T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Kể chuyện cổ tích . . .

Việt Nam đang từng bước cơ bản trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đó là một thông tin khá thú vị mà tôi được biết trong buổi sáng tháng 7 oi bức của Sài Gòn. Trước mặt tôi là trang nhất của hầu hết các báo phát hành chủ nhật 5 tháng 7 năm 2009. Ngay trên chỗ trang trọng nhất của mặt báo, là tin tức về lễ bế mạc hội nghị lần thứ 10 ban chấp hành TU đảng CS khóa 10. Tất cả các báo đều có một bản tin gần như giống hệt nhau nói về “sự biểu thị đồng tình cao với các nội dung tiếp thu và giải trình của bộ Chính trị về đề cương chi tiết báo cáo tổng kết, bổ sung và phát triển cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội . . .” của tòan thể các ủy viên BCH/TU đảng CS.

Thú vị là ở chỗ cả đất nước không còn chút gì liên quan đến cái gọi là chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội ngọai trừ những khẩu hiệu nhòe nhọet thảm hại bên cạnh những tấm bảng quảng cáo đầy màu sắc “ấn tượng và hòanh tráng” trên khắp các đường phố . Với người dân, những khẩu hiệu ấy tuy vẫn tồn tại nhưng chúng đã thuộc về một quá khứ xa lắm rồi. Bây giờ nếu có nhắc lại cũng chỉ là như một câu chuyện tiếu lâm, hay chuyện cổ tích. Cuộc sống hàng ngày chộn rộn đã không cho phép họ có thì giờ “xa xỉ” mà để ý đến những khẩu hiệu “xa lạ” ấy.

Vậy mà những người được coi là giới lãnh đạo cao nhất đất nước vẫn tiếp tục cái “trò chơi xa xỉ” ấy.

Như thế không thú vị sao được. Ly cà phê đầu ngày cùng với những trang nhất các tờ báo lớn của thành phố bên một quán cóc của khu bán sách cũ quen thuộc đã cho tôi một nụ cười hiếm hoi từ lúc bước chân trở về thăm nhà từ hôm đầu tháng.

Nhờ vậy, tôi đã tìm ra được câu trả lời cho thắc mắc của mình khi đi một vòng dạo các nhà sách. Bên cạnh các quyển sách được in ấn thật đẹp, với những nội dung nhìn sơ qua là đã ngửi thấy mùi “tiểu tư sản” nồng nặc kể cả trong hình thức trình bày, tôi còn nhìn thấy hình dạng kệch cỡm của “Thép đã tôi thế đấy” * với anh chàng Paven anh hùng, thần tượng một thời của các cô cậu vệ binh đỏ Sài Gòn những ngày đánh tư sản thập niên cuối 1970. Thú vị hơn nữa, tôi còn nhìn thấy được một bàn tay thiếu nữ với những móng tay sơn đỏ chót cầm quyển sách ấy lên, lật vài trang rồi để lại trên kệ với vẻ thờ ơ thường lệ của người Sài Gòn khi đứng trước những anh hùng. Nếu cô gái ấy chịu khó đọc quyển sách, sẽ được biết anh chàng Paven vốn rất ghét những cô gái có móng tay sơn đỏ của “bọn tiểu tư sản chuyên ăn bám và bóc lột giai cấp lao động”.

Tôi không biết bây giờ, những Paven của Sài Gòn thời bao cấp hiện đang làm gì, ở đâu. Có thể họ đang chễm chệ ngồi trong những chiếc xe hơi đắt tiền, những nhà hàng sang trọng, thỉnh thỏang nhớ về người anh hùng Paven một thời của mình mà tự cười cho sự ngây thơ của mình ngày ấy. Tôi chợt mỉm cười với sự suy đóan “thú vị” ấy.

Ôi tội nghiệp cho anh chàng Paven, cho quyển sách “Thép đã tôi thế đấy” trên kệ sách những tiệm sách máy lạnh của Sài Gòn, cho bản tin nói về đất nước đang trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội tuy nằm ngay trên trang nhất những tờ báo, nhưng lại có vẻ bị lạc lõng bên cạnh hình ảnh và bài vở nói về cái chết và tang lễ của chàng ca sĩ Mỹ Michael Jackson.

