T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: ĐẤT VỠ TRO TÀN (3)

Đường đi không đến – Tranh: Thanh Châu

NƯỚC ĐI LÀ NƯỚC KHÔNG VỀ (1)

BÓNG TỐI (2)

Có tiếng chuông, chắc là anh Tường.   Mây nhìn ra lỗ kính bé tí, cái dáng nghiêng nghiêng của anh Tường bị bẻ cong gần thành cây cung.  Anh luôn có vẻ cười cợt dù không hề nhếch mép.

Anh vô nhà chờ em một chút.

-Ừ, cô nhớ lẹ lên, thằng Biền đang chờ ở quán.

Anh Tường theo Mây vào nhà, anh xuống thẳng bàn bếp ngồi chờ.  Thân thiết là vậy, chứ Mây biết nếu Mây không mời thì anh không vào nhà.  Hôm nay mát trời anh mặc sơ mi cụt tay và quần ka ki, đi xăng đan, nhưng hôm lạnh thì cũng vẫn quần kaki áo sơ mi cụt tay, chỉ là sẽ có áo khoác và giầy da.  Anh không đi ba ta, không mặc quần jeans áo thun.  Anh không nói ra, nhưng Mây biết (cái gì Mây nghĩ về anh phần nhiều đúng khi có dịp kiểm chứng!) những thứ đó làm anh cảm thấy mình lấc cấc, không đúng tác phong nghiêm chỉnh. 

Anh và anh Biền là hai thái cực.  Anh cao, to xương, thái độ hời hợt lãng đãng không tranh cãi; anh Biền nhỏ con, dáng hơi chúi tới trước, nét mặt nghiêm cứng và luôn toát ra cái quan niệm “không thể cá đối bằng đầu,” đừng có xưng hô quờ quạng sẽ bị mắng như chơi, và anh không bao giờ nói đùa dóc lác như các anh khác dù họ cùng một gốc lính cũ.  Cứ như một tay xòe một tay nắm, cứ như anh hề và nhà giáo.  Anh hề tuy hề nhưng không chịu mất tư cách tác phong.  Anh nhà giáo tuy quyết giữ trật tự xã hội nhưng có khả năng nhìn suốt hoàn cảnh để chấp nhận những chuyện dẫu ngoài lề nhưng là chân tình.  Anh không bao giờ thắc mắc quan hệ của Thái với ông Kha.  Hai anh không ở gần nhau, mỗi kẻ nỗi nơi vì miếng cơm manh áo, nhưng luôn quấn quít với nhau khi có dịp.  

Mây và anh Tường đến, nơi bàn đã có anh Biền và anh Tửng.  Anh này tửng thiệt như cái tên.  Anh tới Mỹ thì kỳ cụi học hết cái bằng cao học, đi làm chuyên gia tâm lý, và viết lách lai rai.  Hội nhập quá phải không?  Khi mặt trận kháng chiến rộ lên ngoài này với hình ảnh người lãnh đạo mặc bà ba đen quấn khăn rằn y như lãnh tụ cộng sản, trong lúc có người trầm trồ là định mệnh vì tên của người lãnh đạo cũng là những vần chữ cái của lãnh tụ Hồ Chí Minh, thì anh Tửng viết bài bỏ nhẹ một câu đại khái “đừng có nhắc tới sợi dây thừng với những gia đình có người bị thắt cổ …”  Cái câu cà tửng đại khái đó được hưởng một phần thưởng đe dọa lấy mạng của kẻ dấu tên.  Nhưng anh vẫn tà tà phây phây đem hết thời giờ moi hết những chuyện trời ơi đau lòng ra nói và bao tiền lẻ có được đều cho quỹ đen giúp ngầm những người đang bị đàn áp.  Anh nhất định sống làm người tỵ nạn và chết phải là người tỵ nạn, không thể nào khác. 

