T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Captovan: BUỒN VUI TẾT MẬU THÂN 1968

Viết Thêm:

Sau khi không thấy “Buồn Vui…1968” của tôi trên báo Xuân ĐH”, nên bạn Đặng Kim Thu, tự “Đội Thu Còi Hụ”tùy viên của Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng(TTMT), bèn kể cho tôi nghe chuyện buồn vui của hai ông Chánh-Phó để tôi viết thêm vào cho “buồn-vui” luôn một thể, vì vậy tôi xin mời các bạn nghe chuyện của hai ông Chánh Phó trước. Thu kể:

                        ***

     -Khi VC tấn công vào Sài Gòn thì Tổng Thống (TT) đón giao thừa tại Mỹ Tho nên Phó Tổng Thống (PTT) đã lên đài phát thanh tuyên bố tình trạng đất nước….

     Đêm, khi xẩy ra biến cố, Đại Tướng TTMT đã lên ngay văn phòng và Trung Tướng Lê Nguyên Khang cũng đến, Tr/Tướng Khang lúc đó là Tư Lệnh SĐ/TQLC kiêm Tư Lệnh Quân Đoàn III và Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, hai ông đã cùng nhau làm việc và sinh hoạt trong Bộ TTM suốt hơn một tháng.

     Sáng, khi thấy PTT đến, Kim Thu vội báo cho Đại Tướng biết, vì ông đang làm việc với Tr/Tướng Khang, Đại Tướng Viên bảo Thu cứ dẫn Phó Tổng Thống vào.

Vừa chào hỏi nhau xong là PTT than phiền rằng: Tổng Thống không lo việc nước chỉ lo việc nhà, PTT muốn Đại Tướng và Trung Tướng Khang ủng hộ ông để ông lãnh đạo đất nước…, Tướng Minh TLKQ và Tướng Loan đã ủng hộ PTT rồi…

     Hiểu ý PTT muốn làm chuyện đại sự nên Đ/Tướng TTMT nói:

     `-Đang lo đánh giặc muốn hụt hơi, xin PTT tiếp tay cùng chúng tôi đánh giặc trước đã…

     Tr/Tướng TL/QĐIII thì cao giọng hơn:

     -Ông có điên không?

     Cuộc hội ngộ của 3 ông chỉ diễn ra trong vòng 5 phút và PTT buồn bã ra về.

     Khi PTT ra khỏi phòng thì Đ/Tướng gọi vào dinh Độc Lập ra lệnh cho Tr/Tá… phải tăng cường phòng thủ dinh hết sức cẩn thận và giữ an ninh tuyệt đối cho sân trực thăng…đồng thời Đ/Tướng gọi cho Th/Tướng TL/QĐIV… bằng mọi giá phải đưa TT về Sài Gòn ngay.

     Sau đó thì hai ông lên xe jeep đi thăm “chiến trường”, Tr/Tướng Khang lái, ngồi sau là Th/Tá Đặng Kim Thu và Th/Tá Lương Xuân Đương, tùy viên của Tr/Tướng Khang, theo sau xe jeep là 2 xe hộ tống của ND và TQLC. Trên đường đi, Đ/Tướng thở dài nói:

     -Đã đứng vị trí thứ hai rồi mà còn muốn…

     Đặng Kim Thu kể tiếp:

Sau này khi tị nạn tại hải ngoại, trong một lần tổ chức sinh nhật…, có 3 vị tướng tham dự là Tướng Đồng Văn Khuyên, Tướng Trần Đình Thọ và Phó Đề Đốc Hồ Kỳ Thoại, Đ/Tướng tâm sự với mọi người, (trong đó có tùy viên Kim Thu và Tr/Tá phụ tá chánh văn phòng), lời tâm sự của Đ/Tướng cũng được coi như một di chúc:

     -Tôi là một trong những người có trách nhiệm làm mất nước, khi tôi chết, không làm gì hết, không phủ cờ mà im lặng thiêu xong rồi mới thông báo….

     Nhưng…

     Sau khi nghe Đặng Kim Thu kể chuyện Mậu Thân về hai ông Chánh-Phó, mời độc giả nghe tôi kể chuyện “Buồn Vui Mậu Thân” của người lính TĐ2/TQLC:

                        ***

Tôi nằm võng đu đưa giữa hai gốc dừa bên bờ sông Cai Lậy để chờ đón Giao Thừa Tết Mậu Thân 1968, những điếu Ruby Queen cháy liên tục đỏ môi, qua vòng tròn khói thuốc, tôi trông thấy Nguyễn Quốc Chính K20(*), đại đội phó của tôi, vừa tử trận đêm 31/12/67 trên Kinh Cái Thia, chú em đã không quay về nằm võng nơi đây với tôi để cùng đón Xuân! Tôi nhớ đến những khuôn mặt thân yêu của mẹ già, anh chị em và người tình hậu phương, mắt tôi nhìn lên trời cao đầy sao lấp lánh, thấp thoáng vài ánh sáng hỏa châu từ tiền đồn nào đó bay vút lên cao thay cho pháo bông, tai lắng nghe những bản nhạc Xuân mà lòng buồn đến tã người.

(*Tôi “lại” xin mở ngoặc ở đây để nhắc “lại” tấm gương hy sinh của Nguyễn Quốc Chính, một tấm gương nhắc nhiều lần vẫn chưa đủ mà phải viết ra giấy, in thành sử sách.

Nguyễn Quốc Chính K20 VB, là Tr/Úy ĐĐP/ĐĐ1/TĐ2/TQLC. Trong trận kinh Cái Thia, quận Cai Lậy, ngày 31/12/1967, khi thấy Tr/Đ14 của Th/Úy Huỳnh Vinh Quang K22 đang gặp vô cùng nguy hiểm trước tuyến phòng thủ của địch quân, mà Quang là đàn em mới ra trường, nên Chính từ tuyến sau đã vượt lên để cùng chỉ huy với Quang, binh sĩ lên tinh thần, nhất chín nhì bù, đã cùng nhau lao vào và chiếm được phòng tuyến địch, nhưng… Chính đã ngã xuống để đàn em, đồng đội được sống và đứng lên nhận niềm vui chiến thắng. Những tấm gương anh dũng chiến đấu và hy sinh như TQLC Nguyễn Quốc Chính đã góp công cho hiệu kỳ TĐ2/TQLC được 8 lần tuyên dương công trạng trước Quân Đội. Vì tình huynh đệ nơi chiến trường, sống, và hy sinh như cựu SVSQ Nguyễn Quốc Chính không chỉ là niềm hãnh diện của riêng Khóa 20 mà là của chung tập thể các cựu SVSQ/VõBị.

