T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Xếp lại quá khứ

Tiếng chuông điện thoại lại reo, tôi nhìn vào Caller ID rồi tiếp tục xem TV. Nhìn vào máy, Dung quay sang tôi nhíu mày

-Thằng Danny gọi, sao bà không trả lời. Giận nó à?

Tôi im lặng. Đúng! tôi đang giận nó. Dù không biết giận như thế là đúng hay sai, nhưng trong lòng tôi đầy ứ những bực bội nên không muốn nhắc đến tên thằng con này. Đã qua ba ngày Tết… có lẽ nó cố tình kình chống tôi nên không thèm gọi chúc tết như mọi năm hoặc hỏi thăm sức khỏe tôi một lời thì bây giờ gọi làm gì? Tôi cũng không muốn nói chuyện với Dung, người bạn thân mấy mươi năm, đang kết tội tôi bảo thủ, lấy quá khứ của mình buộc vào hiện tại của thằng con làm cho bọn trẻ phải điêu đứng.

Cái vết đau quá khứ mà tôi cố gắng lãng quên bổng hiện về khi thằng Danny đưa tôi đến nhà hàng để ăn một bữa cơm thân mật với gia đình Khánh My -người yêu của nó- như một cách chính thức bước vào nghi lễ đầu tiên của việc cưới hỏi mà hai đứa nó dự định sẽ thực hiện vào giữa năm. Khi ba của Khánh My đẩy nhẹ chiếc ghế, đứng lên để chào tôi thì nụ cười xã giao tắt lịm trên môi của cả hai -tôi và ông suôi tương lai- Thay vào đó là hai khuôn mặt nhợt nhạt, bối rối, ngỡ ngàng. Tôi cố uống cạn ly trà rồi xin phép ra về trước khi thức ăn được dọn lên bàn. Danny và Khánh My nhìn tôi lo lắng hỏi

-Mẹ sao vậy?

-Tay bác lạnh ngắt hà. Bác có sao không?

Tôi gượng gạo

-Không sao, mẹ hơi khó chịu nên muốn về.

Người đàn ông ngồi yên. Tôi quay lại nhìn ông một lần nữa trước khi bước đi không một tiếng giã từ.

***

Tháng 6 năm 1979, tôi và Nhật náo nức mua sắm mọi thứ để chuẩn bị cho ngày lễ thành hôn được ấn định vào đầu tháng 12 sắp tới. Đối với ba má và anh chị, việc tôi lập gia đình ở tuổi hai mươi mốt được coi là sớm. Nhưng Nhật bảo, anh không thể chờ lâu hơn được vì người ta thường nói cưới vợ phải cưới liền tay; lại nữa, nhìn mấy anh “cán bộ” đồng nghiệp của em cứ xum xuê lấy điểm với em anh hồi hộp lắm. Với tôi, đây là lời cầu hôn chân thành và lãng mạng nhất thế giới. Vì thế, tôi không ngần ngại gật đầu ưng thuận trong niềm hạnh phúc ngập tràn.

Thời điểm đó cả hai gia đình đều nghèo nên chúng tôi quyết định tổ chức đám cưới thật đơn giản. Áo cô dâu chỉ là chiếc áo tơ nội hóa màu hồng xác pháo và không có vương miện chiếu lấp lánh với dải khăn voan trắng tinh trên đầu. Nữ trang cũng chẳng có gì ngoài đôi bông tai cẩm thạch đơn sơ và chiếc nhẫn vàng trơn mỏng dính, nhưng niềm sung sướng vẫn tỏa sáng trên mắt môi của “đôi tình nhân nghèo”. Một điều an ủi là ba má tôi không hề câu nệ trong việc sính lễ, nên con đường dẫn đến hạnh phúc của chúng tôi thật êm ả.

