T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Như tiếng thở dài

Ngày đám tang của bố tôi, bà ấy xuất hiện cùng với đứa con trai ba tuổi. Thằng bé chỉ vào tấm ảnh của bố bi bô nói “Bố kìa, Bố mình kìa”.

Tất cả những thân nhân bạn bè đang hiện diện đồng loạt quay lại, chăm chăm nhìn thằng bé bằng đôi mắt kinh ngạc. Bàn tay người đàn bà chận ngang đôi môi hồng xinh xắn, nhưng không còn kịp nữa.

Tiếng khóc vật vã của mẹ ngưng bặt, hai đứa em tôi há hốc miệng sững sờ. Mẹ nhìn trừng trừng vào hai mẹ con người đàn bà. Chiếc áo dài đen và mái tóc ngang vai cột túm phía sau làm lộ rõ nét cằn cỗi, sầu não trên khuôn mặt bà ta. Giọng mẹ tôi đanh lại.

-Bà là ai? thằng bé này là ai?

Người đàn bà nhìn mẹ tôi bằng ánh mắt tha thiết, tiếng nói đứt đoạn trong hơi thở dồn dập.

-Nó là con trai của anh Thi.

Môi mẹ mím chặt. Đôi mắt đỏ hoe lem luốt lúc nãy bổng trở nên sắc lạnh. Chắc hẳn không ai đặt câu hỏi “bà ta nói thật hay nói dối?”, bởi vì khuôn mặt của thằng bé giống bố tôi như đúc là một bằng chứng xác thực nhất. Căn phòng trở nên im lặng một cách nặng nề. Một vài đôi môi mấp máy nhưng rồi im bặt, vì không biết phải nói gì và làm gì trong tình thế dở khóc dở cười này.

-Tôi không cần biết bà và thằng bé này là ai. Mời bà ra khỏi nơi đây.

Người đàn bà kéo tay con, quỳ xuống van nài.

-Xin chị ban cho cháu ân huệ được để tang bố.

Mẹ tôi quay đi.

-Lôi bà ta ra ngoài.

Người đàn bà khóc nấc lên.

-Nghĩa tử là nghĩa tận, xin chị hãy mở lòng. Dù thế nào nó cũng là con của anh Thi. Là con trai duy nhất của dòng họ Lưu.

Mẹ giận dữ đẩy mạnh vào ngực người đàn bà. Bà ta loạng choạng ngã xuống đất, đứa con trai khóc thét lên. Những người bạn của mẹ chạy đến lôi mẹ ra phía sau. Ba chị em chúng tôi đứng yên như trời trồng.

Có tiếng ai đó nhắc khẽ vào tai tôi.

-Đưa bà tay ra ngoài đi, không thôi lại lớn chuyện.

Tôi bước tới bế xốc thằng bé, kéo người đàn bà đứng lên. Bà thất thểu đi theo tôi. Tiếng khóc vẫn kéo dài da diết, buồn thảm. Ra đến parking tôi thả thằng bé xuống, cố gắng lắm mới nói được một câu.

-Cô đã chạm vào nỗi đau của mẹ và chị em cháu. Đáng lẽ cô đừng đến đây thì bố có thể yên nghỉ trong sự thương mến và kính trọng của mọi người.

… Khi tôi trở vào thì chiếc khăn tang trên đầu mẹ đã bị vất xuống dưới chân quan tài. Tiếng la hét của mẹ vang lên thống thiết.

-Các con bỏ khăn ra… bỏ ra… ông ấy không xứng đáng là bố chúng mày.

Tôi lặng nhìn vào ảnh bố đang đặt trước quan tài. Nếu linh hồn bố còn lảng vảng nơi đây chắc chắn bố sẽ rất đau lòng khi chứng kiến sự việc vừa xảy ra. Quay sang, thấy tôi vẫn bất động, mẹ nổi giận đưa tay giật mảnh khăn trên đầu tôi.

-Bỏ xuống, tao bảo bỏ xuống.

Tôi đưa tay giữ lại rồi bước vội ra ngoài mặc cho tiếng mẹ gào thét phía sau.

-Thanh Nhi có nghe mẹ bảo không? bỏ hết, bỏ hết …. dẹp hết đi.