Tập thể Võ Bị không phải hãnh diện vì cơ sở vật chất, không vì thời gian học tập, không vì bằng cấp, mà hãnh diện vì có rất nhiều những tấm gương sáng như Nguyễn Quốc Chính, như “Tống Lê Chân”, như Trung Đoàn Trưởng… tiễn chân đơn vị lên tầu rồi ông quay đầu trở lại núi với các thương binh, như các thiếu úy Trần, Lê, Nguyễn, Đỗ… vừa mãn khóa đã ra ngay chiến trường và gục ngã! Các anh đã biết trả ơn trường “Mẹ” như thế nào. Các anh là những tấm gương sáng để đời soi chung, để thế hệ mai sau hãnh diện theo đó mà đi. Nhưng tìm ở đâu, trên internet hay báo chợ? xin đóng ngoặc).

Những bản nhạc xuân thật hay và vui với người hậu phương bên tiếng pháo, hơi men, nhưng lại quá buồn nơi khói súng quyện với khói thuốc, tôi tiếp tục nghe…

 “Đón giao thừa một phiên gác đêm..!

Nếu mai không nở thì con đâu biết..!

Ngày xuân nâng chén ta chúc.., chúc người binh sĩ lên đường..!”.

     Lạ nhỉ! Tại sao đúng lúc cô ca sĩ đang hát:“Chúc người binh sĩ lên đường” thì nhạc xuân lại ngưng, chuyển sang nhạc hùng, nhạc hùng để chờ nghe thông điệp đầu năm của Tổng Thống (TT) chăng? Nhưng thay vì thông điệp của Tổng Thống chúc Tết quốc dân đồng bào cùng chiến sĩ như hằng năm thì lại là tiếng của Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ:

“Tình hình rất nghiêm trọng, các đơn vị sẵn sàng ứng chiến và đợi lệnh”

Gì nữa đây? Lại đảo chánh chăng? Chán quá! Không chừng lại bị triệu hồi về thủ đô cứu giá, rồi quân ta đánh quân mình, Mũ Xanh bao vòng ngoài, Mũ Đỏ thủ vòng trong như ngày xưa thì làm sao đây? Nhớ lại quá khứ, giận hiện tại, toan móc colt bắn nát đám lục bình trôi trên sông thì tôi nhận lệnh của tiểu đòan báo động, lệnh cho tất cả ra hầm hố sẵn sàng chiến đấu, vì VC vi phạm lệnh hưu chiến, đang tấn công khắp nơi, kể cả Sài Gòn.

Hú hồn, không phải đảo chánh là tốt rồi, còn VC tấn công ư? Đi tìm cả tuần nay không thấy một mống, nay chúng dẫn xác về thì chờ gì nữa, lúc nào ta cũng sẵn sàng tiếp các ngươi.

Sáng mồng hai Tết, Tiểu Đoàn 2/TQLC được không vận bằng trực thăng Chinook từ Cai Lậy về Sài Gòn, trực thăng đổ quân TĐ2 xuống sân cờ Bộ TTM, trước dinh của Đại Tướng TTMT, Đại Tá Ngô Du đón chúng tôi tại đây, ông cho biết tình hình địch và yêu cầu TĐ2 giải tỏa áp lực địch tại trường Tổng Quản Trị, trường Sinh Ngữ, Trung Tâm Ấn Loát v.v… đến chiều tối thì tất cả mục tiêu được tái chiếm và TĐ2 phòng thủ đêm trong bộ TTM.

Sáng mồng ba, TĐ2 được lệnh tăng phái cho BTL Cảnh Sát Đô Thành, rồi mỗi đại đội được phân tán đi một nơi khác nhau. Đại Đội 3 của Đ/Úy Đinh Xuân Lãm K17 thì đánh từ cầu chữ Y đến cầu Tân Thuận. Đại Đội 2 của Đ/Úy Trần Kim Đệ thì bao vây hãng rượu Bình Tây, còn Đại Đội 4 của Vũ Dzoan và ĐĐ1 của tôi thì bao vây khu vực chùa Ấn Quang.

Nhân dịp Xuân 2022 lại về, để thay đổi không khí, nghe đánh nhau mãi cũng chán, nghe “nổ” mãi cũng mệt, có nhiều tác giả viết vể các trận đánh Mậu Thân rồi nên bài viết này tôi không viết về đánh-đấm nữa mà xin kể những mẩu chuyện buồn vui bên lề cuộc chiến, “người thật việc thật”, gặp đâu kể đó, những chuyện chưa ai viết hoặc viết sai sự thật.

BẮT SỐNG VC TRONG BỘ TTM.

     Ngày đầu tiên đổ bộ trực thăng xuống sân cờ bộ TTM, vác súng đi khơi khơi trước dinh của Đại Tướng TTMT mà không bị Q.C bắt nhốt cũng thấy vui vui, nhất là đêm đó được ngủ bên ngoài hàng rào của cư xá sĩ quan cao cấp. Cư xá SQ yên lặng quá, tôi không sợ VC từ trong cư xá bò ra mà lo là lính tôi lại bò vào trong lục soát thì tôi bị đi tù là cái chắc, vì gần Mặt Trời nên lo xa vậy thôi chứ anh em tôi ngoan lắm.

Nửa đêm về sáng, trung đội trưởng Huỳnh Vinh Quang (K22VB) báo có VC bò vào tuyến, thông thường thì cứ ra lệnh bóp… cò một phát là xong, nhưng nằm ngay trong TTM, cần sự yên lặng để các quan lớn nghỉ ngơi, phần khác sợ có anh em ta lạc đàn nên tôi ra lệnh cho Quang phải bắt sống. Tên “VC” bị bắt là Vũ Khắc Quý, cấp bậc trung sĩ, nhân viên ban văn thư thuộc phòng TQT hay P1 gì đó của Đại Tá Hồ. Quý chính là con của cô ruột tôi, tôi hỏi hắn:

Tại sao chú mày lại kẹt trong này, chui ở đâu ra đây?

Phiên em trực đêm giao thừa, em chui trong ống cống từ đêm qua.

