T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 23)

Văn hóa cà phê

Nếu bạn muốn uống cà phê sữa…Ở Sài Gòn: cho xin 1 ly bạch sửu. Ở Hà Nội: nếu bạn gọi 1 ly bạch sửu bạn sẽ nhận được câu trả lời – không có, hoặc bạn bị coi là… hâm.

Đọan so sánh về ly “bạch sửu” làm sống lại trong tôi những quán cà phê Tàu,

những quán cà phê đã làm nên một đặc tính “văn hóa cà phê” rất Sài Gòn. Thực ra,

chữ bạch sửu có lẽ là do đọc trại đi từ “bạc xỉu”, gọi tắt của cụm chữ “bạc tẩy xỉu

phé”. Mấy chữ đó là âm từ tiếng Quan Thọai, thứ tiếng Tàu khá phổ thông trong số

những người Tàu sống ở Sài Gòn. Bạc là màu trắng, Tẩy là cái ly không, Xỉu là một

chút, và Phé là cà phê. Rõ nghĩa hơn, đó là một thức uống theo khách hàng :

Sữa nóng thêm một chút cà phê. Sữa đặc pha với nước sôi thường có mùi hơi khó

uống, nên chút cà phê thêm vào sẽ làm cái mùi ấy mất đi. Ở những quán cà phê

bình dân của người Tàu (những năm 50s, 60s, Sài Gòn đầy dẫy những quán cà

phê bình dân kiểu này, chúng thường chiếm vị trí thuận lợi ở mỗi đầu con hẻm), khi

khách hàng Việt gọi một món thức ăn, thức uống bằng tiếng Việt, phổ ky (người

hầu bàn) thường có thói quen đứng từ bàn của khách nói vọng vào bếp (cũng

được đặt ngay trong một góc gần ngay chỗ thực khách ngồi ăn uống) món thức ăn,

uống ấy bằng tiếng Tàu. Dần dà, người khách Việt thuộc lòng món ăn, uống ưa thích bằng tiếng Tàu và sau đó, đã sử dụng luôn chúng trong lúc gọi thực đơn. Và từ đó, ngôn ngữ Việt đã đồng hóa một số từ thức ăn, thức uống trong tiếng Tàu thành ngôn ngữ riêng của mình, trong đó có từ “bạc xỉu”.

Vì đó là đặc tính “văn hóa cà phê” riêng của Sài Gòn nên Hà Nội làm sao biết được. Ngay cả Sài Gòn bây giờ, có mấy người trẻ hiểu được thói quen của mấy ông bà lớn tuổi, vào quán cà phê bình dân đầu hẻm, khi vừa ngồi xuống đã vội kéo một chân lên ghế (đẩu), vừa lớn tiếng gọi “cho cái xây chừng coi !” (xây chừng : ly cà phê đen nhỏ), hay “sang”hơn một chút : “Phổ ky ! cho cái xây nại !” (xây nại : ly cà phê sữa nhỏ).

Để nói về “văn hóa cà phê” Sài Gòn những năm đó, người ta cần cả một pho sách.

(T.Vấn – Văn hóa cà phê)

 

Ca dao trữ tình

Cơm chín tới, cải vồng non, gái một con, gà nhảy ổ.
Cau phơi tái, gái đoạn tang, chim ra ràng, gà mái ghẹ.

Tiếng Việt, dễ mà khó

Trước đây, có lần, đọc cuốn Trong Cõi của Trần Quốc Vượng, một nhà nghiên cứu sử học, khảo cổ học và văn hoá dân gian nổi tiếng ở trong nước, tới đoạn ông bàn về hai chữ “làm thinh”, tôi ngỡ đã tìm thấy một phát hiện quan trọng.

Theo Trần Quốc Vượng, “thinh” là thanh, âm thanh, hay là tiếng ồn. “Nín thinh” là kiềm giữ tiếng động lại, là im lặng. Thế nhưng “làm thinh” lại không có nghĩa là gây nên tiếng động mà lại có nghĩa là… im lặng. Cũng giống như chữ “nín thinh”. Trần Quốc Vượng xem đó như là một trong những biểu hiện của Phật tính trong ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam: “nín” và “làm” y như nhau; có và không y như nhau; ấm và lạnh cũng y như nhau (áo ấm và áo lạnh là một!); “đánh bại” và “đánh thắng” y như nhau.

