T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Minh Phúc: ĐỜI KHÔNG LÀ

Tủi Thân – Tranh: Hoàng Thanh Tâm

(Nhà thơ Nguyễn Minh Phúc qua đời, nhưng anh đã để lại một di sản thơ văn khá đồ sộ. Để tưởng nhớ đến một người tài hoa vắn số, TV&BH sẽ lần lượt giới thiệu những truyện ngắn, bài thơ mà anh đã từng cho phổ biến đây đó, trong bè bạn, trên các trang mạng văn chương trong nước. Và khi có điều kiện, tủ sách TV&BH sẽ cho phát hành tuyển tập những di cảo của NMP để bạn đọc yêu thích thơ văn NMP dễ lưu trữ. TV&BH)

Tôi cầm trên tay tấm thiệp cưới của Nhã gửi đến mà lòng phân vân, không biết có nên dự tiệc hay không? Tiệc cưới Nhã với Thuỳ nghe nói tổ chức rôm rả lắm, đặt trước nhà hàng cả mấy mươi bàn ăn sang trọng và khách mời toàn là dân có máu mặt ở thị xã nầy. Tôi là bạn thân của Nhã trong mười mấy năm, kể từ thời hai đứa còn đi học rồi sau đó, Nhã chuyển sang làm bên thương nghiệp, nhanh chóng phất lên nhờ tài ăn nói ngoại giao và tháo vát trong công việc. Còn tôi, vận nghèo cứ bám mãi, không chút tài năng nào nổi bật nên cuối cùng đành tự an ủi mình trong những trang viết không hồn vía. Và cũng vì thế, cách đây năm năm, tôi đã đánh mất một tình yêu mà lẽ ra đó là của tôi. Người lấy mất tình yêu của tôi là Nhã .

Chuyện thế nầy: Tôi, Nhã hồi đó cùng chung đám bạn với Phượng và Thuỳ. Chúng tôi chơi thân với nhau và trai gái cứ dính vào nhau như hai đôi sam không rời. Chuyện như tiểu thuyết tình cảm tay ba tay tư ba xu. Hồi đó, ai cũng nghĩ chúng tôi là những cặp tình nhân hạnh phúc, xứng đôi. Tôi và Phượng, Nhã và Thuỳ. Thì cái chuyện lửa gần rơm ngày nào cũng quấn quít nhau, đi có đôi có cặp, ý hợp tâm đầu có gì là lạ. Quán cà phê đầu phố là nơi chúng tôi thường gặp nhau vào mỗi tối và thú thật là tôi cũng có cảm tình với Phượng. Tôi yêu Phượng vì nhiều lẽ nhưng ấn tượng nhất là Phượng mang tâm hồn đồng cảm với tôi. Phượng sống khép kín, lãng mạn, một phụ nữ mẫn cảm, dễ xúc động, yêu thích âm nhạc, thơ văn. Nhã thì khác! Anh không giống tôi nhiều thứ. Giỏi kinh doanh, có tài ăn nói, nhiều vốn liếng nhưng hình như Nhã không đa cảm. Chuyện rung động trước một bản nhạc, bức tranh, bồi hồi trước một số phận nào kém may mắn hay hơn nữa, xót xa trước nghịch cảnh của ai đó … đối với Nhã là chuyện hoàn toàn xa lạ, thậm chí dửng dưng. Nói tóm lại, anh là người sống rất thực tế, cật lực làm việc để có tiền và hưởng thụ thành quả của mình làm ra còn những gì không liên quan thì mặc kệ, không muốn dính dấp. Thuỳ có cách nhìn giống Nhã. Gia đình cô ai cũng thành đạt, không về địa vị xã hội thì cũng giàu nứt đố đổ vách trong những phi vụ làm ăn có trời mới hiểu. Thế nên, cặp Thuỳ- Nhã có vẻ ăn ý với nhau. Họ dễ cảm thông nhau trong mọi chuyện. Ông trời cũng khéo se duyên, chọn chúng tôi thành những cặp bài trùng và tôi nghĩ thế nào rồi cũng nồi nào vung nấy. Điều đó cũng hợp lý thôi và tôi sốt ruột chờ thời gian làm nốt chuyện còn lại.

