T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Hữu: Thérèse, mãi mãi tuổi thanh xuân

Bích chương quảng cáo phim Thérèse (1962)

“Hãy cho tôi biết bạn đã đọc những cuốn sách nào, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai. Đúng thế, và tôi còn biết rõ về bạn hơn nữa nếu bạn cho tôi biết những cuốn sách nào bạn đã đọc lại.” Người nói câu ấy là François Mauriac, nhà văn người Pháp từng được trao giải Nobel văn học năm 1952.  

Giá như ông còn sống thì nhà văn T.Vấn hẳn sẽ được ông nói cho biết ít nhiều điều lý thú về tính cách con người mình để… hiểu thêm về mình. Lý do, gần đây T.Vấn đã tìm đọc lại cuốn sách mình từng đọc hơn 50 năm về trước, Thérèse Desqueyroux, một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của François Mauriac.

Việc chọn lựa một cuốn sách để đọc cũng đủ nói lên khuynh hướng, sở thích hoặc nhu cầu của người đọc. Tuy nhiên đấy chỉ là vòng một, qua đến vòng hai, là qua những gạn lọc, những cuốn sách nào còn đọng lại trong tâm trí, còn muốn tìm đọc lại mới đích thực là những sách đáng đọc, cũng tựa những người bạn đích thực. Chính việc đọc lại, chính cái vế sau trong câu nói ấy của Mauriac cho thấy ông quả là nhà văn sâu sắc, thâm trầm. Thérèse Desqueyroux được tờ báo lớn và lâu đời nhất của Pháp, Le Figaro, bình chọn là một trong mười hai tiểu thuyết hay nhất của nửa đầu thế kỷ 20 cũng là từ cái sâu sắc thâm trầm ấy của nhà văn sở trường về phân tích, đào xới tâm lý nhân vật đến tận cùng mọi ngóc ngách.  

Về phía T.Vấn, không chỉ đọc lại Thérèse Desqueyroux, ông còn đi xa hơn nữa, qua việc chuyển ngữ tác phẩm này sang tiếng Việt. Công việc dịch thuật, chuyển ngữ một tác phẩm, trong một nghĩa nào đó là đọc lại thật kỹ, đọc tới nơi tới chốn tác phẩm ấy.

Vì sao T.Vấn lại dụng công chuyển ngữ sang tiếng Việt một tác phẩm từng được chuyển ngữ, trước và sau năm 1975? Câu hỏi được chính dịch giả trả lời trong lời Tựa “Tại sao tôi dịch Thérèse Desqueyroux?”

Tôi sẽ kể lại câu chuyện “của chúng tôi”, bằng thứ ngôn ngữ của riêng tôi và qua mùi vị những hồi ức cháy bỏng của riêng tôi.

Ra là vậy! T.Vấn muốn kể lại câu “chuyện hai người” ấy bằng giọng kể của riêng ông. Sao không? Được quá đi chứ. Người ta vẫn kể lại cho người khác nghe, những người chưa nghe hoặc đã từng nghe, những câu chuyện lý thú từng được kể ở nơi này nơi kia. Với cách kể, giọng kể riêng, câu chuyện vẫn hấp dẫn như mới được nghe lần đầu.

“Mauriac có những lý do rất cá nhân của mình khi viết Thérèse Desqueyroux,” dịch giả T.Vấn cho biết và nói thêm, “Quyết định bắt tay vào việc dịch tác phẩm này của tôi, cũng mang ‘tính cá nhân’ tương tự.” Lý do có “tính cá nhân” ấy, được ông bộc lộ, ít nhiều liên hệ đến một người phụ nữ mà ông gọi là “Thérèse của tôi ở ngoài đời”. “Một Thérèse có thực,” ông nói, “bằng xương bằng thịt và những mặn nồng có thực; hay nói cách khác, một hạnh phúc có thực.” Chính Thérèse ấy, chính khuôn mặt người phụ nữ trên bìa sách ấy với ánh mắt đang nhìn ông đăm đăm, đã giục giã, thôi thúc ông. Nàng muốn được sống lại ngày xưa một lần nữa.

