T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Quân: Thương tiếc nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương

Nhờ những tình cờ may mắn, tôi quen nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, tác giả bài thơ “Còn gặp nhau…”. Một bài thơ được biết bao người yêu thích, trích dẫn, chuyền tay nhau đọc, được viết thư pháp trên giấy, trên lụa, trên đá…

Gần 20 năm trước tại München, nước Đức, tôi gặp cô Hỷ Khương trong buổi trình diễn của giáo sư Trần Văn Khê và một số nghệ sĩ âm nhạc dân tộc Việt Nam. Có lẽ như những khán giả người Việt có mặt hôm đó, tôi thật xúc động khi nghe cô Hỷ Khương, với giọng Huế ngọt ngào, ngâm bài thơ tặng người cha đã mất. Cuối giờ, tôi có được đôi phút chuyện trò với cô. Tuy là lần đầu tôi gặp cô, tôi vẫn cảm nhận tình thân ái, tưởng như người quen, lâu ngày gặp lại. Hôm ấy, cô bảo, muốn tặng tôi tập thơ nhưng không có sẵn. Cô sẽ đem theo vào ngày trình diễn kế tiếp. Tôi dự định hôm sau đến gặp cô. Vì bận bất ngờ, tôi phải thay đổi chương trình và tiếc mãi đã hụt món quà thơ của thi sĩ xứ Huế. Thế mà, trước khi cô về Việt Nam, cô nhờ một người trong ban tổ chức chuyển cho tôi tập thơ của cô. Cô không có địa chỉ của tôi. Cô chỉ nhớ tôi là một o Huế tên Ngọc Thúy ở Đức. Một hôm, thật bất ngờ, một người của văn phòng du lịch, nơi tôi có lần đặt vé máy bay, gọi cho tôi, nhắn đến văn phòng chị ấy nhận quà của cô Tôn Nữ Hỷ Khương. Tôi rất vui mừng xen lẫn ngạc nhiên. Từ đó, tôi thư qua, thư lại, thỉnh thoảng gọi điện thoại cô Hỷ Khương. Cô gọi tôi là em, xưng chị, thật thân thiết, gần gũi. Những lần về Việt Nam, tôi rủ vài người bạn thân cùng đến thăm cô. Cô thủ thỉ nói chuyện thơ văn, cô dắt chúng tôi đi ăn các món Huế. Cô như người chị lớn, trìu mến ngó mấy đứa em ríu rít chuyện trò.

Tại Thùy Khương Trang năm 2012

 

Một lần, trong buổi họp mặt gia đình, người anh cả của tôi trao cho tôi một gói quà từ Việt Nam. Hỏi ra mới hay, cô Hỷ Khương nhờ một sinh viên sang Đức du học mang quà cho tôi. Tình cờ, trong thời gian học ở Đức, cậu sinh viên ở trọ nhà anh tôi. Mới qua Đức, chưa rõ đường đi nước bước, cậu sinh viên hỏi cách thức để gởi quà theo bưu điện. Nhìn tên và địa chỉ của tôi trên gói quà, anh tôi nghiễm nhiên trở thành người đưa thư. Vậy là mọi việc được sắp xếp một cách kỳ diệu để tập thơ “Thơ Dâng Cha Mẹ” đến với tủ sách quý giá của tôi.

Trong tập thơ “hãy cho nhau” cô ghi lời đề tặng: “Để em đọc cho vui và đồng thời cũng để ‘chiêm nghiệm’ cuộc đời…”  Sống trên đời gắng giữ trọn chữ Tâm/ và nhất niệm báo ân- đừng báo oán.