Thú thực, đọc những đoạn phân tích như thế, tôi cảm thấy mừng rỡ và thích thú vô hạn.
Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, đọc bài viết “Tìm nguồn gốc một số từ ngữ tiếng Việt qua các hiện tượng biến đổi ngữ âm” của Lê Trung Hoa, tôi lại bàng hoàng khám phá ra là chữ “làm thinh” thực chất chỉ là biến âm của chữ “hàm thinh” trong chữ Hán.

“Hàm” có nghĩa là ngậm (như trong các từ: hàm ân, hàm oan, hàm huyết phún nhân…).

“Hàm thinh” là ngậm âm thanh lại, không cho chúng phát ra, tức là không nói, tức là… im lặng. Y như chữ “nín thinh”. Nhưng sự giống nhau ở đây chỉ là sự giống nhau của hai từ đồng nghĩa, chứ chả có chút Phật tính hay Trang Tử tính quái gì trong đó cả.
Tôi mới biết là mình mừng hụt.

(Nguyễn Hưng Quốc – e-cadao.com)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Cứ tuần chồng trẻ nói: “Mình đi chơi”.

Chồng già nói: “Mình đi nghỉ”.

Chữ nghĩa tiếng Việt sao khó thế

Hỏi : “Dã tràng xe cát biển đông” và “Dã tràng se cát biển đông” câu nào đúng?
Nếu có vị nào biết, xin chỉ giùm tui và nếu có thể, xin dẫn chứng. Đa tạ!!!!

Đáp : “Xe”“se” là hai chữ đồng âm dị nghĩa. Rất tiếc ta không có nguyên bản của câu trên. Ý nghĩa của “xe”“se” còn tuy theo “xe” hay “se” là động tự hay danh tự?
Xe (xe cộ) là một dụng cụ dùng để chuyên chở. Đứng trên bờ biển, trên bãi cát, ta thấy hàng ngàn con dã tràng đang bê (ôm) những viên cát đi về phía đất liền. Nhìn chúng như những chiếc xe đang chở cát. Vậy có thể gọi chúng là “xe”.
Những hạt cát nhỏ xíu, rời rạc, không dính liền vào nhau, được con dã tràng vo viên lại thành một cục rồi ôm mang để lên bờ. Từ trạng thái rời rạc được bó lại, kết lại, vo lại thành một cục to, bự gọi là “se” .
Dã tràng se (xe) cát biển đông
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.
Tôi không rõ xuất xứ, thời gian của câu này. Nhưng người Việt thường hay có lối nói ví von, một câu có nghĩa đen, nghĩa bóng. Vậy tôi xin…chào thua.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Tiếng Việt trong sáng

Phản ánh trong Hán Việt tự điển ghi: “ánh sáng chiếu trở lại” và không có cụm từ “phản ảnh”.

Đại tự điển tiếng Việt ghi “phản ánh” là “phản ảnh”.

(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu – Tiếng Việt, tiếng nước tôi)

Giá sách cũ

Giữa năm 1932, tôi (Nguyễn Tường Bách) còn ở Cẩm Giàng, thấy anh Tam và anh Long có bàn qua về việc ra một tờ báo, lấy tên là Tiềng Cười. Phỏng theo tờ Le Rire và tờ báo trào phúng Le Canard enchainé (Con vịt bị buộc) ở bên Pháp.. Nhưng sau tờ Tiếng Cười không được cấp giấy phép, vì thực dân đâu muốn cấp cho một người đã từng du học ở Pháp về. Anh Tam đâu có chịu bó tay. Anh xoay và xoay rất cừ. Bấy giờ, nhân có tờ báo của anh Phạm Hữu Ninh…anh Tam đề nghị…nhường lại cho mình làm chủ bút, chỉ cần mất chút tiền thuê báo. Người viết, bài vở lúc đó cũng đã sẵn sàng.

Tự Lực Văn Đoàn được thành lập công bố trên báo Phong Hóa số 87 ra ngày 2.3.1933.

