T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : … Cho đến kiếp sau

clip_image002

(Hình Cắm Hoa : Trương T Vinh )

Tôi lấy chồng năm mười tám tuổi. Ngày đưa con gái về "nhà chồng" với "của hồi môn" chỉ là cái túi vải đã bạc màu, trong đó có đựng một ít đồ cũ kỹ -là kỷ niệm thời con gái dại khờ- má tôi khóc hết nước mắt. Đến "đón dâu" chỉ là anh chàng rể to con dình dàng, tằng lăng tíu líu thứ ngôn ngữ xa lạ má tôi nào có hiểu gì, chỉ gật gật đầu nói với rể mà như thủ thỉ cho tự mình nghe. Mày làm ơn thương con gái tao đừng hất hủi, đánh đập nó tội nghiệp. Rồi má quay sang ôm tôi trong cánh tay gầy guộc, miệng hối như hối tà, bây đi lẹ đi đừng để hàng xóm thấy. Cũng phải! con gái lấy chồng Mỹ có gì đáng để hãnh diện đâu. Lấy chồng như tôi thì người ta gọi là "lấy Mỹ". Nghe tủi thân quá câu nói rẻ rúng, khinh thường ấy."Má tôi nào muốn vậy. Tôi cũng nào muốn vậy".

Nhưng nhìn đàn em bảy đứa nheo nhóc, má tôi bương chải đầu trên xóm dưới, bán buôn xuôi ngược vẫn không đủ ăn, tôi đành phải bỏ học khi đang lớp mười, đi bán bar để mong đổi đời cho đám em tội nghiệp, cho người mẹ bất hạnh phải gánh lấy gánh nặng mà chồng -là ba tôi- đành đoạn hất xuống giữa đường.

Đã vất vả, bon chen giữa chợ đời, đầu tắt mặt tối tìm miếng cơm manh áo, nợ nần giăng tứ phía, má tôi lo không xuể lại còn bị ba đánh đập mỗi khi ông hỏi tiền mà không có để đưa. Người ta chỉ nghiện á phiện thôi cũng đủ nát đời vợ, tan đời con, ba tôi còn nghiện thêm rượu, nên là con gái lớn, chị hai của bảy đứa em nheo nhóc, phận số tôi bèo dạt, hoa trôi cũng chẳng có gì là lạ.

Có những buổi tối tôi ngồi đắp muối vào vết thương cho má, an ủi má một hồi rồi hai má con ôm nhau khóc thút thít. Tôi nghĩ hoài không biết làm gì để có tiền giúp má. Thương má, tôi muốn chia sẻ nỗi nhọc nhằn với má nhưng học hành chưa đến đâu, có đi xin việc làm cũng chẳng ai mướn. Đường cùng, tôi chợt nhớ dì Năm đầu xóm có người chị làm chủ bar nên liều lĩnh đến hỏi thăm. Thôi thì, cũng đành nhắm mắt đưa chân…

Số tôi vẫn còn may mắn nên ngay trong tháng đầu tiên làm việc ở bar tôi gặp được David. Anh chàng người Mỹ có khuôn mặt tròn trĩnh, phúc hậu này đã để đến ý tôi "một gái ngây thơ và hiền lành đến tội nghiệp" trong những ngày anh đến bar giải trí. Thường anh chỉ đi một mình, chọn chiếc bàn trong góc quán lặng lẽ quan sát tôi. Cái dáng vẻ rụt rè, sợ sệt và mớ tiếng Anh ấp a, ấp úng là những điểm anh cảm thấy bị thu hút từ nơi tôi. David cho biết, anh bị tiếng sét ái tình giáng trúng nên đã yêu tôi ngay từ phút đầu gặp gỡ. David hỏi thăm bà chủ Bar, khi biết được hoàn cảnh của tôi, anh đã mạnh dạn đề nghị tôi nghỉ làm, về chung sống với anh và anh sẽ giúp tôi chu cấp tiền bạc cho các em ăn học. Tôi mừng còn hơn bắt được vàng. Nhưng má thì ôm mặt khóc nức nở khi biết tôi đã dấu diếm bà, bước chân qua chiếc cầu đoạn trường để đi vào đời. Mấy chị bạn làm chung cười tôi khờ khạo, đã chịu chơi mà không "chơi tới bến", đào tiền được thằng "David này" sao không lấp lửng con cá vàng với nó để còn có thể đào thêm được thằng "David khác" cho tiền đầy túi hơn. "Má tôi nào muốn vậy. Tôi cũng nào muốn vậy".