Lúc đó Nhật đang làm việc ở phòng hành chánh của một trường đại học tại Saigon, còn tôi là công nhân hãng dệt. Ba tháng trước ngày đám cưới, Nhật phải tham gia công tác trồng trọt theo kế hoạch canh tác tự túc của cơ quan (đang trong thời gian thí nghiệm) tại tỉnh Đồng Nai. Nhật cho biết, chuyến công tác kéo dài một tháng với khoảng mười ba nhân viên, tám nam, năm nữ. Một tháng xa nhau đối với những người đang yêu quả là khoảng thời gian dài dịu vợi, nhưng nghĩ đến khi Nhật trở về thì ngày cưới cũng đã gần kề -nghĩa là chẳng bao lâu chúng tôi sẽ sống bên nhau suốt một đời dài- nên tôi không cảm thấy buồn và lo lắng nhiều.

Ở nhà, đêm từng đêm tôi tỉ mỉ kết từng hạt cườm lấp lánh lên áo cưới. Không có vương miện nên tôi cùng Dung suy nghĩ, bàn tính rồi vẽ kiểu để làm một nhánh hoa dài khoảng một gang tay áp sát vào mí tóc phía tai phải. Sửa tới sửa lui, thử qua thử lại, cuối cùng trong tấm gương gắn trên cửa tủ tôi nhìn thấy hình ảnh một cô dâu bé bỏng trong chiếc áo dài màu hồng tha thướt, nổi bật với những giải cườm màu trắng tinh khôi và mái tóc buông dài e ấp một nhánh hoa trắng đơn sơ nhưng thật duyên dáng. Chưa hết, vì không muốn phải tốn nhiều tiền nên tôi và Dung đã bỏ biết bao thì giờ để xếp giấy màu cắt thành những tờ hoa văn dùng trang trí cho bàn ăn và còn bao nhiêu thứ tẳn mẵm khác….

Đến ngày Nhật trở về, tôi hồi hộp nôn nao để khoe với anh những sản phẩm đầy công phu của mình. Thể nào, Nhật cũng âu yếm vuốt tóc tôi rồi thì thầm vào tai tôi, anh biết em của anh sẽ là một người vợ hiền lành, đảm đang…. Ôi! hạnh phúc biết chừng nào.

Khi gặp Nhật, tôi tíu tít kể lể mọi chuyện bằng tất cả sự vui mừng thì anh lại có vẻ lặng lẽ, ngập ngừng với một chút bối rối. Tôi ngưng ngang câu chuyện để nhìn Nhật bằng đôi mắt tò mò. Nhật cúi đầu, đưa tay xoa xoa mái tóc, miệng cười gượng gạo, anh mệt quá cần nghỉ ngơi vài hôm. Lạ quá, trước mắt tôi không phải là Nhật của ngày nào, nồng nhiệt, tình tứ trong những nụ hôn bất ngờ. Sự bất ngờ thật lãng mạng mà tôi đã chờ đợi cả tháng nay được đền bù bằng thái độ chừng mực khó hiểu của Nhật. Tôi giận dỗi đứng lên, đẩy xe ra cửa. Nhật theo sau tôi lí nhí, xin lỗi em… Tôi muốn quay lại hỏi, anh xin lỗi chuyện gì, nhưng không muốn Nhật nhìn thấy những giọt nước mắt rưng rưng của mình, nên tôi bước lên xe thật nhanh.

Một tuần sau, Nhật vẫn không đến gặp tôi để cùng nhau đi làm thủ tục đăng ký kết hôn cũng như đưa thiệp mời cho người thân và bạn bè. Chuyện gì đã xảy ra? Nhất định phải có nguyên nhân! Tôi suy nghĩ mãi nhưng vì tự ái nên nhất quyết không hỏi Nhật một lời mà chỉ âm thầm nhờ Dung tìm hiểu. Nhưng rồi Dung cũng biến mất. Tôi tìm Dung hai lần đều được em trai của Dung trả lời, chị Dung về quê thăm Ngoại. Tôi trở về nhà với nỗi ấm ức suốt đêm không ngủ được. Hai ngày sau, tôi đến đón Dung ngay cửa trường Sư phạm. Không thể tránh được nữa Dung kéo tôi vào tiệm nước gần đó. Dung cũng nói xin lỗi như Nhật đã nói với tôi. Xin lỗi chuyện gì … sao Dung với anh Nhật nói chuyện giống nhau vậy? … Hai người bắt tay nhau để hành hạ tôi phải không? Tôi giận dữ gằn giọng với Dung. Đôi mắt thật buồn của Dung như vuốt ve khuôn mặt tôi đang xanh mét. Bàn tay lạnh lẽo của tôi ở giữa hai bàn tay mềm mại, ấm áp của Dung. Giọng nói Dung trầm xuống bất ngờ. Dung không đành nhìn thấy Chiêu đau khổ… Tôi nhìn Dung trong nỗi hoang mang… rồi nước mắt lăn xuống, nhỏ từng giọt trên ngực áo và nó cứ rơi, cứ rơi cho đến khi tôi đứng lên, đi ra khỏi tiệm như một cái xác không hồn, mặc cho tiếng Dung gọi hốt hoảng ở phía sau. Chiêu ơi! chờ Dung với …

