T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Rồi cũng có một ngày

( Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh )

Gia đình tôi vỏn vẹn chỉ có hai chị em. Đứng về phương diện nhan sắc thì tôi và nó (nhỏ em tôi) bên tám lạng bên nửa cân. Nó cao 1m65, tôi cao 1m68 (về mặt này tôi hơn nó một chút). Mũi tôi cao hơn nó. Bù lại mắt nó to hơn tôi (nghĩa là tính điểm trên khuôn mặt thì xem như ngang ngửa). Cái miệng nó líu lo suốt ngày, còn tôi thì thâm trầm, ít nói. Tuy có sự khác biệt rõ ràng, nhưng điểm này lại là điểm bất phân thất bại. Vì nếu ai thích tôi, thì họ nói rằng tôi chững chạc, nó láu táu. Ai thích nó, thì họ nói rằng, nó trẻ trung, vui tươi còn tôi giống bà cụ non. Nhưng nói chung chung thì tôi và nó đi đến đâu cũng đều được mọi người khen là dễ thương. Ấy vậy mà hơn thua nhau chỉ vì cái số. Nó có số đào hoa còn số tôi thì chẳng khác nào “chiếc bóng bên đường”. Năm này, tháng nọ, con trai theo nó tấp nập. Còn tôi, đôi khi đứng trước gương tự ngắm mình và nhận xét một cách công bình thì tôi không thua nó, nếu có chăng thì xác suất đó cũng không đáng kể. Vậy mà chẳng chàng nào chịu làm “cái đuôi” của tôi, để tôi có thể ngâm nga câu hát “anh theo Ngọ về”. Còn nó thì cái đuôi lại dài thòng lòng, đến nỗi có hôm ba tôi nổi dóa, trợn mắt với nó:

-Học hành không lo, làm cái gì mà ngày nào cũng thấy có thằng đi theo.

Nói vậy cũng tội nghiệp nó. Nó có rủ rê, dụ dỗ ai đâu. Đó chẳng qua là do cái số đào hoa của nó. Còn tôi, số trời đã định phải “ở bên đường phải làm chiếc bóng”, nên quanh năm, suốt tháng đưa lưng vác gánh nặng cho nó. Chẳng hạn, có một anh chàng, vừa gặp nó tại nhà dì Bảy, thì “tinh tú đã quay cuồng”. Mà bữa đó, nó có đẹp đẽ gì cho cam, chỉ vì nghe dì Bảy nấu món hủ tíu Mỹ Tho, nên vội vàng chạy sang ăn chực nên chẳng biết rằng mình đang giống cô bé lọ lem. Ấy vậy mà hình ảnh lem luốc đó lại lọt vào mắt xanh của anh chàng (đã bảo, số đào hoa mà). Vậy là hôm sau anh tìm đến nhà. Vì là chỗ quen biết với dì Bảy nên ba má tôi cũng nể tình, lịch sự mời vào trong. Lúc đó, vừa xong buổi cơm tối, nó đang phụ tôi rửa chén, má tôi nói:

-Để đó chị Hai mày làm, lên tiếp khách đi.

Nó thỏ thẻ một cách đáng yêu:

-Để con rửa xong đã.

Trời ơi, thường ngày nó đâu có tốt bụng dữ vậy, cứ đợi có dịp nó lặn mất tiêu. Rửa xong chén, nó cứ lần quần dưới bếp. Đợi mãi không thấy, má tôi chạy xuống gọi lần nữa thì nó bảo, chờ ấm nước sôi để tắm cái đã (thường ngày nó đâu có sạch sẽ dữ vậy). Nước sôi xong, nó bước vào nhà tắm, bắt đầu “clean long thể”, không biết nó “clean” kiểu nào mà tới giờ giới nghiêm, anh chàng phải về và nó vẫn còn trong nhà tắm. Má tôi bực mình cằn nhằn mà không hiểu rằng, vì trái tim nó không cảm thấy “sụt sịt” nên kiếm cớ chối từ. Tôi nói:

-Kệ nó má ơi!

Rồi bước tới đập cửa.

-Ra đi, người ta về rồi.

Tưởng đã yên, nào ngờ ngày hôm sau anh chàng lại lù lù dẫn xác đến. Nó nhất định không thèm tiếp, tôi thì không muốn người ta nghĩ rằng con gái của ba má tôi không biết phép lịch sự, nên đành phải làm vật hy sinh. Ngồi với anh ta khoảng mười lăm phút, tôi vào trong, lôi nó đứng dậy:

-Mày ra nói chuyện với nó đi.

-Hồi nãy giờ Hai (thay vì gọi chị Hai, nó bỏ bớt chữ chị) nói chuyện rồi thì nói luôn đi.

Tôi lắc đầu ngồi xuống ghế:

-Không, nói chuyện với thằng này chán phèo. Hỏi tới đâu nói tới đó, không hỏi thì nó làm thinh, cứ dòm lom lom vô cửa buồng.

