳngtay, lại là cái hũ rượu, rượu vào thì thành ẩu xị. Còn Quan Vũ tuy nghĩa khí hơn người, nhưng quá cứng nhắc, cái chiếu trải không ngay không ngồi, chuyện gì không đồng ý thì phải thuyết phục mướt mồ hôi mới nghe thủng.

May là còn có Triệu Vân!

Nghĩ tới Triệu Vân, Lưu Bị bỗng dưng cảm thấy khoan khoái! Quả là một trang hảo hán trí dũng song toàn. Lưu Bị không bao giờ hết kinh ngạc là ông có được một chiến hữu tài giỏi như Triệu Tử Long.

Nhớ lúc đi phó hội bị Thái Mạo tìm cách ám toán. May nhờ Y Tịch vốn ái mộ nên ngầm báo cho biết, Lưu Bị mượn cớ đi thay áo rồi ra ngoài cỡi ngựa bỏ chạy. Đến bờ sông Đàn Khê không có cầu, cũng không có thuyền, tưởngđã bỏ mạng, ngờ đâu con Đích Lô nghe ông than bỗng soải vó phóng một cái qua bờ sông bên kia. Thật hú vía!

Triệu Vân cùng đi với Lưu Bị nhưng bị mời qua tiệc khác. Khi quay trở lại không thấy chủ tướng, lo lắng, hỏi thăm. Thấy người ta trả lời loanh quanh, Triệu Vân không nói gì, lẳng lặng đi vòng quanh dò xét. Đến bờ sông, Triệu Vân thấy nhiều dấu chân ngựa. Có dấu chân còn in lõm sâu vào bờ đất ẩm, sâu đến mức làm đất chung quanh lở cả ra. Triệu Vân ngẫm nghĩ một hồi rồi ra về. Quả thật, Lưu Bị đã về trước.

Nếu như hôm đó không phải Triệu Vân mà là Trương hay Quan thì thôi rồi! Chỉ mới nghe qua loa vài câu hai người sẽ vác thanh long đao, xà mâu kích ra phang loạn xạ. Triệu Vân thì khác, kiên nhẫn lại biết quan sát, suy nghĩ, không làm ẩu.

Cái tình huynh đệ kết nghĩa thật sâu đậm, Lưu Bị nghĩ lại không khỏi cảm thám. Quan Trương hai người đã hy sinh biết bao nhiêu cho ông và cho lý tưởng của ông. Thế nhưng chính cái tình anh em lại làm ông khó xử. Có những lúc cứ anh anh em em bá vai bá cổ rồi chẳng ra gì! Không lẽ những lúc đó Lưu Bị lại thành người mặt sắt đen sì quân pháp bất vị thân với hai nghĩa đệ của ông sao? Thật nan giải!

Và nếu không thay đổi thì đám quân của ông rồi cũng chỉ là một đám người ô hợp. Không kỷ luật thì làm sao đối đầu với Tào Tháo, quân lệnh như núi, nghiêm minh đến điều.

Nghĩ đến Tào Tháo, Lưu Bị không khỏi thở dài. Quả là một người tài ba thao lược lại dũng khí hơn người. Cứ nhớ vụ Tào Tháo dám lận dao, một mình đi hành thích lão bụng phệ Đổng Trác mới biết Tháo có gan lớn. Tháo lại còn trí tuệ vàthao lược. Giá như Tháo cùng với ông thành một phe thì hay biết bao.

Bỗng một suy nghĩ chợt loé lên như tia chớp. Đúng rồi, Lưu Bị cần tìm được một người giống như Tào Tháo, một người cũng trí tuệ, cũng mưu lược và cứng rắn. Một người có thể làm “bàn tay sắt” để cho Lưu Bị là “bàn tay nhung.” Chỉ có như thế mới chấn chỉnh được đám quân lè nhè thày ba chú bảy của ông.

