T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Captovan: TÔI ĐI KHÁM … BÁC SĨ

Tranh Minh Họa (Nguồn: weibovietnam)

 Người Việt mình có một cách nói rất dễ thương, mỗi khi đi khám bệnh thì lại thật thà nói là “tôi đi khám bác sĩ”. Nhưng đôi khi cũng cần phải đi khám bác sĩ đúng với ý nghĩa thực sự của câu nói để xem các “từ mẫu” và đệ tử của quý vị ấy mần ăn ra sao.

Đã từ lâu tôi ước mong có can đảm làm việc này, nhưng “vị thần nên phải nể cây đa”, vì trong người có nhiều bệnh, ngoài da lắm ghẻ tàu nên hổng dám hỏi thăm sức khỏe quý ngài. Nay thấy nhiều hành động đi quá đà và có chiều gia tăng nên “cho tôi xin một lần”, chỉ một lần rồi thôi “Tôi đi khám bác sĩ”, nếu chưa hết thì xin “tái khám” sau.

Cực chẳng đã, tôi phải đến trung tâm y tế CĐNV Santa Ana để “khám bác sĩ”. Nói cho chính xác là xin bác sĩ khám và xác nhận tôi có bệnh cao máu, tiểu đường, loét bao tử, có nhiều cục cysts trong ruột để xin bác sĩ cho phép nạp đơn xin MSI.

Trung tâm y tế cho tôi cái hẹn đúng một tháng sau mới được “khám bác sĩ”, nếu bác sĩ OK thì mới tới giai đoạn làm hẹn để nạp đơn xin MSI, cũng cần cả tháng mới tới phiên. Nếu đầy đủ giấy tờ theo quy định, đơn được gửi đi lên cấp cao, nhanh thì cũng phải đợi cả tháng trời MSI mới tới tay. Có MSI rồi muốn đi khám bệnh lại phải xin hẹn! Đoạn trường ai có qua cầu mới hay

            Giới thượng lưu có bảo hiểm y tế và giới cao niên có mê-đi hoặc mêdi-mêdi chắc không bao giờ biết MSI là cái chi chi và dùng vào việc gì đâu?

 Thưa rằng nó là bửu bối quý giá phòng thân cho giới dở dở ương ương, không giầu mà nghèo cũng chẳng ra nghèo, già chưa qua tuổi 65 để hưởng cái thú trên đời là có thẻ medicare.

MSI có tên Mỹ là “Medical Services for Indigents” mà “indigent” tiếng Việt gọi là nghèo khó, bần cùng! Bần cùng nhưng chưa tới độ khố rách áo ôm nên khó mà gõ được các cửa quan “lương y như từ mẫu” với cái giấy MSI. MSI chỉ hữu dụng khi phải emergency vào bệnh viện, hoặc khám bệnh thông thường ở nhà thương thí, nôm na là trung tâm y tế CĐ.

            Vùng Little Saigon này có ít nhất 3 trung tâm y tế nhận khám bệnh với cái giấy MSI và cũng là nơi giúp cho giới “bần cùng” xin MSI. Nói là bần cùng nhưng cũng đi làm và đóng thuế thấy mẫu đi ấy chứ.

Cám ơn quý bác sĩ trung tâm khám bệnh miễn phí cho giới nghèo-nghèo, vì chính phủ trả $ cho MSI rất thấp nên các “lương y”, các bác “xỉ” tây-y khác không nhận! Nếu không có quý Thầy ở các trung tâm y tế này thì chúng con chỉ còn có nước “thí cô hồn”, thí mạng cùi cho trời đất, tới đâu thì tới. Cám ơn thầy thuốc ở các trung tâm thí thì cũng biết ơn các cô y tá và nhân viên làm việc nơi đây, các cô còn rất trẻ và đẹp. Nếu có thêm nụ cười trên môi, lời nói nhẹ nhàng hơn chút nữa thì càng thêm duyên và bệnh nhân được mau hết bịnh.

Người quan trọng và đáng nể nhất của các trung tâm này là nhân viên lo hồ sơ MSI, họ làm việc miệt mài trong không gian chật hẹp mà khách xin MSI lại đông, xếp hàng ngồi chờ từ trong ra ngoài, nhất là ở trung tâm y tế N.H, vậy mà các anh chị vẫn ôn hòa.

