T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: CÒN ĐÓ CHỮ DUYÊN

Tranh Minh Họa: BẢO HUÂN

-Sương!

Tiếng gọi thảng thốt đầy giận dữ của Tịnh làm tôi vừa ngạc nhiên, vừa lo lắng. Vất vội chiếc muỗng vào tô, tôi vội vã chạy vào phòng. Tịnh nói như hét vào mặt tôi:

-Đây là cái gì?

Nhìn vỉ thuốc ngừa thai trên tay Tịnh, tôi tái mặt.

-Ý định của em ở với anh chỉ là tạm bợ phải không?

Tôi lắc đầu, hoảng hốt:

-Không! anh hiểu lầm em rồi!

-Đã là vợ chồng, ăn đời ở kiếp với nhau thì phải nghĩ đến chuyện con cái mà em cũng biết anh đang mong chờ một đứa con nhưng lại lén lút dùng thuốc ngừa thai. Bạn anh đã từng can ngăn “Con gái ở Việt Nam chỉ mong tóm được một thằng Việt kiều. Già cũng được, xấu cũng được, vì nó đâu có định sống đời mà chỉ mượn đường qua Mỹ”. Hừ! anh đã không tin mà còn tự hào, vợ tao không phải loại người đó. Nhưng bây giờ thì rõ ràng…

Tôi nói như muốn khóc:

-Anh!  xin cho em nói.

Tịnh trợn mắt:

-Rõ ràng em không thật lòng yêu thương tôi. Đừng mong dùng những lời phỉnh phờ để lường gạt tôi nữa.

Tịnh nói đúng. Tôi đồng ý lấy Tịnh để được sang Mỹ, vì tôi cần tiền để giúp mẹ nuôi nấng một đàn em nheo nhóc. Nhưng nếu nói tôi lường gạt anh thì thật oan ức, vì trong thâm tâm tôi luôn biết ơn Tịnh. Tôi không yêu Tịnh nhưng quý anh và tự hứa sẽ ở bên cạnh anh cho đến hết cuộc đời.

Tịnh hằn hộc bước ra khỏi phòng sau khi đưa tay gạt tấm ảnh cưới đặt trên bàn trang điểm. Tiếng kính vỡ trên thềm gạch làm trống ngực tôi đánh thình thịch. Từ trước đến giờ, khi mua thuốc về tôi đều bóc ra từng viên rồi bỏ vào cái lọ nhỏ. Thỉnh thoảng thấy tôi uống, Tịnh nghĩ là thuốc bổ nên không bao giờ thắc mắc. Chiều nay, vừa mua thuốc về tôi đã vội vã vào bếp, quên bẵng chuyện phải giấu vỉ thuốc. Có lẽ, Tịnh tìm điện thoại trong ví tôi để sạc điện nên anh đã nhìn thấy.

Tiếng cửa đóng mạnh và tiếng máy xe khởi động làm tôi bàng hoàng lo lắng. Tịnh đi đâu? Nếu Tịnh tìm đến bạn bè của anh thì quả là tai hại. Mỗi người một câu, bàn ra tán vào sẽ làm cho nỗi nghi ngờ của Tịnh càng lớn và sự rạn nứt giữa tôi và Tịnh càng thêm trầm trọng. Trong nỗi lo lắng, sợ hãi, tôi còn biết làm gì ngòai việc ôm mặt khóc.

                                                          ***

Anh Tịnh,

Đến hôm nay là bốn tháng kể từ ngày anh “bắt được tại trận việc làm mờ ám của em”. Mỗi khi nhớ đến câu nói của anh, trái tim em như thắt lại. Tại sao anh không nghe em giải thích để xem việc làm của em mờ ám đến chừng nào.

          Thật sự, khi lồng vào tay anh chiếc nhẫn cưới em chưa hề yêu anh. Không phải vì em đã dành tình cảm cho người khác mà vì trót sinh ra trong gia đình đông chị em và nghèo khó nên em không có quyền nghĩ đến tình yêu. Trước mắt em lúc bấy giờ chỉ có một việc duy nhất mà em phải luôn quan tâm và lo lắng là làm sao có đủ cơm ăn, áo mặc cho đàn em bảy đứa. Ba mẹ em đều là người siêng năng, cần cù nhưng có lẽ số phận đã buộc chặt vào chữ nghèo, nên cả đời vất vả vẫn không có được bữa cơm tươm tất, áo quần lành lặn.

