T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Ngọc Chính: Sài Gòn – Tứ Đổ Tường

clip_image001

Cảnh hút thuốc phiện thời xưa

(Trích: Hồi Ức Một Đời Người)

Trước thế chiến thứ hai (1939-1945), từ những năm 1920, Sài Gòn đã được tôn vinh là La Perle de l’Orient tức Hòn Ngọc Viễn Đông. Cũng cần phải nói thêm, danh hiệu này do những ký giả hoặc nhà văn người Pháp ban tặng chứ không phải do dân Sài Gòn tự phong. Sau 1945, Sài Gòn vẫn hơn hẳn Bangkok về nhiều mặt, nhất là… ăn chơi.

Chế độ bảo hộ của người Pháp đã để nhân dân Nam Kỳ ăn chơi ‘tự do’, thậm chí đến mức xa đọa. Những món ăn chơi được gọi chung là ‘tứ đổ tường’ gồm: yên (thuốc phiện), đổ (cờ bạc), tửu (rượu chè), sắc (trai gái) đều được coi như hợp pháp trong suốt thời gian từ 1945 đến 1954.

Rồi Em sẽ dìu Anh trên cánh khói…

Thuốc phiện là một đề tài nổi bật trong các món ‘ăn chơi’ của Sài Gòn vào những thập niên trước 1950. Thuốc phiện có thể được dùng để hút, nhưng cần nhiệt độ cao để chất alkaloid bốc hơi, vì thế người ta thường sử dụng những ống điếu đặc biệt, gọi là dọc tẩu, mỗi khi hút. Người hút nằm tựa bên cạnh chiếc đèn dầu lạc, thổi vào chiếc dọc tẩu phía trên than hồng để tăng nhiệt. Khi thuốc phiện bay hơi, người hút bắt đầu hít vào để ‘phê’.

Một cách thông dụng khác là làm bay hơi thuốc phiện trên một tấm kim loại được đun nóng từ phía dưới bằng hộp quẹt. Hơi thuốc sau đó được hít vào thông qua một ống nhỏ. Đây là giây phút được gọi là ‘lên tiên’, và đây cũng là một cách chung để hút các thuốc có hòa thuốc phiện khác – morphine, heroin – mà ta thường thấy ngày nay.

Sách Quốc văn giáo khoa thư từ thời Pháp thuộc đã lên tiếng cảnh báo về thuốc phiện:

Trông thầy Chánh Còm ai cũng biết là người nghiện. Trước kia, thầy là người béo tốt phương-phi, tinh nhanh khôn khéo, mà bây giờ thì mặt bủng, da chì, xo vai, rụt cổ, giọng nói khàn khàn, cái môi thâm sịt, nom người lẻo khẻo như cò hương. Thầy mới ăn thuốc phiện mấy năm nay mà đã khác hẳn đi vậy [thời xưa người ta thường nói ‘ăn thuốc’ theo tiếng Tàu ‘Xực Dzín’ chứ không dùng từ ‘hút’ như ngày nay – NNC].

“Thầy Chánh Còm từ khi đa mang thuốc xái đến giờ, thành ra lười biếng, chậm trễ. Sáng dậy, ít ra cũng phải mươi lăm điếu mới mở mắt ra được, và cả ngày chỉ quanh quẩn cạnh bàn đèn, chỉ cái xe, cái lọ, ngoài ra không thiết đến việc gì nữa.

“Xem thế mới biết thuốc phiện là một thứ thuốc độc rất hại. Nó hại cho sức khoẻ, hại tinh thần. Nó làm cho mất thì giờ, mất tiền của, có khi mất cả phẩm giá con người nữa. Vậy ta chớ nên hút thuốc phiện”.

Sách thì giáo dục học sinh như thế nhưng trên thực tế thuốc phiện được chính phủ bảo hộ độc quyền nhập cảng và điều hành việc phân phối. Theo nhiều nguồn tư liệu, tiệm thuốc phiện thời xưa có một bộ mặt khá kỳ lạ: trước cửa không treo biển hiệu mà chỉ gắn một bảng trắng kẻ hai chữ RO (Régie Opium) tức là Công quản thuốc phiện.

Mùi thuốc phiện nướng bốc lên thơm phức như thúc giục khách bước nhanh vào. Các bộ ván gõ bóng loáng với những chiếc gối sành mát lạnh như vẫy tay chào mời khách ngả lưng. Trong Người Bình Xuyên tác giả Nguyên Hùng đã mô tả:

“Hai Vĩnh cúi xuống tấm cửa nhỏ tí ti, vừa đủ thò bàn tay vào trao tiền và nhận thuốc phiện rót trong vỏ sò. Cửa nhỏ như cửa ghi-sê bưu điện bán tem. Xong anh đi thẳng vô trong, chọn chỗ nằm ưng ý. Anh cởi áo sơ mi mắc lên móc, cởi giày rồi nằm xuống ván, kê đầu trên gối sành phết men xanh.

Trong buồng thuốc, một lão ốm tong teo lui cui rót vài giọt đen sệt vào vỏ sò, thận trọng như một chủ hiệu kim hoàn cân vàng trên cân tiểu ly – vì đây cũng là vàng. Một a xẩm mang vỏ sò ‘vàng đen’ ấy đến tận nơi Hai Vĩnh nằm. Anh ra dấu bảo a xẩm làm thuốc cho mình.

Với ngón tay điêu luyện, ả điều khiển các giọt đen sệt ấy trên ngọn đèn dầu như một nhà ảo thuật. Không mấy chốc, dọc tẩu đã nạp. Hai Vĩnh rít một hơi. Khói thơm từ mũi phả ra cuồn cuộn. Anh có cảm tưởng như thoát trần, thân xác nhẹ nhàng như bay bổng trên mây.

Làm đủ một cặp, thấm thuốc anh nằm đê mê, nửa say nửa tỉnh. Bao nhiêu ưu phiền, nghèo túng, thất tình đều bay theo làn khói về chốn hư vô. Anh nằm như thế không biết bao lâu cho đến lúc đồng hồ Oét-min-tơ thong thả đổ chuông rồi gõ chín tiếng. Bỗng nhiên Hai Vĩnh thấy tỉnh táo, minh mẫn hơn bao giờ hết. Cuộc sống trần tục trở lại với anh:

“Ngày mai mình sẽ tiếp tục kéo cày. Ôi chao, chán làm sao cái kiếp làm công trong cái nhà máy tối tăm bụi bặm! Và không còn gặp lại ‘cố nhân’ mỗi tháng một lần vào ngày nước rong để an ủi kiếp sống cô đơn!”.

Duyên Anh cũng đã từng viết trong Sài Gòn ngày dài nhất, diễn tả tâm trạng sợ hãi của người ở lại Sài Gòn trong ngày 30/4/1975: “Thuốc phiện lâu say mà say lâu. Và hễ say, dao kề cổ vẫn tỉnh bơ, bởi chẳng còn ý thức nổi không gian, thời gian, nói chi sự việc quanh mình. Dẫu mắt vẫn mở. Mắt mở không phải là thức. Dù mắt nhắm. Mắt nhắm không phải là ngủ… Giá tôi được chết say thuốc phiện, tôi sẽ hoan hỉ vô cùng. Tôi sẽ vượt khỏi sợ hãi chờ chết”.

Theo nhà văn Hoàng Hải Thủy, một đệ tử trung thành trong ‘làng bẹp’, nổi tiếng tại Sài Gòn có tiệm Amy ở đường Verdun – về sau là đường Hàm Nghi. Tiệm Amy nằm trong dẫy nhà mà mười mấy năm về sau tòa nhà Việt Nam Thương tín được xây dựng. Ngoài ra còn phải kể đến tiệm hút d’Ormay ở đường d’Ormay, sau này là đường Nguyễn văn Thinh, ngay sát đường Catinat, từ Hotel Continental đến tiệm hút d’Ormay chỉ có mấy bước.

