T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hòai Nam : Những ca khúc ngọai quốc lời Việt (1)- Dẫn Nhập

clip_image002

( Giới thiệu : Bài này mở đầu cho một lọat bài viết về những ca khúc ngọai quốc bất hủ đã được đặt lời Việt và phổ biến trong giới yêu nhạc Việt Nam từ những năm 1950s đến nay của nhà báo Hòai Nam, một tên tuổi đã từng được người yêu nhạc trong và ngòai nước biết tới qua chương trình biên sọan “ 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam “. Ngòai phần nội dung dưới dạng text, chúng tôi có kèm theo phần phụ lục dưới dạng Audio những bản nhạc được nói đến trong bài. Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc gỉa. T.Vấn & Bạn Hữu ).

Mặc dù chưa bao giờ được một hàn lâm viện nào trên thế chính thức nhìn nhận, hiện nay hầu như mọi người đều đồng ý về danh sách “7 nền nghệ thuật của nhân loại”, gồm: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, vũ, thi ca, và điện ảnh.

Danh sách sáu nền nghệ thuật đầu tiên do triết gia Đức Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831) đề xướng vào đầu thế kỷ thứ 19; còn nghệ thuật thứ bảy – tức điện ảnh – do nhà phê bình nghệ thuật Pháp gốc Ý Ricciotto Canudo đề nghị vào đầu thế kỷ thứ 20, qua tập khảo luận “Le Manifeste des Sept Arts” (Danh sách bảy nền nghệ thuật).

Trong số bảy nền nghệ thuật ấy, âm nhạc là bộ môn phổ biến nhất, điều này có lẽ khỏi cần chứng minh. Và nếu nói đó là bộ môn phong phú, đa dạng nhất, cũng không mấy người phản đối.

Tuy nhiên âm nhạc, cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, trong khi thường được mô tả là “không biên giới”, theo suy nghĩ của chúng tôi, “có cách trở”. Với âm nhạc, cách trở ấy là xu hướng, trình độ, cảm quan thưởng thức của các thành phần xã hội khác nhau, và riêng với các ca khúc, cách trở còn là ngôn ngữ.

Việc đặt lời Việt cho các nhạc khúc bất hủ, các ca khúc ngoại quốc nổi tiếng, chính là một hình thức hóa giải những cách trở ấy. Nếu không kể các ca khúc “nhạc tây lời ta” trong giai đoạn hình thành của nền tân nhạc Việt Nam vào giữa thập niên 1930 mà phần lớn nay đã thất truyền, thì các nhạc khúc, ca khúc ngoại quốc lời Việt hiện đang được yêu chuộng, bắt đầu xuất hiện vào cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960.

Loại bài này có mục đích giới thiệu một số ca khúc điển hình trong số nói trên. Chúng tôi nhấn mạnh hai chữ “giới thiệu” bởi bản thân không phải là một nhà phê bình, mà chỉ là một người thưởng thức làm công việc của DJ (disc jockey). Có khác chăng, là niềm vui khi làm công việc này, bởi hy vọng sẽ có thêm những tâm hồn đồng điệu trong giới thưởng ngoạn.

Những ca khúc ấy được chọn lọc từ một khoảng thời gian trải dài ba, bốn thế kỷ, từ buổi ban đầu cho tới thời hiện đại của âm nhạc, vì thế bài thứ nhất trong loạt bài của chúng tôi sẽ viết sơ qua về nền nhạc cổ điển, như mở một cánh cửa bước vào thế giới âm nhạc tây phương.

Ngũ đại tiền bối

Một cách tổng quát, nền nhạc cổ điển tây phương (Classical Musics) là khoảng thời gian từ năm 1550 tới năm 1900, được hình thành vào thời Phục Hưng (Renaissance, từ thế kỷ thứ 14 tới thế kỷ thứ 16); và phát triển mạnh vào cuối thế kỷ thứ 17 đầu thế kỷ thứ 18.