Nhưng rồi, một chuyện khó tin xảy ra, không lường trước được: Phượng yêu Nhã và đồng ý lấy Nhã. Cầm trên tay tấm thiệp cưới của họ mà tôi run lên vì ngạc nhiên hơn là tức giận. Tôi thật chẳng hiểu gì cả. Làm sao mà Phượng lại yêu Nhã được khi quan điểm sống của hai người cách xa nhau, sự đồng cảm trong tâm hồn dường như không có. Tôi là bạn thân của họ thế mà chuyện qua lại của họ kín như bưng, đến khi xảy ra thì có lẽ, tôi là người biết tin muộn nhất.

Đúng là không lường hết chuyện đời! Cuối cùng, người mà Phượng lấy là Nhã chứ không phải tôi. Phụ nữ bây giờ họ khôn ngoan lắm, người bạn nói như vậy khi thấy tôi ngạc nhiên tự hỏi về đám cưới nầy. Họ chỉ lấy người có bản lĩnh, năng lực, giàu có, lo cho cuộc sống họ, tương lai con cái về sau. Còn tình yêu thì tự khắc nó đến. Cuộc sống càng đầy đủ, sung túc  bao nhiêu thì tình yêu càng dễ đầy lên bấy nhiêu, không lo lắng về tiền bạc lại có điều kiện thoải mái tinh thần. Nói gì thì nói vật chất cũng quyết định ý thức. Anh bạn giải thích cho tôi trước khi chia tay còn bồi thêm câu nói có vẻ triết lý dạy đời ấy.

Ngày đó, tôi cũng làm mặt vui đi dự đám cưới của Phượng nhưng cõi lòng thì tan  nát. Không lẽ trong đám bạn thân thiết như vậy mà không dự ngày vui của bạn, đời người chỉ một lần. Hơn nữa, nếu không đi, bạn sẽ cho mình là ích kỷ, là ghét ganh với hạnh phúc bạn. Thôi thì đi! Cầm tấm thiệp cưới có in hình loan phụng quần nhau và hai cái tên lồng vào như không thể nào dứt ra được, tôi cố nén đau, thành tâm chúc Nhã và Phượng trăm năm hạnh phúc. Tôi hiểu mình là người thua cuộc và trong tình yêu, Phượng không có chỗ cho tôi. Cay đắng và tủi thân,  đêm ấy, tôi ra bờ sông một mình ngồi tự trách mình kém tài và không may mắn. Nhưng biết làm sao được. Số phận thường ít chịu mỉm cười với kẻ như tôi, một người không sự nghiệp, danh phận, chỉ có chút chữ nghĩa vớ vẩn lận lưng …

Thời gian cũng làm tôi nguôi ngoai. Thật ra, lúc đó tôi cũng giận Phượng nhưng tình bạn lâu năm đã giúp chúng tôi hàn gắn lại với nhau. Rồi cũng bộ tứ: Tôi, Thuỳ, Nhã – Phượng cùng đi chơi chung, san sẻ cùng nhau những vui buồn và quán cà phê viện bảo tàng hồi ấy lại đầy ắp câu chuyện, tiếng cười của chúng tôi. Thi thoảng, tôi cảm nhận được tình yêu và hạnh phúc của Phượng bên Nhã mà bất giác chạnh lòng. Nhất là những lúc Phượng thường cặp đôi cho tôi và Thuỳ với câu hỏi nửa đùa nửa thật: Bao giờ hai bạn cho tôi và anh Nhã uống rượu mừng đây …