Tiệm hút d’Ormay đã được Graham Green mô tả trong tiểu thuyết The Quiet American. Sau này, Graham Green viết Ways of Escape, một loại hồi ức văn chương, qua đó người đọc biết ông có mang về Anh một cái dọc tẩu ‘hít tô phe’ như là một kỷ vật của chủ tiệm người Tàu, rất thân thiết, trên đường Catinat. ‘Cây gậy thiêng liêng’ đó còn nằm trên một cái dĩa tại căn phòng của Greene, ở Albany . Tuy có bị sứt mẻ vì thời gian vẫn được ông coi là một ‘kỷ vật’ của những ngày hạnh phúc tại Việt Nam .

Vũ Trọng Phụng trong Vỡ Đê đã để nhân vật tên Khoái nói một câu… ‘để đời’: “Người Việt Nam ở Thế kỷ Hai Mươi này mà lại không hút thì còn ra cái thể thống chó gì nữa”. Xin nói cho rõ hơn, hút ở đây không phải là hút thuốc mà là hút… thuốc phiện!

Vũ Hoàng Chương, một đệ tử trung thành của thuốc phiện, đã có những câu thơ ‘xuất thần’ từ làn khói thuốc trong bài thơ Quên:

Hãy buông lại gần đây làn tóc rối,

Sát gần đây, gần nữa, cặp môi điên.

Rồi Em sẽ dìu Anh trên cánh khói

Đưa hồn say về tận cuối trời Quên

Hồi đó, người có tiền đều có bàn đèn dầu lạc ngay tại nhà nhưng thỉnh thoảng các ông ‘làng bẹp’ cũng đến tiệm nằm chơi, đấu hót với các ông bạn. Cũng cần nói thêm, dân hút thuốc phiện được gọi là thuộc ‘làng bẹp’ vì cái tai họ bị bẹp dí do nằm hút lâu năm. Ngoài ra, thuốc phiện còn được nhân cách hóa là Nàng Tiên Nâu, Ả Phù Dung hay Cô Ba Phù Dung vì có sức quyến rũ của một người phụ nữ đa tình.

Lúc còn ở khu vực Lăng Cha Cả, tôi đã có một thời gian dài phải ngửi khói thuốc phiện từ căn nhà phía dưới của ông Khang, nghe người ta gọi là ông giáo Khang. Ông giáo về hưu có bàn đèn đặt ngay trong nhà và mỗi lần ông hút là mùi khói thuốc phiện tỏa lên căn gác tôi ở ngay phía trên.

Suốt bao nhiêu năm trời là hàng xóm rất gần với người hút thuốc phiện nhưng quả thật tôi chưa một lần chứng kiến cảnh ông giáo Khang nằm phê thuốc phiện. Ông chỉ hút khi đã đóng kín cửa, thế nhưng mùi ngai ngái của khói thuốc vẫn lan tỏa khắp chung quanh.

Gia đình ông Khang, người Bắc di cư năm 1954, cũng là một điển hình một gia đình ‘tứ đổ tường’: ông chồng thì hút sách, bà vợ thì mê đánh chắn và 3 cô con gái thì khoái ‘đậu chến’ tứ sắc. Còn chuyện ‘trai gái’ của 3 cô – Hồng, Điệp và Hằng – chắc chắn cũng phải ly kỳ vì không thấy chồng đâu mà cô Hồng, chị cả, có tới 2 đứa con gái, cô em cũng có 2 con và cô út tên Hằng cũng có một đứa con trai.

Người ta nói con thằn lằn trong phòng của người hút thuốc phiện cũng bị ghiền vì hít khói thuốc. Cũng may, gia đình tôi không ai bị ảnh hưởng từ khói thuốc phiện của ông giáo Khang như chuyện con thằn lằn. Thêm một điều may mắn là khi đi khỏi xóm Bùi Thị Xuân thuộc khu Lăng Cha Cả, các con tôi đã không bị những tác động tiêu cực từ gia đình ông giáo Khang!

Thế mới biết, các cụ thường nói, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, chưa chắc đã đúng. Trong trường hợp của tôi, có lẽ câu ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’ là đúng hơn cả!

Nhất Nancy, nhì Cây Điệp…

Khoảng thập niên 1930, chỉ riêng Hà Nội có khoảng 5 nghìn phụ nữ sống bằng nghề mại dâm, chưa kể đến những ‘ả đào’ và ‘gái nhảy’ thuộc các vùng ngoại ô. Dân số nội thành Hà Nội thời đó khoảng 18 đến 20.000 người, nghĩa là bình quân cứ 35 người lương thiện lại có một người… làm đĩ (Theo tài liệu của Vũ Trọng Phụng).

Người Tàu gọi các cô làm nghề xướng ca là kỹ nữ. Kỹ nữ nguyên nghĩa chỉ là người con gái làm nghề ca xướng, múa hát. Có lẽ chữ ‘kỹ’ của tiếng Hán được ta đọc thành đĩ (?). Kỹ nữ của Tàu trở thành ‘Con Đĩ’ của ta. Nếu đúng như vậy thì ‘kỹ nữ’ và ‘con đĩ’ là hai chị em ruột! Tuy nhiên, con đĩ ngày xưa chỉ có nghĩa là người con gái làm nghề hát xướng chứ không phải là con đĩ làm nghề mại dâm như ngày nay!

Theo Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục do nhà xuất bản Tổng Hợp Đồng Tháp (1990): “Xưa kia, trước khi làng mở hội cho mọi người vui chơi thì các vị chức sắc phải tổ chức tế lễ ngoài đình. Có rước phụng nghênh hồi đình (rước long kiệu từ miếu về đình) rất long trọng. Nghi trượng gồm nào cờ quạt, voi ngựa, nào bát bửu, cờ biển. Rồi đến phường đồng văn đánh trống, gõ thanh la, theo sau là mấy người con gái, đôi khi là con trai giả gái, vừa vỗ trống vừa múa hát gọi là ‘con đĩ đánh bồng’. Theo sau con đĩ đánh bồng là cờ vía, lọng vàng, lệnh kiếm, phường bát âm, long đình, kiệu thánh… và sau cùng là bô lão, chức sắc của làng”.

Nếu như vậy thì vai trò của ‘con đĩ đánh bồng’ ngày xưa cũng không có gì là tệ lắm, được múa hát diễn hành trước cả long đình, kiệu thánh, các bô lão và chức sắc của làng. Chỉ múa hát thôi thì chẳng có gì là xấu, có xấu chăng là kể từ ngày các con đĩ bị giới trưởng giả, mấy ông trí thức mời về nhà… ‘hát riêng cho nhau nghe’. Chính những vị tai mắt, khoa bảng, đã mở đường hoặc tiếp tay làm biến chất, làm hư các con đĩ.

Năm 1936, nhà văn Vũ Trọng Phụng viết hẳn một thiên tiểu thuyết tả chân, giật một cái tít thật ‘sốc’: Làm Đĩ để biện minh cho quan niệm của ông: “… Cái dâm tự nó không xấu, mà nó còn là cái điều cao thượng đẹp đẽ và linh thiêng vô cùng, vì nhờ nó mà loài người không tiêu diệt, nhờ nó mà có chúng ta đây. Tác giả xin để Freud, Goethe, Schilles, Yên Đổ, Nguyễn Công Trứ, cắt nghĩa cho các ngài nghe rằng sự dâm có điều bẩn thỉu không đáng nói đến chăng, tưởng đã đủ…”

Một năm sau Làm Đĩ, Vũ Trọng Phụng cho ra đời một phóng sự lấy tên là Lục Xì để viết về một ‘ngục tù ghê gớm’, đó là nơi các bệnh phong tình như lậu, giang mai của gái đĩ được điều trị. Theo lời trần tình của ông, “… tôi không phải chỉ là một nhà văn, nhưng còn là một nhà báo. Nhà báo thì phải nói sự thật cho mọi người biết. Nếu một việc đã có thực thì bổn phận của tôi chỉ là thông báo cho mọi người biết chứ không phải là lo sợ rằng cái việc làm phận sự ấy lợi hại cho ai…”.