Tôi bán rẻ cuộc đời mình cũng chỉ là bất đắc dĩ chứ đâu muốn suốt đời làm vợ khắp thiên hạ.Tôi cam phận về làm vợ David mà không biết tình yêu là gì. Nhưng điều đó đâu có gì quan trọng. Chỉ cần nhìn thấy các em tôi được cắp sách đến trường, quần áo tươm tất, ăn uống đầy đủ, má tôi không còn lam lũ nắng sớm, mưa chiều là tôi đã thấy hạnh phúc và cảm tạ trời đất vô cùng chứ đâu dám đòi hỏi thêm.

Nghe tin tôi "theo chồng" ba dò hỏi cả tháng trời rồi cuối cùng cũng tìm ra, dù má tôi đã cố tình dấu kỹ. Ông tới nhà đập cửa, chửi như tát nước vào mặt David. Anh chàng mắt xanh mũi lõ không hiểu ất giáp gì nhưng nhìn thấy sự hung hãn của ba tôi nên cũng đoán được sự việc. Tôi nói với David, ba tôi không bằng lòng cho tôi lấy anh, ổng đến đây để bắt tôi về. Không biết nghĩ sao, David chạy vào phòng ngủ lấy một mớ tiền dúi vào tay ba tôi, gật gật đầu, ngụ ý… lấy đi, lấy đi. Tôi tưởng ba sẽ quăng tiền vào mặt David, rồi mắng tôi cái tội làm nhục nhã gia phong như ba cô Hương trong vở tuồng cải lương "Nửa Đời Hương Phấn". Nhưng không, mắt ba sáng rỡ, ông chụp nhanh nắm tiền nhét vào túi, đưa tay vỗ vai David, gật gù "good, good" rồi cười hỉ hả nói với tôi "ba thấy thằng này cũng được, biết người trên kẻ dưới.. ha ha… ba mừng con gặp được thằng chồng biết điều". Tôi nhìn theo cái dáng lêu khêu của ba mà buồn đứt ruột "chồng con biết điều nhưng ba thì sao… ba chỉ biết tiền thôi chứ chẳng thương yêu gì vợ con!!!"

Tôi sống với David được một năm thì anh hết hạn phục vụ ở Việt Nam. Tuy không có con nhưng tình yêu anh dành cho tôi ngày càng sâu đậm. David đã dùng đủ mọi cách để thuyết phục tôi theo anh về Mỹ. Anh hứa hẹn khi qua Mỹ sẽ tìm việc làm cho tôi và tôi có quyền dùng hết số tiền kiếm được để giúp đỡ gia đình. Tôi không đành xa mẹ, xa em, nhưng suy đi nghĩ lại, nếu tôi không đi thì gia đình lại tiếp tục cảnh nghèo đói và biết đâu những đứa em gái lại phải bước vào vết chân của tôi. Cuối cùng tôi đành chọn cho mình thân phận chim đa đa "chồng gần không lấy, đi lấy chồng xa…"

Những năm tháng mới đặt chân đến Mỹ tôi nhớ nhà thắt cả ruột gan. Suốt ngày tôi chỉ nằm dài trên giường khóc vùi. Không nấu ăn. Không giặt giũ. Không dọn dẹp nhà cửa. David không phiền hà một tiếng , chỉ lặng lẽ làm hết mọi việc khi từ chỗ làm trở về nhà. Ngoài tình yêu của người chồng, David còn dành cho tôi tấm lòng bao dung của một người cha. Anh không bao giờ trách móc hoặc giận tôi chuyện gì, bất kỳ to hay nhỏ. Tôi viết thư về kể lể mọi chuyện. Dù chữ viết không rành rọt, nhưng má đã bỏ ra rất nhiều thì giờ để nắn nót viết những lá thư thật dài, khuyên răn tôi đủ mọi điều. Bà nói số tôi may mắn gặp được người chồng tốt bụng thì nên cố gắng sống cho tròn phận vợ. Thứ nhất là để giữ gìn hạnh phúc. Thứ hai là đền đáp công ơn của David đã cứu vớt gia đình tôi, tạo điều kiện cho các em tôi có nơi ăn chốn ở, học hành đàng hoàng.