Nó nhíu mày nhìn tôi và hỏi một cách ngây thơ (không biết ngây thơ thiệt hay làm bộ)

-Dòm vô cửa buồng làm gì?

-Thì nó kiếm ai đó, tao đâu biết.

Tôi nhất định không đi, nó cũng nhất định đứng lì ở đó. Hai chị em đang vận dụng nội công để đẩy đối phương bay ra phòng khách thì ông anh họ tôi bước vào. Anh trợn mắt:

-Trời đất, hai đứa bây ở đây mà sao để khách ngồi mình ên ngoài đó!

Tôi và nó đưa ra đủ lý do để thối thác. Cuối cùng ông anh họ, đành phải ra đỡ đạn. Độ mười lăm phút sau anh trở vào, lắc đầu ngao ngán:

-Tao chịu thua, không tiếp được thằng này?

Nó thắc mắc, nghiêng đầu hỏi:

-Sao vậy?

-Nó không nói gì, cứ ngồi làm thinh, chẳng lẽ tao nói hoài để mang tiếng già mồm sao?

Ba anh em lại đùn tới, đùn lui cho tới lúc má tôi đi chợ về tới. Vừa bước vào phòng trong, bà la toáng lên:

-Trời ơi, ba anh em tụi bây làm gì ở đây mà để khách ngồi một mình ở ngoải vậy?

Ba anh em, bống đổ thày, thày đổ bống và rồi…má tôi đành phải thi hành nhiệm vụ của đấng sinh thành, “mũi dại thì lái chịu đòn.”. Nghĩa là má tôi phải bước ra phòng khách và tiếp chuyện một cách rất thân tình.

Đây chỉ là một thí dụ điển hình. Bởi vì không phải một lần, mà rất nhiều lần tôi cứ phải tiếp, phải vịn những cây si dùm cho nó. Mãi rồi tôi mới nhận ra một điều: tất cả con trai đến nhà này đều gọi tôi bằng chị Hai, nghĩa là đến tìm nó chứ không phải tìm tôi, dù rằng họ quen hai chị em cùng một lúc. Tôi không ganh tị với nó, nhưng tôi buồn cho mình. Ở lứa tuổi đôi mươi, tôi cũng thèm lắm những lá thư tình viết vội, những ánh mắt si tình. Tại sao nó đẩy ra không hết, còn tôi chờ mãi vẫn không có. Tôi vô duyên lắm hay sao? Có lẽ nhận ra điều đó nên má tôi thường an ủi:

-Tuổi dần cao số, tình duyên lận đận lắm, không gấp gáp gì đâu con.

Tôi nghe lời má không gấp gáp (bởi có ai đâu mà gấp với gáp). Nhưng tôi vẫn ao ước được nghe một lời tỏ tình.

Rồi đến ngày nó lên xe hoa về nhà chồng, tôi vẫn chưa nhận được một lời tỏ tình. Nó sinh được ba đứa con, vẫn chưa có một lời tỏ tình nào gửi đến cho tôi. Tôi bỗng nhiên trở thành một đứa con có hiếu “Tội nghiệp con Thuỳ, ba nó qua đời, em nó lấy chồng, nên nó phải hy sinh ở vậy để phụng dưỡng mẹ già.”

Khoảng năm năm sau ngày đất nước thay chủ đổi ngôi, gia đình tôi dắt díu nhau rời bỏ quê hương đi tìm đất sống. Qua đến Mỹ, trải qua bao vất vả với công việc clean up, rồi chạy bàn ở nhà hàng, vào shop may gia công; vốn liếng Anh văn không có bao nhiêu nên tôi cứ lẹt đẹt ở phía sau. Cũng phải tám năm sau, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè -mà có lẽ cũng do vận may đã đến- nên tôi xin được việc làm trong một hãng điện tử. Và tại đây, cuộc đời tôi đã bước sang trang.

Một buổi trưa, vì cố gắng cho xong công việc nên tôi đến phòng ăn thật muộn. Khi tôi vào thì mọi người đã lục đục đi ra, còn một mình nên tôi ăn rất vội vàng. Đang ngon trớn, bỗng nhiên tôi có cảm giác như mình đang bị theo dõi. Nhìn sang trái thì thấy có người đang chăm chú nhìn tôi. Tôi quay đi nhưng vẫn nhớ rõ “đôi mắt người Sơn Tây” dưới cặp chân mày rậm và hàm râu vắt ngang đôi môi dày. Thì ra, đây là anh chàng vừa mới được nhận vào hãng hôm qua. Từ đó, cứ vào mỗi bữa ăn trưa lại có đôi mắt theo dõi tôi. Rồi do công việc hàng ngày tôi và anh cũng thường xuyên tiếp xúc với nhau. Anh rất ít nói. Những câu nói của anh chỉ phát ra khi cần thiết. Không thừa một câu. Không thiếu một chữ. Chỉ có đôi mắt anh, khi làm việc, nơi phòng ăn, quay sang trái hay quẹo sang phải , lúc nào cũng “chiếu” về phía tôi và hình như nó muốn nói một điều gì???. Ở số tuổi bốn mươi lăm, tim tôi không còn những bồi hồi, rung động như lứa tuổi mộng mơ, nhưng tôi không khỏi bối rối khi bạn bè chọc ghẹo, mỗi lúc nhìn thấy anh chàng. “Mối tình câm của bà kià”. Lời nói làm tôi để ý anh chàng kỹ hơn. Dáng dấp cao ráo (khá) khuôn mặt không đẹp, không xấu nhưng thiếu linh hoạt (trung bình), tính tình nhút nhát, rụt rè (trung bình trừ). Sau khi chấm điểm, tôi có ý chờ xem “ngày sau sẽ ra sao?”

