T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

LÊ MAI LĨNH:  NGÀY KHÔNG GIÓ (Những điều chưa ai nói)

Gió – Tranh: THANH CHÂU

Phóng bút

Bài viết này, viết theo trường phái văn chương NGẪU HỨNG, do tôi TÁI SINH.

Tôi tìm thấy nó qua một bài báo cách nay hơn 65 năm.

Và từ đó tới nay, không thấy ai lên tiếng chủ quyền.

Nay, tôi tạm giữ làm CHA NUÔI.

Nay mai, nếu có ai đòi, tôi xin trao lại, không điều kiện.

Thế nào là văn chương NGẪU HỨNG, xem hết, quý Thượng đế sẽ hiểu, 

Độc giả là Thượng đế.

 .

Từ lâu lắm rồi, trên FB, tôi đã gặp những bài thơ của bà. 

Tôi đã nhìn, chiêm ngưỡng, vẻ đẹp rất lạ lẫm của chúng.

Tôi đã chốt, đóng dấu mộc, vào đôi mắt cú vọ của tôi.

Tôi nâng niu, chiều chuộng, không một phút ngơi nghỉ, rời xa.

Đây là thơ của bà, nhưng tôi lại nghĩ là lời kinh, kinh thơ, lời của thần thơ.

 .

Người đàn bà cặm cụi

Nhặt ký ức thời gian giấu vào gấu áo

Soi nhớ trong quen

Soi hình trong bóng

Thấy trắng trong đen

Thấy không trong có.

 .

Đây là thơ chăng.

Làm thơ 66 năm qua ba thể chế Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, tôi chưa từng thấy những lời thơ lộng lẫy, kiêu sa như vầy.

 .

Có tiếng nấc 

Của bầy chim sẻ

Bỏ phố về rừng

Từ buổi can qua

Thương cọng lúa non

Oằn mình chín vội

Mai sa trường 

Thiếu phụ hóa chinh phu

Đọc những câu thơ của bà, tôi sướng làm sao, cả mê tơi nữa.

Làm tôi nhớ tới giờ Việt Văn của 60 năm xưa, đệ nhị, khi ông thày giảng bài Tống Biệt của nhà thơ Tản Đà.

Lá vàng rơi rắc lối Thiên Thai

Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi

Nửa năm tiên cảnh

Một bước trần ai

Ước cũ duyên thừa có thế thôi!

Đá mòn, rêu nhạt 

Nước chảy, huê trôi

Cái hạc bay vút lên tận Giời!

Giời đất từ đây xa cách mãi. 

Cửa động 

Đầu non,

Đường lối cũ 

Ngàn năm thơ thẩn bóng giăng chơi. 

Ngày đó, ông thày nói, bài thơ của Tản Đà có nhiều THẦN NGỮ, đậm nét nhất là chữ VÚT. Nay thơ bà,

Tiếng NẤC của bầy chim sẻ

Chim về rừng từ buổi CAN QUA

Cọng lúa OẰN MÌNH CHÍN VỘI 

Mai sa trường 

Thiếu phụ hóa CHINH PHU.

Tôi không thể nghĩ khác, đó cũng là những THẦN NGỮ…

Tôi còn nghĩ, bà không LÀM THƠ, mà là CAO THƠ.

Một câu, bà sắc lại còn vài chữ.

Một đoạn, bà sắc lại còn vài câu

Một bài, bà sắc lại, còn dăm dòng.

Mai về

Tắm giặt trên song cũ

Lòng nhớ

Bãi bờ phía bãi xa

Áo trắng vạt dài 

Mây khói trăng

Dịu dàng em

Thuở ấy, 13.

 .

Mai rồi

Hoàng hạc lặng im

Trên đồi cỏ

Một màu sim tím… chiều

Ve trường 

Rung lên tiếng chuông 

Yêu thương

Là cả bài thơ không đề.

Thơ bà này, là thơ của ÁNH SÁNG.

Nhưng nay, thời nhiễu nhương, buổi can qua, nên tạm thời, thơ bà “bị” nằm trong BÓNG TỐI.

Ngay cả, những cây bút gạo cội, những cây đa cây đề, trong giới phê bình, cũng chỉ đề cập tới những điều không nằm trong chủ đích thơ của bà.

Thơ của bà, không phải dăm ba câu tình yêu nam, nữ. 

Thơ của bà, không phải dăm ba câu về Thiền, về Phật.

Nếu chỉ vậy thôi, thì hóa ra thơ bà, chỉ làm cho cuộc đời đèm đẹp

Nếu chỉ vậy thôi, hóa ra thơ bà, chỉ là làm dáng trí thức.

Bây giờ, thời của nhiễu nhương, can qua, thời của, “mời đi uống cà phê, mời lên phường làm việc”, nên thơ bà, lui về ở ẩn.

Những nhà phê bình kia, cũng có thể họ cũng nghĩ vậy, nên tốt nhất, phớt lờ, không nên đào sâu, dao kéo, phẫu thuật… Cho ổn yên!

Tại sao tôi nói rứa. Vì rằng thì là,

NGÀY KHÔNG GIÓ, là một tai họa của lịch sử và dân tộc.

NGÀY KHÔNG GIÓ, đã thể hiện sứ mệnh của một người cầm bút, nơi đây là một thi sĩ và trách nhiệm công dân, của bà đó. 

Tôi không gọi tên, nhắc lại một lần nữa, tôi không gọi tên của bà, lý do, tôi nói sau.

PHẢN KHÁNG và DỰ BÁO, chính là mục đích của tác giả.