*

Nhưng rồi người uống rượu đắng lại là tôi chứ không phải Phượng. Và người cho uống rượu cũng lại chính là Nhã. Sống với nhau đâu chừng năm năm, Phượng và Nhã có điều gì đó không ổn. Hàng ngày tôi vẫn thấy họ hạnh phúc bên nhau nhưng bên trong hình như đã có gì rạn nứt. Tôi cứ phấp phỏng lo âu và cầu cho nó đừng xảy ra, mặc dầu đó không phải chuyện của mình. Dẫu sao , họ cũng là bạn thân tôi và ván cũng đã đóng thuyền. Nhưng cuối cùng, Nhã và Phượng cũng ra toà lý dị, lý do nghe đơn giản như những cặp vợ chồng khác: không sống hợp nhau. Tôi thật sự ngỡ ngàng. Càng ngỡ ngàng hơn khi chỉ vài tháng sau lại nhận thiệp cưới Thuỳ của Nhã. Đúng là đám cưới nầy phải diễn ra từ đầu mới phải. Thuỳ hợp với Nhã hơn là Phượng. Mà sự đời đâu theo ý muốn của tôi. Nó cứ diễn ra tréo ngoe như vậy.

Tôi cứ phân vân mãi liệu có nên đi dự tiệc cưới nữa hay không vì chỉ mới năm năm trước, tôi đã đến chúc mừng Nhã với lời chúc trăm năm hạnh phúc. Mà giờ chỉ một phần hai mươi thời gian ấy thì hạnh phúc đã không còn. Rồi tôi sẽ chúc gì đây trong đám cưới của Thuỳ và Nhã. Chẳng lẽ lại là cái điệp khúc  chúc đôi bạn trăm năm hạnh phúc một lần nữa. Lời chúc ấy có điều gì nhẫn tâm với Phượng. Làm sao mà cô ấy không đau khi chồng cũ của mình lấy vợ mà người đó không ai xa lạ, lại chính là bạn cũ mình. Niềm vui của kẻ nầy lại là niềm đau của kẻ khác, thật oái ăm. Tôi quyết định sẽ không mang theo lời chúc nào đến với họ dù đó chỉ là một lời nói đầu môi.

*

Sau khi thôi chồng, Phượng có vẻ bớt ảm đạm hơn nhưng buồn lắm. Tôi và cô ấy vẫn thường ghé uống cà phê ở viện bảo tàng vào những lúc rảnh rỗi.  Nhã hình như đang đi ký hợp đồng làm ăn gì đó ở ngoài Bắc. Anh đang cật lực làm giàu và thần tài không phụ công người có chí. Gặp nhau, ngoài những câu hỏi thăm sức khoẻ, công việc làm ăn, tôi cố không đá động gì đến chuyện riêng tư của Phượng. Nhìn đôi mắt cô, tôi hiểu, chỉ cần động nhẹ vào quá khứ thì lập tức nỗi đau trong cô sẽ oà vỡ. Tôi sợ làm thương tổn Phượng. Và thương tổn chính tôi.

Nhưng cái tin Nhã lấy Thuỳ đã làm Phượng choáng váng. Phượng không tin điều ấy mãi cho đến lúc tôi đưa tấm thiệp cưới cho cô xem. Cô bối rối thật sự và đôi mắt nhòa nước. Lâu lắm, khi qua cơn xúc động, Phượng mới nhìn tôi gượng cười, đôi mắt đỏ hoe: Em đã nghĩ đến điều nầy trước khi Nhã cưới em … Cuối cùng rồi nó cũng đến …

Tôi cố lựa lời an ủi Phượng nhưng không biết nói gì và không muốn làm đau thêm vết thương đã bưng mủ. Tội nghiệp cho cô ấy! Hình như Phượng vẫn còn yêu Nhã. Đôi mắt cô đã nói lên tất cả. Nhưng trách ai bây giờ, chỉ tội nghiệp cho Phượng.

