T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Hữu: Nguyễn Đình Toàn và Ca Khúc Da Vàng sau chiến tranh

(Ảnh: Uyên Nguyên/Người Việt)

Gió trời xin ngủ bình yên

Coi như giấc mộng ưu phiền đấy thôi

(“Ru”, thơ Nguyễn Đình Toàn)

“Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn”, lần đầu nghe gọi vậy tôi ngỡ người ta nói đến một ông Nguyễn Đình Toàn nào khác, chỉ vì ông khá nổi tiếng như một nhà văn, nhà thơ được nhiều người đọc yêu thích từ trước năm 1975.

Thảng hoặc, tôi đọc thấy tên Nguyễn Đình Toàn trong ít bài nhạc ông viết chung với Vũ Thành An như “Tình khúc thứ nhất”, “Kỷ niệm rời một người yêu” (sau đổi là “Em đến thăm anh đêm 30”, ghi “thơ Nguyễn Đình Toàn”), hoặc những bài phổ thơ ông như “Khi em về” (Vũ Thành An, phổ bài thơ cùng tên), “Những lời ru cuối” (Tuấn Khanh, phổ bài thơ “Ru”), “Đồi thông” (Y Vân, mượn ý bài thơ “Không dưng”).

Không rõ ngày trước ông có những sáng tác nào hoặc hoạt động âm nhạc nào ngoài chương trình Nhạc Chủ Đề do ông và Vũ Thành An thực hiện trên làn sóng Đài Phát Thanh Sài Gòn được khá nhiều thính giả yêu chuộng qua lời dẫn ông viết cho từng bài nhạc và nhất là qua giọng đọc ông thật truyền  cảm. Như thế, người ta vừa đọc ông lại vừa nghe ông, vừa yêu văn chương ông lại vừa yêu giọng đọc ông,và tên ông càngtrở nên quen thuộc với hai đối tượng độc giả và thính giả ấy.

Những ca khúc nhỏ, buồn nhiều hơn vui

Anh bỗng nhận ra /anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta /đã xa nhau /như hai thành phố.

Câu trên, trích dẫn từ lời giới thiệu một bài hát trong chương trình Nhạc Chủ Đề nào, mang đậm dấu ấn văn chương và giọng đọc Nguyễn Đình Toàn.

“Hai thành phố” ấy là Hà Nội và Sài Gòn, là hai miền đất nước. Xa nhau như thế là xa lắm. Tên bài hát được giới thiệu là “Hướng về Hà Nội”qua tiếng hát Duy Trác.

Những chỗ ngưng nghỉ, ngắt quãngmạch văn trong giọng đọc ấy có một vẻ gì rời rã, khắc khoải. Lại thêm những “Hỡi em yêu dấu!”, lặp đi lặp lại. Đấy là văn viết chứ không phải văn nói và có hơi sáo ngữ, vậy mà nghe vẫn tự nhiên và vẫn làm mềm những trái tim. Lời văn thôi chưa đủ, còn phải được cất lên bằng cái giọng của chính người viết nên những lời ấy. Giọng ấm áp, dịu dàng, nhẹ nhàng như lời gió rì rào, như tiếng sóng vỗ về, như lời “thì thầm bên gối”của một người tình nói với một người tình. Giọng văn ấy, giọng đọc ấy và cách phả hơi thở đầy cảm xúc vào từng lời từng chữ ấy khó ai bắt chước hay làm giả được, tạo nên dấu ấn và phong cách lãng mạn Nguyễn Đình Toàn. Lạ một điều, nhiều năm sau người ta có thể quên đi những bài hát, những tiếng hát trong các chương trình Nhạc Chủ Đề ấy, thế nhưng giọng văn quyến rũ và giọng nói ngọt ngào như rót mật vào tai ấy thì không làm sao quên được.