Hú hồn thằng em, coi như tôi đã tặng bà cô một món quà Tết quý giá.

BẮT VC BẨY LỐP TẠI CHỢ LỚN.

ĐĐ4 của Vũ Đoàn Doan và ĐĐ1 của tôi đựơc điều tới khu vực chùa Ấn Quang, tới nơi thì thấy một số anh em Cảnh Sát Dã Chiến ở đó, toàn bộ khu vực khói lửa ngập trời, đì đùng súng và pháo nổ khắp nơi, đồng bào tràn ra trên các con đường Trần Nhân Tôn, Minh Mạng, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Duy Dương, Bà Hạt v.v…chính tại đây, Thiếu Úy Kiều Công Cự K22VB, Thuộc Đại Đội 4 của Vũ Đoàn Dzoan, bắt sống được tên Bảy Lốp, hắn mang súng K.54 và bản đồ ghi các mục tiêu phải chiếm. Cự bắt khi hắn chạy từ trong chùa Ấn Quang ra. Vì có ông Tướng Cảnh Sát đang hiện diện để theo dõi cuộc hành quân nên TĐT/TĐ2 Ngô Văn Định giao Bảy Lốp cho ông Tướng, và chuyện gì xẩy ra sau đó thì độc giả biết rồi, nhưng có “ký giả” biết cả những chuyện mình không biết nên cứ viết Bảy Lơpp bị bắt ở Bàn Cờ!

     Chuyện Bảy Lốp bị Ông Sáu Lèo bắn chỉ bằng hạt cát so với mấy ngàn người dân bị VC trói tay chôn sống cùng thời điểm đó ở ngoài Huế. Tại trại Phù Đổng Gò Vấp, khi TĐ 4/TQLC tái chiếm thì đã gặp một cảnh vô cùng thương tâm: Toàn bộ gia đình Tr/Tá T.., CHT/ Thiết Giáp bị chúng chặt đầu. Tụi phản chiến chỉ lợi dụng tấm hình ông Tướng VN cầm ru-lô dí màng tang VC mà làm ồn lên, lơ đi tội ác tày đình của VC.

TÔI ĐƯỢC GẶP CÁC ÔNG TƯỚNG.

Người ta gọi ông là “Anh Sáu Lèo”, một cấp nhí TQLC như tôi thì làm sao dám lại gần ông Tướng Cảnh Sát, nhưng vì Đại Đội tôi bị biệt phái chạy theo ông. Lúc nào ông cũng mặc áo giáp để phanh ngực, phơi cái trán hói trước súng đạn, tác phong nhanh nhẹn và bình dân, khi bực mình thì chửi thề “đ.. cụ”. Ông ngoắc tay ra lệnh di chuyển rồi ông nhẩy lên xe Jeep dẫn đầu, một toán Cảnh Sát Dã Chiến theo liền, đi sau ông và CSDC là 4 xe GMC chở TQLC chúng tôi, đến nơi nào, mục tiêu nào cần là ông Tướng nhẩy xuống trước làm gương. Đúng là đánh giặc trong thành phố.

Một buổi xế trưa, ông dừng xe tại ngã ba đường Nguyễn Du và Công Chúa Huyền Trân (đường phía sau Dinh Đôc Lập), ông gọi tôi đến đưa tay chỉ cái “biu-đinh” cao khoảng 8 tầng, đang xây dở dang, nằm ngay bên hông Dinh Độc Lập, tại góc đường Nguyễn Du và Nguyễn Trung Trực, Ông nói:

-Trong cái biu-đinh kia còn một toán VC mà CSDC của “moi” chưa thanh toán được, liệu “toi” có thể giúp “moi” giải quyết được không? Điều quan trọng nhất là làm sao bắt sống được tụi nó.

Ông là cấp Tướng chỉ huy, tôi là cấp Úy biệt phái, lệnh Ông ra là tôi phải thi hành, nhưng kết quả đạt được như thế nào còn tùy thuộc vào tình hình “địch, bạn”. Địch chưa biết, nhưng “bạn” thì có CSDC. Ông Tướng Cảnh Sát lại thân mật “toi-moi”, thay vì chỉ tay 5 ngón ra lệnh, Ông hỏi ý kiến thân tình: “Liệu toi có thể giúp moi…” nên tôi cảm thấy vui vui, cần phải nghĩ cách “giúp” Ông.

VC cố thủ trên biu-đinh cao tầng ngó vào ngay Dinh Độc Lập thì nhức nhối và nguy hiểm quá. Các anh CSDC đã cố gắng hết mình mà chưa chiếm được lại còn bị tổn thất nên Ông Tướng mới dùng TQLC giúp. Tiêu diệt thì dễ nhưng cái khó là Ông yêu cầu phải bắt sống. Bắt sống VC mà lính tôi chết thì sao đây? Nhưng vì danh dự của “Trâu Điên”, của Binh Chủng, tôi phải cố gắng. Để giảm thiểu thiệt hại tối đa, tôi trình Ông:

-Thưa Thiếu Tướng: Chúng tôi sẽ cố gắng bắt sống, nếu họ muốn sống, còn nếu họ muốn chết khiến lính tôi chết theo thì đó ngoài ý muốn. Chúng tôi đã có mặt nạ, áo giáp và khói màu rồi, xin CSDC cung cấp thêm lựu đạn cay và bao vây xung quanh..

Ông Tướng cam kết sẽ có lựu đạn cay ngay, còn bao vây thì CSDC đã xiết chặt rồi. Hơi cay và khói màu không phải vũ khí sát thương nhưng sẽ làm cay mắt, ngộp thở, vì bản năng sinh tồn, địch phải tìm cách thoát thân trừ khi chân bị xích…

Một yếu tố tâm lý hết sức quan trọng khi chúng tôi đi vào chỗ chết để bắt sống VC trước con mắt chăm chú theo dõi của Ông Tướng Cảnh Sát, của anh em CSDC và của đồng bào khiến Th/Úy Huỳnh Vinh Quang điều động trung đội tiến vào mục tiêu như đóng phim, anh em Trung Đội 14/ĐĐ1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: bắt sống 6 tên VC trong tình trạng ngơ ngác, lảo đảo say khói màu như say thuốc lào 888(**).

