T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: TÌNH XUÂN

Mai Anh Đào – Ảnh: NTN

Đang lơ mơ ngủ, Anh giật mình vì những ngón tay nghịch ngợm khều nhẹ vào lòng bàn chân. Đưa tay dụi mắt, Anh nhìn thằng cháu nội đang khúc khích cười rất đáng yêu.

-Kiên, lại phá phách gì nữa đây?.

Thằng bé khoe hàm răng trắng tinh trên khuôn mặt đen thui qua “nụ cười tỏa sáng”. Bằng giọng thì thào nó hỏi:

-Ông có muốn nghe bài văn chị Ly Ly tả bà không?

Mắt sáng ngời, Anh ngồi bật dậy, gật đầu nôn nóng. Thằng bé rất thích cái kiểu hóng chuyện rất nhiệt tình của ông nội.

“Nhà em có nuôi một bà nội suốt ngày ngồi lướt Facebook. Ngày nào bà cũng điện thoại nói chuyện với cô tận 3 tiếng, có hôm mải buôn quá, không tắt bếp nên cháy cả nồi. Da của bà nhăn nheo. Răng bà trắng, vàng hoặc đen. Bà cũng thỉnh thoảng dạy em học bài. Em rất yêu quý bà em”. (*)

Anh ôm bụng cười khoái chí. Thằng bé cũng cười theo. Cả một góc nhà vang vang tiếng cười thỏa thê, thích thú.

LyLy và Mimi từ trên lầu chạy nhanh xuống, hỏi dồn:

-Ông thấy bài con tả bà có chính xác không?

Anh gật gù:

-Ừ!…cũng… đúng.

Nhưng chợt nhận ra mình không được công bằng, nên Anh vội chữa lại:

-Nhưng… hình như có hơi quá đáng, vì bà của con đâu có già đến nỗi da nhăn nheo ghê thế, răng cũng đâu có đen…

-Ùm… ùm  thì …“cường điệu” một chút cho hấp dẫn mà ông.

Tuy nói thế, nhưng nét thích thú vẫn còn đọng trên nụ cười của Anh. Một lúc sau, nhìn thấy hai đứa cháu nháy mắt, hất đầu ra hiệu cho nhau, Anh thắc mắc.

-Còn gì nữa hả?

Thằng bé lại thì thào như lúc nãy:

-Thế… ông có muốn nghe bài chị MiMi tả ông không?

Hơi chột dạ, Anh thầm nghĩ “chắc nó lại tả mình tếu táo như tả bà của nó”. Nhưng vốn là người chính trực, nên Anh khe khẽ gật đầu.

Trong gia đình, em yêu quý và thần tượng nhất là ông nội. Trong nhà ông rất có tiếng nói. Bố mẹ em cãi nhau chỉ cần ông ho một cái là tất cả trở về bình thường. Bà cũng sợ ông. Em rất nể ông. Ông đã về hưu nên chẳng làm gì cả, suốt ngày chỉ hái hoa, thưởng trà rồi trùm chăn ngủ. Đến bữa ăn thì ông chỉ ló đầu ra hỏi “Cơm chín chưa Bảy, tau đói lắm rồi”. (*)

Anh nhăn mặt, xua tay:

-Hừ! không giống ông tí nào. Tụi mày chỉ bôi bác ông.

Mimi co bàn tay lại, rồi giơ từng ngón tay lên hỏi:

-Ông có về hưu không?

-Có… sắp…. về hưu non.

-Khi ngủ ông có trùm chăn không?

-Có.

-Ông có uống trà không?

-Có.

-Ông có hay nói “Sao mãi chưa dọn cơm lên, bố đói rồi” không?

-Có.

