T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Giấc mơ? Hòa giải hòa hợp dân tộc?

hoa_hop

Nguyễn Mạnh Trinh

(Nguồn : Sangtao.org)

Có nhiều người, cả những nhà văn, có nhận xét rằng ở trong nước đã thay đổi rất nhiều và đó là một chủ trương của những người cầm quyền muốn thoát ra khỏi những trì trệ cho đất nước. Ngay cả trong văn nghệ học thuật cũng có chủ trương như vậy. Và họ dẫn chứng là có những hội nghị Lý Luận Phê Bình văn học đã công nhận một thực tế của văn học Việt Nam và thúc đẩy sự thay đổi: “một số quan niệm cũ không còn phù hợp”, “những gì đã cũ và lỗi thời phải cương quyết vượt qua”, “một số nhà phê bình chỉ quen với những môtíp, mô hình cũ và dị ứng với những biểu hiện mới và lạ. Ðộ bao quát quá hẹp, nhiều ẩn số văn nghệ đứng ngoài tầm với của giới phê bình”. Và với nghị quyết “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” cũng như việc “đối với nhà văn Việt Nam, trước hết và quan trọng nhất trong việc mở rộng quan hệ quốc tế là giao lưu với các nhà văn, các nhà văn hóa, các nghệ sĩ người Việt đang sinh sống và hành nghề ở các nước trên thế giới. ” Muốn như vậy, phải rời bỏ cái suy nghĩ tư duy địch bạn của thời còn chiến tranh…
Thế mà từ tháng tư năm 1975, một thời điểm gắng quên mà vẫn mãi nhớ đến bây giờ chừng như vẫn chưa đổi. . Ðã mấy chục năm trôi qua cuộc chiến vẫn còn những dư âm đau xót. Bao nhiêu là hồi ức, bao nhiêu là những vết thương đau. Không phải với riêng cá nhân một người, mà còn với nhiều người và nói rộng ra, cả dân tộc nữa. Những vết chém của hận thù tới bây giờ vẫn chưa lành miệng. Những đau xót đến ngày nay vẫn còn tồn tại trong tâm. Nhiều người kêu gọi xóa bỏ chiến tuyến gạt bỏ hận thù. Nói thì dễ, nhưng hiện trạng bây giờ, vẫn còn rất nhiều điều để thấy rằng cái hố sâu ngăn cách dân tộc của thời nội chiến không dễ gì lấp đầy. Nhất là đối với những người Cộng sản mà câu nói của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày nào vẫn còn chính xác “Ðừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm.”

Tôi nhớ có lần đã phỏng vấn nhà văn Doãn Quốc Sỹ với câu hỏi “Trong văn chương anh nghĩ có biên giới giữa người cầm bút Việt Nam ở trong nước và hải ngoại? Hoặc giữa người miền Nam và người miền Bắc?” Và nhà văn nổi tiếng của hai mươi năm văn học miền Nam, người đã bị cầm tù và biệt giam nhiều năm vì can tội làm “nhà văn” đã trả lời “Văn chương Việt Nam là văn chương Việt Nam. Ðơn thuần chỉ có vậy! Những người Việt miền Bắc, người Việt miền Nam, người Việt quốc nội, người Việt hải ngoại phản ánh những gì xẩy ra qua lăng kính cá tính văn chương từng người. Cả nền văn chương Việt Nam nói chung do đó mà có được sắc thái lung limh phong phú. Tôi hiểu biên giới trong câu trên là như vậy…” Với những người mà đảng Cộng sản đã muốn tiêu diệt mà nói như vậy thì không thể kết luận đó là một biểu hiện của hận thù…

Ở trong nước thì Võ Văn Kiệt, một lãnh tụ Cộng sản đã chết, cũng phát biểu “Ba mươi năm qua, có những bà mẹ ngày thắp hương cho những người con của mình, người là chiến sĩ giải phóng đã hy sinh, người là lính của chế độ Sài Gòn đã tử trận. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần thấu hiểu tâm tình của người mẹ Việt nam, cùng thắp nén nhang cầu cho linh hồn của những người con của mẹ được siêu thoát… ”

Tưởng như thế, nhưng khi đọc trong những tác phẩm mới xuất bản gần đây ở trong nước tôi mới thấy rằng ngay cả những người cầm bút cũng vẫn còn ảnh hưởng cái tư tưởng “địch –ta” khá nặng nề và cái hội chứng thời chiến tranh vẫn còn tồn tại. Mà tư tưởng ấy lại là sản phẩm còn sót lại của một nền văn học cổ võ hận thù tán dương chém giết, sản phẩm của tuyên truyền. Dù có đổi mới tư duy, có nhìn ngắm lại, nhưng ảnh hưởng vẫn còn trong văn chương.