 (**Ngày N/7/2017 khi gặp cựu Đại Tá Cảnh Sát Trần Minh Công tại chùa B.Q.. để Mr Douglas Sloan phỏng vấn và quay phim về Thiếu Tướng Loan, tôi có nhắc lại vụ bắt sống VC này với Đại Tá Công(***) thì Ông ngạc nhiên và thích thú nói:

-Không ngờ nửa thế kỷ sau, chúng ta gặp nhau ở đây, ở Saigon Nhỏ tôi mới biết người giúp chúng tôi bắt sống toán VC ngày ấy tại Saigon Lớn lại là anh)

Phong cách ra lệnh của cấp chỉ huy quan trọng lắm, nếu ai cũng chỉ biết nạt nộ hối thúc bằng cái lệnh …lạc: “phải chiếm cho được mục tiêu bằng mọi giá” thì cái giá phải trả là sinh mạng người lính! Chiến trường mạng lính rẻ hơn bèo!

 Lại phải chạy theo ông, chúng tôi lúc nào cũng súng đạn, nón sắt, áo giáp ngồi sẵn trên xe GMC, ông Tướng chạy như con thoi khắp các nơi, chỗ nào có VC là ông đến, ngừng xe bước xuống rồi ông mới cho lệnh TQLC phải làm gì.

     Đoàn xe dừng lại trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đoạn nằm giữa đường Phan Đình Phùng và Phan Thanh Giản, gần Đài Phát Thanh và Cục An Ninh Quân Đội, ông vẫy tay, tôi chạy lại nhận lệnh, ông nói vắn tắt:

-Xóm nhà sàn bên bờ sông còn tụi nó, cậu cho thanh toán.

 Nói xong, tay cầm cây M.16, ổng xăm xăm đi vào một con hẻm dẫn xuống khu nhà sàn bên bờ sông, dĩ nhiên là có toán CSDC chạy theo trong khi lính tôi đang còn xuống xe. Đã có lần khi xe dừng lại trên đường Phó Đức Chính, ông đi vào khuôn viên hội trường Diên Hồng, tôi cho anh em xuống bố trí hai bên đường chưa xong thì ổng đi ra và lên xe zoọc, tôi theo không kịp nên lạc đường rồi bị nghe ông “đ..cụ” khiến lần đó tôi cũng “nực gà”, tự hậu khi có lệnh mới cho lính xuống xe, nên lần này tôi đang cho lính xuống xe thì nghe “cắc-bù, cắc-bù”.

 Vài tiếng “cắc-bù” nơi con hẻm ổng mới đi vào, tôi biết có chuyện, “cắc-bù” là tiếng súng VC bắn về phía mình, quả thật, toán CSDC đang khiêng Ổng ra, Ông bị thương nơi chân. Chúng tôi vào lục soát, tụi VC lặn xuống sông mất tiêu, chỉ còn lại một xác nặng mùi nằm trong một góc nhà sàn.

     Lần đầu tiên tôi thấy một vị Tướng bị thương vì đạn bắn thẳng dưới đất, còn đa số chỉ nghe quý vị tử trận cùng với trực thăng. Dù ở trên trời hay dưới đất, tấm gương và tiếng nói của vị chỉ huy cao cấp tại mặt trận là một sức mạnh vô cùng quan trọng.

Sự việc “Ông Sáu Lèo” bị thương vào chân, đơn giản là ông xung phong vào mặt trận,  ông đi tìm VC tại địa điểm kể trên trước con mắt hằng trăm TQLC và CSDC, vậy mà sau này có nhiều người viết như truyện “phong thần” rằng Mỹ âm mưu giết ông!

Chả cần phải “nổ” như thế, ông là vị tướng, dẫn quân dẹp giặc rồi bị thương tại mặt trận không đáng quý sao mà phải vẽ rồng rắn cho là Mỹ bắn ông, phịa như thế là vô tình cướp đi cái dũng cảm của một vị tướng.

Ông là Tướng Cảnh Sát, tôi là Úy TQLC, chả quen biết gì nhau, tôi được lệnh biệt phái theo ông, Ông chỉ là vị tướng bình thường nhưng đánh giặc đẹp đã khiến tôi kính phục ông, cần gì phong thần giả làm mất đi cái thực đáng quý nơi Ông.

Một vị tướng khác, đứng trước lửa đạn, trực tiếp ra lệnh cho tôi thanh toán mục tiêu “Suối Máu” Biên Hòa, ông là Tướng Đỗ Cao Trí.

Thực ra tôi đã được lệnh trực tiếp của Tr/Tá TĐT/TĐ2 rồi, có Ông Tướng hay không thì tôi vẫn thi hành nhiệm vụ, nhưng sự hiện diện của Ông Tướng tại “tiền tuyến” chứng tỏ mức độ quan trọng hơn, cần thanh toán gấp, mục tiêu “Suối Máu” nằm gần trại giam tù VC, quả tình là suối máu thật!

Bạn đọc đừng phiền khi nghe tôi “khoe” gặp Tướng, lính tác chiến mà mỗi khi được (bị) Tướng thì chỉ có từ chết tới bị thương, nhất là Tướng cao cấp ở trung ương đến thăm thì càng mệt thêm. Nghe mấy ông thầy nổ khoe rằng “tao quen với ông tướng XYZ” mà phát nản, nhưng hôm nay tôi phải khoe vì sự thật tận mắt nhìn thấy quân đội chúng ta có những vị Tướng đáng kính phục, nhiều vị sao sáng.

Khi được lệnh cấp cứu đồn Cảnh Sát Bà Hòa (hay Hỏa) trong Chợ Lớn, con đường tiến tới mục tiêu bị hỏa lực của địch cản ở mặt trước, tôi ra lệnh cho Trung đội Trưởng TrĐ 14/TĐ2 là Thiếu Úy Huỳnh Vinh Quang (K22) phải chiếm căn biệt thự bên hông gần đó làm bàn đạp, tấn công bất ngờ từ bên hông.

Căn biệt thự cũ kỹ kiểu xưa, trông nghèo nàn nhếch nhác, trong sân, một bà đầm đang tắm cho mấy đứa nhỏ, không phân biệt được bà là đầm Tây hay đầm Mỹ, tôi toan mở miệng để giải thích lý do xin xâm nhập gia cư  thì nghe bả hỏi:

-Các chú cần gì?

Thấy bà đầm 100% mà nói tiếng Việt giỏi lại gọi lính là “các chú” khiến tôi ngạc nhiên, bèn giải thích đầu đuôi để xin phép, bả gật gù đồng ý nhưng nói thêm:

-Các chú nên vào trong nhà nói với ông Tướng một tiếng.