Thế nhưng, làm sao tìm cho ra? Kiếm được người đó khó như hái sao trên trời. Làm sao có người vừa như Tào Tháo về tài mà lại giống Lưu Bị về tính: vừa nhân nghĩa vừa uyên bác thao lược. Khó lắm thay!

Và như thế Lưu Huyền Đức vẫn tiếp tục nhức đầu. Chỉ cho đến khi….

clip_image002

****

Khổng Minh nôn nóng thúc dục tả hữu đi nhanh. Trên đường về kinh ông được tin Bàng Thống đã đến Kinh Châu, ra mắt Lưu Bị, rồi chỉ được giao cho một chức huyện quan. Kỳ lạ thật!

Thống với ông vốn là bạn thân. So về tài, Thống không thua kém ông. Mà chẳng lẽ Lưu Bị không nghe tiếng đồn trong dân gian hay sao? “Ngọa Long – Phụng Sồ” – Gia Cát Lượng là rồng thì Bàng Thống là phụng,có kém chi? Vậy sao Lưu Bị lại làm chuyện như thế? Lại còn nghe Lưu Bị nói với tả hữu rằng Thống trông xấu xí quá, không có vẻ gì là “hiền nhân”.

Khổng Minh tự nghĩ mình đã rất cẩn thận. Dù biết Lưu Bị vốn nổi tiếng cầu hiền đãi sĩ nhưng Khổng Minh vẫn đưa cho bạn một lá thơ giới thiệu, lại dặn dò khi cần nhớ đưa ra. Thế mà mọi sự vẫn hỏng bét!

Bàng Thống ở Lôi Dương chẳng thèm làm việc, tối ngày say sưa. Lưu Bị nghe vậy liền phái ngay Trương Phi tới “hỏi thăm sức khỏe”. Trương Phi đến nơi lập tức nổi trận lôi đình. Ngờ đâu sau đó Bàng Thống trổ tài, trong một ngày giải quyết hết mọi việc tồn đọng. Trương Phi hoảng hồn, lập tức báo tin về. Lưu Bị vội vã mời Bàng Thống trở lại tư dinh. Không biết Lưu Bị rồi sẽ tính sao với Thống? Nếu giao cho Thống chức vị không xứng nữa e Thống bực tức, bỏ đi. Thế là lại càng hỏng bét!

Càng nghĩ Gia Cát càng nôn nóng, càng thúc hối mọi người đi mau mau…

***

Gia Cát Lượng về tới. Vừa xuống xe ông đến ngay dinh Lưu Bị.

Thấy Gia Cát, Lưu Bị vui mừng:

– Lượng đó à?

– Thưa vâng!

Sau khi vẫy tay cho tả hữu ra ngoài, Lưu Bị đưa tay đỡ Gia Cát đứng lên.

– Ngươi vừa về tới đã vội vào đây, chắc vì chuyện Bàng Thống?

– Thưa phải.

– Cũng đã nghe chuyện Thống và Trương đầu đà?

(Lưu Bị vẫn gọi Trương Phi như thế với những người thân cận)

– Thưa vâng.

– Người nghĩ sao về chuyện đó?

– Lượng nghĩ chủ công tất có ý.

Lưu Bị liếc nhìn Gia Cát và mỉm cười:

– Hắn ta thật xấu trai so với ngươi…

Gia Cát cũng mỉm cười:

– Thần không dám nghĩ mình đẹp trai.

Lưu Bị nói nhanh:

– Xấu trai không thành vấn đề. Vấn đề là người trẻ mà “máu” quá. Không tốt!

– Chủ công thấy Bàng Thống có tính nóng nảy?

Lưu Bị lắc đầu:

– Nóng nảy thì nói làm gì, đây là tính tự phụ háo thắng. Nắm trong tay sinh mạng ngàn người đâu thể vì cái muốn của riêng mình để định việc.

