T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nhã Duy: Đại bồi thẩm đoàn, cuộc luận tội vô tư và công bằng

Các hoạt động của đại bồi thẩm đoàn trong vụ điều tra hình sự tập đoàn Trump Organization đã tiến vào những giai đoạn sâu hơn khi văn phòng biện lý Manhattan của New York vừa triệu tập phó chủ tịch kiêm người đứng đầu các hoạt động kế toán của tập đoàn này là Jeff McConney ra đối chất. Jeff là một cấp quản trị cao cấp và quan trọng đầu tiên trong tập đoàn Trump được vời ra làm nhân chứng.

Để hiểu thêm về tiến trình của vụ án đang được công luận đặc biệt theo dõi này, có lẽ cũng cần tìm hiểu sơ lược về Đại Bồi Thẩm Đoàn (Grand Jury) là gì và có gì khác hơn với Bồi Thẩm Đoàn (Trial Jury) vốn đã khá quen thuộc với nhiều người từ trước nay.

Các vụ án thông thường tại Hoa Kỳ có thể được xét xử và luận tội dựa theo phán quyết của một bồi thẩm đoàn hay thẩm phán. Bồi thẩm đoàn (BTĐ) là một nhóm từ sáu đến 12 công dân thông thường, được luật sư hai bên nguyên và bị cáo thẩm vấn và đồng ý chọn lựa để theo dõi các chứng cứ, nhân chứng cùng tranh cãi liên quan đến vụ án và đưa ra phán quyết cuối cùng (verdict) là có hay vô tội. Tiến trình này diễn ra dưới phiên tòa được điều khiển và giám sát hoàn toàn bởi một thẩm phán.

Khác với bồi thẩm đoàn chỉ lắng nghe các vụ án rồi đưa ra quyết định, đại bồi thẩm đoàn không nhằm đưa ra phán quyết chung cuộc mà mục đích chính của nó là trực tiếp tham dự các thủ tục tố tụng, điều tra và xem xét các chứng cứ, triệu tập nhân chứng nhằm giúp các công tố viên có thêm cơ sở đưa ra cáo trạng buộc tội các nghi phạm hay một tổ chức tội phạm nào đó hay không. Hoạt động tách biệt với tòa án, không có mặt thẩm phán, các bị can và luật sư đại diện, có thể xem hoạt động của Đại BTĐ là một vụ “tiền xét xử” không chính thức trước khi văn phòng biện lý chính thức đưa ra cáo buộc truy tố (charging) và tiến hành thủ tục nghị án (trial).

Đại BTĐ có thể đến 23 công dân, là những công dân được chọn theo cách chọn BTĐ từ hồ sơ dữ liệu của cơ quan bầu cử, nha công lộ… Tuy nhiên họ không trải qua quá trình thẩm vấn, sàng lọc xem có bị thành kiến như việc chọn BTĐ. Họ sẽ làm việc vài ngày mỗi tuần, có thể kéo dài nhiều tháng trời tùy vụ án. Các hãng sẽ đồng ý cho phép họ được nghỉ việc để tham gia vào bồi thẩm đoàn và được hãng hay tiểu bang trả một phần lương, tùy theo luật mỗi tiểu bang.

Đại BTĐ có những thẩm quyền to lớn đã được luật pháp và hiến pháp trao quyền và thông thường được triệu tập trong những vụ án đặc biệt. Chức năng của Đại BTĐ là luận tội và điều tra. Họ có quyền ra trát triệu tập nhân chứng, xem xét mọi chứng cứ, hồ sơ, giấy tờ liên quan được yêu cầu. Các nhân chứng bị triệu tập không thể nào từ chối ra điều trần để tránh bị ghép vào khinh tội (contempt of court), có thể bị phạt tù.

Thông thường các nhân chứng ra điều trần không có luật sư đại diện, được tiến hành tuyệt mật nhằm bảo vệ và cho phép họ được tự do trình bày mà không chịu bất cứ áp lực nào. Các lời khai, tuyên bố được niêm phong và chỉ có người hiện diện mới biết được các nhân chứng đã khai gì, nói về bị can hay tổ chức đang bị điều tra như thế nào. Tuy nhiên,  trong khi các bồi thẩm viên, công tố viên, nhân viên liên quan bị buộc phải giữ bí mật theo luật định, còn các nhân chứng có quyền tuyên bố về cuộc điều trần của họ, cho phép họ phản bác lại các đồn đãi không xác thực.

Nếu BTĐ cần sự đồng thuận tuyệt đối trong phán xét thì thông thường chỉ cần quá bán Đại BTĐ, tức 12 người đồng ý rằng các hồ sơ, chứng cứ, nhân chứng cho thấy bị can đã có dấu hiệu phạm tội thì văn phòng biện lý sẽ chính thức khởi tố và ra thông báo cho bị can hay tổ chức nghi phạm. Các thủ tục tố tụng và xét xử lúc này sẽ tiến hành như các vụ hình án liên bang khác, có các bị can, nhân chứng, luật sư… ra đối chất và được xét xử tại một tòa án liên bang.

Một số người cho rằng việc điều tra hình sự tổ chức Trump Organization là một vụ án chính trị hay để trả thù thì có thể biết thêm rằng, thủ tục tố tụng hay Đại Bồi Thẩm Đoàn theo hiến định nói riêng là nhằm để bảo vệ cho người dân được đối xử công bằng, không bị tấn công vì mục đích riêng tư hay chính trị. Vì trong quá trình điều tra và xem xét hồ sơ do các công tố viên cung cấp, Đại BTĐ cũng có thể đưa ra quyết định là không đủ bằng chứng thuyết phục để truy tố.

Công lý là quá trình đi tìm sự thật và sự thật sẽ được phơi bày sau những tiến trình pháp lý công bằng và bình đẳng. Nữ thần công lý Justitia bịt mắt để chỉ một sự phán xét vô tư và bình đẳng với một người sẽ có hay vô tội, bất kể quyền lực, giàu có hay vị thế của họ như thế nào. Đó là điều cần thiết và một điểm mạnh của một xã hội dân chủ và pháp quyền.

Nhã Duy

Source: Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tại https://www.justice.gov/usao/justice-101/

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search