Không biết có phải vì sự có mặt của một phụ nữ là Mây mà ba anh giữ lời, vì không anh nào nói gì.  Anh Tùng ngồi xuống là đốt thuốc, anh Biền bập bập ống vố, và anh Tửng chỉ nhấp nước lọc (cái chai thì rõ là chai nước, chứ cái nước trong veo đó là gì thì không ai dám hỏi).  Anh Biền nhìn Mây hỏi vắn gọn “thầy sao rồi?”  Thầy, anh học Toán với thầy cỡ sáu tháng, lúc đang hoàn tất bằng cử nhân Khoa học.  Thầy rời khỏi nước và anh Biền trở lại đơn vị, chỉ mang theo với mình những lời bình thơ trích ngang trong giờ Toán và những bài tản mạn văn chương của thầy.

Hôm nay ra sao em không biết, em chưa gặp Thái.

-Mình vô thăm ổng bây giờ được không?  Anh Tửng hỏi.

Anh Tường đứng dậy, anh Biền nói:

Trả rồi.

-Tao có bao giờ giành cái mục đó đâu mà mày lo.  Mắt nheo nheo cười cợt, anh Tửng mặt tỉnh bơ như điếc.

***

Phòng bịnh của ông Kha là một gánh xiệc, một cái sở thú nhỏ.  Ông nhiều khách thăm viếng đến nỗi nhà thương cho hẳn ông một mình một phòng, có bàn tròn và ghế tiếp khách.  Bè bạn người thân tụ thành từng nhóm nhỏ trong phòng, dọc hành lang, rì rầm nói chuyện.  Hoa chậu hoa bó không còn có thể xếp ngăn nắp.  Nơi bàn, cô ký giả của tờ báo anh Tường cầm giữ đang lu loa.  Cô nhắc tên những người đã ghé thăm, những người chưa biết tin ông Kha.

Oh, đúng, nhà văn đó chưa ghé.  Khi ổng ghé mình sẽ đưa luôn bài phỏng vấn để in vào sách của em.

Xực nhớ ra chuyện gì, cô tất tả chậy đến bên giường.  Cuối giường, đứa con gái ông Kha đang chăm chú thay vớ cho bố.  Đầu giường, một nữ văn sĩ và một nhà báo đang sửa soạn chụp hình lưu niệm với tấm thân vàng võ quắt queo ấy.  Mây biết, khi nhà thương xướng to giờ giấc, tựa tiếng búa nện đinh đóng chặt nắp hòm, thì bức hình đó sẽ rạng rỡ trên mạng…

Cô ký giả hỏi:

Anh, cái bài em nhờ anh kiểm đâu?

-…  Ông Kha nói khẽ khàng một điều gì đó.

Thái, Mây đã đứng bên cạnh, nhìn họ một cách lơ đãng.  Cả hai người con trai và cô con gái của ông cũng mang vẻ bình lặng như phủ một màn sương trong.  Đứa con gái ngồi cuối giường nghiêng tai chăm chú, và lập lại câu trả lời với cô ký giả.  Cô lập lại câu hỏi, con gái lập lại câu trả lời.  Căn phòng chợt lắng im như cái nín lặng của đứa con gái đã nuốt trọn mọi âm thanh xao xác mọi nỗi bực mình căng thẳng xuất phát từ câu hỏi dằng giai lãng nhách.  Ông Kha sắp đi vào chốn thâm u, mọi thứ hệ trọng đều sẽ tan loãng như sương cô có biết?