Cũng cần phải nói thêm, theo Vũ Trọng Phụng, “… ‘Lục Xì’ là ở chữ Luck sir [sic], một động từ hồng mao [Thời của VTP nước Anh được gọi là Hồng Mao với ý nghĩa là tóc đỏ – chú thích của NNC]. Luck sir là khám bệnh. Hẳn trong số những ông thầy thuốc trông nom phúc đường [nhà thương thí – chú thích của NNC] từ xưa kia, đã có một ông hay bông đùa, hay dùng tiếng hồng mao trong khi đáng lẽ phãi dùng tiếng Pháp. Tôi tưởng cái do thế thì cái tiếng cái nhà lục xì (cai nha loock see) mới phổ cập trong dân chúng An Nam như thế…”.

Tôi không đồng quan điểm với tác giả về việc giải thích nguồn gốc của Lục Xì từ ‘Luck sir’ ở câu đầu rồi sau lại là ‘Loock see’ ở câu trích dẫn. Vào thời đó, dĩ nhiên là trình độ tiếng Anh của tác giả có phần hạn chế nên viết là ‘luck sir’ (hoàn toàn vô nghĩa) hoặc ‘loock see’ (sai về chính tả). Phải chăng, Lục Xì xuất xứ từ ‘look (and) see’?

Nhu cầu giải quyết sinh lý là một thực tế cho nên Sài Gòn, cũng như hầu hết các thành phố lớn trên thế giới, đều phải giải quyết bằng hình thức này hay hình thức khác. Ngay từ đầu những năm 1950, Sài Gòn đã có những nhà chứa gái mãi dâm, được gọi một cách nhẹ nhàng và hoa mỹ là Bình Khang.

Tưởng cũng nên nhắc về xuất xứ của cái tên Bình Khang. Theo sách vở, Bình Khang là nơi hành nghề của của các kỹ nữ, hình như có xuất xứ từ một phường ở kinh thành Trường An, đời Đường bên Tàu. Theo từ điển mở Wiktionary: “Thành Trường An có phường Bình Khang là nơi ở của các kỹ nữ.. Hàng năm các tân khoa tấn sĩ đến đó chơi.. Phường Bình Khang ở gần cửa Bắc nên cũng gọi là Bắc Lý”. Nàng Kiều cũng đã từng lưu lạc trong thời ‘buôn phấn bán hương’: “Bình Khang nấn ná bấy lâu…

Mặt khác, Bình Khang, theo Xứ trầm hương của Quách Tuấn, lại là một địa danh thuần Việt: “Năm Quý Tỵ (1653) vua Chiêm Thành là Bà Tranh đem quân sang cướp phá đất Phú Yên. Chúa Hiền là Nguyễn Phúc Tần sai Hùng Lộc cử binh vào đánh dẹp. Bà Tranh đại bại, dâng thư xin hàng. Chúa để phần đất từ sông Phiên Lang tức Phan Rang, trở vào cho vua Chiêm, còn từ Phiên Lang trở ra đến Phú Yên thì chiếm cứ, lập ra hai phủ là Diên Ninh và Thái Khang, và 5 huyện là Phước Điền, Hòa Châu, Vĩnh Xương thuộc phủ Diên Ninh, và Tân Định, Quảng Đức thuộc phủ Thái Khang.

Hùng Lộc được bổ làm Thái Thú cai trị hai phủ. Dinh đóng tại Thái Khang. Năm Canh Ngọ (1690), chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Trăn đổi tên phủ Thái Khang ra Bình Khang. Và năm Nhâm Tuất (1742) chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi tên Diên Ninh thành Diên Khánh”.

Như vậy, Bình Khang là một địa danh xuất hiện trong lịch sử Việt Nam từ năm 1690 nhưng đến thập niên 50, khi nói đến Bình Khang người ta chỉ liên tưởng đến ‘khu chơi bời’ ở đường Vĩnh Viễn do lực lượng Bình Xuyên điều hành và quản lý.  Đây là một cư xá hẳn hoi, đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn thời đó, khang trang, sáng sủa, sạch sẽ, ‘điện nước đầy đủ’ (Xin hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng).

Tất cả những nhà chơi bời ngoài thành phố đều phải vào mướn nhà trong Bình Khang, đưa “chị em ta” vào đó hành nghề dưới sự kiểm soát của nhân viên y tế nhà nước. Việc mở nhà thổ ngoài phạm vi Bình Khang bị coi là phạm pháp, chủ nhà bị bắt, bị ra tòa và… ‘ủ tờ’.

Có thể nói, dịch vụ mại mãi dâm ở thành phố Sài Gòn ngày đó trở nên ‘văn minh và lịch sự’ (?). Tuy nhiên, dù có Bình Khang, Sài Gòn cũng không thể nào diệt được bệnh hoa liễu như Vũ Trọng Phụng đã từng viết từ năm 1937: “Ai cũng biết rằng khi một dân tộc càng tiếp xúc với những dân tộc khác, hoặc vì thương mại, hoặc bị xâm chiếm, thì dân tộc ấy càng dễ bị nạn hoa liễu hoặc những bệnh truyền nhiễm khác…”.

Tác giả Lục Xì đưa ra những con số thống kê đáng lưu ý:

Năm 1914, bẩy mươi tư phần trăm (74%) binh lính Pháp ở Bắc Kỳ mắc phải bệnh hoa liễu. Bác sĩ Keller coi nhà thương đau mắt Hà Nội cam đoan với ta rằng trong số những người chột và mù của dân mình, bảy mươi phần trăm (70%) là do vi trùng bệnh lậu mà ra.

Ông Giám đốc Phòng vệ sinh của thành phố Hà Nội cũng bảo cho ta biết rằng cứ bốn nghìn trẻ con mới đẻ mà chết thì trung bình có chừng một nghìn đứa trẻ, theo lối nói kiêng của người mình thì là ‘sài’, ‘đẹn’, là ‘bỏ’, là ‘mất’, là ‘khó nuôi’, nhưng nói theo khoa học thì chết vì bố mẹ có nọc bệnh giang mai, hoặc là biến chứng của bệnh ấy”.

Tại Sài Gòn năm 1954, khu vực bến xe Petrus Ký (ngày nay thuộc đường Lê Hồng Phong) nổi tiếng có xóm Bình Khang – Cây Điệp hay còn gọi là khu Bata (nay thuộc khu phố 1, phường 2, quận 10). Nơi đây dân tứ xứ đổ về làm nhà cư trú, sống bám vào bến xe liên tỉnh Pétrus Ký để buôn bán và làm các dịch vụ nhỏ lẻ. Do có nhiều con hẻm bé xíu, đan xen chằng chịt trong khu vực dân cư, nên một phần dân cư đến đây sinh sống bằng nghề mại dâm.

Hoạt động mua, bán dâm rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Dân bảo kê, giang hồ tranh địa bàn, giành gái, đánh nhau như cơm bữa. Cờ bạc, rượu chè, mua bán, hút chích ma túy, trộm cắp, cướp giật cũng là một trong số các tệ nạn góp phần làm cho khu Cây Điệp nổi danh trong giới giang hồ.

Địa thế ngoằn ngoèo, nhiều con hẻm chỉ đủ cho một chiếc xe máy đi qua sâu hun hút, liên thông như một trận đồ bát quái, chính là điểm thuận lợi để các chủ chứa hành nghề mại dâm. Các dịch vụ ‘ăn theo’ mọc lên như nấm. Khách làng chơi nào không sòng phẳng sẽ rất khó tìm đường thoát thân…

Sau sự tan rã của ‘khu liên hợp ăn chơi’ Đại thế giới do nhóm Bảy Viễn cầm đầu, những đàn em chuyên tổ chức, bảo kê mại dâm, cờ bạc của Bảy Viễn và số gái mại dâm bị đẩy ra khỏi lầu xanh, động chứa đã tụ tập về đây hành nghề. Từ đó, nhiều thế hệ nối tiếp sống bằng nghề ‘kinh doanh’ mại dâm.

Tệ nạn mại dâm phát triển mạnh đến nỗi khóm Bình Khang – Cây Điệp với nhiều động, ổ nổi tiếng được giới giang hồ so sánh “nhất Nancy , nhì Cây Điệp”. Hoạt động mại dâm phát triển đến mức được coi như một hoạt động kinh doanh dịch vụ ‘nổi đình, nổi đám’ thời ấy.

