T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Gỉa Tác Phẩm – Duyên Anh

Duyên Anh (1935 – 1997)Duyên Anh sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại Thái Bình Bắc việt mất ngày 6 tháng 2 năm 1997 tại Paris, Pháp (nhằm ngày 29 tết). Ông đã xuất bản năm mươi tác phẩm văn chương. Năm 1975, bị coi như “một trong mười nhà văn nguy hiểm nhất của Việt Nam”, chế độ mới cấm ông viết lách và bắt giam không xét xử suốt sáu năm qua các nhà tù và trại tập trung. Ông được tự do nhờ Amnesty International và Pen Club International can thiệp. Vượt biển sang Pháp, ông viết lại và cho xuất bản gần hai mươi tác phẩm, trong đó Un Russe à Saigon và La colline de Fanta do nhà Belfond xuất bản. Báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình Pháp viết nhiều, nói nhiều về ông. Sử gia Piere Chaunu, giáo sư đại học Sorbonne, nhà văn lừng danh coi Duyên Anh là “nhà thơ lớn, vinh quang của quốc gia”. Chưa một người Việt Nam nào tạo nổi sự vinh dự cho dân tộc ở tư thế lưu vong như Duyên Anh. Tự tin vào tài năng và sự phấn đấu của chính mình, ông đã bước lên mọi nghịch cảnh, bước qua mọi oan khiên để giành một chỗ đứng trên vũ trụ văn học quốc tế như một tiểu thuyết gia đầy đủ tư cách.
TÁC PHẨM:
Hoa Thiên Lý (Tập truyện ngắn 1963)
Thằng Vũ (Truyện dài 1963)
Điệu Ru Nước Mắt (Truyện dài 1963)
Ảo Vọng Tuổi Trẻ (Truyện dài 1964)
Giấc Mơ Một Loài Cỏ – Luật Hè Phố 1 (Truyện dài 1965)
Con Suối Ở Miền Đông – Luật Hè Phố 2 (Truyện dài 1965)
Dzũng Đakao (Truyện dài 1965)
Chương Còm (Truyện dài 1965)
Dấu Chân Sỏi Đá (Truyện dài 1966)
Sa Mac Tuổi Trẻ (Truyện dài 1966)
Kẻ Bị Xóa Trong Sổ Bụi Đời (Tập truyện ngắn 1966)
Cỏ Non (Tập truyện ngắn 1967)
Gấu Rừng (Truyện dài 1967)
Mây Mùa Thu (Truyện dài 1967)
Ngày Xưa Còn Bé (Truyện dài 1967)
Trần Thị Diễm Châu – Châu Kool (Truyện dài 1967)
Vết Thù Hằng Trên Lưng Con Ngựa Hoang (Truyện dài 1967)
Năng Nợ Giang Hồ (Truyện dài 1967)
Bồn Lừa (Truyện dài 1967)
Chính Trị Giao Chỉ – Thương Sinh (Phóng sự 1967)
Đầm Giao Chỉ – Thương Sinh & Gã Thâm (Phóng sự 1967)
Rồi Hết Chiến Tranh (Truyện dài 1968)
Ánh Mắt Trông Theo (Truyện dài 1968)
Thằng Côn (Truyện dài 1968)
Trường Củ (Truyện dài 1968)
Đi Tàu Suốt – Thương Sinh (Phóng sự 1968)
Yêu-Tiền – Thương Sinh & Gã Thâm (Phóng sự 196?)
Ánh Lửa Đêm Tù (Tập truyện ngắn 1969)
Cầu Mơ (Truyện dài 1969)
Mơ Thành Người Quang Trung (Truyện dài 1969)
Tuổi Mười Ba (Truyện dài 1969)
Mặt Trời Nhỏ (Truyện dài 1969)
Tuyển Truyện Duyên Anh (Tập truyện ngắn 1970)
Nhà Tôi (Truyện dài 1970)
Lứa Tuổi Thích Ô Mai (Truyện dài 1970)
Đàn Bà (Truyện dài 1970)
Tên Một Loài Hoa Quê Hương (Truyện dài 1970)
Giặc Ôkê (Truyện dài 1971)
Hưng Mập Phiêu Lưu (Truyện dài 1971)
Ngựa Chứng Trong Sân Trường (Truyện dài 1971)
Nước Mắt Lưng Tròng (Truyện dài 1971)
Áo Tiểu Thư (Truyện dài 1971)
Con Thúy (Truyện dài 1972)
Phượng Vĩ (Truyện dài 1972)
Thằng Khoa (Truyện dài 1972)
Về Yêu Hoa Cúc (Truyện dài 1972)
Thư Tình Trên Cát (Truyện dài 1972)
Hạ Ơi (Truyện dài 1973)
Đêm Thánh Vô Cùng (Tập truyện ngắn 1973)
Cám Ơn Em Đã Yêu Anh (Truyện dài 1974)
Hôn Em Kỷ Niệm (Truyện dài 1974)
Cây Leo Hạnh Phúc (Truyện dài 1974)
Tháng Giêng Ngon Như Một Cặp Môi Gần (Tập truyện ngắn 1975)
Bò Sửa Gặm Cỏ Cháy (Tâm bút 1981)
Đồi Fanta (Truyện dài 1982)
Sỏi Đá Ngậm Ngùi (Truyện dài 1985)
Một Người Tên Là Trần Văn Bá (Truyện dài 1985)
Bầy Sư Tử Lãng Mạng (Truyện dài 1986)
Một Người Nga ở Sài Gòn (Truyện dài 1986)
Thơ Tù (Thơ 1987)
Nhánh Cỏ Mộng Mơ (Truyện dài 1987)
Quán Trọ Trước Cổng Thiên Đường (Truyện dài 1987)
Nhà Tù (Hồi ký 1987)
Trại Tập Trung (Hồi ký 1987)
Sài Gòn Ngày Dài Nhất (Hồi ký 1988)
Nhìn Lại Những Bến Bờ (Hồi ký 1989)
Em, Tôi, Sàigòn và Paris (Thơ 1989)
Ngược Giòng Chữ Nghĩa (Tâm bút 1991)
Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc : Nấu Nướng Dân Gian (Tâm bút 1995)
Về Với Ca Dao (Tâm bút 1995)
Vỡ Lòng Ca Dao (Tâm bút 1995)
Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu (Truyện dài 1995)
Hồn Say Phấn Lạ (Truyện dài 1996)
Tuổi Bướm Sầu (Truyện dài chưa xuất bản)

( Trích : Vietmessenger )

Duyên Anh là nhà văn có số lượng tác phẩm đồ sộ. Chỉ một công việc giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu trong các lãnh vực sáng tác của ông cũng là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian và . . . không gian ( ảo). Do đó, trong khuôn khổ chuyên đề giới thiệu tác giả tác phẩm, phần về nhà văn Duyên Anh, chúng tôi chỉ trích đăng một số bài tiêu biểu của các tác giả viết về ông, còn phần Tác Phẩm, xin độc gỉa bấm vào vào các links trong phần tiểu sử trích từ trang mạng Vietmessenger ở trên.