Họ như các ông tòa ngồi phán xét, phán xét, mỗi cái lắc đầu của họ là “người bần cùng” lên ruột muốn té đái, lo âu khiến tim muốn ngừng đập. Một cái gật đầu là con bệnh thở phào nhẹ nhõm, bệnh đã thuyên giảm 50%. Cám ơn ông Tu., chú Cha .., cô . .  

Ước chi các trung tâm này có giải pháp nào rút ngắn thêm thời gian chờ đợi để kẻ nghèo được khám sớm hơn thì quý hóa biết chừng nào, một tháng chờ đợi sao mà lâu thế! Nhìn giới thượng lưu mêdi-mêdi đi khám bệnh mà phát thèm, mà tủi thân! Họ có xe đưa rước nếu cần, họ được nhắc nhở tới ngày giờ đi khám. Bước vào phòng mạch, móc từ trong bóp ra, quăng cái thẻ mêdi-mêdi lên bàn là mọi chuyện xong ngay.

Chúng tôi thật tình cám ơn quý vị y bác sĩ gốc Việt đang hành nghề tại Little Saigon nói riêng, CA nói chung. Nhờ quý vị mà tuổi thọ đồng hương ngày càng tăng cao và “ác-cao” của quý vị cũng tiên tới, đôi bên cùng có lợi. Mùa tạ ơn, người bệnh chúng tôi chúc quý vị thêm giầu sang phú quý. Tuy nhiên cũng nên chỉnh trang lại phòng mạch một tí tỉ tì ti sao cho coi được, có nhiều phòng khám chật hẹp và nhếch nhác quá, thua xa các phòng mạch dành cho chị “Cún” anh “tô-tô” của người bản xứ!  Bước vô phòng mạch nhà ta là muốn bịnh thêm.

Chẳng dám gom cá mè một lứa, nhưng cũng phải nói thực rằng không ít nơi còn cẩu thả từ trong lương tâm ra tới phòng khám! Hội luận y tế, quảng cáo trên radio thì tất cả cho bệnh nhân nhưng thực tế khi đến khám thì từ nhân viên “front-desk” cho tới quý thầy thuốc chằng coi bệnh nhân ra cái củ cải gì cả, cực chẳng đã tôi mới phải đi bài này để “khám bác sĩ”.

Mùa Đông đi khám bịnh đau cổ, cố tìm mãi ở góc Bốc-Hụt và Wester mới nhận ra phòng mạch bác Tê do “OneCare” chỉ định, thấy rồi nhưng cứ ngờ ngợ có đúng là đây chăng? Sao mà nó tối tăm chật hẹp nhếch nhác thế này! Sau khi trình medicare, bà bác (chắc thế) mặc áo bà ba ngoài front-desk bảo tôi đóng thêm phụ trội rồi dẫn vào phòng khám.

Lại tự hỏi có thực là đây không? Có thực là phòng khám bệnh không? Sao trông như một cái kho chứa giấy vụn để “rì-sai-cồ”! Trên bàn của BS là nhiều (chứ không phải một) chồng báo cũ vất lung tung lộn-xà ngầu!

Ông bác “xỉ” Tê.. bảo người bệnh há họng, ông bấm đèn pin soi rồi ông quay tới quay lui, kéo hộc tủ trên, lôi hộc tủ dưới, moi ra được miếng gỗ dèm-dẹp chừng ngón tay út, ông đút nó vào và đè cái lưỡi bệnh nhân xuống! Xong rồi vứt cái que trở về vị trí cũ! Có lẽ “save” để dùng cho bệnh nhân lần sau chăng? Điều đó dúng đến 101%.

Nghĩ vậy mà bệnh nhân rùng mình và cảm thấy ươn ướt dưới chỗ ghế ngồi!

Xin vĩnh biệt bác xỉ Tê, đừng tưởng đó là chuyện đùa, mà bảo đảm có thật 100%. Thấy bác Tê luống tuổi nên người bệnh cho qua mà không gửi thư khiếu nại lên “OneCare”. Chỉ hối hận là sẽ có nhiều nạn nhân truyện bệnh cho nhau từ cái (ba) que của BS này! Nay vì một trường hợp cần đi “khám bác sĩ” khác nên đành miễn cưỡng “tái khám” bác Tê với lời nhắn nên nghỉ hiu đi hoặc ri-mơ-đồ cái phòng mạch.

Mắt mờ, chảy nước hoài, xin bác sĩ gia đình cho đi khám, đến phòng nhãn khoa của ông bs Cường…Dương ra cái thẻ medicare, cô nhân viên làm hồ sơ rồi cho ngồi lên ghế chờ, nhỏ chút thuốc cho con ngươi nở to để cho bs dễ khám.