Nỗi nhớ nhà dần nguôi ngoai theo ngày tháng, nhưng hình như tôi vẫn không thể nào nhìn cuộc sống hiện tại của tôi theo cách nhìn của má -má vẫn nói rằng tôi đang có một mái gia đình hạnh phúc với người chồng tốt. Thật ra, trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn tôi vẫn còn cất dấu một nỗi khát khao không thể bày tỏ. Tôi thèm nói và thèm nghe tiếng Việt Nam. Tôi thèm có người cùng tôi xì sụp thưởng thức những món ăn quê hương đậm đà mùi tương, mùi mắm. David yêu tôi, anh cho tôi nhiều thứ, nhưng tôi vẫn thiếu. Cái thiếu lớn nhất mà David không bao giờ cho tôi được từ nơi anh là… chất Việt Nam.

Bằng sự quan tâm và nhạy cảm, David hiểu được điều tôi cần, nên có một ngày anh đã mang về nhà một người khách… lạ mà quen. Lạ, vì tôi chưa từng bao giờ gặp người ấy. Quen, vì đó là người Việt Nam. Tôi đã đón tiếp anh bằng sự mừng rỡ và hân hoan chưa từng có. Anh tên Lục, là một quân nhân trong binh chủng không quân đang tu nghiệp tại Mỹ. David tình cờ gặp được anh ở khu shopping trong chuyến đi công tác. Nhận ra anh là người Việt, David không ngần ngại bước đến làm quen và ngỏ lời muốn được kết bạn với anh để cho tôi -vợ anh- có cơ hội được gặp người đồng hương.

Tội nghiệp David. Tội nghiệp chồng tôi. Anh đâu biết rằng khi mở cửa để Lục bước vào nhà cũng có nghĩa là anh đã mở cửa để hạnh phúc của mình bước ra đi. Bởi vì tôi -người vợ hư đốn của David- ngay trong cái chạm mắt đầu tiên với Lục đã chợt khám phá ra, đây chính là người đàn ông trong mộng của mình. Có thể cũng có nhiều người đàn bà khác rơi vào hoàn cảnh như tôi, nhưng người ta biết suy nghĩ, biết đắn đo chọn lựa cái hạnh phúc đích thực của đời mình, hay ít nhất cũng biết cái giới hạn phải dừng lại của người đàn bà đã mang trên vai trách nhiệm làm vợ. Nhưng tôi, có phải vì chưa bao giờ biết được hương vị tình yêu là gì đã phải lăn lốc đối đầu với cuộc sống khi tuổi đời chưa tròn con số hai mươi, nên giờ đây, tình yêu muộn màng này dù có đắng chát tôi vẫn bất chấp hậu quả, cứ lăn xả vào để tận hưởng?

Rất rõ ràng tôi biết Lục đến với tôi vì nhu cầu hơn là tình cảm chân thật. Nhưng chuyện đó không quan trọng. Bởi vì… cho dù Lục đối với tôi thế nào thì tôi vẫn yêu Lục bằng cả trái tim khát khao, nóng bỏng. Tôi quay lưng với nỗi đớn đau và bàng hoàng của David khi đứa con đầu tiên ra đời là một đứa bé hoàn toàn Việt Nam, không tóc vàng, mắt xanh, da trắng mà sâm sẫm màu da nâu của Lục cùng đôi chân mày hơi xếch ở phía đuôi. Sự thật hiển nhiên như thế nhưng David vẫn đón nhận đứa bé bằng tình yêu thương của một người cha, không những bằng tờ giấy khai sinh mang họ của anh mà đêm đêm anh không quản ngại thức giấc để pha bình sữa hay thay chiếc tả cho nó.

Chưa bao giờ David hỏi tôi, tại sao? nhưng Lục thì lại hỏi, tại sao biết "dính" mà không "bỏ" đi. Câu hỏi tàn nhẫn đó không khiến tôi giận Lục mà chỉ lo sợ anh rời bỏ tôi, dù tôi thừa biết rằng, khi xong khóa tu nghiệp, Lục trở về Việt Nam thì tôi và anh mãi mãi chia lìa. Và dù tôi có "bỏ" hay "giữ" thì Lục cũng sẽ không vì đứa con này mà ở lại Mỹ.