Võ Phiến : Vài hàng về nhà văn Duyên Anh

(…trích Văn Học Miền Nam)

Đến như Duyên Anh thì đừng hỏi ông lo lắng gì, ông “dâng trọn cuộc đời” cho cái gì. Đã có lần ông la lối Nguyễn Nam Anh om sòm: “Tôi đã thưa với ông rằng tôi không lấy làm quan trọng lắm sự viết lách của mình, cũng chẳng tự làm bộ quan trọng.” Viết về nỗi khổ cực của dân nghèo, ông có viết; viết để dạy dỗ thiếu nhi, ông có viết. Nhưng bảo ông là nhà văn thuộc khuynh hướng giáo dục hay khuynh hướng xã hội, ông cự nự ngay: “Tại sao người ta lại mất công cân nhắc nhỉ? Tôi không phải là nhà văn của tuổi thơ, của tuổi trẻ hay xã hội, ái tình, phiêu lưu chi hết. Tôi là người viết tiểu thuyết. Và trong bất cứ tiểu thuyết nào tôi cũng chỉ ca ngợi Tình Người . Tôi không dấn thân, chẳng viễn mơ.” “Tôi không đeo đuổi hẳn một khuynh hướng nào. Độc giả cũng không thích đọc mãi một tác giả chỉ viết một loại.” Có điều đáng chú ý là ông hay nói đến sở thích của độc giả: “Độc giả thèm những cơn gió đồng nội, thèm đọc văn chương giản dị, tươi mát cơ.” “Tôi viết như tôi nghĩ, tôi nói, tôi thở, tôi sống. Rất dễ dàng. Người đọc, đọc tôi cũng dễ dàng như tôi viết.” “Người đọc tiểu thuyết chỉ đòi hỏi nhà văn có làm họ rung động không. Nếu làm độc giả đọc mình rung động thì y đã đạt nổi nghệ thuật viết tiểu thuyết của y.” [10] Như thế chủ tâm của Duyên Anh là viết được truyện hay, truyện gây thích thú thoải mái cho độc giả. Đừng táy máy gán cho ông ý đồ nọ kia, làm ông giận. Bộ trường thiên tiểu thuyết sáu cuốn của ông chắc cũng không ra ngoài con đường chung.

Võ Phiến

clip_image003

 

 

 

 

 

 

Sông Trà Lý – Thái Bình

 

Duyên Anh qua cái nhìn của một người đọc

Nguyễn thị Hải Hà

 

Tôi bắt đầu đọc truyện của Duyên Anh vào giữa thập niên 60 cho đến năm 75. Thời ấy các môn giải trí cho tuổi trẻ không có nhiều. Trẻ con ở thành phố thỉnh thoảng đựoc xem phim cao bồi võ hiệp ở các rạp xi nê Kim Đô, hay Hồng Bàng. Truyền hình chỉ có màn ảnh trắng đen và chỉ các nhà khá giả trong xóm có truyền hình. Đôi khi muốn xem truyền hình có người phải xách ghế con qua nhà hàng xóm xem ké. Cách giải trí giản dị nhất, rẻ tiền nhất, và ít làm phiền đến ai nhất là đọc sách, nếu người ta có thể tìm sách để đọc. Có lẽ nhờ thế mà chúng tôi đọc sách nhiều. Nhà tôi ở Khánh Hội khu ổ chuột, sau trận cháy lớn năm 1963, dân nhà cháy được dời về Tân Qui Đông, ngoại ô của Sài Gòn, cách thành phố lớn nhất Việt Nam chỉ có một con sông nhưng sao quê mùa hoang dã quá. Muốn đọc sách báo phải đi bộ hàng mấy cây số, ra bến đò qua sông tìm sạp báo. Tôi đọc bất cứ cái gì tôi vớ được, ngay cả giấy gói thịt mua ngoài chợ. Tôi không nhớ rõ vì duyên cơ nào, tôi đọc Hồ Biểu Chánh khi tôi còn học lớp tư (còn gọi là lớp hai).
Có lần chị Tiền hàng xóm bắt gặp tôi đang đọc bà Tùng Long và Mạnh Lệ Quân, chị quát cho bảo là trẻ con thì không nên đọc thứ của người lớn đọc. Tôi lờ đi vì làm gì có báo trẻ con mà đọc. Nhưng may làm sao, ít lâu sau ông Nguyễn Vỹ làm báo Thằng Bờm, rồi sau đó có báo Tuổi Hoa, rồi Ngàn Thông của Quyên Di và Tuổi Ngọc của Duyên Anh. Hầu hết chúng tôi thời ấy đều đọc và mê truyện của Duyên Anh có khi hơn cả Kim Dung, hay Quỳnh Dao cũng là những tác giả ăn khách thời bấy giờ. Tôi đọc ngốn ngấu hầu hết mọi tác giả Việt Nam cùng chung nhóm Báo Tuổi Ngọc với Duyên Anh như Từ Kế Tường, Đinh Tiến Luyện. Có thể nói từ Duyên Anh tôi khám phá ra thêm Đinh Hùng, Mai Thảo, Nguyên Sa hay Tạ Tỵ là những tác giả Duyên Anh hay nhắc đến trong truyện của ông. Và cũng từ Duyên Anh tôi ngưỡng mộ và yêu mến một số tác giả trẻ như chị Nguyễn Thị Ngọc Minh và Duy Nguyên là các cây viết thường xuyên của Tuổi Ngọc.

Tôi đọc hầu như toàn bộ tác phẩm của Duyên Anh, nhưng ngay lúc này thì không còn nhớ được nhiều những gì trong tác phẩm của ông mà tôi đã từng đọc và say mê bởi vì luật thời gian và giới hạn của trí nhớ. Các bài viết về ông trên internet thì khá nhiều nhưng tác phẩm của ông nhất là những tác phẩm rất thành công trước năm 75 thì chỉ có một phần rất nhỏ được sưu tầm. Tôi rất muốn được đọc lại Điệu Ru Nước Mắt, Ngựa Chứng Trong Sân Trường, Vết Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang là những tác phẩm rất được giới trẻ yêu chuộng, yêu chuộng đến nỗi được viết thành phim, được viết thành nhạc. Đọc lại để tìm kiếm, để xác định, cái mãnh lực gì đã thu hút tôi, một bạn đọc thời bấy giờ. Tôi muốn đọc lại để xem sau mấy thập niên, thêm tuổi đời và kinh nghiệm sống, mức độ quyến rũ truyện của Duyên Anh còn quyến rũ tâm hồn tôi đến mức độ nào. Rất tiếc, số tác phẩm của ông trên internet lại không có những tác phẩm cũ mà tôi muốn tìm. Những tác phẩm mới như Đồi Fanta tôi chưa có dịp đọc. May mắn sao tôi tìm được một phần trong tập truyện ngắn Hoa Thiên Lý, Con Ốc Nhỏ Trong Lòng Đại Dương, và Con Sáo Của Em Tôi.

Đây là những tác phẩm đầu tay của Duyên Anh mà cũng là những tác phẩm đã đưa những nhân vật của Duyên Anh vào tâm hồn, và ở lại trong tâm hồn người đọc. Có rất nhiều bạn hữu của Duyên Anh nhận xét là truyện của Duyên Anh thu hút bạn đọc là vì ông văn của ông rất trong sáng giản dị. Duyên Anh thì lại cho rằng người ta phê bình văn ông viết theo kiểu Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Có người nhận định rằng Duyên Anh hấp dẫn bạn đọc vì ông viết về những đề tài nóng bỏng hiện thời, thí dụ như quyển sách Ngựa Chứng Trong Sân Trường dựa theo chuyện học trò đánh thầy giáo ở Nha Trang. Tôi không biết tôi sẽ nhận định ra sao nếu tôi đọc lại những tác phẩm này. Nhưng khi tôi đọc lại ba truyện ngắn mà tôi nhắc đến trước đây, cộng thêm chút trí nhớ còn sót lại về những tác phấm của Duyên Anh mà tôi có thời đọc say mê, tôi nghĩ Duyên Anh thành công nhờ văn của Duyên Anh có những điểm đặc biệt như sau:

1. Duyên Anh rất nhạy bén, am hiểu cách thu hút người đọc qua cách xây dựng nhân vật.

a. Người đọc không thể không thương xót những trẻ em bất hạnh của Duyên Anh.

