T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Thanh Sơn: Một Buổi Cầu Hồn

   

      Ảnh (HKL)

Lễ gọi hồn cho thằng Thực vào ngày thứ bốn mươi chín. Vị  pháp sư thần chủ điều hành lễ cầu hồn là ông Long Thiên. Bên ông còn một đệ tử mà người này sẽ “lên đồng”. Người đệ tử của ông Thiên là lão già xấp xỉ tuổi sáu mươi, khuôn mặt gầy, miệng móm mém,  cái lưng còng hình dấu hỏi.  Với ông Long Thiên, người làng xã này không ai là không biết, một vị pháp sư có uy tín, nghề độc quyền, nghề bất thành văn bởi không có mức thang chung nào để đánh giá về nghề này. Khách hàng của ông là những người có thân nhân chết oan uổng, chết bất đắc kỳ tử. Ông ta biết dẫn dắt câu chuyện để đem lại lòng tin, khơi dậy trí tưởng tượng phong phú cho khách hàng là biết thêu dệt câu chuyện sao cho có đầu có đũa, có gút thắt thế nào để đạt đỉnh cao trào khiến người nghe phải sởn da gà!

Quanh làng tôi thường đồn đại rằng, khi còn trẻ, ông Long Thiên, nhân chuyến làm ăn ở tận miền sơn cước, cơ duyên  nên ông ta được một vị pháp sư truyền nghề cho. Vị thầy của ông cao tay ấn, người có thể hô phong hoán vũ, điều khiển được âm binh, người tạo ra được những đoàn binh bằng những hạt đậu và đã  từng dùng nón lá làm thuyền vượt qua sông một cách dễ dàng. Những chuyện hư thực này không phải do ông Thiên nói ra, mà chính người trong làng xã thêm thắt, thêu dệt, tâng bốc nghề của ông thêm huyền  diệu. Vì lẽ đó, việc ông  làm đầy huyễn hoặc, khó xác định đâu là thực hư,  biến ảo theo niềm tin của gia chủ  với đấng siêu nhiên!

Buổi sáng, thầy trò cùng gia đình Thực ra đầu ngọn Gành Gà quê tôi, nơi nó bị chết đuối, ông ta đặt bàn hương án .

Mâm trên đông bình tây quả, bày biện thật tinh khiết dành cho các vị có chức sắc, danh phận. Mâm dưới hầm bà lằng các loại, chính giữa đặt con gà cồ luộc chín, những lá cờ cắt bằng giấy mỏng hình tam giác hoặc hình vuông theo đế chế thời xa xưa cắm chung quanh một khay hàng mã vàng bạc châu báu. Thầy pháp khấn vái ngài Nam Hải Đại Tướng Quân, Bà Cửu Thiên Huyền Nữ, Thần Hoàng bổn xứ chứng giám buổi gọi hồn của Thực còn liêu xiêu ở đâu đó nơi đầu gành cuối bãi.

Buổi chiều, nơi nghĩa địa làng có cái mả tượng trưng của Thực. Cái ụ đất này gia đình dự định sẽ xây cho nó cái mả vôi, dựng lên tấm bia có khắc hoa văn, chữ nghĩa trên đó để tháng rộng ngày dài không bị thất lạc, chống lại sự quên lãng của thời gian. Trên gò mả tượng trưng, đệ tử vị pháp sư làm động tác của kẻ lên đồng, ông ta vần vũ quanh gò mả với điệu luân vũ lạc nhịp, chân nam đá chân xiêu của kẻ say và miệng ú ớ những điều không  rõ. Hành động đó như đang gọi hồn về nhập vào thân xác kẻ lên đồng gầy còm ốm yếu kia.