Một cách chi tiết hơn, nền nhạc cổ điển ấy được chia ra làm ba thời kỳ – thời kỳ Baroque, thời kỳ Vàng son, và thời kỳ Lãng mạn.

Trước hết nói về thời kỳ Baroque.

Tại Ý và các nước Tây Âu khác như Anh, Pháp, Đức, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha…, giai đoạn hình thành và bước đầu phát triển của nền nhạc cổ điển được gọi là thời kỳ Baroque. “Baroque” nói chung là hình thái văn chương, hội họa, và âm nhạc mạnh dạn, tươi sáng, mà Giáo hội Công giáo đã đề xướng sau Công đồng Trento (Council of Trent), nhóm họp vào giữa thế kỷ thứ 16.

Năm tên tuổi lớn nhất của giai đoạn phát triển nền nhạc cổ điển – mà chúng tôi gọi là “Ngũ đại tiền bối” – gồm ba vị người Ý và hai vị người Đức, đều thuộc thời kỳ Baroque.

Vào khoảng thời gian này, từ giữa thế kỷ thứ 16 tới giữa thế kỷ thứ 17, Ý và Đức-Áo được xem là hai cái nôi của âm nhạc, nhưng cả về hình thức lẫn nội dung đều khác nhau. Ở Ý, nhạc cụ phổ biến nhất là vĩ cầm, một loại đàn dây có khả năng thể hiện nhiều loại nhạc buồn vui khác nhau, phục vụ mọi tầng lớp xã hội, mà nhà nhạc sĩ có thể đem theo bên mình trên khắp mọi nẻo đường. Trong khi ở Đức-Áo, ngày ấy còn gọi là Holy Roman Empire – gồm các quốc gia Đức, Áo, Ba-lan, Tiệp-khắc ngày nay – nhạc cụ chính gồm đàn đại phong cầm, tức organ, trong các thánh đường, và đàn harpichord – tiền thân của dương cầm, cho nên các sáng tác của các nhà soạn nhạc cũng thường đóng khung trong khuôn khổ Thiên chúa giáo và phạm vi giới quý tộc.

clip_image004

Arcangelo Corelli (1653-1713)

“Ngũ đại tiền bối”, theo thứ tự ra chào đời, trước hết là Arcangelo Corelli. Ông sinh năm 1653, là nhà soạn nhạc và nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng nhất của thời kỳ Baroque. Corelli được ghi nhận là nhạc sĩ đầu tiên đã có công biến cây vĩ cầm từ một nhạc cụ trong dàn nhạc thành một nhạc cụ trình diễn đơn lẻ.

Với cây đàn trên vai, từ năm 19 tuổi, ông đã bôn ba khắp nơi, tới tận Đức biểu diễn trong các cung đình, và rất được các ông hoàng bà chúa ái mộ. Corelli được xem là vị đại tiền bối của các thế hệ nhạc sĩ vĩ cầm ở Ý.

* * *

clip_image006

Antonio Vivaldi (1678-1741)

Vị đại tiền bối người Ý kế tiếp là Antonio Vivaldi, ra chào đời tại Cộng hòa Venice năm 1678, sau Arcangelo Corelli một thế hệ.

Cuộc đời của vị linh mục kiêm nhạc sĩ tài hoa này khá ly kỳ và đầy huyền thoại: ông vừa lọt lòng mẹ thì xảy ra một trận động đất lớn ở Venice, nhưng vì con trai quá yếu ớt, èo uột, không biết có sống được hay không, cho nên ngay sau đó, bất chấp động đất, bà mẹ đã cho người đưa con tới nhà thờ để rửa tội, và hứa rằng nếu con mình sống được thì sẽ “dâng cho Chúa”, nghĩa là lớn lên sẽ đi tu làm linh mục.

