T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Tất Điều: Chuyện vui về vụ Hấp Lực

Galileo’s falling bodies experiment.

(Ảnh: https://www.sciencephoto.com/)

Thư gửi bạn, trong bài về Hấp Lực, tôi đã tiên đoán:

“Đứng trên mặt đất, một hành tinh từng sát na là mỗi biến chuyển, trôi miên man về cõi vô cùng, chúng ta sẽ còn nhiều dịp “ngộ nhận” như thế. Hôm nay, tạm giải quyết một ngộ nhận từ 400 năm trước.”

Bạn cho phép tôi huênh hoang, vênh váo, khoác lác chút xíu nhé: Đúng là tiên đoán như thần!

Vừa giải quyết xong một ngộ nhận từ 400 năm trước đã có ngay một ngộ nhận khác năm 2024. Chỉ vì “mặt đất là một hành tinh luôn biến chuyển trong từng mỗi sát na”.

Đây là đầu đuôi câu chuyện:

Cuối năm 2015, một hội viên trong “The Theoretical Physics Group” nêu câu hỏi: “Tại sao trong chân không cây búa và sợi lông chim rơi cùng một tốc độ như Galileo đã khám phá.” Không ai trả lời được.

Tiến sĩ Charles Ivie và tôi đã có ý niệm về câu trả lời, dựa trên một thí nghiệm trong ý tưởng của Einstein về sự biến đổi vị thế của “người quan sát”. Nhưng câu trả lời chưa ổn vì lúc đó tôi chưa xác định được vị trí của muôn vật trong không gian.

Sau một thời gian nghiên cứu về “chuyển động đơn phương”, “chuyển động trong môi trường đang chuyển động”, và đặc biệt là “chuyển động dây chuyền” tôi đã tìm được câu trả lời, và viết bài này: “Vũ Trụ không hề có Hấp Lực”.

Tóm tắt, câu trả lời – hàm chứa trong bài viết – như sau:

“Khi phi hành gia David Scott buông rơi cây búa và lông chim trên mặt trăng, ném chúng vào cõi bất động, thì cũng là lúc chính anh, và toàn thể mặt trăng, đang ầm ầm di chuyển.

Trên mặt đất, khi chúng ta đang ngắm nghía quả cầu và lông chim – được thả trong chân không – xem chúng rơi kiểu nào… thì chính chúng ta, mặt đất ta đang đứng, cũng đang ầm ầm di chuyển, theo đúng nhịp vận hành của địa cầu.

Vật thể bất động, chỉ có người ngắm nghía chúng là di động thôi.

Do đó, bốn trăm năm trước, Galileo, với góc nhìn từ mặt đất – như muôn người trên thế gian – đã kinh ngạc kêu lên là trong chân không muôn vật “rơi” cùng một tốc độ. Trong khi lông chim, cây búa, muôn vật… thực sự chẳng hề rơi, dù có hay không có “chân không”.

Và nhân loại, từ người đầu tiên cho đến người sau cùng, luôn luôn có cảm tưởng là cây búa, lông chim “rơi” cùng tốc độ, nhờ lý thuyết “chân không” của Galileo!”

Phần “Vũ Trụ không Hấp Lực” là hệ quả bất ngờ sau khi khám phá ra câu trả lời đó, như đã trình bày trong bài trước.

Hồi đó, khi ông Ivie và tôi nêu ra ý tưởng cây búa và lông chim không rơi, một khoa học gia người Hy Lạp tỏ vẻ nghi ngờ:

I see a logical drawback. Suppose Earth does accelerate towards items (and not the other way around). We are seven billion people. Neglect other items. We all jump (walk, play) happily during the 24 hours of the day (86,400s). It seems to me that earth has to jump, on the average, 81,018 times in a second to catch up with all of us, all around the globe.

Let’s simplify; say only two people across the Earth’s diameter synchronize their clocks and agree to jump simultaneously. How fast should Earth move towards the first guy, then towards the other? 9.8m/s^2 does not look promising?”

Tóm tắt, ở đoạn cuối, ông nêu trường hợp một người (tạm dùng một thí dụ dễ hiểu) ở phía đông địa cầu, quyết định cùng nhảy lên với người đối xứng ở phía tây địa cầu, thì trái đất tính sao? Nhảy qua nhảy lại để “đón” đủ hai người thì chắc chắn không kịp vì chỉ có 9.8m/s^2 thôi.

Tôi đã giải thích và ông hiểu ngay.

Mới đây, sau khi bài về Hấp Lực được đăng tải, một vị giáo sư Việt Nam cũng thắc mắc:

“Nếu một người đứng ở BẮC CỰC đánh rơi một chiếc búa, trái đất sẽ “dâng” lên để “hứng” cái búa; vậy cùng thời điểm ấy một người đứng ở NAM CỰC cũng đánh rơi một chiếc búa trong lúc Quả đất đang “dâng” lên để “hứng” cái búa ở BẮC CỰC thì chắc cái búa ở NAM CỰC… bay vào không gian?”

Chỉ khác ông khoa học gia Hy Lạp, ông giáo sư Việt Nam thắc mắc xong là sỉ nhục, phỉ báng tác giả liền tuýt suỵt.

Chưa kịp hoàn hồn đã nghe ông rêu rao trên mạng là vừa bắt được con vịt cồ: “con vịt Vũ Trụ Không Có Hấp Lực”. Chưa hết, một vị Tiến sĩ là đệ tử của ông, cũng lo viết bài “giải thích để anh em khỏi bị đầu độc vì những kiến thức không chính xác mà ông L.T.Đ. viết”.