Các nhân vật chính trong ba truyện Hoa Thiên Lyý (Long), Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ , và Con Sáo Của Em Tôi (hai anh em Hữu và Mai) đều rất nhạy cảm, có cuộc đời bất hạnh, thiếu thốn cả vật chất lẫn tình thương, bị cuộc đời hất hủi. Thông thường người ta dễ có cảm tình với trẻ em bất hạnh thiếu tình thương của cha hay mẹ. Cứ nhìn trong văn học Việt Nam Nghi Xuân Tấn Lực, cô Tấm trong truyện dân gian, cô bé Gigi trong Chim Hót Trong Lồng của Nhật Tiến được thương xót đến ngần nào, và nhìn ra văn học nước ngoài ai mà chẳng yêu Oliver Twist của Charles Dickens hay cô bé Annie của Thomas Meehan, rồi Snow White và Cinderella. Và gần đây nhất là Harry Potter. Có lẽ tâm lý con người vốn nhiều lòng nhân đạo dễ thương xót những trẻ em mồ côi khốn khổ hơn mình.

b. Thấp thoáng trong tâm hồn của những nhân vật của Duyên Anh luôn có những mơ ước, mong mỏi về hình ảnh một người cha và những xâu xé biến động trong nội tâm, và những tình yêu thương không nói nên lời như những nghẹn ngào nuốt vội vào trong lòng.

Nhân vật của Duyên Anh là những người giàu tình cảm, nhạy cảm, mơ mộng, luôn luôn tìm kiếm một tình yêu hay một lý tưởng tuyệt đối. Họ biết yêu và yêu rất nhiều. Họ hiền lành, chịu tai ương, giỏi chịu đựng. Họ hiền nhưng không hèn và luôn hy sinh cho những người họ yêu. Những nhân vật của Duyên Anh luôn cố gắng ngoi đầu lên cho dù cuộc đời dìm đầu họ xuống. Nhân vật của Duyên Anh bị dằn xéo khổ ải trong tinh thần vì khi yêu họ làm những việc trái với lương tâm của họ. Tôi muốn nói đến nhân vật Hữu cái cậu bé đã làm tôi rơi biết bao nhiêu nước mắt trong truyện Con Sáo Của Em Tôi.

JK Rowling cho Harry Potter phép thuật để chống trả với cuộc đời, (gia đình người dì rất khắc nghiệt và pháp thuật của Voldermore) trong khi cậu bé Hữu hoàn toàn không có một thứ gì để bão vệ đứa em gái bé bỏng của mình, thương em không muốn em bị đói thèm mà phải giết con sáo mà em rất yêu. Và tôi cũng muốn nói đến người cha bất hạnh trong truyện Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ. Cái hình ảnh của người cha thất thời lỡ vận này đã theo đuổi dai dẳng trong trí nhớ tôi nhất là những năm 1975 cho đến 1985 khi mức sống ở Việt Nam đã xuống thấp cùng cực. Có lần đi trên dường phố Sài Gòn khỏang cuối năm 79, có rất nhiều người trước là công chức hay giáo viên vì thời thế ra ngôi lề đường sửa xe đạp. Tôi bùi ngùi nhớ đến hình ảnh người cha trong truyện của Duyên Anh và đoạn văn sau đây:

“. . . Cha tôi sắm ít dụng cụ chữa xe đạp. Người ta đặt tên mới cho cha tôi: ông Phó. Cha tôi sửa chữa, lau dầu, vá chín, vá sống săm lốp xe đạp, xe tay. Nếu ai cần tô điểm xe mình thì cha tôi cũng biết sơn xì, sơn hấp, mạ kền bằng… ngân nhũ. Nhiều lần nhìn cha tôi nghiến răng vặn cái ốc lâu ngày thiếu dầu mỡ, lòng tôi thắt lại. Tay cha tôi mạch máu nổi bật, chằng chịt. Có khi “lắc lê” nhờn, tuột mạnh bật tay ra. Cha tôi mất đà, chúi về một bên. Thường thường, tay cha tôi bị xước da, máu chảy ri rỉ. Cha tôi mải mê công việc không để ý, đưa tay vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán. Máu ở vết thương được dịp hòa với mồ hôi… Nhưng cha tôi nín lặng không kêu ca, không than vãn, không kể lể với vợ con. Sự nín lặng đó tôi đã khổ tâm học hỏi song tôi thấy tôi thất vọng. Vì, cho tới ngày nay, hễ gặp bất cứ con rắn độc cuộc đời nào, dù lớn dù nhỏ, cắn đau hay cắn hụt, tôi vẫn thích tìm người băng bó hộ.”

Câu văn cuối trong đoạn văn tôi vừa mới trích là một trong những câu văn của Duyên Anh mà tôi rất yêu thích. Ông không múa chữ như Mai Thảo. Văn của ông cứ như một ngọn “dao nhọn, dao vết ngọt đâm, ta chết trầm ngâm, quỵ té trên đường rồi. . . ”

Trong rất nhiều truyện, những nhân vật của Duyên Anh luôn tìm kiếm bóng dáng của một người cha như bóng dáng một cây cổ thụ che chở cho loại cỏ leo yếu mềm. Người cha vắng bóng được thay thế bằng hình ảnh người chú (chú Nghị), người thầy giáo (Trên Sông Tình Thương, Ngựa Chứng Trong Sân Trường), Cha Sở (Đêm Thánh Vô cùng), người anh (Hữu, Con Sáo Của Em Tôi), người lãnh tụ (ông Hiển, Ảo Vọng Tuổi Trẻ), người đỡ đầu (chú Tường, đồi Fanta)

2. Trong cả ba truyện ngắn Hoa Thiên Lý, Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ, và Con Sáo Của Em Tôi Duyên Anh xử dụng một cách tài tình và rất thành công kỹ thuật bộ ba chân vạc.

a. Người kể chuyện (narrator), dễ diễn tả tình cảm, và người đọc có cảm tưởng đang chia xẽ những tâm tình của Duyên Anh. Tác giả dùng nhân vật tự truyện này để diển tả cuộc sống nội tâm của những nhân vật khác. Nhân vật tự truyện này là một chân trong bộ ba chân vạc trong truyện ngắn của Duyên Anh.

b. Một chân vạc khác trong bộ ba này có khi là một người đàn ông có tài, nghệ sĩ tính, cố ngoi lên trong cuộc đời với những mơ ước không tròn, những dằn vặt khắc khoải của một người chồng người cha không gồng gánh nỗi những trách nhiệm trong đời là nuôi vợ nuôi con (Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ). Có khi lại là một người đàn bà yếu đuối mỏng manh sống với nỗi đợi chờ khắc khoải một người chồng biền biệt chịu đựng miệng tiếng nghiến ngầm nguyền rủa của người chung quanh (Hoa Thiên Lý). Có khi là đứa em xinh xắn ngây thơ thiếu thốn nghèo nàn, trò chơi đồ chơi chỉ là một con chim sáo (Con Sáo Của Em Tôi).

c. Duyên Anh tài tình dùng hoa thiên lý, chim sáo, và con ốc như một chân trong bộ ba chân vạc đi vào tâm hồn người đọc. Đây là những biểu tượng, những hình ảnh dễ nhớ, dễ thấm sâu vào trong lòng người đọc. Có thể nói đây là những hình ảnh mà tôi mang theo từ trong lòng từ lúc rời Việt Nam suốt hơn hai mươi năm qua.