Một ánh flash lóe lên, một nét đau hằn lên mặt con gái.  Anh Biền quắc mắt nhìn về hướng họ.  Ở giữa cái lưng chừng của một hành động sắp bung ra, hai người con trai bước tới chỗ anh Biền anh Tường anh Tửng đề nghị ra gặp hội quân nhân bàn chút việc.  Anh Biền nói khẽ nhưng cương quyết: “Các cháu nhờ tôi nói với quí cô bác thân hữu xin đừng chụp hình bố cháu vào lúc này nữa.”  Rồi anh quay lưng nối gót các anh kia, mặt đầy nỗi bực mình nhuốm chút ngao ngán.  Cô ký giả lại tràn vào, giọng nghiêm trọng, “xin quí vị cho tôi năm phút để nói chút chuyện với ông Kha.”  Chuyện quan trọng khẳng định một vai trò, phải vậy không?  Mọi người rút ra, vừa lúc anh Biền quay vào, anh ngơ ngác nhìn mọi người ra cửa, Mây khẽ nói với anh lý do.  Mắt anh tóe lửa, chả biết anh nói gì bên trong rồi cô ký giả phụng phịu ra về.  Mây liếc mắt nhìn Thái.  Nét mặt Thái vẫn phẳng lạnh như thạch cao, trong mắt dường như sương đã phủ một màn trong làm tròng đen thêm lóng lánh.  Môi Thái vẫn đỏ, má vẫn hồng, Thái vẫn đẹp như một bức tượng.  Mây thấy lòng mình ứa một nỗi đắng cay.

Bên ngoài hành lang, các anh hội quân nhân đang giải thích một điều gì đó với anh Biền.  Anh lắc đầu dứt khoát.  Phủ cờ chỉ cần 4 người chúng tôi là đủ, không cần đến nhiều người mà phải giả mặc quân phục, thêm bôi bác màu cờ sắc áo.  Anh Tường nhếch mép, khẽ cúi đầu như gật, di di chân trên mặt gạch, anh Tửng hớp gọn một hớp nước trong, phải vậy.

Cuối hành lang, một cái bóng nhỏ nhắn bước tới rụt rè hỏi phòng ông Kha.  Tự dưng Thái và Mây nhìn nhau.  Thái bước ra trước, nhẹ nhàng nói chị theo em.  Cô áng chừng hơn Thái và Mây vài tuổi, giả lả “tôi ở Canada,” không phải tiểu bang khác – Mây thầm nghĩ, “nghe tin ông trở bịnh nặng…”  Câu nói bỏ dở nhưng đâu có ai cần nghe hết hay nghe bất cứ lời giải thích nào.  Cô bước vào, ngồi bên ông, nắm tay tha thiết:

Ông ốm nhiều quá, thật quá tệ.  Em gửi đông trùng hạ thảo và các thứ bánh kẹo để ông dùng thêm sức mà chắc ông đâu có buồn ăn uống gì phải không. 

-Tôi đã nói quyết không để thần chết về tay không.

-Ông, ông đừng nói vậy, tới nước này mà ông còn…  Nghẹn ngào.

“Em” không khóc, mà Mây nghe một giọt nước mắt rơi trong lòng Thái.  Thái đứng như tượng, đắm chìm. 

Thái nhớ những giây phút sau cùng của bà Kha.  Bà thì mịt mờ trong sương, và ông thì đau rã.  Thái đã nắm chặt tay bà, đứt từng khúc ruột – mấy tháng nay chăm sóc cho bà trong giai đoạn cuối, cái đau của bà như thấm nhập vào con người và tâm hồn Thái.  Bà sẽ phải đi một mình, không có Thái, không có người chồng mấy mươi năm.  Ông đối với bà ra sao, có như chú Xồi sống với cô Xồi?  Thái nhớ lời bình thản của con Bích, mẹ em ngày nay ra nông nỗi này có một phần trách nhiệm của bố… Giả mà nó có giọng oán thán thì Thái hiểu, nhưng nó như đã bị bảo hòa trước những cay nghiệt bất công, chỉ phẳng lặng như mặt nước.  Khi Thái gặp anh Thắng và lập lại câu nó nói, anh chỉ gật đầu vắn tắt, chú quả đã làm khổ cô nhiều, nhiều lắm, nhưng giữa anh và chú Xồi có những việc sống để dạ chết mang theo, không thể nói cùng ai, kể cả cô.

