T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: VỚI NHÀ VĂN MAI THẢO

Nhà văn Mai Thảo

Đã có nhiều người nói về một Mai Thảo của tiểu thuyết, của truyện ngắn, của thơ, và của cuộc sống. Nhưng tôi thích nhất là nói về một Mai Thảo như người đàn anh trong văn chương. Cũng không phải là một kiểu cách thẩm quyền (mặc dù anh cũng ưa phán), nhưng là một “tình thân từ một bàn viết,” như chữ anh thường nói.

Một thời, anh Mai Thảo nói với tôi, “Tôi bảo cho em, đừng bao giờ làm báo.” Lúc bấy giờ, khoảng các năm đầu thập niên ’90, tôi đang làm tờ Giao Điểm, một tạp chí từ thiện của Phật Giáo. Tôi ngạc nhiên, nhưng không hỏi thêm. Phần thì tôi không bao giờ muốn vào những cuộc tranh cãi, phần thì khi ngồi với anh, tôi thích nghe hơn là nói.

Lời anh nói thật sự cũng đầy nghịch lý, bởi vì lúc đó anh vẫn đang làm tạp chí Văn. Tôi chỉ đoán hình như anh sợ tôi vướng vào thế giới báo chí phức tạp Quận Cam. Hiển nhiên là chuyện viết văn làm thơ không phải là làm báo. Nhưng tôi cũng không suy nghĩ nhiều. Tôi chỉ thích đi chơi với anh, một người tôi kiêng nể, kính trọng. Mời anh uống rượu và ngồi nghe anh nói, đó là hạnh phúc của tôi.

Nhưng cách anh cư xử với những người đàn em văn nghệ mới là điều tôi thích nhất. Anh Mai Thảo nổi tiếng mê rượu, đó là chuyện bình thường cũng y hệt như bao nhiêu người xưa thôi. Anh nổi tiếng ngang ngược, khinh người—điều này tôi thấy không đúng. Thật sự anh có ngang, nhưng những nhận xét về người và cuộc đời thường thì không sai. Anh quý trọng người cầm bút, kể cả những người anh chưa đọc chút nào. Và đã có biết bao nhiêu người cầm bút trẻ đến với anh mà anh chưa từng đọc dòng nào của họ. Nhưng anh vẫn luôn luôn trân trọng, ân cần thăm hỏi.

Tôi giao thiệp với anh Mai Thảo hơn hai năm sau, mới biết rằng anh chưa biết tôi viết những gì. Một lần, trên đường chở anh lên Los Angeles lấy báo Văn, anh Mai Thảo mới hỏi tôi có in cuốn sách nào chưa, và anh bảo tôi tặng anh một cuốn. Vài hôm sau, tôi tặng anh tập truyện Cậu Bé và Hoa Mai. Khi gặp lại, anh nói rằng tôi viết lành quá, có hay, nhưng khó mà lớn nổi. Tôi cũng chẳng hỏi anh thêm.

Sau này, có nhiều lúc anh nói về những người bước vào thế giới văn chương qua tờ Văn. Anh kể về chuyện anh khám phá ra Dương Nghiễm Mậu khi moi từ thùng rác Trần Phong Giao một tập bản thảo đã bị ném đi. Anh kể về những người cầm bút có bài đầu tay trên Văn, và sau đó viết cho các tạp chí Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21. Anh kể về những người anh không nỡ ném bài đi, và với thời gian họ đã dần dần viết hay hơn. Không phải chuyện họ viết hay hay dở, cũng không phải chuyện anh có từng đọc người này hay người kia, chỉ đơn giản là anh trân trọng tất cả những người cầm bút.

Một thời, anh ưa nhắc đến chữ “bọn ngoại đạo,” một nhóm chữ anh giành cho những người không cầm bút hoặc là những người có vị trí xã hội và muốn nhảy thêm vào thế giới chữ nghĩa. Chúng nó là bọn ngoại đạo, đó là cách anh Mai Thảo nói về một vài người. Nhưng tôi cũng không nghe anh nói gì về chuyện ai có thẩm quyền kết nạp người vào cái đạo cầm bút.

Nơi anh ở là một khu chung cư đường Bolsa. Trước kia anh ở tầng trên và sau này thì xuống tầng trệt bởi vì sức anh yếu dần, đi cầu thang vất vả hơn. Nơi đây đã có biết bao nhiêu người đến thăm anh. Hầu hết những người viết văn làm thơ Việt từ khắp thế giới khi về thăm Quận Cam đều nghĩ đến chuyện ghé thăm anh. Nhưng những người cầm bút thuộc các thế hệ đi sau đều nhìn anh như một người trọn đời sống với chữ nghĩa. Đây chính là một định mệnh, nhưng cũng là điều phải kính trọng.