Người miền Nam ít người biết đến hoa thiên lý. Truyện của ông làm người ta tưởng tượng đến một miền đất xa xôi, với chùm hoa dìu dịu hương thơm. Có lần tôi đứng dưới giàn hoa thiên lý tìm hoài chẳng thấy hoa đâu vì hoa lẫn vào và hầu như cùng màu của lá. Năm 2005 về thăm Việt Nam, có người cho tôi ăn hoa thiên lý xào tỏi, tôi nghĩ ngay đến Duyên Anh và truyện ngắn Hoa Thiên Lý của ông.

Con sáo là một loại chim mà dân miền Nam ai cũng biết và yêu. Yêu sáo là vì chim sáo rất khôn, biết hót, và nhại cả tiếng người. Người ta yêu chim sáo cho nên có cả những bài ca của người Nam gọi là Lý Con Sáo. Ai đem con sáo sang sông. Để cho con sáo sổ lồng bay xa. Yêu sáo đến thế mà phải giết sáo đi để lấy thịt cho em. Duyên Anh khéo quá nên người đọc choáng váng mặt mày, bị ông thu hết cả hồn phách không ai hỏi vặn lại là tại sao chú bé Hữu không bắt cá bắt tôm nấu cháo cho em ăn, hay chỉ nấu cháo với xu hào, cớ gì phải làm thịt sáo cho đứt cả tay cho máu mình hòa với máu sáo. Nhưng ông viết như thế thì chao ôi, tôi khóc hết cã nước mắt.

Có lần tôi đi chơi biển Atlantic City, New Jersey, tiểu bang tôi đang ở. Có một cậu bé cầm một con ốc khá to đặt vào tai của cậu ấy. Tôi hỏi cậu bé ấy có nghe gì không. Cậu bé ấy nói rằng nghe như có tiếng sóng. Tôi chợt nghĩ ngay dến nỗi buồn câm nín của người cha trong Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ:

“. . . Bóng cha tôi gầy gò in hình trên bức tường vôi loang lở. Có ai ngờ cái thân thể gầy gò kia lại bọc nổi tình thương yêu rộng lớn như con ốc nhỏ thu gọn cả đại dương trong lòng mà vẫn câm nín. Câm nín suốt đời.”

 

NHÀ VĂN DUYÊN ANH: ĐỜI LƯU VONG BI KỊCH

Cho dù Duyên Anh có thế nào đi nữa, thì ông cũng là một người cầm bút, không có lấy một tấc sắc trong tay để tự vệ. Nhân danh bất cứ một điều gì để tấn công và hạ thủ một người như thế rõ ràng là một tội ác.

clip_image005

Là một trong những nhà văn nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975, Duyên Anh được biết đến như một con người nhiều tài, lắm tật, miệng làm hại thân! Tôi quen biết Duyên Anh từ lâu, từ dạo tôi vẫn thường hay chầu rìa những canh xì phé nảy lửa của những “hão thủ” lừng lẫy trong làng báo Sài Gòn trước 1975 với một vài doanh nhân, chính khách. Thuở đó, thân phận và túi tiền của tôi không đủ “tư cách” ngồi cùng chiếu với các đàn anh. Vào sòng xì phé là có thể biết ngay tính cách của từng người. Duyên Anh thích “tháu cáy” và khích tướng đối thủ, nhưng lại rất cay cú khi bị người khách “tháu cáy”. Thế nhưng sau 1975, tôi mới thật sự thân thiết với Duyên Anh. Ông từng coi tôi như một người bạn vai em ruột rà. Điều này đã được ông viết trong hồi ký.

Năm 1954, Duyên Anh di cư vào Nam. Để kiếm sống, ông đã làm mọi công việc của một thanh niên hè phố, chẳng có nghề ngỗng nào nhất định. Khi thì theo một nhóm sơn đông mãi võ, khi tháp tùng đoàn cải lương lưu diễn đây, mai đó. Lại có lúc quảng cáo cho gánh xiếc rong, rồi giữ xe đạp hội chợ… Sang trọng nhất là làm gia sư, dạy kèm cho trẻ con và dạy đàn ghita, sáo trúc cho những người theo học vỡ lòng nghệ thuật.

Duyên Anh làm thơ rất sớm, đến những năm cuối của thập niên 50, ông bắt đầu viết văn xuôi. Viết để thỏa mãn giấc mơ cầm bút, chẳng đăng đâu cả. Mãi đến năm 1960, ông được nhà văn Trúc Sĩ dẫn tới diện kiến nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, lúc đó đang làm chủ bút tờ Chỉ Đạo. Bài thơ “Bà mẹ Tây Ninh” –  sáng tác đầu tiên của ông được đăng trên tờ báo này. Một tháng sau, thêm truyện ngắn “Hoa Thiên Lý”, rồi “Con sáo của em tôi” tiếp tục có mặt trên tờ Chỉ Đạo, với lời giới thiệu bốc tới mây xanh của Nguyễn Mạnh Côn. Ngay lập tức, ông được người đọc đón nhận nồng nhiệt. Mỗi truyện được trả nhuận bút 5.000 đồng, thời đó mua được hơn một cây vàng. Nguyễn Mạnh Côn tỏ ra rất ưu ái, tận tình nâng đỡ Duyên Anh để sáng tác của ông thường xuyên xuất hiện trên văn đàn. Và đây cũng là đầu mối oan nghiệt cho cả hai sau này.

Đến năm 1961, khi ông Nguyễn Mạnh Côn rời tạp chí Chỉ Đạo thì Duyên Anh đã thành danh. Ông bắt đầu tung hoành làng báo Sài Gòn với nhiều bút danh khác nhau: Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Vạn Tóc Mai, Nã Cẩu, Lệnh Hồ Xung, Độc Ngữ …bằng một giọng văn châm chọc, hết sức cay độc. Thời đó, có hai nhà văn làm báo mà người ta sợ nhất, đó là Chu Tử với bút hiệu Kha Trấn Ác, trong mục Ao Thả Vịt và Duyên Anh. Nạn nhân của Duyên Anh không phải chỉ toàn là người xấu, mà nhiều khi chỉ là một ai đó bị ông ghét, cũng bị ông lôi lên mặt báo, “đánh” không thương tiếc! Sự kiêu căng, miệng lưỡi cay độc của ông đã gây dị ứng cho không ít người. Một nhân vật lãnh đạo chóp bu của Việt Nam Cộng hòa, khi lưu vong ở Mỹ đã bắn tiếng với ông Tô Văn Lai của chương trình Thúy Nga Paris rằng: “Bảo thằng Duyên Anh câm mồm nó lại”.

Duyên Anh được xem như tay tổ trong loại sách “xúi con nít đập lộn”, với những cuốn tiểu thuyết viết về giới du đãng rất ăn khách như “Điệu ru nước mắt”, “Sa mạc tuổi trẻ”, “Vết thù trên lưng ngựa hoang”. Tác phẩm của ông từng ngợi ca tay anh chị Trần Đại (Đại ca Thay) như một kẻ giang hồ mã thượng. Trong một bài phỏng vấn, tuần báo Đời hỏi ông: Tại sao trong thời buổi nhiễu nhương lại tôn vinh một tay du đãng, sống ngoài vòng pháp luật lên tận mây xanh? Duyên Anh trả lời: “Chính vì thời buổi nhiễu nhương, không có thần tượng cho tuổi trẻ, nên phải đi tìm cho họ một mẫu thần tượng. Xem ra, Trần Đại là xứng đáng hơn cả”.

Duyên Anh là người thẳng thắn, yêu, ghét rạch ròi. Đã quý mến ai rồi thì ông sống trọn tình, trọn nghĩa với người đó.