Anh Thắng có biết ai cũng có những điều sống để dạ chết mang theo?  Còn bà Kha, bà mang theo điều gì?  Có mang theo những tủi buồn của phận đàn bà Việt Nam?  Thái chỉ biết thương bà, thương một hồn hoang mang giây phút cuối khi bước trở vào cánh rừng hoang sơ của sự sống, làm lại một cái cây một ngọn cỏ hay một hòn đá khô bên bờ suối.  Thái đã bóp chặt tay bà, Thái đã mong hòa nhịp với cái đau của bà, mong lời kinh Thái đọc sẽ là chút êm đềm dìu hồn bà tan nhẹ vào sương…  Khi bà đã thôi cử động thì ông Kha cũng đã như một cành khô chờ gió lộng là gẫy gập.  Thái nhớ nét mặt ông nhăn nhúm héo tàn mang chút thờ ơ.  Thái biết mình sẽ phải đi với ông Kha chặng đường cuối.  Nhưng giờ đây ông có cần Thái không?

Anh Tường trở vào định nói điều gì, nhưng anh khựng lại, khẽ liếc quanh rồi anh kéo cùi tay Mây, mắt nhìn Thái: các cô đi với anh, đi.

Anh Tường chở Mây và Thái trở lại bàn cà phê với anh Biền và anh Tửng.  Anh Tường chỉ cái ghế bảo Thái cô ngồi đây.  Nơi thái độ anh Tường có chút ân cần bảo bọc, Mây đọc thấy câu hỏi nơi mắt anh Biền – nhưng hai anh quá biết nhau, anh Biền chả cần phải nhướng mắt cũng hiểu một điều tế nhị đã xảy ra.  Hóa ra người thản nhiên nhất là anh Tửng.  Thiên hạ đại loạn, người trong nước mẹ 90 tuổi mù lòa còn phải xin ăn để nuôi con bán thân bất toại, ba cái chuyện ở đây chỉ rặt màu xa xỉ.  Lại hớp một hớp nước trong.

Thái vẫn ngồi im, nét mặt trơ trơ.  Mây vẫn còn bị trói trong hình ảnh mới vừa qua.  Khi anh Tường dứt chữ “đi,” Thái đã chầm chậm từ từ nhẹ nhàng quay lại nhìn ông Kha.  Cả căn phòng như mờ đục, như chảy nhão uốn cong, rồi thong thả chui tuột vào đáy hồ mắt Thái.  Thái đã lẩm bẩm một câu gì đó, dường như “sương núi đã lên.”  Và Mây biết ngay lúc đó, Thái sẽ không bao giờ trở lại.

Bây giờ ngồi đây, hồ mắt Thái phẳng lặng như chưa từng thu chứa một điều gì; tất cả mưa gió đi qua đời Thái đều đã được nút trong một cái chai không vĩnh viễn chìm dưới đáy hồ.  Mây muốn ôm Thái, nhưng lại cảm nghĩ mọi lời an ủi vỗ về đều sẽ trở thành những lời nhục mạ Thái…  Phải chi Thái khóc.  Phải chi Thái nói được câu oán hờn.

Anh Tường hỏi Mây, cái bio của ông Kha cô viết xong chưa?  Còn một phần.  Nhanh lên.  Một lần nữa Mây thấy mình hết hơi hết sức.  Mây liếc Thái: về?  Thái gật đầu.  Anh Tường  đứng lên, anh đưa hai cô về, nhìn anh Biền, anh Biền khẽ gật, bập bập ống vố, anh Tửng hất mặt thay cái chào.

Dừng nơi cửa căn apartment, anh Tường vỗ nhè nhẹ vai Thái như một lời từ giã.  Bất chợt anh tháo cái lắc nơi tay đeo vào tay Thái.  Cái vòng có vẻ đã lên nước, bện bằng dây dù kết với một miếng thép sáng tựa tấm thẻ bài tí hon cong cong trên có huy hiệu binh chủng.  “Cô đeo vào tay, để cho dù cô đi đâu làm gì cũng có người nắm tay nhắc nhở…”  Ôi, anh Tường , anh làm Mây muốn khóc.  Thái vào nhà, bật đèn.  Mây ở đây bữa nay?  Thái gật.

