T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đọc ‘Marie Curie – Một Đời Hy Sinh Cho Khoa Học’ Của Nguyễn Thế Tài

Marie-Curie

Hình bìa cuốn sách.
Huỳnh Kim Quang
Đối với người dân Sài Gòn, Trường Trung Học Marie Curie là một cái tên rất quen thuộc, bởi vì ngôi trường lấy tên của nữ khoa học gia đoạt 2 giải Nobel Vật Lý và Hóa Học này là một trong những ngôi trường lâu đời nhất – thành lập vào năm 1918 – của Hòn Ngọc Viễn Đông.

Nhưng có lẽ ít ai, trong đó có tôi, biết rõ về thân thế sự nghiệp và những phát minh khoa học kỳ diệu đã mang lại vô số lợi ích cho đời sống nhân loại, mà điển hình nhất sự phát minh ra chất phóng xạ Radium của bà.

Chính vì vậy cuốn sách “Marie Curie – Một Đời Hy Sinh Cho Khoa Học” của tác giả Nguyễn Thế Tài, cũng là nhà thơ Thy An, vừa mới được NXB Lotus Media ấn hành vào giữa năm 2021, là một tài liệu lịch sử vô cùng quý giá về người nữ khoa học gia đã tận tụy cống hiến suốt đời cho khoa học.

Cuốn sách dày khoảng 240 trang gồm 8 chương trải dài theo cuộc đời của nữ khoa học gia Pháp gốc Ba Lan Marie Curie, từ bối cảnh gia đình, những năm tháng của tuổi thơ, thời gian đi học xa nhà, lập gia đình với Pierre Curie cũng là một giáo sư khoa học, phát triển tài năng và những phát minh độc đáo, và năm tháng cuối đời. Cuốn sách còn có thêm phần phụ bản, chú thích và đối chiếu danh từ kỹ thuật.

Khi cầm cuốn sách ‘Marie Curie – Một Đời Hy Sinh Cho Khoa Học’ trên tay, thoạt tiên tôi có cảm tưởng sẽ chẳng có gì thích thú để đọc bởi vì đó là một cuốn tài liệu nhân vật không tránh khỏi khô khan và nhàm chán. Nhưng khi đọc vào sách thì những suy nghĩ lúc ban đầu đã tan biến đi đâu mất để còn lại là sự say mê thích thú đọc từ trang này sang trang khác.

Sở dĩ một cuốn sách viết về một nhân vật khoa học có sức lôi cuốn tôi đến thế bởi vì Nguyễn Thế Tài không viết nó theo kiểu những nhà nghiên cứu hàn lâm với những con số thống kê, về các công thức toán học, hóa học, vật lý học, v.v… Nguyễn Thế Tài viết cuốn Marie Curie như viết một cuốn truyện, một cuốn tiểu thuyết, dĩ nhiên không thể là hư cấu hoàn toàn. Tác giả vốn là một nhà thơ cho nên chữ nghĩa của anh rất văn chương mượt mà và đây cũng là một trong những ưu điểm lôi cuốn người đọc như tôi.

Chẳng hạn, khi kể chuyện Maria Curie trên chuyến tàu đêm về nhà sau bao năm đi học xa nhà, Nguyễn Thế Tài đã mô tả tâm trạng và cảnh vật thật đẹp như sau:

“Thế là sau hơn 7 năm trời cố gắng và phấn đấu, cô thiếu nữ Mania, 24 tuổi, sửa soạn bước sang một khoảng đời mới, nơi một thành phố mới.
Trên chuyến tàu đêm xuyên Đức, co mình trong gió lạnh, Mania nhìn lên bầu trời: nàng nhớ về quá khứ, nghĩ mông lung đến tương lai. Một ngày nào đó, nàng sẽ trở về thành phố thân yêu Varsovie, sẽ trở thành một nữ giáo sư.

Nàng có ngờ đâu một định mệnh mới đang chờ đón nàng.” (trang 37)

Có một chi tiết trong cuốn sách cho thấy tác giả Nguyễn Thế Tài có cái nhìn rất tinh tế khi anh kể chuyện lúc Marie đoạt giải thưởng cho bài nghiên cứu về từ tính của thép và đặc tính phóng xạ, Hàn Lâm Viện thay vì trao giải thưởng trị giá 3800 quan trực tiếp cho Marie thì lại gửi cho chồng của bà là Pierre. Nguyễn Thế Tài đã nhận xét chi tiết này như sau:

“Sự kiện này cho chúng ta thấy là thời đó, giới hàn lâm còn nhiều khắt khe với nữ giới và ngay cả những người khoa học cũng còn nhiều thành kiến khi phán xét khả năng của phái yếu.” (tr. 87)

Ngay cả trong phát minh khoa học tưởng như là khô khan, Nguyễn Thế Tài cũng có thể làm cho nó mang sắc thái lãng mạn và tình tứ đến ngây ngất. Khi viết về sự kiện thành công trong khám phá chất Radium của hai vợ chồng Curie, tác giả Nguyễn Thế Tài mô tả giây phút hạnh phúc của họ khi nhìn thấy công trình nghiên cứu cực khổ bao lâu đã thành tựu:

“Marie giữ tay chồng, thì thầm nói nhẹ:

“Pierre, anh còn nhớ ngày nào anh mong muốn nó sẽ có một màu thật đẹp không?”.