Năm 1978, Duyên Anh gặp lại Nguyễn Mạnh Côn trong trại cải tạo. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn có thâm niên hơn 40 năm là đệ tử của ả phù dung nên sức khỏe rất yếu. Biến chứng tâm, sinh lý của một con người có quá trình “phi yến thu lâm” (đọc trại cho… sang  chữ “phiện, thú lắm”) quá dài nên khi bị bắt buộc phải cai, cơ thể ông bị hành hạ liên tục. Do đó, sinh hoạt của ông rất bê bối, khiến đa số trại viên khác, dù có thông cảm đến mấy cũng không muốn gần gũi, chia sẻ, trong đó có Duyên Anh. Người khác chẳng sao, nhưng với Duyên Anh, Nguyễn Mạnh Côn cho rằng đó là bội bạc. Nhiều lần ông Côn nói với mọi người: “Không có tôi thì đã không có Duyên Anh! Tôi mà không biên tập nát ra thì truyện của nó ai mà thèm đọc”. Và Duyên Anh đã phản ứng theo đúng tính cách kiêu ngạo của ông: “Không có “Côn Hít” thì Duyên Anh vẫn là Duyên Anh. Ông Côn giỏi sao không biến một thằng cha căng chú kiết nào đó thành một văn tài mà phải đợi đến Duyên Anh?” Từ đó, cả hai nhìn nhau tuy bằng mặt, mà không bằng lòng. Cũng chỉ có thế, ngoài ra Duyên Anh không có bất kỳ hành vi, thủ đoạn nào ác ý với Nguyễn Mạnh Côn, như lời đồn đại đầy ác ý của những kẻ thù ghét Duyên Anh sau này. Nhiều người biết rất rõ chuyện này, hiện vẫn còn sống…

Năm 1981, Duyên Anh được trở về với gia đình khi vợ và các con đã định cư tại nước ngoài. Năm 1983, ông vượt biên sang Malaysia, rồi sinh sống tại Pháp, tiếp tục viết. Cùng phận lưu vong nhưng ông không tiếc lời thóa mạ những đảng phái, phe nhóm chính trị lưu manh đang hoạt động tại hải ngoại. Duyên Anh gọi bọn họ là những kẻ giả hình, những tay lừa bịp, mộng du, chiến đấu trong chiêm bao. Ông cũng lên án đám lãnh đạo, chính khách, tướng tá của Việt Nam Cộng hòa toàn là một lũ vô tài, bất tướng, giàu của cải nhờ bóc lột, nhưng quá nghèo nàn liêm sỉ và nhân cách.

Duyên Anh đã gục ngã ở một nơi được ca tụng như là thiên đường của thế giới tự do. Cũng tại nơi đó, nhà báo Đạm Phong, nhà văn Hoài Điệp Tử… đã bị sát hại một cách tàn nhẫn; cựu sinh viên Đoàn Văn Toại (nhạc gia của ca sĩ Trần Thu Hà) đã bị bắn trọng thương bởi những đồng hương quá khích do bất đồng chính kiến. Năm 1988, Duyên Anh sang thăm Hoa Kỳ. Xui cho Duyên Anh, ngày 30/4/1988, ông cùng một người bạn – họa sĩ Trần Đình Thục đi trên đường Bolsa, đúng vào lúc mặt trận bịp bợm Hoàng Cơ Minh đang biểu dương lực lượng, với mấy chục người loe hoe… Trước đó, Duyên Anh đã từng không tiếc lời chỉ trích mặt trận bịp này trên báo Ngày nay bằng những lời lẽ nặng nề. Ông còn viết cả một cuốn tiểu thuyết mang tựa đề “Tuổi bướm sầu” để vạch trần bộ mặt đểu cáng của những tên chóp bu và những hành động bỉ ổi của mặt trận này. Nhận ra Duyên Anh, một gã thanh niên có thân hình vạm vỡ cầm một cục đá từ trong đám đông xông ra. Duyên Anh bị đánh tới tấp vào đầu, gục xuống trên vũng máu. Sau ca cấp cứu, ông được đưa về Pháp sống đời phế nhân, cánh tay phải và nửa thân hình gần như liệt hẳn. Điều đáng nói, hầu như tất cả các phương tiện truyền thông của người Việt ở hải ngoại, không nơi nào dám lên tiếng bênh vực Duyên Anh, hoặc lên án hành động mang nặng tính khủng bố của những kẻ chủ mưu. Người ta chỉ thấy một vài tờ báo Việt ngữ loan tin một cách hả hê bên cạnh tấm hình Duyên Anh nằm bất tỉnh, đầu vẹo sang một bên, giây nhợ chằng chịt từ đầu xuống cổ!

Dư luận trong cộng đồng người Việt hải ngoại rộ lên nghi vấn chính mặt trận Hoàng Cơ Minh là thủ phạm. Chúng đã cho tay chân sát hại Duyên Anh để trả thù chứ không chỉ là một trận đòn dằn mặt. Một nguồn dư luận khác, cũng không kém phần sôi nổi, và cũng được nhiều người tin, dù rất mơ hồ, không cơ sở: Duyên Anh bị những người yêu mến Nguyễn Mạnh Côn hành hung để phục hận cho những ngày hai người sống chung trong trại cải tạo. Trong giới văn nghệ sĩ của Sài Gòn trước đây đang sống ở hải ngoại cũng có người vì hiềm khích cá nhân với Duyên Anh mà công khai lên tiếng công kích ông một cách mạnh mẽ. Điển hình là trường hợp Tạ Tỵ.

Trước 1975, Duyên Anh và Tạ Tỵ đã như sừng với đuôi. Sau giải phóng, NXB Công an nhân dân có phát hành cuốn sách “Những tên biệt kích cầm bút”, trong đó có điểm tên nhiều văn nghệ sĩ sừng sỏ của Sài Gòn. Tuyệt nhiên không thấy có tên Tạ Tỵ. Nhưng theo Duyên Anh, khi sang Mỹ, đi đâu ông Tạ Tỵ cũng tự nhận mình có tên trong số “những tên biệt kích” đó. Duyên Anh  giễu cợt Tạ Tỵ “nhận xằng, khôi hài”. Lửa đổ thêm dầu, Duyên Anh càng trở thành cái gai trong mắt ông Tạ Tỵ.

Nhưng cho dù Duyên Anh có thế nào đi nữa, thì ông cũng là một người cầm bút, không có lấy một tấc sắc trong tay để tự vệ. Nhân danh bất cứ một điều gì để tấn công và hạ thủ một người như thế rõ ràng là một tội ác. Duyên Anh kéo dài cuộc sống tàn phế tại Pháp, cho đến ngày 6/2/1997 thì qua đời vì bệnh xơ gan.

Tác giả bài viết này còn nợ Duyên Anh một món nợ tinh thần. Trong một lần đau ốm, ngỡ mình sắp chết, Duyên Anh đã nhờ tôi học thuộc lòng một bài thơ của ông với lời căn dặn một ngày nào đó, gặp được vợ con của ông thì đọc cho họ nghe. Ông đọc cho tôi, Đằng Giao và Dương Đức Dũng cùng nghe, bắt học thuộc lòng và sau đó xé mất. Đó là bài thơ có tựa đề là “Đảng tử sám hối”. Trong bài có những câu tự vấn lương tâm và thói kiêu ngạo một thời: “Ta dại khờ múa hát giữa ngàn hoa/ Ca bóng tối cứ ngỡ là ánh sáng/ Ta ru hồn ta tháng ngày bịnh hoạn/ Với kiêu sa dị hợm chút tài hèn/ Hỡi cánh diều căng gió vút bay lên/ Ngạo nghễ lắm mà quên dây sắp đứt/ Mũi tên oan phóng đi không thương tiếc/ Lưỡi gươm đau chém nát đóa môi cười/ Anh nhìn anh xưa thế đó em ơi/ Những đổ vỡ của một thời lang bạt…“.