Hai đứa ngồi im nơi góc phòng khách dưới cái đèn chụp.  Bên ngoài, bóng đêm như những giọt nước lăn chảy trên cửa kính.  Mây càng cố càng không hiểu được Thái đang nghĩ gì.  Lâu, thật lâu, Thái chợt lên tiếng.

-Con công dù trụi lông cũng vẫn phải múa, hồng dù không nở được hoa vẫn phải có gai.  Tao không hề muốn lấp trời vá biển.  Tao không hề tìm một tấm tình cao xa toàn bích.  Tao không muốn điều gì khác hơn là sự chân thật.  Giả như ông Kha nói với tao về mối tình với chị ấy, tao vẫn vui lòng đi với ông cho hết chặng cuối.  Trượng phu không phải là thật với mình với người sao. 

Mây ngẫm nghĩ, anh Tường có lần nói, “làm trai cho đáng nên trai.  Chiến tranh làm cho bọn anh rày đây mai đó, cái chết đến trong giây phút nên yêu được lúc nào thì yêu, nhưng anh không gạt ai hết.  Ai ưng thì ở lại cùng mình, chứ ý nghĩa gì những mối tình gian dối.  Anh không xài bạc giả, không đánh bạc lận.”  Mây nhớ đã tự nói thầm, anh Tường, em cam làm tài xế cho anh vì em biết anh từ chối em cũng là thật, mà anh thương hại em cũng là thật, và anh là thật.   

Thái nói tiếp một mình, tao không sợ thiệt thòi, không sợ bị chê bai dè bỉu, tao không cần biết  thiên hạ nghĩ gì, nhưng tao không muốn dối mình.  Thái cười cay đắng,

Mây có thấy cành đào trong bình đã chết?

-Ừ

-Mây coi, những nụ lá xanh vẫn mọc ra nơi đầu cành.  Sự sống có bí mật riêng của nó.  Chỉ tội những cánh hoa không được rơi theo gióÔng Kha như cành đào đã chết nhưng vẫn ráng nẩy mầm, tao ráng hết sức mình mà vẫn phải buông những mầm lá xanh ấy

Trong bóng đêm, Mây thấy một hình ảnh rữa tàn nơi đáy mắt Thái, và cái rữa tàn đó là acid hủy hoại hồn Thái.

****

Mây lại bắt gặp mình quẹo vào nghĩa trang chỉ cách nhà bảy phút.  Từ hôm bất đắc dĩ quẹo vào, Mây chợt thấy như một ước muốn mơ hồ ràng buộc mình với chốn này, dù Mây  vào cũng chỉ để lang thang bước dưới những tàn cây im lìm, trên thảm cỏ quanh năm xanh thắm, không có mùa Thu – mùa thu chốn này không vàng không xôn xao.  Nghĩa trang cứ lặng lờ một nét êm ả.  Những con đường hẹp dưới hai vòm cây đan nhau như không bao giờ thấy ánh mặt trời, dẫu thỉnh thoảng vẫn có những tia nắng xiên lọt qua được hàng thông và khuynh diệp, rải những vệt vàng óng trên nền cỏ êm ru. 

Hôm nay Mây ngồi nơi một mộ đôi, ông và bà đều đã qua đời.  Chung quanh có vài chậu hoa giả và một chậu nhỏ hoa thật, chứng tỏ ông bà vẫn thường xuyên được ghé thăm.  Phủ đầy hoa thường là mộ mới, hoặc đến ngày tưởng niệm hằng năm của người dưới mộ, nhưng cũng chỉ lác đác vài nơi.  Nghĩa trang này của người bản xứ, thật êm đềm tịch lặng so với mé bên kia là nghĩa trang của người Việt, hoa nở tưng bừng trên quá nửa số mộ bia, và luôn có lác đác bóng người lau quét vun xới một nấm mộ nào đó.  Bà cụ Mây quen biết đã gần 80, vẫn hàng tháng lấy xe bus xuống một tiệm hoa trước nghĩa trang đóng tiền cho tiệm để hằng tuần có hoa đặt nơi mộ của ông, và tiện thể thăm ông. 