Theo tài liệu xưa, quanh khu Bata có khoảng 100 hộ chứa gái chuyên nghiệp, mấy chục hộ làm dịch vụ ‘ăn theo’ mại dâm như: bảo vệ, dẫn mối, y tế, cho thuê tắm giặt, ăn uống, son phấn, cho vay… thu hút hàng trăm người vây quanh hoạt động mại dâm. Nhiều gia đình, tộc họ đều làm nghề mại dâm. Một số cảnh sát biến chất cũng tham gia ‘bảo kê’ cho các hoạt động này.

Phần lớn các con hẻm xung quanh khu vực này đầy tai tiếng và chiến tích. Nhiều người ác miệng còn gọi những cái tên nghe ‘nổi da gà’ là hẻm ‘thịt’ hay hẻm ‘đĩ’. Bất kể ngày đêm, khách làng chơi bước vào đầu hẻm đã được đội quân ma cô, bảo kê tiếp dẫn rất nhiệt tình. Họ được đưa đến một trong những ‘động’ có tiếng nơi đây.

Hàng trăm cô gái, đủ lứa tuổi, lòe loẹt phấn son, áo váy hở hang, đứng ngồi ngả ngớn, chào mời với giá rẻ bất ngờ. Tuy nhiên, phần lớn gái mại dâm làm suốt đời vẫn nợ nần chồng chất vì bị bóc lột quá sức và do có nhiều thành phần ăn bám vào họ. Mỗi chủ chứa đều thuê mướn một đội ngũ bảo kê cho quán. Dân bảo kê với thân hình đầy vết xăm vằn vện vừa canh gác ở các đầu con hẻm để theo dõi tình hình, vừa tràn ra đường chèo kéo khách làng chơi.

Chủ chứa nổi tiếng thời ấy và có máu mặt là bà Hai Huê. Bà nắm trong tay khoảng 20 gái mại dâm. Con trai bà cũng trở thành bảo kê. Do tranh giành địa bàn, con bà đã từng vào tù về tội ‘cố ý gây thương tích’. Bà Hai Hòa cũng là một chủ chứa có chút tiếng tăm tại khu vực này. Có hai người con thì một đứa bị nghiện xì ke chết, đứa còn lại đi tù về tội cướp giật tài sản.

Chủ chứa Sáu Lủng cũng tỏ ra rất gan lì. Mỗi lần bị bắt là bà ta ‘thoát y’ nằm ăn vạ, khiến cảnh sát nhiều phen đổ mồ hôi hột. Gia đình bà rất đông anh em, nhưng phần lớn đều chết vì ma túy. Ngoài ra còn có một số chủ chứa nổi danh khác như: Long Ba Nhỏ, bà Mai, ông Cồ, Tuấn đầu bò…

Những nhà chứa thời ấy đều là những khu nhà xập xệ, nhếch nhác, lụp xụp, dơ bẩn, chỉ cần bước tới đầu con hẻm đã ngửi thấy mùi ẩm mốc, tanh tưởi. Hoạt động mại dâm 24/24. Nơi đây sầm uất đến nỗi, nhắc đến gái mại dâm thì dân làng chơi đều biết mà tìm đến. Khách ra vào tấp nập. Địa thế ngoằn ngoèo, nhiều hẻm thông nhau như một trận đồ bát quái.

Phần lớn gái khắp nơi đổ về đây hành nghề mại dâm. Những ông khách làng chơi vào đây, nếu tiền bạc không sòng phẳng thì bị đám bảo kê đánh đập, trấn lột sạch sẽ. Nhiều khi không có đủ tiền trả, sau khi bị đánh một trận tơi bời, ‘thượng đế’ bị lạc vào các con hẻm, khó thoát thân bởi bảo kê đều chặn ngay ở đầu các hẻm. Do vậy, có một thời, đa phần người lạ đến khu vực này đều ‘đóng tiền ngu’.

Cờ bạc là bác thằng bần…

Đa số người Việt, đặc biệt là dân miền Nam, thường có trong mình dòng máu ‘đỏ đen’ của thần đổ bác. Từ những hiện tượng như mưa nắng trong ngày, dân Chợ Lớn cũng có thể cá cược ăn tiền với nhau. Theo tôi, xổ số cũng là một hình thức cờ bạc mặc dù trên danh nghĩa ‘từ thiện’ như Trần Văn Trạch ngày nào vẫn thường hát: “Kiến thiết quốc gia, giúp đồng bào ta, xây đắp bao người, dựng nên cửa nhà… Triệu phú đến nơi, chỉ mười đồng thôi, mua lấy xe nhà, giàu sang mấy hồi…”.

Từ xổ số lại biến thể sang số đề, đây là hình thức cờ bạc rõ nét nhất. Trước năm 1954, ở Sài Gòn – Chợ Lớn, có hai chỗ đánh bạc rất nổi tiếng, đó là các sòng Kim Chung và sòng Đại Thế Giới. Trong số các trò chơi đỏ đen đó, có một trò gọi là Xổ số đề, tức là xổ các cặp số đã được đề trên các tấm vé.

Mỗi vé có hai con số, từ 00 đến 99. Cứ sau khi bán hết một đợt vé người ta lại “xổ”, tức bắt thăm xem vé nào trúng. Nếu trúng thì một đồng ăn bảy mươi đồng. Như vậy là ban tổ chức (nhà thầu hay nói khác đi là nhà cái) được lời 30% mỗi lần xổ. Giả sử mỗi vé ghi giá 1 đồng thì thu được 100 đồng, nhà cái chỉ phải trả có 70 đồng, tức là còn lời được 30 đồng (một con số rất lớn khó tưởng tượng nổi, lời 30%).

Khi thông báo số trúng, để tăng thêm phần hấp dẫn, người ta treo những tấm bảng thật lớn đã cuộn tròn sẵn giống như những cuộn lịch, treo thật cao trên các cây cột, ai ai cũng nhìn thấy. Chẳng hạn, xổ ra số 35 trúng, họ hô lên trên loa bằng cả tiếng Tàu lẫn tiếng Việt: “Xập Xám Ửng… Ba Mươi Lăm…”. Lúc đó, một người ở trên cao dùng kéo cắt hoặc đốt sợi dây cột tấm bảng mang số 35, dưới hai con số đó có kèm theo hình vẽ một con dê đực, hai sừng cong lên cùng với chòm râu dê!

Vì sao có hình vẽ con dê? Người ta lý luận rằng vì người Hoa thời đó ít người đọc được các con số dùng trong tiếng Việt, mà dân cờ bạc người Việt cũng có nhiều người dốt, chữ cắn làm đôi cũng không biết. Do vậy, người ta cẩn thận kèm theo mỗi con số là một hình vẽ, để ai muốn coi số cũng được mà coi hình cũng được.

Ví dụ: số 35 họ vẽ con dê, số 09 họ vẽ con cá lớn, số 11 họ vẽ con cá nhỏ, số 14 vẽ con chó, số 16 vẽ con bướm, v.v… Trong các chiếc vé cũng vẽ như vậy. Đây chỉ là những hình vẽ vô tình, dùng lâu thành quen vậy thôi, chứ giữa con số 35 và con dê không có liên quan gì đến nhau cả. Có thể cũng vì lẽ đó, kho tàng ngôn ngữ của người Sài Gòn về sau có thành ngữ “35 dê” để chỉ người đàn ông ưa tán tỉnh phụ nữ?

Kim Chung và Đại thế giới đều có Xổ Đề mỗi ngày. Cứ mỗi chiều vào khoảng bốn, năm giờ, tuy kết quả xổ đề không được thông báo trên đài phát thanh nhưng chỉ độ nửa giờ sau khi đề xổ, người dân toàn thành phố đã biết đích xác đề xổ con nào qua ‘đài phát thanh truyền miệng’. Đề vừa xổ, chỉ cần hai, ba ông đạp xích lô đi ngang là cả một đường phố dài, kể cả những khu lao động trong các hẻm, đều đồng loạt biết hai con gì được xổ trong ngày.