Với những người Cộng sản Việt Nam, tuyên truyền ở một vị trí xung yếu. Tất cả, trên mọi phương diện đều phục vụ cho một mục tiêu: tạo một bánh vẽ tốt đẹp dể cưỡng bách bắt mọi người phục vụ theo đường hướng định sẵn. Nhà văn Alekxandr Solzhenitsyn trong diễn văn đọc khi nhận giải Nobel về văn chương đã viết về tính chất của các chế độ độc tài toàn trị như sau:

“… Ai là người sẽ đặt câu hỏi với chúng ta: văn học sẽ làm được gì để chống trả lại sự công hãm khốc liệt của cường quyền công khai? Là: chúng ta phải nhớ mãi rằng bạo lực không thể đơn độc một mình và cũng không có khả năng tồn tại duy nhất, nó bắt buộc phải bắt tay với sự dối trá. Giữa bạo lực và dối trá có mối quan hệ sâu sắc ruột thịt tự nhiên: bạo lực được che đậy kín đáo bằng dối trá và dối trá cũng nhờ vào bạo lực để tồn tại. Nếu có một kẻ nào tự nhận bạo lực là phương pháp áp dụng của mình thì bắt buộc phải chọn dối trá làm chỉ nam hướng dẫn. Khi khởi đầu quyền thế, bạo lực nghiễm nghiên công khai và rất là kiêu hãnh. Nhưng khi đã bành trướng, đủ sức mạnh áp chế với vị trí độc tôn của mình, nó lại cảm thấy bất an với dông bão chung quanh và chỉ thấy sẽ tồn tại được nếu cứ tiếp tục dối trá. Và dối trá đã sẵn được ngụy trang bằng nhũng ngôn từ ngọt ngào hoa mỹ. Bạo lực không nhất thiết luôn luôn bóp cổ bẻ họng trực tiếp dân chúng mà phần đông chỉ đòi hỏi từ nhân dân của chúng một lời thề từ dối trá, để có mặt trong vai trò ấy một cách tự nguyện.

Bước giản dị của một người dũng cảm để chống lại là không tham dự vào trò dối trá và không đi theo những việc làm dối trá. Nếu bắt buộc cứ để nó ngự trị và nếu thống trị cả toàn cầu cũng chẳng sao, ta không đứng về phía nó! nhà văn và nghệ sĩ còn có thể tích cực hơn nữa: chiến thắng sự dối trá. Trong cuộc chiến sinh tử này, nghệ thuật bao giờ cũng đã và đang chiến thắng. Sự ấy hiển nhiên, không một ai có thể chối cãi. Dối trá có thể lừa được rất nhiều thứ trên thế gian này nhưng chỉ bị một khắc tinh: nghệ thuật…”

Trở lại với hiện tình Việt nam tình trạng tụt hậu hiển nhiên rõ ràng. Từ mọi mặt, là sự sa sút tràn đầy. Xã hội tha hóa, giáo dục xuống cấp, con người chạy theo tiền bạc, luật pháp bất công, kinh tế trì trệ, thì đôi khi những nhà văn đã nhìn lại quá khứ chiến tranh và để tự hào vì những kinh nghiệm sống đã có.