Ngày đưa quan tài bố ra nghĩa trang không khí thật im lìm, lạnh lẽo. Không ai có thể thuyết phục được mẹ, nên chỉ có tôi, hai đứa em, chú Thành, cô Tuyết cùng một vài người bạn thân của bố đưa tiễn người đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi ôm ảnh bố nghẹn ngào thì thầm “bố ơi! bỏ hết mọi chuyện để ra đi thanh thản nghe bố “.

***

Lễ giỗ 49 ngày của bố tôi xin lễ ở nhà thờ. Mẹ vẫn nhất quyết không tham dự dù tôi hết lời năn nỉ.

-Đã là con người, ai mà không có lầm lỗi. Dù sao, bố cũng đã mất rồi, mẹ nên tha thứ để bố ra đi nhẹ nhàng.

-Không bao giờ. Con có thể tưởng tượng mẹ bị mất mặt như thế nào không? Bao nhiêu bạn bè, người thân ở đó chứng kiến cái cảnh mẹ bị chồng phản bội, lừa dối ba bốn năm trời mà không hề hay biết. Ông ấy đã làm tổn thương mẹ đến như vậy làm sao mẹ có thể tha thứ được.

Nước mắt tôi ứa ra với ý nghĩ “vậy có khi nào mẹ nghĩ lại xem, đã bao nhiêu lần mẹ làm tổn thương bố và bố đã mấy lần tha thứ cho mẹ?”. Cố nén lòng tôi nhẹ giọng van nài.

-Mẹ … dù sao mẹ cũng nên rộng lượng với bố. Con nghĩ … nếu như mẹ có phạm phải lầm lỗi… tày trời, chắc bố cũng sẵn sàng tha thứ cho mẹ.

Mẹ vừa khóc vừa hét lên

-Đừng bênh vực …. Ông ấy không … đáng là bố mày. Ông ấy không phải là bố mày.

Tôi nhìn thẳng vào mắt mẹ.

-Bố không phải là bố của con? Vậy ai là bố của con?

Đôi mắt mẹ như đứng tròng trên khuôn mặt bất động. Vài giây sau đó mẹ như nổi cơn điên, bà gào thét, ném vào người tôi bất cứ vật gì đang ở trong tầm tay của bà.

Tôi lắc đầu, quay lưng bước đi. Từ thuở bé đến giờ tôi đã chứng kiến hàng trăm lần những cảnh tượng như thế này xảy ra cho bố. Còn tôi, thì đây là lần đầu phải hứng chịu cơn giận dữ hung hãn của mẹ. Hơn bao giờ hết tôi hiểu được nỗi đau của bố, người đàn ông phải cúi đầu im lặng trước những lời chửi mắng nặng nề, thậm tệ của vợ mình bất cứ nơi đâu và lúc nào.

… Lễ tan, tôi là người cuối cùng rời khỏi nhà thờ. Khi đi qua hàng ghế cuối tôi chợt thấy người đàn bà và thằng bé đang quỳ. Hai bóng người thật cô độc buồn bã với mảnh khăn trắng quấn ngang đầu. Tôi đếm từng bước chậm ra cửa. Có tiếng chân lúc thúc chạy theo, tiếng người đàn bà vang lên .

-Cô… có phải cô là Thanh Nhi?

Tôi gật đầu. Người đàn bà giật khẽ tay thằng bé.

-Chào chị đi con.

Tôi đưa tay vuốt nhẹ chiếc đầu nhỏ nhắn với mái tóc dày có những lọn tóc dợn phía sau ót, giống hệt bố. Trên khuôn mặt ngây thơ mang trọn vẹn hình ảnh của bố, tôi thấy như thấp thoáng có đôi mắt tha thiết của bố nhìn tôi trong lần hai bố con ngồi trò chuyện dưới hiên nhà.

***

Hôm đó, Thông gọi tôi cầu cứu.

-Bà làm ơn giúp dùm… ngày mai tôi phải đi công tác, Yên đi có một mình với cái bụng bầu to tướng, tôi thật không an tâm chút nào.

-Ông biết rồi mà … người đẹp của ông đâu có thích tôi … chưa kể hồi trước bả còn ghen với tôi nữa.

-Trời ơi! … sao bà sao thù dai quá vậy. Đó chỉ là hiểu lầm thôi. Khi biết tôi và bà là bạn bè thân với nhau từ hồi tiểu học thì Yên đã nhờ tôi xin lỗi bà rồi.