Ông giáo sư là người Việt cao quý, lâu nay tôi rất mến phục. Vội viết thư gửi ông, đại ý rằng: NếuGiáo sư thấy nó đúng là “con vịt vũ trụ không hấp lực” hoặc “… bị đầu độc vì những kiến thức không chính xác” v.v... thì tôi xin tôn trọng tôn ý, không dám phàn nàn. Chỉ xin thưa với giáo sư là trong suốt hơn một thập niên nghiên cứu, chưa khi nào tôi manh tâm thả vịt hay đưa ra những kiến thức không chính xác để làm hại ai…”

Giáo sư không thèm trả lời, coi như bản án “vịt cồ” đã thành án chính thức rồi. Anh không manh tâm, hay có manh tâm thì… mặc xác anh.

Suốt hơn một thập niên nghiên cứu, tranh luận nhiều khi sôi nổi, gay gắt, với khoa học gia nhiều quốc gia, chưa bao giờ gặp người trâng tráo lạ lùng như ông giáo sư này: Nói về một vấn đề – ngoài tầm hiểu biết của mình – với thái độ hết sức kiêu căng.

Bây giờ ta bàn về lý luận bắt vịt của ông giáo sư:

“Nếu một người đứng ở BẮC CỰC đánh rơi một chiếc búa, trái đất sẽ “dâng” lên để “hứng” cái búa; vậy cùng thời điểm ấy một người đứng ở NAM CỰC cũng đánh rơi một chiếc búa trong lúc Quả đất đang “dâng” lên để “hứng” cái búa ở BĂC CỰC thì chắc cái búa ở NAM CỰC… bay vào không gian?”

“Kịch bản” này ngây ngô, rất tiếu lâm. Và nó không mới mẻ. Nó xuất hiện sau phát biểu của ông Khoa học gia Hy Lạp cỡ chín năm.

Hai vị có cùng một điểm sai:

Khi tưởng tượng về địa cầu để lập thuyết, họ đã tưởng tượng NÓ ĐỨNG TẠI CHỖ – stationary.

Vì nó đứng tại chỗ nên khoa học gia Hy Lạp lo quá trời: Nếu hai người ở bên Đông và bên Tây cùng nhảy thì Trái đất đón sao cho kịp, vì chỉ có 9.8m/s^2 giây thôi.

Vì nó đứng tại chỗ nên Ông giáo sư đưa ra hoạt cảnh bi thương “Trái đất vừa hứng cái búa của người ở Bắc cực, xoay trở không kịp, đành bỏ qua cái búa ở Nam Cực, khiến nó rơi tuốt luốt vào không gian. Tình cảnh vô cùng ai oán, thê lương.

Lời Giải thích năm xưa, xin ghi lại để trình ông giáo sư:

Trái đất không bao giờ đứng một chỗ.

Nó chuyển động liên miên. Khi nó tiến tới, đón cái búa của người ở Bắc Cực, thì chính trong sát na của sự tiếp xúc ấy, toàn thể trái đất – toàn thể – đã “bay” về hướng khác, mang theo cái búa, miên viễn tiếp tục cuộc hành trình.

Muốn biết nó bay bao xa, đến đâu, thì làm một con tính tổng hợp độ xoay tròn cùng đường bay trên quỹ đạo của nó. Còn muốn chính xác hơn thì thêm vận tốc của Thái Dương Hệ, Dải Ngân Hà… càng nhiều càng tốt, vì địa điểm sau cùng của nó luôn luôn là cõi vô cùng.

Vì mặt trăng chuyển động nên David Scott có thể buông rơi lông chim cây búa bất cứ chỗ nào mà không sợ có chàng David Scott 2 ở bên kia mặt trăng bị ảnh hưởng, lông chim, cây búa của anh ta rơi tuốt luốt vào… Vũ Trụ.

Vì trái đất, mặt trăng cùng vô lượng thiên thể liên miên chuyển động, chúng trở nên thành phần sinh động nhất trong không gian.

Năm xưa, thấy lý thuyết “cây búa, lông chim không rơi”, khoa học gia Hy Lạp lên tiếng lịch sự, nhẹ nhàng: “I see a logical drawback.” Và chấm dứt bằng dấu hỏi để nhường chỗ cho quý đồng nghiệp góp ý. Khiêm tốn, lịch sự và văn minh.

Ông giáo sư bây giờ, kiến thức về thiên văn, vũ trụ học chắc chưa đầy một chiếc lá đa nho nhỏ, xinh xinh, đọc bài của tôi, đưa ra lời bình luận vừa ngớ ngẩn vừa hết sức tiếu lâm. Rồi sau đó, “tôi phục tôi quá”, hô hoán ầm lên là bắt được vịt cồ, lại còn tóm cổ được một tên tè-rô-rít của cộng đồng ta, chuyên đưa ra những kiến thức không chính xác để làm hại anh em!

Về già, sức cùng lực kiệt, biết thân biết phận, chỉ còn giữ cái thú viết lách lăng nhăng. Ngờ đâu, giờ đây, nó cũng trở nên hết sức nhọc nhằn, gian khổ.

Cứ vừa viết xong một bài là vội lật đật sắm sửa đèn nhang, lên chùa cúng Phật.

Xin Phật độ trì cho bài mình được gặp những độc giả thông minh.

Lê Tất Điều

(1/26/2024)

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search