Thằng cháu nội đích tôn chỉ mới mười tuổi đã nhanh nhẩu khóa miệng Anh bằng những chữ “có” quyết liệt. Nó tước đoạt quyền tự do ngôn luận của Anh một cách thô bạo, trong khi Anh chỉ biết ngớ mắt ra nhìn. Nhìn để thấy thằng bé nghiêng đầu, tặng cho Anh một nụ cười mơn trớn, trong khi chị Mimi của nó giải thích:

-Còn chuyện ông chỉ ho một tiếng là ba mẹ con hết dám cãi nhau, hay bà cũng sợ ông, là tụi con đánh bóng ông, để ông trở thành một người “có tiếng nói” trong gia đình. Oai vệ thế ông còn muốn gì nữa.

Bạn bè của Anh đã từng cảnh báo “Hình như bọn mình già thật rồi. Bây giờ làm gì cũng chậm chạp, nói năng thì cứ ấp a, ấp úng, chẳng tranh cãi với ai cho ra hồn”. Lúc đó, Anh cực lực phản đối, nhưng giờ mới thấy… quá đúng. Đã lỡ cười khi nghe nó tả bà, không lẽ bây giờ Anh lại phản đối khi nó tả ông. Thấy Anh đăm chiêu, ba đứa cháu ùa vào ôm lấy Anh, cười hăng hắc:

-Là tụi con trêu ông thôi. Bài này trên “net” chứ đâu phải tụi con viết. Thấy vui vui nên đọc cho ông nghe đỡ buồn.

-Mà này, sao ông bà nội, cứ một người ở Việt Nam, một người ở Mỹ. Con thấy ông bà của bạn con ở chung, đi sinh hoạt hội cao niên chung, đi chợ chung, đi nhà thờ chung, rất vui vẻ. Còn ông bà thì…

Thằng Kiên xen vào cướp “diễn đàn”, buông lời nhận xét y như “ông cụ non”:

-Thế mà hay đấy. Chị chỉ thấy ông bà nó vui vẻ, chứ đâu nhìn thấy lúc họ cãi nhau. Chị có thấy mỗi lần hát karaoke, bà của mình hay hát cái bài gì có câu “Càng đi xa em càng nhớ anh…” không?. Ông bà không ở cạnh nhau nhưng thương nhau thắm thiết, phải không ông?

LyLy vừa cười, vừa giật mạnh cánh tay thằng Kiên:

-Thôi đừng nhiều chuyện, ra ngoài cho ông ngủ tiếp. Ngủ ngon ông nhé.

Nhìn bóng mấy đứa cháu khuất sau cánh cửa, Anh nghe lòng mình ngập tràn hạnh phúc. Ngày ngày, con cháu quây quần bên Anh, tiếng Việt líu lo của nó làm Anh vui mừng khấp khởi, vì biết mình đã làm tròn trách nhiệm con dâu giao phó “Ở nhà này, chỉ có bố mới có khả năng gìn giữ tiếng Việt cho mấy đứa nhỏ”. Mỗi Chúa nhật, buổi trưa Anh đưa các cháu đến nhà thờ học Việt ngữ, buổi tối lại bày ra hát “karaoke” để chúng nhìn mặt chữ và hát theo điệu nhạc. Kết quả học tập tốt, mà tình cảm ông cháu càng gần gũi, gắn bó, chứ không như các ông bạn già của Anh thường than thở “Bọn trẻ ngày càng xa mình”.

Anh bước xuống giường, mơ màng nhìn ra cửa sổ. Chỉ còn hai tuần nữa Chị sẽ có mặt ở đây và căn nhà này sẽ tràn ngập sắc xuân. Chiếc lư hương cùng hai chân đèn cũ kỹ trong nhà kho sẽ được Chị mang ra cho mấy đứa cháu lau chùi bóng láng, rồi cẩn thận đặt lên bàn thờ, với mâm ngũ quả, một bình hoa đủ màu sắc và hai đòn bánh tét tròn u được bọc kín trong mảnh ni-lông trong suốt, có hình những cánh mai vàng in trên tấm giấy màu đỏ và hàng chữ “Chúc mừng năm mới”. Không khí tết sẽ tràn ngập trong căn nhà ấm áp với tiếng nói, tiếng cười rộn ràng của Chị. Rồi Chị sẽ lăng xăng chiên, xào, nấu nướng, để làm những món ngon quen thuộc, chuẩn bị đón mùa xuân mới. Bọn trẻ sẽ hí hửng thưởng thức những món mứt thơm lừng, những khoanh giò thủ tròn trĩnh, đậm đà hương vị mằn mặn, ngòn ngọt mà Anh thường lắc đầu chê bai “Dân Nam kỳ làm cái gì cũng bỏ đường. Thức ăn mặn chứ có phải là chè đâu…”.  Chê vậy đó, nhưng lúc nào Anh cũng là người thanh toán sạch sẽ đĩa giò thủ đầy ắp Chị vừa mang ra.

