T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Đôi khi…

clip_image002

( Hình Cắm Hoa : Trương T Vinh )

Chiếc sofa vừa mới êm ái cách đây dăm mười phút bỗng trở nên chông chênh, gồ ghề, khó chịu. Chị ngồi dậy, tựa cái đầu nặng chịch vào thành ghế, bực bội tắt TV. Căn nhà đang rộn ràng âm thanh trong phút chốc trở nên vắng lặng một cách lạ lùng. Bỗng chị thấy sợ. Sợ gì không biết, chỉ biết lòng chị như đang thấp thỏm, chờ đợi trong cảm giác buồn bã đến nao lòng. Gần đây, cứ mỗi lần bệnh, dù chỉ là căn bệnh nhẹ chị cũng cảm thấy mình vô cùng yếu đuối -sự yếu đuối có xen lẫn niềm sợ hãi trong đó. Hình như chị sợ sự lẻ loi, đơn độc dù có cha mẹ, chồng con bên cạnh.

Cánh cửa xịch mở, đứa con gái bước lại ghế, đưa bàn tay mát lạnh xoa má chị, ngọt giọng, con biết cả nhà đi lễ nên vội vàng về với mẹ, mẹ thấy đỡ chưa?. Chị không nói, mím môi, cố ngăn những giòng nước mắt đang tràn ứa trong đôi mắt. Mẹ! Sao vậy?. Chị cũng không nói, vòng tay ôm xiết tấm lưng thon của con. Chị cố để đừng vỡ oà tiếng khóc khi chợt nhớ, chỉ còn vài tháng ngắn ngủi nữa thôi đứa con gái yêu quý của mình sẽ rời xa căn nhà nó từng quấn quýt bên chị từ thuở nhỏ để theo chồng.

Nhiều khi chị thèm sống lại quãng thời gian bọn trẻ còn thơ ấu biết bao nhiêu. Cái quãng thời gian chúng còn mang tã chạy lạch ạch trên sàn nhà, miệng lúc nào cũng bi bô gọi "mẹ ơi! mẹ à". Giờ đây, chúng vẫn ở cùng với chị, nhưng đời sống riêng tư với những bận rộn trong cuộc sống hàng ngày như cuốn chúng khỏi vòng tay của chị. Chị biết, sẽ có ngày chúng rời xa chị. Và rồi căn nhà ấm cúng này sẽ trở nên quạnh quẽ với hai mái đầu bạc lần mò từng bước, bước vào bóng tối nhờ nhợt của buổi hoàng hôn.

Rất nhiều lần chị rưng rưng nước mắt khi nhắc lại cho anh nghe một câu hát trong vở tuồng cải lương "Bông hồng cài áo" mà ngày xưa chị thường cùng mẹ say mê theo dõi. Làm sao chị quên được giọng hát nghèn nghẹn, ngọt lịm của Ngọc Giàu trong tâm sự người mẹ bị bỏ quên "ngày nó còn bé, mình chỉ cho một viên kẹo mà nó theo mình suốt cả ngày. Bây giờ, mình cho cả cuộc đời nó cũng không thèm nhận". Anh xoa vai chị, cười chế nhạo "con mình có bạc bẽo gì đâu mà em lại nghĩ đến câu hát đó. Tụi nó đã ra đời và vì công ăn việc làm mà phải trôi theo dòng chảy của sự sống. Thời nay khác xưa nhiều lắm, mình phải thay đổi cách suy nghĩ mới có thể vui vẻ, bình an được em à!". Chị gật đầu, lau nước mắt cho anh yên tâm nhưng trong lòng, nỗi buồn vẫn hắt hiu đâu đó.

Tính chị vốn hay quay ngược về quá khứ. Cái quá khứ có nhiều chuyện vui, nhưng cũng không ít chuyện buồn mà chị cố gắng không nghĩ đến. Vậy mà những giấc mơ trong giấc ngủ chập chờn vì cơn bệnh lại kéo tuột chị về cái thời xa xôi đã khuất chìm trong ký ức. Ở đó, chị gặp lại K. Chị mừng rỡ chạy theo, với tay vẫy gọi, K. chờ tao với. Nhưng K vẫn bước đi, đầu quay lại nhìn chị bằng cái nhìn thẳm thẳm buồn tựa "đôi mắt người Sơn Tây, u uẩn chiều luân lạc…" Chưa bao giờ chị thấy K. buồn như thế. K. chờ tao với. Chị chạy hụt hơi trên bãi cát nóng, rồi sụp chân ngã vào cái vòng xoáy tít mù, tai còn nghe tiếng nói lạnh lùng của K., về đi, đừng theo tao. Chị gào thét, vùng vẫy rồi giật mình tỉnh giấc, mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt. Sau vài giây ngắn ngủi định tỉnh tâm thầm chị thở dài não nuột. Hơi thở như nặng nề hơn khi nhớ đến K. người bạn thân thiết của thời áo trắng.