Một Thérèse duyên dáng, thanh lịch bước ra từ những trang tiểu thuyết của François Mauriac, hay một người nữ hóa thân thành nhân vật Thérèse trong tiểu thuyết ấy. Hiểu cách nào thì T.Vấn vẫn gọi được là “Thérèse của tôi”.

Tất nhiên, ông cũng chọn cho mình một vai diễn bên cạnh Thérèse. Còn vai nào nữa ngoài Jean Azevedo, chàng trai trẻ điển trai gốc Do Thái, chỉ là vai phụ, chỉ xuất hiện trong vài chương của cuốn tiểu thuyết ấy nhưng tác động lớn đến suy nghĩ, quyết định và hành động của Thérèse, tạo bước ngoặt lớn làm thay đổi hẳn cuộc đời nàng.

Người Vợ Cô Đơn là tên bản dịch tiểu thuyết ấy của Mặc Đỗ, được NXB Cảo Thơm ở Sài Gòn ấn hành năm 1966. Thời điểm ấy cũng là “thuở ban đầu” của T.Vấn khi mới làm quen với Thérèse, nên ông giữ nguyên tựa sách đó cho lần chuyển ngữ này, tôi đoán là như vậy.

Người Vợ Cô Đơn không phải là câu chuyện tình lâm ly, nhiều tình tiết gay cấn và hấp dẫn theo cách hiểu thông thường. Những trang tiểu thuyết có bối cảnh và khí hậu của những cánh rừng thông trầm mặc, phản ánh thế giới nội tâm của Thérèse và cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối”, thực chất là cuộc hôn phối của tài sản, gượng ép và buồn tẻ đến ngột ngạt. Cuộc sống vô vị, không tình yêu, không lạc thú ái ân bên cạnh người chồng tầm thường nhạt nhẽo, khác biệt tâm tánh và chẳng bao giờ hiểu được vợ mình. Trên cả nỗi “cô đơn”, ở Thérèse là nỗi trầm uất không tìm ra lối thoát, không cách nào giải tỏa. Khi cánh cửa hôn nhân đóng lại sau lưng, như kẻ mộng du, nàng tự bước vào chiếc lồng đã mở sẵn. Thérèse tự nguyện là tù nhân của chính mình, không đợi cho đến lúc người chồng tạo sự cách ly và giam hãm nàng vào “nhà tù” của ông như một cách trừng phạt tội lỗi nàng.

Với Bernard, ông chồng, cô vợ mình nếu không khật khùng thì cũng thuộc dạng bất thường. Ông luôn muốn được biết vì sao người vợ đầu ấp tay gối của mình lại muốn đầu độc mình, muốn mình chết đi cho khuất mắt. Thế nhưng, cho đến lúc trả tự do cho nàng, cho đến lúc nhìn người vợ bước ra khỏi đời mình, ông vẫn không nhận được câu trả lời nào rõ ràng.

Về phần Thérèse, nàng cũng cố gắng để hiểu được điều gì đã khiến nàng đầu độc chồng mình. Nàng đã hành động như trong cơn mộng du hay một lực đẩy nào xô nàng lao xuống “con dốc vô hình”, không cách chi cưỡng lại được? Mặc dù đã có sự chuẩn bị câu trả lời khi bị Bernard cật vấn, nàng vẫn không thể đưa ra lời giải thích nào làm thỏa mãn được người chồng.

Một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, một người mẹ không được gần gũi con mình, một trái tim không hơi ấm của tình yêu và những áp lực nặng nề của xã hội ngày càng nhấn chìm Thérèse, khiến nàng sống vật vờ như cái xác không hồn. Đến lúc nàng không trụ nổi nữa và sắp sửa ngã quỵ, người chồng quyết định trả tự do cho vợ mình. Ông đưa nàng từ Argelouse lên Paris để nàng tự lo liệu đời mình.

Cả hai hiểu rằng, giải pháp tốt nht là ra khỏi đời nhau.