Đẹp thay: trong bóng tối chập chờn, từ xa, chất Radium đang tự nhiên tỏa ra một màu xanh yếu ớt, lung linh mờ ảo. Như trong giấc mơ.

“Nhìn kìa, nhìn kìa,” Marie chỉ tay lên mẫu Radium đặt trong một đĩa thủy tinh, trên bàn. Nàng lần mò tìm một chiếc ghế và ngồi xuống, tận hưởng giây phút tuyệt vời. Trong bóng tối và yên lặng, khuôn mặt hai người được lờ mờ chiếu sáng bởi thứ ánh sáng nhiệm mầu mang tên Radium.

Marie mãi mãi ghi nhớ đêm tuyệt vời này, đẹp như truyện thần tiên.” (tr. 94)

Kể lại tai nạn thảm khốc đã cướp đi mạng sống của Pierre là chồng của Marie, Nguyễn Thế Tài đã làm người đọc bùi ngùi theo giọng văn đầy cảm xúc của anh.

“6 giờ chiều. Có tiếng mở khóa. Marie xuất hiện, vui vẻ nhưng chợt khựng lại khi thấy khuôn mặt cực kỳ nghiêm trọng của bạn. Linh tính cho nàng biết có một sự chẳng lành.

Khi nghe kể lại câu chuyện, nàng đứng yên thật lâu. Không ngã xuống, không kêu gào, không khóc. Nàng yên lặng chịu đựng như đã biết bao lần chịu đựng trong cuộc đời.

Sau cùng nàng hỏi lại, bàng hoàng như không tin vào sự thật:
“Pierre đã chết? chết? Chết thật sự?”.

Khuôn mặt Marie như khô lại, nàng không nghe rõ những lời chia buồn. Nàng đang biến dạng: từ người phụ nữ sung sướng và hạnh phúc thành một góa phụ, cô đơn, không ai có thể an ủi được. Ngày thứ năm 19 tháng 4 năm 1906 đã vĩnh viễn cướp đi hạnh phúc thật sự của đời nàng.” (tr. 129-130)

Khi viết về sự ra đi của nữ khoa học gia Marie Curie, Nguyễn Thế Tài đã dùng những từ ngữ cao đẹp và trân trọng nhất để tiễn người đi.

“Sancellemoz, rạng đông ngày 4 tháng 7 năm 1934. Khi mặt trời bắt đầu ửng hồng những đỉnh núi xa xa, tia nắng đầu ngày xuyên qua khung cửa, chiếu lên khuôn mặt Marie Curie. Khuôn mặt nhăn nhúm vì đau đớn, đôi mắt tàn lụi không còn mở ra được. Bà nằm yên, nhưng tất cả tinh anh như vẫn còn đó. Căn phòng thật im lặng. Rặng núi Alpes hùng vĩ, sừng sững giữa bầu trời trong xanh, dang tay đón bà.

Bà đẹp như một nữ hiệp sĩ vừa hoàn thành sứ mạng cao cả. Cho Khoa Học và cho Nhân Loại.” (tr. 194)

Trong phần Kết Luận cuốn “Marie Curie – Một Đời Hy Sinh Cho Khoa Học,” tác giả Nguyễn Thế Tài nhắc đến sự trăn trở của bà đối với quê hương sinh thành Ba Lan và lòng biết ơn của bà đối với quê hương thứ hai nước Pháp.

“Bà trăn trở với nỗi đau của quê hương sinh thành, một quê hương bị áp bức và thống khổ. Ngày lấy lại độc lập, bà đã nghe tiếng gọi của chính quê hương đó, vui mừng đóng góp phần nhỏ nhoi của mình vào đại cuộc đất nước, không vụ lợi, không ham danh, chỉ với tấm lòng thành của một công dân.
Bà mang ơn quê hương thứ hai, quê hương đã cho bà cơ hội thăng tiến, quê hương của người chồng vắn số suốt đời yêu thương bà và đã cùng bà đi suốt một khoảng đời nghiên cứu, trong khó khăn, gian khổ. Quê hương của ân nghĩa mà bà đã tận tình đền đáp lại.

Trọn cuộc đời, bà đã hy sinh cho Khoa Học và cho Con Người.” (tr. 198)

Cảm ơn tác giả Nguyễn Thế Tài.
(Nguồn: Việt Báo online)
Bài Mới Nhất
Search