T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Nhật ký của mẹ

(Hình Cắm Hoa : Trương T Vinh)

Hàng năm cứ trước ngày giỗ mẹ tôi lại lôi quyển nhật ký cũ kỹ ra đọc. Đôi lúc tôi ngủ quên với tập nhật ký trong tay. Và đêm đó, thế nào tôi cũng nằm mơ thấy mẹ.

Mẹ qua đời khá lâu, những gì mẹ viết trong nhật ký tôi đã thuộc lòng, nhưng sao những lời tâm sự não lòng của mẹ vẫn làm nhói tim tôi mỗi khi đọc lại.

Ngày … tháng … năm

Tính đến nay, Phi đã đi được một tháng. Tôi hồi hộp chờ tin anh từng ngày trong lời cầu nguyện miên man không dứt. Buổi trưa, vừa từ chợ về, nghe bé Oanh thỏ thẻ, mẹ ơi có thư của ba. Tôi mừng rỡ hỏi, con để thư ba ở đâu. Con bé lấm lét nhìn ra phía trước nói nhỏ, Bà bỏ trong túi rồi. Tôi xuống bếp, ăn qua loa một chén cơm lưng rồi soạn giỏ để sửa soạn bữa cơm chiều. Ngồi lặt rau mà đầu óc tôi nghĩ ngợi không ngừng, chỉ mong có tiếng dép lẹp xẹp của Bà và câu nói “có thư thằng Phi gửi về nè, đọc đi”. Đôi lần, muốn chạy lên hỏi mà không dám, ngần ngừ mãi rồi tôi tự an ủi, chắc Bà chờ ăn cơm chiều xong đưa luôn thể. Thế mà cả buổi chiều và buổi tối trôi qua Bà vẫn im lặng. Hay là bé Oanh nhầm lẫn? Kéo con bé vào góc nhà tôi hỏi khẽ:

-Con có chắc là có thư ba không?

Nó gật đầu quả quyết:

-Chắc, con thấy Bà đọc cho Ông nghe mà.

Sốt ruột không chịu được nên tôi đánh bạo hỏi:

-Nghe bé Oanh nói có thư của anh Phi hở mẹ?

Bà thong thả lấy chai dầu xanh, mở nắp, nghiêng chai cho dầu thấm vào ngón tay rồi quệt ngang mũi:

-Mới từng ấy tuổi mà đã rình rập lén lút rồi à?

Tôi ngỡ ngàng nhìn Bà trong khi bé Oanh lùi bước nấp nhẹ sau lưng mẹ:

-Dạ … cháu nó nghe có thư của ba nên mừng mới khoe với con.

Bà liếc ngang, hứ một tiếng rồi cao giọng nói:

-Thư mới tới hồi sáng, mắt mũi tôi nhá nhem nên vẫn chưa đọc xong .. chị có cần đọc trước không?

Tôi lắc đầu lí nhí trong cổ họng:

-Dạ không… khi nào mẹ xem xong thì cho con xin.

Tôi quay bước trở xuống bếp nhìn bé Oanh thở dài.

Ngày .. Tháng … Năm

Vừa dắt xe vào sân nhà, Ông đã đẩy cửa bước ra, nhét vội tờ giấy đang cuộn tròn vào túi xách tôi, nói khẽ:

-Thư của ba bé Oanh, cất cẩn thận đừng cho Bà thấy.

Tôi mừng quíu cả chân, miệng lắp bắp:

-Con cám ơn ba.

Tôi vừa vào đến phòng khách thì Bà cũng vừa từ nhà sau bước lên.

-Thưa mẹ con mới về.

Bà không trả lời, nhưng cái nhìn gửi theo đầy thắc mắc … có lẽ vì niềm vui đang đầy tràn trên khuôn mặt tôi dù tôi đang cố gắng giữ vẻ bình thản. Chui vào nhà tắm, tôi đọc ngấu nghiến những dòng chữ quen thuộc. Những lời thư tràn đầy nhớ thương của Phi làm tôi không ngăn được nước mắt.