Nhưng rồi biến cố 1975 xảy đến. Trong lúc Lục và tôi cùng buồn bã, hoảng hốt vì mất liên lạc với gia đình thì trong lòng tôi lại có niềm hân hoan khác: Lục sẽ ở lại đây với tôi … cho đến hết đời (?)

Tôi lấy tất cả số tiền dành dụm được để lo nơi ăn chốn ở cho Lục để Lục được đi học như mong ước của anh. Không do dự, không chờ đợi thuận nơi, thuận lúc, tôi thẳng thắn đặt vấn đề ly dị với David để được sống chính thức với người mình đang yêu say đắm. Lục tránh mặt David. Anh bảo, mọi sự anh giao cho tôi giải quyết "nếu David đòi giữ con cứ để ông ta giữ cho khỏi rắc rối".

Trong tình yêu, tôi mù cả hai mắt nên không thấy những điều đáng lẽ tôi phải thấy và thấy rất rõ. Những "giọt nước mắt đàn ông" của David không làm nao núng, xót xa trái tim tôi, ngược lại tôi còn chê David, đàn ông mà yếu đuối. Nhưng tôi không biết rằng sự yếu đuối đó là một thể hiện tình yêu mãnh liệt David đã dành tôi. Tôi đành đoạn quay lưng đi, mang theo đứa con của tôi và Lục -đứa con mà David đã chăm sóc nó như núm ruột yêu thương của mình suốt một năm dài- như tước đoạt một báu vật từ tay anh, mặc cho anh van xin, nài nỉ. Chỉ có trời mới hiểu được vì sao David lại độ lượng đến dại khờ như vậy.

Tôi về với Lục để bắt đầu những ngày tháng bất hạnh. Lục không đánh đập, chửi mắng tôi như ba tôi đã đối xử với má, nhưng sự gượng gạo, lạnh nhạt và hờ hững của anh làm đau nát lòng tôi. Tôi không bao giờ được sánh bước cùng anh dù bất cứ nơi nào. Điều đó đồng nghĩa với việc anh luôn luôn tỏ ra mình là người đàn ông độc thân trong mắt mọi người. Và điều đó khiến tôi luôn sống với tâm trạng hoang mang lo sợ -sợ một ngày nào đó Lục sẽ bỏ rơi mẹ con tôi.

Cũng vì lo sợ như thế nên tôi luôn cố gắng làm vui lòng Lục bằng cách làm việc cật lực. Một ngày làm hai "job", một tuần làm bảy ngày hầu có đủ tiền trang trải các chi phí trong gia đình và cũng để Lục có một đời sống vật chất đầy đủ để anh thoải mái dành hết thời gian cho việc học. Đã vậy, tôi còn phải sắp xếp thời gian để làm hết mọi việc trong gia đình -những công việc mà ngày xưa khi sống với David tôi không bao giờ đụng tay đến. Những lúc thấy tôi quá mệt mỏi Lục luôn động viên tôi, ráng vài năm nữa anh ra trường tìm được việc làm thì em khỏi phải làm gì cả. Ngày đó xa hay gần, có hay không, tôi cũng chẳng dám mơ đến. Thực tế cho thấy cuộc hành trình tôi đang dấn bước còn quá nhiều gian nan, thử thách, để đôi khi tôi chợt nghĩ đến David và thầm tiếc nuối những ngày xưa quá nhàn nhã, sung sướng.

Lễ tốt nghiệp của Lục diễn ra lúc nào tôi không hay biết, chỉ đến khi tôi khám phá ra những món quà mừng được cất kỹ trong tủ sách thì mọi việc đã qua cả tháng rồi. Tôi nhẹ nhàng trách Lục :

-Chuyện vui lớn vậy mà anh cũng dấu em sao?

Với vẻ khó chịu, Lục gạt ngang :

-Có gì sai mà phải dấu, nhưng thấy em bận rộn anh không muốn làm mất thời giờ của em.

Tôi giận dỗi :

-Vợ chồng mà anh khách sáo như người xa lạ!!!

Tôi không dám nói gì thêm, chỉ sợ Lục lại mỉa mai cay đắng bằng câu nói quen thuộc, anh biết, nhờ em bố thí cho cơm ăn, áo mặc mà anh mới có điều kiện để tiếp tục học hành.