Anh cảm thấy mình rất may mắn khi có Chị bên cạnh gần bốn mươi năm. Là một người phụ nữ bình thường, Chị không có gì nổi trội về nhan sắc, vóc dáng và cả trình độ học vấn, nhưng Chị có tấm lòng nhân hậu, hay thương người. Trong gia đình, Chị luôn dành những gì tốt nhất cho chồng, cho con. Với người ngoài, ai gặp khó khăn, hoạn nạn, Chị lẹ làng xăn tay giúp đỡ. Chị hăng hái kêu gọi mọi người đóng góp trong các công việc từ thiện. Nhưng cũng chính điều này đã nhiều lần làm Anh Chị bất đồng ý kiến. Anh rất ngại những chuyện dính líu đến tiền bạc, dễ mang tai, mang tiếng. Còn Chị thì “cây ngay không sợ chết đứng”, dù Anh có ngăn cản, Chị vẫn lén lút tiến hành. Dù trước mặt Anh, Chị nhỏ nhẹ “Anh không thích thì em không làm”, nhưng sau lưng Anh thì Chị kêu người này, gọi người kia, lái xe từ đông sang tây để xin cái này, mua cái nọ, đóng thùng gửi về giúp trại mồ côi, giúp người nghèo ở Việt Nam. Chị lúc nào cũng lăng xăng, miệng bằng tay, tay bằng miệng. Cái miệng lúc nào cũng cười toe toét, nên làm sao Anh giận được, dù mắt Anh liếc ngang, liếc dọc, cao giọngtrách móc “Bà tưởng bà còn trẻ lắm hả? Lên tới hàng sáu rồi đấy. Già khú. Bớt lăng xăng cho tôi nhờ”. Những bà vợ khác nghe câu này chắc sẽ tức giận, nhảy đỏng lên, nhưng Chị chỉ nhún vai, kê sát mặt Anh, chun mũi cười khà khà. Đã vậy các con còn giơ tay ủng hộ Chị:

-Mẹ đang làm công việc “để đức cho con” mà ba. Chẳng phải ba hay nói, so với các bà vợ của bạn ba thì mẹ số một. Gia đình mình mà thiếu mẹ là thiếu tất cả sao?

***

Anh ra dấu cho các ông bạn cùng bàn im lặng để nghe chú rể trong bữa tiệc ”Kỷ niệm 35 năm thành hôn” trả lời câu phỏng vấn của MC:

-Cảm giác của chú rể trong giây phút này ra sao?

Sau khi nắm tay cô dâu quay một vòng trên sân khấu, chú rể hắng giọng trả lời:

-Dù đã trải qua 35 năm nội chiến từng ngày, nhưng tôi vẫn cảm thấy vui. Vui… vì cho đến giờ phút này, cả hai vẫn còn lành lặn, để hôm nay tôi còn được đứng bên nàng mà hát rằng “Em, anh sẽ yêu em dài lâu. Em, anh sẽ yêu em đậm sâu…”.

Giữa tràng pháo tay cổ võ nồng nhiệt của quan khách, đám bạn của Anh xì xào:

-Trời đất, nào giờ tao đâu biết thằng Tri cũng nịnh vợ ra trò. Nhớ hồi đó nó nói với tao, vợ nó là người đàn bà toàn diện. Toàn diện theo nghĩa: diện sáng, diện trưa, diện chiều, tối đi ngủ cũng diện luôn.