Rồi không chịu nổi uất ức, Phượng gục đầu vào tôi nức nở khóc, đôi bờ vai rung lên từng chặp. Tôi cố kìm tiếng thở dài, lau nước mắt cho Phượng. Bất giác, tôi cũng nghe lòng mình nhói lên những cơn đau ….

*

Đám cưới Nhã và Thuỳ diễn ra linh đình lắm, tôi nghe đám bạn đi dự tiệc về nói vậy nhưng hình như họ lấy nhau không phải là tình yêu. Thuỳ thì nhắm vào căn nhà ba tầng và túi bạc rủng rẻng của Nhã còn Nhã thì lấy Thuỳ vì cô có ông anh làm lãnh đạo ở chỗ cần quan hệ làm ăn. Gửi tấm thiếp mừng cho Nhã, tôi chợt thấy ngậm ngùi. Hoá ra, cuộc đời không đơn giản như tôi tưởng. Đến một lúc nào đó, hẳn ta nhận ra điều đơn giản nhất: hiếm hoi có một tình yêu chân thành xuất phát từ trái tim. Người đời sao giờ hoá rồ nhiều quá. Không có tình yêu vẫn cứ sống với nhau được, cũng sinh con đẻ cháu đầy đàn rồi cuối cùng đâu cũng vào đấy cả. Nhưng chạnh nghĩ lại hay là tôi hoá rồ cũng nên. Cứ khư khư ôm lấy tư tưởng tình yêu tuyệt đối, là không cần vật chất ấy thì lấy gì mà sống. Câu chuyện túp lều tranh hai quả tim vàng coi bộ đã xưa cũ lắm rồi …

 

Buổi tối, tôi đến nhà Phượng. Gõ cửa nhà cô, tôi mường tượng nhìn thấy cô buồn bã hoặc đau khổ khi nghe Nhã cưới Thuỳ. Tôi đang định lựa lời an ủi, may ra làm cô bớt chạnh lòng trong cái bạc bẽo đổi thay của tình đời, tình người mà cô đang gánh chịu .

Nhưng khi  bước vào nhà, trái ngược với suy nghĩ tôi, ngay trên bộ salon là một người đàn ông sang trọng, gương mặt phì nộn, hả hê cười nhìn tôi bối rối nhưng trông có vẻ mãn nguyện lắm. Còn Phượng, cô  vừa e thẹn cài chiếc nút vừa tụt xuống khỏi bờ ngực trắng mẩy vừa đấm vào vai của người đàn ông thùm thụp, nửa thương yêu nửa âu yếm. Không khó lắm cũng nhận ra họ mới vừa làm gì. Sự có mặt bất ngờ của tôi có khi làm hỏng bữa tiệc vui của họ đang đến hồi cao trào.

Tôi bước ra khỏi nhà Phượng mà không biết mình đi về đâu. Trước mặt tôi, những cô cậu trẻ măng đang đèo nhau trên những chiếc xe phân khối lớn phóng vùn vụt qua trước mặt. Có đứa còn quay lại nhìn tôi cười nham nhở như có ý nói rằng cuộc vui về đêm là của riêng chúng nó. Còn tôi, một lão già lẩm cẩm thì nên về nhà ngủ sớm, đừng léng phéng rửng mỡ đi rông trên đường khuya mà chuốc vạ vào thân. Thật sự  đến giờ, tôi vẫn không hiểu những điều chỉ xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Tôi lơ mơ giữa bao nhiêu diễn biến một cách tự nhiên trong cuộc sống hối hả bây giờ mà không biết xoay xở ra sao. Hay là tôi đã già, lẩm cẩm rồi cũng nên! Có lẽ vậy! Và tôi chợt bật cười khô khốc, cay đắng nhận ra mình đang lạc loài giữa giòng chảy của cuộc đời kỳ lạ nầy.

Thì về! Tôi tự nhủ vậy khi đếm bước về nhà mình . Đêm hình như đã khuya lắm.

Nguyễn Minh Phúc

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search