T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đặng Hiếu Sinh: NGƯỜI TÙ BINH THÂN THIẾT

Nhà văn Hoài Ziang Duy (1972)

Gửi Hoài Ziang Duy và Nguyễn Đức Tân

Chiều thứ Sáu, đang ngồi sắp chương trình cho buổi dạ tiệc gây quỹ sắp tới thì nhận được một cuộc gọi từ số lạ. Tôi ngó lơ, vì đầu óc đang lu bu với những hàng tên, con số. Nhưng rồi chợt nghĩ “Biết đâu là một mạnh thường quân nào có lòng hảo tâm muốn ủng hộ”. Tôi bấm nút và một giọng nói quen quen vang lên:

-Anh Tài ở DC đây. Mới thấy chú nói chuyện trên đài SBTN và có số phone, anh mừng quá nên gọi liền.

 Sau vài câu thăm hỏi, anh báo tin người em trai là Hoài Ziang Duy đang bệnh nặng.

-Chú gọi thăm và khuyên nó đừng đi. Bị té hoài mà anh nói không được.

Biết tôi là bạn tù thân thiết của Duy, nên anh Tài nhờ tôi nhắc nhở. Nỗi buồn ập đến trong một thoáng bàng hoàng. Tuổi già lặng lẽ đến, rồi lần lượt sẽ là những cuộc chia ly biền biệt. Tôi thẫn thờ rất lâu trong khoảng không thinh lặng, hồi ức chợt ùa về.

Nhớ thời tuổi trẻ đã xa khuất, mù khơi, Hoài Gziang Duy và tôi bước vào cuộc chiến:

Nửa đêm kẻng giục, quân ra trận
Kinh động cả lòng đêm tối bưng
Nhận lấy ba ngày cơm gạo sấy

Không buồn chỉ một chút bâng khuâng (*)

Tôi gặp Hoài Ziang Duy tại trại tù Vườn Đào. Chúng tôi bị nhốt chung trong đội Ba, là đội dành riêng cho những người lính được xếp vào loại “ác ôn, nguy hiểm”, gồm các sĩ quan ngành chính trị, tình báo và an ninh quân đội. Nhóm tù nầy bị kiểm soát kỹ, không cho ra ngoài lao động vì sợ trốn thoát. Thế là chúng tôi được “Ở Không”. Ở không… để đếm thời gian dài thăm thẳm. Để ngậm ngùi nhớ lại những tháng năm cũ, với giày sô, áo trận, với bạn bè đậm đà tình đồng đội. Để cuồn cuộn trong tâm trí câu hỏi không có lời giải đáp “Cuộc đời mình rồi sẽ ra sao?”. Để nung nấu trong lòng những toan tính vượt trại, để tìm lại sự tự do đã bị tước đoạt một cách tức tưởi.

Thế rồi, tôi trốn thoát khỏi trại Vườn Đào vào đầu năm 1979, trước khi bạn bè còn lại bị chuyển đến trại Xuyên Mộc, trong đó có Hoài Ziang Duy. Sau hai mươi bảy năm mới có duyên gặp lại anh ở DC. Không thể tả hết nỗi vui mừng của hai người bạn cùng mang số phận bất hạnh trong một đoạn đời lao đao theo vận nước tang thương, tưởng không còn cơ hội tương phùng. Qua cuộc trò chuyện, tôi được biết Hoài Ziang Duy vẫn tiếp tục sáng tác và cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị như Ông Tướng Sang Sông, Lối Đi Dưới Lá Đời Thà Như Mưa, Bốn Ngàn Năm Chen Lấn v.v… Những tác phẩm gói ghém tâm tư khắc khoải của người chiến sĩ VNCH ngày đêm xông pha trong khói lửa chiến chinh với ý chí kiêu hùng, giờ đây chỉ còn lại những tiếng thở dài chua xót khi nhìn lại quãng đời mình đã đi qua trong niềm cay đắng.

 Nhớ lại những ngày anh em nhớn nháo trong trại tù Vườn Đào, tuổi đời chưa đến ba mươi. Tất cả đều có chung một quá khứ để nuối tiếc, bùi ngùi. Có chung một tâm trạng, một nỗi buồn mất nước và cuối cùng là cùng chung một phận số nghiệt ngã, hẩm hiu.

