T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Hôm qua, hôm nay và mai sau

 

 

Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh

Ngày 20 tháng 9 năm 1976

Và anh đã đeo nhẫn cho em. Vòng nhẫn trắng do chính tay anh làm bằng tình yêu và nỗi nhớ trong những ngày tháng gian nan, buồn thảm nhất, đã khiến em xúc động trong niềm hạnh phúc ngọt ngào. Giây phút thiêng liêng, cảm động đó em sẽ nhớ mãi suốt cuộc đời mình. Nó như một nhắc nhở ân cần. Một chứng tích tình yêu ý nghĩa nhất anh đã dành cho em. Em xin nhận như lời hẹn ước đợi chờ anh dù từng mùa xuân có trôi qua và tàn phai trên mái tóc. Anh của em! hãy tin em như anh đã tin vào tình yêu của chúng mình anh nhé, vì bốn năm dài yêu nhau, mình đã có với nhau những kỷ niệm tuyệt vời; dù không bao nhiêu, nhưng đủ cho em suốt đời còn bâng khuâng tưởng nhớ thì làm sao em có thể đành lòng quay lưng quên bỏ.

Dù bây giờ, em ngày từng ngày với nỗi cô đơn trống vắng, với những chiều nước mắt rưng mi, nhưng em vẫn cảm thấy hình như trong nỗi buồn có một chút gì hạnh phúc. Thứ hạnh phúc không dệt toàn bằng màu hồng mà có hòa lẫn màu đen. Thứ hạnh phúc không chỉ có tiếng cười, mà còn có tiếng khóc. Nhưng khóc hay cười em vẫn nghĩ rằng em rất hạnh phúc. Vì em đang có tình yêu. Và tình yêu đó không phải là trăng khi tròn, khi khuyết, không phải là hoa khi nở, khi tàn, và mãi mãi sống trong lòng anh, trong lòng em, trong lòng chúng ta như bao ngày, bao tháng đã qua.

Rồi ngày đi. Rồi đêm tới. Và anh sẽ về. Em không biết ngày anh về, mây có giăng cho trời xanh mơ ước, nắng có hồng cho hạnh phúc nở hoa không? Nhưng sao em cả thấy rằng đó là một ngày vui tuyệt diệu, một ngày đẹp huy hoàng. Em sẽ cầm tay anh thật chặt. Em sẽ nhìn vào mắt anh thật sâu để gửi vào đó tất cả những mê đắm, những nhiệt nồng của tình yêu em nâng niu, gìn giữ bấy nhiêu ngày – chỉ dành cho anh, trọn vẹn và duy nhất cho anh thôi.

Ngày anh về, chúng mình sẽ quên hết buồn đau xa cách để sống bên nhau trọn vẹn yêu thương một đời, để đền bù những đợi chờ, mong nhớ đã qua và cùng nhau tạo dựng một mái gia đình ấm êm hạnh phúc, rộn rã tiếng cười nói của trẻ thơ – những đứa trẻ xinh đẹp tuyệt vời mà chúng mình vẫn hằng mơ ước.

Anh ạ! ước mơ thánh thiện đó đã giúp em giữ vững niềm tin và hy vọng trong tháng ngày đợi chờ anh. Em vẫn ngắm hoài ngón tay đeo nhẫn của mình nắm ngoan hiền trong vòng nhẫn anh trao – vòng nhẫn trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng của chúng mình – và sung sướng thầm nhủ – em đã là vợ của anh – “cô vợ ngây thơ” mà anh vẫn thường âu yếm “gọi” trong những cánh thư tình đẫm ngọt tình yêu.

Anh của em!

Em yêu anh.

Và yêu anh thật nhiều.

Ngày xưa.

Hôm nay.

Và mãi mãi…

(Để nhớ lần thăm anh ở trại cải tạo Chi Lăng và cũng là lần anh “trang trọng” đeo nhẫn cho em)

***

23 năm sau…

Một ngày kia, tình cờ nàng tìm thấy và đọc lại những dòng nhật ký “lãng mạng” trên, sau khi “đối khẩu văn chương” với chàng một trận thật “ác liệt”. Với tất cả bực dọc nàng vào phòng bươi hết sách vở cũ ra (để làm gì cũng không biết – chắc là để hả cơn giận). Không biết có phải vì mang tuổi “con cọp” nên nàng cứ hay gầm gừ với chàng dù là những chuyện không đâu (vì thế chàng đặt biệt danh cho nàng là Tý Quạu).

