T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: VỀ CHÂN NÚI THĂM NẤM MỒ

Ảnh (Nguồn: https://thanhnien.vn/)

Trịnh Công Sơn mất đã 23 năm nhưng nhạc của ông vẫn chưa chết. Hàng ngày trong quán cà phê, trong phòng trà, trên mạng Internet nhạc Trịnh Công Sơn được nghe được hát còn nhiều hơn nhạc Phạm Duy dù có khi người nghe, người hát không hiểu ông muốn nói gì.

Những “loài sâu ngủ quên trong tóc  chiều”, “Lòng như nắng qua đèo”, “ lòng như khăn mới thêu” hồi giờ chưa ai nói như thế. Kệ. Thích thì cứ hát.

Trịnh Công Sơn, kẻ có vạn người ghét và có triệu người yêu.

Có người không ưa ông vì ông mê  mấy cô em Bắc kỳ 75 nho nhỏ dù tụi nó không yêu ông, không hiểu ông nhưng hiểu rất rõ cái danh của ông.

Người ta ghét ông vì ông tin Cộng Sản trong khi Cộng Sản không tin ông. Họ không bao giờ tin vào những thành phần được giáo dục ở miền Nam tiểu tư sản.

Yêu và tin vào những kẻ không yêu, không tin mình thì có phải là người khờ dại?

Người miền Nam không thể chấp nhận một người thông minh như TCS lại mê muội đến vậy.

Riêng tôi, bỏ qua những điều tầm thường khó hiểu của TCS, tôi cho rằng ông  rất có công trong việc kể lại một cách chân thực nhất cho thế hệ mai sau biết nỗi đau khổ của  “nước Việt buồn” trong “hai mươi năm nội chiến từng ngày”.

Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau của hàng triệu người mẹ mất đi đứa con mà mình đã “mẹ mang đầy lòng, mẹ bồng trên tay”.

Còn ai gây ra thảm kịch ấy thì lịch sử sẽ không bỏ qua.

Giá trị của tác phẩm nghệ thuật sẽ được sàng lọc qua thời gian.

Những “Bác Cùng Chúng Cháu Hành Quân” “Vàm Cỏ Đông Vàm Cỏ Tây” “Cô Gái Vót Chông” người miền Bắc cũng đã chôn vào quên lãng.

Ở trong nước người ta cho đặt tên đường Trịnh Công Sơn là một sự mỉa mai khi tác phẩm giá trị nhất của ông là “Ca Khúc Da Vàng”, bản cáo trạng chân thực nhất về cuộc chiến vừa qua không được chính thức phổ biến.

Học sinh, sinh viên VN không được hát “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây…”

Cuối đời trong thế “tiến thoái lưỡng nan” ông viết:

“đời tôi ngốc dại tự làm khô héo tôi đây”.

Và ông than thở “biển sóng biển sóng đừng âm u, đừng nuôi trong ấy trái tim thù”.

Thường các nhạc sĩ các thi sĩ khi già sáng tác không hay bằng thời trẻ. Riêng Trịnh Công Sơn những tác phẩm cuối đời như Sóng Về Đâu, Chiếc Lá Thu Phai,  Rồi Như Đá Ngây Ngô… đều hay bất ngờ.

Tháng tư kỷ niệm ngày mất TCS, nghe đâu đây vẫn có nhiều người hát lên tiếng hát tưởng niệm, viết vài dòng gọi là nhớ đến một người tài mà tôi được sống cùng thời.

Huyền Chiêu

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search