Mấy ông “độc thân tạm thời” cười nắc nẻ. Ông Phiên che miệng nói nhỏ:

-Hồi đám cưới vợ chồng nó tao không đi dự được. Mấy tháng sau gặp nó, tao hỏi, vợ mày ra sao?. Nó nhìn tao đáp bằng giọng rặc mùi “phản động”, vợ tao là thiếu nữ. Tao trợn mắt, chứ chẳng lẽ vợ mày là thiếu nam à?. Nó cười, mày phải hiểu cao siêu hơn cái nghĩa thông thường.  Thấy tao ngớ ra, nó nháy mắt cười, nghĩa là vợ tao…. là một người… thiếu… nữ… tính.

-Hay! Hay!!!

Ông Tùng đập tay lên bàn, nói tiếp:

-Tao cũng đã từng nghĩ vậy. Vì có lần đến thăm, tao thấy bả cắt cỏ, đốn cây, rửa xe ào ào, còn nó ngồi xem TV.

-Ủa! bả không la lối, chì chiết nó sao?

-La cái gì khi mà nó làm cái gì bả cũng chê, cũng nói, để yên đó cho tôi. Dựa vào đó nó phán, từ đây tôi sẽ ngồi yên để bà làm cho vừa ý.

-Vậy là số nó sướng, chứ gặp phải bà nhà tao…còn khuya …

Cả đám cười chưa dứt tiếng thì “chú rể 35 năm” đã kéo ghế ngồi ké:

-Mấy cha này, bữa nay bỏ vợ ở nhà để tới đây nói xấu vợ phải không?

-Đỡ hơn mày nói xấu vợ giữa bà con trăm họ. Coi chừng tối nay bả vặt lông mày à nha.

-Trời… bà xã tao là dân chơi thứ thiệt mà. Tao nói cỡ nào bả cũng không “care”, trừ một chuyện… không nói được.

-Chuyện gì?

Chú rể quơ tay phản đối:

-Đã bảo không nói được.

Ông Phiên quét mắt nhìn quanh một lượt rồi cầm ly rượu lên:
         -Dô, dô.

Chú rể hưởng ứng nhiệt tình để chứng tỏ tửu lượng của mình thuộc hàng cao thủ. Vài mươi phút sau, khi giọng nói của chú rể bắt đầu lè nhè, ông Phiên bèn tấn công:

-Ê! kể nghe… chuyện gì mà vợ mày không cho nói?

-Đã nói… Hổng nói được.

-À, bữa nay tao mới biết mày là hội trưởng hội sợ vợ.

Nốc tiếp một ly, chú rể khoa tay:

-Ai nói tao sợ vợ.

-Hổng sợ thì kể…. chuyện… không được kể đi.

Nhìn quanh quất, chú rể che miệng nói nhỏ, nhưng âm lượng hình như to hơn lúc bình thường:

-Hồi đó đó… mới qua Mỹ được vài tháng, vợ chồng, con cái dắt nhau đi “mall”. Ta nói… quê ơi là quê, giống như Tư Ếch đi Saigon vậy. He!he!!!  Vòng vòng một hồi, bả đòi đi vệ sinh. Tìm hoài không ra chỗ, chịu hết nổi, bả quay ngang, quay dọc, rồi túm đại “thằng” Mỹ vừa đi ngang, nói “I want to go to the bathroom”. Nhưng phát âm sai bét, nên chữ “bath” nghe thành chữ “bed”. Nó nhìn bả, tròng trắng, tròng đen muốn lọt ra ngoài luôn. Lúc đó, quýnh quá đâu biết làm sao, bả vòng tay ra phía sau, chỉ vào cái mông. Cũng may, thằng Mỹ thuộc loại thông minh nên hiểu liền. Nó kéo tay bả, chạy bất kể sống chết. Ha! Ha! Tao nhìn theo cười muốn đứt ruột luôn.