Nghe thử mẩu đối đáp sau cùng trước giờ chia tay của hai vợ chồng.

Thời gian là buổi trưa, vào giờ ăn trưa. Không gian là đường phố Paris, trong tiệm “Café de la Paix”.

“Tại sao cô lại hành động như thế? Giờ cô hãy nói cho tôi biết đi.”

Thérèse chiếu ánh mắt vào khoảng không trước mặt…

“Bernard à…, tôi biết đến một Thérèse đã từng hãnh diện vì lấy được một Desqueyroux, được bước vào trong một trong những gia đình danh giá nhất vùng, sung sướng được cột dây đời mình, như cái cách người ta hay nói. Tôi biết đến một Thérèse có thật và bình thường như bao người khác, sống một cuộc sống như bao người khác. Không, không. Hy sinh Thérèse ấy cho một Thérèse khác là điều không đúng chút nào hết!” 

“Một Thérèse khác?”

Nàng không biết nói sao để trả lời.

Sau cùng, Bernard vẫn không sao hiểu được nàng.

“Anh sẽ cảm thấy rất trống trải ở đó. Dù cho tôi đã rời khỏi rồi, nhưng vẫn còn chỗ của tôi. Có lẽ tốt nhất cho anh là tôi nên chết đi.”

Và, khi Bernard rời đi, bỏ lại nàng một mình trong tiệm cà-phê trên hè phố ấy.

Thérèse chăm chú nhìn rất lâu vào giọt rượu còn sót lại trong chiếc ly của Bernard, rồi bắt đầu ngó mông quan sát các khuôn mặt khách bộ hành đi ngang qua.

Trang cuối cuốn tiểu thuyết có ánh mắt sáng lên, có nụ cười nhen nhúm từ lâu vắng bóng trên khuôn mặt Thérèse, như chút nắng hửng lên trong cánh rừng thông tịch lặng.

Nàng mỉm cười với chính mình, giống hệt như một người đàn bà hạnh phúc vẫn làm.

Chỉ là “mỉm cười với chính mình”, chỉ là chút khóe môi nhếch lên, chưa gọi là tỏa sáng trên khuôn mặt Thérèse khi nàng hòa nhập vào dòng người đông đúc đang chen chân vội vã trên hè phố Paris. Thế cũng đủ.

François Mauriac, bằng nghệ thuật phân tích sâu sắc những chuyển biến tâm lý của con người trong những trạng huống phức tạp nhất đã dẫn dắt và lôi cuốn độc giả qua những đoạn hồi tưởng, độc thoại nội tâm của nhân vật.

Nhân vật Jean trong Người Vợ Cô Đơn, chàng trai có đầu óc phóng khoáng, ham chuộng sách vở, nhiều nỗi đam mê và có vẻ ngoài thu hút đã mang đến cho Anne, em gái Bernard, chút hạnh phúc của một tình yêu lãng mạn. Đấy chính là cái mà Thérèse khao khát và không tìm thấy được ở chồng mình. “Hay ta đã bị mê hoặc bởi cái vẻ ngoài quyến rũ của cậu trai?” nàng tự hỏi lòng mình.“Ồ không, không thể như thế được! Nhưng cậu ta là người đàn ông đầu tiên ta gặp, cho ta biết đánh giá cái phần bên trong của một con người và coi trọng cái phần ấy hơn bất cứ thứ gì khác.

Chính điều ấy, chính nỗi khát khao tự do, khát khao tình yêu sau lần gặp Jean ấy đã đẩy nàng Thérèse tới quyết định giải phóng đời mình ra khỏi nỗi cô đơn cùng cực.

Nhiều độc giả từng đọc tác phẩm này từ một bản dịch khác, sẽ tự mình khám phá những điểm lý thú qua bản dịch này, kể cả so sánh, cũng tựa như so sánh những cuốn phim được chuyển thể từ cùng một tác phẩm này. Về phần tôi, cũng phải cám ơn dịch giả T.Vấn đã cho tôi cơ hội được “đọc lại”, được nhìn ngắm rõ hơn diện mạo của Thérèse và học hỏi được đôi điều ý nghĩa, chẳng hạn, để nhìn thế giới cho công bằng và trung thực, hãy ra khỏi chính mình và nhìn sự việc bằng con mắt của một người có cách nhìn khác mình.