Nhìn vẻ khẩn khoản của Thông tôi không nỡ từ chối nên sáng hôm sau -một buổi sáng định mệnh- tôi đã đưa Yên đi khám thai.

Tôi suýt ngất đi khi thấy ba cầm tay một người đàn bà từ phòng bác sĩ bước ra với vẻ mặt rạng rỡ. Ba cũng nhìn tôi. Thảng thốt. Ngỡ ngàng. Cánh tay bố đang ôm ngang lưng người đàn bà rơi nhanh xuống. Tôi vờ đi như không thấy để quay sang trò chuyện với Yên -những câu chuyện không đầu không đuôi, ngớ ngẩn vô hồn khiến Yên phải tròn mắt nhìn tôi lạ lẫm.

Những ngày sau đó, tôi tránh mặt bố. Cứ đến bữa cơm chiều là tôi viện đủ lý do để vắng mặt. Mẹ thắc mắc. Các em tra hỏi. Bố lặng thinh.

Một buổi tối, tôi đang ngồi ôm đàn phía sau nhà thì bố mở cửa bước ra. Tôi chưa kịp nói gì bố đã xà xuống bên cạnh, ngập ngừng.

-Bố muốn nói chuyện với con vài phút được không?

Tôi gật đầu, không dấu được vẻ bối rối.

-Con có thể nói với bố tất cả những gì con đang nghĩ. Con cũng có thể phê phán bố… nhưng bố xin con, đừng tránh mặt bố nữa.

Tôi ấp úng.

-Dạ… con…

-Bố cám ơn con đã không nói với mẹ những gì con nhìn thấy. Cám ơn con đã thương bố.

Tôi nhìn bố, mắt cay xè vì xúc động

-Sao bố nói thế? Con là con của bố sao lại không thương bố.

-Biết là vậy… Nhưng, nếu người gặp bố là Thanh Nhiên hay Thanh Nghi thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Căn nhà này chắc sẽ tan tành. Các em con sẽ đứng về phe mẹ oán giận bố… Thật sự là bố đáng trách. Bố có lỗi với mẹ và các con… Bố muôn ngàn lần xin lỗi con.

Ánh đèn hắt ra từ mái hiên nhà soi rõ khuôn mặt khắc khổ của bố. Vẻ khắc khổ có chuyên chở cả niềm mặc cảm tội lỗi của bố khiến tôi không khỏi xót xa lòng. Lớn lên trong một gia đình không được êm ấm và hạnh phúc, tôi cảm nhận được sự bất hạnh của bố trong vị trí người chồng. Cái vị trí mà từ xưa ông bà ta vẫn bảo là chủ gia đình. Tôi đã biết thế nào là sự uy nghi của người gia trưởng qua hình ảnh của ông ngoại. Từ bà ngoại cho đến mẹ và các cậu, các dì, ai ai cũng đều răm rắp tuân theo mệnh lệnh của ông ngoại không dám cãi một lời. Còn mẹ tôi thì sao? Bao giờ cũng vậy, bố tôi chưa nói dứt lời mẹ đã quắc mắc quát to “im mồm” bất kể điều đó làm tổn thương bố và khiến con cái xem thường bố. Chỉ nhìn Thanh Nhiên và Thanh Nghi đối với bố thì biết. Chúng chẳng bao giờ để tâm đến những lời khuyên bảo, dạy dỗ của bố. Muốn làm gì, đi đâu chúng chỉ nói v?i mẹ -không phải những lúc chỉ có mẹ mà ngay cả khi có mặt bố ngay đó- Chúng chẳng màng đến cảm giác của bố. Còn tôi thì ngược lại. Với sự nhạy cảm và thấu hiểu, tôi luôn nói với bố những điều tôi muốn xin, bởi tôi biết điều đó sẽ làm cho bố vui, vì ít ra, trong căn nhà này còn có một đứa con gái luôn yêu thương, kính trọng bố. Và bố đáng được đối xử như thế, vì bố là một người cha nhân ái, luôn lo lắng chăm sóc cho chị em chúng tôi bằng tất cả lòng hy sinh quảng đại. Điều đó tôi có thể cảm nhận rõ ràng từng giây, từng phút trong từng ngày, từng tháng tôi lớn dần trong vòng tay nâng niu của bố.