Càng ngạc nhiên hơn, tôi hỏi:

-Ông Tướng nào vậy bà?

Là nhà tôi, Tướng Đức, Dương Văn Đức ấy mà.

     Nghe danh Trung Tướng Dương Văn Đức trong cuộc “biểu dương” từ lâu, nay tận mắt thấy ông ngồi gật gù với chai lọ và tàn thuốc lá! Tự dưng lòng tôi chùng xuống, một vị Tướng mà thế này ư? Ngó lại mình, hết muốn chiếm mục tiêu. Ông ngó tôi với ánh mắt người lớn rồi nói:

-Tụi nó trốn hết rồi, nhưng các em phải cẩn thận.

     Vô cùng cảm động, tôi đứng nghiêm đưa tay chào “tuân lệnh” đúng quân phong quân kỷ.

Người ta đồn rằng ông bị “chạm”! Chạm mà biết tình hình bên ngoài và ân cần khuyên lính một câu vàng ngọc như thế ư? Cám ơn vị Tướng họ Dương.

 Khi bảo vệ đài phát thanh nằm ở cuối đường Phan đình Phùng, lệnh của Tổng Giám Đốc đài là Tr/Tá Vũ Đức Vinh, không cho bất cứ ai vào thăm nếu chưa được lệnh của ông trước.

Lính tôi y lệnh, cương quyết không cho một nhân vật có xe hộ tống vào thăm đài, nhân viên hộ tống của ổng có vẻ hùng hổ đòi gặp người có thẩm quyền, tôi phải ra tận trạm gác coi đầu đuôi.

 Mấy ông bô-đi-ga mang súng ống, đeo kính đen gườm gườm nhìn khiến tôi phát rét, còn lính của tôi thì lùi lại hườm sẵn M.16, người mặc còm-lê thì nhỏ nhẹ:

Qua là Tr/Tướng Trần Văn Đôn, muốn vào thăm đài phát thanh.

-Thưa Trung Tướng, lệnh TổngGiám Đốc không cho bất cứ ai vào, xin Trung Tướng liên lạc với Tổng Giám Đốc là Trung Tá Vinh trước, chúng tôi là lính chỉ biết tuân lệnh.

     Liên lạc không gặp ai trong đài có thẩm quyền nên ông Tướng cám ơn rồi quay đầu xe, nhưng các cận vệ của ông thì có vẻ nổi giận với tôi! Rõ là cọp hiền hơn c.. cọp.

VÀ NHỮNG ÔNG TÁ.

Sau hơn một tháng giữ an ninh đài phát thanh và bưu diện trung ương, đại đội tôi được đại đội của Đại Úy Đinh Xuân Lãm đến thay thế, trước khi đi, đại đội tôi được Trung Tá Giám Đốc tặng cho tấm “lắc” bằng đồng khắc những chữ:“hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”!

Trung Tá Giám Đốc khá lịch sự và tế nhị, ông hỏi tôi:

-Đại Uý có thích nghe nhạc không?

     Tôi dốt nghe nhạc nhưng bạn gái của tôi mê ca sĩ Thái Thanh nên tôi mạnh dạn:

-Tôi mê các nữ ca sĩ, nhất là Thái Thanh.

     Ông nháy mắt cười cười đưa tay bắt, tay ông thật ấm, ông nói:

-Tôi sẽ cho nhân viên thâu một cuốn băng toàn nhạc Thái Thanh để tặng bạn.

     Cám ơn Trung Tá Vũ Đức Vinh, Giám Đốc đài phát thanh năm 1968, ông thật điệu nghệ! Một tác phong hiếm thấy nơi các ông lớn hậu phương đối với lính tiền tuyến, tôi gọi ông là “Anh Năm Vinh”, nhưng vì đi hành quân hoài nên tôi không nhận được quà của Anh Năm.

Khi định cư tại Mỹ sau năm 1990, tôi viết lại kỷ niệm này với tấm lòng kính mến một thượng cấp dù lúc đó tôi không biết Anh Năm ở đâu.

Một thời gian sau thì tôi nhận được những CD toàn là nhạc TT do Chị Năm Vinh và cháu Tùng, con trai anh Năm gửi tới! Gói quà sau gần 40 năm mới nhận được làm tôi quá cảm động nhưng cũng thật bối rối, vì khi đó tôi mới biết Anh Năm đã quy tiên! Tôi áy náy vì nhắc lại kỷ niệm xưa khiến chị Năm Vinh bận tâm, xin chị tha lỗi.

Nhưng cũng có một tình chiến hữu khác chẳng vui tí nào:

Tại ngã ba đường Lê Quang Định và Trung Dũng là căn nhà xây 3 tầng, có sân thượng, đây là một cao điểm quá tốt để quan sát địch và điều quân, chủ nhà là một ông quan “mặc áo liền quần”, đeo hoa mai có gạch đít, đang cầm ống nhòm đứng lấp ló trên sân thượng coi TQLC đánh nhau với VC! Tôi xin phép ông cho chúng tôi dùng sân thượng để đặt súng đại liên, ông vui vẻ… từ chối! Lý do ông bảo là vì nếu TQLC đóng ở đâu thì VC đến tấn công chỗ đó, mà nhà ông thì mới xây, không muốn bị vạ lây, ông mới đi tu nghiệp ở Mỹ về!

     Quân với quân như cá với nước… sôi! Con người có máu lạnh ấy làm tôi sôi máu nóng, nhưng thôi, đành vuốt nước mắt đi kiếm chỗ khác.

Đêm 8/5/68, Đại Đội 2 của Trần Kim Đệ trên đường Hậu Giang, Quận 6, bị VC tràn ngập. Sáng 9/5, Tiểu Đoàn Trưởng ra lệnh cho Dzoan và tôi về tiếp ứng cho Kim Đệ, nhưng trước khi đi phải gom tất cả xác VC vào sân banh Lê Văn Duyệt, gần Ngũ Hoành Miếu.

Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận, để ngoài sân banh nắng nôi, mưa gió, có nhiều anh đã phì lên và chảy nước rồi, cần chỗ mát và sạch sẽ hơn. Tôi thấy không chỗ nào tốt hơn căn nhà lầu của ông quan mang bông mai có gạch đít. Anh em tôi xếp những chàng trai “sinh Bắc tử Mam” nằm gọn gàng từ hàng hiên ra khắp sân, gởi gia chủ trông chừng dùm, mai mốt có xe của sở vệ sinh đến mang đi, hổm rầy họ chưa đến được vì súng nổ nhiều quá, xác VC nằm trong nhà ông thì yên tâm hơn, không sợ bị VC tấn công vào làm hư cái vi-la.

Đây là một kỷ niệm buồn, chẳng phải buồn vì ông thái tá kia mà tôi đem những xác chết VC chất vào vi-la của ổng để nó biến thành căn nhà ma, bực mình thì đùa tí chơi. Tôi buồn cho những người trai hai miền Nam-Bắc chết vì súng đạn, chết khi chưa biết yêu, chết mà mẹ già không hay biết, vẫn ngày ngày ngồi tựa cửa móm mém miếng trầu, cầu nguyện ngóng trông con:

­     _“Sao Xuân này con không về?”

Nhìn những xác VC nằm đủ mọi kiểu trong sân vi-la mà tôi chạnh lòng, chúng tôi muốn hòa bình, nhất là ngày Tết linh thiêng của cả dân tộc VN, chúng tôi được lệnh hạn chế sát sanh, tại vì các “anh” vào cướp phá! Cùng là máu đỏ da vàng, chúng tôi nào muốn hại các anh.

Các “anh bộ đội” sinh Bắc tử Nam ơi, việc các anh trở về với cát bụi là do súng đạn vô tình, còn Mũ Xanh chúng tôi lúc nào cũng mở rộng vòng tay, điển hình là 6 anh được cứu sống tại tòa biu-đinh bên hông dinh Độc Lập và 5 anh tại rạp hát Đông Nhì Gò Vấp. Th/Úy Quang K22, trung đội trưởng kể chuyện đã nương tay với địch quân:

-Chiếm mục tiêu, lục soát không có gì, Tr/Sĩ Châu Khánh leo lên cái mô-bi-lét dựng đầu hè đạp chơi, hơi xăng và khói bay tùm lum, bất chợt nghe có tiếng ho phía dưới đất, B1 Xuân khui nắp hầm thì bị một tràng AK từ dưới hất ngược Xuân ra sau!

Thông thường thì chỉ một trái M.26 bỏ vào hầm là xong ngay, nhưng lệnh phải bắt sống nên tôi tống luôn một lúc 4 trái lựu đạn khói, 5 tên VC bị ngộp thở chui lên, trông híp-pi vì toàn thân một màu tím, còn B1 Xuân đã nằm im, tắt thở!

     Tại Đồng Ông Cộ gần cầu Băng Ky, 150 người “anh em” buông súng đã được TQLC đón tiếp nồng hậu, ăn uống no nê, hút và xách thoải mái lại còn được ông Chiến Đoàn Trưởng cho đi thăm thành phố Sài Gòn khiến hai ca sĩ văn công Bùi Thiện và Đoàn Chính ngơ ngác vì lần đầu tiên trong đời được chiêm ngữơng những cái “mông có gân” mà XHCN không có. TQLC nói riêng và QĐVNCH nói chung chơi đẹp với các người “anh em” quá phải không?

SÚNG ĐẠN TÌNH YÊU.

Trước Mậu Thân 1968, dân Sài Gòn và nhất là các em gái rất thờ ơ với chiến tranh và lính trận, ấy là chưa kể đến những thành phần no cơm ấm cật, dậm giật tối ngày, rửng mỡ nối giáo cho giặc bày đặt phản chiến, thực chất là trốn lính, trốn việc quân đi ở chùa!

Sau tết Mậu Thân, nhờ khói súng mà tình cảm người dân thân thiện hơn, tử tế hơn với quân, dân chỉ cho lính những chỗ VC ẩn núp và chôn dấu vũ khí mà trước Tết có vẻ như họ “không nghe không thấy”. Trong và sau Mậu Thân, đơn vị nào cũng được đồng bào đón tiếp niềm nở, bánh kẹo dư thừa mà vị ngọt tình yêu cũng không thiếu.

Ở Bưu Điện “một nơi dễ tìm thấy Thiên Đàng” thì anh em ĐĐ1 của tôi họ sống quá đàng hoàng nên được đồng bào quanh vùng và nhất là nhân viên bưu điện cảm phục, tình quân dân thắm thiết thật sự kéo dài cho mãi tới sau này, điển hình là cô Lan, ái nữ của ông Quận Dương Đông (Phú Quốc) là nhân viên BĐ, sau 1975 đã giúp rất nhiều anh em cựu tù nhân TQLC gởi “hồ sơ chui” tới tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Bankok (ThaiLan) để xin LOI, một việc làm hết sức nguy hiểm cho cô vào thời điểm 1982-84.

Trong phạm vi đài phát thanh, anh em ĐĐ1 cũng được đồng bào thương, gia đình ông Tỉnh Trưởng, (Đại Tá Huy BĐQ) cho tôi tạm trú riêng một phòng thay vì tôi giăng võng ngủ dưới gốc cây, gia đình phở 44, gia đình phở Hoàn Kiếm đãi lính ăn sáng vô hạn định, Cô Phụng cũng trở thành dâu của TQLC. Gia đình cô Chín và Jack nuôi cả Tiểu Đội của Trung Sĩ Mạnh, một gia đình Pháp muốn gả con là cô Alice cho Thông. Khi em Alice mang quà lên Tân Uyên thăm Thông thì đúng vào ngày người yêu tử trận!

Một mối tình khác khá đẹp và lãng mạng là cặp Chu và D…

Trước Tết Mậu Thân, mỗi lần đi hành quân về nghỉ tại hậu cứ là Chu rủ tôi đến tiệm cơm tấm của cô D ở góc đường Trần Quang Khải Tân Định. Chu ngồi trồng cây si với ly café đen không đường, nhiều khi tôi chán nó quá bèn bỏ đi lang thang một mình, vài giờ sau trở lại thấy Chu vẫn ngồi lỳ với nhiều gói RuBy Queen trên bàn ra vẻ đăm chiêu qua khói thuốc ngắm cô hàng café.

     Chuyện tình của họ chẳng đi đến đâu cho tới tết… Mậu Thân, một ngày kia, sau khi thanh toán tổ VC ở xóm Chùa, Tân Định xong, Chu cho lính nghỉ ngơi băng bó vết thương bên lề đường, đồng bào khu vực đường Trần Quang Khải mang bánh kẹo ủy lạo, Chu được một gói RuBy từ tay D.., bốn mắt nhìn nhau rồi cảm động tay cầm tay.

