T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (70) – NHẠC PHÁP – Comme Toi (Về Chốn Thiên Đường – Hãy Đến Với Em), Jean-Jacques Goldman

clip_image002

Tiếp tục giới thiệu những ca khúc Pháp lời Việt của thời kỳ “hậu 1975”, bài này chúng tôi viết về bản Comme toi, một sáng tác của Jean-Jacques Goldman do chính anh thu đĩa, được Nhật Ngân đặt lời Việt với tựa Về chốn thiên đường, và Khúc Lan với tựa Hãy đến với em.

Jean-Jacques Goldman là một trong những nghệ sĩ tài hoa nhất của làng ca nhạc Pháp quốc: anh vừa là ca sĩ, nhạc sĩ sáng tác, đàn ghi-ta, vĩ cầm, dương cầm, nhà thực hiện đĩa hát…, từng đoạt giải âm nhạc Hoa Kỳ Grammy, được ghi nhận là nam ca sĩ Pháp ăn khách thứ nhì kể từ thập niên 1980, chỉ đứng sau Johnny Halliday.

Jean-Jacques Goldman là tên thật, anh ra chào đời ngày 11 tháng 10 năm 1951 tại Paris, là người con thứ ba trong một gia đình trung lưu, cha mẹ đều là di dân gốc Do-thái: ông bố Alter Mojze Goldman tới từ Ba-lan, bà mẹ Ruth Ambrunn từ Đức quốc.

Cô chị Évelyne, sinh năm 1950, sau này trở thành một bác sĩ, còn người em trai út Robert sau này là một nhà soạn nhạc, nhà viết ca khúc nổi tiếng của Pháp dưới bút hiệu J.Kapler, đã nhiều lần hợp tác với anh trai.

Jean-Jacques Goldman theo học nhạc cổ điển từ năm 7 tuổi, bắt đầu với vĩ cầm rồi dương cầm. Nhưng càng ngày cậu bé càng bị nhạc “Rock & Roll Mỹ” (American Rock & Roll) thu hút, để rồi tới năm 17 tuổi, bỏ hẳn nhạc cổ điển để quay sang nhạc rock và dân ca, nghe đĩa của các thần tượng The Beatles, Jimi Hendrix, Aretha Franklin…, và nhất là những ca khúc phản kháng của Bob Dylan.

Trước đó, vào năm 14 tuổi, Jean-Jacques Goldman được vào ca đoàn nhà thờ Montrouge, một vùng ngoại ô Paris, phụ trách cây đàn organ điện tử, một nhạc cụ “tân kỳ” vào thời đó. Ca đoàn này có một cái tên rất… Mỹ: Red Mountain Gospellers – Những người hát thánh ca vùng Núi Đỏ (“Montrouge” tiếng Pháp dịch sát nghĩa sang tiếng Anh là “Red Mountain”).

Năm 1966, Linh mục Dufourmantelle, cha xứ và cũng là người lãnh đạo Red Mountain Gospellers, đã tuyển chọn bảy thành viên trong đó có Jean-Jacques Goldman để thu một đĩa 45 vòng: bản Colours của nam ca nhạc sĩ dân ca Anh Donovan. Trong đĩa này, Jean-Jacques Goldman chơi ghi-ta, khẩu cầm và organ.

Đĩa hát này chỉ phát hành 1000 ấn bản dành cho người sưu tập; hiện nay giá lên tới 1000 đồng euros, nếu may mắn kiếm được.

Trong những năm cuối bậc trung học, Jean-Jacques Goldman thành lập ban nhạc The Phalansters, chuyên chơi nhạc rock Pháp (rock français) ở hội quán Golf Drouot, cái nôi của nền nhạc rock Pháp.

Tuy nhiên, The Phalansters đã không thọ được lâu bởi vì tới năm 1971, Jean-Jacques Goldman đã được lệnh thân phụ, vốn là một thương gia, tới Lille ở miền cực bắc nước Pháp để theo học Trường Cao Đẳng Thương Mại nổi tiếng EDHEC.