Tôi trở về nhà như người mộng du. Con muốn hủy bỏ đám cưới. Ba má và các anh chị đồng loạt quay lại nhìn tôi sững sờ. Tại sao? tại sao? Đây là chuyện quan trọng chứ không phải chuyện đùa đâu nha! Tôi cười cười nói nói một cách ngây ngô. Em còn nhỏ mà, anh Hai nói em mới có hai mươi mốt tuổi, lấy chồng chi sớm vậy phải không? Ha ha bỏ đi… bỏ… đừng cưới hỏi gì nữa hết, em muốn ở với ba má cho tới già. Hu! hu!!!

Má và chị Ba quay lại nhìn Dung đang đứng phía sau lưng tôi … một chập… sau cái gật đầu cả hai cùng nói. Khuya rồi, vào ngủ đi, Chiêu mệt rồi đó. Tôi xô chị Ba, loạng choạng bước đi rồi ngã vật xuống giường chìm vào cơn mê. Cơn mê đầu tiên trong đời tôi đã cuốn trôi đi tất cả niềm vui, hạnh phúc của ngày hôm qua để ném tôi vào vực sâu thăm thẳm của nỗi đau, nỗi hận, của tuyệt vọng chán chường.

***

Dung im lặng nhìn tôi xếp chiếc áo cưới đặt vào đáy thùng. Ngày mai này là đám cưới của Nhật và người bạn đồng nghiệp đã kề cận bên Nhật trong suốt một tháng làm công tác trồng trọt. Hạt giống ái tình gặp vùng đất tốt đã trổ hoa nhanh chóng, nên mối tình ba năm của tôi đã phải chào thua mối tình một tháng của cô gái có cái tên rất kiêu sa -Trang Đài- trong sự bàng hoàng của những người thân thiết. Tội nghiệp Dung, cô bạn thân của tôi, người biết rõ mọi chuyện nhưng không nói cho tôi nghe hết những gì Dung đã biết vì sợ tôi không vượt qua nổi cái biến cố khủng khiếp này. Dung à! cái số anh Nhật sướng ghê há. Tưởng đâu phải làm chú rể nghèo… ai dè… bây giờ làm chàng phò mã quý phái trong một đám cưới hoành tráng nhất thành phố. Tôi cười ha hả. Tiếng cười khô khan như những nhát búa đập vào tượng đá vô hồn. Dung gạt tay tôi, dồn tất cả những vật đáng lẽ phải vất đi -để người trong cuộc khỏi phải đau lòng khi nhìn thấy, nhưng tôi vẫn nhất quyết phải giữ lại- vào thùng carton, đậy nắp lại, cột chặt bằng sợi dây thô nhám rồi đẩy mạnh xuống gầm giường, nói như ra lệnh. Nếu khóc được cứ khóc…. khóc cho thỏa thuê đi rồi quăng ra khỏi cái đầu khổ sở của Chiêu những điều không đáng nhớ. Hãy nhớ, cuộc đời này không phải chỉ có một anh Nhật. Biết đâu sẽ có một ngày Chiêu gặp một “anh Mỹ” ngon lành hơn “anh Nhật” nhiều. Lối chơi chữ hóm hỉnh của Dung khiến tôi phải bật cười.