Buổi tối tôi chong đèn viết thư cho Phi đến khuya. Tôi suy nghĩ mãi không biết có nên cho Phi biết rằng, mỗi khi Bà nhận thư Phi thì mãi cả tuần sau tôi mới được đọc. Đó là chưa kể, lá thư nào Phi viết cho tôi mà lời lẽ nồng nàn tình cảm thì Bà lại mỉa mai “cứ như phường mèo mả gà đồng”. Tôi không hiểu Bà nghĩ gì và muốn gì? Không lẽ Bà muốn con trai bà đối với vợ phải nhạt nhẽo như nước ốc. Tôi lại càng không hiểu, tại sao Phi cứ phải gửi hai lá thư vào chung một bao thư. Há anh chẳng biết rằng vợ chồng có rất nhiều vấn đề riêng tư mà người khác không thể biết được, kể cả cha mẹ và một điều quan trọng nữa là Bà đối với tôi rất khắt khe. Tôi cứ ấm ức mãi chuyện này nhưng không dám đá động đến, chỉ sợ Phi viết thư về có gì sơ hở thì tôi phải gánh lấy hậu quả nặng nề.

Ngày … tháng … năm

Bé Oanh vừa lấy bông thấm vết máu trên má tôi vừa khóc thút thít:

-Bà ác với mẹ quá, con ghét Bà, con ghét Bà.

Đưa tay bụm miệng bé Oanh, tôi nghiêm giọng:

-Con không được nói hỗn.

Con Bé vẫn cố lầm bầm trong miệng thêm một lần nữa. Rồi thủ thỉ hỏi:

-Sao Bà lại ghét mẹ đến vậy?

Tôi mím môi cố ghìm nước mắt:

-Mẹ không biết … chắc tại mẹ đáng ghét.

Con bé lắc đầu nguầy nguậy:

-Không phải, con thấy mẹ chăm lo mọi thứ cho Ông Bà mà… Mà sao Bà lại đổ tội cho mẹ.

Tôi nhìn sâu vào mắt bé Oanh:

-Con có nghĩ là mẹ đánh cắp tiền của bà không?

Mặt con bé đanh lại giọng nó chắc nịch:

-Con không tin … bao giờ mẹ cũng dạy con sống phải ngay thẳng không được tham lam của ai dù chỉ là một xu … Bà ác lắm, Bà nói gian cho mẹ.

Con bé ngã nhào vào lòng tôi khóc sướt mướt. Cũng như nó, tôi không hiểu chuyện gì xảy ra khi vừa từ chỗ làm trở về nhà tôi đã bị bà túm lấy áo mắng vào mặt:

-Cần tiền thì xin bà, đừng giở thói trộm cắp.

Tôi ngơ ngác:

-Con có trộm cắp gì của mẹ đâu?

Bà với tay lấy chiếc ví trong tủ, trút ra chỉ còn mấy đồng bạc lẻ.

-Tôi để hai trăm đôla trong đây, ngăn tủ này chỉ có mình chị mở ra, mở vào để cất quần áo của tôi và thằng Huy, vậy tôi không lấy thì ai vào đây lấy?

Tôi phân bua:

-Con không có lấy.

Bước đến tủ, tôi đưa tay giở những lớp quần áo trong đó cố công tìm kiếm. Bà xông vào đẩy tôi ra:

-Đừng giả vờ đóng kịch, đừng tìm cớ chạy tội … cái thứ tham lam.

Tôi uất ức bật khóc:

-Mẹ chưa biết chắc tiền bị mất ở đâu, sao lại đổ oan cho con?

Quăng chiếc xách tay lên bàn tôi nghẹn ngào:

-Mẹ không tin thì cứ xét bóp con đi.

-Đồ hỗn láo.