Chị nhớ mình học chung với K. từ đệ thất cho đến đệ tứ, nhưng hình như bốn năm học chung, hai đứa chưa từng chào hỏi nhau một lần. Có lẽ vì cái khoảng cách từ chỗ chị ngồi -vì nhỏ con nên năm nào chị cũng "bị" xếp vào bàn nhất, một vị trí mà chị rất ghét- đến chiếc bàn gần cuối của K. Nhưng đến năm đệ nhất, không hiểu cơ duyên nào đưa đẩy, nên tuy không học cùng lớp – do đổi ban- chị và K, cùng L., C. lại trở thành nhóm "chúng mình bốn đứa" thân thiết, gắn bó, thương yêu nhau tình như ruột thịt. Tốt nghiệp trung học, chị và L. tiếp tục lên đại học. C., thi trượt tú tài hai nên chán nản, bỏ sách vở đi làm công chức. K. cũng dẹp bút nghiêng dù đã trở thành "cô tú" để đi làm, giúp đỡ gia đình.

Rồi biến cố 75 xảy đến. Trong khi mỗi đứa bận rộn với đời sống riêng mình thì K. lấy chồng. Chồng K. là một chàng sinh viên quân y. Dù hai người yêu nhau cũng khá lâu, nhưng chị và các bạn cũng biết, đây không phải là thời điểm thích hợp cho việc kết hôn. Nhưng lúc đó chồng của K. đang bơ vơ không chỗ nương thân -vì trường quân y đã bị "cách mạng" tiếp thu- mà gia đình thì đang ở một tỉnh miền tây xa xôi, nên K xin phép cha mẹ cho người yêu được tá túc. Có lẽ, để sự có mặt của một người con trai lạ trong gia đình được danh chánh ngôn thuận, nên một lễ cưới đơn giản đã được cử hành. Thôi thì ba đứa con gái trong nhóm "chúng mình bốn đứa" cũng thật tâm chúc mừng cho đứa bạn thân thương của mình, dù biết rằng từ bây giờ nó sẽ "theo chồng bỏ cuộc chơi". Từ đó, chồng của K. ung dung cắp sách đến trường vì đã có vợ gồng gánh lo toan tất cả những chi phí của đời sống hàng ngày. Khoảng ba năm sau, chồng K tốt nghiệp bác sĩ. Tưởng rằng bạn mình sẽ bắt đầu thảnh thơi và môi cười tràn đầy hạnh phúc với danh vị "bà bác sĩ", nhưng không ngờ, ngày lên đường nhận nhiệm sở cũng là ngày anh chồng thản nhiên nói với K. hai chữ "ly dị". Thì ra, K. chỉ là con đò nhỏ tận tụy một cách dại khờ khách dùng để bước qua sông. Với bản tính trầm lặng, ít nói và cam phận, K. đã lặng lẽ nuốt nước mắt, một mình ôm trái tim đau xuống tàu vượt biên để chôn vùi cái quá khứ bi thảm, phũ phàng và cũng để quên đi người chồng bất nhân, bạc nghĩa, bạc tình.