Sang một bia khác.  Aha, một mối tình Romeo Juliette.  Chàng đã qua đời năm 2006, vừa được 28.  Chung quanh tấm bia nằm thấp hơn mặt cỏ vài phân là một chai beer, vài điếu thuốc chưa thấm sương – nghĩa là chưa qua đêm – và chéo nơi góc bia là ba đóa hồng loại nụ lớn cành dài.  Mây ngồi xuống một bên mộ.  Gió thoảng nhẹ gai gai lưng, một cuộn giấy trắng nhỏ cỡ một cái bánh quế nằm lăn lóc ơ hờ nơi rãnh chung quanh bia.  Thoạt nhìn Mây tưởng một mảnh giấy rơi rớt cuốn tròn và định nhặt lên.  Nhưng chưa kịp đụng tay Mây nhận ra cuộn giấy đã được lồng trong một vòng nhẫn vàng lợt mỏng manh.  Áng chừng đợi nhau hoài muôn kiếp không xong, thôi đành…  Mây cũng tò mò, nhưng có chút gì linh thiêng buộc Mây  tôn trọng nỗi riêng tư dù người đã khuất.  Nỗi buồn lan nhẹ vào lòng.  Những lời nhắn gửi cho nhau lúc còn trên dương thế rất nhiều khi còn phải đành lạc mất, bước qua một lằn ranh có ai còn nói được với ai điều gì nữa không?  Mây  đã chẳng nói được gì với những người Mây  đã từng có liên hệ khi họ qua đời, chỉ thấy mình mất đi từng phần từng chút, như thể cái chết của chính Mây  dường đã bắt đầu ngay khi mình đang sống.

Cái chết đầu tiên đến với Mây  năm Mây  chín tuổi, cậu tử trận lúc vừa 24 tuổi, không ghi cảm xúc gì trong lòng Mây  nhưng buộc Mây  nhớ những gì đã có với cậu dù ít ỏi.  Năm sau ông qua đời, Mây cảm biết một mất mát.  Mây với ông chưa bao giờ nói với nhau điều gì ngoài những việc lặt vặt: cắt đóm cho ông hút thuốc lào, dẫn ông qua nhà thuốc phiện, và lẽo đẽo theo sau lưng ông một cách bí mật!  Ông ngoại nằm trên gác ngay bên cạnh cầu thang lúc qua đời.  Bàn thờ ông rồi vẫn đặt nơi căn gác ấy, gần chỗ ông nằm khuất phía trong.  Đêm đêm Mây vẫn lò mò lên lầu trong bóng tối, như thể Mây  sẽ vẫn được gần ông dưới ánh trăng xuyên tấm vách lưới mắt cáo quá đầu. 

Năm sau, dì Ba chết.  Dì là vú của cô em út, theo chị em Mây ra Vũng Tàu tháng hè.  Nửa đêm dì trợn mắt sùi bọt mép quay đơ.  Má và anh Mây lấy chăn cuốn dì đưa vào nhà thương, đến sáng thì dì qua đời.  Đêm đó là một trong những đêm kinh hoàng nhất đời Mây.  Trên cái giường mênh mang mấy chị em cuộn vào một góc và Mây bị nằm ngoài cùng, lưng trống lạnh không dám xoay mình bởi sợ cái không gian như lạnh lẽo ma quái đầy hơi hướm chết chóc đang bao phủ.  Cho đến bây giờ, khi ngủ Mây vẫn phải chặn con gấu vào sau lưng mỗi lúc nằm nghiêng.