Sau một thoáng im lặng Gia Cát nói:

– Tôi trước đây cũng háo thắng, tự ví mình là con rồng nằm ẩn, lại chẳng muốn giao du với loại người tầm thường, chỉ bầu bạn với đám Từ Nguyên Trực, Bàng Sĩ Nguyên… (1)

Lưu Bị nhìn người đàn ông trẻ:

– Cái lúc đó ta cần sự ngạo mạn của ngươi để dằn mặt đám người của ta. Họ ở lâu thành lão làng, ngông ngông nghênh nghênh, chính ta cũng không cách gì cải sửa được họ. Nên khi có được ngươi, vừa trẻ, vừa tự tin, khiến cho trên dưới xanh mặt. Cũng may ngươi có tài thật nên được mọi người kính nể.

Gia Cát thở nhẹ ra:

– Lượng này may mắn được chủ công dạy bảo mới được như ngày nay.

Khổng Minh nói thật với lòng. Nhớ những ngày đầu binh tướng của Lưu Bị khi thấy Gia Cát được đặc biệt ưu đãi đã không ngớt xầm xì. Quả thực Gia Cát chỉ là một gã thư sinh cày ruộng, suốt ngày chỉ biết đọc sách, lại chưa từng xông pha trận mạc. Một người như thế lại được đưa ngay lên làm quân sư, bảo sao thiên hạ không phục. Thế nhưng, sau những thành công liên tiếp của Tây Thục, nhất là sau khi cùng Ngô Quyền đại thắng Tào Tháo ở Xích Bích và chiếm được Kinh Châu thì ai ai cũng ca ngợi Ngọa Long tài trí hơn người.

Chỉ riêng Gia Cát hiểu được nhờ đâu ông có được những thành công ấy. Lưu Bị tuy là chủ tướng, lại lớn tuổi hơn Gia Cát nhưng không bao giờ tỏ vẻ ta đây, vẫn luôn lắng nghe và bàn bạc tỉ mỉ chuyện quân cơ với ông. Tuy nhiên, Lưu Bị thẳng thắn chỉnh sửa Gia Cát những điều ông còn non kém, như những thực tế của chiến trường, của đời sống. Không những thế, Lưu Bị còn bỏ thì giờ ra nói chuyện về những chiến hữu của mình, từng người một, nhờ thế Gia Cát hiểu được tính tình, khả năng, sở đoản, sở trường của họ,từ đó có thể tùy người tùy việc mà hành xử một cách hợp tình, hợp lý. Mọi người cứ nghĩ Khổng Minh cái gì cũng giỏi, họ đâu biết rằng nếu không có Lưu Bị chỉ vẽ cho thì ông chỉ là một gã hủ nho mọt sách mà thôi.

Gia Cát học được một điều quan trọng: Phải thực sự quan tâm tới những người đang làm việc chung với mình và phải biết học hỏi những người ấy. Ông đã thực hiện được đúng như thế. Khi mọi người thấy Gia Cát tuy có tài nhưng không phách lối, nên từ xa cách đố kị, họ dần cảm mến người quân sư trẻ tuổi.

– Vậy ra Bàng Thống đã bị “huấn nhục”?

Gia Cát hỏi.

– Hắn ta cứ huyên huyên hoang hoang thì mau chết. Đưa hắn vào chức quan hèn ít lâu cho hắn bớt kiêu ngạo đi.

Gia Cát mỉm cười:

– Từ nay thiên hạ sẽ bảo chủ công không có “con mắt xanh.” (2)

Lưu Bị lắc đầu:

– Thiên hạ thường vẫn như thế. Ai có tâm thì thức, ai có trí thì tuệ. Hơi đâu lo!

Ngưng một lúc khá lâu, Lưu Bị bỗng cất tiếng:

– Ta sẽ phong cho Bàng Thống làm Tả Quân Sư, còn ngươi là Hữu Quân Sư.

Gia Cát không trả lời.

Lưu Bị nhìn xoáy vào mắt Khổng Minh:

– Ngươi không bực chứ?

– Thần nghĩ chủ công đã có ý.

