T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Bích Huyền: Tưởng niệm Hoàng Cầm

 (Xin bấm vào đây để nghe phần âm thanh)

Tưởng niệm nhà thơ Hoàng Cầm, một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đã qua đời tại Hà Nội, thọ 89 tuổi.

Đúng 50 năm sau vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, cùng với nhà thơ Lê Ðạt, ông được nhà cầm quyền Việt Nam trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, tuy nhiên họ không hề nhắc đến những oan khuất mà ông cùng những người chủ trương nhóm Nhân Văn Giai Phẩm phải gánh chịu trong hàng chục năm trời.
Chương trình  Thơ nhạc  đêm nay như một nén nhang tưởng niệm ông…

Hoàng Cầm sinh năm 1922, tỉnh Bắc Giang (nay là Hà Bắc). Ông ra đời và lớn lên trong tiếng hát Quan Họ, tại vùng Kinh Bắc xưa, cái nôi văn hóa của đồng bằng Bắc bộ. Thơ Hoàng Cầm bắt nguồn từ nền văn hóa kia và tiếng hát ấy, đã tạo ra được phong cách thi ca mới, trên một nền từ vựng cũ, trên phong tục cổ truyền. Thơ Hoàng Cầm là cuộc hôn phối hạnh phúc giữa tính dân tộc và tính hiện đại.
Cây Tam Cúc là một bài thơ hay, tiêu biểu cho những thành tựu nghệ thuật của Hoàng Cầm.

Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Chị gọi đôi cây!
Trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em
Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì
Đứa được
chinh truyền xủng xoẻng
Đứa thua
Đáo gỡ ngoài thềm
Em đi đêm tướng điều, sĩ đỏ
Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em
Năm sau giặc giã
Quan Đốc đồng áo đen, nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới Chị
võng mây trôi
Em đứng nhìn theo, Em gọi đôi.

Từ một trò chơi dân gian khá phổ biến, tác giả đã sáng tạo nên một bức tranh trữ tình đặc sắc và phong phú, bắt đầu với tình nam nữ, rồi đến tình chị em, tình người, tình dân tộc. Rộng ra nữa là tình yêu tuổi trẻ, quê hương, tình yêu cuộc sống trong mọi mặt, trong cảnh nhàn nhã lẫn lúc chênh vênh. Từ một ổ rơm giản dị, hình ảnh quê nghèo, Hoàng Cầm đã vẽ lên giấc mơ hạnh phúc, giấc mộng lứa đôi với ít nhiều nhục cảm. Bài thơ tình tứ và nhẹ nhàng.
Cũng như những làn điệu dân gian xưa kia, thơ Hoàng Cầm ngày nay là những ngọn lửa sưởi ấm cuộc sống, một tia nắng mới trên chân trời cũ. Những đóa râm bụt nở muộn màng trên bờ giậu làm thắm lại niềm lãng quên bên triền ký ức.

Có mấy dòng sông vòng chảy ngược
Mà em xuôi mãi xuống Tào Khê
Đến đâu là cõi không đầy ải
Đôi mảnh hồn ngây lạc lối về

Cuộc sống hiện đại là một dòng sông ngày mỗi xa nguồn. Khái niệm và ý thức quê hương ngày một nhạt phai trong tâm tưởng con người hiện đại, con người đô thị. Lìa nguồn là quy luật của tiến hóa. Nhưng con người cảm nhận ly cách đó mỗi nơi, mỗi lúc, mỗi người, một cách khác nhau. Thế hệ Hoàng Cầm – bản thân Hoàng Cầm chứng kiến sự tan rã, tàn phá của một nền văn hóa trên một đất nước mất chủ quyền, rồi triền miên đắm chìm trong lửa khói. Hai cuộc chiến tranh dân tộc chồng lên trận tranh chấp lớn lao giữa hai nền văn minh, mới và cũ. Đông và Tây. Dân tộc có chiến thắng, vẫn để mất đi ít nhiều bản sắc văn hóa, như con chim thắng trận đã phải mất lông mất cánh. Anh chiến sĩ trong Hoàng Cầm chóng quên hào quang chiến thắng để lặng nghe những tàn phai, tan tác, rồi tự hỏi về cuộc đời, về con người, về bản thân.

Anh đứng đây là đâu
Em cười như lá mỏng

Trong hỗn mang của thời đại và hoang mang của tâm linh, nụ cười, tia hạnh phúc bỗng mong manh Em cười như lá mỏng. Có cái gì đó cùng quý giá, nhưng hết sức đơn giản, rất mực phôi pha, làm cho con người hoang mang trở thành hoảng hốt. Hoàng Cầm, những lúc sống thật với lòng mình, từ chiều sâu thăm thẳm của tâm thức, thỉnh thoảng bật ra những câu thơ, những hình ảnh bình dị mà hàm súc như vậy. Một câu hỏi lớn của loài người vừa vụt chao nghiêng tia nắng trên tờ lá mỏng: thơ Hoàng Cầm là ngọn gió lạc mùa bất chợt thổi tạt qua trần gian, một ngày thu muộn màng và hiu hắt.

Những bài thơ hay nhất, bạo nhất về chị, Hoàng Cầm đã làm ba mươi năm sau – lúc đã ngoài bốn mươi năm mươi tuổi – đã quá tuổi thơ ngây để ngủ lại giấc mơ dang dở. Ngoài thơ ra, con người làm sao ngủ lại giấc mơ?

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
Đứa nào tìm được Lá Diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng
….
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc Lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời…
…ới Diêu bông…!

Bích Huyền kính mời quý vị và các bạn thưởng thức bài thơ ấy trong ca khúc Lá Diêu Bông, do Phạm Phan Hàm, một nhà giáo, môt người viết nhạc tài tử phổ nhạc. Bài hát này do Minh Hoàng diễn tả.
Xin cảm ơn GS Phạm Phan Hàm ở Saigon, cảm ơn nhà biên khảo Đặng Tiến ở Paris đã gửi cho Bích Huyền tài liệu để thực hiện chương trình này.

Bích Huyền

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search