          Đời sống ngày càng khó khăn. Em và người chị Cả phải bỏ học để kiếm tiền phụ giúp mẹ khi ba đột ngột qua đời trong một tai nạn lao động. Hai chị em học hành không đến đâu nên chỉ xin được việc làm chân tay. Công việc cực nhọc, tiền lương ít ỏi, đã vậy còn bị hà hiếp đủ điều nên cuối cùng chị của em phải ra nước ngoài tìm việc làm với hy vọng đổi đời. Chị đưa cho mẹ số tiền người dẫn đường ứng trước và hứa khi có việc làm sẽ gửi tiền về hàng tháng để lo cho các em. Mẹ lắc đầu, ngăn cản nhưng chị của em đã từng nói “chị sợ quá chữ nghèo” nên nhất quyết ra đi dù mẹ khóc lóc, van xin chị đừng bỏ mẹ.

          Chị đi rồi cả nhà mong chờ từng ngày. Không phải mong chị gửi tiền về như lời đã hứa mà chờ để biết rằng đứa con thương yêu, người chị quý mến của mình có an lành hay không nơi đất khách quê người. Nhưng bóng chim tăm cá, gia đình em hoàn toàn không có tin tức gì của chị mà quanh quẩn trong xóm lại truyền nhau câu chuyện những người con gái bị đưa sang Đài Loan, Trung quốc để làm nghề bán thân lại còn bị hành hạ và đối xử dã man. Mẹ em ngã bệnh vì suy sụp tinh thần nhưng vẫn phải lê lết gánh hàng rong sáng sáng, chiều chiều. Em làm công cho một hãng may, ngày mười mấy tiếng với đồng lương ọp ẹp và cuộc sống vẫn phải vá đầu này, đắp đầu kia chứ không thoát được chữ nghèo. Hoàn cảnh ấy đã cho em một cảm giác hãi hùng khi nghĩ rằng, sau này khi lập gia đình em cũng sẽ phải sống một đời lam lũ, vất vả mà không lo cho đàn con được cơm no, áo ấm. Chính vì thế mà em quyết định không sinh con.

          Ý nghĩ đó vẫn tồn tại cho đến khi em trở thành vợ anh. Em biết, sẽ rất khó để được anh đồng cảm với quyết định này nên đành phải giấu kín. Em muốn chờ một cơ hội thuận tiện để thố lộ cùng anh nhưng không ngờ sự việc lại bị anh phát giác.

          Thời gian vừa qua, hai chúng ta đã phải sống trong bầu không khí ngột ngạt. Vẻ mặt lạnh lùng của anh mỗi khi đối mặt nhau đã làm em sợ hãi và buồn bã biết bao nhiêu. Không còn nữa những buổi chiều đi làm về, anh cất tiếng âu yếm gọi “Vợ ơi! anh về nè?”. Rồi anh vào bếp, ghé môi hôn lên má em và nhăn mặt kêu lên, sao nụ hôn của người ta ngạt ngào hương thơm còn nụ hôn của tôi toàn mùi hành tỏi. Sau đó, anh lăng xăng giúp em rửa rau, bày biện chén diã, chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Khi em bắt đầu công việc may vá vào buổi tối, anh cũng sốt sắng phụ em, lúc thì vắt sổ, lúc thì lộn bâu áo. Tiền lãnh về mỗi tháng em đưa cho anh, anh cũng từ chối không nhận mà bảo em hãy giữ lại để mua sắm những gì em ưa thích hoặc gửi về cho mẹ và các em. Trong khi bạn bè anh muốn vợ làm nghề nail để kiếm nhiều tiền -chính bản thân em cũng mong muốn điều đó- nhưng anh thì lại khác, anh không muốn các mùi hóa chất sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của em và con cái sau này. Chính những điều anh đã làm và nghĩ cho em đã khiến em yêu anh lúc nào không biết nhưng trong đầu em vẫn không loại bỏ được ý tưởng không sinh con. Từ nhỏ, em đã phải bế em không ngừng nghỉ. Cứ đứa này vừa hơn một tuổi thì đứa khác lại ra đời. Nhìn mẹ hốc hác, hao gầy vì bị thai hành, em cảm thấy người phụ nữ quá khổ sở trong vai trò làm mẹ và em không muốn lặp lại hình ảnh đó.