Bà ném chùm chìa khóa vào mặt tôi, tôi hoảng hốt nghiêng người để tránh, nhưng nó đã bay sớt quá má tôi để lại một vết rách tươm máu. Ông vừa về tới nhà nghe tiếng la hét, khóc lóc của Bé Oanh và Huy vội chạy vào. Vừa thấy Ông, Bà kéo tay Ông, khóc kể như bị tôi ức hiếp. Ông đưa tay ra dấu bảo tôi vào nhà trong.

Ngày …tháng … năm

Đọc thư chị Giang xong lòng tôi bớt một mối lo, nhưng vẫn không hết hoang mang. Theo chị Giang thì bốn tháng nay, kể từ ngày được anh Giang bảo lãnh sang Mỹ, chị đã gặp Phi hai lần. Chị được anh Giang cho biết, Phi vừa đi làm vừa đi học nên thì giờ rất ít oi. Đời sống của Phi rất mẫu mực, không một dấu hiệu gì chứng tỏ anh đang có bồ bịch. Nhưng nếu vậy thì vì lý do gì mà cả nửa năm nay anh không viết thư cho tôi và giấy tờ bảo lãnh bỗng nhiên ngưng trệ vì hồ sơ không được bổ túc đầy đủ theo yêu cầu. Tôi viết thư liên tiếp để hỏi Phi, nhưng không một lá thư trả lời. Chị Giang cho biết, khi nói chuyện với Phi chị có hỏi về hồ sơ bảo lãnh, nhưng Phi chỉ nói quanh quẩn rồi chuyển sang đề tài khác.

Phi ơi, có phải anh đã thay lòng? Cho dù bất cứ lý do gì thì em cũng cần biết rõ nguyên nhân để quyết định số phận mình. Anh có biết mẹ anh đối với em cay nghiệt thế nào không? Nếu không có ba là người cha chồng nhân hậu, hiền lành, có lẽ em không đủ can đảm để tiếp tục sống trong căn nhà này.

Tuần trước, Ông mới vào bệnh viện vì bị ngất xỉu bất ngờ trong câu lạc bộ thể dục. Được tin tôi chạy vào bệnh viện chờ cả ngày Ông mới tỉnh dậy. Bác sĩ nói Ông cần phải nằm lại để theo dõi bệnh trạng. Tôi về nhà thu xếp mọi chuyện để vào với Ông tối hôm đó. Trên đường đi tôi cầu xin Trời Phật độ cho Ông qua khỏi cơn bệnh, vì hiện tại, Ông là chỗ dựa tinh thần duy nhất cho tôi.

Nhớ tuần trước, khi bé Huy phá phách làm rơi cái ô trầu của Bà xuống đất, mọi thứ trong ô văng tung tóe trong lúc tôi đang đứng lau chùi bàn thờ, còn Ông thì đang đọc báo. Bà tụt nhanh xuống đất chụp lấy cái ô trầu … nhưng không còn kịp nữa, tôi và ông đã nhìn thấy những tờ giấy bạc nằm dưới đáy ô. Ông nhìn Bà thật lâu. Cái nhìn như một lời phán quyết. Tôi thoáng nghĩ … thì ông đã hỏi Bà một cách nghiêm nghị:

-Tiền ở đâu thế này?

Bà ấp úng:

-Tiền tôi để dành.

-Bao nhiêu?

Ông giật trên tay bà những tờ giấy bạc mới toanh lẩm nhẩm đếm:

-Hai trăm … sao lại vừa khít số tiền bà bị mất vậy?

Bà đứng lên, xà vào góc “đi- văng” khóc oà:

-Ông muốn gì thì nói thẳng đừng nói bóng gió đổ oan cho tôi.

Ông ném nắm tiền xuống bàn:

-Có oan là người khác bị oan … chứ bà oan ức gì … chỉ giỏi làm tình làm tội con người ta.