Chẳng hạn như:

– Sao đôi giày của con bé còn mới toanh mà anh lại mua thêm đôi mới cho nó nữa?

– Tại con bé thích quá, nó năn nỉ hoài, anh bắt hứa cái gì nó cũng hứa.

– Cứ chìêu con cái kiểu này là có ngày nó hư cho mà coi. Ngày mai anh đem trả lại cho em.

– Tội nghiệp con mà em. Em không thương con sao?

Chàng dịu dàng trả lời với nụ cười “cầu tài”, (mà lúc đang nổi “tam bành” nàng lại cho rằng đó là nụ cười ‘khiêu khích’) nên càng “sôi gan”:

– Anh cứ làm như em là mẹ ghẻ không bằng.

Chàng còn ‘bồi’ thêm:

– Em nhớ không? Hồi đó em kể cho anh nghe, lúc còn nhỏ em thích chiếc xe đạp mà má không cho mua, ba thấy vậy nên vừa lãnh lương xong ba ghé tiệm mua cho em chiếc xe đạp và khi được chiếc xe em sung sướng cả tháng. Con mình cũng vậy…

Nàng liếc chàng một cái ‘bén’ còn hơn lưỡi cạo.

Lần khác lại vì cái tật thích “chế biến” của chàng mỗi khi vào làm bếp. Vào một buổi chiều chói chang ánh nắng, khi thấy nàng đang miệt mài bên bàn máy may để “vật lộn” với đống hàng phải giao ngay trong ngày hôm đó, chàng đưa tay xoa nhẹ vai nàng, âu yếm hỏi:

– Chiều nay em thích ăn gì?

– Ồ… em đang thèm canh măng.

– Sẽ có ngay.

Và nàng háo hức chờ một tô canh măng nóng hổi, vừa thổi, vừa ăn. Khi nghe tiếng gọi ơi ới của chàng ngoài phòng ăn, nàng hí hửng chạy ra. Nhưng khi nhìn tô canh măng, nàng nhăn mặt hỏi:

– Bộ anh không vớt bọt sao mà nước canh đục ngừ vậy?

– Đâu có, anh với bọt kỹ lắm.

– Vậy sao nước soup không ‘trong” giống như em nấu?

Chàng cười hoan hỉ:

– Đây là canh măng kiểu mới do anh biến chế – canh măng nấu sữa tươi.

Nghe qua nàng muốn té ngữa xuống bàn ăn. Không còn lời gì để nói nữa, nàng ngồi ăn ậm ừ cho qua bữa, dở khóc dở cười. Chàng thì cảm thấy tổn thương vì bà vợ yêu quý không biết đến “công lao và tâm huyết” của mình. Chàng giận dỗi phân bua với các con:

– Con thấy không, Mẹ nấu cái gì Ba ăn cũng ngon, còn Ba nấu cái gì Mẹ cũng chê. Ba thương Mẹ, chứ Mẹ đâu có thương Ba.

Ủa! lạ thiệt ta. Chuyện yêu thương có ăn nhằm gì với chuyện ăn uống đâu, mà chàng lại “bắt quàng” để “cay đắng” với nàng. Vậy là có màn “hờn anh giận em”.

Ngày xưa, khi ngồi bên nhau nói “chuyện mai sau” có bao giờ chàng và nàng nghĩ ra những cái “problem” nho nhỏ mà lại đáng kể này đâu. Có biết bao cặp vợ chồng cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt cả tuần hay cả tháng vì những chuyện không đâu. Phần nàng, số phận cũng có phần may mắn hơn người, nên “chàng của nàng” được cái tính trầm tĩnh, dịu dàng với tấm lòng yêu thương vợ rất bao dung và quảng đại, nên dù nàng có làm điều gì mích lòng, chàng cũng sẵn lòng bỏ qua tất cả.