          Em nghĩ, nếu từ đầu em nói thật cho anh biết những suy nghĩ sai lầm đã tồn đọng trong tư tưởng của em thì bằng tình yêu và sự thông cảm, biết đâu anh sẽ giúp em vượt qua được sự lệch lạc tâm lý để chúng ta không rơi vào cái hệ lụy bi thảm của ngày hôm nay. Nhưng thật đáng tiếc, khi tình yêu em dành cho anh vừa bắt đầu chớm nở thì cũng là lúc anh dành cho em những thái độ gay gắt, thù hằn. Anh đã đày đọa em bằng cách cứ cuối tuần lại kéo bạn bè đến nhà, vừa bạn trai lẫn bạn gái. Anh công khai thân mật với bạn gái trước mặt em như một sự sỉ nhục. Vì vô tình em đã rạch một vết thương lên trái tim anh nhưng sự tổn thương anh dành cho em là một sự cố ý tàn nhẫn. Tàn nhẫn cả trong lúc vợ chồng gần gũi nhau. Anh cấm em không được uống thuốc ngừa thai và anh làm việc ấy không phải vì yêu thương mà như một sự hành hạ để em có cảm giác như mình đang bị một người đàn ông xa lạ cưỡng bức.

          Em biết trong lòng anh đang mang nỗi đau của một người bị lợi dụng, bị lừa dối. Phần em, em cũng đau lắm nỗi đau của một người mang nỗi oan tình không thể biện minh. Đã thế thì làm sao em có thể tiếp tục sống trong căn nhà không còn nữa những đầm ấm của ngày xưa.

          Cũng đành xem như duyên nợ của chúng mình đã chấm dứt. Em xin cúi đầu tạ ơn anh vì tất cả những gì anh đã làm cho em và gia đình khốn khổ của em…

                                                ***

          -Mẹ có đỡ chút nào không?

Mẹ cười hiền lành:

          -Gặp được con mẹ vui lắm nên căn bệnh như thuyên giảm được nửa phần. Nhưng nhìn hai má con bây vất vả, mệt mỏi vì chuyến đi quá xa mẹ xót cả ruột.

          Tôi vuốt bàn tay khẳng khiu của mẹ mà thương đến quặn lòng. Đời sống vất vả đã khiến mẹ khô cằn như thân cây thiếu nước.

          -Con rất buồn vì không lo cho mẹ và các em được đầy đủ.

          -Vậy là nhiều lắm rồi con à. Nếu không có con, làm gì nhà cửa được sửa sang tươm tất, rồi bây giờ lại còn có TV, tủ lạnh và xe gắn máy nữa.

          Tôi nhìn Trúc -đứa em kế-  với một chút thắc mắc.  Sau này, số tiền tôi gửi về ba tháng một lần, chưa chắc đã đủ cho gia đình được thong dong trong cái ăn, cái mặc, sao lại có dư thừa mà mua sắm những món xa xí phẩm đó.

          Có tiếng khóc của thằng Ku, Trúc vội vàng đứng lên, chạy vào trong bế cháu. Mẹ tôi nhìn đứa cháu ngoại bằng ánh mắt rạng rỡ niềm vui:

          -Con khéo sinh thật, cái thằng giống cha nó y hệt. Thấy con được hạnh phúc là mẹ mãn nguyện rồi.

          Tôi cúi đầu, cười gượng gạo. Khi mẹ đã ngủ, tôi khẽ hỏi Trúc:

          -Em không nói cho mẹ biết những gì đã xảy ra giữa chị và anh Tịnh chứ?

          -Chị đã dặn làm sao em dám nói. Nhưng em nghĩ, chị cũng nên bỏ qua cho anh Tịnh. Nếu không, anh Tịnh khổ mà chị cũng khổ. Còn thằng Ku nữa, sau này lớn lên nó sẽ thiệt thòi vì thiếu cha.

          Tôi thở dài:

          -Em làm sao hiểu được tận cùng nỗi đau của chị. Bình thường, Tịnh rất tốt nhưng khi xảy ra chuyện chị mới thấy anh ấy quá tự ái, nhỏ nhen. Đã không chịu nghe chị giải thích mà còn đối xử tệ bạc với chị.

          -Nhưng anh Tịnh đã biết lỗi nên cố công tìm kiếm chị, sao chị không tha thứ cho anh ấy?