Vào giữa năm đó tôi bị tai nạn xe, chân trái bị gãy phải nằm bệnh viện hơn một tuần. Suốt thời gian đó, ngày nào anh cũng ghé thăm tôi. Bạn bè khác tới thăm, không hoa hồng thì cũng ly ly, cẩm chướng, còn anh, độc nhất một ổ bánh mì (có lần tôi nói với chị bạn, tôi thích ăn bánh mì hơn ăn cơm, không hiểu sao lại lọt đến tai anh). Mỗi ngày, sự việc xảy ra đều đặn như một cuốn phim: Anh bước vào phòng, nhìn tôi cười và hỏi “Thùy đỡ chưa?”. Rồi đến chiếc bàn cạnh giường, đặt ổ bánh mì xuống, tiện tay rót ly nước lọc đặt cạnh bên, lui lại hai bước, ngồi trên chiếc ghế đặt bên hông giường, ngẩng đầu xem TV, thỉnh thoảng quay sang nhìn tôi, cười một cái. Nếu tôi hỏi chuyện thì anh trả lời, còn tôi nằm im thì anh cứ TV mà xem, vài ba tiếng đồng hồ sau đứng lên từ giã với câu nói như kinh nhật tụng “Rán mau khỏe Thùy nhé”.

Vài chị bạn vào thăm nhằm lúc anh cũng đến, họ cứ nhìn anh rồi nháy mắt cười với tôi. Có chị nói khẽ:

-Coi bộ anh chàng này thương bà dữ à nghen!

Tôi cười, hỏi:

-Sao chị biết?

-Trong hãng ai mà không biết. Chỉ có bà làm bộ không biết thôi.

Tôi lắc đầu:

-Làm sao biết được, anh ta có tỏ bày gì đâu mà biết.

-Bởi vậy người ta mới gọi là “mối tình câm”.

Trước ngày xuất viện, tôi gọi nhỏ em, dặn sáng hôm sau đến đón tôi, nó trả lời gọn lỏn:

-Không.

Tôi vừa ngạc nhiên, vừa bực bội:

-Không? mày nói giỡn hay nói chơi vậy? không lẽ tao lái xe, rồi đạp ga bằng cây nạn à?

Nó cười ha hả:

-Lo chi chuyện đó, em đâu dám dành “Job thơm” của cây si của Hai.

Đổi giọng nhẹ nhàng, nó tiếp:

-Hai à! em thấy ảnh cũng được lắm mà sao Hai chê ảnh vậy?

-Tao có nói tiếng nào đâu mà chê với khen. “Chả” cứ câm như hến không lẽ mày bắt tao phải tỏ tình trước?

-À há! ừm…ừm..ừm, dễ thôi.

Tôi gắt giọng:

-Mày nói cái gì?

Nó làm thinh, không thèm trả lời, tôi gác máy với tâm trạng thẫn thờ. Suốt thời tuổi trẻ với ước mơ một tình yêu lãng mạng, tình tứ đã trôi qua, nên từ lâu lắm, tôi âm thầm chấp nhận cuộc sống lẻ loi, đơn độc, xem như số phận đã an bài. Nhưng rồi … trong lúc tôi không chờ thì người lại đến. Tình cảm không còn là những háo hức, say mê của thời mới lớn, nhưng vẫn có những đêm đắm hồn trong dòng nhạc tình da diết, tôi vẫn thầm mong được nghe một lời nói yêu thương…

Chuông điện thoại vang lên. Tôi phải “hello” đến lần thứ ba mới có giọng nói cất lên từ phía bên kia, nhẹ nhàng mà chừng như khó khăn lắm:

-Ngày mai …a…a… anh đến đón Thùy…. Thùy cho phép anh được săn sóc Thuỳ trong những ngày sắp tới.

Hình như giọng nói tôi hơi run:

-Dạ … dạ… cám ơn ….anh.

Tôi ngẩn ngơ trong tâm trạng …bồi hồi. Tôi thầm nghĩ “cóc đã chịu mở miệng” hay là … “nó đã ra tay”

Ngân Bình

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search