Bố là người luôn chừng mực, chính chắn trong mọi sự việc. Bố cũng không phải là người có thói trăng hoa hay lãng mạng đa tình. Như vậy, điều gì đã khiến bố bước một bước quá xa trong tình cảm với người đàn bà đó. Một người đàn bà rất tầm thường, thua kém mẹ từ vóc dáng cho đến khuôn mặt để bố phải sa ngã trong lầm lỗi lớn lao. Tôi muốn biết vì sao? Tôi thật sự muốn biết…

-…. Chắc bố biết là con rất thương bố. Con nói thật … con thương bố nhiều hơn mẹ.

-Bố biết và bố cám ơn con rất nhiều.

Giọng bố run run, nghèn nghẹn. Tôi cố ngăn nước mắt, nói tiếp

-Vì thế con không bao giờ nói với mẹ chuyện… riêng của bố. Nhưng bố có thể nói thật cho con biết …. tại sao… tại sao bố lại hành động như thế?

Bố cúi đầu thật thấp. Những ngón tay đang kềm giữ điếu thuốc lá chợt run nhè nhẹ. Hình như tôi đã đòi hỏi bố làm một việc rất khó khăn là phải thố lộ với con gái những điều không tốt đẹp về mình. Tôi cảm thấy bất nhẫn và hối tiếc nên xoa nhẹ tay bố.

-Xin lỗi, con đã làm khó bố rồi ….

Tôi cắn chặt môi mình để nước mắt khỏi rơi xuống và nhìn bố, cười thật trìu mến

-Thôi! bố khỏi nói gì cả và con hứa với bố con sẽ giữ kín mọi việc.

Bố lắc đầu, vuốt nhẹ mái tóc tôi

-Bố cần phải nói. Không phải để thỏa mãn yêu cầu của con mà để lòng bố được nhẹ nhàng… thật sự bố cần một người hiểu bố, thông cảm với bố và bố nghĩ rằng, con là người đáng tin cậy để bố có thể nói hết những gì bố cần nói và phải nói…

Bố dừng lại hít một hơi thật sâu. Tôi im lặng nhìn bố chờ đợi.

-Cô Nhung làm chung hãng với bố từ lâu lắm nhưng ít có dịp trò chuyện thân mật. Rồi có một lần bố bị tai nạn nghề nghiệp trong hãng làm gãy chân trái. Ngay khi bố được đưa vào bệnh viện, người ta gọi mẹ để báo tin thì mẹ đang ở California với các con. Đáng lý mẹ phải trở về ngay để xem tình trạng sức khỏe bố ra sao thì mẹ lại ung dung ở đó chơi thêm vài ngày nữa và mẹ cũng chẳng nói cho các con biết bố bị nạn. Chuyện này chắc con còn nhớ? Cô Nhung thấy hoàn cảnh t?i nghi?p của bố nên đã tình nguyện đến săn sóc bố trong những ngày trên giường bệnh. Sau lần đó, cô Nhung đặc biệt để ý đến bố. Lúc ấy không phải cô có tình ý gì, nhưng chỉ là một chút tò mò, một cảm thương cho người đàn ông không được vợ quan tâm đến, ngay cả lúc hoạn nạn, đau đớn nhất. Những bữa ăn trưa, cô thấy bố chỉ ăn bánh mì hoặc qua loa một gói xôi nhỏ thì cô ân cần chia sẻ cho bố chén cơm, miếng thịt. Mới đầu bố rất ngại ngùng, nhưng dần dần thấy vui và được an ủi. Có một lần bố bị mất chìa khóa xe, gọi điện thoại nhờ mẹ mang chìa khóa khác đến hãng dùm bố thì mẹ trả lời “phiền phức quá… đi xe bus mà về lấy, trời lạnh lắm, em chẳng muốn bước ra ngoài đâu”. Mẹ ở trong nhà mà còn kêu lạnh, sao nỡ lòng để bố đứng đợi xe bus giữa đêm đông buốt giá. Bố bị sốc nặng. Bố thẩn thờ buông người xuống, tự hỏi, là vợ chồng bao nhiêu năm, sao mẹ có thể đối xử với bố hững hờ như thế, trong khi bạn bè của mẹ cần việc gì, dù khuya khoắc, lạnh lẽo đến mấy mẹ cũng chạy đến giúp. Không lẽ mẹ không dành được cho bố chút tình, chút nghĩa cỏn con sao? Con có biết bố đau lòng đến dường nào không? Rồi cũng chính cô Nhung là người đưa bố về nhà lấy chìa khóa và chở bố trở lại hãng lấy xe giữa cơn mưa tuyết lất phất. Đi cạnh nhau từ parking vào hãng, bố cảm nhận được hơi ấm từ bờ vai nhỏ bé của cô Nhung và bố ao ước có một người … xấu, đẹp, già, trẻ không thành vấn đề, miễn là có một tấm lòng dành cho bố….