Tôi tin là Duyên Anh thật sự sám hối. Hy vọng ở bất cứ nơi nào trên thế giới này chị Phương (vợ của Duyên Anh) và các cháu cũng như những ai một thời là bằng hữu của ông, hoặc từng thù ghét ông sẽ đọc được những câu thơ này bằng tấm lòng độ lượng đối với một người đã không còn trên cõi đời này.

Đoàn Thạch Hãn

 

Duyên Anh – Nhà văn tôi biết

Hoa Chanh

Tôi lớn lên giữa vùng rừng đồi cao nguyên đất đỏ. Mảnh đất cằn cỗi và xơ xác cơ hồ như quê hương tôi sau cuộc đổi đời thê thảm.
Trên mảnh đất nghèo nàn khốn khổ ấy. Tình người cũng se sắt và nhìn nhau nghi kỵ , bỉ thử. Người ta có thể đánh nhau , chửi nhau bằng những từ ngữ thậm tệ nhất chỉ vì một bó củi , con dao hay trái bí , trái bầu…

Mẹ tôi ! Người đàn bà góa bụa giữa tuổi xuân thì. Mẹ sống âm thầm , nín lặng và phả vào hồn chị em tôi bằng những câu thơ , bài hát chất chở tình người..
Đêm đêm , trong căn chòi tranh tồi tàn. Dưới ngọn đèn dầu mù mờ. Mẹ dạy chúng tôi đọc những vần thơ bồng bế yêu thương , chứa chan mộng mị.. Mẹ kể cho chúng tôi nghe chuyện tình của mẹ và bố.. Mỗi lần nhắc tới bố hai mắt mẹ rưng rưng :- Ngày xưa bố biết làm thơ và viết văn hay lắm ! Thuở còn đi học. Bố con đã quen nhiều nhà văn , nhà thơ và thơ văn của bố đã đăng báo… và trên tờ báo Tuổi Ngọc của Duyên Anh.
-Duyên Anh là ai hả mẹ? tôi hỏi !
-Ông ấy là nhà văn viết truyện cho tuổi thơ , tuổi trẻ hay lắm. Tiếc rằng bây giờ sách của ông ấy bị cấm chứ không thì mẹ mua cho con đọc…
Bẵng đi một thời gian. Một hôm từ thành phố trở về. Mẹ khoe với tôi :
Mẹ có chuyện của Duyên Anh cho con đọc nè !
Tôi háo hức nhìn bìa cuốn sách đã bạc màu cũ kỹ : Hoa Thiên Lý !

“… Mẹ tôi yêu Hoa Thiên Lý như yêu chồng con….” Câu mở đầu cho tác phẩm đâu tay của Duyên Anh. Nó nhẹ nhàng và chất chở tình tự của một người VN. hiền hòa như tâm hồn của một người yêu thôn ổ , ruộng vườn.
Tôi lớn dần theo thời gian và tình cảm quê hương.
Đọc hết truyện Hoa Thiên Lý. Tôi say mê Nắng Chiều Quê Nội.
Ngày ấy. Tôi đã biết tự hỏi : Tại sao người ta cho phép chuyện Tàu như Tam Quốc Chí , La Thông tảo bắc , Tiết Nhơn Quí chinh đông được bày bán công khai trên hè phố mà những truyện viết về tuổi trẻ , viết để trang trải tình tự của một người chân thành thì lại bị cấm?
Năm 15 , 16 tuổi. Tôi có thể kể vanh vách cho mấy chú Công An gác trụ sở xã những nhân vật Tam Quốc. Tôi có thể “bình luận” về tài của Khổng Minh hú gió cầu mưa. Nhưng tôi lại mù mờ về huyền thoại Hai Bà Trưng , tôi chả biết gì anh em nhà Tây Sơn khi tôi đọc Mơ thành người Quang Trung của Duyên Anh.

oOo

Thế rồi… Thời gian sau khi đặt chân tới bến bờ tự do…

Gác bỏ hết những quay quắt , nhớ nhung và phiền muộn về quê hương tràn ngập hận thù và tang chế đau thương.
Cho tới một hôm theo mẹ đi dự đám cưới…và gặp cô Julie.. Khi ông MC. giới thiệu có sự tham dự của Julie và cô sẽ lên sân khấu hát… Nhìn thấy cô từ dưới đi lên.. Đi gần tới bàn của mẹ thì cô vẫy tay chào. Mẹ mỉm cười gật đầu… Cô ghé lại bàn của mẹ và nói… :
-Chào chị ! Lát nữa , hát xong em sẽ nói chuyện với chị nhiều…Anh Duyên Anh đang ở nhà em. Anh ấy có nhắc tới chị mà em không biết chị ở đâu?
-Ừ ! Lên hát đi , lát nữa mình nói nhiều… Nè ! Mà đừng hát Mùa Thu Chết nhe !

Hát xong hai bài. Cô Julie quay lại bàn và đưa cho mẹ số phôn nhà cô…: _ Hôm nào rảnh mời chị và cháu ghé chơi ! Em và Thục chờ chị nha..

Tối hôm ấy ! Sau đám cưới , mẹ kể cho tôi nghe về cô Julie :
-Ngày xưa. Cô ấy là Julie Quang. Cô lấy Duy Quang con ông Phạm Duy và bài hát đưa cô lên đài danh vọng bắt đầu từ bài Mùa Thu Chết. Thuở ấy , hình như là năm 71, 72 gì đó.
-Sao lúc nãy con nghe cô ấy nói là Em và Thục….?
-À ! Thục là Trần Đinh Thục… Người họa sĩ và trang trí nổi tiếng lắm ! Chắc là Julie đang ở với Thục.

Tuần lễ sau ! Theo lời chỉ đường. HoaChanh đưa mẹ tới Westminster thăm Julie và “diện kiến” nhà văn Duyên Anh

Thoạt mới nhìn. Duyên Anh còn rất trẻ theo trí tưởng tượng của Chanh. Ông có nụ cười rạng rỡ và cởi mở. Giọng nói Bắc Kỳ đặc sệt :
-Con gái thằng T. đây hả? Nhìn HoaChanh ông cười cười :- Cháu có nhiều nét giống bố cháu lắm !
Cô Julie diễu :
-Chả lẽ lại giống ông hàng xóm !

Qua câu chuyện giữa mẹ và Duyên Anh ,tôi mới biết ngày xưa. Thời chưa vào lính , bố tôi cũng đã có thời sống rất “nghệ sĩ” và sinh hoạt nhiều với giới văn nghệ và báo chí Saigion`.
-Thằng T. chết ở đâu? Duyên Anh hỏi mẹ.
-Em cũng chả biết ! Vì người ta có cho thấy mộ đâu.