Tôi bước ra nhà sau với cảm giác hụt hẫng. Bây giờ thì tôi đã hiểu. Đáng lẽ tôi phải vui vì nỗi oan của mình đã được minh oan, nhưng sao lòng tôi trĩu nặng, những giọt nước cứ ứ tràn trong mắt.

Hôm qua, nhân lúc Bà sang nhà bác Nam giỗ ông Ngoại, Ông gọi tôi, bảo đỡ Ông ngồi dậy, rồi ra dấu tôi ngồi xuống bên cạnh. Bằng giọng yếu ớt Ông nói:

-Hai tháng nữa Thằng Phi sẽ về thăm ba, nhưng không biết ba có đủ sức chờ để gặp mặt nó không? Ba có viết lá thư gửi cho nó nhưng còn dang dở, con đến bàn, kéo cái hộc cuối, bỏ sách báo ra, lấy cái tập ở dưới đáy đem lại đây, ba đọc cho con viết tiếp.

…. Khi ba cho con biết những điều này thì thật chẳng tốt lành gì , nhưng nếu vì chút thể diện, mặt mày … mà ba dấu kín thì sẽ có lỗi với con và cái lỗi lầm này Trời Phật cũng không tha cho ba….

Ông vừa đọc , tôi vừa viết. Bàn tay tôi run rẩy, nước mắt tôi rơi ướt nhòa cả trang giấy trắng. Bây giờ thì tôi có thể hiểu được thái độ kỳ lạ của Phi…

Tôi có người anh họ -Phi chưa hề biết mặt- đã rời khỏi Việt Nam từ những ngày cuối tháng Tư năm 1975. Vào dịp tết, anh đã từ Mỹ về thăm gia đình, tôi có sang thăm và chụp với anh một tấm ảnh lưu niệm. Bà đã lấy bức ảnh đó từ lúc nào không biết, gửi cho Phi và bảo rằng đó là tình nhân của tôi. Vì lòng ghen tương, vì tin lời Mẹ, Phi không hỏi tôi một lời đã bỏ ngang hồ sơ bảo lãnh. Khi nhận được thư Phi, Bà cũng dấu nhẹm không cho Ông đọc. Ông không hay biết gì cho đến một hôm ông mới tình cờ đọc tìm thấy lá thư của Phi mà Bà đã cất kỹ.

Phần cuối của lá thư ông cố gắng viết thêm hàng chữ “những lời trên đây là ba đọc cho mẹ bé Oanh viết. Con hãy tin lời ba và cố gắng bảo lãnh vợ con sang bên đấy. Bao năm con vắng nhà là bấy năm vợ con khổ sở với phận làm dâu. Nếu con làm được điều ấy ba mới an lòng nhắm mắt”.

Tôi quỳ bên giường Ông, cúi đầu nghẹn ngào:

-Con cám ơn ba đã thương yêu và che chở cho con. Ơn đức của ba suốt đời con không bao giờ quên.

Ông vuốt tóc tôi nước mắt long lanh trên đôi mắt đã mất nét tinh anh.

Ngày … Tháng … năm

Ông qua đời sớm hơn tôi tưởng. Phi không về kịp để nhìn mặt cha lần cuối. Lúc đưa ông ra nghĩa trang tôi đã quỳ bên quan tài ông rất lâu để nói lời tạ lỗi:

-Xin ba tha lỗi cho con, vì con đã không gửi lá thư đi như lời ba dặn dò. Con đã suy nghĩ rất nhiều và tự hỏi, Phi có thật lòng yêu con hay không? Nếu có, sao anh không cho con cơ hội để giải bày những điều mà anh đã nghi oan cho con. Khi quyết định hủy bỏ hồ sơ bảo lãnh, anh cũng không nghĩ đến tương lai của bé Oanh và Huy. Trong suy nghĩ của con, Phi chỉ là một người đàn ông nông nổi, yêu mình quá thể mà không cần biết đến cảm giác của người đầu ấp tay gối. Phi không yêu vợ và cũng chẳng hề thương con. Vậy thì con theo anh ấy làm gì hở ba? Xin ba hiểu cho con. Dù sao, con cũng còn lòng tự trọng. Con hứa sẽ cố gắng hết sức để chăm lo tương lai hai đứa cháu nội của ba.