-Và bố yêu cô Nhung từ hôm đó?

-Không! bố không phải là người sống buông thả. Bố luôn đặt bổn phận và trách nhiệm đối với gia đình lên trên để giữ tình cảm của mình trong chừng mực nào đó… Nhưng rồi một biến cố lớn đã xảy ra giữa bố, mẹ… và trong nỗi khổ đau, hụt hẫng đó, bố đã tìm đến với cô Nhung. Chính ở nơi đó bố mới thấy mình thật sự là một người đàn ông, một người chủ gia đình luôn được tôn trọng và yêu thương.

Dù tôi không hề kết tội bố, nhưng tôi không thể không thắc mắc.

-Một biến cố lớn? xảy ra lúc nào sao con không biết? Đó là sự thật hay bố cố tình nghĩ như vậy để biện minh cho việc làm của bố.

Bố im lặng rất lâu rồi nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh nước

-Con à!.. bố không phải là người như thế… Nhưng thôi, tốt nhất là con không nên biết, vì càng biết nhiều thì tâm hồn của con càng bất an. Bố chỉ muốn nói với con một điều …. con là đứa con gái bố thương nhất và bố mong ước rằng con sẽ không ghét bố vì lầm lỗi mà bố đang mắc phải.

Tôi ôm cánh tay bố, ngã đầu vào vai bố thút thít

-Không đâu bố ơi, con hiểu bố và thương bố nhiều lắm.

***

Ba năm sau.

Chuyện của bố vẫn còn là một bí mật. Nhờ công việc làm đòi hỏi bố phải đi công tác xa nhiều ngày nên sự vắng mặt của bố không làm mẹ nghi ngờ. Hơn nữa, mẹ cũng đã có những cuộc vui riêng với bạn bè, nên có mặt bố ở nhà hay không đối với mẹ cũng chẳng quan trọng. Rất nhiều lần bố muốn đưa tôi đi gặp cô Nhung và bé Thanh Liêm nhưng tôi luôn từ chối. Dù không trách bố nhưng trong lòng tôi vẫn dấu kín một nỗi buồn khi nghĩ rằng, tình cảm bố dành cho mẹ và chị em tôi không được trọn vẹn mà đã bị chia xẻ cho cái gia đình thứ hai của bố. Một điều nữa là, tôi vẫn dặn dò riêng mình, bố có thể phản bội mẹ, nhưng tôi, tôi không được quyền phản bội mẹ. Cứ nghĩ đến một ngày nào mọi chuyện vỡ lỡ ra, nếu mẹ biết tôi là kẻ đồng loã chắc là nỗi đau của mẹ phải nhân lên gấp trăm lần.

Khi bé Thanh Liêm được hơn hai tuổi thì một buổi tối, bố gọi tôi vào phòng làm việc của bố và nghiêm trọng báo cho tôi biết bố đã mắc phải một chứng bệnh nan y mà bố nghĩ rằng bố khó qua khỏi. Hai chân tôi quỵ xuống, cả trời đất như quay cuồng trước mặt, tôi ôm lấy bố khóc òa. Bố vỗ về tôi và cầm tay tôi ân cần gửi gắm.

-Xin con cho bố một ân huệ. Con thương bố thì hãy dùm thương bé Liêm. Nó còn nhỏ dại quá, cô Nhung thì yếu đuối… thường hay bệnh hoạn. Con hãy hứa với bố sẽ thay bố chăm sóc cho em khi bố qua đời. Con có thể giúp bố không?

Tôi nói trong tiếng khóc.