Ngày nay, số đề dựa theo kết quả của xổ số và hầu như tỉnh nào cũng phát hành vé số nên người ta có cảm tưởng cả nước đang đắm chìm theo thần đổ bác, quanh năm 365 ngày! Cứ vào giấc chiều, gần tới giờ xổ số, tại một số đại lý hay các quầy bán vé số dọc lề đường thường tập trung rất đông người. Kẻ đứng, người ngồi, dựng xe có khi lan ra cả lòng đường gây trở ngại giao thông. Ai có trách, mặc kệ! Xe cộ có bóp còi, họ cũng chẳng quan tâm. Bởi lúc ấy, họ chỉ tập trung vào kết quả… xổ số!

Có thể nói, với dân đã ‘lậm’ số đề, bất cứ mọi giấc mơ, mọi sự việc, mọi hành động trong sinh hoạt thường nhật, đều có thể… ‘số hóa’, không chỉ một mà có khi còn suy ra cả chục con số để đánh đề. Thấy tai nạn giao thông trên đường vội ghi số… xe để đánh đề, gặp hỏa hoạn, cháy nổ hay các vụ việc có liên quan tới lửa thì đánh đề số 27 – 67…

Số đề chỉ là một hình thức cờ bạc ‘tép riu’ trong khu Đại Thế Giới, tên Tây là Casino Grande Monde, một trong những sòng bạc lớn nhất Đông Dương trong thế kỷ 20 do người Pháp bảo trợ lập ra vào năm 1937. Mãi đến năm 1955 mới bị đóng cửa dưới thời Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Trước khi Đại Thế Giới xuất hiện, người Tầu thao túng việc bài bạc tại khu vực Chợ Lớn. Để giành lại mối lợi này, chính quyền Pháp tại Nam Kỳ đứng ra bảo trợ và thành lập sòng bạc Đại Thế Giới nhằm thu hút các con bạc khắp khu vực Saigon-Cholon. Hàng năm chính quyền bảo hộ thu được nguồn thuế rất lớn từ sòng bạc này. Ngoài bài bạc, Đại Thế Giới còn là tụ điểm ăn chơi, hút sách, trai gái nổi tiếng khắp cả nước thời Pháp thuộc.

Đại Thế Giới được người Pháp chính thức cho thành lập với các lý do: thà cho cờ bạc công khai, có lấy thuế, còn hơn để kiểu cờ bạc lén lút nhưng tràn lan vừa thất thu thuế, vừa xúc phạm đến quyền lực của chính phủ bảo hộ Pháp. Đồng lúc thành lập Đại Thế Giới còn có sòng bạc Kim Chung ở khu vực Cầu Muối (nay là Khu Dân Sinh, phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1). Kim Chung có qui mô kém hơn, đối tượng chơi thuộc loại bình dân, nên mỗi khi nhắc tới casino tiêu biểu của Saigon , người ta hay nói đến Đại Thế Giới.

Sau 1975, đã có một thời gian tôi ở tại đường Hàm Tử, Quận 5, nơi chỉ cách Đại Thế Giới ngày xưa chừng vài phút đi bộ. Tôi thường dẫn các cháu ngoại đến Trung tâm Văn hóa Quận 5 (số 105 Trần Hưng Đạo B, phường 6) để chơi các trò ‘thú nhún’ (trẻ con ngồi trên những con thú có lò so nhún nhảy khi khởi động bằng điện). Tai đây còn có công viên nước mang một cái tên gợi nhớ: Đại Thế Giới.

Đại Thế Giới ngày xưa nằm trên đường Gallieni chiếm một khuôn viên rộng lớn của Trung tâm Văn hóa ngày nay. Khu đất rộng mênh mông, vòng rào xây tường cao, cửa ra vào có bảo vệ mặc đồng phục canh gác cẩn mật. Người ta ra vào tự do, nhưng không phải ai cũng mạnh dạn vào, bởi muốn bước vào phải có tiền và bởi cái ‘Sát Khí’ của Thần Đỏ Đen luôn vừa quyến rũ thiên hạ, lại vừa hù dọa mọi người.

Trên cổng lớn sáng rực ánh đèn néon, hàng chữ Grande Monde như một lời xác nhận với mọi người dân Sài Gòn thời đó rằng nơi đây là sòng bạc được nhà nước bảo trợ, cứ mặc tình mà sát phạt. Giấy phép hoạt động là của nhà nước bảo hộ cấp, nhưng sòng bạc lại do tư nhân điều hành.

Ngay từ đầu khai trương, chủ thầu là một tay đầu nậu casino, Lâm Giống, từ Hồng Kông đến. Sở dĩ người Pháp cho các tay Hồng Kông trúng thầu vì họ hiểu rằng, chỉ những người từng am tường về tổ chức sòng bạc tầm cỡ thì mới có khả năng đưa Đại Thế Giới lên ngang tầm với các sòng bạc ở Á Châu.

Người trúng thầu vốn xuất thân từ các sòng bạc ở Macau , đã sành sỏi về tổ chức casino, do đó ông ta đã rập khuôn từ mọi hình thức đến mọi mánh khóe. Cùng kéo sang ‘miền đất hứa’ Sài Gòn với chủ còn có những cô ‘hồ lì’, người đứng điều khiển cuộc chơi của từng môn đỏ đen, theo cách gọi của người Trung Hoa. ‘Hồ lì’ lúc nào cũng xinh đẹp và sành điệu, thừa sức làm vui lòng khách chơi, dù có bị thua cháy túi.

Ngay từ lúc mới mở cửa, Đại Thế Giới đã thu hút ngay số khách đỏ đen ở mức kỷ lục: những tuần lễ đầu có đến hàng ngàn người tới thử thời vận mỗi ngày, nhà chứa bạc thu vô không dưới một triệu đồng (một triệu đồng bạc Đông Dương hồi đó hết sức lớn, bằng bạc tỷ bây giờ). Tiền thuế nộp cho nhà nước cũng không ít, từ 200.000 sau lên 300.000 và có lúc lên đến 500.000 đồng một ngày. Thế mà chủ chứa vẫn hốt đậm hơn bất cứ ngành kinh doanh nào khác.

Khách chơi lúc đầu còn giới hạn trong giới trung lưu, đến người nhiều tiền, lần hồi thu hút tới những giới bình dân, cả phu kéo xe, phu bốc vác bến tàu, vì có đủ hình thức chơi, từ hốt me, tài xỉu, đến ru-lét… Người chơi không cần phải động não nhiều, và cũng không cần có nhiều vốn. Nhiều thua nhiều, ít thua ít, chỉ không đánh mới không thua! Vậy mà Đại Thế Giới như có bùa, như ma túy gây nghiện, nó có thứ ma lực lạ lùng càng lúc càng lôi cuốn người Sài Gòn như con thiêu thân trước ánh đèn.

Đã xảy ra nhiều cuộc chiến từ Đại thế giới. Cuộc chiến giữa khách chơi và nhà cái, cuộc chiến giữa bản thân người chơi và gia đình họ, và cuộc chiến cực kỳ quyết liệt giữa những thế lực để giành quyền chi phối sòng bạc.

Từ ngày Đại Thế Giới mở ra, đã có không biết bao nhiêu thảm cảnh gia đình. Có người là công chức cấp cao của nhà nước, giàu sang tột bực, vậy mà chỉ trong vài tuần ‘làm quen’ với Grand Monde đã nướng hết sản nghiệp vào đó, và tất nhiên là nướng cả cuộc đời. Có những người vợ, những cô này bà nọ, chỉ vì ham vui, vào thử vài lần rồi bắt bén vào tiếp và….. cuối cùng lột hết vòng vàng nữ trang, lấy cắp cả tiền nhà, cúng sạch, và sau đó cũng cúng luôn cả cái ngàn vàng của mình! Thời đó cầu Bình Lợi được xem là nơi kết liễu những cuộc đời bất hạnh, sau một đêm cháy túi ở Đại Thế Giới….

Cả Sài Gòn và vùng phụ cận, cả Nam Kỳ Lục tỉnh và cũng không thiếu người ở những miền xa của đất nước đổ xô về Đại thế Giới lập lòe ánh sáng ma quái, để chơi, để khóc và và… để chết. Trong khi đó, một cuộc đổ xô khác, ở phía những thế lực muốn nắm Đại Thế Giới, cũng đến hồi quyết liệt.