Bên cạnh những lý do được dịch giả bộc lộ cho việc chuyển ngữ tác phẩm này, tôi ngờ rằng vẫn có những nỗi niềm ông chưa giãi bày hết, chẳng hạn mối đồng cảm giữa hai tâm hồn cô đơn.

Trong nỗi mất mát, hụt hẫng sau ngày người bạn đời thân quý không còn ở bên cạnh, và “trong cái cô quạnh của căn phòng giờ chỉ còn mình tôi”, hơn bao giờ hết, ông thấu hiểu được tâm trạng củanhân vật chính Thérèse trong những đêm không ngủ, khi nàng đứng trơ trọi ở cửa sổ nhìn những rặng thông lấp loáng giữa bóng tối đặc quánh đến độ có thể lấy tay sờ được.

Thực sự, không có nỗi cô đơn nào giống nỗi cô đơn nào. Những nỗi cô đơn đến cùng tận, nếu không hủy hoại cuộc sống thì cũng dễ đẩy con người rơi vào hố sâu trầm cảm. Muốn có một cuộc sống mới người ta phải sống trong một khung cảnh mới. Nàng Thérèse trong truyện và chàng Jean ở ngoài đời, cả hai cùng rời bỏ một nơi chốn quen thuộc để đến một nơi chốn khác, bắt đầu lại cuộc sống khác, mong tìm thấy tia nắng ấm sau những ngày dài ảm đạm. 

Qua việc chuyển ngữ tác phẩm này, T.Vấn cho biết, ông muốn giới thiệu lại với độc giả trẻ Việt Nam một tác phẩm kinh điển vẫn còn sống sót dù trải qua năm thế hệ nhân loại. Với những độc giả lần đầu làm quen và yêu thích tác phẩm này, Người Vợ Cô Đơn có đến hai đời sống và nhân vật Thérèse vẫn ở tuổi thanh xuân chứ không già đi chút nào. Cũng cần nói thêm, những lời bày tỏ của dịch giả qua lời Tựa cũng gieo vào lòng độc giả ít nhiều cảm xúc khi biết rằng, gửi đến người đọc dịch phẩm này, ông còn gửi theo chút tâm tình, “Tôi muốn được gặp lại người xưa. Hay, chính tôi muốn sống lại ngày xưa một lần nữa…”

“Ngày xưa, một lần nữa”, nghe tha thiết quá, làm nhớ câu hát trong bài tình ca nào, “Tôi sẽ về lại để yêu em thêm một lần nữa.” Không chỉ muốn “hội ngộ cố nhân” là nàng Thérèse, ông còn muốn gặp lại mình, muốn được sống lại quãng đời ngỡ đã trôi qua mất. Cũng giống như nhân vật Thérèse trong chương cuối của Người Vợ Cô Đơn, nhân vật Jean của ngày xưa ấy, cũng tìm được chút hạnh phúc ở cuối đường. Trong suốt thời gian thực hiện bản chuyển ngữ, tôi đã sống lại được nỗi đam mê của thời trai trẻ, đã đắm chìm trong những trang sách với cảm giác hạnh phúc rất hiếm hoi ở một người (già) như tôi.

Như vậy, hiểu theo một cách nào đó, người ta vẫn tìm lại được “thời gian đã mất”, vẫn tắm lại được hai lần một dòng sông.

Thérèse, nàng có còn đó không? Nàng có đợi chàng về? Không làm sao biết được. Nhiều lắm chỉ biết rằng, nói như dịch giả T.Vấn, “Vì là một nhân vật của tiểu thuyết, nàng vẫn mãi mãi tuổi thanh xuân.”

LH

* Những chữ in nghiêng là tên tác phẩm, dịch phẩm và câu trích dẫn trong sách này.

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search