Hai mươi lăm tuổi, Mây đã khóc mấy tháng trường cho đứa em đi chung chuyến tàu chết vì tai nạn.  Nó nằm đâu đây trong nghĩa trang này, mà kể đã hơn 20 năm Mây không đặt chân đến viếng.  Lúc đó Mây thương nhớ nó lắm, mỗi tuần Mây  mua hoa và viết lên thiệp những lời thương tiếc đặt bên mộ, như thể nó vẫn còn quanh đây và cảm nhận được lòng thương mến của Mây .  Nhưng nước mắt của Mây không đủ khóc cho những nỗi buồn đang xếp hàng chờ đợi, thằng bé phải lui ra phía sau và rồi như cái đuôi bị cắt đứt.  Chỉ riêng cái chết vẫn núp đâu đó âm thầm ăn dần tâm hồn Mây .

Có đêm, mới 30 tuổi đầu, Mây nằm chết sững trong đêm khi ý nghĩ chợt ập đến: khi Mây  chết sẽ phải trở lại kiếp sơ sinh đi qua những gian nan bất trắc trầy trụa mà lớn lên với đời.  Khi đó Mây tưởng mình chết đi được vì sợ, sợ sống, sợ cái mênh mông không cùng mà mình không thể biết.  Nhưng Mây làm gì được khi ngày tháng vẫn cứ đều đều chậm rải đi qua dù ai muốn hay không, ai biết hay không.  Mỗi ngày nắng vẫn len qua mọi ngõ ngách rơi xuống mọi chỗ nằm.  Mỗi đêm bóng tối vẫn dâng lên ngập hồn xác cả kẻ sống lẫn người chết.  Mây ngày càng thấy sợ, sợ sống sợ sáng sợ tối sợ chính mình.  Thêm vài người bạn thân qua đời, Mây dọn mình lên chuyến xe lửa cuối thì bỗng Mây sợ chết khi vẫn không muốn sống.  Đêm qua Mây thấy dì Ba trong giấc mơ, một người Mây đã quên hẳn hơn 40 năm qua.  Ngày của Mây đến rồi chăng?

Nắng xiên qua tàn cây rậm thành một luồng bụi vàng mỏng, những hạt bụi lửng lơ phất phơ trong gió nhẹ, những hạt bụi trong Mây vẫn ngắm nhìn từ thuở bé và ước ao mình có thể lơ lửng trong không gian như những hạt bụi ấy.  Mây chầm chậm bước đến cuối nghĩa trang, nơi có một đám táng sắp kết thúc, dừng lại ở khoảng cách vừa đủ tầm nhìn.  Tang gia và thân quyến đang lần lượt ra về, những cái bóng đen lặng lẽ in trên nền cỏ ngát xanh.  Một chiếc xe xúc đất chầm chậm tiến tới gần huyệt.  Cần cẩu vung lên, như một cái xuổng khổng lồ xúc từng vốc đất to rồi từ từ quay sang thả xuống huyệt.  Đất rơi như một dòng nước đen nâu, những hạt đất khô rời, mịn như bụi loang ra, hòa vào đám bụi trong đang nhảy múa trong nắng.  Phút chốc, tia nắng như dày đục lên, những hạt bụi trong không còn nhí nhảnh vui tươi nữa, chúng xớn xác xô đẩy nhau như muốn xác định chỗ đứng của riêng mình trong cái khối vàng mượt ấm êm ấy.  Cũng một cõi trần.

Huyệt đã lấp đầy.  Bây giờ xe hủ lô xê ra cho hai bác nhà đòn lấy dầm nện mặt đất cho bằng phẳng.  Họ lấy từng vạt cỏ đã để sẵn bên đắp lên huyệt.  Phút chốc, chỗ ấy như chưa từng lấp đi một thân xác, nếu không có những vòng hoa tang đặt lên trên như một nấm mộ hoa.  Xe đã lui, người đã đi khuất.  Mây thấy mình đứng trơ trọi một mình giữa mênh mông hoang vắng.  Tựa như có một hạt bụi rơi vào đáy lòng, Mây chợt giật mình nhận ra từ nãy đến giờ mình không hề nghĩ một điều gì trong đầu, trắng lặng.  Tựa như Mây là một thân cây rỗng đứng bên cạnh những cây cổ thụ dầy chắc nơi này.  Mây tập trung ý tưởng thử nghĩ đến một điều gì đó mà không điều gì tụ lại được trong đầu.  Sau cùng thì hình ảnh từ từ trở lại trong mắt Mây – chậu hoa CYCLAMEN tím nơi miếng đất dành sẵn cho ông Kha. 