Năm 1977, cơn đại lụt chưa từng có trong lịch sử. Giữa biển nước Đồng Tháp Mười mênh mông, nằm trên bè cỏ cao tận nóc nhà, chúng tôi vẫn sống sót, dù phải ngoi ngóp chống chọi với cái đói khi bị quản trại cắt phần bobo để cứu đói cho dân (thật hay giả chỉ có bọn chúng biết!). Sau khi nước rút, ổn định lại chỗ nằm, chúng tôi biết rằng mạng sống của những người tù như con kiến trong tay đám vệ binh, chỉ cần bóp nhẹ là kết thúc một mạng người như trò chơi, mà chúng lại được tuyên dương như vừa lập được chiến công vĩ đại. Đại tá Nguyễn Đức Xích, Đại úy Quách Dược Thanh, còn nhiều người nữa đã bị giết chết một cách tàn nhẫn và dễ dàng như cái phủi tay.

Lúc ấy, Hoài Ziang Duy, Nguyễn Đức Tân (hiện đang cư ngụ tại Fort Worth, Texas) và tôi đã lén lút làm thơ, phổ nhạc, để trải lòng với những thao thức của người lính trẻ bị ép buộc buông súng trong niềm uất nghẹn, những ưu tư về quê hương, đất nước đang tan tác trong tay giặc, những nỗi nhớ khôn nguôi về người tình yêu dấu, không biết có còn ngày gặp lại. Chúng tôi viết và cất giấu trong kẽ vách lá với mong ước sẽ có cơ hội gửi ra ngoài, để một mai nếu không bao giờ được trở về thì vẫn còn để lại một vài dấu ấn của đời chiến sĩ bị lưu đày.

Mỗi lần nhớ về Hoài Ziang Duy -người bạn tù văn, thi sĩ tài hoa -tôi lại nhớ đến một bài thơ của anh mà tôi yêu thích nhất. Bài thơ đã được Thy Phương (Nguyễn Đức Tân) phổ nhạc. Chúng tôi rủ nhau ra góc vắng để hát và góp ý sửa chữa từng chữ, từng câu cho phù hợp với nốt nhạc mà vẫn chuyên chở được nỗi xót xa, uất hận của những người trai trẻ phải mang thân tù đày bởi vận nước điêu linh.

 Ngồi lại gần nhau (**)

Tôi là người tù binh trẻ tuổi
Của cuộc tình nội chiến mấy mươi năm
Hai mươi năm ru tình khúc da vàng
Tôi có gì đâu ngoài một đời lính thú

Buổi nay đây sau chiến trường yên ngủ
Ngựa đã buồn, tiếng hí dội không xa
Ủ trong một trận mưa già
Trăng hoa thế sự rồi xa muộn màng
Thôi nay xong phận lỡ làng
Giấc chiêm bao cũng ngỡ ngàng ngây ngô
Tráng sĩ hề! đã buông gươm xếp giáp
Núi rừng ơi! nghe run gió mưa buồn
Ngẩng lên trời một đời kiếp cô đơn
Cười với ta một giòng lệ nóng

Tôi có người yêu bé bỏng
Mối duyên đầu dan díu chuyện yêu đương
Buổi đi tóc quyện tình trường
Tình chàng ý thiếp còn vương bên lòng
Nay đã hết một đời cơn gió lộng
Giã từ thôi vũ khí ngủ bên đường
Ngày trở về chắc lạnh áo hơi sương
Nghe xa lạ một đời ta đã mỏi

Nầy người bạn tôi ơi
Tôi với anh cùng chung dòng nước lũ
Đôi mắt buồn sao gợi nhớ xa xăm
Nhớ lắm không mời anh hút ấm lòng
Trông khói thuốc lãng quên đời còn lại
Nầy anh nhé! tưởng như tình khờ dại
Ôi tháng ngày hiu hắt buổi qua đi
Nói chi thôi những sâu kín đôi lời
Cùng hơi thở
Người tù binh thân thiết.

Trong tập truyện “Còn Không Lối Quay Về” xuất bản năm 2017, Hoài Ziang Duy đã viết những dòng đầy cảm xúc khi nhớ đến Tân, người bạn đã trốn thoát khỏi trại tù Xuyên Mộc “Đêm nay, tôi có niềm vui thức dậy. Không ai nghĩ người bạn tưởng đã mất đi ở một chốn rừng sâu vượt trại. Bây giờ mới có tin. Là thật, là còn sống….Thời gian và không gian ngày cũ, những ngày lén lút làm những bài thơ, bài nhạc, và hát trong sinh hoạt trại tù. Tôi đã mang theo tập nhạc phổ thơ ở chuyến đi đầu tiên qua cửa xét hỏi. Tôi trân quý những dòng tâm huyết của người không còn trên cõi đời nầy, như tôi thường nói với bạn hữu. Vậy mà bây giờ, sau hai mươi lăm năm, chúng tôi mới có tin nhau.”