Bs Cường…dương oai diễn võ bước vào, khám hồ sơ trước rồi rất ân cần lên giọng êm như ru chiều Hè gió nóng Santa Ana:

-“Chỉ có medicare thì bác cần phải trả thêm tiền phụ trội, chỉ có 20% thôi”!.

Nghe như sét đánh ngang tai, nghe như đang ngồi ghế điện! Năn nỉ ỉ ôi thì bác sỉ bảo:

-“Thôi, không trả phụ trội thì đi xuống”! (tức là không khám nữa)

Lệnh bác xỉ ban ra thì phải theo, nhưng khổ nỗi thuốc mà cô y tá nhỏ (mắt) làm con ngươi nở to để ông xỉ khám thì nay nó làm bệnh nhân như mù lòa, nhìn gà hóa cuốc, nhìn bác sĩ lại hóa ra là bác ..xỉ, nhìn lươn y này tưởng ác quỷ! Bệnh nhân lạng quạng muốn xỉu, muốn té! Chào thua ông bác xỉ này, xỉ chứ không phải sĩ.

Còn nhiều nạn nhân đã và đang sẵn sàng tuyên dương công trạng các ông y như ác mẫu này. Nhưng thôi, chẳng đặng đừng mà phải “đi khám” 2 trường hợp cụ thể kể trên, hy vọng không phải đi “tái khám” nhiều lần. Biết rằng học hành vất vả, lấy được cái bằng ông bà đốc là khó lắm, nên tiền bạc thì cứ việc chém nhưng lời nói chẳng mất tiền mua, có học thì phải biết lựa lời cho vừa lòng nhau.

Đành rằng con hơn cha là nhà có phúc, nhưng chỉ mới làm thầy (thuốc) mà đã đòi làm cha thì quá đáng, chỉ đáng là “thầy chạy”.

Những ông THẦY đích thực, từng hy sinh mạng sống để cứu đồng đội, cứu đồng bào trong cơn bão lửa chắc sẽ “ói mửa” khi thấy thiểu số hậu sinh khả ố quên mẫu nó mất lời thề… Có phải thế không thưa các cố Bác Sĩ Đỗ Vinh, Lê Hữu Sanh, Vương Gia Nhơn v.v.. và các thầy lang tây Đàm Quang H, Vương Bình Dz, Bùi Vĩnh Thạnh, Tô Văn Th, Nguyễn Văn Dõng, Nguyễn Văn Th.., Phạm Vũ B.., Phạm Gia C…

Hết Y thì tới Dược, không được “nhất bên trọng nhất bên khinh”, đi khám bác sĩ mà không ghé thăm pharmacies thì không công bằng, bề nào cũng thuộc họ nhà Y cả.

Elizabeth bị bệnh đàn bà (?), bác sĩ kê toa cho thuốc nhét vào chỗ kín, tới pharmacy XX mua thuốc. Cầm thuốc về đến nhà mở ra để xử dụng thì ô hô ai tai! Sao lạ thế này, bác sĩ có dặn rõ ràng là “nhét” mà sao lời dặn trên giấy bên ngoài lọ thuốc lại bảo là “ngậm”!

Ngậm với nhét theo nghĩa tiếng Việt có khác nhau không nhỉ? Đôi khi cũng có nghe câu “nhét vào miệng”, thí dụ như ông không chịu đi làm mà chỉ đi nhậu thì lấy cái gì “nhét vào miệng”! Để chắc ăn, bảo đảm an toàn tính mạng, Elizabeth gọi điện thoại đến pharmacy yêu cầu người bán coi lại toa thuốc dùm. Sau 10 phút nhận được câu trả lời từ người bán thuốc:

“Sorry, sorry! Không phải ngậm trên (miệng) mà đúng là nhét ở dưới”!

Khổ thế đấy! Có thể những khi nóng nẩy, bực cả cái mình, bà mắng chồng “miệng ông cũng giống cái của tôi, miệng nào chả là miệng” nên bà có thể nhét (?) hay ngậm (?) tùy ý. Nhưng đây là thuốc trị bệnh, thuốc trị bệnh theo toa của bác sĩ, thuốc thì phải sử dụng đúng theo lời của bác sĩ “rặn”, người bán thuốc hay dược sĩ đâu có thể lầm lộn chết người như thế được! Lộn-lầm theo như chuyện tiếu lâm cô A đi chữa răng, khám mắt thì ông Nha ông Nhãn lại bảo tụt quần!