Viết về chiến tranh của một thời đã qua đi, những nhà văn trong nước vẫn không qua được cái tâm lý hận thù của một hệ thống tuyên truyền sắt máu đã có sẵn từ một thời gian dài. Những điều được tuyên truyền như ngụy ăn gan uống máu như những loài thú mất nhân tính tới giờ vẫn còn được viết với tâm tư của thời chiến tranh. Nếu đã đọc những tác phẩm đại loại như của Tạ Duy Anh hoặc Hồ Anh Thái và quả tình người đọc đã cảm thấy thật xấu hổ khi có những nhà văn được tạm gọi là tiêu biểu cho văn học trong nước mà lại có giọng văn như thế. Như đoạn trích dẫn từ truyện dài: “Ði Tìm Nhân Vật” của Tạ Duy Anh:

“…quân ta ào lên, bắt giết, đâm, dẫm đạp. Một mụ ngụy cái, ngực để trần, miệng há ra ú ớ. Niềm căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc lên ngùn ngụt trong ngực mình. Mình găm vào ngực mụ cả loạt khiến ngực mụ vỡ toác mà mặt mụ vẫn chưa hết hy vọng. Giết người lúc ấy sao thấy sướng thế! Một thằng ngụy bị mình xọc lê vào bụng, nghe “thụt “một cái. Mình nghiến răng vặn lê rồi trở báng súng phang vào giữa mặt hắn. Hắn lộn một vòng, gồng mình giẫy chết như con tôm sống bị ném vào chảo mỡ… ”

và một đoạn khác cũng … kinh dị không kém:

“Hai ngày sau bọn địch phản công. Cả trung đội mình bị băm nát. Thằng Thiết bị đạn găm đầy mình, vừa đưa tay ấn ruột vào vừa bóp cò. Bọn ngụy ào lên như lũ quỷ, quyết bắt sống thằng Thiết. Như sau này anh em trinh sát kể lại, chúng quay thằng Thiết như quay một con lợn rồi róc thịt uống rượu trả thù cho đồng đội. Nó đã hy sinh như một người anh hùng trên chiến trận…”

Thế mà, sách của Tạ Duy Anh đã được in ở hải ngoại và có nhiều người cho rằng ông là người có tâm tư “thông thoáng” nhất và tác phẩm được coi là có “vấn đề” ở trong nước???

Và trong “Cõi người rung chuông tận thế” của Hồ Anh Thái (hình như là chủ tịch hội nhà văn Hà Nội) cũng ghê gớm tàn bạo không kém:

“Hùng lao người bơi xuôi theo dòng suối tương đối cạn, xa hẳn chỗ Hoa đang nấp. Lũ thám báo văng tục chạy men bờ đuổi theo. Có những chỗ suối cạn không bơi được Hùng phải chạy. Bốn tên thám báo nhảy chồm chồm trên những tảng đá giữa lòng suối rồi quây được Hùng vào giữa. Anh quật ngã một thằng. Nó cắm đầu xuống nước không thấy động đậy gì. Nhưng những thằng kia đã xúm lại. Chỉ một lát sau, chúng đã lôi xềnh xệch Hùng lên bờ. Thân thể anh bầm dập đẫm máu. Chúng đấm đá anh túi bụi để lấy cung cho tới khi anh ngất đi. Anh tỉnh lại chúng đánh tiếp. Hoa hiểu vì sao chúng không dùng đến súng . Chúng cũng không muốn gây ra tiếng nổ ở vùng rừng này.

Cuối cùng, điều Hoa không ngờ đã tới. Cô chỉ nghĩ rằng bọn thám báo sẽ lôi Hùng đi làm tù binh để tiếp tục lấy khẩu cung. Nhưng thằng cầm con dao găm của anh đã cúi xuống rạch một đường thành thạo trên bụng Hùng. Anh quằn quại hét lên một tiếng rùng rợn. Ở trên cao Hoa nghiến chặt răng gần như ngất đi. Hai thằng kia đè chặt chân tay Hùng cho thằng mổ bụng moi tim gan ra. Chúng nổi lửa nướng tim gan ăn ngay tại chỗ. Hai hột tinh hoàn thì được phân chia cho hai thằng chắc là cấp cao hơn…”

Tôi tưởng những danh từ như “mụ ngụy cái”, “lũ thám báo”… hoặc những chuyện moi tim gan người để ăn nhậu, có lẽ đã mất biệt rồi chứ? Cái văn chương sặc mùi căm thù ấy vẫn còn tồn tại sao? Mà cả với những người cầm bút luôn luôn kêu gọi hòa giải!!!