          Tha thứ! hai từ đơn giản ấy ai cũng có thể nói được nhưng nếu rơi vào hoàn cảnh mà người trong cuộc phải hứng chịu thì mới biết, muốn tha thứ không phải là chuyện dễ. Ngày ấy, khi rời khỏi căn nhà từng là tổ ấm của tôi và Tịnh, tôi tá túc trong nhà chị Ái. Chị theo chồng sang Mỹ theo diện HO. Khi chồng chị qua đời thì căn nhà ba phòng trở nên trống trải nên khi biết tôi đang tìm chỗ trọ, chị mừng rỡ gọi tôi về ở chung. Mỗi tháng, sau khi chi trả các khoản tiền mướn phòng, bảo hiểm xe và tiền chợ cũng còn dư được vài trăm để gửi về cho mẹ và các em, tôi rất an tâm và bằng lòng với cuộc sống đang có.

          Nhưng mọi thứ đã đảo lộn khi tôi biết mình có thai. Với người khác đó là tin vui nhưng với tôi là sự bàng hoàng, lo sợ.  Rất nhiều đêm tôi trằn trọc với câu hỏi “Có nên hủy hoại mầm sống đang tượng hình trong cơ thể của mình không?”. Thật lòng, tôi đâu muốn có đứa con này. Đây chỉ là một tai nạn ngoài ý muốn. Vậy thì tại sao tôi phải giữ cho thêm khốn khổ và cuộc đời của nó sau này chắc gì được sung sướng.

          Có lần, chị Ái trò chuyện với bạn qua điện thoại về các loại dược thảo, tôi nghe chị nói, hồi đó ở dưới quê người ta hay phá thai bằng cách ăn nhiều rau răm hoặc đâm hạt đu đủ non vắt nước uống. Vậy là ngày hôm sau tôi thực hành ngay bài thuốc đó. Ngoài ra, tôi cũng tập thể dục gấp hai ba lần bình thường với những động tác mạnh như chạy, nhảy, trượt. Nhưng mạng đứa bé quá lớn, nó không hề hấn gì mà còn khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh. Khi biết mình không thể hủy diệt được nó, tôi lại rơi vào nỗi sợ hãi khác. Tôi nghĩ, xuyên qua những việc tôi đã làm, có thể đứa con sinh ra sẽ không được bình thường và nếu nó bị tật nguyền thì tôi phải làm sao? Trong cơn khủng hoảng đó tôi càng oán hận Tịnh nhiều hơn.

          Có thai là điều tôi không mong muốn mà lại còn bị hành tả tơi. Người ta nói, tình mẫu tử bắt đầu từ khi đứa con còn trong bụng mẹ chứ không phải đợi đến lúc nhìn thấy mặt. Tôi thì ngược lại, mỗi chuyển động của nó chỉ làm tăng thêm sự bất mãn và thất vọng trong lòng tôi. Một đứa con ra đời mang theo biết bao phiền toái, nào tiền bạc, sức lực và thời gian, thêm vào đó những tháng bị thai hành, tôi làm việc không đủ thời gian nên số tiền lãnh về quá ít ỏi nên không dư đồng nào để gửi về gia đình. Tôi không biết làm sao đành phải viết thư về kể thật mọi chuyện với Trúc và dặn em cố gắng xoay sở, vay mượn thế nào đừng cho mẹ biết để khi sinh con xong tôi sẽ tính.

          Trời thương nên tôi sinh thằng Ku dễ dàng. Khi cô y tá đưa đứa bé đến, tôi quay đi, khoát tay bảo, cứ đặt nó xuống giường. Đến lúc nó khóc thét vì khát sữa tôi cũng chẳng buồn cho bú. Trong đầu tôi tràn đầy những ý nghĩ hỗn tạp. Có nên đưa cho Tịnh nuôi không? Chẳng phải anh ao ước có một đứa con hoài đó sao? Hay là… tôi nuôi con nhưng bắt Tịnh phải trả tiền trợ cấp? Từng ý nghĩ lần lượt trôi qua, tôi nhắm nghiền đôi mắt, tự nhận chìm mình trong nỗi hoang mang. Có tiếng chân người bước vào, nhẹ nhàng bế đứa bé lên và tôi nghe tiếng mút sữa chùn chụt của nó. Giọng nói trong trẻo, ngọt ngào của cô y tá vang lên thật khẽ “Tội nghiệp con trai bé bỏng. Con hư quá nên mẹ không thương, phải không?  Nè! phải ngoan ngoãn để mẹ đừng giận, đừng bỏ bé nghe”. Lòng tôi chợt chùng xuống “Có phải tôi quá tàn nhẫn đối với đứa con của chính mình không? Thằng bé vô tội, sao lại bắt nó phải chịu hình phạt!”. Tôi gượng ngồi dậy, dành lấy con, ôm chặt nó vào lòng rồi khóc òa. Cô xoa nhẹ lưng tôi, giọng vỗ về “Đừng lo lắng, mọi sự rồi sẽ tốt đẹp”.