Đại Thế Giới như rồng gặp mây khi Đức Quốc Trưởng Bảo Đại, vị vua cuối cùng triều Nguyễn, được người Pháp giao lại nguồn lợi như một món quà ân thưởng. Phòng Nhì Pháp sau khi chiêu hồi Bảy Viễn (Lê Văn Viễn), thủ lĩnh Bình Xuyên, về thành đã gắn cho ông lon đại tá.

Theo hồ sơ về tỷ phú Hoa kiều Lý Long Thân do Cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa lập, hiện lưu trữ tại Cục lưu trữ Việt Nam, thì để cầu thân với Bảy Viễn, Lý đã bỏ số tiền hơn 4 triệu franc để tổ chức tiệc chiêu đãi Bảy Viễn và đàn em tại hý trường Đại Thế Giới. Sau đó, Lý còn đề nghị Bảy Viễn đứng ra thầu lại sòng bạc Đại Thế Giới dưới sự hỗ trợ về tài chánh của chính mình (500 ngàn đồng Đông Dương một ngày) và sự bảo trợ của Quốc trưởng Bảo Đại.

Năm 1951, Bảo Đại đặt mua một chiếc Jaguar Mark II to đùng, phía trước mũi xe có gắn một con báo Nam Mỹ bằng đồng. Đây là chiếc ‘con báo’ duy nhất có mặt tại Việt Nam trong cùng thời điểm. Bảo Đại mua nó vì thích, sau đó dự định sẽ để dành làm quà sinh nhật cho hoàng tử Bảo Long. Nhưng cuối cùng lại nổi hứng, ông đã đem tặng nó cho viên tướng lục lâm Lê Văn Viễn, như quà mừng vì tay này đã thâu tóm được sòng bạc Đại Thế Giới ở Chợ Lớn, hàng tháng đem lại cho Bảo Đại một số tiền cống nộp kếch xù.

Vào năm 1955, nhằm thống nhất các lực lượng Quốc gia, cắt đứt nguồn tài trợ của Bảy Viễn cũng như xóa bỏ lối sống đồi trụy tại đây, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh đóng cửa Đại Thế Giới. Đầu năm 1955 đánh dấu ngày tàn của Grand Monde, khi chính quyền Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh dẹp sòng bạc lớn nhất Đông Nam Á. Phần đông người Sài Gòn thở phào nhẹ nhõm mỗi khi đi ngang qua nơi xưa kia vốn vừa là Thiên Đàng vừa là Địa Ngục. Tuy nhiên, các đệ tử của Thần Đổ Bác chắc hẳn… buồn năm phút!

Ngày nay, Việt Nam có một casino duy nhất tại Quảng Ninh mang tên Casino Đồ Sơn chỉ dành riêng cho người nước ngoài. Đây là casino được tổ chức theo tiêu chuẩn quốc tế và theo luật mới, muốn đầu tư vào casino phải có tối thiểu 4 tỷ đô cho một dự án. Tại các khách sạn lớn ở Sài Gòn như New World , Equatorial, Duxton, Legend… giải trí đỏ đen được tổ chức dưới dạng câu lạc bộ (club) trang bị các loại slot machines để phục vụ nhu cầu khách quốc tế.

Ngày xưa, người ta gọi những máy đánh bạc này qua một cái tên khá ngộ nghĩnh, One-armed Bandit, vì mỗi máy có cần gạt để kéo. Bây giờ tiến bộ hơn, máy chỉ dùng toàn nút bấm. Không biết giới đỏ đen đã có từ nào để thay thế cho ‘tướng cướp một tay’?

Các club đánh bạc tại khách sạn chỉ hoạt động cầm chừng vì khách đến Việt Nam chủ yếu là khách du lịch, nếu ghiền cờ bạc thì họ đến những casino ở Macau, Monte Carlo hay Las Vegas chứ loại ‘tép riu’ như các club ở Việt Nam đâu có gì hấp dẫn. Trái lại, người Việt ta vốn mang trong người dòng máu ‘đỏ đen’ nên nhìn các club trong khách sạn sang trọng một cách… thèm thuồng.

Ông chủ các câu lạc bộ cũng nhận thấy điều đó nên họ ‘xé rào’ để các con bạc Việt Nam vào nướng tiền. Công an cũng thấy chuyện đó (nghề của chàng mà!) nên có những vụ đột kích club đánh bạc tại khách sạn và cất được những ‘mẻ lưới’ lớn. Báo chí cho biết, có con bạc đã hơn 40 lần ‘lạc’ vào đây, đổi tổng cộng trên 1,6 triệu đô ra ‘phỉnh’, ngoài vô số lần ‘cháy túi’, lần thắng cao nhất khoảng 7.000 đô!

Cấm trong nước thì họ đem tiền ra nước ngoài chơi. Người ta còn ‘vượt biên’ sang Campuchia, gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), để đánh bạc. Hơn 95% người đánh bài ở đây là người Việt. Trong tương lai sẽ có hàng loạt nước láng giềng mở casino và người Việt chắc chắn sẽ siêng đi du lịch nước ngoài hơn…

Huyện Bavet tỉnh Svây Riêng (Campuchia) có tới 7 casino nằm gần nhau như hàng xóm nhưng chưa bao giờ phải lời qua tiếng lại vì khách vào nườm nượp. Những cái tên như Sun City, Full House, Le Macau, Las Vegas… vốn đã nằm sẵn trong lịch trình của hàng ngàn người từ các tỉnh ở miền Nam đi thử vận đầu năm. Từ sáng sớm đến tối mịt, mọi câu chuyện đều xoay quanh baccarat, rolex, xì dzách hay xập xám…

***

Từ năm 1932, Sài Gòn đã có trường đua ngựa Phú Thọ nổi tiếng vùng Đông Dương và cũng là một trong những ‘tử địa’ của dân máu mê cờ bạc. Dân chơi đua ngựa thuộc nằm lòng câu hát ‘Đường vào trường đua có trăm lần thua, chỉ một lần huề…’ và một tay chơi có thâm niên đã khẳng định: “Bắt độ ngựa mà chỉ tin vào may rủi thì… không còn quần xà lỏn mà mặc!“.

Ngựa đua tại Phú Thọ được chia làm 4 hạng A, B, C và D, xếp theo tuổi và chiều cao của ngựa. Ngựa nổi tiếng một thời phải kể đến những cái tên rất kêu như Đạm Phi Tiên, Đại Anh Hùng, Long Sơn Hiệp, Nữ Thần, Mã Thượng, Thái Dương, Thoại Lan… Lại còn có những ngựa mang tên những người đẹp như Lý Lệ Hoa, Dương Quý Phi…

Ngựa nổi tiếng nhất lịch sử trường đua Phú Thọ có lẽ là Thoại Lan. Trong các năm 1970-1972, Thoại Lan gần như không có đối thủ, và hiếm có khi về nhì. Cho đến năm 1973 khi có đợt ngựa mới như Thuận Hùng, Hoàng Lộc, Astro Boy… Thoại Lan mới chịu “nhường ngôi”.

Trường đua Phú Thọ là một xã hội thu nhỏ và khép kín. Trong cái cộng đồng đó, ông chủ ngựa làm… ‘vua’ vì có khi cả 10 con ngựa trên đường đua đều cùng một chủ, việc phân hạng nhất nhì đều nằm trong tay chủ ngựa từ trước cuộc đua. Rất hiếm ông chủ không ‘làm độ’ vì trên thực tế nếu về nhất, chủ ngựa chỉ được thưởng vài triệu đồng nhưng nếu có ‘móc ngoặc’ thì thu nhập sẽ tăng đến mức 10 lần, chưa kể những quyền lợi ‘chính đáng’ khác từ phần trăm tiền vé và từ các mối quan hệ khác.

Chủ ngựa dù không muốn ‘làm độ’ cũng bị móc làm độ hoặc bị ép làm độ. Khi đã ‘làm độ’ thì phải hết sức bí mật vì nếu để lộ, tiền thưởng trong vé, sẽ giảm xuống. Chẳng hạn như ngựa Dương Quý Phi được mua 1.000 vé, nếu một người trúng sẽ được 1 triệu đồng, nhưng nếu 10 người cùng trúng thì mỗi người chỉ còn 100.000 đồng. Cũng vì thế, ngay cả cha con, anh em, họ hàng một khi ‘làm độ’ cũng phải giấu nhau.