Chúng tôi, sau cuộc đổi đời oan nghiệt đã phải nuốt uất hận vào lòng để cố gắng vượt qua biết bao gian truân, tủi nhục. Và giờ đây, khi cuộc sống tạm ổn định trên quê hương thứ hai, rồi sẽ phải chuẩn bị cho một chuyến đi khác cũng đầy khắc khoải:

Thì đi, lầm lũi đi vô định
Ở cuối trời kia, vẫn cuộc chơi (*)

                                                   *****

Hoài Ziang Duy thân mến,

Tôi tin rằng khi đọc được những dòng chữ nầy anh sẽ vui, vì biết rằng quanh anh vẫn còn nhiều bạn hữu. Bạn chinh chiến Trung đoàn 15, Sư đoàn 9. Bạn tù đày chia nhau từng hơi thuốc. Bạn văn chương vẫn còn đâu đó với những dòng văn, ý thơ trang trải nỗi lòng trên các văn đàn. Với sự kiên cường của một chiến binh ngoài trận địa, với khí phách của người tù binh trẻ tuổi, cùng bè bạn lặng câm ôm mộng lớn, với nghĩa khí của người cầm bút đã sống tử tế với cái nghiệp của mình. Như anh đã viết: “Tôi đã sống trọn vẹn với vai trò cầm bút chính mình. Nó là sự đeo đẳng mà mấy chục năm qua, từ thuở ấu thời cho đến bây giờ vẫn không ngừng nghỉ. Tôi không nghĩ là nỗi đam mê, bởi đam mê chỉ có giai đoạn thời khắc qua tuổi tác thời gian. Còn ở đây, nó đi liền với đời sống, ăn ngủ, cùng chung một nhịp đập ở sự sống con người… Có điều an ủi là bạn bè trong giới văn nghệ, không gặp vẫn thấy vui, vẫn thấy một tình thân thiết tìm nhau. Nó không có biên giới đất đai lãnh thổ, tuổi tác.”

            Tôi tin rằng với ý chí mạnh mẽ đã được hun đúc trong anh từ bao thăng trầm dâu bể, anh sẽ không bỏ cuộc chơi nầy. Và còn một điều quan trọng nhất trong cuộc đời, đó là cô giáo dịu hiền bên anh từ thời áo trận, mà ý tình đã được anh gửi gấm qua những lời thơ buồn thê thiết

Năm xưa anh cầm lấy tay em
Năm ngón tay nồng nàn nỗi nhớ
Tình yêu trong chiến cuộc trao nhau
Khác gì thân gác trọ
Ở một thuở vào nơi gió cát 
Có giữ được bao lâu 
….

Năm nầy anh cầm lấy tay em
Năm ngón tay đau khi tiết trời trở lạnh
Bàn tay xưa một thời chở che
Đã già theo 
Nhọc nhằn tủi nhục (***)


         Những dòng tâm sự của anh như lời tạ tình chân thật nhất mà tôi tin rằng người vợ nào cũng sẽ mỉm cười trong dòng lệ chứa chan niềm hạnh phúc  
“Tuổi học trò, em chưa biết đắn đo chọn lựa. Khi lấy nhau, em chưa biết sợ làm góa phụ ngây thơ… Nếu ở thời chiến, tôi không có thời gian gần gũi trong tình nghĩa vợ chồng. Lúc mất hết, mất luôn cả danh vọng, sự nghiệp. Và mất luôn cả miền Nam. Thì giờ đây, bên em là tôi. Tôi bên em. Em giữ gìn như gìn giữ một tình yêu chung thủy ban đầu”.

           Hoài Ziang Duy ơi, anh không mất gì hết. Vẫn còn đó người tình muôn thuở     đang cận kề bên anh. Hãy nắm tay, dìu nhau đi hết đoạn đường đời không còn dài lắm ở phía trước.