Rồi một ngày… khi tôi từ chỗ làm việc trở về nhà thì Lục đã đi xa. Anh chỉ để lại mảnh giấy với những dòng chữ nghiêng ngả "Anh đi nhận việc làm. Chưa biết thế nào nên không nói với em. Khi mọi sự ổn định anh sẽ cho em hay". Tất cả chỉ là những câu hứa hẹn thật mơ hồ. Lục đang đi đâu và ở đâu, anh không hề nói đến. Tôi cầm điện thoại lên, do dự một lúc rồi bỏ xuống. Tôi biết tính Lục, khi anh không muốn nói mà cứ hỏi han thì chỉ làm cho anh bực bội, vì cho rằng tôi muốn kiểm soát anh và không chừng đó lại là cái cớ để đào sâu thêm cái khoảng cách mà Lục đã vẽ ra cho tôi và anh.

Tôi khóc cạn nước mắt từ tuần này qua tháng nọ mà Lục vẫn chưa quay về. Lục đổi số điện thoại và anh cũng chẳng bao giờ gọi cho tôi, chỉ thỉnh thoảng vài tháng lại viết một lá thư vắn vỏi gửi về thăm hỏi có lệ. Đây có phải là chút lương tâm còn sót lại mỗi khi Lục giật mình nhìn lại quá khứ. Cái quá khứ có bóng dáng người đàn bà không xinh đẹp, nếu không muốn nói là có hơi quê mùa và dốt nát, đã vì anh mà sẵn sàng vứt bỏ một mái ấm hạnh phúc, nơi đó có người chồng dị chủng nhưng không dị tình, biết rõ vợ mình đã sinh ra đứa con không phải là của mình nhưng vẫn khao khát được làm cha.

Tội nghiệp David, bao năm tôi ra đi là bấy năm anh sống lẻ loi, hiu quạnh trong căn nhà cũ. Anh vẫn len lén tìm tôi để xin gặp thằng Bờm. Trong đám bạn bè cũ, có người nói anh "độ lượng như một vị thánh" cũng có người gọi anh là "thằng Mỹ khùng". Tôi không biết chữ nào dành cho anh là đúng, nhưng lòng tôi bắt đầu chao đảo, tim tôi bắt đầu xót xa, để rồi bằng những giọt nước mắt chân thành tôi nhận ra rằng, dù có đi khắp cõi nhân gian này cũng không tìm được một người đàn ông yêu tôi như David đã yêu tôi.

Sau một năm Lục rời khỏi nhà và tôi ngoan ngoãn làm nàng Tô Thị thời đại thì tôi nhận được thư của Lục. Anh viết :

"Em đừng chờ anh nữa, hãy trở về với David. Anh rất hối hận về những gì mình đã gây ra. Anh có lỗi với David nhiều lắm. Rất mong em sẽ giúp anh chuộc lại lỗi lầm và anh tin rằng David sẽ rất hạnh phúc để đón em và thằng Bờm. David xứng đáng là một người chồng và người cha tốt. Cám ơn em và tất cả những gì đã giúp đỡ anh."

Tám năm trôi qua, giờ đây Lục mới chợt nghĩ lại để hối hận về việc anh đã làm. Như vậy có phải là quá muộn màng không? Tôi không biết những điều anh viết ra là xuất phát từ tấm lòng chân thật hay đó chỉ là cái cớ để anh có thể quay lưng mà không chút ray rứt, vì đã sắp đặt cho tôi và đứa con một chốn dung thân mà theo suy nghĩ của anh rất hợp lý và vẹn toàn. Cái bi kịch mà tôi hàng nơm nớp lo sợ nó sẽ xảy ra đã hạ màn một cách nhanh chóng và êm ả.

Không một giọt nước mắt rơi xuống, tôi ôm nỗi căm hận vào lòng với quyết tâm rời xa căn nhà có quá nhiều kỷ niệm này, tìm một nơi chốn xa lạ để quên đi cái quá khứ nghiệt ngã đầy tội lỗi của mình. Nhưng tối hôm đó tôi đã bị quật ngã bởi căn bệnh tim tái phát. Thằng bé con mới tám tuổi nhưng cũng đủ khôn ngoan để nhấc điện thoại gọi cảnh sát nhờ cứu cấp.