Nhà văn Dương Thu Hương trong “Tiểu Thuyết Vô Ðề” củng biểu lộ sự căm thù đúng y như những nhà văn Cộng sản trung kiên khác. Kể lại những cái chết của những bộ đội nữ bị lính thám báo hãm hiếp hay thái độ hèn nhát của những người lính VNCH khi bị bắt, giọng văn ấy không thể là của một người đã thấy cái phi lý của chiến tranh và cái huyền thoại “chống Mỹ cứu nước” vẫn còn vương vấn. Dù rằng bà cũng hiểu một điều là miền Bắc đã gây ra chiến tranh theo lệnh của Cộng sản quốc tế.

“Chúng tôi hướng vào góc rừng đã tỏa ra mùi thối khủng khiếp mà đi. Tới vực Cô Hồn gặp sáu cái xác truồng. Xác đàn bà. Vú và cửa mình bị xẻo, ném vung vãi khắp đám cỏ xung quanh.

Nhờ những tấm khăn dù, nhờ những cô chiếc cổ áo sơ mi kiểu lá sen tròn và hai ve nhọn mà chúng tôi nhận ra đây là những người con gái miền bắc. Có lẽ họ thuộc một binh trạm hoặc một đơn vị thanh niên xung phong cơ động nào đó bị lạc. Cũng có thể họ đi kiếm măng hoặc rau rừng như chúng tôi rồi vấp bọn thám báo. Chúng đã hiếp các cô tàn bạo trước khi giết Những cái xác bầm dập méo mó. Da thịt con gái nõn nà tươi thắm vậy mà khi chết cũng thối rữa y như da thịt một lão già phong lở hay một con cóc chết. Ðám dòi lúc nhúc trong các vết thương, trong các hốc mắt, hốc miệng. Những von dòi trắng nhờ béo tròn. Chúng trị trên các tử thi ngoi lội, trồi lên trụt xuống, vẻ viên mãn của loài dòi bọ. ”

Ðọc những đoạn trên, đâu có ai tránh khỏi cảm giác lợm giọng. Và, tác giả Tiểu Thuyết Vô Ðề có quá tay để tạo thành những hận thù khi nói về những người thua trận. Như vậy, có thể nói chuyện bình thường hòa giải với nhau không? Thời chiến tranh đã qua, những người ở phe chiến thắng có còn bị khích động của cả một chính sách gây căm thì để dồn toàn lực vào công cuộc chém giết thúc đẩy chiến tranh…

Nhà văn mà còn viết với giọng như thế thì những từ ngữ như “hòa giải, hòa hợp ‘, hay “hợp lưu, giao lưu”. liệu còn ý nghĩa không? Tôi đọc những hàng chữ ấy và thấy hệ thống tuyên truyền quả đã có tác dụng, không phải với giới bình dân mà cả trong văn chương.

Trong Nỗi Buồn Chiến Tranh, Bảo Ninh cũng mô tả một cảnh tượng ghê rợn không kém:

“Kiên hờ hững ngó ra sau. À. Một cái xác. Một cái xác đàn bà trắng hếu, ngưc ưỡn dựng lên, chân dang ra như hai lưỡi léo, mái tóc đổ xõa che lấp nửa mặt, nằm gần như chắn ngang trước cửa phòng hải quan. Còn trẻ, mắt nhắm hờ. Dưới lưng không thấy vũng máu…

Chợt có tiếng xe đỗ, tiếng kéo lê rồi tiếng chân huỳnh huỵch. Một gã hộ pháp. Ðội mũ sắt, có lẽ là lính cao xạ từ trong phòng hải quan đi ra khệ nệ khuân trên tay hai két bia 33. Bước qua ngưỡng cửa mắt nghếch lên, gã vấp phải cái xác bị xô chúi tới, ngã sấp. Cả đống bia giáng xuống loảng choảng chai vỡ tan, bia óng vàng tuôn lênh láng. Ðám lính tăng cười ro. Kiên nhếch mép.