Sau khi tốt nghiệp, Jean-Jacques Goldman thi hành nghĩa vụ quân dịch, phục vụ trong quân chủng Không Quân Pháp. Trở về với cuộc sống dân sự, Jean-Jacques Goldman trở thành một thành viên trong ban nhạc Taï Phong, một ban “progressive rock” của Pháp do hai anh em người Việt Khanh Mai và Tai Sinh thành lập.

clip_image004

ban nhạc Taï Phong

Tới đây chúng tôi xin có đôi dòng về “progressive rock” và ban Taï Phong.

“Progressive rock” – chúng tôi tạm dịch là “nhạc rock thăng tiến” – viết tắt là prog., đôi khi còn được gọi là art rock, classical rock, hoặc symphonic rock, theo định nghĩa của tự điển Oxford là một tiểu loại (subgenre) trong nhạc rock, xuất phát từ Anh vào thập niên 1960, chịu ảnh hưởng của nhạc cổ điển hiện đại (modern classical), chủ trương nâng nhạc rock lên một tầm vóc nghệ thuật cao hơn. Các ca khúc theo thể loại này thường khá dài, đôi khi rất dài, so với các ca khúc pop bình thường.

Các ban “progressive rock” chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật, rất được giới thưởng ngoạn trân trọng nhưng cũng hiếm khi đạt thành công thương mại. Trong số những ban “progressive rock” nổi tiếng quốc tế như The Moody Blues, Pink Floyd, Queen, Genesis…, có lẽ chỉ có Queen thành công tương đối.

VIDEO:

Genesis – I Can’t Dance

Queen – Bohemian Rhapsody (Official Video)

Theo các trang mạng âm nhạc, ban “Taï Phong” do hai anh em người Việt ở Pháp là Khanh Mai và Tai Sinh thành lập năm 1975. Vì các trang mạng này không sử dụng dấu tiếng Việt cho nên chúng tôi cũng không biết đích xác tên tiếng Việt của hai anh em, chỉ có một điều chắc chắn là theo sự giải thích của các trang mạng này, “Taï Phong” có nghĩa là bão, là gió lớn, và căn cứ vào tên ban nhạc viết bằng chữ Hán, chúng tôi biết chắc chắn đây là cách người Pháp viết hai chữ “Thái Phong” trong tiếng Việt.

Các trang mạng này cũng cho biết rất ít về hai anh em Khanh Mai và Tai Sinh: Khanh Mai, người anh, sinh năm 1946, chơi ghi-ta và hát; Tai Sinh, người em, chơi ghi-ta, bass, keyboards và hát.

clip_image006

Khanh Mai

clip_image007

Tai Sinh

Thế hệ thứ nhất của Taï Phong gồm năm thành viên: hai anh em Khanh Mai, Tai Sinh và ba công dân Pháp Jean-Alain Gardet (keyboards), Stephan Caussarieu (trống, bộ gõ), và Jean-Jacques Goldman (ghi-ta, vĩ cầm kiêm ca sĩ chính).

clip_image008

Một trong những điểm độc đáo của Taï Phong là một ban nhạc Pháp nhưng các sáng tác của họ lại có lời hát bằng tiếng Anh. Từ năm 1975 tới 1979, Taï Phong đã thu ba album: Taï Phong (1975), Windows (1976) và Last Flight (1979). Ngay trong năm 1975, ca khúc Sister Jane trong album đầu tiên của họ đã trở thành một “radio hit” – tức là người nghe thì nhiều nhưng người mua đĩa chẳng được bao nhiêu!.

VIDEO:

Tai Phong avec Jean Jacques Goldman ” Sister Jane … “

Năm 1978, vì Jean-Jacques Goldman không thể tham gia các chuyến lưu diễn, ban Taï Phong đã mời Michael Jones thay thế trong vị trí ca sĩ chính.

[Michael Jones sinh năm 1952, là một ca sĩ kiêm tay đàn ghi-ta có hạng. Cha là người xứ Wales, mẹ là người Pháp, Michael Jones lớn lên và hành nghề tại Pháp]

Nhưng qua năm sau, 1979, ban Taï Phong tan rã. Tới năm 2000, Khanh Mai và tay trống Stephan Caussarieu đứng ra tái thành lập, lưu diễn ở nhiều quốc gia trong đó có Nhật Bản, nơi họ rất được ái mộ và trân trọng.