Cũng vì vậy, không ngạc nhiên những buổi trình diễn nhạc Nguyễn Đình Toàn thường là đầy kín người. Nhiều người trước đó chưa hề nghe qua ca khúc nào của Nguyễn Đình Toàn và cũng không hề biết nhà văn, nhà thơ ấy còn là một nhạc sĩ sáng tác. Khán giả của những chiều nhạc, đêm nhạc Nguyễn Đình Toàn phần lớn là thính giả cũ của chương trình Nhạc Chủ Đề năm xưa. Người ta không chỉ tìm đến để thưởng thức những ca khúc của người từng một thời làm mê hoặc thính giả mà còn để tìm lại tuổi trẻ của mình, tìm lại những tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người. Một đêm nhạc Nguyễn Đình Toàn, như thế, là đêm nhạc của những hoài niệm.

“Nhạc Nguyễn Đình Toàn là những ca khúc về quê hương, tình yêu và thân phận con người,”một người bạn tôi nêu nhận xét về đêm nhạc Nguyễn Đình Toàn –Một Ngày Sau Chiến Tranh.

“Như vậy là Ca Khúc Da Vàng rồi,” tôi nói.

“Ca Khúc Da Vàng là nhạc Trịnh Công Sơn chứ?”

“Đúng vậy,” tôi nói, “nhưng đây là Ca Khúc Da Vàng của Nguyễn Đình Toàn. Nếu có khác, có thể gọi là những Ca Khúc Da Vàng sau chiến tranh.”

Anh bạn ngẫm nghĩ, gật gù,­­và sau đó chúng tôi nói về những điểm giống và không giống nhau giữa loạt ca khúc của hai người nhạc sĩ cùng mang “chủ đề” lớn là “Quê HươngTình YêuThân Phận”.

“Những gì tôi viết ra đó chỉ là những ca khúc nhỏ,” nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn nói, “nội dung phần lớn của những ca khúc đó buồn nhiều hơn vui.”

Nhạc Trịnh Công Sơn cũng không khác mấy, cũng chỉ là những ca khúc nhỏ, buồn nhiều hơn vui.

“Những ca khúc nhỏ” của hai người nhạc sĩ này đều là lời ca tiếng nhạc đầy tính tự sự, kể lể, trình diễn với nhạc cụ đơn sơ, có khi chiếc guitar thùng thôi cũng đủ, không kèn trống rộn ràng, không vũ đạo vũ công chờn vờn trên sân khấu và cần một không gian tĩnh lặng.

Cả hai chàng nhạc sĩ, Trịnh Công Sơn và Nguyễn Đình Toàn, đều tìm đến tiếng hát Khánh Ly như chất giọng phù hợp cho những ca khúc của mình. Nếu những “ca khúc da vàng” Trịnh Công Sơn được thể hiện chỉ với giọng hát Khánh Ly thì những ca khúc trong hai album Hiên Cúc VàngMưa Trên Cây Hoàng Lan của Nguyễn Đình Toàn cũng được thể hiện chỉ với giọng hát ấy, giọng hát “người góa phụ của cuộc chiến tranh” (cách gọi của Nguyễn Đình Toàn). Nếu có khác, chỉ là cái khác của hai thời kỳ trong và sau chiến tranh.

Khánh Ly & Nguyễn Đình Toàn (Ảnh: KL)

Trong những “ca khúc da vàng” của hai chàng nhạc sĩ này đôi lúc người ta gặp những lời ca ý nhạc nghe từa tựa, gần gần với nhau. Ở Trịnh Công Sơn là những “đời sống buồn tênh”, những “buồn như lá khô”, những “cánh chim bỏ rừng”, những “nghe tiếng muôn trùng”… Ở Nguyễn Đình Toàn,

Rồi một ngày bỗng nghe ra đời quá buồn
Và nhớ xa muôn trùng,
nên bỏ rừng bay đi, bay đi…
(“Đêm trên sông trăng”, nhạc Nguyễn Đình Toàn)