Ở trường đua Phú Thọ có cha con ông Bảy, một đại ca có máu mặt của khu Cây Da Xà trước năm 1975, đã từng choảng nhau vì bố ‘làm độ’ mà con không biết, vẫn đánh cho ngựa của bố đến nỗi phải chịu thua tan tác. Cách làm độ như sau: có bốn ông chủ ngựa lớn đại diện cho các vùng Đức Hòa – Long An, Bà Điểm – Hóc Môn, Gò Vấp và CLB đua ngựa sẽ họp nhau để… ‘bàn về ngựa’. Con nào được cả bốn ông bầu chọn về nhất sẽ được gọi là ngựa “4 sao”. Nếu có một ông không đánh giá cao, con ngựa đó sẽ rớt xuống “3 sao”.

Nhìn vào “sao” của ngựa, dân cá cược bắt đầu đặt tiền làm độ. Dân chơi lớn mua một lần vài nghìn đến cả chục nghìn vé cho con ngựa mình chọn, mỗi vé mười nghìn đồng. Đối với chủ ngựa, chỉ đầu tư nhiều vé khi có cơ sở để tin rằng ngựa của mình có khả năng thắng ngược, song những tay độ lớn ít chơi với phòng vé hoặc mua ít vé cho người ta khỏi để ý. Cốt tử là những trận đánh độ nảy lửa hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ đồng được dàn xếp kín đáo giữa những tay chơi lớn, đó gọi là… cá lậu. Khi đã đầu tư số tiền khủng khiếp như vậy, các tay cá lậu bắt đầu dùng thủ đoạn để thắng cuộc.

Để có được một kết quả làm độ như ý, những đại gia ‘cá lậu’ tổ chức một hệ thống ngầm quy mô, chặt chẽ với chủ ngựa, nài ngựa, thậm chí có cả sự móc ngoặc của một số trọng tài trường đua. Ngoài trọng tài trên đường đua còn có trọng tài chuồng, kiểm tra bước chuẩn bị xuất phát của ngựa. Nếu vị này không công tâm, những chiến mã có thể bị ‘đứng chuồng’ (xuất phát chậm).

Trọng tài sẽ quyết định nếu trọng lượng của nài nhẹ hơn quy định phải buộc đeo thêm chì. Nếu móc ngoặc được với vị này, con ngựa chở nài nhẹ cân không bù chì hoặc bù không đủ số lượng sẽ chạy nhanh hơn. Còn trọng tài trên đường đua sẽ xử lý các hành vi phạm luật như: chạy cắt mặt, lấn đường, ép nhau, níu cương…

Trên đường đua, ngoài việc trọng tài công tâm, một con ngựa thành công phụ thuộc vào 3 yếu tố: đường chạy, khả năng của chính nó và tài năng của nài ngựa. Theo kinh nghiệm của một số chuyên gia về ngựa thì nài ngựa giỏi đóng góp đến 80% chiến thắng. Đối với những con ngựa hay thì việc chiến thắng là điều dễ dàng, nhưng ngựa thì thường hay giở chứng, để điều khiển được con ngựa bất kham, điều cần thiết phải có một nài ngựa giỏi.

Thường thì giới bao cá lậu rất ít khi tiếp xúc được với nài ngựa, chúng chỉ thông qua chủ ngựa hoặc chính người thân của nài như cha mẹ, anh em ruột thịt, dùng tiền mua chuộc để họ tác động đến nài ngựa. Chính những tác động từ chủ ngựa, từ gia đình của nài nên không ít nài ngựa đã có những biểu hiện tiêu cực làm thay đổi kết quả trận đấu.

Ngoài việc mua chuộc, lôi kéo, hăm dọa các chủ ngựa, trọng tài, nài… để làm độ, các ‘đại gia’ trong làng cá độ lậu còn áp dụng nhiều thủ đoạn để hại ngựa nhằm giành phần thắng.

Ngoài ra, các chủ ngựa khi làm độ muốn ngựa mình thua cũng áp dụng nhiều trò xấu với ngựa của mình như: chích thuốc ngủ cho ngựa, phải là tay chuyên nghiệp mới làm được điều này vì nếu canh thuốc không chuẩn, con ngựa chưa vào đường đua đã xỉu thì rất dễ bị phát hiện và trừng phạt nặng theo luật đua; có ngựa còn bị chích ma túy, cho uống thuốc xổ, bỏ đói…

Còn muốn ngựa thắng thì người ta chích thuốc bổ, thuốc kích thích… Bởi vậy sau mỗi cuộc đua, ngựa bị nghi ngờ có thể sẽ phải thử nước tiểu để rõ trắng đen. Cũng có trường hợp chủ ngựa đã nhận bán độ, cố làm cho ngựa thua nhưng con ngựa do quá sung vẫn phóng ầm ầm, lúc đó nài ngựa sẽ ghì cương cho nó chạy chậm lại. Theo luật của thế giới ngầm, nếu đã nhận độ nhưng không ‘làm tròn trách nhiệm’ phải bồi thường gấp 3, nếu ‘chống án’ sẽ bị xử theo luật giang hồ!

Nạn cá lậu hiện chiếm 2/3 doanh số cá cược ở mỗi trận đấu, một mặt gây thất thu ngân sách hoạt động của trường đua, mặt khác gây phức tạp như làm cho các cuộc đua mất đi giá trị đích thực của hoạt động thể thao lành mạnh, gây tâm lý bất ổn cho người làm nhiệm vụ trọng tài, nài ngựa và cả chủ ngựa. Vó ngựa trường đua, đối với những người ham mê cá độ, có sức quyến rũ chẳng khác gì ma túy!

Không say không về…

Đã có không biết bao nhiêu người thiệt mạng vì bia, rượu cũng như không ít gia đình bị khốn đốn vì là nạn nhân, trực tiếp hoặc gián tiếp, của tệ nạn nhậu nhẹt. Người ta có thể họp nhau nhậu ở bất cứ nơi nào, bất cứ khi nào với bất kỳ lý do nào.

Tôi còn nhớ cứ mỗi độ xuân về, những cửa hàng phía xung quanh chợ Bến Thành thi nhau quảng cáo để mời chào khách đi sắm Tết. Bên cạnh những cái loa phát ra điệp khúc ‘cha cha cha Hynos’ rầm rộ quảng cáo kem đáng răng còn có tiếng oang oang của ‘khô nai Ban Mê Thuột, khô cá thiều Phú Quốc’. Đại khái như “…nướng khô nai, khô cá thiều bên này đường thì bên kia đường đem rượu ra uống vẫn thấy ngon!

Nhậu đã đi vào cuộc sống của người Sài Gòn. Đồ nhậu thì ‘thượng vàng hạ cám’: cóc, ổi, me, xoài và thậm chí chỉ còn vài hột muối ớt cũng đủ làm mồi đưa cay thêm vài xị. Nhậu theo kiểu sang trọng là các sếp, các đại gia hay những kẻ vừa trúng ‘mánh’, rượu thịt ê hề, tiền bạc không nghĩa lý gì và mục đích chỉ là… mua vui.

Đối với dân Sài Gòn trước 1975, chủ yếu chỉ có bia, hay còn gọi là la-ve hoặc la-dze:  la-ve chai lớn Con Cọp (dung tích 61 centi-litres) và la-ve chai nhỏ 33 (33 cl) của hãng BGI. Nồng độ chai Con Cọp nhẹ hơn nồng độ chai 33 nhưng đa số dân chúng miền Nam thích chai Con Cọp hơn vì vừa rẻ lại vừa nhiều gần gấp đôi so với chai nhỏ.

clip_image002

Bia Con Cọp

Đối với dân ‘sành điệu’ thì không phải chai bia lớn Con Cọp nào cũng giống nhau: nhìn vào nhãn hiệu cái đầu ‘ông ba mươi’, người ta thấy có hai cành hoa trái mà mới thoáng qua mấy đấng mày râu khi đã ngấm hơi men, mắt lờ đờ, trông gà hoá quốc, cho đó là nhành cây và trái dâu tây (strawberry) nhưng có ông lại cho là cành dây leo và trái thơm (Pineapple)!