Dưới sự tổ chức của Nhất Linh, đã tạo nên một nhóm cây viết, một văn đàn gắn bó với nhau. Ngay trong nhà đã có ba cây viết rồi, cộng với Tú Mỡ là bốn, lại vừa kéo thêm được một tài năng nữa, đó là Khái Hưng. Ngay hồi đó, anh Trần Khánh Giư (tên thật) đã viết cho tờ báo Duy Tân cùng với mấy nhà văn Lãng Nhân Phùng Tất Đắc và Tchya (tôi chẳng yêu ai?) Đái Đức Tuấn. Một số bài nữa đã đăng trên tờ Phong Hoá (cũ) và tờ Văn Học tạp chí của anh em Dương Bá Trạc.

Nhóm 5 người này quyết tâm sáng tạo một đường lối mới, cả về hình thức lẫn nội dung. Họ sẽ bỏ lối viết sáo rỗng, nặng nề, để dùng một lối văn trong sáng, bình dân hơn. Họ chống lại những lạc hậu, cổ hủ. Họ sẽ đưa một bầu không khí mới mê, tươi tắn trong cái ao tù bảo thủ truyền thống vẫn đè nặng lên con người từ trước tới nay.
Ngay trong số đầu, nhóm Phong Hoá Tự lực văn đoàn đã rất tự tin trong ý muốn đưa lại một luồng sinh khí mới cho làng báo. Và có khí phách, khi đụng chạm tới hai nhân vật lão thành quyền uy. Một là Nguyễn Văn Vĩnh với tờ Trung Bắc Tân Văn và Đông dương tạp chí, hai là Phạm Quỳnh với tờ Nam Phong… Hai ông Vĩnh và Quỳnh quả thực có tài nhưng người ta đã thấy họ quá ư đạo mạo, cũ kỹ đối với lớp trẻ phóng khoáng hơn.

Báo Phong Hóa (sau là Ngày Nay đình bản năm 1940) ở phố phố Quan Thánh. Anh Nguyễn Kim Hoàn, lúc ấy giữ việc quản lý trong ban trị sự nhà báo.

(Nguyễn Tường Bách –Việt Nam, một thế kỷ qua)

Chữ nghĩa tiếng Việt sao khó thế

Các chữ dưới đây dùng như thế nào mới đúng ? Các bạn cho biết lý do nghe? Cám ơn nhiều lắm nha.
* Dòng chữ, giòng chữ
* Dòng nhạc, giòng nhạc
* Dòng tu, giòng tu (nhà dòng, nhà giòng)
* Dòng sông, giòng sông (dòng Cửu Long, giòng Cửu Long)
* Dòng nước, giòng nước
* Dòng dõi, giòng dõi
* Dòng lịch sử, giòng lịch sử
* Sử dụng, xử dụng
* Sử nữ, xử nữ
* Sử tử, xử tử

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Phù dung, phù du

Phù là nổi lên mặt nước, còn có nghĩa khác là hư không.

Phù dung là một loại cây sống trong nước. Lá to, hoa đỏ, trắng hay vàng.

(Lý Bạch, Vương Xương Linh cho “phù dung” là một loài sen)

Phù du là tiếng Hán, tiếng Việt là con vờ hay con vờ vờ. Một thứ côn trùng ban ngày bay ở trên mặt nước, tối hay bay ở gần bóng đèn và mau chết.

Phù du và con vờ vờ chỉ đời sống ngắn ngủi, vô thường.

Tam bành lục tặc

Trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du viết:

Mụ nghe nàng nói hay tình

Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên

Tam bành ở bộ chữ “tam bành lục tặc” mà ra. Tam bành trong “Thái Thượng Tam Thi Trung Kinh” của Lão Tử viết “Thượng thi” tên Bành Cứ vốn ở cái đầu người ta, “Trung thi” tên Bành Chất vốn ở cái dạ dầy, “Hạ thi” tên Bành Kiên tức ở cái chân.

Ba vị thần này được gọi là Tam Bành hay xúi dục người ta giận dữ hay làm bậy làm bạ.

Lục Tặc kinh của nhà Phật viết sáu thứ có hại là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

Cùng với diễn giải là người tu đạo không nhìn sắc đẹp, tai không nghe tiếng, mũi không ngửi mùi thơm, miệng không nếm vị ngọt, thân thể xa người khác, lòng không tâm tưởng điều tà bậy.

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search