Tính tới năm 2007, Khanh Mai là thành viên sáng lập duy nhất còn lại trong Taï Phong; gần đây, qua những video clip được phổ biến trên YouTube, người ta được biết ca sĩ chính của ban Taï Phong là một bóng hồng, tuy là người ngoại quốc nhưng luôn mặc áo dài (VN) đỏ, quần trắng, trên ngực áo thêu hai con rồng vàng…

* * *

Trở lại với Jean-Jacques Goldman, trong thời gian làm thành viên của ban Taï Phong, anh đã thu riêng ba đĩa 45 vòng, gồm C’est pas grave papa (1976), Le Nuits de solitude (1977), Back To The City Again (1978) nhưng không được mấy người chú ý tới.

Sau khi rời ban Taï Phong, Jean-Jacques Goldman tiếp tục sáng tác, thu đĩa, và tới năm 1981, tự thực hiện album đầu tay mà anh đặt tựa là “Démodé” (hết mốt, lỗi thời). Dĩ nhiên, chẳng có nhà phát hành nào nhận phân phối một album có cái tên hơi khác thường, nếu không muốn nói là… quái đản ấy, cho nên Jean-Jacques Goldman không còn lựa chọn nào khác hơn là dẹp bỏ cái tên “Démodé”, coi như một album vô đề.

Nhưng trong khi album này không gây được chút tiếng vang nào thì nhà sản xuất đĩa nhạc Marc Lumbroso, giám đốc nghệ thuật của hãng đĩa Epic Records, lại tình cờ nghe được bản Il suffira d’une signe (He suffers from a sign), ca khúc đầu tiên trong trong album, và ký ngay với Jean-Jacques Goldman một hợp đồng 5 năm.

[Marc Lumbroso, sinh năm 1950, là một tên tuổi nổi tiếng trong làng ca nhạc Pháp quốc, từng giữ chức giám đốc nghệ thuật cho các hãng đĩa Epic, Polydor, EMI… Trong vị thế này, ông đã có công tạo dựng tên tuổi và giới thiệu tới người yêu nhạc tiếng hát của Jean-Jacques Goldman, Vanessa Paradis, Patricia Kaas… Năm 2013, Ông được trao tặng giải thưởng Grand Prix của Sacem (Hiệp hội các nhà soạn nhạc và viết ca khúc Âu châu)]

Album thứ hai của Jean-Jacques Goldman (tức album thứ nhất mang nhãn hãng đĩa Epic) được chàng đặt tựa là “Minoritaire” (thiểu số), nhưng cũng tương tự cái tựa “Démodé” của album đầu tay, “Minoritaire” đã bị hãng đĩa cho là thiếu sức lôi cuốn, cho nên trên bìa album cũng chỉ ghi tên tác giả kiêm ca sĩ trình bày mà thôi!

Tuy nhiên, khác với album “vô đề” số 1, album “vô đề” số 2 đã được nồng nhiệt đón nhận, với số bán ra trên 200.000. Sau đó, ba trong số 11 ca khúc trong album này đã được phát hành dưới dạng đĩa 45 vòng và đều lên top: Au bout de mes rêves, Quand la musique est bonne, Comme toi, ca khúc chúng tôi sẽ giới thiệu ở một phần sau.

VIDEO:

Jean-Jacques Goldman – Quand la musique est bonne

Album thứ ba của Jean-Jacques Goldman được phát hành năm 1984. Rút kinh nghiệm hai album trước, lần này chàng đã lấy một cái tên rất tốt đẹp để hãng đĩa khỏi làm khó dễ: Positif (lạc quan).

Kết quả, Positif đã bán ra trên một triệu đĩa!

Năm 1985, Jean-Jacques Goldman ra album thứ tư, tựa Non homologué, bán được 1.3 triệu đĩa, được giới phê bình xem là “sự trưởng thành toàn diện” của chàng ca sĩ kiêm nhà viết ca khúc. Trong số những ca khúc trong album này được lên top, có bản Je te donne, hát chung với Michael Jones (trước kia là người thay thế Jean-Jacques Goldman trong ban Taï Phong), đứng No.1 tám tuần lễ liên tiếp ở Pháp từ cuối tháng 11/1985 tới giữa tháng 1/1986.