Cây thơm mà thuộc loại dây leo thì thật là động trời, hết nước nói! Thật ra thì cái nhìn của dân nhậu không phải là sai nhưng lỗi ở nơi mấy ông họa sĩ vẽ nhãn hiệu in lên cái chai: có đợt họ vẽ các nụ bông hốt bố (houblon) giống như trái dâu tây, có đợt họ kéo trái dâu tây dài thêm ra giống như trái thơm! Và kể từ đó, giới ăn nhậu đồn với nhau là la-ve Con Cọp có trái thơm ngon hơn la-ve con cọp có trái dâu!

La-ve trái thơm rất ‘hiếm’, trong một két la-ve mua về may mắn lắm mới có được 1 hay nhiều lắm là 2 chai ‘trái thơm’. Không biết BGI có cố tình thỉnh thoảng cho vào một vài chai ‘trái thơm’ hay không.

Thời kỳ kiệm ước, giới công chức, cảnh sát, quân nhân không đủ tiền mua la-ve ở các đại lý (dépot) có môn bài độc quyền mua bán la-ve của mấy chú Ba nên Quân Tiếp Vụ mới đặt hàng riêng với BGI và cho ra đời La-ve Quân Tiếp Vụ (nhưng không có cái đầu của con cọp) để bán rẻ cho Quân Cán Chính.

clip_image003

Bia Quân tiếp vụ

Cái tên BGI (Brasseries et Glacières de L’Indochine) khởi nguồn từ ý nghĩa ‘Nhà máy làm nước đá ở Đông Dương’ của Victor Larue, người Pháp. BGI thâm nhập miền Nam vào cuối thập niên 1900s với mục tiêu sản xuất nước đá, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, BGI bắt đầu sản xuất bia và nước giải khát.

Nhà máy BGI nổi tiếng nhất là Nhà máy bia Chợ LớnUsine Belgique, nhà máy sản xuất nước giải khát được xây dựng từ năm 1952. Sau khi Sài Gòn đổi tên, chính quyền tịch thu tài sản của chủ Pháp và Nhà máy bia Chợ Lớn trở thành Bia Sài GònUsine Belgique cũng đổi thành Chương Dương, nhưng vẫn là nhà máy sản xuất nuớc giải khát.

Mãi đến năm 1991 BGI Pháp mới trở lại Việt Nam và chịu nhiều thua thiệt của kẻ đến sau. Vào lúc đó, đã có BGI, một công ty liên doanh giữa nhà nước và tập đoàn Castel’s, nên BGI Pháp được khuyến cáo… nên ra miền Bắc để bắt đầu công việc kinh doanh. Dĩ nhiên họ không chịu và sau đó lặn lội xuống tận Tiền Giang để thành lập một công ty liên doanh với tỉnh Tiền Giang.

BGI Tiền Giang bắt đầu hoạt động vào năm 1993 với sản phẩm được phân phối rộng rãi trong khu vực châu thổ sông Cửu Long. Thời gian đầu, BGI được sự đón nhận của người tiêu thụ, nhờ vào di sản và danh tiếng. Tuy nhiên, vì nhu cầu vượt quá sự cung ứng trong khi khả năng của công ty lại có giới hạn nên BGI lần lần xuống cấp. Sau vài năm chịu đựng, BGI quyết định rút về Pháp và bán hết tài sản cho bia Foster’s và từ năm 1997 Foster’s đã chính thức tiếp quản tất cả tài sản của BGI. Một lý do khác cho sự thất bại của BGI Pháp có thể là hoạt động tiếp thị kém hơn so với các loại bia khác.

Trở lại chuyện ăn nhậu ở Sài Gòn. BGI không thể nào độc quyền phục vụ dân nhậu. Việt Nam nghèo gì thì nghèo nhưng lại rất giàu về rượu và bia. Chót vót đỉnh núi phương Bắc có rượu Táo Mèo, xuôi đồng bằng có rượu Nàng Vân, vào Bình Định có Bàu Đá, đến Long An có Gò Đen, tới Trà Vinh có Xuân Thạnh, ngòai tận đảo Phú Quốc có rượu sim… Bên cạnh đó còn vô số rượu ngâm lá cây, rễ cây, rắn rết, hổ báo, và những thứ ‘độc’ như con bửa củi, tắc kè, hải mã, bảo đảm… ông uống bà khen!

Sau này lại có thêm rượu Tây cao cấp. Whisky thì có Remy Martin; Rhum thì có Buddelschiff; Cognac thì Hennessy, XO; Champagne thì có Vin Mousseux rồi sau này còn có cả Vodka, Mao Đài từ phía các nước anh em vĩ đại Liên Xô và Trung Quốc. Tóm lại, Việt Nam rượu gì cũng có, tùy thuộc vào túi tiền của bợm nhậu.

Thế cho nên, cả nước đều nhậu, nhà nhà cùng nhậu. Đi đâu cũng văng vẳng tiếng ‘Dzô, Dzô!’… trăm phần trăm. Báo chí đã trích dẫn lời một Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy đã ‘nói vui’ rằng, nếu cứ để tình trạng “Sáng Băng Cốc, trưa Viêng Chăn” (sáng uống cốc rượu, trưa chui vào chăn ngủ) thì chẳng mấy chốc hỏng hết cán bộ.

Theo tôi, câu nói đó không vui chút nào. Rượu tàn phá nhiều thế hệ đã qua và sẽ hủy hoại nhiều thế hệ sắp tới. Liên Xô là nước nổi tiếng về số người nghiện rượu và thực tế đã chứng minh, Liên Xô tụt dốc, một con dốc thẳng đứng cả về mặt chính trị lẫn xã hội. Còn Việt Nam?

Nam vô tửu như kỳ vô phong, riêng tôi thì đành chấp nhận làm lá cờ không gió vì quả thật không biết nhậu, chỉ giỏi… phá mồi. Mới hớp độ một hai hơi cũng đủ khiến mặt đỏ gay nên chỗ nào có nhậu vội vàng tránh xa vì không muốn mang bộ mặt đỏ gay trên đường về nhà. (Uống lai rai với bạn bè tại nhà thì không sao, có say thì cũng có sẵn giường để ngả lưng!)

Tôi nghĩ giá không bị cái tật ‘phản ứng’ với rượu chắc tôi cũng có thể… ai tới đâu cũng cố theo tới đó vì tửu lượng không đến nỗi nào một khi đã đổi từ ‘mặt đỏ’ sang ‘mặt tái’ và cuối cùng là… thiếp đi trên giường. Tôi cũng đã trải qua tình trạng ‘say lại’: say lần đầu ngủ một giấc, khi tỉnh dậy lại say tiếp mà lần ‘say lại’ còn ‘đậm đà’ hơn lần say đầu bội phần.

Rượu uống chẳng bằng ai nhưng tôi lại có cái thú… sưu tầm rượu! Tôi có một tủ rượu và dĩ nhiên đó không phải là loại ‘người mua không uống nhưng người uống lại không mua!’ mà là người không biết uống mua về… chưng tủ kính. Có những chai rượu nhỏ mua về làm kỷ niệm từ bên Áo, Ý, Đức… có những chai loại night-cap thường thấy trong mini-bar tại các khách sạn hoặc trên các chuyến bay quốc tế.

Bây giờ những chai rượu đó vẫn nằm yên trong tủ rượu chỉ vì chủ của nó không biết thưởng thức chất men mà chỉ biết trân trọng vẻ đẹp bên ngoài của những cái chai. Hóa ra trong triết lý uống rượu vẫn có một thứ lý luận lẩm cẩm là rượu còn dùng để chưng chứ không để uống!

Ngày xưa, cụ Nguyễn Trãi trong bài Gia huấn ca đã từng dạy:

Đua chi chén rượu, câu thơ

Thuốc lào ngon nhạt, nước cờ thấp cao

Không biết người ta còn ai chịu nghe những lời cũ rích như vậy hay chỉ biết hứa với nhau trước khi nhập trận nhậu: “Không say không về!”.

Nguyễn Ngọc Chính

Bài Mới Nhất
Search