Ta buồn như lá khô
Thời suối hát chim mừng / trong tiếng muôn trùng xa vắng (“Sương mai”, nhạc Nguyễn Đình Toàn)

Ở Trịnh Công Sơn là những“cuộc tình không may”, những “không hẹn mà đến, không chờ mà đi” hay “ta gặp tình cờ như là cơn gió”.Ở Nguyễn Đình Toàn,

Ta đến với nhau không hẹn
chia tay không ngờ
Ta chẳng bỏ nhau nhưng đành lỡ
tình đôi khi là gió
lòng ta là lá bay qua…

Tình như hoa đến kỳ hoa nở

Những cuộc tình xấu số…(“Tuổi xanh như ngày nắng”, nhạc Nguyễn Đình Toàn)

Ở Trịnh Công Sơn là những“mùa thu qua tay đã bao lần”, những “ngàn cây thắp nến lên hai hàng”, những “tan theo chút tình xa vắng”. Ở Nguyễn Đình Toàn,

Mùa thu thắp nến hai bên đường
Hay những tro tàn của tình xa vắng
(“Hiêncúc vàng”, nhạc Nguyễn Đình Toàn)

Ở Trịnh Công Sơn là những ám ảnh về cái chết, là nỗi chết không rời của “trong xuân thì thấy bóng trăm năm” hoặc “sống một ngày là hẹn chết mai đây”. Ở Nguyễn Đình Toàn,

Ngày qua chỉ để cho ngày tiếp
Sống để chờ xem có chết không
(“Xa nhau từ đây”, nhạc Nguyễn Đình Toàn)

Cái chết thật tình cờ trong “Tự tình khúc” của Trịnh Công Sơn:

Một hôm buồn ra ngắm dòng sông
Một hôm buồn lên núi nằm xuống

Cái chết thật nhẹ nhàng trong “Tự tình khúc” của Nguyễn Đình Toàn:

Ta đến như trong cuộc chơi
nên cũng ra đi thảnh thơi
Dấu vết dăm câu buồn vui dâng đời

Mối đồng cảm, đồng điệu giữa hai chàng nhạc sĩ này có từ lúc nào không rõ, chỉ biết rằng chương trình Nhạc Chủ Đề ngày ấy đã tạo cơ hội cho những sáng tác đầu tiên của Trịnh Công Sơn trong Ca Khúc Da Vàng đến gần thính giả yêu nhạc. Từ đó, người ta bắt đầu làm quen với những “Du mục”, “Ca dao mẹ”, “Phúc âm buồn”, “Vết lăn trầm”, “Đại bác ru đêm, “Xin mặt trời ngủ yên”… qua những giọng Khánh Ly, Duy Trác, Sĩ Phú, Lệ Thu và cả giọng tác giả những ca khúc ấy.

Cũng chính là Nguyễn Đình Toàn, người viết và đọc lời giới thiệu sớm nhất cho những “ca khúc da vàng” đầu tiên của Trịnh Công Sơn.

Trong trận gió tanh mưa máu đó, còn có chỗ nào cho người ta yêu nhau.

Những bài tình ca, do đó đã biến giọng, đôi khi thành những tiếng kêu gọi thảm thiết, đôi khi thành những bài kinh cầu nguyện…

Người ta cũng có thể coi những bài hát trong cuốn băng này của Trịnh Công Sơn là những bản tình ca, nhưng là những bản tình ca không có hạnh phúc. Người còn sống và người đã chết có gặp được nhau chăng trong những lời kêu gọi ai oán đó? Người ta cũng vẫn có thể coi giọng hát Khánh Ly là một giọng để hát những bản tình ca. Nhưng chính những bài hát đó đã biến nàng thành người góa phụ của cuộc chiến tranh này. Và Khánh Ly hát là một cách để tang cho những người đã chết.