Nhưng lời nói ấy đã chẳng phải là lời nói đùa mà như một lời tiên tri linh nghiệm.

Muốn tôi lãng quên sự vấp ngã đầu đời, ba đã xin một chỗ cho tôi được theo chú Vũ trong chuyến vượt biên vào năm 1981. Dung cũng có mặt trong chuyến đi đầy gian nguy này bằng hai cây vàng đóng cho chú Vũ. Nhờ ơn trên, chuyến đi được trót lọt. Một năm sau Dung được người anh Cả bảo lãnh sang Dallas, Texas. Còn tôi phải hơn hai năm mới đặt chân đến Seatle. Lúc đó, Dung vừa đi học, vừa làm part time ở tiệm 7-Eleven. Cuộc sống của Dung khá eo hẹp vì không muốn nhờ vả vào anh mình để phải chịu đựng những cái nhìn thiếu thiện cảm của người chị dâu không cùng ngôn ngữ. Chính bản thân mình cũng đã khó khăn nhưng Dung vẫn nhất quyết kéo tôi về sống chung với Dung. Trước khi tôi về Dallas, Dung đã xin được việc làm full time ở một nursing home. Là người nhanh nhẹn trong công việc lại khéo léo trong giao tiếp nên Dung chiếm được cảm tình của bà supervisor. Nhờ thế, khi tôi vừa đến vùng đất mới đã có được việc làm ngay.

Và chính tại nơi đây cuộc đời tôi đã bước sang một ngã rẽ. Cái ngã rẽ ấy sẽ đưa tôi đến miền hạnh phúc hay xuống vực sâu đầy đau khổ, làm sao tôi biết được, nhưng tôi vẫn mạnh chân bước vào vì tôi cần có một cái gì đó để che lấp khoảng quá khứ xót xa đêm đêm vẫn hiện về ám ảnh tôi trong từng giấc ngủ.

Theo lịch trình sinh hoạt của Nursing home thì hai lần trong tuần sẽ có một vài thiện nguyện viên đến trình diễn văn nghệ để giúp vui cho các người già. Den là một trong những người ấy. Lần đầu tiên thấy tôi, Den tròn mắt nhìn tôi một cách thích thú. Tôi ngạc nhiên đến mừng rỡ khi nghe anh hỏi tôi bằng tiếng Việt trôi chảy:

-Cô là người Việt Nam hả?

Tôi gật đầu với nụ cười thân mật:

-Ồ! anh nói tiếng Việt giỏi quá.

Thế là từ đó cứ mỗi lần đến Nursing home, Den lại đi tìm tôi trong giờ nghỉ giải lao. Den cho biết, anh từng sang Việt Nam chiến đấu và là người thích học hỏi nên anh đã cố gắng không ngừng để học tiếng Việt với những người lính cùng đơn vị. Nhờ đó mà tôi học tiếng Mỹ từ Den một cách dễ dàng. Những ngày tháng làm bạn với Den tôi đã dần quên được nỗi buồn. Dung thường trêu tôi, Hà hà! Dung nói không sai đâu, rồi “anh Mỹ” sẽ thay “anh Nhật”.

Vào ngày Valentine của năm 1985, với đóa hoa hồng tươi thắm và chiếc nhẫn xinh xắn, Den đã chính thức cầu hôn tôi. Tuy không yêu Den tha thiết, nồng nàn như ngày xưa đã yêu Nhật, nhưng tôi biết, với Den tôi có thể sống những ngày tháng vui vẻ và bình an, vì dù là người Mỹ nhưng tâm hồn Den lại đậm chất Á đông.

Một lễ cưới đơn sơ đã diễn ra trong khung cảnh ấm cúng và thân thiết để tôi và Den bắt đầu một cuộc sống mà tôi rất hy vọng sẽ được như lời chúc của bạn bè: cô dâu và chú rể mãi mãi yêu nhau trong hạnh phúc bền vững.