Ông bố Giovanni Vivaldi của Antonio là một người thợ cạo kiêm nhạc sĩ vĩ cầm, bắt đầu dạy đàn cho con trai từ năm cậu lên 3 tuổi. Sau đó, vì Antonio tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về vĩ cầm, ông Giovanni Vivaldi đã bỏ hẳn nghề hớt tóc, để cùng con trai đi biểu diễn dạo ở khắp nơi, và trở nên giàu có.

Nhưng bà mẹ vẫn không quên lời thề hứa năm xưa. Khi Antonio Vivaldi lên 15 tuổi, bà cho cậu đi tu, và 10 năm sau, trở thành linh mục. Tuy nhiên, vì Antonio Vivaldi vốn ốm yếu từ thuở lọt lòng mẹ – mà ngày ấy người ta cho rằng cậu bị suyễn, nhưng ngày nay, y học chỉ coi đó là một chứng tức ngực bẩm sinh – ít lâu sau khi trở thành linh mục, ông đã được miễn hẳn công việc dâng thánh lễ mỗi ngày, và dần dần về sau, ông không còn làm bất cứ công việc gì có liên quan tới chức vụ linh mục nữa, mặc dù suốt đời ông vẫn tuân giữ mọi lề luật của cuộc sống linh mục.

Tháng 9 năm 1703, sau khi thụ phong linh mục, Antonio Vivaldi được bổ nhiệm làm thầy giáo dạy vĩ cầm tại Pio Ospedale della Pietà – tức Cô nhi viện Tình thương, một trong bốn cô nhi viện của thành Venice, nơi ông sẽ phục vụ trong suốt 30 năm liên tục.

Tại cô nhi viện, ngoài công việc dạy vĩ cầm, Antonio Vivaldi còn dạy nhạc lý và dạy hát, vì thế bên cạnh các bản độc tấu, song tấu, tứ tấu cho vĩ cầm, ông còn sáng tác thánh ca, các vở ca nhạc kịch opera…

Dưới sự hướng dẫn của Antonio Vivaldi, dàn nhạc và ban hợp xướng của Cô nhi viện Tình thương đã nổi tiếng khắp Cộng hòa Venice, nhờ đó không ít cô bé mồ côi sau này đã trở thành mệnh phụ!

Về phần Antonio Vivaldi, trong thời gian 30 năm sống và làm việc tại đây, ông đã để lại cho đời 40 vở opera, 60 bản thánh ca, và trên 500 sáng tác cho các loại nhạc cụ.

Một trong những tác phẩm bất hủ của Antonio Vivaldi là bản tứ tấu dành cho vĩ vầm (violin concerti) có tựa đề “Bốn mùa” (The Four Seasons) –

Phụ lục: Audio (1)- VIVALDI: The Four Seasons, Spring

Phụ lục: Audio (1)- VIVALDI: The Four Seasons, Spring

Có thể nói “Bốn mùa” là bản tứ tấu dành cho vĩ cầm nổi tiếng nhất, được ưa chuộng nhất từ xưa tới nay, của một nhà soạn nhạc thuộc thế hệ đầu tiên, nhưng không bao giờ bị xem là xưa cũ.

Chỉ có điều đáng buồn là vào những năm cuối đời, Antonio Vivaldi đã không được thỏa nguyện.

Nguyên sau 30 năm sống và làm việc tại Cô nhi viện Tình thương, Antonio Vivaldi được gặp gỡ Hoàng đế Charles đệ Lục của Đế quốc Áo, khi ông này tới thăm viếng Venice, và tham dự buổi trình diễn một vở opera của Vivaldi.

Vị hoàng đế rất thích thú, và ngỏ ý muốn đỡ đầu cho Antonio Vivaldi trong việc phổ biến thể loại ca nhạc kịch này tại kinh đô Vienne của Áo. Nhưng ít lâu sau khi Antonio Vivaldi khăn gói tới thành Vienne, Hoàng đế Charles đệ Lục băng hà. Không có mạnh thường quân tài trợ, giúp đỡ, Antonio Vivaldi sống trong nghèo khổ và chết trong cô đơn nơi đất khách quê người năm 1741.