Yêu đã bao chiều vẫn thấy yêu

Ngàn năm mưa vẫn nói trăm điều

Bâng khuâng nghe chút tình chăn chiếu

Ai lấp ban đầu nỗi tịch liêu”. (****)

Đặng Hiếu Sinh

Ngày  29 tháng 5 năm 2022

            ———

            (*) Trích “Trước Giờ Tiếp Viện” thơ Trần Hoài Thư

            (**) “Ngồi Lại Gần Nhau” thơ của HZDuy, khi phổ nhạc đổi tựa thành “Tình Yên Ngủ”

            (***) Trích “Bàn Tay Có Điều Chưa Nói Hết” thơ HZD

            (****) Trích “Mưa Bay Trong Đời” thơ Hoài Ziang Duy

Chú Thích: Nhà văn Hoài Ziang Duy đã qua đời ngày 1 tháng 6 năm 2022 ở Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ sau một thời gian lâm bạo bệnh.

Vợ chồng Hoài Ziang Duy (1972)
Vợ chồng Hoài Ziang Duy (bên trái) và
vợ chồng Đặng Hiếu Sinh – Ngân Bình (2015)

©T.Vấn 2022

PHƯƠNG THẢO HUYỀN: HOÀI ZIANG DUY, NGƯỜI TÌNH THƠ VĂN

(Nguồn: http://www.phamcaohoang.com)

Tôi biết Anh từ lâu lắm. Ở cái thuở còn bé, chưa biết mộng mơ, chưa biết văn chương nghệ thuật là gì. Chỉ biết có sách, có chữ là đọc, là xem. Cho qua thời gian trong lúc trông coi cửa tiệm. Tôi đọc ngấu nghiến những chuyện Tàu, từ Tam Quốc Chí đến Chung Vô Diệm… Tôi xem sách hình Tàu một cách thông thạo… Rồi quay sang các tờ nhật báo, tuần báo… Đọc không sót chữ nào, từ trang tin tức bên ngoài, tới tin rao vặt cũng không chừa… Tôi dần đi vào thế giới văn thơ.

Tôi đọc bài văn, tôi thưởng thức bài thơ bằng thái độ an nhiên, không rộn ràng như khi vừa giải xong một bài toán khó, hoặc cố tìm hay nghiên cứu một cách giải ngắn gọn hơn, khoa học hơn. Vậy mà, thơ Anh, chuyện Anh đã làm tôi bồi hồi. Lúc đó tôi không sao giải thích được. Chỉ biết ở đấy có một tâm tình đồng cảm, một chất sống ray rứt, một nội tâm phong phú, đang muốn bứt xé, tuôn tràn…Tôi biết Hoài Ziang Duy dù chưa một lần biết mặt Anh.

Tôi đã gặp Anh, trong buổi tiệc văn nghệ, báo chí của trường. Tôi có chút không vui. Hoài Ziang Duy trong tôi không là Anh, người con trai trước mặt. Khuôn mặt thật sáng với nụ cười tự tin, trang phục tươm tất, chiếc đồng tiền trên má tạo nét trẻ thơ, mà tôi không thấy trong văn thơ Anh. Ở đó có trái tim uất nghẹn sao? Ở đó có sự cô đơn, cần người chia sẻ sao? Tôi thật sự không cảm nhận được những điều ấy trên nhân dáng Anh lúc bấy giờ.

Và rồi chúng tôi quen nhau qua những cánh thư văn nghệ. Bàn chuyện văn chương, trao đổi sách báo mới xuất bản, tôi tập tành làm thơ tình dưới sự khuyến khích của Anh. Tình cảm thật trong sáng giữa chúng tôi. Sau đó, tôi biết về Anh nhiều hơn, hoàn cảnh gia đình và cuộc sống hiện tại, đã kéo chúng tôi lại gần nhau.

Hoài Ziang Duy – Phương Thảo Huyền (Đỗ Bình)

thời mới yêu nhau (1968)

Mẹ mất khi Anh vừa lên sáu. Ba đi dạy, ở vậy với đàn con. Người chị duy nhất theo nghiệp cha và nuôi lớn hai đứa em nhỏ, chưa nghĩ đến phận mình. Mấy anh trai lần lượt vào đời với cuộc sống riêng. Anh lớn lên trong sự bảo bọc của ba, của chị mình. Anh trưởng thành, cũng là lúc người chị vu quy, mức lương hưu của ba không thể nuôi Anh vào đại học. Anh đã dùng tiền nhuận bút, để tự sắm cho mình bộ đồng phục đi học (chỉ có một bộ, nên phải giặt ủi kịp thời, để không bị phạt) Anh luôn trang bị cho mình một phong thái đủ đầy, từ tinh thần đến vật chất, để lấp đầy tự ái cá nhân, để ba không buồn, để chị được vui. Nhưng bên trong Anh, là nỗi khát khao có được sự bình yên, vượt thoát cõi tối tăm, cô đơn buồn nản. Và Anh đã đưa hết vào văn thơ.