Một năm sau Danny ra đời. Sự có mặt của thằng con trai kháu khỉnh đã làm cho căn nhà chúng tôi luôn rộn ràng tiếng cười đùa. Den thật sự là một người chồng tử tế và nhân hậu. Cái hạnh phúc không chờ đã đến với tôi thật bất ngờ khiến tôi cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ số phận.

Nhưng niềm vui không ở lại với tôi mãi mãi. Khi Danny được mười tuổi, Den bỗng trở nên thất thường. Anh hay suy tư và uống rượu nhiều. Sau những cơn say anh lại bắt đầu la hét và đập phá những thứ gì chung quanh để rồi khi tỉnh dậy anh ôm lấy tôi khóc lóc, xin lỗi. Danny không còn dám đến gần Den nữa. Thằng bé sợ bố như sợ tà. Vừa thấy Den là nó vội lẩn đi, gọi thế nào cũng không lộ mặt ra. Phần tôi, tôi vô cùng lo lắng, không hiểu lý do gì khiến Den thay đổi như thế. Den đã hoàn toàn trở thành một con người khác. Tính tình cộc cằn hay nổi nóng một cách vô lý.

Một lần, Den bất ngờ tát tôi một tát tay nẩy lửa khi tôi đem dấu chai rượu không cho anh uống thêm vì đã say mèm. Khi tỉnh dậy, nhìn thấy khóe môi tôi đỏ bầm rướm máu, Den hỏi tôi bị ngã ở đâu, tôi lắc đầu từ tốn nói, là anh đánh em đó. Den không tin, nhưng nhìn ánh mắt nghiêm nghị của tôi và cái gật đầu xác nhận của Danny, anh vội quỳ xuống ôm lấy tôi, vừa khóc vừa lau vết thương cho tôi. Tôi ôm Den trong cánh tay yếu ớt mà nghe lòng mình quặn đau và thương Den quá đỗi. Tôi năn nỉ Den hãy để tôi đưa anh đi bác sĩ. Den không muốn nhưng khi nhìn thấy những giọt nước mắt của tôi Den đã đồng ý.

Trong thời gian bác sĩ theo dõi bệnh trạng của Den, anh lại thêm một lần nữa gây thương tích cho tôi, đồng thời, cứ vài đêm anh lại la hét hoảng loạn trong giấc ngủ. Hạnh phúc gia đình biến mất, chỉ còn lại là những sợ sệt, khủng hoảng. Tuy vậy, tôi không hề giận Den vì tôi biết bản chất Den không phải là người xấu, nên đành chấp nhận chẩn đoán của bác sĩ là Den mắc bệnh tâm thần. Tôi nói với bác sĩ, có thể Den bị một ám ảnh nào đó trong quá khứ, vì tôi đã từng nghe nói có những người cựu chiến binh Mỹ tham dự chiến tranh Việt Nam có những biểu hiện giống như Den. Bác sĩ đồng ý với giả thuyết đó và yêu cầu tôi hợp tác với ông để tìm phương cách điều trị cho Den.

Nhưng có lẽ định mệnh đã dành cho tôi một số kiếp bất hạnh nên Den đã đột ngột qua đời trong một tai nạn trên freeway lúc lái xe trong tình trạng say rượu.

Tôi hận ông trời sao cứ lấy mất hạnh phúc của tôi khi nó đang nằm trọn trong tay tôi. Từ đó, lòng tôi khép kín. Tất cả tình cảm còn sót lại trong trái tim khô cằn vì quá nhiều thương tích tôi chỉ dành cho Danny đứa con trai duy nhất và yêu quý nhất của tôi.

***

-Rồi bây giờ bà tính sao?

Tôi chăm chú cắm những cánh hoa màu tím thẳm vào chiếc bình pha lê trong suốt để khỏi phải nhìn ánh mắt gay gắt của Dung.

-Thì tôi đã nói với thằng Danny rồi, nó cứ tự do làm theo ý nó tôi không ngăn cản gì hết.