Lưu Bị trầm ngâm:

– So về “tầm” hắn ngang ngươi, so về “tâm” hắn thua ngươi. Thế nhưng thiên hạ vẫn có câu ca ngợi “Ngọa Long Khổng Minh – Phụng Sồ Bàng Thống”, nếu bây giờ ta để cho hắn dưới ngươi thì đúng là làm hắn mất mặt, thế thì hắn còn làm tướng chỉ huy được với ai.

– Thần chưa bao giờ nghĩ Bàng Thống không đáng mặt quân sư.

Lưu Bị than:

– Gia Cát Lượng ơi Gia Cát Lượng, ngày trước ngươi vin vào câu thơ của Tào Thực vịnh Đồng Tước Đài nên mới khích tướng được vua quan Đông Ngô, thành ra ngươi được nổi danh. Nay cũng vì lời đồng dao mà ngươi đành chịu thiệt thòi. (3)

clip_image003

Gia Cát lặng thinh một hồi. Rồi đáp:

– Chủ công đừng quá bận tâm. Lượng tôi tuy vẫn chưa học được sự an trầm của chủ công nhưng cũng cố gắng ráng giữ bình tĩnh trong mọi sự.

Lưu Bị không dấu được vẻ vui mừng, ông đưa tay khẽ vỗ vai người bạn trẻ tuổi:

– Tốt. Thật ta chẳng nhìn lầm người!

Rồi Lưu Bị nói tiếp:

– Có người vừa đem tới một con ba ba rất lớn, trên lưng nó có nhiều đường vân kỳ lạ. Nghe nói ngươi giỏi về bói Dịch, ra xem thử coi.

Hai người cùng bước ra sân, bỏ lại phía sau ngổn ngang thế sự…

***

Chú thích:

(1) Từ Nguyên Trực tức Từ Thứ , Bàng Sĩ Nguyên tức Bàng Thống, các bạn của Khổng Minh trước khi ông ra phò tá Lưu Bị.

(2) Điển tích “mắt xanh”: Tương truyền Nguyễn Tịch, đời nhà Tấn, khi tiếp khách hễ là hạng quân tử thì ông nhìn bằng tròng mắt xanh; trái lại nếu khách là kẻ tầm thường thì ông nhìn bằng đôi tròng trắng. Trong tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh” lúc Từ Hải gặp Thúy Kiều ở thanh lâu, Từ Hải đối đáp với Kiều, đã nóivới nàng:”Bấy lâu nghe tiếng má đào -Mắt xanh chẳng để ai vào có không? – Một đời được mấy anh hùng– Bõchi cá chậu chim lồng mà chơi!“, ý nói chưa người đàn ông nào xứng đáng với nàng, chỉ toàn là loại tầm thường (như cá trong chậu, chim trong lồng).

(3) Tào Tháo có xây một cái đài tráng lệ, đặt tên Đồng Tước, rồi tuyển gái đẹp khắp nơivào đó. Con là Tào Thực làm bài phú “Đồng Tước Đài“, trong có hai câu: “Liên nhị kiều vu đông tây hề – Nhược trường không chi đế đống“, nghĩa là “Bắc hai cầu tây đông nối lại- Như cầu vồng sáng chói không gian“. Nhưng tại Đông Ngô, lại có hai cô gái tuyệt đẹp tên Đại Kiều và Tiểu Kiều là vợ của Tôn Sách và Chu Du. Đến khi Khổng Minh qua Ngô bàn việc hợp tác đánh Ngụy, ông sửa hai câu thơ này thành: “Lãm nhị Kiều ư đông nam hề – Lạc triêu tịch chi dữ cộng“, nghĩa là “Tìm hai Kiều nam phương về sống – Vui cùng nhau giấc mộng hồi xuân“. Đổi chữ “kiều” thành “Kiều”, Khổng Minh chủ ý chọc tức Chu Du (Nhưng Chu Du có thực sự bị mắc lừa? Hoặc có thể, Chu Du cũng vin vào cớ ấy vì biết như thế mới thuyết phục phe “chủ hòa” của Đông Ngô lâm chiến, và như thế mới có dịp thi thố tài năng?)

Trịnh Bình An

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search