VIDEO:

 Jean-Jacques Goldman, Michael Jones – Je te donne – YouTube

Cũng trong năm 1986, Jean-Jacques Goldman đã soạn toàn bộ ca khúc trong album Gang của Johnny Halliday, trong đó có những ca khúc sau này đi liền tới tên tuổi của đệ nhất thần tượng ca nhạc Pháp quốc: Je t’attends, J’oublierai ton nom, Jr te promets, Laura, L’envie…

Cuối năm 1987, Jean-Jacques Goldman trình làng album thứ tư – một album “đôi” có tựa Entre gris clair et gris foncé; tới giữa năm 1988, bốn ca khúc trong đó đã được phát hành dưới dạng đĩa 45 vòng, và đều đạt thành công đáng kể, một bản đứng No.2 một bản đứng No.3 trên bảng xếp hạng ở Pháp.

Bản đứng No.2 trong bốn tuần lễ liên tục (và đoạt đĩa vàng) là Là-bas, do Jean-Jacques Goldman hát chung với nữ ca sĩ gốc Anh Sirima.

Sirima, tên khai sinh: Sirima Wiratunga, là một tài năng hiếm quý. Sinh năm 1964, mẹ là người Anh, cha là người Sri Lanka, sau tuổi ấu thơ nơi quê cha, cô sang sống ở đất mẹ. Có năng khiếu ca hát từ nhỏ, có khả năng sử dụng nhiều loại nhạc cụ (bộ gõ, vĩ cầm, accordéon, dương cầm, ghi-ta…), năm 1982, vừa tròn 18 tuổi, Sirima bỏ sang Pháp sống đời nghệ sĩ lang thang, đàn hát dưới ga xe điện ngầm. Trong thời gian này, Sirima gặp gỡ và hợp tác với một nghệ sĩ lang thang khác là tay kèn saxo Philippe Delettrez (sau trở thành nhà soạn nhạc & sản xuất đĩa nhạc nổi tiếng), vốn một người bạn thân của Jean-Jacques Goldman.

Năm 1987, khi thực hiện album Entre gris clair et gris foncé, Jean-Jacques Goldman đã bỏ công tìm kiếm một nữ ca sĩ để hát chung với mình bản Là-bas, nhưng không hài lòng với bất cứ giọng hát nào được giới thiệu. Thế rồi Philippe Delettrez chợt nhớ tới Sirima và rủ Jean-Jacques Goldman xuống dưới ga xe điện ngầm để nghe cô hát. Và… the rest is history!

Hai năm sau, Sirima tung ra album đầu tay bằng tiếng Anh có tựa A Part of Me, trong đó bản I Need To Know hát chung với Jean-Jacques Goldman. Album này tạo được tiếng vang ngay, nhưng đồng thời cũng trở thành nguyên nhân đưa tới cái chết bi thảm của người nữ ca nhạc sĩ vắn số: ba tuần lễ sau khi album A Part of Me được phát hành, Sirima đã bị tình nhân là Kahatra Sasorith đâm chết vì sợ cô sẽ bỏ anh ta sau khi nổi tiếng. Khi ấy, Sirima mới 25 tuổi, để lại một đứa con trai!

clip_image009

Sirima Wiratunga

VIDEO:

Jean-Jacques Goldman, Sirima – Là-bas – YouTube

Còn bản đứng No.3 (trích từ album Entre gris clair et gris foncé), Puisque tu pars (Từ khi em ra đi), đã trở thành một trong những tình khúc được yêu chuộng nhất của Jean-Jacques Goldman.

VIDEO:

Jean-Jacques Goldman – Puisque tu pars (en concert)

Năm 1990, Jean-Jacques Goldman ngưng hát solo để cùng với Michael Jones (nguyên là người thay thế Jean-Jacques Goldman trong ban Taï Phong) và nữ ca sĩ Mỹ gốc Phi Châu Carole Fredericks hợp thành ban tam ca Fredericks Goldman Jones, rất nổi tiếng trong những năm đầu thập niên 1990.

Năm 1995, Jean-Jacques Goldman trở lại với sự nghiệp hát solo và, quan trọng hơn, chú trọng việc sáng tác ca khúc và thực hiện đĩa hát cho các nghệ sĩ bạn, ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương: Johnny Halliday, Patricia Kaas, Marc Lavoine, Patrick Fiori, Khaled, Joe Cocker, Ray Charles…, và đặc biệt Céline Dion.