Các ông ré lên, gõ ly, gõ chén kêu rang rảng. Nhưng rồi… họ cũng thắng kịp để giữ lịch sự, khép miệng cười hiền lành khi “cô dâu 35 năm” ghé qua bàn, nhìn chú rể hỏi với giọng nghi ngờ:

-Ông kể chuyện gì mà mấy ổng cười dữ vậy?

Ông Phiên lắc đầu nguầy nguậy:

-Ối! chuyện tào lao thiên địa đó mà.

Rồi ông đổi giọng tha thiết:

-Tụi tôi muốn… cám ơn chị đã săn sóc thằng bạn nối khố của tụi của tôi để nó được lành lặn sau 35 năm..

Chú rể hớt nhanh, trước khi gục mặt xuống bàn:

-Sống chung với…. cọp. He!he!!!! .

Âm vang vui nhộn của bữa tiệc vừa tàn còn theo Anh trên suốt con đường về nhà. Nhớ lời hứa của thằng con, sang năm mới, con sẽ tổ chức tiệc mừng “Anniversary 40 năm” cho ba mẹ, lòng Anh bỗng nôn nao. Rồi từ đâu, nỗi nhớ bỗng tràn về. Nhớ xôn xao. Nhớ lạ lùng… đến nỗi anh phải ghé qua cây xăng, gõ vài dòng nhắn tin “Còn mười ngày nữa…. gia đình mình sẽ rộn ràng đón tết như năm nào. Mong em  và… ”. Muốn gõ thêm hai chữ “Yêu Em” mà sao những ngón tay Anh cứ mãi ngập ngừng. Nhớ bài văn tả ông bà của mấy đứa cháu, ông cười một mình “Già rồi… tụi cháu biết được… chắc độn thổ luôn ”

***

Nặn nọt một hồi lâu, Anh thảy ba lá bài xuống bàn, ngước mắt nhìn Chị, ra vẻ thểu não:

-Bù. Đứt vốn luôn em ơi.

Hai thằng con trai cười hí hửng, vuốt từng tờ giấy bạc, giọng hân hoan:

-Còn tụi con thì vốn tăng cao.

Chị ngồi thẳng người, nhìn từng đứa, giọng ngọt ngào:

-Thôi, chơi vậy đủ vui rồi, mấy đứa trả tiền lại cho ba đi.

-Sao được mẹ. Tiền ăn bài là tiền hên đầu năm, đâu trả lại được.

-Tội nghiệp ba mà.

Hai cái đầu đen thui vẫn lúc lắc từ chối. Điều đình không xong, Chị trở giọng trách móc:

-Con cái gì mà đi ăn tiền của ba. Trả lại cho ba đi.

Thằng con đứng lên, vừa đếm tiền, vừa trả treo:

-Vào sòng bài ăn thua rồi thì không cha con gì hết.

Con dâu hùa vào:

-Hồi nãy ba ăn bài, mẹ vỗ tay đôm đốp vui mừng, chứ có thấy mẹ bảo ba trả lại cho tụi con đâu.

Chị giật lấy trái banh trong tay cháu nội, ném thằng con:

-Đồ bất hiếu. Ba nuôi tụi bây cực khổ từ nhỏ đến lớn, giờ lại nỡ lòng…

Chưa hết câu, không biết nghĩ sao Chị đổi giọng van lơn:

-Thôi thì chiều nay dắt ba đi ăn nhà hàng… bù lỗ cho ba đi.

Tội nghiệp ba.

Hai thằng con bò ra cười, vì chúng nói đùa nhưng Chị thì nói thật. Đứa con dâu vỗ tay:

-Vâng! ngay bây giờ con sẽ đãi cả nhà một chầu “buffet”. Ối… giờ mới biết bà yêu ông đến chừng nào. Vậy mà tuần trước, bà gọi sang, nhất định năm nay không trở về ăn tết, làm ông trở bệnh tương tư mất mấy ngày. Ông còn nói nhà này không có bà là không có mùa xuân. Thế mới tình chứ.