Hồn được  gọi về gian phòng thờ phụng tổ tiên của gia đình. Ngay cạnh cửa ra vào của gian nhà, gia chủ đặt bàn thờ của kẻ mới chết, lão lên đồng ngồi bất động trước đó, trên đầu bịt kín bằng vuông vải đỏ. Trước mặt lão là chậu nước, nước được múc lên từ bờ sông nơi thân xác nó bị chìm đắm tại đó, trong chậu có tấm hình kẻ chết được xử lý  trông  như thật, diện bộ com lê  trông rất chỉn chu, ra dáng. Ngoài ra còn những vật dụng linh tinh khác nhằm tái hiện, xây dựng hiện trường lúc nạn nhân bị sự cố. Với đôi mắt tinh tường của vị pháp sư, một tay ấn cao cường sẽ nhận diện được hồn vía thằng Thực là hình ảnh thực sự hay chỉ là ma đói lạc loài nào đó đến để xôi thịt, phá phách gia chủ. Vị pháp sư đứng sau kẻ lên đồng, bắt ấn, niệm chú gọi hồn. Trong nhà, ngoài sân, mọi người đều ở tâm trạng đau buồn, những người khách xóm láng giềng gần, kẻ hiếu kỳ muốn xem xem Thực đã chết như thế nào, liệu nó có yên bình nơi cực lạc như tấm liễn “vãng sanh cực lạc” được treo trước bàn thờ hay đang là con ma đói liêu xiêu nơi đầu ghềnh cuối bãi.

Bây giờ, nơi đây, trong không gian nhuốm màu huyền hoặc đầy vẻ liêu trai nhang khói, ánh sáng chập choạng của cây đèn cầy tỏa xuống, hắt cái bóng liêu xiêu của lão lên đồng chập chờn trên vách tạo ra nhiều hình dáng ma quái, dị dạng. Mỗi động tác của ông ta mạnh dần lên theo tiếng niệm chú gọi hồn của vị pháp sư, các cơ thân của lão gồng lên chứng tỏ như đang chiến đấu với một thế lực đen tối nào đó, đôi bên giằng co, kẻ thắng người thua vẫn chưa được phân định rõ ràng. Sau một hồi bất phân thắng bại, lúc đầu phần thắng nghiêng về thế lực xấu xa, nhưng cuối cùng kẻ xấu vẫn bị đè bẹp, dần loại khỏi cuộc chơi đầy cam go bí hiểm này. Kẻ lên đồng có những động tác nho nhỏ, vuông khăn vải điều khẽ lay động, sự lay động này mỗi lúc một mạnh dần lên, trong miệng lão phát ra giọng trầm, giọng kim rin rít. Vị pháp sư nói như ra lệnh:

“Phải hồn Trần Thực  hay hồn nào khác?”

Lão lên đồng khẽ gật đầu, giơ ngón tay như đồng ý với vị pháp sư. Tuy thế, ông vẫn chưa toại nguyện, còn điều gì đó nghi ngờ về tính chân thật của hồn, đồng thời ông muốn thể hiện năng lực của mình. Theo ông (sau này ông mới nói cho gia chủ biết) khuôn mặt của kẻ chết đuối hiện rõ trong chậu nước, trông nó thông minh, mảnh khảnh và buồn. Một phần thân xác đang bắt đầu tan rã. Vị pháp sư cắt ba miếng giấy, một miếng ghi tên họ của Thực, còn hai miếng kia để trống. Đoạn, ông đặt ba miếng giấy trên dĩa trước mặt kẻ lên đồng rồi hô lớn:

“ Hồn hỡi hồn! Nếu hồn còn thương cha mến mẹ, còn vương vấn cõi hồng trần này, còn nhiều điều khúc mắc trong tâm can chưa thể thổ lộ cùng ai thì về đây, về đây mà nhặt đúng tên mình trên tờ giấy kia. Nếu đúng, thầy sẽ giải bày niềm oan khuất!”