Trong năm 1995, Jean-Jacques Goldman viết các ca khúc (lời Pháp) và thực hiện album D’eux cho Céline Dion, được phát hành tại Hoa Kỳ và các xứ nói tiếng Anh dưới tựa The French Album.

The French Album không chỉ đoạt giải Grammy “Album of the Year” của Hoa Kỳ (tương đương giải Oscar “Best Picture cho điện ảnh) năm 1995, mà với số bán trên 10 triệu, cho tới nay vẫn giữ kỷ lục album lời Pháp có số bán cao nhất từ trước tới nay.

Bốn năm sau (1998), S’il suffisait d’aimer, album thứ hai do Jean-Jacques Goldman viết ca khúc và thực hiện cho Céline, bán được trên 4 triệu ấn bản, đứng hạng nhì trong danh sách album lời Pháp có số bán cao nhất, chỉ sau sau D’eux (The French Album) của chính Céline. S’il suffisait d’aimer (Nếu chúng ta yêu nhau cho đủ) cũng là ca khúc chủ đề của album, lên tới hạng 4 tại Pháp.

VIDEO:

S’il suffisait d’aimer – Jean Jacques Goldman/Céline Dion

Ngoài ra, Jean-Jacques Goldman còn viết và sản xuất một số ca khúc trong hai album tiếng Anh có số bán cao nhất của Céline Dion là Falling into You Let’s Talk About Love, trong đó có ca khúc chủ đề Let’s Talk About Love do anh viết chung với ca nhạc sĩ Gia-nã-đại nổi tiếng Bryan Adams.

Bên cạnh đó, Jean-Jacques Goldman còn soạn nhạc nền cho phim ảnh và các show truyền hình. Cuối cùng, không thể không nhắc tới ca khúc Restos du Coeur, viết cho tổ chức từ thiện có danh xưng “Restos du Coeur” để ban Les Enfoirés trình diễn mở màn các đại nhạc hội gây quỹ thường niên.

[Restos du Coeur – viết đầy đủ là Les Restaurants du Coeur – là một tổ chức từ thiện có mục đích cung cấp bữa ăn cho người vô gia cư. Cứ mỗi năm, một đại nhạc hội gây quỹ lại được tổ chức với sự tình nguyện tham gia của nhiều ca nhạc sĩ nổi tiếng; tập hợp ca nhạc sĩ tham gia được gọi là ban Les Enfoirés (The Bastards), trong đó Jean-Jacques Goldman là một thành viên sáng lập và tham gia thường xuyên nhất]

Với tài năng muôn mặt và hoạt động từ thiện không biết mệt mỏi, cho tới nay, Jean-Jacques Goldman đã được ghi nhận là nghệ sĩ đứng hạng cao nhất trong danh sách “công dân Pháp được yêu mến nhất” do tạp chí Journal du Dimanche thiết lập hàng năm.

Từ khi danh sách này được thiết lập vào năm 1988 tới nay, đã có tổng cộng 1,010 công dân Pháp được vinh dự, trong đó Jean-Jacques Goldman đứng hạng 5 với sáu lần ghi danh liên tiếp, trong khi Sophie Marceau, nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng nhất của Pháp cũng chỉ được một lần!

Về cuộc sống cá nhân, Jean-Jacques Goldman kết hôn hai lần, lần thứ nhất với chuyên gia tâm lý Catherine Morlet, được một trai hai gái, và ly dị năm 1997. Bốn năm sau, Jean-Jacques Goldman bí mật bước thêm bước nữa với một người ái mộ: Nathalie Thu-Huong Lagier, một cô sinh viên toán học mang hai dòng máu Pháp – Việt kém chàng 28 tuổi (hiện nay là Giáo sư Đại học). Hai nguời có với nhau ba con gái, nhỏ nhất là bé Rose, sinh năm 2007 – năm Nathalie lấy bằng Tiến sĩ Toán học.

* * *

Tới đây, chúng tôi viết về ca khúc Comme toi, trích từ album thứ hai của Jean-Jacques Goldman phát hành năm 1982, mà chàng đặt tựa “Minoritaire” nhưng trên bìa album chỉ có tên ca sĩ (Jean-Jacques Goldman).