Anh quay sang nhìn đôi má ửng hồng của Chị, rồi nhớ câu thằng Kiên nói “Sao ông bà nội, cứ một người ở Việt Nam, một người ở Mỹ” mà thấy nao nao trong lòng. Tội nghiệp Chị, cứ mỗi lần cô em ở Việt Nam gọi sang nói “Mẹ hỏi chị bao giờ mới về thăm, mẹ nhớ chị, sợ chết không gặp mặt chị” thì Chị lại ray rứt vì nghĩ mình không tròn chữ hiếu. Về Việt Nam thì lại nhớ chồng, thương cháu, lo không có ai chăm sóc. Cứ thế mà  chạy đi, chạy về, một năm hai lượt, làm Anh xót cả ruột mà chẳng biết giải quyết thế nào. Cách đây một tuần, Chị gọi cho Anh:

-Dạo này mẹ yếu lắm rồi, chắc tết này em không về bên ấy được.

Đang hớn hở chờ đợi một cái tết ấm cúng ,cùng bữa tiệc “Anniversary” tưng bừng mà các con đã chuẩn bị, Anh như quả bóng xẹp xuống. Nỗi buồn bã, thất vọng ập đến, Anh im lặng một lúc lâu rồi trả lời một cách nhạt nhẽo:

-Ờ…ờ… thôi… sao cũng được… ở bên ấy ăn tết đi.

Tắt điện thoại, Anh ngồi thừ người ra, nhìn tấm lịch gở chỉ còn những tờ cuối mỏng dính mà cảm thấy cô đơn lạ lùng. Đôi mắt cay cay, Anh thầm nghĩ “vợ chồng xa nhau sáu tháng rồi chứ ít ỏi gì!”.

Chị cũng không khác gì Anh. Câu nóihững hờ của Anh khiến Chị thấy tủi lòng “Hoàn cảnh… biết sao hơn”.  Em của Chị ngồi gần đó, tay cầm tờ báo, nhưng theo dõi không sót một cử chỉ nào của chị mình. Mấy năm trôi qua, cô đã từng chứng kiến nỗi vui mừng, háo hức của Chị mỗi khi chuẩn bị trở về sum họp với chồng con nơi quê hương thứ hai mà Anh Chị đã gắn bó gần ba mươi năm. Thương chị mình cố gắng làm tròn chữ hiếu với mẹ già trong những năm tháng còn lại. Thời gian gần đây, sức khỏe của mẹ ngày càng yếu, đầu óc đã lú lẩn không còn nhận ra ai, ngay cả Chị là người con được mẹ yêu thương nhất nhà. Cô buông tờ báo xuống, đến ngồi bên cạnh Chị:

-Chị à, mẹ bây giờ không nhớ gì nữa. Mẹ gọi tên chị chỉ bằng vô thức, nên chị ở đây hay vắng mặt mẹ cũng chẳng biết. Nhưng chị không về bên ấy ăn tết với anh và các cháu thì cả gia đình đều buồn. Mẹ ở đây có em lo, chị an tâm.

Và rồi Chị lặng lẽ trở về, không một lời báo trước. Sự hiện diện của Chị đã mang đến cho gia đình một niềm vui bất ngờ và to lớn. Tết năm nay có lẽ là cái tết hạnh phúc nhất với Anh, vì người tưởng xa mà lại về gần.

Anh bước đến, đưa tay cột chiếc khăn choàng chị vừa khoác lên cổ để thay vòng tay ấm áp Anh muốn dành tặng Chị, nhưng ánh mắt lém lỉnh của đám con cháu làm anh cảm thấy ngại ngùng. Nghĩ mình đã giận oan vợ suốt tuần qua, anh có chút ân hận, nên giã vờ cúi xuống, sửa lại chéo khăn để hát khẽ vào tai chị “Tình ơi, dù sao đi nữa, anh vẫn yêu em…..”.

Má Chị lại một lần nữa ửng hồng trong ngọn gió xuân lành lạnh.

—————

(*) Sưu tầm trên Net

Ngân Bình

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search