Dung với tay đẩy bình hoa sang góc bàn :

-Chiêu nhìn tôi nè! tôi muốn hỏi bà… con bé Khánh My đã làm gì để bà ghét nó. Trước đây, bà nói bà thương nó như con vì nó mất mẹ từ bé. Rồi cũng bà luôn miệng khen nó xinh xắn, dễ thương, lễ phép và biết cách cư xử. Bây giờ nó thay đổi hay bà thay đổi?

Tôi im lặng, bâng quơ nhìn ngọn lửa tí tách trong lò sưởi để che dấu sự bối rối.

-Bà trả lời không được phải không?

Dung chồm qua nắm hai tay tôi và nhìn sâu vào mắt tôi, giọng khẽ khàng:

-Chiêu nè! con bé Khánh My và thằng Danny vô tội. Sao Chiêu lại làm khổ bọn trẻ vì một chuyện đã xảy ra cách đây hai mươi mấy năm. Tôi biết bà còn giận anh Nhật, ba của Khánh My nhiều… nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì cũng tội cho anh ấy…

Tôi không kềm giữ được nỗi uất ức :

-Dung không phải người trong cuộc làm sao Dung hiểu được tận cùng cái đau, cái hận của tôi. Tôi đau khổ đã đành, ba má tôi cũng mất mặt với bạn bè vì con gái mình bị người ta bỏ rơi một cách đau đớn. Nói thật, nếu giết được hai người họ ngay lúc đó tôi cũng dám làm. Cái tàn nhẫn của “người ta” là không thèm gặp mặt tôi một lần để giải thích hay nói lời ân hận… Bà có thấy “người ta” đối với tôi quá phũ phàng không?

Tôi ôm mặt khóc rưng rức.

-Chiêu! thật sự không phải anh Nhật không muốn đến gặp bà để nói câu xin lỗi, mà thật sự là anh ấy hổ thẹn vì việc làm tồi tệ của mình nên không dám đối diện với bà, dù chỉ một lần. Đến ngay cả tôi, khi được anh Nhật cho biết mọi chuyện tôi cũng trốn luôn không dám gặp bà, vì không biết phải an ủi bà thế nào.

Dung tựa đầu vào ghế trầm ngâm một lúc lâu rồi nói :

-Chuyện đã qua rất lâu nhắc lại cũng chẳng ích lợi gì … nhưng tội nghiệp thằng Danny nên mình xin Chiêu hãy suy nghĩ lại. Chuyện ngày xưa chẳng phải anh Nhật muốn phản bội bà. Nhưng con nhỏ Trang Đài nó theo sát ổng. Bà nghĩ xem, chú ruột của nó là Thủ Trưởng cơ quan, đâu có lẽ gì nó phải đi lao động. Nhưng vì anh Nhật có mặt trong chuyến công tác đó nên nó mới chịu cực khổ để tham gia. Một người vô tình, một người hữu ý… và chỉ vì một phút yếu lòng mà anh Nhật mắc bẫy. Chiêu thử nghĩ … lý do gì mà ba má con Trang Đài bỏ tiền ra làm đám cưới. Anh Nhật dám không cưới nó hả? Một là mất việc, hai là ở tù vì cái tội phá hoại đời con gái của người ta. Chú bác của con Trang Đài toàn là cán bộ cao cấp thì làm sao anh Nhật dám giỡn mặt. Trong câu chuyện này ai cũng tội nghiệp anh Nhật, vì những người làm chung với anh Nhật đều thắc mắc “có chắc cô này còn con gái không?”… Bởi vậy mình nghĩ, anh Nhật cũng có nỗi đau riêng của anh. Có thể anh ấy còn đau hơn cả Chiêu nữa, vì phải bỏ một người mình đang yêu tha thiết để lấy người mình không yêu. Chiêu nói đúng, chỉ có người trong cuộc mới hiểu được tận cùng nỗi đau của mình. Bạn bè đi dự tiệc cưới về nói với nhau, đám cưới thật linh đình, thật vĩ đại mà mặt chú rể thì buồn còn hơn đưa đám tang. Anh Nhật không khóc được như bà nhưng anh ấy đã nuốt nước mắt ngược vào tim…

Tôi đứng lên đi về phía cửa sổ, đưa mắt nhìn khoảng trời tối đen như mực.