Ngày … tháng … năm

Hôm qua là tuần cuối cùng của lễ cúng thất cho Ông. Hai ngày nữa Phi sẽ về đến nhà. Chưa chi. Bà đã dắm dẳng nói xa nói gần, ý như bà muốn dằn mặt tôi là đừng có thọc mạch mọi chuyện với Phi. Tôi im lặng không nói một lời. Buổi sáng, Bà và các cô lao xao ra phi trường để đón Phi, nhưng chẳng ai nói với tôi một lời. Tôi đã chuẩn bị mọi thứ nên nghe lòng mình bình thản đến lạ lùng. Khi mọi người rời khỏi nhà, tôi vào tủ, lấy bức thư đặt dưới lư hương trên bàn thờ Ông, sau khi viết thêm một hàng chữ vào cuối bức thư, dưới chữ ký của ông “Con cảm thấy thật vô ích khi gửi bức thư này cho một người không có trái tim. Xin ba thứ lỗi cho con”.

Tôi nhìn lại căn nhà quen thuộc lần nữa. Một nỗi buồn sâu thẳm dâng nhẹ trong lòng tôi. Dù nơi đây đã chứng kiến biết bao nỗi bất hạnh của tôi, nhưng cũng chính nơi đây tôi đã có những tháng ngày thật hạnh phúc với Phi. Không biết anh sẽ nghĩ gì khi bước chân trở về chốn cũ mà vắng bóng người vợ yêu thương đầu đời và hai đứa con thơ.

Rồi sẽ có rất nhiều câu chuyện thêu dệt chung quanh sự ra đi của tôi. Nhưng sẽ không còn gì quan trọng đối với tôi nữa khi niềm tin nơi người chồng tôi hết dạ thương yêu không còn nữa. Trong cảm giác mơ hồ, tôi lại tin rằng hương linh của Ông sẽ khiến cho Phi đọc được lá thư này để anh hiểu sự thật và trả lại sự trong sạch cho tôi ….

o0o

Những trang kế tiếp bỏ trống, nhưng tôi còn nhớ rõ, sau đó ba đã dò la tin tức của mẹ con tôi qua những người thân và bạn bè suốt nhiều năm. Nhưng nỗi đau khổ tột cùng đã khiến mẹ ê chề ngao ngán không muốn gặp lại ba.

Cuối cùng, mẹ dành dụm được một số tiền cộng thêm sự giúp đỡ của cậu Tư, ba mẹ con chúng tôi đã đến được miền đất tự do này.

Nơi đây, mẹ vẫn tảo tần vất vả để nuôi nấng chúng tôi học hành thành đạt. Nhiều lúc tôi hỏi mẹ nghĩ sao nếu tình cờ mình gặp lại ba. Trong ánh mắt xa xôi của mẹ hình như ẩn chứa một niềm ân hận.

-Có lúc mẹ tự hỏi, có phải vì tự ái quá lớn, vì thiếu lòng độ lượng mà mẹ đã khiến cho các con phải thiếu tình thương của cha không? Mẹ thật có lỗi với các con.

Chị em tôi không hề trách mẹ. Bởi đâu ai biết được tận cùng nỗi đau đớn của vết xước trong tim người khác. Và ba, người đã vạch lên trái tim mẹ một vết xước khó lành cũng chưa chắc đã tìm thấy hạnh phúc một cách trọn vẹn, nên tôi cũng chẳng trách ông.

Hôm qua Huy hỏi tôi, mình có nên lên internet tìm ba không chị? Tôi nhìn lên ảnh mẹ. Hình như có nụ cười bao dung của mẹ phảng phất sau làn khói hương đang tỏa rộng []

Ngân Bình

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search