          Đúng như lời an ủi đã nhận được từ cô y tá có mái tóc vàng óng và đôi mắt xanh lơ, tôi được người chủ “shop” may thông cảm hoàn cảnh đơn chiếc nên cho mang hàng về nhà, vừa may vừa trông con. Đặc biệt hơn, chị đồng ý trả lương cho tôi phân nửa bằng tiền mặt, phân nửa bằng chi phiếu nên tôi được lãnh thêm phần trợ cấp thực phẩm cho người có thu nhập thấp, cùng các quyền lợi mà đứa con được hưởng. Với những ưu đãi này tôi đã trích một phần nhỏ số tiền kiếm được hàng tháng để gửi về cho mẹ, dù ít ỏi nhưng niềm vui tôi có được rất lớn lao.

                                                ***

Tịnh đón tôi ở phi trường. Bốn mắt nhìn nhau ngỡ ngàng, Tịnh lúng túng đưa cho tôi bó hồng nhung và ngập ngừng nói:

          -Anh đã cư xử không phải với em. Mong em tha lỗi cho anh.

          -…

          -Anh ngàn lần xin lỗi em. Em muốn xử anh thế nào cũng được, chỉ xin em cho anh được nhìn con.

          Đôi mắt đỏ hoe, nhoè nhoẹt ướt của Tịnh làm tôi nao lòng. Tôi còn đang bối rối chưa biết phải nói gì trong cuộc hội ngộ bất ngờ này thì bỗng thằng Ku nhoài người sang phía Tịnh đòi bế. Có lẽ là tình phụ tử thiêng liêng, nên dù chưa bao giờ gặp Tịnh thằng bé lại thân mật đưa tay sờ mắt Tịnh và đưa mũi chạm vào mũi Tịnh rồi cười hăng hắc. Tịnh mím chặt môi mà vẫn không ngăn được tiếng khóc. Tôi đứng lặng yên để mặc cho nước mắt chảy thành dòng trên má. Suốt cuộc hành trình dài, bên tai tôi cứ văng vẳng những lời của Trúc:

          -Anh Tịnh nói, khi đọc thư anh mới hiểu được nguyên do. Anh hối hận là quá cố chấp không chịu nghe lời giải thích của chị. Anh dò hỏi khắp nơi nhưng không ai biết chị ở đâu. Sau đó, một người bạn cho biết họ có gặp chị ở phòng khám bệnh miễn phí do cơ quan từ thiện tổ chức. Người ấy nói chị đang mang thai và sắp sinh. Anh Tịnh mừng cuống lên vì tin chắc đứa con đó là của anh. Anh tức tốc về đây gặp riêng em và kể lại mọi chuyện. Anh tha thiết nhờ em chuyển lời xin lỗi với lòng ăn năn thống hối đến chị nhưng em biết tính chị cố chấp và cương quyết nên không dám nói gì. Tội nghiệp, khi về Mỹ rồi, cứ hai tháng anh lại gửi cho mẹ vài trăm đô. Lần về thăm gần đây nhất, anh đã mua cho mẹ cái TV, tủ lạnh và một chiếc xe gắn máy để tụi em có phương tiện đưa mẹ đi khám bệnh. Thôi! bỏ qua hết đi chị cho gia đình được sum họp vui vẻ. Chị không nghe thằng Ku bập bẹ tiếng ba hoài sao. Chắc chưa gặp được cha nên hơn hai tuổi rồi mà chưa nói thêm được tiếng nào. Lấy công tâm mà nói chị cũng có phần lỗi trong chuyện này. Đã là vợ chồng sao không thành thật với nhau mà giấu giếm làm gì.

          -Ba… Ba… chương.. chương…

          Tôi quay lại, tròn mắt nhìn thằng con vừa nói thêm được chữ “thương” dù tôi chưa hề dạy nó.  Tịnh ôm xiết thằng Ku trong cánh tay rắn chắc với nụ cười chứa chan hạnh phúc. Tôi biết, tôi sẽ không đành lòng chia cắt cha con anh. Thôi thì… mọi sự cũng do chữ duyên. Chữ duyên mà người đời thường hay nói “vợ chồng được kết nối bởi sợi tơ hồng. Sợi tơ mầu nhiệm này có thể bị căng, bị rối nhưng không đứt nên dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì cuối cùng họ cũng trở về bên nhau”.

Ngân Bình

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search