Một tuần sau, David tìm đến tôi với lá thư của Lục trên tay. Lời lẽ trong thư giống y những gì Lục đã viết cho tôi chỉ khác là bằng tiếng Mỹ. Tôi quá đỗi ngỡ ngàng vì hành động của Lục. Như vậy, trong mắt Lục, tôi chỉ là món hàng để anh trao đi đổi về, khi món hàng không còn cần thiết cho anh nữa thì anh sẵn sàng trả về chủ cũ không chút quyến luyến, tiếc thương. David cầm tay tôi, gật gật đầu như hơn mười năm trước anh đã gật gật đầu với tôi, ngụ ý "về sống với anh nghe". Dù hư hỏng thế mấy tôi cũng còn chút tự trọng để từ chối tình yêu bao dung và tấm lòng nhân hậu của David mà tôi không xứng đáng được hưởng. Nhưng nhớ lại căn bệnh bất ngờ vừa xảy đến tôi chợt lo sợ… nếu tôi có mệnh hệ nào thì thằng Bờm sẽ ra sao. Tôi gục đầu vào cánh tay của David khóc nức nở.

Tôi trở về với David, nhưng cái mặc cảm phạm tội khiến tôi lạc lỏng trong chính căn nhà ngày xưa của mình. David vẫn là David của thuở ban đầu. Vẫn ngọt ngào, ân cần. Vẫn lo lắng, chăm sóc cho tôi như ngày nào. Tôi không biết anh có oán, có giận tôi, người đã từng mang đau khổ đến cho anh không, sao nét mặt anh vẫn bình an, nụ cười anh vẫn thư thái, giọng nói anh vẫn nhẹ nhàng.

Một năm tiếp tục trôi qua. Khi tâm trạng tôi dần dần cân bằng thì căn bệnh stroke đã vô tình lấy đi sức khỏe cùng sự đi đứng nhanh nhẹn của David. Anh buồn bã và thất vọng vì cho rằng từ bây giờ anh sẽ là gánh nặng của tôi. Nhưng ngược lại, đây là cơ hội tốt để tôi đền đáp món nợ ân tình quá lớn mà David đã dành cho tôi.

Tôi tìm thấy hạnh phúc trong sự cực nhọc khi tự tay chăm sóc cho David tất cả mọi việc trong sinh hoạt hàng ngày. Tôi cảm tạ Ơn trên đã cho David được tồn tại đến ngày hôm nay dù anh đã trở nên tật nguyền để tôi được trở thành NGƯỜI. Một con người đúng nghĩa. Một con người không sống vì niềm vui của chính mình mà để mang niềm vui đến cho người khác. Và người khác đó không phải ai xa lạ mà chính là David- chồng tôi- và thằng Bờm- con tôi.

***

Chuyện xảy ra đã mấy mươi năm. Cuộc sống gia đình tôi giờ rất ấm êm hạnh phúc. Tôi cũng chẳng muốn nhắc làm gì chuyện đã qua. Nhưng tuần rồi, tình cờ gặp lại người bạn của Lục. anh kể "thằng Lục bây giờ khổ lắm, nó bị bệnh nằm một chỗ nên vợ con đưa nó vào Nursing home rồi bỏ đó, chẳng ai thăm viếng, mỗi lần tôi vào thăm là nó khóc". Tôi nói dăm ba câu chuyện rồi đẩy David ra xe. Ngồi trên xe, suốt con đường trở về nhà, David nhìn tôi đăm đăm. Tôi rất muốn biết điều anh suy nghĩ xuyên qua ánh mắt ấy. Anh đang buồn hay vui đối với một kết cuôc bi thảm cho người đã từng là bạn anh và cũng từng là kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình anh. Nhưng giọng nói khẽ khàng của David đã làm tôi xúc động "hay là em đi thăm Lục một lần đi. Tội nghiệp anh ấy. Anh còn có em, nhưng anh ấy không còn ai nữa".

Tôi chợt nhớ lại lời phê phán của người bạn cũ. Không biết David "độ lượng như một vị thánh" hay David chỉ là "thằng Mỹ khùng"? Là ai đi nữa thì David vẫn là David của tôi. Và hết kiếp này cho đến kiếp sau, tôi vẫn cầu xin được mãi mãi là vợ của anh []

Ngân Bình

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search