Trong tâm thức Anh, ba là người cha tuyệt vời. Hình ảnh người cha bàng bạc trong chuyện. Từ “Bên Trường Giác Đấu” với cảnh người cha đi nuôi con bị thương mất cả hai chân:”Con hãy sống cùng ba. Đời ba bây giờ chỉ có mình con, ba sẽ đẩy con đi chơi. Buổi chiều, buổi sáng con vẫn thấy mặt trời, vẫn thấy cuộc đời mà…” Đến “Ông Tướng Sang Sông” với việc bốc mộ cho cha (trang 74-76) Hoặc trong “Đâu Cõi Đi Về” Hay qua “Đám Tang Chữ Nghĩa”

Hình ảnh người đàn bà trong văn thơ Anh thật nhiều. Đậm nét nhất là sự dịu hiền của người Mẹ. Anh mất Mẹ khi còn rất nhỏ, nhưng Anh vẫn nhớ hoài sự yêu thương của Mẹ dành cho mình. Anh không nhớ mặt Mẹ từng đường nét, nhưng bút mực Anh đã vẽ lên từng khuôn mặt Mẹ dịu dàng. Qua hầu hết những chuyện Anh đều có Mẹ, có Dì, có Chị. Như trong Cánh Lá Ưu phiền, Chị, Nghe Những Tự Tình…

Lời thơ Anh mượt mà, câu văn Anh trau chuốt. Anh dùng chữ rất bén và ý nghĩa.

Anh làm ai kia thao thức bởi:

Buổi nay em không đến làm anh cô đơn

Mây bay đi có những lúc buồn

Nói khẽ, bây giờ nhớ bé quá

Phải làm sao cho con mắt nhẹ cười…

(Chuyện kể – Lá tình thư)

Anh cũng đã làm rơi bao nhiêu nước mắt của nhiều người, khi nghe con trẻ đọc bài:

Buồn trông con nhện giăng tơ

Mà thương người cũ đợi chờ bao năm

Là sâu kín nỗi âm thầm

Bước hành lang gõ giọng trầm chân khua…

(Ca Dao)

Và cũng khúc khích cười vì Anh:

Cười em, em như thỏ

Dũi trốn nhìn bóng nhau

Chờ trăng tình mới tỏ

Cũng xế lòng anh đau…

(Chào em con chim nhỏ)

Hay ganh tỵ với “Tình nhân xưa”

Ta sống xứ người câu thăm hỏi

Châu Đốc có còn thơ ấu xưa

Có đem theo gió Cầu Quan gọi

Tĩnh lặng Bồ Đề cội giấc trưa

(Bài Tình Nhân Xưa)

Để rồi vẫn là nỗi nhớ:

Sáng thức dậy

Đứng lên từ quá khứ

Chỗ em nằm là chỗ trống đời ta

Chiều hôm qua nắng tìm chim bỏ xứ

Trong mắt em

Giọt nước đọng bên nhà

(Thương Lấy Đời Nhau)

Anh khó tánh và nguyên tắc, nhất là trong văn chương chữ nghĩa. Anh không thích câu “viết chơi” “làm chơi” mà Anh luôn khẳng định việc mình làm, mình viết là “thiệt” là đúng. Nếu không biết nhiều, người ta sẽ cho Anh là tự cao, tự phụ, nhưng nếu biết đoạn đường làm việc của Anh, từng bài thơ, từng đoản văn Anh dệt thành, thì cảm giác trên không còn nữa.

Anh yêu việc viết lách hơn mọi thứ trên đời. Ngày còn đi học, Anh có khiếu về Y Dược, chỉ cần nhìn qua viên thuốc, đọc các dược liệu… là Anh nhớ mãi. Nhưng Anh biết hoàn cảnh gia đình, nên chỉ ghi danh học Luật. Rồi tổng động viên. Khi ra trường Thủ Đức, vào chiến trường hiểm nguy, Anh vẫn viết. Khi đi tù cải tạo, Anh vẫn làm những bài thơ, tâm hồn Anh vẫn hoài rung động trước mọi thứ, kể cả khi thân xác đã hao mòn. Anh đã sử dụng châm cứu trong ngục tù, để cứu giúp bạn bè chung cùng cảnh ngộ. Khi về, Anh tiếp tục…Cứ ngỡ Anh sẽ quên đi việc viết lách, nào ngờ khi sang được Mỹ, Bob Johnson (người được Anh châm cứu trị hết bệnh tuyến tiền liệt) đã tìm cách bảo trợ Anh đi học lại, nhưng Anh từ chối. Và trở lại làm nghề mình yêu thích: Viết văn, làm thơ.