-Bố an tâm mà trị bệnh. Con là con của bố. Bé Liêm cũng là con của bố. Chúng con là chị em với nhau. Sao con có thể bỏ em được. Bố đừng lo lắng, con hứa với bố.

Bố nhìn tôi, trong ánh mắt lo âu buồn bã như ẩn chứa một điều gì bất an.

Hai ngày sau, trước khi được đưa vào phòng giải phẫu khoảng bốn tiếng, bố khẩn khoản nói với tôi

-Con trở về nhà, vào phòng làm việc của bố, dưới gầm bàn có một thùng sách, con lấy hết sách ra, lật miếng carton dưới đáy thùng, lấy phong thư màu vàng đem vào đây cho bố. Đừng để cho mẹ thấy. Nhanh lên đi, không còn giờ đâu con.

Tôi tất tả chạy đi và trở lại với phong thư trên tay. Bố mở phong thư, lấy ra một mảnh giấy màu trắng. Bố bảo tôi kéo ghế ngồi sát bên giường.

-Đêm qua bố suy nghĩ cả đêm không chợp mắt. Bố thấy …. bố cần phải nói với con một sự thật mà trong lòng bố đã tự hứa, mãi mãi cho đến chết bố sẽ không bao giờ nói với con hoặc bất cứ ai về điều này. Nhưng bây giờ … bố đành phải nói với con điều mà đáng lẽ bố không nên nói….

Bố đưa cho tôi mảnh giấy nhỏ.

-Con đọc lá thư này đi.

Đỉnh con,

Má biết con rất giận và rất đau khổ vì việc làm của con Lý. Nhưng má còn đau khổ hơn con, vì ngoài nỗi đau khổ má còn có thêm sự xấu hổ về hành vi tệ hại của con gái má.

 

Lần đầu con đã tha thứ cho nó, má mang ơn con biết bao nhiêu. Ơn kia chưa đền đáp được bây giờ nó lại bước chân lên vết xe cũ. Thật là nhục nhã. Má muốn cầm dao giết chết đứa con gái mất nết này. Nhưng mà giải thích làm sao cho con hiểu… Má chỉ có mỗi mình nó, một mẹ một con trên đời này mà má thì đang bệnh hoạn, chẳng còn sống bao lâu nữa, nên má viết thư này xin con thương má mà tha thứ tội tình cho con Lý để con cái nó được có đủ cha, đủ mẹ.

 

Má đội ơn con đã yêu thương Thanh Nhi, cháu ngoại của má như con ruột của mình. Giờ đây, má xin con mở lòng nhân hậu để con Lý được nuôi dưỡng đứa con tội lỗi này, dù sao nó cũng là một đứa trẻ vô tội…

 

Tôi buông lá thư xuống, hình ảnh bố nhạt nhòa trong dòng nước mắt của tôi. Tôi vừa khóc vừa lắc đầu, “không phải, không phải”. Bố gạt nước mắt, gật đầu “phải… phải con ạ”

-Những điều bà ngoại viết là thật. Nhưng bố đã nói … con là đứa con gái bố cưng nhất, bất kể con là con của ai.

-Vậy tại sao bố phải đưa cho con xem lá thứ này? sao bố ác thế?

-Vì … hôm qua, khi bố nói với con … bé Liêm là em của con là bố nói sai sự thật. Bố thấy mình thật nhẫn tâm vì đã lừa dối con để con nhận lãnh trách nhiệm chăm sóc, lo lắng cho đứa em không phải là ruột thịt của mình. Không bao giờ bố muốn các con biết chuyện lầm lỗi của mẹ.. nhưng bố không còn cách nào khác.

-Như vậy Thanh Nhiên và Thanh Nghi đứa nào mới là con của bố.

Bố cười cay đắng

-Thanh Nhiên, đứa con gái …. giống mẹ nhiều nhất, từ ngoại hình cho đến tính tình, luôn đứng về phe mẹ, xem bố chẳng ra gì!!!

Tôi hỏi trong tiếng khóc

-Như vậy con và Thanh Nghi có cùng một ông bố không?

Bố thở dài

-Không!!

Tôi gục đầu lên ngực bố khóc nấc. Chúa ơi! sao con có một người mẹ hư hỏng đến thế? Bố tốt lành biết chừng nào, tại sao mẹ lại có thể đối xử với bố tàn nhẫn như vậy?