Đôi mắt buồn. Duyên Anh đốt điếu thuốc và ông kể :
-Như các em đã biết đấy ! Ngày xưa , anh đối xử với các chú ấy thế nào ! Anh không lấp đường cản trở những cây viết trẻ muốn vươn lên. Anh khuyến khích các chú ấy nữa… Những đứa như Từ Kế Tường , Nguyễn Thanh Tịnh , Đinh Tiến Luyện vân vân và cả thằng T. chồng em nữa…Chúng nó thương anh coi anh như anh ruột…
Sau ngày Saigon` thất thủ. Anh không dám ra đường nhiều. Mất hết liên lạc với bạn bè. Chả biết ai còn , ai mất. Ai đã ra đi và ai đã ở tù?

oOo

Mẹ tôi nhìn Duyên Anh thở dài :
-Ai cũng tưởng anh ,chị đã di tản sang Mỹ rồi ! Anh quen biết nhiều cả với phủ Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo.. Sao anh không đi?
-Số mạng cả thôi… Kẹt ở lại anh mới biết cảm giác chờ chết nó thấm
thía dến thế nào… Em và các cháu đã đọc : SaiGon` Ngày Dài Nhất chưa?
-Đọc rồi ! Chúng em đã đọc hết những sách của anh viết… Con này.(Vừa nói mẹ nhìn về phía tôi) Nó thích truyện của anh lắm !
Nghe vậy. Ông đứng lên đi vào phòng , trở ra tay ông ôm một đống sách mới xuất bản trao cho tôi ông nói :
-Bác tặng cháu bản đặc biệt có chữ ký của tác giả…
-Cám ơn bác. Tôi nhìn ông hãnh diện.. nhận sách đó là những cuốn được in bởi nhà Xuân Thu bìa dày có shocket. Nhà Tù , Trại Tập Trung và Nhìn Lại Những Bến Bờ…
Duyên Anh nói với tôi :
Trong cuốn này ông đưa tay chỉ cuốn Nhìn Lại Những Bến Bờ cháu sẽ thấy bác nói hết , kể hết những oan khiên , gập ghềnh mà bác đã đi qua trước khi trở thành Duyên Anh. Bác chỉ cho những người trẻ ham thích viết văn phải cố gắng thế nào…
Tôi nhìn ông thán phục :
-Bác quả là một nhân tài !
Ông cười : – Bác chẳng phải là nhân tài hay thiên tài gì cả ! Bác chỉ đam mê và cố gắng thôi… Bố cháu ngày xưa biết đấy. Bác viết Truyện ngắn : Con Sáo Của Em Tôi giữa trưa hè nóng nực trên căn gác xép mái tôn trời nóng như phun lửa.
-Bác ngồi giữa SaiGon` nóng nực mà viết được cái lạnh giá buốt của miền Bắc buổi đầu Xuân? Tôi hỏi ông !
-Mình phải vận dụng trí nhớ và óc tưởng tượng khi viết truyện cháu ơi!
-Truyện của bác Duyên Anh viết y như thật ! Giống như bác viết nhật ký kể lại quãng đời bác đã đi qua.
-Đời bác tầm thường lắm. Viết vài trang giấy là hết rồi. Nhưng khi viết truyện cho người khác đọc thì mình phải vận dụng trí nhớ và thêm thắt vào… Thực là giọt cà phê.. Thêm vào là những muỗng sữa…Ta có một ly cà phê sữa thật tuyệt vì màu sắc bao gồm cả sự thất và hư cấu…

Mẹ tôi hỏi :
-Anh. chị còn ở chơi bao lâu bên này… Hôm nào em mời anh ,chị lại em chơi… Em nấu món Lươn bung củ chuối..Mẹ con em đã hai bác !
-Duyên Anh ngước cổ cười ha hả… : -Tuyệt cú mèo ! Em còn nhớ món Bắc Kỳ ấy sao?
-Nhớ chứ ! Em làm dâu Bắc Kỳ thì phải biết nấu món Bắc…Vừa nói mẹ tôi cười tủm tỉm : – Chọc anh cho vui… Em mới đọc cuốn : Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc của anh viết đấy. Em sẽ tập nấu thử xem có ngon không?//

oOo

Duyên Anh hứa lại nhà tôi…. Ông chưa kịp thực hiện lời mời thì…

Sáng 30-4-1988…Buổi sáng định mệnh đã tới với ông…

Ngoài đường Bolsa người ta biểu tình rầm rộ. Biểu tình để kỷ niệm biến cô đau thương khi quê hương bị nhuộm đỏ. Thấp thoáng đó đây tôi thấy nhiều màu áo nâu và khăn quàng sọc của những người trong MT. Hoàng Cơ Minh. Khí thế chống Cộng dâng cao. Những khẩu hiệu chống Cộng được hô vang. Người ta đả đảo CS. Đả Đảo những người thân Cộng và tôi nghe từ đám đông khẩu hiệu : Đả Đảo Nguyễn Tú A !
Từ lề đường Bolsa và Bushard.. Tôi nhìn thấy ông Hùng Cường , trên tay người nghệ sĩ đã có một thời nổi tiếng tại quê nhà năm xưa ông cầm là cờ vàng ba sọc đỏ phất phất.. Thấy tôi. Ông hỏi : -Cờ của cháu đâu?
-Cháu không có cờ… Cháu mới tới thôi… À ! Chú Hùng Cường ! Sao lại đả đảo ông Tú A?
Hùng Cường nhìn tôi : -Tại “thằng” Tú A về VN. quay phim đem bán.
Tôi hơi sững sờ kèm chút muộn phiền khó tả…
Ông Nguyễn Tú A và gia đình tôi là chỗ quen biết từ lâu… Mẹ kể rằng : Tú A ngày xưa học Vạn Hạnh và Kiều Loan vợ ông là bạn của mẹ từ độ còn mặc áo dài trắng đi xe Lam ba bánh…

oOo

Vẫn theo lời mẹ tôi kể , thì ngày ấy nhiều nữ phóng viên cho các báo chí tại Saigon`. Những cây bút chịu lao mình vào lửa đạn để săn tin có cả bà Kiều Loan.. Từ khe Sanh, Quảng Trị , Đông Hà cho tới mặt trận miền Đông…
Thế mà , bỗng chốc vợ chồng Tú A -Kiều Loàn bị cộng đồng đả đảo…Thê thảm đến thế sao?

Từ giã ông Hùng Cường. Tôi đi lại phía nhà hàng Thành Mỹ , len lỏi qua đám biểu tình… định vào Tú Quỳnh tìm vài cuốn sách thì từ xa tôi nhìn thấy ông Trần Đình Thục với máy ảnh khoác vai , đi sau ông Thục là nhà văn Duyên Anh và vai người mà tôi không quen mặt.. Thấy Duyên Anh vừa đi vừa cười cười nói nói với hai ba người đàn ông nên tôi nghĩ thôi cứ để mấy ông ấy trò chuyện…

Tú Quỳnh hôm ấy đông người chi lạ.. Chen chúc giữa những kệ sách thật khó khăn..Tôi ra về trước khi chào bà Yến vài câu xã giao thông thường…

Chiều hôm ấy. Một người bạn phone cho mẹ tôi than thở :
-Chị có biết ông Duyên Anh bị đánh té ngoài đường Bolsa không?
Mẹ tôi hốt hoảng : – Anh ấy bị lúc nào? Sáng nay con cháu con nhìn thấy ông ấy đi với Trần Đình Thục mà !
-Cảnh sát chở đi rồi… Chắc vào nhà thương… Nghe nói ông ấy bị đánh bằng cục đá vào đầu. Té xỉu ngay tại chỗ.

Lật cuốn sổ tìm số của Trần Đinh Thục. Mẹ tôi quay mãi mới nghe tiếng ông.
_Anh Thục. Tôi là T. mới lại nhà anh thăm anh Duyên Anh.. Nghe nói anh ấy bị đánh phải vào nhà thương có đúng không anh Thục.
-Đúng ! Anh Duyên Anh bị một vài người lạ đón đánh khi anh ấy đang đi với tôi..
-Bây giờ anh ấy ra sao?
-Tôi cũng không biết nữa ! Giọng ông Thục nghẹn ngào…Khi xe cứu thương chở đi thì anh ấy vẫn còn bất tỉnh.
-Thế anh ấy đang ở nhà thương nào?
-Tôi cũng không biết rõ. Hình như ông Thục muốn dấu..
-Khi nào anh Thục đi thăm anh Duyên Anh cho tôi đi theo được không?
-Cho tới lúc này tôi cũng chưa biết anh ấy đang nằm ở đâu làm sao mà thăm !