Những khi nhận email từ địa chỉ thuykhuong@…với lời mở đầu thư: “Ngọc Thúy thân quý, Ngọc Thúy thương mến…” lòng tôi reo vui đón chào những thương yêu nhẹ nhàng từ cô. Cô viết: “Bài Nhớ Tiếng À Ơi em viết quá dễ thương và chứa chan tình cảm dành cho quê hương đất nước. Xúc động lắm. Chị thích nhất đoạn tả ánh trăng cứ đi theo mình… Quá đúng và quá hay. Đọc đoạn này chị sống lại cả một dĩ vãng xa xôi. Hồi còn nhỏ ở Huế, nhớ những đêm ‘đo theo trăng’…Thật tuyệt vời!”. “Đọc mấy bài viết của em, vui ơi là vui! Đó là những liều thuốc bổ vô giá. Nhất là đối với những người có tuổi, lại đang bịnh thì càng quý biết chừng nào!”… Những lần nói chuyện qua điện thoại với cô, cô cười trong trẻo: “Hai chị em nói chuyện đã đời hả em”. Có lần tôi viết email hẹn gọi điện thoại cô. Bận rộn thế nào, tôi quên bẵng, khi sực nhớ, tôi xuýt xoa xin lỗi. Cô cười xòa, vui vẻ đọc: Đến tuổi này không quên mới lạ,/ Chuyện nhớ quên là chuyện bình thường,/ Chỉ mong Trời Phật độ thương/ Chỉ quên ít ít chớ đừng quên luôn. Đó, cô Hỷ Khương là như vậy đó. Cô chẳng giận hờn, quở trách ai bao giờ. Cô nhẹ nhàng nhắn nhủ: Hãy cho nhau vị ngọt bùi/ Hãy cho nhau vạn ngàn lời yêu thương.

Tháng Chín năm nay, nghe tin cô bệnh nặng, tôi viết thư hỏi thăm. Gởi cô xem tấm hình chụp chung với cô ở nhà cô, nơi cô gọi là Thùy Khương Trang. Cô vui lắm, cô cho biết vẫn còn chuyền thuốc. Cô nhắc đến người bạn đã cùng tôi đến thăm cô gần 10 năm trước. Cô minh mẫn quá. Tôi muốn gọi điện thoại nói chuyện với cô. Chưa thực hiện được. Chú Thùy báo tin bệnh tình cô chưa thuyên giảm. Nhưng tôi vẫn mong và cầu nguyện cô mau chóng bình phục.

Thật bất ngờ, hôm nay tôi nghe tin nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã giã từ cõi tạm. Thương và tiếc cô Hỷ Khương quá.

Chị Hỷ Khương quý mến,

Những lần gặp chị, những cuộc điện đàm, những thư từ qua lại với chị trong gần 20 năm là những kỷ niệm thật đẹp, thật êm đềm, thật đáng yêu. Những tình cảm chị dành cho em, em dành cho chị, là những món quà quý giá mình dành cho nhau, phải không chị Hỷ Khương. Em xin đốt nén hương lòng tưởng nhớ chị. Chị vĩnh viễn lìa xa, nhưng những câu thơ ăm ắp tình cảm của chị vẫn còn đây.

Còn gặp nhau thì hãy cứ thương

Tình người muôn thuở vẫn còn vương,

Chắt chiu một chút tình thương ấy

Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường.

Hoàng Quân

24.12.2021

*Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương, sinh năm 1937 tại Vỹ Dạ, Huế, là con của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Bà vừa qua đời ngày 24-12-2021, hưởng thọ 84 tuổi.

Tác phẩm đã xuất bản:

– Đợi mùa trăng (thơ, 1964)

– Mộng thanh bình (thơ, 1970)

– Hồi ức về cha tôi- Ưng Bình Thúc Giạ Thị(1996, tái bản 2002, 2011)

– Còn gặp nhau (thơ, 1999)

– Bâng khuâng tình khúc (thơ, 2001)

– Hãy cho nhau (thơ, 2004)

– Nước vẫn xanh dòng (thơ, 2005)

– Thơ tình và tình thơ(2006)

– Hồi ức cha tôi (hồi ký, 1996, tái bản 2002)

– Thơ Dâng Cha Mẹ (2007)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search