Nhét với ngậm thì cũng chỉ là đưa vật gì vào cơ thể mà thôi, dù cho sự nhầm lẫn của dược sĩ bắt ngậm thuốc trĩ và bảo nhét kẹo vào hậu môn thì cũng chẳng chết thằng “cẩu thả” nào! Nhưng không thể nhầm lẫn bán thuốc quá liều lượng được, bệnh nhân uống vào rồi “hui nhị tì” thì tính sao đây? Có khi nào xẩy ra chăng? Có chứ, chẳng phải hiếm hoi đâu, xin mời nghe câu chuyện có thực vừa xẩy ra sau đây:

Chàng Trương Chi chẳng hiểu tứ đổ tường ra sao mà bà nhà của hắn bị nhiễm trùng đường tiểu, bác sĩ cho toa bảo uống ngày 1 viên levanquin và uống trong 3 ngày. Ổng BS còn dặn thêm “thuốc levanquin này giá hơn 10$/1 viên mà MSI không chi, bệnh nhân phải trả cash”.

Đi mua thuốc, tiền trao thì cháo múc, nhân viên pharmacy tính tiền tổng cộng là hơn 90$ rồi mới đưa thuốc. Nhưng kẹt quá không mang đủ tiền và vợ chàng Trương chợt nhớ tới lời bác sĩ dặn nên chỉ đem đủ tiền cho 3 viên bèn nhờ dược sĩ coi lại toa thuốc thì mới biết có sự nhầm lẫn và bệnh nhân được đền bù bằng câu: “Sorry, để tôi coi lại”! Và đúng là dược sĩ “lộn lầm”!

Tai hại thay! BS dặn uống mỗi ngày 1 viên và uống trong 3 ngày mà thôi thì ông DS lại bắt bà Chi uống tới 3 viên một ngày nên mới tính tiền 9 viên! Hai viên của ông DS dư ra nào phải “cho không biếu không” đâu! Chuyện khó tin nhưng có thật, nhân chứng còn đây.

Cả hai trường hợp bất cẩn về thuốc men trên đây rất dễ gây nên chuyện đáng tiếc, bệnh nhân có thể “su” để kiếm ít xu-teng. Nhưng bản tính người Việt vốn hiền, dễ dàng xí xóa bỏ qua, chúng con chỉ “van xin” quý ngài dược sĩ lưu ý nhân viên bán thuốc đọc kỹ toa, và dược sĩ cũng nên nhìn ngang liếc dọc, đọc toa “qualoarement” trước khi trao thuốc cho bệnh nhân.

Đa số các cụ nhà ta tin tưởng tuyệt đối vào nhà bán thuốc, lời dặn ghi trên chai trên lọ nói sao thì làm vậy, toa bác sĩ thì pharmacy giữ lại rồi! Vả lại có đọc thì cũng bố ai mà hiểu nổi, bác sĩ viết toàn là tiếng tây tiếng u, Iran, Iraq, chữ viết lại cứ như rồng múa phượng bay đến nỗi người có học còn lộn huống chi i-tờ như chúng tôi đây!

Chúng tôi đưa ra một vài thí dụ cụ thể có thật trên đây, xin đề nghị quý vị bệnh nhân mỗi khi bác sĩ cho toa thì phải hỏi ngay ông ấy về liều lượng và cách dùng. Khi đi mua thuốc theo toa thì cũng đừng ngại ngùng gì cả, cứ hỏi lại người bán thuốc cách dùng cho chắc ăn, đọc lại và xác định với người bán những gì ghi trên giấy dán ngoài chai thuốc.

 Dược sĩ và nhân viên các pharmacies cũng nên thể hiện trách nhiệm của mình, có bổn phận phải ôn tồn trả lời những câu hỏi về cách dùng thuốc của bệnh nhân, dù cho những chi tiết đó đã được ghi trên giấy. Cẩn thận vẫn hơn, 99 lần trúng mà chỉ một lần lộn là mang tai tiếng, thuốc “nhét” dưới mà lại bảo “ngậm” trên miệng thì ghê quá!

Lương y như từ mẫu, thầy thuốc, thầy dược nhất định không thể là “thầy chạy”. Hẹn lần sau tái khám bác sĩ, nếu bệnh (tật) của ác mẫu không thuyên giảm./.

            Cvanto (Captovan)

Bài Mới Nhất
Search