Có lẽ trong gần 10 triệu dân của Sài Gòn buổi sáng chủ nhật 5 tháng 7 năm 2009, tôi là người duy nhất đọc bản tin về hội nghị BCH/TU khóa 10. Cũng có thể, tôi còn là người duy nhất để ý đến quyển sách “Thép đã tôi thế đấy” và anh chàng Paven tội nghiệp của cách mạng tháng 10 Nga. Có lẽ là vì tôi là người mê truyện cổ tích. Chẳng thế mà hôm thứ ba vừa qua, mắt nhắm mắt mở ngồi xem chương trình “Ai muốn trở thành Triệu phú” của đài truyền hình Hà Nội, tôi nhớ mang máng có một nữ thí sinh khá đứng tuổi, ăn nói chững chạc, lý giải các câu hỏi và trả lời một cách có đầu có đuôi của một người hiểu biết. Đến một câu hỏi ai là cha đẻ của học thuyết kinh tế thặng dư giá trị, phần trả lời liệt kê nào những Engel, Karl Marx, Lê-nin v..v.. Tưởng rằng câu hỏi thật ngon ăn với vị nữ thí sinh miền Bắc, cái nôi của chủ nghĩa xã hội, nhưng không phải. Cô rất “vô tư” phát biểu rằng cô không có ý niệm gì về câu trả lời, mà các công cụ trợ giúp cô đã dùng hết, nên cô không muốn phiêu lưu mạo hiểm đóan mò đễ chẳng may mất hết số tiền thưởng cô hiện đang có, nên cô xin được lãnh thưởng rồi ra về, để mặc cho lý thuyết thặng dư giá trị với những Karl Marx, Engel, Lê-Nin nằm chơ vơ chờ câu giải đáp của người ra đề. Phải chi có cách gì cho tôi nói nhỏ được bên tai cô câu trả lời chính xác, không cần một giây suy nghĩ của kẻ đọc khá nhiều những chuyện cổ tích, nhất là những chuyện về một “ngày xưa, ở một vương quốc lừa dối, có những kẻ hoang tưởng đẻ ra một chủ nghĩa hoang tưởng gọi là Cộng sản . . . “**

Sài Gòn

Tháng 7-2009

T.Vấn

*Thép đã tôi thế đấy là cuốn tiểu thuyết do Nikolai Alexeevich Ostrovsky viết trong thời kỳ Stalin, bản dịch tiếng Việt của Thép Mới và Huy Vân, tái bản lần thứ 8. Pavel Corsaghin (Pa-Ven) là nhân vật chính của tác phẩm. Anh ta là một người tuổi trẻ, lớn lên giữa một nước Nga trong giai đoạn của cuộc chiến giành chính quyền của Đảng Cộng Sản Liên Xô. Pavel đã cống hiến cả đời mình cho lý tưởng Cộng Sản mà anh tưởng là con đường duy nhất và thực sự phục vụ cho tổ quốc. Trên con đường ấy, anh đã không ngần ngại hy sinh cả mối tình đầu chỉ vì người thiếu nữ mà anh yêu là con một nhà tư sản, sặc mùi “băng phiến”.

Nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đã noi theo gương của nhân vật tiểu thuyết Pavel, sản phẩm một thời của guồng máy tuyên truyền Cộng Sản. Bản dịch tôi có trong tay được tái bản lần thứ 8, giá bán 80 ngàn đồng Việt Nam, in ấn thô kệch nếu so sánh với những tác phẩm văn học khác xuất hiện trên kệ sách Sài Gòn, giá “mềm” hơn. Tôi cũng nhìn thấy quyển “Trăng Nguyên Sơ” của nhà văn Nam Dao ở Úc, đã từng bị cấm bán ở Việt Nam từ hồi đầu năm. Quyển này và quyển về nhà thơ Phùng Quán (trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm lừng danh một thời) in rất đẹp, trang trọng và được bầy ở một nơi cũng trang trọng không kém.

** Khi tôi đặt dấu chấm hết cho câu chuyễn cổ tích kể từ Sài Gòn, nhà cầm quyền trong nước vừa hạ lệnh bắt giữ sinh viên Nguyễn Tiến Trung tại Sài Gòn và nhà đối lập Trần Anh Kim ở Thái Bình, với “tội danh tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.”. Tờ Công An thành phố đã gọi hai nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng nói trên là “những đầu óc hoang tưởng mơ làm lãnh tụ”.

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search