Viết Văn, đối với Anh không khó, bởi trong môi trường sống, Anh luôn tích tụ trong đầu, những hình ảnh đặc trưng để làm tư liệu khi cần. Anh có thói quen đặt tựa bài trước (tựa bài Anh luôn là niềm hãnh diện trong tôi, vì lạ và rất hay) Anh ngồi trước máy, gõ nhẹ, xuyên suốt, thời gian không kịp trôi theo từng con chữ, không gian như ngưng đọng theo Anh…Anh ít nói, ít bạn bè, nên mọi thứ Anh dành hết cho các nhân vật của mình. Anh vào vai chính, thủ luôn vai phụ. Lời nói, biểu cảm khi dịu dàng lúc cộc lốc, có cả câu chửi thề, nói tục. Anh phân hoá từng vai một, rất xuất thần, cho mỗi vai một nhiệm vụ để cưu mang, bộc bạch những gì Anh mong ước. Viết xong, in ra và đọc lại. Bôi đi xoá lại cho hoàn chỉnh theo ý mình. Và tôi vẫn là người xem đầu tiên. Anh lắng nghe lời tôi góp ý, ban đầu còn nhân nhượng, càng về sau càng quyết liệt, bảo vệ ý mình và cuối cùng vui vẻ với nhau bên đứa con tinh thần mới.

Ngược lại, khi làm thơ Anh rất thoải mái, chỉ thoáng chút là xong. Ở thơ, Anh không cần sống cho ai, cho lý tưởng gì. Chỉ cho Anh, một mình Anh thôi. Trong Anh, thơ nhạc vốn là một, thơ tuôn ra với âm sắc lên xuống tự nhiên, hoà quyện cùng nhau, một cách thuần thục. Nhưng chưa đủ, thời gian kế mới là đáng nể, Anh trau chuốt lại từng ngôn từ, so sánh lại từng giai điệu…Nên thơ Anh rất đặc biệt, trong thanh có sắc, trong buồn có chút hy vọng.

Với tôi, cả thơ lẫn văn Hoài Ziang Duy đã chinh phục trái tim nầy. Anh đã đặt vào đó tất cả tâm huyết mình, những suy tư, những dằn vặt không mở nổi. Để rồi, người đọc tự tìm một câu trả lời cho riêng mình, không ai giống ai.

Riêng tôi, cho đến bây giờ vẫn còn câu thắc mắc: Không biết có phải mối tình đầu quá êm đẹp, một hạnh phúc đến thật gọn nhẹ, không cần phải tranh đấu, đã làm Anh thật yên bình, không cần nghĩ suy nữa. Và tôi đã không tìm thấy mình trong những tác phẩm của Anh ???

Phương Thảo Huyền

Virginia, tháng 5/2022

Giới thiệu “Còn Không Chốn Quay Về” của Hoài Ziang Duy

Bài BÍCH NGA

Hoài Ziang Duy là một cây bút quen thuộc trong giới văn học, từng là người lính trận Sư đoàn 9 Bộ Binh.
Ông viết văn, làm thơ rất sớm. Thời trung học, ông bắt đầu viết truyện để kiếm tiền trang trải cuộc sống cho bản thân. Cứ mỗi ngày, mở tờ báo ra coi là thấy bài của ông. Hồi đó, mỗi lần có truyện ngắn đăng báo, ông được trả nhuận bút 300 đồng. Ông thường gởi bài cho các báo Tia Sáng, Ngày Mới, Dân Ta, Dân Tiến, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Sống, Sóng Thần, Đời, và các tạp chí văn học… Sau khi đi lính, ông chỉ còn thời gian viết cho các tạp chí, đều đặn nhất là tạp chí Trình Bày của Thế Nguyên. 