-Bà được “người ta” mướn bà làm luật sư biện hộ tự bao giờ vậy?

Dung thở dài :

-Tôi không biện hộ cho anh Nhật… mà đó là những lời tâm sự của anh trong một lá thư gửi cho tôi hơn hai mươi năm về trước. Tôi muốn bà quên hết những chuyện buồn đau cũ, nên đã xé bỏ sau khi đọc xong và tự hứa không bao giờ nhắc đến tên Nhật với bà. Nhưng đâu ngờ con trai của bà … không vào “chợ đông” (trai khôn tìm vợ chợ đông…) kiếm vợ mà lại quẹo đúng vào nơi oan gia. Chiêu à! bao nhiêu đau khổ trải qua đã lấy cạn nước mắt của bà thì bây giờ tôi xin bà … đừng để thằng Danny phải rơi nước mắt. Thiệt tình nhìn hai đứa nhỏ đau khổ tôi đứt ruột.

Tôi quay lại nhìn Dung chăm chú. Hai mươi mấy năm đã trôi qua, hai đứa con gái mười tám, hai mươi của thuở nào thường thì thầm kể cho nhau nghe chuyện tình yêu, giờ đây tóc đã lấm tấm điểm sương và đang bắt đầu bước vào tuổi tri thiên mạng. Cuộc đời tôi sẽ còn bao lâu nữa để khóc cười theo phận số của mình? Có lẽ Dung nói đúng, tôi may mắn có được thằng con hiếu để, chứ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xa lạ này nó có toàn quyền quyết định chuyện chung thân của nó đâu cần đến cha mẹ.

-Bà mà căng quá thì một là mất con, hai là sẽ trở thành người đàn bà cô độc nhất trên cõi đời này.

Dung đến phía sau, giang hai tay ôm xiết vòng eo tôi :

-Nghe lời tôi, hãy xếp lại quá khứ, mắt nhìn thẳng về phía trước mà bước tới. Rồi Chiêu sẽ có những tháng ngày rất hạnh phúc với đứa con trai ngoan ngoãn, đứa con dâu hiền lành và đám cháu nội xinh đẹp. Lúc đó, Chiêu sẽ thật sự tìm được hạnh phúc khi mỗi ngày bận rộn tíu tít với lũ nhóc con.

Nhìn thái độ ỉu xìu của tôi, Dung biết là tôi đã siêu lòng. Dung vui mừng quắn quít gọi điện thoại cho thằng Danny và hét lớn :

-Danny! mẹ con hết giận rồi … con và Khánh My mau về thăm mẹ…. Wow.. wow cái gì!!! đừng có vui quá rồi quên mua hoa tulip màu tím cho mẹ con nha!!!

Nhìn nét mặt rạng rỡ của Dung mũi tôi cay xè. Dẫu sao, qua bao thăng trầm của cuộc sống tôi cũng còn lại một tình bạn thánh thiện là niềm an ủi lớn lao.

Dung bới tìm trong đống báo chùm chìa khóa xe, miệng lẩm nhẩm

-Cứ theo bà làm quân sư quạt mo riết chắc chồng con tôi đói rứt ruột.

Tôi rưng rưng nước mắt :

-Cám ơn Dung nhiều. Không có bà chẳng biết tôi ra sao?

Quẩy chiếc xách tay lên vai, Dung gõ nhẹ lên trán tôi:

-Không cần cám ơn. Chỉ cần bà bằng lòng xếp lại quá khứ là tôi vui rồi.

Bóng Dung khuất sau cánh cửa lớn, tôi thả mình xuống chiếc ghế dài nghĩ đến lời Dung “hãy xếp lại quá khứ”. Vâng! tôi sẽ xếp lại quá khứ để mai này tâm hồn và cuộc sống được nhẹ nhàng hơn … nhưng sao bây giờ… lòng tôi vẫn mênh mang buồn!!!!

(Theo chuyện kể của C.V)

Ngân Bình

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search