Sượng sùng gã sục “đồ cổ” nhỏm dậy tức tối vò hai nắm đấm gườm gườm nhìn những kẻ đang cười nhạo mình. Rồi nhổ toẹt, hầm hầm cái mặt, hắn sấn lại đá tới tấp vào cái vật vừa ngáng chân hắn Vừa đá vừa rống lên:

“Ð mẹ mầy, con đĩ! Mày ưỡn của nợ ra đây cho chúng nó ngắm à! Mày gài mìn bố mày! Tổ sư mày, cười cái cắc củ! Ðứa nào thích ngắm nghía mày thì kệ bố mày! Bố mày cứ dọn phắt mày đi!

Chửi đoạn, thằng cha “Chí Phèo” túm lấy một chân người chết xềnh xệch kéo lết đi.

Thằng chó má dã man léo sền sệt cái xác khốn khổ qua mặt sân bê tông loáng sáng nước mưa và nắng chói, rồi hự, hắn choãi chân vặn lưng lấy đà quăng mạnh, liệng bổng người ta lên.

Xoay lộn mấy vòng, cái xác trắng rợn bay chênh chếch rồi thịch xuống cạnh mấy cái thây lính dù chưa ai dọn. Lưng vừa chạm đất, người đàn bà chết ngồi bật dậy, hai tay đưa vung lên, cái miệng tuồng như há ra chực kêu rồi ngã vật nghiêng, đập đầu xuống Tên súc sinh khệnh khạng bỏ đi tay khuỳnh khuỳnh ra dáng người hùng…”

Ði xa hơn nữa, Bảo Ninh, người viết truyện ngắn “305” in trong tập “Lan man khi kẹt xe” đã đổ tội cho cả toàn dân miền Nam cái tội vong bản chạy theo đế quốc mà bỏ lại người thân một cách lãnh đạm vô nhân. Truyện ngắn này kể lại chuyện những người lính lái xe tăng mang số 305 trên đường hành quân đã ghé vào một thị trấn nhỏ vào tháng tư năm 1975. Và nhờ cung cách hiền hòa họ đã làm cho người thiếu phụ ở đó cảm mến. Sau đó cả xa đoàn chết hết chỉ còn sót lại một người trở về thị trấn xưa ghé thăm người thiếu phụ ấy. Giây phút gặp lại anh ta mới biết cả gia đình đã bỏ rơi chị để di tản ra nước ngoài. So sánh gia đình chị và anh bộ đội kia chị thấy cảm mến anh bộ đội ấy hơn…

Ở thời điểm bây giờ, mà còn viết với luận điệu như thế, nào ta anh hùng, địch dã man, ăn tim gan người sống. Cái nếp nghĩ, nếp viết ấy đã ăn sâu vào tâm thức người viết và bao nhiêu năm sau chiến tranh mà vẫn chưa hề thay đổi. Nhà văn Phùng Nguyễn nhận xét khá xác đáng:

“…Có qúa nhiều điều luôn rắp tâm kéo nhà văn xuống thấp có khi thấp hơn cả mức độ cho phép. Ðó là khi họ, vì một hay nhiều lý do, phải nín thở qua sông, phải viết điều không muốn viết, phải ca tụng những điều không xứng đáng, phải báng bổ điều họ thực sự quý trọng. Họ buộc phải đứng về phía của kẻ mạnh. Nhưng cũng có khi, không phải là luôn luôn vô tình, họ chọn đứng cùng phía với những thế lực đen tối một cách tự nguyện, gieo rắc mầm độc hại xuyên qua việc xiển dương điều trá ngụy. Chính là ở đây, nhà văn trở thành không chỉ là kẻ đồng lõa. ”

Câu hỏi là bây giờ, các người cầm bút sẽ phải làm gì để hố ngăn cách nhau được lấp dần đi? cả người cầm bút ở trong nước và hải ngoại? Nhưng xem ra câu hỏi chỉ để mà hỏi. Khi văn học ở trong nước còn là một công cụ để phục vụ cho nhu cầu tuyên truyền của chế độ hiện hữu thì còn rất lâu sự phân hóa tạo thành chiến tuyến của thời chiến tranh.

Nguyễn Mạnh Trinh

Bài Mới Nhất
Search