Khi mái tóc bắt đầu điểm sương, chàng bỗng đâm ra lãng mạng hơn cả thời mới yêu nhau. Một hôm nàng đang chiến đấu với đống chén dĩa ngỗn ngang trong bồn rửa chén, chàng nhẹ nhàng đi tới, vòng tay ôm ngang eo nàng ( cũng may là vòng eo của nàng chưa đến nỗi “phì” nên chàng khỏi cần phải “nối vòng tay lớn”). Chàng tựa cằm lên vai nàng, giọng nhẹ nhàng như nhạc êm dịu buổi tối:

– Vài năm nữa anh sẽ cất cho em một căn nhà ở vùng ngoại ô, phía sau nhà có hồ với hàng liễu rũ, chiều chiều anh sẽ ngồi chải tóc cho em.

Nàng vói tay ra phía sau, rờ trán chàng. Vầng trán thân yêu vẫn mát dịu. Nàng gật đầu yên chí là chàng đang bình tĩnh chứ không phải vì “trúng gió” mà nói nhảm. Nàng chợt nhớ, ngày xưa khi đang học cải tạo, chàng có gửi tặng nàng một cái lược bằng nhôm do chính tay chàng làm với hàng chữ khắc trên lược :

Tóc em từng sợi nhỏ.

Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh –

“Em yêu! anh mơ suốt đời được chải tóc cho em”

Hàng chữ làm cả đám bạn của nàng xuýt xoa mơ ước “kép của mày lãng mạng gớm”. Nhưng cũng có đứa thắc mắc “không biết chàng viết vậy mà sau này có làm được vậy không?”.

Cưới nhau rồi ít có dịp ở cạnh nhau vì chàng mãi bôn ba tìm đường vượt biên. Đến khi qua đảo và ở đó đến một năm rưỡi (đã được Mỹ nhận nhưng hồ sơ sức khỏe có vấn đề (???) nên phải ở lại thêm một thời gian dài) chờ ngày định cư. Lúc ấy cũng là lúc nàng có thai đứa con thứ hai, nên chàng mới có dịp làm tròn lời hứa. Vì lúc đó cái bụng bầu của nàng quá to, rất khó khăn khi cúi xuống, nên chàng đành phải ra tay. Thế là ngoài cái chuyện thực hành lời hứa chải tóc, chàng làm luôn cái chuyện gội tóc cho nàng -Tình không chịu được – Bà hàng xóm đã “sụt sùi” nói với nàng:

– Thấy anh gội đầu cho chị, em thật cảm động. Đâu có mấy người đàn ông được như anh.

Nàng vội vàng bào chữa, vì ngại người ta nghĩ là chàng hầu vợ hoặc nàng hành hạ chồng:

– Có thai kỳ này bụng to quá, mình cúi xuống khó lắm chị ạ!

Chị hàng xóm xoa tay nàng:

– Chị có phước lắm.

Nàng suýt bật cười khi thầm nghĩ – không biết đến cái ngày mà… chàng lụm cụm, tay run run chải tóc cho nàng (bây giờ còn bận đi cày nên chưa có giờ, đành phải chờ lúc về hưu), thì tóc nàng còn được mấy sợi. Vì bây giờ, mỗi lần chải tóc nàng phải xót xa mà than thầm “tóc em từng sợi nhỏ rớt xuống sàn (nhà) làm… tóc em thưa”.

Cho đến ngày kia. Một ngày có mưa phùn lất phất, có mây buồn nhuộm tím không gian, chàng kéo nàng theo chân niên trưởng của chàng ra vùng ngoại ô để tham quan một miếng đất có hồ phía sau. Chỉ mới nghe kể thôi mà chàng đã say sưa xây mộng. Nhìn gương mặt rạng rỡ niềm vui của chàng mà lòng nàng cũng chợt thấy bồi hồi. Chàng của nàng mộng rất bình thường. Không ước mơ một căn nhà nguy nga, tráng lệ hay dinh thự đồ sộ mà chỉ thích có miếng đất rộng, có sông, có hồ để vui thú điền viên. Vùng đất hoang vu tiêu điều không cho nàng một cảm giác nào cả, dù tối hôm trước chàng đã dụ dỗ “ra ngoại ô ở với cảnh sông nước hữu tình, em sẽ có hứng để viết văn, làm thơ trở lại như thưở xưa”.