“Nhân vật chính” trong Comme toi là cô bé Sarah, một nạn nhân của chính sách bài Do-thái của Đức Quốc Xã thời Đệ nhị Thế chiến. Jean-Jacques Goldman nảy sinh ý tưởng viết ca khúc này sau khi nhìn thấy hình một cô bé (không nhất thiết có tên là Sarah) trong album hình gia đình của bà mẹ Ruth Ambrunn, vốn là một người Do-thái sinh trưởng ở Đức.

Theo nội dung Comme toi (Cũng giống như bạn), cô bé Sarah là một người Do-thái ở Ba-lan chưa đầy 8 tuổi, có đôi mắt trong sáng, sống tuổi ấu thơ êm đềm, yêu nhạc cổ điển của Schumann, của Mozart… Cô có những bạn bè thân thiết, như Ruth, Anna, và nhất là cậu Jérémie, người mà, theo ước mơ tuổi dại của cô, sẽ cùng cô làm đám cưới, rất có thể tại thủ đô Varsovie (Warsaw).

Điệp khúc cứ lập đi lập lại “Comme toi, Comme toi…”, có ý nhấn mạnh cô bé Sarah cũng giống như bạn vậy thôi. Thế nhưng trong phiên khúc cuối, Jean-Jacques Goldman viết:

“Nhưng người ta đã quyết định cho cô một tương lai khác hẳn, bởi vì, đây là điều duy nhất mà cô không giống bạn: cô đã không ra chào đời vào thời nay, tại chốn này.”

Comme toi

Elle avait les yeux clairs et la robe en velours
À côté de sa mère et la famille autour
Elle pose un peu distraite au doux soleil de la fin du jour
La photo n’est pas bonne mais l’on peut y voir
Le bonheur en personne et la douceur d’un soir
Elle aimait la musique surtout Schumann et puis Mozart

Comme toi comme toi comme toi comme toi
Comme toi comme toi comme toi comme toi
Comme toi que je regarde tout bas
Comme toi qui dors en rêvant à quoi
Comme toi comme toi comme toi comme toi

Elle allait à l’école au village d’en bas
Elle apprenait les livres elle apprenait les lois
Elle chantait les grenouilles et les princesses qui dorment au bois
Elle aimait sa poupée elle aimait ses amis
Surtout Ruth et Anna et surtout Jérémie
Et ils se marieraient un jour peut-être à Varsovie

Comme toi comme toi comme toi comme toi
Comme toi comme toi comme toi comme toi
Comme toi que je regarde tout bas
Comme toi qui dors en rêvant à quoi
Comme toi comme toi comme toi comme toi

Elle s’appelait Sarah elle n’avait pas huit ans
Sa vie c’était douceur rêves et nuages blancs
Mais d’autres gens en avaient décidé autrement
Elle avait tes yeux clairs et elle avait ton âge
C’était une petite fille sans histoires et très sage
Mais elle n’est pas née comme toi ici et maintenant

Comme toi comme toi comme toi comme toi
Comme toi comme toi comme toi comme toi
Comme toi que je regarde tout bas
Comme toi qui dors en rêvant à quoi
Comme toi comme toi comme toi comme toi
Comme toi, comme toi, comme toi, comme toi

Bản dịch Anh ngữ:

Just Like You

She had light-coloured eyes and a velvet dress

[Sitting] next to her mother with the family around her

She poses distractedly in the mild sun of the end of the day

 

The picture is not good but you can see in it

Happiness personified and the sweetness of the evening.

She loved music, especially Schumann

And also Mozart

 

Just like you

Just like you…

Just like you, whom I’m watching in silence

Just like you, sleeping and dreaming of what?

Just like you…

She used to go to school in the village down below

She learnt about books, she learnt about laws

She sang about frogs and princesses

Asleep in the woods [NB reference to Sleeping Beauty, which in French is called ‘La Belle au Bois Dormant’, literally ‘the beauty in the sleeping woods’]

She loved her doll, she loved her friends

Especially Ruth and Anna and especially Jeremy

And the would get married, one day, in Warsaw maybe.

[chorus]

Her name was Sarah, she was not quite eight years old

Her life was tenderness, dreams and white clouds

But other people had decided otherwise.