* * *

clip_image008

Domenico Scarlatti (1685-1757)

Vị đại tiền bối người Ý thứ ba là Domenico Scarlatti, sinh năm 1685, kém Vivaldi 7 tuổi. Điều trùng hợp lý thú là hai vị đại tiền bối người Đức mà chúng tôi sẽ đề cập tới là George Frideric Handel và Johann Sebastian Bach, cũng ra chào đời vào năm 1685.

Ông bố của Domenico Scarlatti là Alessandro Scarlatti, một nhà soạn nhạc kiêm thày dạy nhạc thời danh ở Napoli, tức Vương quốc Naples, sớm nhận ra tài năng thiên phú nơi con trai, nên đã ra sức chỉ dạy. Năm mới 16 tuổi, Domenico Scarlatti được trao phó công việc soạn nhạc và chơi đàn đại phong cầm trong ngôi thánh đường ở hoàng cung. Năm 20 tuổi, Domenico Scarlatti bắt đầu công việc soạn các vở oprera theo yêu cầu của các ông hoàng bà chúa.

Ông thường được mời sang kinh đô của Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, và Anh quốc để dựng các vở opera của mình; và từ năm 1719, sống luôn ở Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, để làm nhạc sư trong hai triều đình này. Domenico Scarlatti qua đời tại Madrid vào tuổi 71.

Về sự nghiệp âm nhạc, chỉ tính thể loại sonata, tức “tấu khúc”, viết cho dương cầm, Scarlatti đã để lại cho hậu thế 555 bản. Trong số những nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng sau này chịu ảnh hưởng của Scarlatti, có Johannes Brahms và Frédéric Chopin.

* * *

Tiếp theo, viết về hai vị đại tiền bối người Đức: George Frideric Handel và Johann Sebastian Bach.

clip_image010

George Frideric Handel (1685-1759)

clip_image012

Johann Sebastian Bach (1685-1750)

 

Một cách chính xác, phải gọi Handel là một công dân Anh gốc Đức. Ông ra chào đời năm 1685 tại Brandenburg, ngày ấy thuộc đế quốc Phổ (Prussia). Cha ông là một y sĩ trong triều đình, chỉ muốn con trai trở thành trạng sư, ngành nghề được nể trọng nhất trong xã hội thời bấy giờ.

Nhưng Handel lại chỉ mê âm nhạc. Bị cha nghiêm cấm tiếp xúc với các vị thầy dạy nhạc, vào năm 12 tuổi, Handel đã tự tay tháo gỡ một cây đàn harpichord, rồi khuân lên căn gác sát mái nhà, ráp lại để tự tập dợt vào những lúc ông bố vắng nhà.

Năm 16 tuổi, Handel có dịp biểu diễn cho một vị công tước trong triều, được ông này hết lời khen ngợi, và can thiệp với ông bố y sĩ cho phép Handel theo đuổi âm nhạc. Sau khi thọ giáo một vị tu sĩ người Đức, Handel sang Ý học hỏi thêm, trước khi sang Anh quốc sinh sống và trở thành công dân Anh.

Handel là tác giả của nhiều vở opera, các bản hòa tấu và hợp xướng nổi tiếng. Hai nhà soạn nhạc lừng danh sau này, tác giả của những bản giao hưởng bất hủ của nền nhạc cổ điển là Mozart và Beethoven đã chịu ảnh hưởng rất nhiều của Handel.

Một trong những tác phẩm nổi tiếng và phổ biến nhất của Handel là bản đại hợp xướng Messiad (Đấng Tiên Tri), trong đó có tiểu khúc “For Unto Us a Child Is Born” – một bản không thể thiếu trong các buổi trình diễn thánh ca Giáng Sinh (Christmas Carols) ở các quốc gia tây phương.