     Từ đó cứ mỗi buổi trưa, Chu đều xin phép tôi chạy vào sở của D.. mãi tận cầu Chữ U trong Chợ Lớn để tâm sự trong lúc D.. nghỉ để ăn trưa. Chu nói với tôi:

-Sau chuyến hành quân này về nhất định em xin mẹ em đi coi mắt D.

Khi Chu đóng quân dưới chân cầu Phan Thanh Giản thì D.. đến, vẻ lo lắng:

-Em lo quá, Ba em đi đâu từ hôm qua đến sáng nay không thấy về.

     Xế trưa thì Dũng, em trai của D đến báo cho biết là ba D đã bị tử nạn vì một TQLC chạy xe Honda đụng phải!

     Thân phụ qua đời đột ngột mà người gây ra tai nạn thảm khốc này lại là một TQLC, cùng màu áo rằn ri với Chu, khiến D đau khổ tột cùng, mẹ D cấm cửa và không nhận vòng hoa phúng điếu của Chu! Mọi sự liên lạc giữa hai người bị chấm dứt.

Làm sao biết ai buồn hơn ai? Chu trở lên lầm lỳ, liều mạng hơn và rồi trong một trận đánh sau đó trên chiến trường Cao Miên, Chu bị mất tích.

     Tôi bị trọng thương trước khi Chu bị mất tích và khi tôi đang nằm bệnh viện TQLC Lê Hữu Xanh, Thị Nghè thì D đến thăm tôi và hỏi tin tức về Chu, nhưng khi thấy cô nhắc đến nó rồi khóc nên tôi dấu luôn tin nó bị mất tích và sau đó chẳng bao giờ tôi gặp lại D nữa.

Năm 1985 sau khi đi tù về tôi gặp Dũng, ở trung tâm dịch vụ xuất cảnh Nguyễn Du, cậu ta lo hộ chiếu đi Canada do chị bảo lãnh, tôi không hỏi thêm chi tiết, chỉ nghe đại khái là D chưa lập gia đình. Mới đây tôi vô tình đọc tờ Thời Báo xuất bản ở Toronto có bài viết về “Cuộc Tình Dang Dở” với những tình tiết éo le gần như chuyện tình của Chu, tác giả ký tên là CHUNG!

     Có vẻ lạ đấy, đó cũng là lý do tôi ghi lại những kỷ niệm này với ý tưởng rằng Chu mất tích ở Căm-Bốt nhưng chắc không chết và sau 30/4/1975 có lẽ cậu ta đã lết sang tận Canada, nay nhắc lại chuyện xưa để mong tìm được người yêu cũ nên có lẽ tác giả đã ghép hai tên thành Chung. Nếu đúng thế thì người viết bài này nhắn với các em rằng:

-Hai em đang ở cùng chung một xứ Canada, nếu còn độc thân thì tìm nhau và “Yêu Nhau Đi, Chiều Hôm Tối Rồi!

Chuyện tình yêu và súng đạn Mậu Thân còn dài, xin tạm gác lại để bớt nhàm tai đọc giả, bây giờ nói tiếp những câu chuyện buồn Mậu Thân khác.

NGỪỜI PHÓNG VIÊN CHIẾN TRƯỜNG.

Khi tiến quân trên đường Hậu Giang từ khu Soái Kình Lâm, Chợ Lớn hướng ra Mũi Tàu Phú Lâm, đến ngã tư Phú Định và Hậu Giang thì đụng nặng, địch còn mạnh, tôi phải xin tăng cường xe thiết giáp. Cấp trên đã biệt phái xuống cho tôi một thiết giáp M41. Chỉ một chiếc thôi thì chưa đủ, nhưng có còn hơn không nên tôi cho lệnh trung đội đi đầu chuẩn bị nương theo M41 để vượt qua khoảng trống mà chiếm mấy cao ốc trước mặt để thiết lập đầu cầu. Tiến như thế rất nguy hiểm nhưng phải theo lệnh cấp trên.

Khi xe và quân tùng thiết tiến lên thì tôi bất ngờ trông thấy anh phóng viên chiến trường núp sau pháo tháp và đang đưa máy hình lên chụp, anh phóng viên này đã đi theo tôi mấy ngày rồi,thấy anh ta liều mạng ngồi trên pháo tháp M41 như thế thì thật nguy hiểm, giận quá tôi quát:

      -Anh phóng viên, xuống xe ngay.

Tôi hét thật lớn, nhưng có lẽ vì tiếng máy nổ của M41 khiến anh phóng viên không nghe được, hoặc cũng có thể anh ta nghe nhưng “giả điếc” để cố bám theo toán quân xung phong đầu tiên để chụp hình nóng. Một tay anh bám vào thành xe, một tay đưa máy hình lên bấm liên tục. Mỗi khi xe lắc lư muốn hất tung mọi người xuống đất thì anh phóng viên vội buông máy hình treo tòng teng vào cổ còn 2 tay thì bám chặt vào xe. Nguy hiểm quá, nếu không bị bắn thì anh ta cũng bị rớt xuống, sẽ bị xích xe cuốn theo ngay! Tôi ra lệnh cho Hạ Sĩ 1 Bùi Ngọc Đường:

-Đường, lôi ngay cha phóng viên kia xuống cho tao.

 Không chậm trễ một giây, người hạ sĩ cận vệ của tôi nhẩy lên xe ôm ngang lưng người phóng viên rồi nhẩy khỏi xe thiết giáp, cả hai cùng té lộn nhào xuống đất. Trong lúc hai người còn đang nhăn nhó chưa kịp đứng dậy thì xe thiết giáp rú ga, gầm lên ủi sập bức tường phía trước mặt, lập tức địch bắn đủ mọi loại vũ khí về phía chúng tôi, xe bị trúng đạn B40, tiếng nổ chát chúa hất tung những người ngồi trên xe xuống đất, thiết giáp chồm lên đống gạch rồi khựng lại phun khói, cả khói xe lẫn khói đạn B40 mịt mù khiến tôi không nhìn thấy gì cả.

