T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vương Trùng Dương: Bé Ký, Người Biến Phong Trần Thành Gấm Vóc

blank

Nữ họa sĩ Bé Ký, một tên tuổi gắn liền với hội họa của người Việt Nam, qua đời vào chiều Thứ Tư, 12 Tháng Năm, tại nhà ở Westminster, hưởng thọ 83 tuổi.
Bài viết về họa sĩ Bé Ký của tôi trên tờ Thế Giới Nghệ Thuật năm 1998 và post lên trang web Xứ Quảng vào năm đó. Trang web xuquang.com ở miền Đông Hoa Kỳ của anh La Lương (em bà con với anh rể tôi ở Hội An) nay không còn.
Đã 23 năm rồi, tôi không lưu giữ bài viết này, chiều Thứ Bảy (15/5) tôi nhận được email của anh Phan Anh Dũng, phụ trách tạp chí Cỏ Thơm ở Virginia, sưu tầm được và gởi cho bài viết và hình ảnh. Rất cảm kích sự nhiệt tình và tấm lòng của anh với giới văn nghệ. Theo ý anh, có bổ túc gì trong bài viết nhưng tôi muốn giữ nguyên bản gốc của 23 năm về trước. Vì khi anh chị Hồ Thành Đức – Bé Ký sang định cư ở Little Saigon, có lẽ đây là bài viết đầu tiên về họa sĩ Bé Ký. Khuôn mặt chị rất phúc hậu và có nụ cười thật tươi. Mỗi khi gặp chị, cười chúm chím và được khen cái tựa đề hay quá.
Nay tôi post bài nầy như nén hương lòng tưởng nhớ người quá cố – VTrD

*
Mang niềm đau và thân phận của cô bé mất tình thương cha mẹ từ thuở nhỏ, chịu nhiều khổ đau trên đất nước đầy bất hạnh bởi chiến tranh, Bé Ký dấn thân vào thế giới hội họa như một hiện tượng: họa sĩ của hè phố. Bé Ký xuất hiện trong hội họa Việt Nam với nét vẽ độc đáo, chân chất, mới lạ, đơn sơ nhưng trọn ý, tự tạo phong cách riêng biệt của mình rất thân quen trong sinh hoạt đời sống vỉa hè, thôn dã giữa cảnh xô bồ, hỗn độn của xã hội.

blank

Hình: Hình Bé Ký năm 1962 lúc 23 tuổi

Bé Ký bước vào hội họa không qua trường lớp nào, được sự hướng dẫn của 3 nghệ sĩ tài danh Trần Đắc, Trần Văn Thọ & Văn Đen; trong đó người thầy Trần Đắc cũng là dưỡng phụ đem Bé Ký di cư vào Nam sau hiệp định Genève 1954.

Với năng khiếu, đam mê và chịu khó học hỏi, mới 15 tuổi, Bé Ký được xem như tài năng đầy triển vọng trong lĩnh vực hội họa. Sau vài năm chung sống với gia đình dưỡng phụ ở Sài Gòn, năm 1957, qua nhiều tác phẩm được hình thành đã ra mắt triển lãm, tạo được tiếng vang trong giới thưởng ngoạn nghệ thuật. Năm 1959 tham dự triển lãm Quốc Tế tại Paris. Thời gian kế tiếp, họa phẩm của Bé Ký được triển lãm tại 9 thành phố ở Nhật Bản và nhiều cuộc triển lãm quan trọng trong nước. Tên tuổi Bé Ký được xuất hiện trên báo giới như tờ Le Journal D’Extrême-Orient (19 Novembre, 1969), tờ The Saigon Post (November 20, 1972)…và nhiều lần đề cập trên báo chí Sài Gòn với sự hiện diện của các họa phẩm, trở thành quen thuộc cho khách thưởng ngoạn nghệ thuật. Hình ảnh họa sĩ Bé Ký cũng là hình ảnh cô gái quê, áo bà ba, kẹp tóc dài, mang guốc vông với giá vẽ, cây cọ, bút lông ở Catinat, Nguyễn Huệ, Lê Lợi: “giang sơn của Bé Ký”.

Bé Ký sở trường về “caricature” trên giấy và lụa. “Caricature” với Bé Ký có lúc là ký họa, hoạt họa, phóng họa, tốc họa bằng mực tàu, bút lông với đường nét “dessin” đơn giản nhưng rất linh hoạt, uyển chuyển giữa yếu và mạnh, sống động, rất thực, tạo phong cách riêng biệt của đường nét họa sĩ. Hình ảnh thiếu nữ với cây đàn, mục đồng với con trâu, tấm lòng giữa mẹ và con… trong thư phòng, nơi thôn dã cho đến sinh hoạt hè phố với người gánh hàng rong, bán xôi chè, người phu, xích lô, xe ngựa, trẻ đánh giày, kẻ quét đường… tưởng chừng bị phôi pha, bỏ rơi được ghi lại rất tài tình qua nét vẽ.

blank

Bác sĩ Phạm Biểu Tâm cắt băng khánh thành phòng triển lãm tranh của Bé Ký (1962)