Thế là chị và K. không còn tin tức của nhau. Khi đến Mỹ, chị may mắn liên lạc được với K. Lúc đó, K đã có gia đình. Chồng K, người đàn ông bản xứ nhỏ hơn K năm tuổi, tính tình thật hiền lành, đôn hậu. Chị mừng cho bạn tìm được hạnh phúc để đền bù sự bất hạnh. Lúc ấy chị ở Dallas, K. ở Houston. Khoảng cách không xa, nhưng ai cũng tất bật lo toan cho cuộc sống, nhất là chị, đến Mỹ chưa bao lâu với hai đứa con đang tuổi chập chững. Thỉnh thoảng, chị gọi điện thoại cho K., hai đứa lại tỉ tê tâm sự hàng giờ như thời con gái. Dù K. không nói thẳng, nhưng chị vẫn bùi ngùi nhận biết, bạn mình không tìm được niềm vui trong cuộc sống lứa đôi vì sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, tập quán. Có lần K. nói với chị "tao thèm được nghe những lời thì thầm ngọt ngào bằng tiếng Việt Nam hơn là ba chữ I love you gần như vô cảm đối với tao". Chị nghe buốt nhói trong lòng, nhưng cố nhẹ nhàng an ủi "Dù sao, M. cũng là người tốt". "Ừ! Tao cũng biết vậy, nhưng đó chỉ là sự may mắn chứ không phải hạnh phúc".

Thời gian trôi, các con càng lớn chị càng bận bịu với công việc may vá để kiếm tiền. Rồi việc nhà, việc chăm sóc, đưa đón con cái, thế là sự liên lạc giữa chị và bạn ngày càng thưa dần. Có lúc giật mình chị tìm số điện thoại gọi K. Bên kia đầu dây có tiếng cười khúc khích khi chị nghiến răng sỉ vả "đồ cà chớn! tao không gọi mày thì mày cũng chẳng bao giờ gọi tao". Một vài lần như thế chị đâm giận thật, nên có lần nói với anh "em không thèm gọi K. nữa, để xem chừng nào nó gọi em cho biết". Quả thật chị không gọi, K. cũng im luôn. Tính K. từ xưa đã thế, dù rất thân mật, vui vẻ mỗi khi gặp mặt, nhưng khi một mình thì K lại thu người trong cáo vỏ ốc cô đơn không muốn tiếp xúc với ai.

Biết vậy mà sao còn giận nó?. Đó là câu chị tự mắng nhiếc mình khi nhận được cú điện thoại bất ngờ của em K. "Chị ơi… chị K. chết rồi". Bàn tay cầm điện thoại run lên, chị nghẹn ngào hỏi "tại sao" mà nước mắt rơi lả chả. Trở về nhà sau đám tang của K, chị thẫn thờ cả tuần lòng tự trách, tại sao mình không gọi điện thoại cho K, để ít ra trong những ngày cuối cùng trên giường bệnh, mình có thể đến với K. cầm tay ủi an, trò chuyện, để K. được kể lể tất cả những gì sâu kín nhất trong lòng. Thấy chị suốt ngày dàu dàu nét mặt, anh khuyên "thôi, chuyện qua rồi, đừng nghĩ ngợi nhiều. Chỉ có điều, bây giờ, nếu em nhớ đến người bạn nào, dù có chuyện gì giận hờn thì cũng nên bỏ qua, gọi điện thoại trút bầu tâm sự để sau này khỏi phải hối hận". Anh nheo mắt chọc cười, nhưng làm sao chị có thể cười nổi.

K. ơi! cho tao xin lỗi!!! Cả ngày chị thì thầm câu nói đó, nhưng ánh mắt của K. trong giấc mơ ban chiều vẫn ám ảnh chị suốt đêm đó…