Chàng đi vòng quanh hồ, miệng suýt xoa không ngừng “đẹp quá, cái hồ đẹp quá”. Còn nàng thì không cảm thấy một nhịp đập rung động nào trong trái tim vốn dĩ trữ tình, lãng mạng của mình. Nàng không biết phải can ngăn chàng bằng cách nào vì trót đã hứa “anh ở đâu thì em ở đó”. May mắn thay, nhờ anh bạn rất thân thiết của chàng cũng bàn ra”nên chàng dẹp bỏ ý định “anh xin đưa em về, về miền quê nuôi cá”.

Vào một buổi chiều cuối năm, khi nàng trở về, sau một ngày làm việc tất bật, mệt mỏi, nàng được chàng chào đón bằng một khuôn mặt ủ ê.

– Hôm nay anh có chuyện buồn, em phải an ủi anh mới được.

– Chuyện buồn gì vậy anh?

– Anh mới bị cảnh sát cho một cái ticket.

Nàng lặng lẽ nhìn chàng – như đã lặng lẽ tính toán, lặng lẽ âu lo về cái khoản tiền phải có để đến mùa hè, vợ chồng, con cái về Việt Nam thăm gia đình. Thật sự, nàng muốn lên giọng để vô “sáu câu vọng cổ” -Sao anh không lái xe cẩn thận một chút có phải tiết kiệm được gần một trăm đồng không? Nhưng nhìn thấy nụ cười vừa tình tứ, vừa nhu hiền cố hữu của chàng, nàng không nỡ, nên bước vội vào phòng tắm xối nước ào ào cho đỡ… buồn. Nàng trách thầm cho cái số lận đận của vợ chồng nàng “số nghèo hai chục năm nay, xây bao nhiêu mộng trắng tay vẫn nghèo”. Nhiều khi nhìn thấy bạn bè ăn nên làm ra nàng cũng cảm thấy xốn xang. Nhưng thôi, cứ tin rằng Thượng đế đã an bài, không làm sao cãi được số mạng -Như ngày xưa chàng đã viết từ một trại cải tạo xa xôi nào đó “Hãy quên anh đi, hãy tạo lập một cuộc đời mới, chứ… thương anh làm gì cho dang dở đời em…”. Nàng đã trả lời chàng bằng lời thư rất chân thành, rất tha thiết “Em chọn anh như chọn chính định mệnh của đời mình. Dù sung sướng, dù gian khổ em cũng sẵn sàng chấp nhận, miễn sao được ở bên cạnh anh suốt cuộc đời”.

Vậy thì… có sá gì một cái ticket mà rày rà cho ông xã buồn lòng. Nàng thầm nhủ “đen bạc thì đỏ tình, ông bà mình ngày xưa vẫn nói thế mà”. Và nàng nghe nỗi buồn trong lòng như nhẹ đi.

Có tiếng gõ cửa. Đứa con gái rón rén bước vào phòng bật mí”với nàng:

– Mẹ biết chiều này mình ăn cái gì không?

Nàng hôn lên đôi gò má bầu bĩnh của đứa con gái út, cao hơn nàng gần một gang tay:

– Làm sao Mẹ biết được. Bà ngoại nấu mà.

Giọng con bé thấp xuống như tiếng thì thầm:

– Không phải bà ngoại nấu mà ba nấu đó. Ba biết mẹ thèm cua rang muối nên ba làm cho mẹ ăn. Ba biểu đừng có nói, để “surprise” mẹ. Mẹ thích không?

Đứa con gái che miệng, hấp háy đôi mắt cười, khuôn mặt giống hệt chàng. Nàng ôm con vào lòng, bắt chước giọng thì thầm của nó:

– Thích lắm, mẹ thích lắm. Được “đỏ tình” như thế này, thì cho dù “bạc có đen” bao nhiêu mẹ cũng không sợ.

Con bé nhíu mày trước câu nói “khó hiểu” của mẹ. Nhưng tiếng cười của nó vẫn vang lên làm ấm cúng căn nhà đang tràn đầy hạnh phúc. Một hạnh phúc rất thật và rất nồng nàn của chàng và nàng.

Ngân Bình

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search