Không may cho tôi, là tôi đã không ÔM được NGÀY KHÔNG GIÓ trong lòng, nên tôi bị nghèo nàn về phần trích dẫn thơ, làm phong phú cho ý tưởng của mình, muốn diễn đạt.

CHIẾN TRANH, con quái vật chiến tranh, thế giới sẽ không bao giờ hết chiến tranh.

Sứ mệnh của thi sĩ là PHẢN KHÁNG CHIẾN TRANH.

Bà đã làm điều đó.

Hãy ngừng chiến tranh

Cho chim non còn tổ

Cá con bơi lội giữa ao hồ

Đời ngắn quá

Xin một lần dừng lại

Người thương người, biển cạn hóa mênh mông.

Chỉ có điều hơi lạ, là bà kêu gọi, người thương người, nhưng bà chỉ quan tâm chim, cá. 

Theo tôi, cơ quan Liên Hiệp Quốc nên chọn bà làm đại sứ bảo vệ môi trường và súc vật.

Về bảo vệ môi trường, thì bà đúng là một DŨNG SĨ.

Bảo vệ môi trường bằng thi ca:

 .

Đêm hiện hữu

Quặn tiếng thở dài của biển 

Sạt l nỗi buồn

Thủy táng niềm đau

Núi đã khô 

Nghìn đêm rừng dịch chuyển 

Dư chấn hỗn mang

Thương tích mặt trời

Con sông đó xuống ngày sinh tử

Con sông không về

Liệm xác khúc trầm luân.

Thi ca của bà PHẢN KHÁNG chiến tranh và sự tàn phá môi trường.

Không những thế, chỉ có thế, mà bà còn đưa ra nhưng DỰ BÁO về tương lai nhân loại.

NGÀY KHÔNG GIÓ, ấy là ngày Tận thế.

NGÀY KHÔNG GIÓ / NGÀY KHÔNG GIÓ /  NGÀY KHÔNG GIÓ 

Cớ sao là Ngày Không Gió.

Có không là Ngày Không Gió.

Làm sao lại có Ngày Không Gió.

Làm gì có Ngày Không Gió.

Gió là sự di chuyển, vận hành của không khí, tùy áp suất, mỗi nơi, vùng này vùng nọ. Gió luôn hiện hữu, thường trực hiện hữu, hằng hằng có mặt.

Có gió to gió nhỏ. Gió mạnh gió nhẹ. Gió xa gió gần. 

Không thể có NGÀY KHÔNG GIÓ.

 .

NGÀY KHÔNG GIÓ là dự báo của bà, về một NGÀY TẬN THẾ.

Bà không nói khơi khơi.

Đọc câu thơ của bà, “xin làm người thắp nến”, làm tôi nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn:

“ Những đêm mưa, em có thắp ngọn đèn

Đ soi sáng những góc lòng đen tối.”

Ngọn đèn của NBS, nói về cá nhân.

Ngọn nến của bà, nói tới số phận nhân loại.

Khi nào ngọn nến, đèn tắt, là loài người tiêu vong.

Nói tóm lại, thơ của bà, là thơ có sứ mệnh và trách nhiệm, không phải là thơ làm dáng trí thức hay làm đèm đẹp cuộc đời. Tôi nói lại.

 .

Nói tới chiến tranh, thế giới sẽ không bao giờ hết chiến tranh.

Hết VN, qua Trung Đông, giờ là Nga/ Ukraine.

Thế giới này sẽ hết chiến tranh chỉ khi nào, những THI SĨ, được đóng vai trò lãnh đạo thế giới.

Chẳng hạn như, lúc đó, bà thi sĩ này, sẽ là VUA của nước Đại Cồ Việt, thì chiến tranh sẽ không còn.

 .

Bài này là bài thứ ba tôi viết.

Bài đầu, tôi bị bà chê, hời hợt, không đụng “tầm” của thơ bà…

Bài hai, tôi bị cậu em, nhạc sĩ Cung Minh Huân chê, bố cục không mạch lạc, kết luận còn lỏng lẻo, chưa đụng tới “tầm” của ngòi bút “khùng thi sĩ.”

Và tôi nghĩ, hai người kia chê là đúng. 

Tôi cũng chê!

Bài này, tôi không chê, nên tôi tin, bà kia, cậu em và nhiều người khác, sẽ không chê. 

Hy vọng là thế!

 .

Đôi điều nói thêm ngoài bài viết.

10, 20, thậm chí 50 năm sau, NGÀY KHÔNG GIÓ sẽ được những nhà viết lịch sử văn học khai quật lên, như khai thác một mỏ vàng văn chương. 

Lúc đó, bà sẽ được nhắc tên, bên cạnh Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan… hẳn nhiên là với sứ mệnh khác, vai trò, vị thế khác, do việc khác thời đại ra đời và trưởng thành.

Hãy tin tôi đi! Tôi nói cấm sai!

 .

Tôi cũng muốn nói thêm, nhưng tôi cấm tôi không được nói.

Đó là, nhan sắc pha trộn, tổng hợp giữa Đông Tây của bà.

Một chút Elizabeth Taylor, một chút Nam Phương Hoàng hậu, 

Một chút Audrey Hepburn, một chút Kiều Chinh.

Tôi cũng định nói thêm về chiếc áo đầm bà thường mặc… mà tôi chỉ thấy trong truyện cổ tích, thần thoại và những mệnh phụ bên trời Âu.

 .

Phải thế không nàng.

Bây giờ thì tôi nói, tại sao không gọi tên nàng!

Tôi sợ phạm húy và vô phép.

Tôi viết như ri, được chưa.

LÊ MAI LĨNH 

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search