Sang Mỹ năm 1991, vài năm sau, ông gởi bài cho Nguyễn Mộng Giác (báo Văn Học) và Khánh Trường (Hợp Lưu). Nguyễn Mộng Giác liên tục giới thiệu truyện và thơ của ông. Vì nghĩa tình đó, ông độc quyền gởi bài mới cho Văn Học ròng rã suốt 15 năm cho đến ngày báo đóng cửa. (Trích Lương Thư Trung, Da Màu)
“Còn Không Chốn Quay Về” là cuốn sách kể về thân phận người lính, trước, sau, và những hệ lụy cuộc đời từ ngày đâu mất nước, cho đến thời gian sống trên xứ người. “Còn Không Chốn Quay Về” viết về một thời quá khứ, về thân phận những người trong cuộc.
Theo tác giả, tập sách này có thể giúp cho những người tuổi trẻ hôm nay cảm thông hơn về một thế hệ cùng tuổi trước đây ở miền Nam Việt Nam, vai trò những người mặc áo lính. Hầu hết những bài viết đều là những câu chuyện thực, về cuộc sống hành quân, buồn vui đồng đội trong chiến tranh, và những xót xa thực tế ở những tháng năm còn lại.
Sách dày 308 trang, gồm 20 truyện ngắn và tự truyện. Qua tập sách này, tác giả Hoài Ziang Duy muốn gởi tới độc giả chút kỷ niệm về một thời chiến trận, tâm tình của người viết ở tuổi xế chiều. Tất cả chỉ giản dị và bình thường như trong cuộc sống đời thường.
Tác phẩm của Hoài Ziang Duy được xuất bản:
A. Tác phẩm ở hải ngoại:
Ông Tướng Sang Sông (Alpha 1999)
Lối Đi Dưới Lá Đời Thà Như Mưa (Thân Hữu 2007)
Bốn Ngàn Năm Chen Lấn (Thư Ấn Quán 2010)
Những Bài Thơ Tháng Tư (CD Thân Hữu 2014)
Còn Không Chốn Quay Về (Thân Hữu 2017)
B. Góp mặt trong:
Tuyển Tập 14 Tác Giả (Văn Tuyển 2000)
Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến (Thư Ấn Quán 2007)
Văn Miền Nam Trong Thời Chiến (Thư Ấn Quán 2009)
14 Tác Giả, Mỗi Người Một Vẻ (Sách Phỏng Vấn Trẻ 2012)
Bình Long Anh Dũng, Nhận Diện Anh Hùng (DVD Dân Sinh Media 2012)
Người Đồng Hành Quanh Tôi (Tủ Sách Tác Giả, Tác Phẩm, 2013)
ARVN Soldiers Poetry & Song Ngữ Anh Việt (Tiếng Quê Hương 2016)

Còn Không Chốn Quay Về (trích đoạn):