(Nguyễn Đình Toàn, lời giới thiệu băng nhạc Khánh Ly, Hát Cho Quê Hương Việt Nam)

Tuy cũng là “Quê Hương–Tình Yêu–Thân Phận”, những ca khúc Nguyễn Đình Toàn so với những “ca khúc da vàng” của Trịnh Công Sơn vẫn có những chỗ không giống nhau. Khác biệt lớn nhất, Ca Khúc Da Vàng ở Trịnh Công Sơn là những ca khúc thời chiến tranh, trong lúc ở Nguyễn Đình Toàn là những ca khúc sau chiến tranh. Cũng vì vậy, những quê hương, tình yêu và thân phận của Nguyễn Đình Toàn mang bộ mặt khác.

Quê hương trong những ca khúc ấy là một đất nước tang thương, một đất nước của ly tán và những trái tim lạnh lùng vô cảm.

Quê hương tôi
đã bao ngày chìm trong lửa khói
Đến bây giờ chiến tranh tàn rồi
nhưng người vẫn giết người
nhưng người vẫn khóc người
(“Quê hương tôi”, nhạc Nguyễn Đình Toàn)

Người ta cố tìm lại một quê hương trong trí tưởng, một quê hương để hoài niệm, một “quê hương thu nhỏ” nuôi giữ trong trái tim người Việt lưu vong,

Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải
Nơi những sớm mai nằm nghe
nắng giòn trên mái
(“Căn nhà xưa”, nhạc Nguyễn Đình Toàn)

Câu hát gợi nhớ một nơi chốn nào người ta đã sống đã yêu, một nơi chốn thân thuộc có mảnh vườn thửa ruộng, có luống cày liếp rau, có “con đường mòn thơm lá mục quê hương” trong những câu thơ cũ.

Vườn cải ngồng dỗ ong bướm về sân
Anh nằm đấy buổi trưa và tiếng nắng
(“Khi em về”, thơ Nguyễn Đình Toàn)

Tiếng nắng, nắng giòn (hay nắng ròn), đấy là chữ nghĩa Nguyễn Đình Toàn.

Quê Hương là vậy, còn Tình Yêu thì sao? Là khuôn mặt xanh xao, nhợt nhạt trong những ca khúc Nguyễn Đình Toàn khi mà “niềm vui đã nằm trong thiên tai” và nỗi cách chia của hai người tình không chỉ là “xa nhau như hai thành phố” mà biền biệt, hun hút như đất xa trời. Nếu những tình khúc Trịnh Công Sơn được Nguyễn Đình Toàn gọi là “những bản tình ca không có hạnh phúc” thì trong những tình khúc của ông hạnh phúc ấy càng hiếm hoi hơn.

Yêu em tim héo đã xa cành vui
Cây xanh đã nuối, soi ngày cuối đời…

Yêu em lửa đỏ thiên tai
Yêu em lường gạt cơn vui
Yêu em khi đất nước không còn chi
(“Yêu em”, nhạc Nguyễn Đình Toàn)

Ta đã xa nhau như trời xa đất 

Có bao giờ, còn có bao giờ ta thấy lại nhau không (“Em còn yêu anh”, nhạc Nguyễn Đình Toàn)

Tình Yêu là vậy, còn Thân Phận thì sao? Là những số kiếp không may, những phận người đen đủi trong một đất nước đổi thay sau chiến tranh và trong những nhà tù lớn, nhỏ.