Tháng ngày ở Sài Gòn năm xưa, họa sĩ Bé Ký “bụi đời” để hòa nhập trong sinh hoạt thường nhật của giới lao động hè phố đã tạo dựng phong cách, bóng dáng, chân dung đặc biệt; thoạt nhìn có vẻ lập dị nhưng đi sâu vào lĩnh vực cuộc sống mới cảm nhận được tâm tư, tình cảm con người nghệ sĩ. Ở góc cạnh nào đó, qua lăng kính con người với nghề nghiệp, nhìn vào tác phẩm, cảm nhận được những điều trang trải, xúc cảm và suy tư về nghệ thuật và cuộc sống trong xã hội để sáng tạo, nói lên tấm lòng của người nghệ sĩ. Họa phẩm của Bé Ký như sự tỏ bày sự cảm thông, thương cảm cuộc sống thầm lặng, đau khổ của lớp người mang nhiều khổ cực giữa quê hương từ thế hệ này sang thế hệ khác mà tác giả đã mang chứng tích được thoát ra trên con đường hội họa.

Bé Ký được ghép bởi tên cúng cơm (Nguyễn Thị Bé) & chuyên về ký họa. Tự nó, rất đơn giản, mộc mạc thể hiện qua cuộc sống và họa phẩm nhưng đã tạo được sắc thái riêng rẽ của đội ngũ nữ giới thời đó trong khu vườn muôn sắc của hội họa được xem như mảnh đất dụng võ của đội ngũ nam giới. Tranh của Bé Ký dành cho mọi giới, rất phổ thông, hơn 1,500 họa phẩm đã bán cho khách mộ điệu trong năm tháng cầm cọ ở Sài Gòn.

Bé Ký lập gia đình năm 1964 với họa sĩ Hồ Thành Đức (Sinh năm 1942 tại Đà Nẵng – Tốt nghiệp Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định – Sáng lập viên Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam – sở trường về kiến tạo “collages” – Giáo sư Mỹ Thuật Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn 1970-1975). Cả hai đều rơi vào cảnh ngộ côi cút từ thuở ấu thơ nên rất thông cảm cho nhau cùng tạo dựng mái ấm gia đình trong cuộc sống, đôi bạn hành trình trong hội họa. Có được 4 con và có nhiều họa phẩm được triển lãm chung với nhau ở Việt Nam & Quốc Tế.

Sau biến cố đau thương tháng 4/1975, Bé Ký & Hồ Thành Đức không còn sáng tác. Năm 1977 gia đình vượt biên, Hồ Thành Đức ở tù 2 năm, Bé Ký bị nhốt thời gian ngắn vì có 4 người con còn bé. Mười năm còn lại hai vợ chồng chỉ sáng tác một ít tranh cho đỡ buồn…!

Trả lời ký giả Jeffrey Brody trên tờ Register, số ra ngày 2/7/1990, Bé Ký cho biết: “Tôi không thể nào vẽ theo lối họ muốn được. Tôi nhớ có lần một cán bộ cho tôi coi bức họa theo lề lối anh ta thích. Thật là dễ sợ và không trung thực được… Chúng tôi đã có thể làm mọi thứ để mà sống còn… Nhưng khi vẽ tranh thì chúng tôi cần thể hiện được cảm nghĩ của mình. Chúng tôi đã không thể làm được việc đó, bởi vậy nên đã ra đi”. Đó là cái nhìn, tâm tư, nỗi niềm nghệ sĩ sống trọn vẹn với nghệ thuật.

Tháng Mười 1989 gia đình Bé Ký được định cư tại Hoa Kỳ theo diện nhân đạo. Chọn thủ đô tị nạn Little Saigon làm quê hương lưu vong. Tên tuổi Bé Ký dần dà được xuất hiện trên báo chí Hoa Kỳ, Bé Ký đã tham dự vào nhiều cuộc triển lãm kể từ năm 1992 cho đến nay.

blank

Bước vào năm Mậu Dần, Bé Ký đã bước vào tuổi lục tuần. Nhìn lại chặng đường đã qua chị tâm sự: “Tôi mất tình thương yêu gia đình từ thuở ấu thơ nên khi lập gia đình tôi sống trọn vẹn, trân quý với mái ấm gia đình. Là người vợ, người mẹ tôi làm tròn bổn phận của người đàn bà Việt Nam dù sống bất cứ nơi nào, thời điểm nào, đó là niềm hạnh phúc cao đẹp nhất tôi đã dâng hiến và được nhận lãnh. Tôi rất mê hội họa và yêu quê hương. Vì vận nước, vì thời thế đã hai lần tôi giã từ nơi chốn thân yêu, lòng tôi vẫn còn nhung nhớ. Từ trước đến nay tôi vẫn vẽ tất cả hình ảnh mang bóng dáng, sinh hoạt của quê hương”.
Để kỷ niệm hơn 4 thập niên sống với hội họa, trong năm 1998 này nữ họa sĩ Bé Ký dự định tổ chức cuộc triển lãm, in quyển sách với nhiều tranh ảnh qua từng thời gian và cuộc đời nghệ thuật.

Vương Trùng Dương 

(Little Saigon 1998)

Bài Mới Nhất
Search