Mỗi ngày Thái ra miếng đất trống ấy ngồi nhìn những ngọn cỏ, vuốt nhẹ những cánh hoa tím.  Mây biết Thái tìm mua loại hoa ấy vì một ý nghĩa, và Mây không tra tìm.  Người ta sống càng gần nhau càng phải giữ khoảng cách cho nhau, phải vậy không.  Thái có niềm đau nỗi yêu chỉ riêng mình Thái hiểu.  Những ngày tháng lui cui bên ông Kha là một thỏa hiệp của Thái với thời gian, với thần chết, một thỏa hiệp của Thái với chính lòng mình.  Khi Thái bước qua cánh cửa phòng bịnh viện không quay đầu ngó lại, thì huyệt sâu đã đào, cái khế ước đó đã chấm dứt trong tan nát.  Chỉ có Mây, khi trở lại căn nhà của mình nhìn chồng bản thảo thì chợt biết ra chính Mây mới cần một kết thúc.  Mây cần một kết thúc, nhưng Mây nói gì về một con người mà niềm yêu cái sống yêu chữ tình tràn đầy trong từng lời đã viết, và cũng chính người ấy gian dối với tình?

Mây không là Thái để đòi hỏi một sự sòng phẳng.  Mây chấp nhận những mối tình qua đường những mối tình giai đoạn những mối tình gió trăng…  Nghệ sĩ, chính họ cũng không kham nổi họ, không ngăn được lòng họ, Mây không ước gì hơn là họ thật với tình.  Nhưng Mây buồn ông Kha.  Mây buồn ông đã bôi bác chữ tình mà Mây nghĩ trong cõi đời này chỉ mình ông hiểu và viết ra được.  Chân tình của Thái đã thành chuyện tầm phào, những giòng chữ tâm huyết của Mây dường vấy máu.  Mây nhắm mắt lại, hình ảnh nơi nghĩa trang cứ lờn vờn trong đầu.  Những nắm đất ném xuống mặt hòm, dòng thác đất chậm rải đổ xuống huyệt sâu.  Lẫn trong giòng thác đất, từng quãng đời của Mây vỡ ra, từng niềm tin tha thiết, từng suy nghĩ trằn trọc băn khoăn, ý nghĩa cuộc đời, những con chữ, rơi lả tả như từng hạt đất, rơi xuống, rơi xuống, những hạt đất đen nhờ vô tri…  Đất đứng của Thái của Mây đã bị giật sập.  Niềm yêu sống của Thái của Mây đã tàn liệt như tro.  Tất cả rơi xuống, rơi xuống, đều đều từng hạt, xuống đáy hồ vô tri. 

Thái rồi sẽ lành, Mây rồi sẽ quên.  Một trăm năm nữa rừng sẽ lại xanh lá mới, một trăm năm nữa thời gian sẽ bôi xóa những tỳ vết nơi pho tượng thạch cao, bôi xóa dấu tay vấy bẩn bức tranh, và người trong lành sẽ cảm kích những hàng chữ ngọc ngà ông đã viết, có lẽ vậy.  Nhưng bây giờ, ở đây, anh Tường, hạnh ngộ đã thành bể dâu – em nỡ nào đâm thêm một nhát dao vào lưng bạn.  Anh đừng chờ, em sẽ không bao giờ hoàn tất bản thảo. 

Lưu Na

3/20/2014

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search