Cố thắp cho em một ngọn đèn
dù mệt nhoài trông ngóng
để nhủ lòng gắng nuôi niềm tin…
(“Hãy thắp cho nhau một ngọn đèn”, nhạc Nguyễn Đình Toàn)

Ôi đất trời dường như tấm khăn
bưng kín đời người trong tối tăm
Phương hướng nào nhìn ra mắt em
(“Chiều trong tù”, nhạc Nguyễn Đình Toàn)

Trong lúc Ca Khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn là tiếng hát của “người du ca chính hiệu” (cách gọi của nhà thơ Tô Thùy Yên) trên quê hương rách nát vì chiến tranh, những ca khúc của Nguyễn Đình Toàn là tiếng lòng u uẩn của người tù sau cuộc chiến, của kẻ lưu vong bên ngoài đất nước. Những lời ta nghe được trong các ca khúc ấy là những mảng ký ức, những hồi tưởng về một quê hương đã mất, một tình yêu đã xa, những thân phận lạc loài ngay trên quê hương mình và những đọa đày trong chốn lao tù. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, trong một nghĩa nào đó, là chứng nhân cho những tang thương dâu bể và cuộc đổi đời nghiệt ngã của người dân miền Nam sau cơn bão tàn khốc của lịch sử.

Trong lúc Ca Khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn phổ biến trên khắp mọi miền đất nước,những ca khúc của Nguyễn Đình Toàn chỉ đến được với những cộng đồng người Việt ở bên ngoài đất nước trong các dĩa nhạc không phải ai cũng có để nghe hoặc trong những buổi giới thiệu và trình diễn ở một số nơi, và đối tượng khán giả phần lớn là những người cùng thời với ông, từng đọc từng nghe ông và từng yêu mến con người nhà văn, nhà thơ trong người nhạc sĩ ấy.

Giấc ngủ bình yên, giấc mộng ưu phiền

Nếu giọng đọc Nguyễn Đình Toàn như lời tìnhtự ngọt ngào, ấm áp thương yêu, âm nhạc Nguyễn Đình Toàn lại như một giọng đọc khác, nhuốm chút gì mệt mỏi và chán chường, rầu rĩ như tiếng thở than, u uất như tiếng kinh cầu, là nỗi buồn không dứt, là nỗi nhớ không nguôi.

Những ca khúc Nguyễn Đình Toàn gần như cùng một thể điệu nhạc, rời rạc, chậm và buồn, chỉ ít bài có nhịp điệu, tiết tấu nhanh như “Mưa trên cây hoàng lan”, “Hiên cúc vàng” (Tango), “Quê hương thu nhỏ” (Valse)…Một số ca khúc được nhiều người yêu thích và nhắc tên như “Sài Gòn niềm nhớ không tên”, “Căn nhà xưa”, “Em còn yêu anh”, “Một cánh hoa rơi”, “Quê hương thu nhỏ”, “Có bao giờ”, “Mưa khuya”, “Sống một ngày”, “Nếu một ngày”, “Mai tôi đi”, “Đường đưa bước em đi”, “Hãy thắp cho nhau một ngọn đèn”…

Nhiều người nói rằng, nhạc Nguyễn Đình Toànđể nghe hơn là để hát. Câu nói như thế có hai nghĩa, thứ nhất, có vẻ những ca khúc ấy không dễ hát; thứ hai, người tamuốn lắng nghe những lời ông nói trong những ca khúc ấy, như từng lắng nghe ông trong những chương trình Nhạc Chủ Đề năm xưa. Dù thế nào, cũng là một cách thưởng thức.

Nhiều người lại nói rằng, lời nhạc Nguyễn Đình Toàn là lời thơ. Nếu quả là vậy, người ta tìm nghe những ca khúc Nguyễn Đình Toàn để được nghe thơ ông. Những câu thơ ấy hóa thành câu hát, bài hát. Như thế cũng lại là một cách thưởng thức của những người yêu thơ, yêu nhạc.