Hồn ngần ngừ một lúc lâu, mọi người đang hồi hộp, lo lắng, bán tín bán nghi về tính chân thật của buổi gọi hồn, ai nấy đều trương to đôi mắt theo dõi từng động tác của hồn. Hồn như hiểu được tâm trạng của mọi người nên đã chơi trò ú tim, hay đang dò tìm ở cõi siêu nhiên nào đó, đang thẩm định giá trị trong khoảnh khắc. Như không để mọi người phải sốt ruột, hồn đã chọn đúng tên mình trên mảnh giấy đặt trên dĩa. Bấy giờ mọi người mới rú lên, đầu tiên là người mẹ, bà ôm chầm lấy hồn (kẻ lên đồng) mà khóc tấm tắc tấm tưởi:

“Con bỏ cha bỏ mẹ sao đành, hỡi con ơi! Con linh thiêng hãy bày tỏ nguồn cơn cùng mẹ. Con chết oan uổng, chết tức chết tối, con sa chân sẩy tay hay có người ám hại con. Bây giờ con đói con khát, con cô đơn lạnh lẽo ở ngoài kia. Hu..hu con ơi con hỡi là con!..”

Người cha có phần trầm tĩnh hơn, dù thương con gấp bội nhưng vẫn cố nuốt nước mắt vào lòng, khuyên ngăn vợ.

“Bà nó ơi! Bà hãy cố bình tâm trở lại đi, đừng làm rối thêm sự việc. Dù gì đi nữa thì con mình cũng đã yên phần mãn số.”

Nói là nói vậy nhưng ông không cầm nổi nước mắt, cũng đến ôm lấy hồn, cả hồn lẫn ông đều khóc. Ông nói trong dòng nước mắt:

“Con ơi! Sao con chết thê chết thảm, chết không có đất để mà chôn!”

Người trong nhà, kẻ ngoài sân ai nấy đều động lòng trắc ẩn, có người không cầm nổi nước mắt, đôi mắt đỏ hoe. Lúc này, mọi sự nghi ngờ về tính giả chân của sự việc đã xóa dần trong tâm trí của mọi người, ai nấy đều chăm bẵm nhìn từng động tác của hồn. Hồn quay đi nhìn lại mọi người chung quanh, từ kẻ thân người sơ. Trước tiên là người chú. Vị pháp sư hỏi:

“ Người này là ai?”

Hồn ú ớ trong cổ họng, đưa hai ngón tay lên trời. Pháp sư “phiên dịch” cho mọi người cùng rõ;

“Hồn nói đây là chú hai.”

Sau đó hồn chỉ tên từng người một, kẻ thân người sơ, kể lể dông dài những mắc míu đời thường, những niềm vui nỗi buồn lẫn lộn như những ngày hồn đã từng sống, từng quan hệ với người này người kia như chưa gởi xác ở ngoài bến bãi.

Người mà hồn gọi là chú hai, thần kinh ông khá vững vàng, lên tiếng:

“Hồn thực là con cháu của chú, hãy nói rõ nguyên nhân nào chết, chết trong hoàn cảnh nào?”

Hồn vươn hai tay chỉ lên trời đang giông gió dữ dội, sấm chớp liên hồi. Nó đang kéo lưới nhưng sóng quá dữ đành phải chuồi theo dòng nước. Con thuyền đang chạy bỗng quay tròn rồi chìm lỉm. Nó biểu hiện động tác đang bơi rồi đập mạnh vào bắp vế như đã gặp một sự cố nào ghê gớm lắm, sóng vỗ vào lồng ngực mình ran tức vì ngậm nước, ho sặc sụa, hai tay ghì vào lớp nước như cố víu vào vật nào đó để tìm sự sống, nhưng tất cả đều chấm hết. Hồn gục đầu xuống như không còn chuyện gì để nói.

Hồn giơ hai tay lên trời như bảo rằng không do ai, đừng đổ lỗi cho một người nào đó, đừng chuốc thù gieo oán cho nhau. Hồn chỉ tay lên trời như bảo rằng đó là số phận, là ý trời. Hồn ngó quanh quất như cố tìm tôi nép sau cánh cửa, ngoắc tôi vào như tình cảm thân thiện ngày nào. Tôi rụt rè ngồi bên, cái cảm giác ớn lạnh chạy dọc theo sống lưng, cả người nổi da gà mà đến bây giờ khi nhớ lại, tôi vẫn còn cảm giác đó.

Nguyễn Thanh Sơn

( trích trong truyện thương nhớ làng ơi)

 

 

Bài Mới Nhất
Search