-Xin lỗi con. Con tha lỗi cho bố … Làm cho con đau lòng là điều bố không bao giờ muốn, con hiểu không con gái cưng của bố?

Giọng nói nghẹn ngào của bố làm tim tôi nhói buốt. Tôi cảm thấy thương bố hơn lúc nào hết. Rồi tôi chợt nghĩ, nếu thương bố thì tôi không nên để bố nhìn thấy nỗi đau khổ của tôi trước khi bố bước vào giờ phút sinh tử. Nghĩ vậy, tôi lau nước mắt, cố nở một nụ cười thật tươi

-Thôi mình bỏ hết chuyện cũ đi bố. Con đã là con của bố và mãi mãi sẽ là con của bố, phải không bố?

Người ý tá bước vào phòng. Tôi đứng lên, cầm tay bố xiết thật chặt

-Bố an tâm, bé Liêm là em của con. Con hứa sẽ lo cho nó. Nhưng bố cũng phải hứa với con là bố sẽ khỏi bệnh.

Bố gật đầu. Với hai dòng nước mắt chảy dài bố đưa tay vẫy chào tôi khi chiếc giường được đẩy ra cửa.

Tôi đếm bước đến nhà nguyện nhỏ trong bệnh viện. Quỳ xuống dưới chân Đức Mẹ tôi bật khóc nức nở.

***

Mười mấy năm trôi qua như cái chớp mắt, chuyện ngày xưa giờ nhắc lại như tiếng thở dài.

Từ ngày bố mất đi cô Nhung vẫn một mình một bóng, sống lặng lẽ bên đứa con trai duy nhất giờ đây đã mười tám tuổi. Tôi và cô Nhung cùng bé Liêm đã trở thành người trong gia đình, lúc nào gặp nhau cũng vui vẻ, thân mật. Phần tôi, tôi rất sung sướng và hãnh diện vì đã góp phần không nhỏ trong thành quả học tập xuất sắc của Liêm, đứa con riêng của bố mà tôi thương yêu hơn cả hai đứa em cùng một mẹ với tôi.

Mẹ đã bước thêm một bước nữa. Và từ ngày trở thành vợ của “người ta” mẹ bỗng trở nên mềm mỏng, dễ thương lạ lùng. Những tiếng dạ vâng, ngày xưa chưa bao giờ tôi nghe mẹ nói với bố thì bây giờ lúc nào cũng sẵn sàng trên môi mẹ. Mẹ nói với tôi rằng mẹ rất hạnh phúc. Nhưng những vết bầm thỉnh thoảng xuất hiện trên cổ, trên tay mẹ khi tôi xót xa hỏi “hạnh phúc của mẹ là những cái này sao?” thì mẹ khẽ khàng giải thích rằng, vì người đàn ông đó quá yêu mẹ, sợ mất mẹ nên mới ghen, mới giận và vì không kềm giữ được sự nóng giận nên ông ta lỡ tay.

Thỉnh thoảng mẹ cùng tôi ra nghĩa trang thăm mộ bố. Mẹ vẫn nói với tôi, “ngày xưa bố cưng con nhất nhà… “. Đôi lúc tôi muốn “điền vào chỗ trống” sau câu nói của mẹ “… dù con không phải là con ruột của bố”. Nhưng nhìn những giọt nước mắt của mẹ tôi không đành, nên cái bí mật kia sẽ mãi mãi là một bí mật giữa bố và tôi. Không biết những giọt nước mắt của mẹ mang ý nghĩa gì? có phải là giọt nước mắt hối tiếc vì mẹ không nhận ra cái diễm phúc của người đàn bà -là mẹ- đã được Chúa ban cho một người chồng độ lượng, mà mẹ như người đi trong đám sương mù dày đặc không nhìn thấy \gì ngoài những ham mê vật chất?

Trong những giấc mơ tôi vẫn thường thấy bố đứng giữa cánh đồng cỏ xanh bạt ngàn, phía sau là suối nước lấp lánh với những giải bọt trắng xóa như hoa tuyết, bố cười và nói với tôi “Cám ơn con, đứa con gái tốt lành và đáng yêu của bố” .

 

Ngân Bình

 

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search