Giờ nầy Khánh Ly hát bản Ru Ta Ngậm Ngùi. Cô đứng hát trên sân cỏ quán Văn, khán giả ngồi dưới. Còn tôi đang ngồi trước màn hình nhỏ. Thời gian, không gian Sài Gòn ngày trước.
Trong đêm, tôi thấy lòng bâng khuâng, khi những hình ảnh năm xưa tạo cảm giác bồi hồi. Ba-mươi bảy năm qua, một thoáng nào đó, nó ru ta ngậm ngùi với những mất mát qua đi, đi qua đời nhau trong chiến tranh, đi trên nỗi buồn một thời ấu thơ vội vàng đánh mất.
Như đêm này tôi chợt hỏi. Còn không chốn quay về?
Về đâu? Về đâu?
Cái âm thanh rớt vào khoảng không nghe xa lạ.
Không gian xưa không còn nữa. Không là chốn hẹn hò.
Tôi muốn sống bằng tâm tình ngày cũ. Có được đâu khi mà không còn ai chung cùng một đời sống, không còn ai chia sẻ chốn này. Quê nhà đã xa, dù lòng chưa lạ. Tôi đâu muốn đi về một thời chiến tranh, ở đó cầm bút, cầm súng vào thân chung cùng mặt trận.
Tôi đang sống trên đất nước tự do, có người Mỹ, người bạn đồng minh, những người trước đây cùng tham chiến ở Việt Nam. Bản thân họ vẫn có niềm tự hào vì lý tưởng tự do cùng chúng tôi chung vai chiến đấu, cho dù giới truyền thông trước đây tiếp tay thành phần phản chiến bóp méo sự thật, bôi lọ hào khí chiến đấu của quân lực miền Nam, khiến con dân người Mỹ dự phần không nhận được sự ủng hộ, đồng tình ở chiến tranh Việt Nam. Tôi vẫn không tin, bởi trước mắt tôi những người Mỹ, những người bạn quốc gia đồng minh khác. Họ vẫn vui vẻ nói về sự có mặt của mình ở chiến trường năm xưa.
[…]
Có phải buồn không, cái giá phải trả ở cuộc chiến đất nước mình? Mấy mươi năm sau, những bí mật an ninh quốc phòng có thời hạn đã được giải mã, để thấy quân đội miền Nam bị bỏ rơi như thế nào. Sau cùng là một lời xin lỗi. Miền Nam đã thua tại mặt trận chính trị Hoa Thịnh Đốn. Do chính họ, chính giới người Mỹ. Sự thế đã rồi.
Cũng bằng thực tế hôm nay. Bắc Việt Nam với niềm tự hào chiến thắng, thắng Mỹ, chiếm miền Nam. Nay lại đưa thành phần của hải lực không quân, chuyên viên, công an các ngành đến đất nước Hoa Kỳ cho người Mỹ thua cuộc huấn luyện. Sự đời lắm éo le, như bàn tay với hai mặt trên dưới, cho chúng ta nhìn thấy. Còn về phía thắng cuộc, có cần suy gẫm lại không để thiệt phân chuyện ai thắng ai?
[…]
Mấy mươi năm qua chiến tranh đã lụn tàn theo thời gian, lòng người xa xứ cũng nguôi ngoa, do phải đương đầu với cuộc sống trước mặt. Thời gian và tuổi về chiều là lúc chúng ta nhìn lại. Bây giờ, bên gia đình, bạn hữu có những điều thường tình để nói, dù nhỏ nhặt, nhưng lại là điều cần thiết trong cuộc sống còn.
Thế hệ chúng ta với ba phần tư cuộc đời là sống cho quá khứ. Một phần tư còn lại chia hai, một phần sống cho tương lai, một nửa là đợi chờ trong thực tại. Nói vậy để thấy khi bất chợt với tần số cùng nhịp đập. Nghe lại bài hát cũ, ở cùng tâm trạng, khua dậy nỗi niềm tưởng chừng đã yên, để rồi sống theo cái tám mươi phần trăm thường tình của một con người như mọi người.
Còn không chốn quay về?
Về đâu, về đâu?
Về nơi chốn bước chân ra đi, về với quê hương ngậm ngùi? Đâu có ai đi hết, biết hết mọi miền đất nước dân tộc mình. Đi qua trong thời chiến chinh bom lửa, chết chóc. Đi qua một thời tuổi trẻ. Điểm son không phải là nụ hồng, vết son môi. Điểm son là những chấm tọa độ trên phóng đồ nối liền kéo dài. Đi không biết ngày mai, không biết điểm dừng lại ở cuộc chiến. Bây giờ đã đi quá xa, quá đà. Đi như thể một đi không trở lại, thì câu hỏi về đâu cho ngày sau vẫn là điều phân vân, không thành câu trả lời dứt khoát trước cảnh đời nầy.
Từ những ngày đầu tiên đến xứ người, coi như lần nữa phải làm lại. Khác chăng một chặng đường đời đã đổi, đã đi qua những tủi nhục đau thương trong chốn lao tù. Khác chăng bây giờ, một thân xác không còn trẻ như ngày nào, và một tâm tình bi thương ai oán. Khi ngày đó tương lai tuột dốc xuống tận cùng hố thẳm, khi tình đời đối diện với thiện ác, bạn thù. Trong cơ cực chịu đựng với hoàn cảnh trái ngang, con người cũng hiện thực với khí tiết, ươn hèn.
[…]
Tôi đã viết, nói nhiều điều lan man. Có phải tôi đang nói với chính mình, những bế tắc, vòng lẩn quẩn không thoát được ở đời sống bủa vây. Xã hội nầy, thế giới nầy có những điều khó hiểu hơn sự gỉản dị đơn thuần đang sống. Bốn câu thơ tôi viết trước đây. Khi nói ra nhận mình người nước Việt. Chỗ trú chân vẫn lạc địa chỉ buồn. Cảm ơn đời chỗ dung thân lớn. Nhưng nhỏ nhoi tội lấy cội nguồn.
Chia sẻ với tôi điều nầy, như một tâm tình cảm thông.

(Nguồn: http://www.viendongdaily.com)

Bài Mới Nhất
Search