Phụ lục: Audio (2)- HANDEL: For Unto Us a Child Is Born

Phụ lục: Audio (2)- HANDEL: For Unto Us a Child Is Born

 

* * *

Cuối cùng viết về Johann Sebastian Bach. Một cách ngắn gọn, có thể viết Johann Sebastian Bach chính là núi Thái Sơn của nền nhạc cổ điển tây phương.

Ông được hậu thế xem là một nhà soạn nhạc vĩ đại, cho cả các ban đại hòa tấu lẫn các ban đại hợp xướng, và là nhạc sĩ đại phong cầm (organ) kiêm vĩ cầm tài giỏi nhất. Các sáng tác của ông đã trở thành khuôn mẫu và thay đổi cả nền âm nhạc ở Âu châu thời bấy giờ, và cách sử dụng vĩ cầm của ông cũng được xem là tiêu chuẩn để các thế hệ nối tiếp cố gắng đạt tới.

Johann Sebastian Bach ra chào đời năm 1685 trong một đại gia đình âm nhạc, mà hiện nay, ngoài Johann Sebastian, lịch sử âm nhạc còn ghi lại nhiều người khác cùng mang họ Bach.

Năm 1750, Johann Sebastian Bach bất ngờ lâm trọng bệnh, các bác sĩ nghi ngờ ông bị viêm phổi, và sau một cuộc giải phẫu thất bại, ông qua đời vào tuổi 65.

Johann Sebastian Bach đã để lại ảnh hưởng mạnh mẽ nơi các thế hệ nhạc sĩ đi sau. Riêng Mozart, Beethoven, Schumann, và Mendensohn đều sử dụng khuôn thức sáng tác của ông.

Chỉ tính các ca khúc viết về tôn giáo của Johann Sebastian Bach đã lên tới 200 bản.

Một trong những nhạc khúc soạn cho đại phong cầm rất quen thuộc và nổi tiếng của Johann Sebastian Bach là bản “Toccata and Fugue cung Ré thứ”, thường được sử dụng làm nhạc khúc cho nghi lễ khai mạc và bế mạc các buổi lễ tốt nghiệp tại các trường có truyền thống âm nhạc.

Phụ lục: Audio (3)- BACH: Toccata and Fugue

Phụ lục: Audio (3)- BACH: Toccata and Fugue

 

Sau này, trong đĩa nhạc “Voyager Golden Record”, gồm 27 sáng tác cũ mới, được thực hiện riêng cho các phi hành gia trên phi thuyền Voyager đem theo để thưởng thức trong chuyến bay vào không gian, đã có tới 3 bản của Johann Sebastian Bach.

Phụ lục: Audio (4)- BACH: Zion Hort Die Wachter Singen

Phụ lục: Audio (4)- BACH: Zion Hort Die Wachter Singen

 

* * *

Khởi đầu cùng với sự nghiệp của “Ngũ đại tiền bối” trong thời kỳ Baroque, nền nhạc cổ điển tây phương sẽ đạt tới đỉnh cao với Mozart, Beethoven… của thời kỳ vàng son, trước khi bước vào thời kỳ lãng mạn với Schubert, Chopin, Brahms… Những tên tuổi cùng với tác phẩm sẽ được chúng tôi lần lượt điểm qua trong loạt bài này.

 

PHỤ LỤC (Audio):

(1) VIVALDI: The Four Seasons, Spring

01- Vivaldi – Four Seasons

(2) HANDEL: For Unto Us a Child Is Born

02- Handel – For Unto Us A Child Is Born

(3) BACH: Toccata and Fugue

03 – Bach- Toccata & Fugue In D Minor, BWV 565 (Excerpt)

(4) BACH: Zion Hort Die Wachter Singen

04 – Bach- Zion Hort Die Wachter Singen

Hoài Nam

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search