 

She had light-coloured eyes and she was your age

She was a well-behaved little girl, with an ordinary life

But she was not born – unlike you – here and now.

Sau khi được phát hành dưới dạng đĩa 45 vòng, qua năm 1983, Comme toi đã đoạt đĩa vàng (bán trên nửa triệu đĩa, theo tiêu chuẩn ở Pháp).

Tuy nhiên về sau, phiên bản Comme toi được ưa chộng nhất, phổ biến nhất lại không phải của đĩa 45 vòng này mà là phiên bản thu Jean-Jacques Goldman trình diễn “live”, trong đó có phần anh độc tấu vĩ cầm vào giữa bản (nhắc lại, gốc gác của Jean-Jacques Goldman là nhạc cổ điển: vĩ cầm và dương cầm).

Phụ lục 1: Comme toi, Jean-Jacques Goldman (live)

VIDEO:

 Comme toi- Jean Jacques Goldman Paroles

Chúng tôi cũng xin có đôi dòng ngoài lề để người yêu nhạc và yêu phim ảnh khỏi bị lẫn lộn.

Năm 2007, cuốn tiểu thuyết Sarah’s Key của nữ văn sĩ Anh Tatiana de Rosnay (sinh năm 1961) được nữ tác giả Agnès Michaux dịch sang tiếng Pháp. Vì trong nội dung truyện nói tới một cô bé Do-thái 10 tuổi trong thời Đệ nhị Thế chiến, cũng tên là Sarah, Agnès Michaux đã lấy mấy chữ “Elle s’appelait Sarah” (Cô tên là Sarah) trong lời hát của bản Comme toi (Elle s’appelait Sarah elle n’avait pas huit ans…) làm tựa đề tiếng Pháp cho cuốn tiểu thuyết.

Trong khi nguyên tác Sarah’s Key chỉ bán được 345,000 cuốn ở Hoa Kỳ thì bản dịch tiếng Pháp Elle s’appelait Sarah bán ra trên khắp thế giới trong năm 2009 lên tới trên 2 triệu.

Ngay trong năm 2009, Elle s’appelait Sarah đã được người Pháp thực hiện thành phim với nữ diễn viên Anh Kristin Scott Thomas trong vai nhân vật chính.

Hiện nay, một video clip Comme toi do Jean-Jacques Goldman hát (trong đĩa 45 vòng) được phổ biến trên các trang mạng đã sử dụng hình ảnh trong cuốn phim Elle s’appelait Sarah, khiến một số người hiểu lầm là ca khúc này đã được sử dụng làm nhạc nền cho cuốn phim.

VIDEO:

Jean Jacques Goldman – Comme Toi (Elle s’appelait Sarah)

Comme toi cũng là một trong những ca khúc Pháp được yêu chuộng nhất trong tập thể người Việt tại hải ngoại, và đã được hai tác giả đặt lời Việt: Khúc Lan với tựa Hãy đến với em, Nhật Ngân với tựa Về chốn thiên đường.

Hãy đến với em

Ngày đó cứ ngỡ với nhau ta muôn đời chung bước về
Tình mới đã quá đắm say thoáng đã nghe những ê chề
Người hỡi có nhớ tới em với những đêm xưa ta say ân tình
Người mãi vẫn sống giữa em trong tim này anh vẫn đầy
Nụ hôn đam mê ngất ngây vẫn mãi dâng những hương nồng
Người hỡi có biết khúc ca đã in cho anh ấm áp đôi lòng

Hỡi ơi người, đến đây người ! Hỡi ơi người, đến đây người
Hỡi ơi người, đến đây người ! Hỡi ơi người, đến đây người
Giờ này người đang phiêu du nơi nao hỡi anh
Ở nơi phương đó có thoáng phút giây thương nhớ …
những ân tình
Hỡi ơi người ! Nhớ chăng người ? Hỡi ơi người …

Mộng ước sẽ có sớm nao chân giang hồ quay bước về
Tình cũ sẽ chất ngất say với những đêm ngát hương nồng
Bài hát thắm thiết lúc xưa sẽ mãi say sưa không phai tàn
Mộng ước vẫn mãi quá xa chân giang hồ chưa thấy ngừng
Tiếng hát cứ mãi thiết tha cớ sao ai vẫn vô tình
Để tiếng hát bỗng xót xa, nước mắt rơi rơi, rơi rơi trong chiều

Hỡi ơi người, đến đây người ! Hỡi ơi người, đến đây người
Hỡi ơi người, đến đây người ! Hỡi ơi người, đến đây người

(Hãy đến với em của Khúc Lan đã bị một số trang mạng ca nhạc tự tiện đổi tựa thành Hãy đến bên anh và ghi tác giả là… Phạm Duy!)