***

Ngày thứ 26 chị mới rời khỏi giường để bước ra sau vườn hít thở chút không khí thoáng mát, dù mẹ chị cố can ngăn "trời đang gió, con chưa hết bệnh ra ngoài chi vậy". Chị không ngờ sức khỏe mình lại tệ đến thế. Chỉ là căn bệnh cảm cúm thông thường mà cơ thể chị không chống chọi nổi, nếu mai này… Nhiều lúc, đang ngồi tự dưng chị bật khóc. Chị không nhớ hết những gì đang lẩn quẩn trong cái đầu nặng như búa bổ, nhưng rõ ràng tinh thần chị rất suy sụp khi nghĩ đến căn bệnh bất trị của mình. Những lúc ấy, anh luôn là người vực chị dậy. Ngoài những chăm sóc cho chị từng ly, từng tí trong vấn đề ăn uống, thuốc men, anh còn tự nguyện làm nhiều việc giúp đỡ người khác bất kể giờ giấc, nặng nhọc để dâng lời cầu nguyện cho chị. Có lúc nằm trên sofa, chị thấy anh tất bật nấu nướng, rồi chạy ra sân sau đóng cái này, sửa cái kia mà quên mất nồi cá đang kho cho đến khi nghe mùi cháy khét. Anh chạy vào, bứt tóc, bứt tai, lầm bầm "thiệt tình!… thiệt tình!!!"một chập rồi quay lại cười khì với chị "anh nấu món khác nha". Nước mắt chị ứa ra vì thương anh khi nhớ những lời mẹ hay nói "Con có phước quá mà không biết, cứ cằn nhằn nó hoài!". "Ùm… ùm… hoài đâu mà hoài, chỉ khi nào ảnh làm cho con nổi dóa vì sự lôi thôi, không ngăn nắp của ảnh… Một tuần có bảy ngày mà ảnh đã bày biện mất năm ngày và con phải dọn dẹp mất sáu ngày rồi.. thấy ghét". Còn anh, mỗi lần nghe chị nói thế thì toét miệng cười cầu tài "Nếu em cứ nhìn thẳng thì em sẽ thấy vô vàn ưu điểm của anh. Đừng nhìn sang trái, cũng đừng nhìn sang phải để thấy mấy cái khuyết điểm còn vướng mắc ở đó rồi ghét anh… tội nghiệp…".

Chị đưa mắt nhìn tấm ảnh anh và chị chụp chung lúc anh còn ở quân trường Đà Lạt. Rồi chị bồi hồi nhớ lại những ngày lặn lội, bám víu trên chiếc xe đò đầy nghịt hành khách để đến thăm anh ở các trại cải tạo Chi Lăng, Mộc Hoá. Nhớ lúc anh vượt trại tìm đường kháng chiến, dự tính không thành anh trở về trú ngụ ở nhà chị. Hơn một năm sau, thiệp cưới được gửi đến bạn bè với hàng tên chú rể lạ hoắc cho mọi người bĩu môi chê trách chị là kẻ bạc tình. Chị giả vờ trân tráo "anh ấy đi học cải tạo biết chừng nào mới về mà chờ!" nhưng lòng vui rộn rã, vì không ai biết chú rể chính là anh đã thay tên đổi họ. Hai năm sau, ôm trên tay đứa con vừa chào đời một tháng rưỡi, anh chị cùng một số người quen biết rời bỏ quê hương bằng chiếc ghe gỗ chỉ dài hơn mười mét mà anh là tài công bất đắc dĩ. Sang Mỹ, lỡ thày, lỡ thợ, gánh gia đình ở Việt Nam nặng trĩu trên vai, anh chị lao đầu vào công việc để kiếm tiền, thôi thì việc học hành mà anh chị đã có lần ao ước dành lại cho con cái.

Thoắt một cái đã gần ba mươi năm trên mảnh đất tạm dung này. Đời sống anh chị tạm ổn theo ý nghĩa "bằng lòng với những gì mình đang có" và chị luôn cảm tạ Chúa đã ban cho mình một gia đình hạnh phúc. Hơn ba mươi năm làm vợ anh, chưa một lần anh lớn tiếng với chị. Với anh, gia đình là quan trọng nhất, bởi nó là nền tảng vững chải cho con cái bước vào đời với sự tự tin và lòng tự hào. Những người bạn trẻ, có khi nhỏ hơn anh gần hai mươi tuổi thường tìm anh tâm sự mỗi khi gia đình gặp thử thách. Chị vui và cảm thấy hãnh diện, bởi vì những gì anh khuyên nhủ họ là những gì anh đã làm được cho chị và hai con trong mấy mươi năm qua.

Em đã hoàn toàn khỏe chưa? Dạ khỏe lắm, anh cứ lo xong công việc đi, em tự làm thức ăn được rồi. Chị quay lại nhìn anh cười tươi tắn rồi giang rộng hai tay, ngước mặt lên trời, chầm chậm hít làn không khí trong lành vào lồng ngực. Chị nghe lòng mình rộn ràng niềm vui khi ôm cánh tay anh nói lời cám ơn. Anh đi rồi, chị gọi điện thoại cho con nhắc nhở, hai đứa chiều về sớm ăn cơm với mẹ nha. Chị gọi vài người bạn thân, hân hoan trò chuyện trong tiếng cười nắc nẻ.

Đôi khi… sau mỗi cơn bệnh chị lại cảm thấy yêu đời và yêu người hơn []

Ngân Bình

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search