Sau vài động tác xoa mặt dụi mắt, tôi mới nhận ra được một cảnh tượng hết sức đau lòng, xe bị đứt xích, người trưởng xa M41 ngồi trong pháo tháp thò đầu ra ngoài thì đã biến đâu mất rồi! Cái nón sắt của anh văng ra xa, móp méo và bê bết máu! Thiếu Úy Nguyễn Văn Quang*, đi sau xe thiết giáp thì đang gượng đứng dậy, hai tay xoa khắp người xem có bị thương chỗ nào không, Hạ Sĩ Danh-Thon, người mang máy truyền tin của Th/Úy Quang nằm sấp bất động, ngực đè lên máy truyền tin PRC25, tôi lật người Thon lại, một viên đạn xuyên qua máy truyền tin anh đeo trước ngực, xuyên qua áo giáp, trổ ra sau lưng một lỗ nhỏ, máu chưa kịp thấm ra ngoài. (*Thiếu Úy Quang Khóa 19 Võ Khoa đã tử trận một năm sau đó), cách đó vài mét, anh phóng viên ngồi dựa lưng vào tường, mặt nhăn nhó, chắc là lúc bị Đường kéo té xuống đất đau lắm, nhưng anh ta vẫn còn đủ sức đưa máy lên bấm liên tục. Khi máy nhắm về phía tôi, anh ta lắc-lắc cái đầu tỏ ý “ghê quá” và đưa ngón tay cái lên trời, ý anh muốn nói là may mắn vừa thoát chết. Tôi tiến lại bắt tay anh và nói đùa:

-Về nhà nhớ mua heo cúng, lần sau ráng giữ lấy cái “gáo dừa” nghe không.

Anh nắm chặt tay tôi như muốn nói thêm điều gì nhưng rồi lại vội vàng tiếp tục đưa máy chụp nhiều tấm hình. Đến lúc này tôi mới biết là xe thiết giáp đã bị 2 trái B40 bắn vào xích và pháo tháp. Pháo tháp là một khối sắt dầy, đạn B40 không phá được nhưng sức nổ đã làm bay những gì xung quanh, sức nổ đã làm bay đầu anh trưởng xa thiết giáp, còn phần thân đã bị đứt ra và lọt vào trong lòng xe rồi! Nếu anh phóng viên còn bám theo pháo tháp để chụp hình thì không biết sẽ ra sao?

     Kể từ đó anh phóng viên, tôi và Đường kết thân với nhau như anh em, chụp với nhau vài tấm hình để làm kỷ niệm và anh phóng viên đưa tôi và Đường về nhà trong khu cư xá Phú Lâm để giới thiệu với chị ấy và các con anh. Chị ấy phúc hậu hiền lành còn mấy cô con gái thì xinh xắn nhí nhảnh dễ thương ở độ tuổi lên 10. Thấy bố ngồi nói chuyện với các chú lính, các cô có vẻ tò mò, thập thò bên song cửa nhìn huy hiệu con Trâu Điên trên cánh tay áo trận của Đường rồi cười khúc khích.

     Chúng tôi kết thân với nhau chưa được bao lâu thì VC tấn công đợt 2 vào tháng 5/1968, đại đội tôi phải liên tục tham dự các mặt trận khắp Sài Gòn và ngoại ô nên chưa có dịp gặp lại người anh phóng viên.

     Tháng 9/1968, sau khi Sài Gòn, Chợ Lớn thanh bình trở lại thì TĐ2 đi hành quân vùng quận Khiêm Hanh, Tây Ninh. Ngày 17/9/1968, Tiểu Đoàn Trâu Điên nhẩy trực thăng vào mật khu Bời Lời và đã đụng nặng với một trung đoàn VC, Trung Úy cố vấn Mỹ Joe Bargerstock, bị thương nặng vào vai và bị lạc vào tuyến VC, Đường đựợc tôi giao nhiệm vụ đi cứu Joe và Đường đã cứu được Joe về an toàn. Sau cuộc hành quân đó, Đường được phòng cố vấn Mỹ thưởng huy chương Bronze Star. Trưởng Phòng Chính Huấn Sư Đoàn TQLC tặng cho Đường chiếc xe honda. Đường tỏ ý muốn đi thăm và khoe chiến công với người anh phóng viên. Tuy đang cấm trại nhưng tôi hiểu ý nên cũng cho chú em “nhẩy dù” về thăm ngừơi anh, do đó chúng tôi mới biết anh đã tử trận trong Mậu Thân đợt hai rồi! Đường cắn môi rối nói với tôi:

     -Cứu đựơc cố vấn Mỹ mà không cứu được anh mình! Buồn quá! Tức quá!

Thảm thay, sau khi về thăm anh phóng viên, trong chuyến hành quân sau đó thì tôi bị trọng thương và Đường tử trận. Một trong những tấm hình chụp làm kỷ niệm, có một tấm chụp chung 3 anh em, chưa đầy một năm sau thì hai người đã ra đi vĩnh viễn, môt người bị trọng thương. Dù không tin dị đoan hình chụp 3 người, nhưng mỗi khi nghĩ đến, tôi cũng cảm thấy bất an.

Chỉ trong vòng 10 tháng trời, những người lính TĐ.2//TQLC đụng 3 trận lớn liên tiếp, kể từ trận Kinh Cái Thia, Cai Lậy xảy ra ngày 31/12/1967 rồi 9 tháng trời liên tục trận Mậu Thân 1968 tại Saigon, trận Cầu Khởi-Bời Lời Chiến Khu D 14- 17/9/1968, Quân Kỳ TĐ.2/TQLC đã được tuyên dương 3 lần trước Quân Đội-được 3 nhành Dương Liễu. Do đó tháng 12/1968 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó TT Nguyễn Cao Kỳ, Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng cùng nhiều tướng lãnh cao cấp đã đến tận trại Lê Hằng Minh- hậu cứ TĐ.2 tại Thủ Đức để ân thưởng cho quân nhân các cấp.

Tướng lãnh, báo chí thăm chiến thắng tại chiến trường là chuyện bình thường, nhưng đến thăm tại hậu cứ là một chuyến hiếm có.

Ngày vui ấy xa rồi, biết bao anh linh các Trâu Điên nay vật vờ nơi đâu? Còn những con Trâu Già đang nằm khóc trên giường bệnh, không khóc bởi đau đớn hay sợ hãi mà khóc vì nhớ thương đồng đội! Anh em đâu cả rồi? Sao một mình ta ngồi đây!

Cáp Tô Văn

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search