Một thời, anh kể rằng suốt đời anh chỉ sống nhờ ngòi bút, từ trong nước ra hải ngoại. Bây giờ thì tôi tin rằng mỗi người có một định mệnh, nói như nhà Phật là nghiệp lực. Anh Mai Thảo thường quan tâm về đời sống những người cầm bút hải ngoại. Khi tôi mỗi tháng đưa anh lên Los Angeles lấy báo Văn, anh ưa hỏi xem tôi sống thế nào, vợ con ra sao, Khánh Trường có đói lắm không, Vũ Huy Quang có vất vả nhiều không, tờ báo của Nhã với Từ có thể vươn lên nổi không, Lê Giang Trần ra sao. Gần như bao giờ tôi cũng đáp là bình thường. Tôi không thích bi quan hay lạc quan, mất công giải thích thêm. Thứ nữa, tôi chỉ thích nghe anh nói.

Kiểu anh nói chuyện lôi cuốn nhờ thái độ bình thản ít thấy nơi người Việt hải ngoại. Dĩ nhiên nếu phân tích ra thì có nhiều yếu tố nữa: trí nhớ anh là một kho tàng thi ca tiền chiến, ngôn ngữ và đời sống anh thơ mộng, và trong lòng anh đầy những từ tâm. Bởi vậy, Dung thường nói, thích nhất là ngồi nghe anh Mai Thảo và Vũ Huy Quang nói chuyện, bấy giờ thì thế giới nhẹ nhõm hơn, cuộc đời thơ mộng hơn.

Nhưng một đôi khi, ít nhất thì là một lần, tôi bắt gặp (hay có cảm giác như bắt gặp) anh cũng có nỗi sợ cô đơn. Hãy hình dung rằng, anh Mai Thảo nửa khuya về nhà sau bữa tiệc rượu với bọn nhà văn trẻ (nói là trẻ, bởi vì các nhà văn già khác không la cà quán xá uống rượu như vậy). Hãy thấy rằng anh đẩy cửa vào căn phòng lạnh và tối trong khu chung cư Bolsa. Bạn thân giây phút này chỉ là TV, bàn ghế… Và cứ như vậy gần 20 năm.

Một đêm, sau bữa tiệc rượu đông người, anh bảo tôi và Dung chở anh ra biển. Bấy giờ là 2 giờ khuya. Anh chỉ bảo là phải tìm chỗ uống thêm. Anh bảo lái xe hết đường Beach, rẽ tay mặt và tấp vào quán rượu Maxwell’s. Đó là lần đầu tiên tôi biết tới quán này. Maxwell’s ngay trên bờ biển Huntington Beach nhìn ra những đợt sóng, nhưng anh bảo chúng tôi ngồi ngay quầy rượu—ngoài hành lang thì gần biển nhưng lạnh kinh khủng.

Anh nói với người pha rượu, và đòi pha một ly theo kiểu riêng của anh, trong khi người nữ ca sĩ Mỹ hát trên sân khấu những bài lạ lẫm và khó nghe. Không khí trong quán huyền bí, và anh Mai Thảo ngồi không vững, nhưng vẫn nhất định không về. Tôi và Dung thay nhau đỡ anh ngồi cho thẳng. Tôi đột nhiên có cảm giác đã thấy hình ảnh này như từ lâu lắm rồi, như dường là hàng triệu kiếp về trước, cũng bên một quầy rượu cũng với anh Mai Thảo, cũng với Dung. Một cảm giác như không có thật, nhưng hiển hiện và đầy trong ký ức hàng triệu kiếp xưa.

Tôi không bao giờ hiểu được cảm giác lạ lùng trên. Nhưng khi ôm anh trong tay giữa quán Maxwell’s, tôi không thấy anh như một nhà văn thế hệ trước, mà chỉ như hình ảnh một người cha. Cũng chính giây phút đó, tôi thấy mình như sờ chạm vào nỗi cô đơn của anh—nó như lơ lửng trên không, bay lảng vảng quanh người anh. Vài hôm sau, tôi viết xong một truyện ngắn, kể lại về một đêm ngồi trong quán Maxwell’s.

Mới ba tháng trước, tôi đọc trên báo O.C. Register và biết rằng quán rượu Maxwell’s đã bị đập phá để sẽ xây lên một khu giải trí. Cầm tờ báo trên tay, tôi nghĩ ngay tới anh Mai Thảo và tự nhủ, cuối tuần sẽ phải tới thăm anh. Nhưng tôi vẫn chưa bao giờ kể cho anh biết quán rượu này không còn nữa. Thêm một điều, anh Mai Thảo từ nửa năm nay không còn giữ thói quen ra quán nào uống nữa. Anh chỉ uống ngay trong căn phòng chung cư, lạnh và tối. Đôi khi với những người bạn trẻ. Và đôi khi thì một mình. Với pho tượng Phật mới tinh được đặt trên chiếc TV gần cửa.

Cho tới khi Mai Thảo mất, tôi cũng chưa hỏi anh về chuyện tại sao không nên làm báo. Nhưng điều này xét ra không cần thiết, bởi vì như dường định mệnh của tôi đã thấy là khó rời bỏ được thế giới báo chí. Vâng, cũng y hệt như định mệnh của anh.

Phan Tấn Hải

(Trích: Bản thảo Viết Từ Phương Xa)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search