Sáng hôm sau trên tờ Viet Press của ông Nguyễn Tú A… Tôi bàng hoàng xúc động nhìn tấm hình Duyên Anh nằm bất tỉnh. Đầu vẹo sang một bên giây nhợ chằng chịt connect từ mũi , từ miệng…
Mẹ tôi ứa nước mắt. chỉ nói được hai tiếng tội nghiệp !

Cho đến giờ phút này. Tôi vẫn tự hỏi. Tại sao người nào đó lại hành hung Duyên Anh?
Bằng lòng là ông ấy có nhiều kẻ thù chỉ vì dám viết lên những sự thật.
Ông Nguyễn Cao Kỳ chẳng hạn. Ông Kỳ đã nhắn nhủ với ông Tô Văn Lai của Thúy Ngà Paris rằng : Ông bảo thằng Duyên Anh câm mồm nó lại.
Tại sao lại phải câm? Ông Kỳ từng tuyên bố tại Tân Sa Châu rằng : Ông ta nhất định tử thủ SaiGon` vì sang Mỹ không có cà ghém , mắm tôm… Đứa nào chạy sang Mỹ vợ nó làm và nó làm culie
Duyên Anh có chửi là nói theo sự thật. Sự thật ấy đã làm ông Kỳ bất bình , căm ghét.
Sự thật là có những ông Tướng ra lệnh cấm trại 100% rồi bỏ lính bay ra tàu Mỹ. Theo Duyên Anh đó là hành động đào ngũ. Đào ngũ mà còn lường gạt những người dưới quyền nữa.. Đó là những người thế nào?

oOo

Những gì mà Duyên Anh viết ra có thể là tiếng nói của những người lính bị cấp trên lường gạt , bỏ rơi. Họ buông súng và tù đày trong tức tưởi nghẹn ngào..
Đó là tâm trạng của một đại đội trưởng bị tù 7 năm.. Theo diện HO. Người đại đội trưởng này gặp lại vị tiểu đoàn trưởng đơn vị cũ :
-Anh còn nhớ tôi không? Tiểu đoàn trưởng hỏi.
-Nhớ chứ ! Nhớ bộ mặt lừa lọc của anh đã đào ngũ bỏ chúng tôi vào giờ phút cuối.. Anh còn nhớ anh nói gì trong máy truyền tin với tôi không??? Quyết chiến đấu…

Ngay trong cuốn : Bầy Sư Tử Lãng Mạn. Duyên Anh than thở : Trong phòng giam bằng hai chiếc chiếu đã có tới ba chính phủ và ba ông Thủ Tướng. Những ông Tá mơ tưởng sẽ lên Tướng. Những ông Tướng ao ước nghĩ tới số tiền ráp pen ngày ra tù !
Chẳng trách Duyên Anh có nhiều ghen ghét….

oOo

Ngày nhà văn Duyên Anh bị hành hung…
Nhìn tấm hình ông nằm thiêm thiếp trên Viet Press. Tôi thật tình khiếp đảm và bất mãn cùng cực. Ai là người đã đả thương trí mạng một nhà văn không có chút vũ khí tự vệ???
Ngoài bài viết có tính cách tường thuật của Nguyễn Tú A trên Viet Press. Đã không có báo nào ở đây lên tiêng bênh vực và phản đối hành động dã man của kẻ côn đồ.
Một phần vì người ta ganh ghét Duyên Anh. Phần khác người ta sợ áp lực cua? nhiều phe phái..
Trên Viet Press. Tôi đọc được một bài báo ngắn của một người nhận anh ta là độc giả của Duyên Anh. Chỉ là độc giả thôi mà anh ta lên án kẻ đánh lén Duyên Anh..

Có tiếng đồn rằng Duyên Anh bị Mặt Trận Hoàng Cơ Minh đả thương để bịt miệng và trả thù những bài báo của ông đăng trên Ngày Nay của Lê Hồng Long và nhất là cuốn tiểu thuyết : Tuổi Bướm Sầu của ông viết về MT. Hoàng Cơ Minh.

Ngày ấy ! MT. Hoàng Cơ Minh coi như đã tan rã từ thượng tầng… Hai ông Phạm Văn Liễu và Trần Minh Công công khai lên án và rút lui khỏi MT. Trong một lá thư gởi đồng bào hải ngoại. Cụ Phạm Ngọc Lũy đã chính thức công bố không còn dính líu gì tới vấn đề tài chánh của MT. nữa !!!

Một đoàn viên rất hăng say của MT. hồi đó nói với tôi rằng :
Đây là một cái xui xẻo cho Duyên Anh và cũng cho MT. Hoàng Cơ Minh. Bởi vì nếu MT. cho người hành hung Duyên Anh thì MT. sai lầm. Còn nếu như Duyên Ạnh bị một kẻ nào đó hành hung mà MT. chịu mang tiếng ác thì lại càng xui hơn…
Duyên Anh là nhà văn có sách bán chạy từ trong nước (trược năm 75) và sau này khi ra hải ngoại…
Trong cộng đồng người Việt tỵ nạn CS. Có thể nói sách của Duyên Anh được in lại và bán chạy nhất.. Nhà xuất bản Xuân Thu độc quyền mua trọn các tiểu thuyết mới của ông.
Trên văn đàn quốc tế. Chỉ cần một cuốn : Một Người Nga tại SàiGon` cũng đã đưa ông lên hàng văn Sĩ quốc tế. Nhà Bel Fond ký hợp đồng dài hạn với ông là một vinh dự cho người Việt tại hải ngoại.
Thấy ông bị nạn. Tôi lặng người đi.. Buồn bã và suy nghĩ mãi về tinh thần chống Cộng của người Việt. Nhận mình là chống Cộng mà đốn ngã một nhà văn đã chịu đầy đọa trong lao tù CS. Nhận mình là căm thù CS. mà ngang nhiên đánh gục một tù nhân lương tâm???

Mấy ngày sau. Mẹ tôi phone lại ông Trần Đình Thục hỏi han về tình trạng sức khoẻ của Duyên Anh..
-Hình như anh ấy đã rời bệnh viện và về Pháp rồi… Ông Thục trả lời.
-Ai đưa anh ấy về và anh ấy đã khỏi chưa mà họ cho đi?
-Tôi cũng không rõ lắm… Chỉ nghe nói vậy thôi.. Vẫn lời ông Thục
-Thế anh Thục có vào thăm anh Duyên Anh không? Mẹ tôi hỏi.
-Không ! Người ta không cho ai vào cả. Trừ thân nhân của anh ấy !
…………………..
Tiêng thở dài buồn bã khị mẹ tôi buông phone…
Nhìn tôi , mẹ than thở :
-Chỉ sợ bác ấy chịu không nổi… Rồi chết thôi….
Tôi an ủi mẹ :-Con nghĩ chả sao đâu… Nếu bác ấy còn bệnh năng.. Thì họ đâu cho xuất viện. Mỹ mà mẹ.. Họ cũng sợ trách nhiệm sau này mà…Bác sĩ Mỹ đâu phải VC. mà mẹ mẹ sợ.

Hai tuần sau. Tôi phone lại tòa báo Viet Press gặp ông Tú A thì biết chắc Duyên Anh đã được đưa về Pháp để chữa bệnh.
Suốt thời gian ấy. Chúng tôi không có liên lạc gì thêm.. Chỉ biết rằng ông bị liệt tay phải và đang tập viết văn bằng bàn tay trái…

oOo

Bài Mới Nhất
Search