Chiến tranh đã đi qua, chiếc bánh xe nặng nề của thời gian đã lăn đi một vòng. Như câu hát trong một ca khúc nào của ông, Tuổi xanh đã qua thì như lá thu vừa chớm vàng, Nguyễn Đình Toàn, giọng ông không còn trẻ nữa, ông cũng không còn dẫn chúng ta đi vào nhạc nữa. Cho dù có đến ngồi cạnh ông người ta cũng không sao tìm lại được dư âm của giọng trầm trầm quyến rũ ấy. Ông vừa là ông vừa như một người nào khác trong mắt nhìn xa vắng. Xa ngút ngàn như chiếc “áo mơ phai”. Tuy thế, người ta vẫn háo hức tìm đến những chiều nhạc Nguyễn Đình Toàn, tìm đến những ca khúc của ôngđể mong gặp lại ông, để mong tìm lại mình, tìm lạinhững ngày vui mơ hồ của những đời người đã cũ. Dù biết, chẳng bao giờ tìm được.

“Có bao giờ chúng ta sống được hai lần hạnh phúc của mình,”Nguyễn Đình Toàn, ông đã chẳng nói vậy sao?

Liệu có nhà văn, nhà thơ nào được người đời yêu mến, được nhớ đến được nhắc tên ở giọng nói, giọng đọc nhiều hơn ở tác phẩm như ông? Nguyễn Đình Toàn, ông là nhà văn, nhà thơ, người viết nhạc hay người “dẫn em vào nhạc” (cách gọi của ca sĩ Quỳnh Giao)? Cái phần nào chiếm nhiều nhất trong con người nghệ sĩ tài hoa ấy? Nhiều nhất, trên hết, ông luôn là một nhà thơ. Hầu như trong mọi tác phẩm của ông, trong mọi việc ông làm, đâu đâu cũng nhìn thấy thơ, cũng nghe ra thơ.

Văn chương Nguyễn Đình Toàn, từ truyện ngắn, truyện dài đến những trang bút ký, vừa thi vị vừa nhuốm chút gì buồn bã. Hơi văn ông nhẹ như hơi gió thoảng, mang một khí hậu ẩm ướt mưa phùn Hà Nội hay lướt thướt sương mù Đà Lạt. Đến cả lời giới thiệu, lời dẫn nhập ông viết cho một bài nhạc cũng đượm chất thơ, lại đi với giọng đọc diễn cảm không khác mấy giọng đọc thơ.(*)

Ca từ của ông rất gần với thơ. Khi ông viết phần lời cho bài nhạc của nhạc sĩ nào, người ta cứ ngỡ đấy là bài nhạc phổ thơ của ông. Nghe nhạc của ông, cho dù là một bài phổ thơ hay ca khúc ông sáng tác, người ta vừa được nghe nhạc vừa được nghe thơ. Chẳng thế mà tác phẩm mới nhất ông gửi đến người đọc có tựa là Thơ &Ca Từ. Thật chẳng biết đâu là đâu khi mà lắm ca từ của ông còn thơ hơn cả thơ.Riêng thơ của ông thì đúng là… thơ thật, một bài lục bát chẳng hạn,

Ru em lần cuối cùng này
Bằng hơi mát của một ngày sắp qua
Bằng giờ phút sắp chia xa
Rồi thôi, rồi chẳng bao giờ nữa đâu…
(“Ru”, thơ Nguyễn Đình Toàn)

Ông ru người, mà như ru mình.

Gió trời xin ngủ bình yên

Coi như giấc mộng ưu phiền đấy thôi

Ông viết cho người, mà như viết cho mình.

Nguyễn Đình Toàn, ông trầm mặc như cây rừng. Ông là gió của trời, nay lại về trời. Ông lặng lẽ rời đi, nhẹ tênh như cơn gió thoảng, bỏ lại sau lưng những giấc mộng ưu phiền.

Lê Hữu

(*)Thính giả yêu giọng đọc Nguyễn Đình Toàn có thể tìm nghe chuyên mục Đọc Sách với Nguyễn Đình Toàn, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) thực hiện năm 2000, qua giọng đọc Nguyễn Đình Toàn và Hồng Ngọc trên trang mạng T.VẤN & Bạn Hữu – Văn Học và Đời Sống:

https://t-van.net/category/doc-sach-voi-nguyen-d-toan/

Bài Mới Nhất
Search