Hãy đến với em đã được nhiều giọng ca nữ tại hải ngoại thu vào CD trong đó có Ngọc Lan.

Phụ lục 2: Hãy đến với em, Ngọc Lan

Về chốn thiên đường

Người đến với những dấu yêu
cho đêm dài không nỗi buồn
Hạnh phúc đến với em
mãi đắm say chiếc hôn đầu
Người hỡi hãy giữ hết bao yêu thương
cho nhau trong tim muôn đời


Ngồi hát với những giấc mơ
mơ con đường chung lối về
Ngoài phố thoáng bóng ai
với trái tim đã u hoài
Hình bóng mãi khuất xa vẫn biết
nơi đây thương nhớ đêm ngày.

Hãy quay về những con đường
mãi như còn nhớ thương người!
Hãy quay về, hãy quay về
có em chờ suốt đêm dài.

Hoàng hôn buông xuống dưới phố lất phất mưa rơi
Ở nơi xa đó anh ơi có còn thương nhớ.
Hãy quay về chốn thiên đường có đôi mình, hãy quay về!
Người hỡi có nhớ những đêm
em mong chờ anh trở về

Dòng nước mãi cuốn trôi
biết chốn nao sẽ quay về.
Đừng có tiếc nuối dấu yêu
ta trao cho nhau đêm xưa bên người.
Dù biết đã lỡ cách xa
như mây buồn bay cuối trời.
Ngồi khóc với nỗi đau
anh về đây đem dấu yêu
Thầm hát với những ước ao
sẽ mãi bên nhau thiên thu muôn đời.

Hãy quay về những con đường
mãi như còn nhớ thương người!
Hãy quay về, hãy quay về
có em chờ suốt đêm dài.

Từng đêm thương nhớ dẫu biết mãi mãi cách xa.
Người ơi xin giữ bao nhiêu ân tình xưa đó.
Hãy quay về chốn thiên đường có đôi mình, hãy quay về!

Việc đánh giá, so sánh hai phiên bản lời Việt, chúng tôi xin dành cho người thưởng ngoạn, tuy nhiên nếu cộng thêm yếu tố ca sĩ trình bày, chúng tôi xin được chấm nhất Về chốn thiên đường do Mỹ Tâm, một nữ ca sĩ hàng đầu ở trong nước, thu âm.

Cũng như Trần Thu Hà mà chúng tôi đã nhắc tới trong bài viết về bản Trưng Vương – khung cửa mùa thu, Mỹ Tâm, sinh năm 1981, là một ca sĩ có trình độ (thủ khoa Nhạc viện Sài Gòn). Giọng hát của cô là giọng bán kim (mezzo-soprano) nhưng có thể lên rất cao, đồng thời cô có khả năng ngân một nốt nhạc kéo dài tới 13 giây đồng hồ (nên biết trước đây khi thu đĩa bản Woman in Love, Barbra Streisand cũng chỉ ngân 10 giây).

clip_image011

Mỹ Tâm

Rất tiếc, cho dù có bị độc giả trách là “khó tính”, chúng tôi cũng phải nêu ra một chi tiết nho nhỏ nhưng đã khiến nhiều người nghe không hài lòng, đó là việc Mỹ Tâm đã kết thúc bài Về chốn thiên đường bằng cách lập đi lập lại hai chữ Comme toi… Comme toi… Comme toi…, trong khi lời hát của Nhật Ngân không dính dáng gì tới nội dung ca khúc nguyên thủy. Chỉ có thể giải thích là Mỹ Tâm muốn cho thính giả trong nước biết đây nguyên là một ca khúc Pháp có tựa đề “Comme toi” – một việc hơi thừa thãi!

Phụ lục 3: Về chốn thiên đường, Mỹ Tâm

HOÀI NAM

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search