T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Chung Tử Bửu: Từ Đèo Ban đến Thung Gianh (Tù Khúc)

Chung Tử Bửu: Từ Đèo Ban đến Thung Gianh

Tranh: Trần Thanh Châu

GIỚI THIỆU:

Tháng 6/2012, Chuyên mục Tù Khúc đã giới thiệu bản tù khúc này* với tên tác giả là KHUYẾT DANH do không có được những chi tiết nào khả tín liên quan đến tác giả bài tù khúc. Nay, chúng tôi đã có cơ hội liên lạc với chính tác giả là Chung Tử Bửu, – một cựu sĩ quan không quân đã từng bị bắt làm tù binh từ trận Hạ Lào 1971 – nay anh là một mục sư của Hội Thánh Khởi Đầu Mới ở thành phố Houston, Texas. Từ mục sư Chung Tử Bửu, chúng tôi cũng nhận được một số bài tù khúc khác mà CTB đã viết và phổ biến trong thời gian ở trong tù. Chuyên mục Tù Khúc sẽ lại tiếp tục công việc giới thiệu và lưu trữ những tác phẩm tù khúc, chứng nhân của một thời rất nhiễu nhương và cũng là một trong những di sản quý nhất của các cựu quân nhân, viên chức Việt Nam Cộng Hòa.

(Chuyên mục Tù Khúc – Nhóm Thực Hiện)

*Lúc ấy, do những sai lạc khi bài nhạc chỉ là truyền miệng, nên địa danh THUNG GIANH nghe thành THÔNG GIANH. Xin được sửa lại cho đúng.

Từ Đèo Ban đến Thung Gianh

Ở trại 1, Liên trại 2, đoàn 776 thuộc hệ thống trại tù của VC giam giữ các sĩ quan QLVNCH thất trận 1975, có một xưởng mộc và một đội thợ xẻ gỗ.

Khoảng gần cuối năm 1976, ở trại 1 có một vị trung tá tù cải tạo tên là Hùng, cũng khá lớn tuổi người Bắc, qua đời vì bệnh, sau khi nhạc sĩ Thục Vũ, tức Trung Tá Vũ Văn Sâm qua đời.

Tôi bị chỉ định cùng đi với vài anh em khác đem xác Anh Hùng để trong một quan tài gỗ tạp, ra nghĩa địa của trại tù ở đỉnh Đèo Ban, cách trại chừng 2 cây số đường chim bay, để chôn ở đó.

Đất chỗ ấy rất cứng và khó đào. Vài anh Trung Tá khác đã ra trước để đào huyệt. Họ không đủ sức để đào sâu; cái huyệt chỉ chừng 1 thước chiều sâu hay cạn hơn một chút.

Trong lúc tôi và các anh khác lấp đất, tôi thấy Trung Tá Đỗ Văn Mã lượm một cục đá bùn có dạng hình chữ nhật rồi dùng mũi dao tông (dao phay) khắc tên Hùng làm mộ bia đặt lên đầu mộ.

Trong lòng tôi đã buồn lại càng buồn hơn; vì không có gì bảo đảm viên đá đó sẽ được ở yên chỗ làm mộ bia của nó; hơn nữa, đá bùn dễ bị mưa gió bào mòn. Rồi đây, thời gian sẽ trôi qua, về sau ai biết mộ nào là của anh Hùng? Mặc dù vào thời điểm đó mộ của anh Hùng là ngôi mộ thứ ba của nghĩa trang vô danh nầy. Hình ảnh ảm đạm và buồn bã của nghĩa trang hằn sâu trong lòng tôi.

Cuối năm 1978, tất cả tù của Liên trại 2 phải dời hết về miền xuôi. Chúng tôi được đưa về trại Ba Sao, Nam Hà. Nhìn các sĩ quan trẻ tuổi từ trại Phong Quang ở Lào Cai chuyển về mà rợn người cho tương lai da bọc xương của mình. Nếu họ vẫn còn ở PhongQuang, chắc chắn sẽ chết hết.

Trại Nam Hà cũng có một nghĩa địa chôn tù bị chết. Nghĩa địa nầy nằm ở một cánh đồng hơi trũng giữa các dãy núi đá vôi gần Chùa Hương Tích, được dân địa phương gọi là Thung Gianh, tức là thung lũng cỏ tranh. Rồi những người tù bị chết bệnh hay ăn trúng độc đều ra nằm ở đó.

Tôi suy nghĩ nhiều về Đèo Ban và Thung Gianh, về những nấm mộ quạnh hiu của anh em mình. Họ nằm đó, không người thân, không vòng hoa tiếc thương, cũng chẳng có gì khác ngoài cỏ mọc xanh. Ca khúc “Từ Đèo Ban đến Thung Gianh” ra đời vì lòng tôi thương những anh em xấu số.

Đây là bài tôi sáng tác nhanh nhất, chỉ vài tiếng ban đêm là xong cả nhạc lẫn lời. Bởi vì các cảm xúc thương cảm đã tích tụ lâu ngày trong tâm hồn của một người tù biết hát.

Chung Tử Bửu

Từ Đèo Ban đến Thung Gianh – Nhạc và Lời: Chung Tử Bửu – Trình bày: Chung Tử Bửu

(Việt Long viết và đọc giới thiệu)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search